Để có được một mái ấm an dưỡng
tuổi già trên xứ Mỹ, nhất là trong thời kỳ đại dịch coronavirus, khi
mà tin tức phần đông ca tử vong vì COVID-19 đến từ các viện dưỡng
lão trên khắp nước Mỹ, thì hành trình đi tìm cho ông anh mình một nơi
nghỉ dưỡng an toàn còn khó hơn là tìm đường vượt biên của những
thập niên 70's.
Ở đây tôi không nói đến tình
trạng tài chánh, vì thường tình một người ở Mỹ sau khi đã một đời
đi làm đến tuổi về hưu và sau khi con cái đã thành tài lập nghiệp
có gia thất riêng thì vợ chồng già còn lại những gì?
Có chăng còn lại một ngôi nhà
đã trả hết nợ nần, nhưng căn nhà giờ đây chỉ còn lại hai ông bà già
với một khoảng không gian trống vắng không cùng, đầy ắp những kỷ
niệm. Còn đâu những tiếng cười đùa trẻ thơ và những bữa cơm gia đình
một thời bên nhau... May mắn thay cho những cặp đôi tuổi già, ngoài căn
nhà và sổ lương hưu nhất định, còn lại được chút tình già sớm tối
có nhau, dựa nhau cùng nắm tay trên bước đường của một cõi đi về...
Ước mơ thật đơn giản phải không
bạn? Nhưng đó lại là giấc mơ không bao giờ với tới được của rất đông
bạn già đã về hưu trong hội Ái hữu cựu Sĩ quan Không Quân tỵ nạn
trên đất Mỹ mà tôi biết, kể cả ông anh tôi...
Sau mấy mươi năm trường chịu đựng vì
con cái và vì sĩ diện với bà con dòng họ, với bạn bè, với cộng đồng giáo
xứ nơi đang sinh sống, để lo tương lai cho các đứa con, giờ đây khi mái
đầu đã điểm sương, dáng đi xiêu vẹo, cháu con đề huề, người vợ một đời
đầu ấp tay gối lại quay tít một vòng 360 độ, hoàn toàn đổi ý, bỗng
coi nhẹ sỉ diện, chỉ muốn sống một ngày cho ra sống mà cả cuộc đời
bà không có cơ hội: một mình, tự do, tự tại... không vướng bận một
ai mà chuốc thêm muộn phiền. Ích kỷ giờ đã lên ngôi, hay là cơ hội
đã đến để đáp trả lại những ẩn tình khúc hận chất chứa trong lòng
bấy lâu cho một cuộc tình không như mơ ước...?
Đó có phải là tâm lý chung? Chỉ
có hai người trong cuộc mới thấu. Vì đâu nên nỗi đoạn trường? Hai
người đã từng đồng cam cọng khổ bước qua những năm tháng dài gian nan khổ
ải, những đêm vợ chồng thức trắng đêm để lo cho con cái bị bệnh. Thế
mà, khi những ngày tháng gian khổ qua đi, các con giờ đã trưởng thành,
ông bà không còn phải bận tâm tới cái ăn, cái mặc, nhàn nhã tuổi già bách
niên giai lão. Cứ ngỡ rằng ông bà sẽ cùng nắm tay nhau đi trọn hết cuộc
đời ô trọc nầy. Nhưng than ôi! hôn nhân của mấy mươi năm trường đã đi vào
ngõ cụt... Đành quay lưng ngoảnh mặt làm ngơ với một lý do cứ tưởng như
đùa, thật nhẹ tênh: “Có quá nhiều mâu thuẫn không thể hàn gắn” hay
"duyên phận đã hết, đành tận nghĩa phu thê"!
Cả thời tuổi trẻ họ sống vì con, vì
định kiến xã hội, đến khi ở độ tuổi không còn trẻ, tóc đã điểm sương, họ mới
tự giải thoát mình ra khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc nầy chăng?
Để giải quyết. Ly thân, nhưng
không ly dị...Thân ai nấy lo, đối xử nhau như một kẻ thù. Ôi cũng là nỗi
vô tình của kiếp vô thường... Hồi kết của chuyện tình già sao thật
buồn thỉu buồn thiu...
Biết đến bao giờ anh tôi mới ngộ
ra cơn trầm cảm của giấc mộng Nam Kha, chấp nhận số phận hẩm hiu...
Thôi thì níu kéo nhẫn nhịn thêm để làm gì, chắc gì hạnh phúc. Biết tìm
cho mình một chút gì thanh thản ở cuối đời để tâm hướng về cõi phục
sinh cứu độ... của Lòng Chúa Thương Xót.
“Người ta bảo, vợ chồng già phải có
nhau, chăm sóc nhau nhưng anh thì bất hạnh. Lúc trước, anh cứ nghĩ chỉ cần
anh yêu thương T., tảo tần lo cho gia đình thì sẽ được tha thứ, bỏ qua hết
mọi chuyện. Cú sốc này làm anh đau lắm chứ. Có lẽ quãng đời còn lại, anh phải
biết sống tốt hơn cho bản thân mình, biết chấp nhận số phận" có
lần anh tôi tâm sự như vậy trong nước mắt, lần đưa anh ra dạo biển
Huntington gần đây. Nghĩ lại thấy thương thương..., thêm lời cầu cho ông
anh mình mong được như vậy... Hay cũng chỉ là câu trả lời trong ánh
mắt vô thần của ông anh tôi: - "Biết! Nhưng khó lắm. Sao cũng
được. Vẫn bình thường. Cho gì ăn nấy...", đã từng lấy đi bao
nước mắt của em gái tôi...
Mới đây tình cờ đọc được một
bài viết trên mạng xã hội phản ảnh một phần thực tế về sinh hoạt
tại một viện dưỡng lão ở quận Cam, California, của một cô gái Mỹ
gốc Việt, cô Mary Tran, một người được đào tạo trong lãnh vực "Y
Tế & Dịch Vụ Nhân Sinh" (Health & Human Services field). Xin trân
trọng lược dịch và đăng lại để làm trải nghiệm cho những ai đang đi
tìm nhà dưỡng lão hay viện hưu dưỡng (Nursing Home - Senior Assistance Living)
trên đất Mỹ cho người thân, đỡ bàng hoàng. Bài viết có tựa đề:
"The journey to find a Nursing
Home"
(Hành trình đi tìm nhà dưỡng
lão)
....Tháng trước đây mình có giúp
làm một tờ Giấy ủy quyền (Power of Attorney) cho một người thân của bạn
mình, đang điều trị tại một bệnh viện địa phương về bịnh tai biến,
lý do bệnh viện muốn chuyển người thân bạn mình qua một khu trung tâm
nghỉ dưỡng có cơ sở Phục hồi chức năng (Nursing Home - Rehab), để bệnh
nhân vừa dưỡng bệnh vừa qua vật lý trị liệu. Tình hình đại dịch
COVID-19 như hiện nay, tất cả mọi nơi đều quá tải, không còn chỗ trống,
nhân viên quản lý bệnh nhân (Case Manager) vẫn chưa tìm được một nơi
nào khả dĩ. Thế là bạn mình gọi nhờ tôi giúp đỡ. Tôi hứa sẽ giúp
bạn tôi tìm một nhà dưỡng lão tốt. Chưa có kết quả, thì bạn tôi báo
tin vui rằng không cần làn phiền tôi nữa, nhân viên sở xã hội của bạn
mình (Social worker) đã tìm giúp cho bạn mình một trung tâm Phục hồi
chức năng vừa có luôn cơ sở dưỡng lão (Nursing Home - Rehab) tốt, gần
bệnh viện, để tiện cho việc đi lại, đưa đón. Mình rất vui và yên tâm vì
biết rằng người thân của bạn mình biết được tiếng Anh và còn rất tỉnh
táo, nên tin chắc là sẽ không một ai có thể ăn hiếp được người thân đó
của bạn tôi. Với lại, sau này khi đã phục hồi được một phần chức năng,
người thân của bạn tôi cũng sẽ phải chuyển qua sống trong một viện
dưỡng lão lâu dài thôi. Vì thế đây coi như một cuộc trải nghiệm...
Nghe bạn nói thế mình chỉ biết
khuyên bạn mình nên hết sức cẩn thận, đừng quá vội tin ai trong việc
chọn lựa cho người thân mà bạn yêu thương một nhà hưu dưỡng. Bỡi lẽ
trong nghề mình quá biết "con quạ nào lại không đen", chẳng qua
nó có biết khéo che đậy hay không mà thôi.
Thật vậy, hai ngày sau khi được
bạn mình cho biết địa chỉ cơ sở của nhà "Care Home" nầy,
mình đã ghé thăm người thân của bạn tôi tiện thể cho bạn tôi ý kiến
chuyên môn của mình. Vào thăm, gặp người thân của bạn tôi, ngồi đó, trên
một chiếc xe lăn, gục đầu, nửa thức nửa ngủ, lờ đờ. Tôi hỏi người giúp
việc ở đây, họ trả lời là bạn ấy từ ngày vào đây ban ngày thường
hay ngủ suốt. Mới đầu tôi nghĩ có lẽ ông ta mới từ bệnh viện qua nên chưa
quen hơi, với lại uống nhiều loại thuốc mới, có thể chưa quen. Tôi yêu cầu
xin họ cho tôi coi lại danh sách thuốc PRN mà y tá đang cho ông ta uống.
Cũng nên biết thêm đơn thuốc PRN là chữ viết tắc của "pro re
nata" có nghĩa là việc dùng thuốc không theo lịch trình. Thay vào đó, đơn
thuốc được thực hiện khi cần thiết. Tôi xem qua danh sách PRN, khám phá ra
họ cho bệnh nhân uống tối đa liều thuốc ngủ cho phép, tôi có hỏi bệnh
nhân thì người thân của bạn tôi nói là không hề yêu cầu thuốc ngủ, trong
khi Y tá một mực nói là có yêu cầu.
Trước khi đi mình lấy điện thoại
chụp nhiều hình ảnh chung quanh gian phòng của ông bạn. Hai ngày sau tôi
quay lại, thùng rác và rác cá nhân vẫn chưa đổ hay dẹp, tôi gọi Y tá
trực hôm đó để khiếu nại, họ đổ thừa là tại có hai loại rác khác nhau,
người phụ trách vệ sinh (house keeping) tưởng là rác y tế nên không dọn.
Mùi hôi thúi từ đó xông lên nồng nặc.
Còn đồ ăn thì khỏi phải bàn, 90%
món ăn là từ đồ hộp có sẵn, thứ phát chẩn, hoặc là thức ăn đông đá,
thịt gà thì cứng và khô như gỗ, đậu đũa (green beans) từ hộp lon ra thì
mặn chát, nguội lạnh, thế mà tụi nhà bếp lại còn cắt luôn khẩu phần sữa
dinh dưỡng của người già làm mình phải đi cãi lộn với họ, vì mình biết
chắc một điều là tụi nó giấu sữa Ensure để đem về.
Ngày hôm sau nữa mình lại đến, lần
nầy Y tá quên không rửa vết thương và thay băng mới cho vết thương ngã
té của ông bạn mình trong lần ngã trước đây bị nhiễm trùng. Trời ạ,
vết thương cần thay băng mỗi ngày 2 lần. Thuốc uống cho bệnh nhân thì một số
đã được phân chia sẵn (prepack) trong những túi nylon nhỏ, tụi nó cứ đem
cho bệnh nhân uống mà không cần coi lại, vì dạng thuốc đóng gói sẵn, nên
chuyện sai sót thuốc dư thiếu thừa là chuyện bình thường, nhưng Y tá không hề
kiểm tra lại. Thuốc huyết áp, mém chút nữa người thân của bạn tôi phải
uống liều gấp đôi. Tôi khuyên ông khi uống thuốc phải coi chừng, nhưng vì quá
đau nhức và không đủ sức khỏe nên ông cũng không buồn lên tiếng. Mình biết
chắc ông bị cho uống thêm liều thuốc ngủ trong mục PRN mà không làm gì giúp
được ông.
Đỉnh điểm là khi cô nhân viên phụ
việc cho Y tá (Nurse Aid) đưa cho ông ly nước để uống thuốc, tôi thấy
không bình thường, khi ngửi có mùi rất khó chịu, mình vặn hỏi sao lại đưa
nước lấy trong cầu tiêu (rest room) cho bệnh nhân uống, nàng một mực
chối. Mình yêu cầu nàng viết giấy xác nhận cho mình lấy mẫu nước để gởi
đi phòng lab thí nghiệm, nếu không mình dọa sẽ gọi cảnh sát (state
police) và tố giác trung tâm về tội ngược đãi bệnh nhân (neglected
patient), tới khi đó nàng mới xin lỗi rối rít và đổ thừa cho nhà
bếp đưa, chớ nàng hoàn toàn không biết gì.
Còn nữa, họ cho biết trung tâm có
dịch vụ đưa đón chuyên nghiệp (professional transportation), hôm đó mình
mới vỡ lẽ chứng kiến bà thư ký phục dịch tại quầy tiếp đón (front
desk) lại kiêm luôn tài xế trong dịch vụ nầy. Bỡi khi chứng kiến cảnh
bà nầy đưa người già đi khám bệnh về, khi đưa ra khỏi xe, chiếc xe lăn
(wheel chair) của ông lão bị vướng vào vạt áo dài đầm xòe của bà
tài xế làm cho ông lão bị lăn cù xuống đất không tài nào đứng lên được
nữa, may mà ông lão không hề hấn gì. Vì không kinh nghiệm và không qua
khóa huấn luyện chuyên môn nào về "transfer patient" nên bà ta
mới mặc chiếc váy dài lê thê như đi dự dạ tiệc, tội nghiệp cho ông
lão phải một phen lộn nhào bầm dập. Thấy tình cảnh nầy mình chạy vào
gọi người ta ra giúp. Mình chắc chắn là gia đình họ sẽ không hề biết những
chuyện thương tâm như thế này.
Ngồi một chút, bỗng tiếng la hét
của người già khóc lóc, trộn lẫn tiếng mấy cô nhân viên la hét, mùi hôi
khai ở đâu xông lên nồng nặc không thể nào chịu nổi. Mình thừa biết, khi có
nhân viên từ tiểu bang (state) xuống kiểm tra thì mọi thứ đều tốt
lành, nhưng khi họ rời khỏi thì mọi thứ đâu cũng vào đó.
May mắn thay cuối cùng mình cũng
tìm ra được cho người thân của bạn mình một nhà dưỡng lão tương đối
tốt hơn mà theo bản đánh giá của một viện đánh giá độc lập trên
bản xếp hạng có điểm khá cao, ở đây có RN (Registered Nurse) và BSN
(Bachelor of Science in Nursing) làm việc, chứ không phải chỉ có LPN
(Licensed Practical Nurse) như tại trung tâm cũ. Phòng ốc sạch sẽ không hôi
khai. Giường nằm tối tân có gắn máy báo động (sensor), cứ mỗi 2 giờ sẽ
gọi báo vào beeper của Y tá trực, sẽ có người đến xem chừng bệnh nhân,
trở bên thế nằm và chăm sóc vệ sinh cá nhân cho họ. Thực đơn nhà bếp
thì tương đối phong phú hơn, nhiều món ăn chọn lựa, có đầu bếp chuyên
nghiệp lo việc nấu nướng. Nói chung mọi thứ làm bạn yên tâm.
Mình gọi cho bác sĩ phụ trách yêu
cầu xin chuyển ông ta đi qua chỗ mới nầy ngay. Hai ngày sau mình ghé thăm
ông ta tại nhà dưỡng lão mới nầy, không ngờ đi tránh vỏ dưa lại gặp
vỏ dừa, ông ta than với mình là ông bị co rút bắp chân (muscle spasm)
liên tục nên rất đau nhức không chịu được. Nghe thế mình sinh nghi là
có thể ông ta đã không được cho uống đúng thuốc hay bị thay thế
(withdrawal), tôi hỏi ông có uống thuốc giảm đau không, ông nói có, mình chờ
đúng giờ ông ta được cho uống thuốc, để coi có phải là loại thuốc
giảm đau loại tốt Hydrocodone đúng hiệu không? y chang, nó đổi thuốc bằng
hiệu Tylenol, mình lại thêm một lần cải vã với Y tá và dọa sẽ tố
cáo gian lận, sau đó thì mọi việc yên ổn, ông không còn bị uống thuốc dzỏm
nữa. (Tình trạng Y tá ăn cắp thuốc rất phổ biến ở viện dưỡng lão)
Y tá ở đây làm việc rất máy móc,
như câu chuyện về cái giường nằm thông minh được họ xử dụng ở đây, cứ
hễ 2 tiếng, bất kể bệnh nhân ngủ hay không, nhân viên trợ y CNA (Certified
Nurses Assistant) cứ đè bạn mình ra quay trái quay phải, khiến cho 2 đêm đầu
làm cho ông mất ngủ. Bạn tôi kể, con nhỏ trợ y CNA mới đầu thấy anh ta là
người Việt tưởng không biết được tiếng Anh, nên vừa ôm điện thoại nói
chuyện với bồ vừa giúp ông ta, bạn tôi hỏi lại có phải mày đang nói
chuyện với bồ mày không? nó xin lỗi cứ tưởng bạn mình không biết tiếng
Anh, sau đó cô gái đổi qua ngôn ngữ khác để nói chuyện. Mình kêu ông bạn
mình thu âm gửi cho mình, mình nhờ nhóm bạn đồng nghiệp của mình tại
sở làm nghe là tiếng nước nào, sau khi biết là loại tiếng lóng hay tiếng
bồi (Creole), mình nhờ nhóm bạn dịch cho mình, họ không dám dịch vì
nó quá tục. Mình nói cứ dịch, hôm sau mình trở lại yêu cầu cho gặp Y tá
trưởng (Nurse Manager) hay Social Worker, hoặc Administrator để trình bày
câu chuyện. Họ tưởng mình là dân làm tiền chuyên nghiệp, kiểu như giả vờ bị
ngược đãi (abuse neglected) rồi giả vờ đòi đi kiện, để được ăn ở miễn phí,
hay hù dọa kiếm tiền. Bà quản lý ở đây hứa hẹn nhiều thứ cho mình,
nghĩ thật buồn cười. Lúc đó mình mới nói thật là mình đã từng làm
việc trong nghề nên biết, chỉ cần chăm sóc tốt cho bạn tôi là được.
Thời gian 3 tuần cũng qua mau, bạn
mình nói đâu ngờ viện dưỡng lão (Nursing Home) trên đất nước văn minh nầy
sao mà nó kinh khủng như vậy. Mình cố giải thích cho bạn mình rất nhiều
chuyện, không hẳn hễ cứ biết được tiếng Anh, biết luật là không ai ăn hiếp
được mình. Ở viện dưỡng lão họ rất tinh vi, họ rành mọi kẽ hở, lơ mơ
là mình không làm gì được họ đâu.
Mình suy nghĩ rất nhiều trước khi
viết bài này. Là một người từng làm việc ở viện dưỡng lão, Hospice (khu
chờ chết), Bệnh viện, mình biết người nhà của bệnh nhân luôn phải biết ăn
nói nhã nhặn, luôn biết tôn trọng, hòa nhã với các nhân viên làm việc ở
đây. Những ai đã từng gặp mình ở ngoài thì biết mình hiền khô à Nhưng
đối với những vấn nạn như thế nầy thì mình nhất quyết không nhân
nhượng.
Sau cùng, dù biết mỗi gia đình, mỗi
hoàn cảnh khác nhau. Nhưng nếu bạn thật lòng yêu thương cha mẹ, anh em và
người thân của mình thì xin bạn đừng bao giờ có ý định đưa họ vào nhà
dưỡng lão - Vô số nỗi buồn ở Nursing Home!"
(Hết trích)
Một lời khuyên của người trong
nghề nghe sao não lòng!
Hay đó cũng là con đường mà
mình sẽ chuẩn bị cho đời mình...
"NGÀY SAU SỎI ĐÁ CŨNG CẦN
CÓ NHAU" (tcs)
Cám ơn bài viết của bạn Anre Huynh rất chi tiết về cái tuổi xế chiều,tuy nhiên chặng đường trong cuộc hành hình thập tự ngắn ngủi mà Chúa Giêu đã dậy:" Hãy chịu mọi sự khó cho nên" trước khi về Quê Trời mà.
ReplyDeleteNghe bạn Huynh mô tả toàn những việc bất bình trong nhà dưởng lão mà mình chùn bước khi muốn vào đây. Cũng có những nơi làm việc có luông tâm chớ. Cám ơn bạn Anre Huynh.
ReplyDeleteDung la cung co nhung noi lam viec co luong tam nhung ca nhan lam viec tot thi rat hiem hoi ban ah.
Delete