Sunday, May 1, 2022

Tưởng Nhớ Thầy Văn Đình Vinh - Nguyễn Giụ Hùng

Thầy Văn Đình Vinh và các sinh viên


Sáng hôm ấy, tất cả các anh em cựu sinh viên trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ (QGKSCN) tại San Jose và các vùng phụ cận đều đến tụ tập đông đủ tại nhà thờ Thánh Tử Đạo Việt Nam để tiễn đưa thầy Văn Đình Vinh kính yêu về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tất cả chúng tôi đến từ sớm và yên lặng ngồi ở những hàng ghế cuối để chờ giờ hành lễ. Những hàng ghế đầu dành cho gia đình và bằng hữu của thầy. Không khí nhà thờ lúc ấy thật trang nghiêm và yên lặng, cái trang nghiêyên lặng của một buổi tiễn đưa nhẹ nhàng và cảm động chứ không bi thương dù sự ra đi đột ngột của thầy là sự mất mát lớn lao cho gia đình thầy cũng như gia đình Kỹ Sư Công Nghệ (KSCN). Gia đình KSCN ở đây, tôi muốn nói đến toàn thể Ban giám đốc, Ban giảng huấn, và những người có liên hệ đến trường mà trong đó phải kể đến gần như hầu hết là các môn sinh của thầy, dẫu trực tiếp hay gián tiếp đã nhận được sự giúp đỡ, chăm sóc hay giáo huấn của thầy.

Trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ (1) mang tầm vóc Quốc gia như với cái tên của nó. Thầy Vinh không những vừa là Giám đốc đầu tiên, vừa là Giáo sư mà còn là một trong số những người quan trọng đã góp công khai sinh ra trường này từ những buổi ban đầu, lúc còn mới mẻ và đầy khó khăn vào khoảng đầu thập niên 1950. Gia đình KSCN đã coi thầy như người cha, người anh cả kính mến của mình, trọng về tài kính về đức độ, và được yêu mến vì tính tình thầy bình dị, gần gũi, thương yêu đối với tất cả sinh viên trong trường. Sự kính trọng không phải chỉ đến từ người Việt Nam mà còn đến từ những vị giáo sư người Pháp nữa. Mỗi khi thầy Vinh bước vào lớp dạy của các giáo sư người Pháp, tôi thấy họ đã tiếp thầy với thái độ cung kính và nể trọng, nghĩa là thầy rất có uy tín ngay cả với những vị Giáo sư người Pháp trong trường.

Tôi không có may mắn được học trực tiếp với thầy nhưng lại có may mắn được gần gũi vào những ngày cuối cùng của thầy ở San Jose, nơi thầy cô định cư và chung sống với gia đình anh chị Văn Đình Phúc (2), người bạn học cùng khóa với tôi. Trong những bữa cơm gia đình được mời tại nhà anh chị Phúc, thầy kể cho chúng tôi nghe thật nhiều về cuộc đời của thầy, kể cả những chuyện xa xưa. Có lúc cao hứng, thầy đã vượt ra khỏi giới hạn tình thầy trò để kể về những mẩu chuyện vui vui của mình. Chúng tôi cứ cười phá lên dù cô Vinh, một người đàn bà vô cùng nhu mì, thỉnh thoảng lườm yêu thầy để nhắc khéo chồng đừng đi quá xa trong những câu chuyện kể. Thầy chỉ ậm ừ :“Con cháu trong nhà mà!”. Chúng tôi hết sức xúc đông khi nghe thầy nói thế và cảm thấy gần gũi với thầy hơn. Tôi biết bản tính của thầy là người nghiêm nghị và ít nói.

Thầy cô Văn Đình Vinh

Bên cạnh chuyện vui không phải là không có những chuyện buồn. Trong thời gian còn bị kẹt lại ở Việt Nam sau năm 1975, thầy đã phải rất vất vả trong sự mưu sinh hàng ngày. Với tính khí khẳng khái của kẻ sĩ ngày xưa, thầy đã không cộng tác với chế độ mới và cũng không nhờ vào sự giúp đỡ của ai, dù trong tay thầy có những bằng cấp đứng vào một trong hàng cao nhất nước. Thầy chấp nhận những công việc lao động chân tay nặng nề mà hậu quả của những ngày dùng búa đập những lá tôn lợp nhà cho phẳng đem bán trong một thời gian dài đã làm thầy bị điếc một tai. Tôi nghe câu chuyện này làm tôi càng kính trọng thêm về nhân cách của thầy.

Thầy kể hết chuyện ngày xưa đến chuyện ngày nay. Lúc đó, ở San Jose, thầy đang chờ đợi chính phủ Pháp trả lời về số tiền hưu họ phải trả cho thầy vì có một thời gian thầy đã làm việc cho chính phủ Pháp khi còn ở bên Tây trước khi về nước. Sau này, tôi được Phúc cho biết, thầy mất trong một buổi sáng sớm khi thầy thức dậy tự pha cà phê cho mình rồi đột quỵ bởi cơn “nhồi máu cơ tim” (heart attack) khi giấy tờ của chính phủ Pháp chính thức trả lời chấp nhận trả tiền hưu bổng cho thầy chỉ trước đó vài ngày. Anh Phúc cũng cho biết thầy đi rất nhẹ nhàng. Theo tôi, thầy còn đi được thanh thản hơn nữa vì đã đạt được sự mong muốn cuối cùng về món tiền hưu lúc tuổi già trước khi ra đi. Chắc lúc này thầy ở trên cao nhìn xuống  mỉm cười thằng học trò đang ngồi viết mấy dòng nhận xét ấy.

Thời gian trước khi thầy mất, sức khỏe rất tốt, chỉ trừ một lần tôi phải vào bênh viện thăm thầy đi mổ mắt vì bệnh “hột cườm”. Hôm đó tôi hơi xúc động khi thấy thầy nằm trên giường của bệnh viện với khuôn mặt thật mệt mỏi. Thầy không nói gì mà chỉ đưa tay cho tôi bắt. Phúc ra khỏi phòng, tôi nắm tay thầy rất lâu, nói vài câu thăm hỏi và chúc thày mau bình phục. Thầy không nói gì mà chỉ gật đầu và bóp nhẹ tay tôi. Cô ý tá trở lại để thay băng mắt cho thầy. Tôi từ giả thày ra về với lòng thương cảm, và tôi đã không biết buổi thăm hôm đó chính là buổi gặp mặt cuối cùng của tôi với thầy. Ít tháng sau tôi được hung tin thầy đột ngột ra đi.

Buổi lễ ở nhà thờ diễn ra thật trang nghiêm. Những thủ tục hành lễ, đọc điếu văn được diễn ra tuần tự. Trong cái trang nghiêm ấy, thỉnh thoảng tôi nghe thấy tiếng nấc khóc rất nhẹ và ngắn ngủi từ phía gia đình và người thân của thầy. Tôi phải lấy “kính râm” (sunglasses) đeo vào mắt để che dấu sự xúc động của mình. Vài người quanh tôi cũng làm như thế. Linh cữu của thầy đã được di chuyển từ từ ra khỏi phòng nguyện. Khi quan tài đi ngang qua chỗ chúng tôi, chúng tôi đứng dậy cúi đầu chào và tuần tự ra khỏi hàng ghế, bước theo sau linh cữu của thầy. Tôi liếc thấy có anh lau vội nước mắt.

Chiếc xe tang “Limousine” màu đen chở linh cữu thầy từ từ chuyển bánh tiến về nghĩa trang Oak Hill và được hộ tống bằng bốn chiếc xe mô-tô cảnh sát dẫn đầu dẹp đường. Theo sau linh cữu thầy có hàng chục chiếc xe hơi nối đuôi nhau di chuyển một cách im lặng và chậm hơn tốc độ bình thường của những xe cộ khác trên đường phố.

Chiếc “Limousine” qua cổng nghĩa trang Oak Hill, tiến sâu vào phía trong và dừng lại tại ngôi đồi nhỏ, nơi đó “huyệt” đã được đào sẵn. Linh cữu thầy được di chuyển ra khỏi xe và được treo lơ lửng trên miệng huyệt. Những thủ tục tang lễ của người Thiên chúa giáo lại được tiến hành ở đây. Những lời cầu nguyện của Cha xen lẫn với tiếng gió thổi, với tiếng lào xào của lá cây và vài tiếng nấc như cố chặn lại tiếng khóc muốn bật ra. Tất cả những âm thanh ấy như tỏa ra và bao trùm lấy khu tang lễ.

Giờ hạ huyệt bắt đầu. Linh cữu thầy từ từ được hạ huyệt. Những tiếng khóc nay đồng loạt bật ra vang động. Chúng tôi cố len vào để tiễn thầy bằng những cánh hoa tươi hầu gửi đến thầy lời cám ơn cuối cùng và cầu mong thầy sớm về nơi an nghỉ vĩnh hằng. Phúc đứng lặng không khóc được, mắt đỏ hoe và những dòng nước mắt chảy dài trên má. Tôi nắm cánh tay Phúc siết nhẹ thay cho một lời chia buồn. Chiếc xe xúc cát bắt đầu đổ cát để lấp huyệt. Những tiếng “lốp bộp” đầu tiên của cát rơi trên linh cữu làm trái tim tôi như thắt lại. Những âm thanh “lộp bộp” ấy báo cho tôi biết đây là giờ phút thật sự tôi đã mất đi người thầy kính mến của mình.

Chúng tôi ra xe để trở về nhà, lòng buồn man mát, không ai nói với ai lời nào và đi trong yên lặng. Tôi liên tưởng tới một ngôi sao sáng vừa xẹt tắt trong màn đêm. Ngước lên trời cao, trời hôm nay đẹp quá, tôi muốn nói với thầy :“Chúng con cố gắng được sống như thầy và mong được chết như thầy”. Sống được sự kính trọng và khi chết được sự yêu thương của mọi người. Đến cuộc đời này một cách thanh thản và rời cuộc đời này một cách nhẹ nhàng.

Vâng, chúng ta, những môn sinh của thầy, hãy cố gắng sống như thầy và được chết như thầy. 

Ghi chú

*1) Trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ (QGKSCN) được thành lập ở cấp bậc Quốc gia, được sự viện trợ trọn gói của chính quyền Pháp, kể cả về cơ sở vật chất lẫn giáo sư và theo đúng chương trình đào tạo chính thống trong hệ thống giáo dục của Pháp trong thời gian đó. Hàng năm, tính tới năm 1975, trường QGKSCN tuyển nhận từ 10 tới 25 sinh viên qua một kỳ thi tuyển hàng năm.

*2) Nhận được tin anh Văn Đình Phúc đã mất vào đầu năm 2022.

 

NGUYỄN GIỤ HÙNG

No comments:

Post a Comment