Saturday, July 2, 2022

Hè Trên Quê Hương Ta Qua Thi Ca - Nguyễn Giụ Hùng


Mùa hè ở thành phố San Jose, nơi tôi đang ở, với cái nóng tròm trèm trên dưới 100 độ F (37.8 độ C) đang xồng xộc tới. Vào những ngày cuối tuần, nhiều người trong thành phố cố chạy thoát khỏi cái nóng bằng cách lái xe từng đoàn lũ lượt, vội vã rời khỏi thành phố đông đúc để tới những vùng bãi biển lân cận êm đềm tìm gió mát hay tắm biển. Những bãi biển đẹp và thơ mộng nổi tiếng ở vùng bắc California như Monterey, Santa Cruz hay San Francisco, xe cộ luôn được nêm cứng không một chỗ hở dọc theo những bờ biển đó.

     Thấy thiên hạ chạy nóng, tôi liên tưởng tới bài hát “Phố buồn” của nhạc sĩ Phạm Duy với những tiếng trách móc của mưa.  Có đoạn:

       Hạt mưa, mưa qua mái rách
      Mưa như muốn trách
      Sao ta chạy quanh.

      Hạt mưa, mưa yêu áo rách
      Yêu đôi sát nách
      Mưa ngưng không đành

      Với nắng nóng mùa hè, nắng có trách sự chạy trốn của chúng ta không nhỉ?

      Nhân tiện đây, như để trả lời cho nắng, tôi xin gửi đến các bạn hình ảnh và tình cảm trong niềm thương nỗi nhớ của tôi dành cho những ngày nắng chói trên quê hương chúng ta qua vài bài thơ hè của dăm ba thi nhân tượng trưng đã làm trong thời tiền chiến. Âu cũng là “Chúng ta đi mang theo quê hương”, tài sản tinh thần trân quý của những người xa xứ lâu năm như tôi.                       

Xuân, Hạ, Thu, Đông bốn mùa thay đổi. Mùa Xuân mát mẻ, cây cối đâm chồi nẩy lộc; mùa Hè nóng bức, cây lá tốt tươi; mùa Thu ảm đạm với mây xám, có gió heo may, có lá vàng rơi xào xạc; mùa Đông giá lạnh, cảnh vật héo hắt, buồn tênh. Sự thay đổi thời thiết và cảnh vật thiên nhiên của mỗi mùa đều mang cảm hứng đến cho thi nhân, trải lòng mình qua thi ca. Nếu ta đi tìm những bài thơ về mùa Thu hay Xuân thì nhiều lắm, còn thơ về mùa Hè thì hiếm hoi hơn. Cứ như mùa Thu, nếu bỏ Thu đi, văn chương nhân loại ắt mất đi một phần rất lớn. Trong giới hạn bài này, tôi chỉ xin nói đến một vài bài thơ tiêu biểu của các thi nhân viết về mùa hè miền Bắcmiền Trung nước ta. Miền Nam, mưa nắng hai mùa hiền hoà, tôi xin được nói vào một dịp khác.

Trước hết, để biết về cái nóng mùa hè xứ Bắc thế nào, ta hãy nghe cụ Nguyễn Khuyến viết về nó:

Cái nóng nung người, nóng nóng ghê...

Nóng như nung thì đủ biết nó nóng như thế nào. Người ta nung gạch ý mà! Chỉ một câu ngắn ngủi ấy, nó đủ hàm chứa cái nóng của mùa hè miền Bắc ra sao. Bên cái nóng như nung, ta còn có biết bao nhiêu hình ảnh của ngày hè qua những buổi trưa nắng cháy, buổi chiều tà hay đêm trăng sáng. Mỗi thời điểm đều mang nét đặc thù của nó. Cái đáng nói nhất ở đây qua thi ca vẫn là cảnh sinh hoạt về mùa hè ở thôn quê.

Khi nói đến trưa hè ở thôn quê miền Bắc, người ta hình dung ngay ra cái cổng làng với cây đa, những con trâu nằm nhai cỏ lười biếng, những cô thôn nữ dừng chân bên lũy tre lặng gió phe phẩy chiếc nón lá, tiếng võng đưa kẽo kẹt, tiếng gà gáy trưa ... hình bóng chiếc diều đứng gió giữa trời xanh, bà hàng thiu thiu ngủ. Đấy là những hình ảnh rất quen thuộc mà bất cứ người dân quê miền Bắc nào cũng thấy và sống trong đó. Thi sĩ Bàng Bá Lân đã góp nhặt tất cả những hình ảnh ấy vào một bài thơ như bức họa “Trưa hènơi đồng quê.

Chúng ta hãy nghe và thả hồn rung động với những dòng thơ chân quê mộc mạc nhưng đượm tình quê hương này nhé:

Dưới gốc đa già, trong vũng bóng,

Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai.

Ve ve rung cánh ruồi say nắng;

Gà gáy trong thôn những tiếng dài.

 

Trời lơ cao vút không buông gió;

Đồng cỏ cào phô cảnh lượt hồng.

Êm đềm sóng lụa trôi trên lúa;

Nhạc ngựa đường xa rắc tiếng đồng.

 

Quán cũ nằm lười trong sóng nắng,

Bà hàng thưa khách ngả thiu thiu,

Nghe mồ hôi chảy đầm như tắm...

Đứng lặng trong mây một cánh diều.

 

Cành thưa, nắng tưới, chim không đứng;

Quả chín bâng khuâng rụng trước hè.

Vài cô về chợ buông quang thúng

Sửa lại vành khăn dưới bóng tre.

 

      Thời gian dừng buớc trên đồng vắng;

Lá ngập ngừng sa nhẹ lướt ao.

Như mơ dường khói lên trời nắng;

Trường học làng kia tiếng trống vào.

(Bàng Bá Lân - Trưa hè)

Đọc bài thơ này ta thấy ngay được cái cảnh trưa hè ở thôn quê miền Bắc. Có một điều lời thơ nhẹ nhàng quá, êm ả quá, người đọc chỉ thấy cái yên tĩnh của trưa hè mà không thấy được cái nóng sôi sục đến gà thôi gáy, chó biếng sủa của nó. Mặc dù cụ Bàng Bá Lân vẫn dùng những tiếng của “nóng” nhưng sao tôi vẫn không thấy nóng. Cụ tả:

     Ve ve rung cánh ruồi say nắng

Nhưng bên cạnh đó:

      Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai

Ta thấy trâu nằm mát ngẫm nghĩ nhai thì đâu còn thấy nóng gì nữa nhỉ? Rồi những câu thơ như:

Êm đềm sóng lụa trôi trên lúa

Nhạc ngựa đường xa rắc tiếng đồng.

Ta lại thấy man mát là đằng khác vì gió đã làm lúa tạo nên sóng lúa thì mát quá rồi. Lại thêm ngựa chạy trong nắng để rắc tiếng đồng thì nóng ở chỗ nào mới được chứ! “Rắc” thì thảnh thơi quá, nhàn tản quá. Cứ như đi tản bộ vậy.

Trong bài này, nhà thơ đã dùng một vài chữ thật tài tình, tôi hết sức thán phục như:

       Bà hàng thưa khách NGẢ thiu thiu

NGHE mồ hôi chảy đầm như tắm...

Đứng lặng trong mây một cánh diều.

Cái hay của nhà thơ là chỉ cho bà hàng NGẢ thiu thiu thôi chứ không được NGỦ thiu thiu. Chính vì chỉ NGẢ thiu thiu nên mới NGHE được tiếng mồ hôi chảy. Nhà thơ dùng chữ NGHE thật tuyệt làm sao. Không gian im lặng đến nghe được mồ hôi chảy thì yên tĩnh quá. Nhìn mồ hôi chảy thì có gì là yên tĩnh, NGHE được mồ hôi chảy thì phải nói là yên tĩnh đến tuyệt đối về mặt âm thanh. Thêm vào đó, hình ảnh chiếc diều nhà thơ đưa vào đoạn này đã làm cái yên tĩnh lại càng trở nên yên tĩnh hơn về mặt hình ảnh:

Đứng lặng trong mây một cánh diều.

Chưa hết, nhà thơ còn dùng âm thanh làm cho bức tranh quê sinh động thêm lên, không cứng nhắc, không im lìm chết cứng. Cụ Bàng Bá Lân đã điểm vào cái yên tĩnh đó vài tiếng trống trường.

Trường học làng kia tiếng trống vào.

Có những âm thanh làm phá tan cái yên tĩnh, nhưng cũng có những âm thanh nếu ta khéo sử dụng sẽ làm tăng thêm cái yên tĩnh ấy lên như tiếng võng đưa, tiếng ru con rời rạc hay tiếng gà gáy trong thôn giữa trưa hè ... chẳng hạn.

Ta thấy thơ cụ Bàng Bá Lân nặng về cảnh. Cụ nhìn cảnh chung quanh mà vẽ nên bức tranh như người chụp ảnh, có sao ghi vậy. Thỉnh thoảng cụ điểm thêm tí màu sắc, tí âm thanh mà thôi. Nhìn chung, bức tranh cụ vẽ có tính cổ điển, nhưng rõ ràng đây là một bức tranh tuyệt đẹp.

Tôi nghĩ chơi, nếu ta có thể điểm vào bức tranh hè kia hình ảnh đầy khêu gợi nhưng chân phương của một cô thôn nữ nằm đưa võng để lộ một phần da thịt trắng nuột nà nửa kín nửa hở của đôi chân mỗi khi cô dang chân rộng một cách hớ hênh để đu đưa chiếc võng. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, những sợi tóc mây dính trên da mặt ửng hồng vì nóng. Hơi thở phập phồng căng tràn nhựa sống dưới lớp yếm hồng, vô tình không che hết bụng. Trong cái trưa hè oi ả đó, chỉ một chút hình ảnh thoảng qua đó, ta có thể thấy ngay cái “động” trong lòng người và gắn cho cảnh vật ấy thêm một chút TÌNH.

Nhắc đến cái võng, một biểu tượng thân yêu của đồng quê, đặc biệt vào những buổi trưa hè. Tiện đây, để làm bớt cái nóng oi ả ta hãy cùng nhau nói một chút về cái võng nhé. Hãy nghỉ ở đây, nằm trên võng đu đưa để hứng chút gió của đồng nội trong quán vắng khách, phe phẩy chiếc quạt mo rồi làm một hơi thuốc lào “điếu cầy” trước khi ta tiếp tục hành trình vào khung trời nóng bỏng của mùa hè.

Nói về chiếc võng là nói đến hình ảnh đặc trưng của quê hương mình. Nếu chỉ   hình dung về cô thôn nữ nằm trên võng đu đưa trong buổi trưa hè thì quả thật không đủ, ta còn có thể liên tưởng thêm tới chiếc võng với hình ảnh của người chị ru em, hay mẹ ru con, bà ru cháu.

Nhân đọc bài thơ của cụ Bàng Bá Lân về cái võng tôi cũng xin mượn tạm vài ý của cụ sau đây:

Cái võng là cái nôi của trẻ sơ sinh, là cái đu của trẻ nhỏ, là cái giường của người lớn ngả lưng, là nơi phát xuất ra những tiếng ru con của tình mẫu tử.

Nó cũng là chứng nhân của những vui buồn, chia ly, đoàn tụ. Nhưng cái độc đáo nhất của võng vẫn là những bài ru con đã gắn liền với nó như bóng với hình. Tiếng võng không thể thiếu ca dao, ru con... Và ngược lại những lời ru con trong dân gian không thể vắng bóng của những tiếng võng đưa.

Ta say sưa

Nghe tiếng võng đưa

Ru hồn mơ

Trong lời thơ

Dân tộc.

Mơ màng lắng nghe tiếng khóc,

Của thời măng sữa xa xôi

À ơi... Ạ à ời...

Cót ca cót két

Muôn đời

Nhịp thơ...

       Tiếng võng đưa

Cót ca cót két

Trưa hè nóng khét

Bà ru cháu say sưa...

      Tiếng võng đưa

Cót ca cót két

Mẹ đi biền biệt

Chị ru em ời ời...

      Tiếng võng đưa

Cót ca cót két

Đêm dài mưa rét

Mẹ ru con mơ màng...

      Dân tộc Việt Nam

Lớn trong tiếng võng,

       Dân tộc Việt Nam

      Già trong lời ru

Êm đềm theo tiếng võng đưa

Nhịp thơ dân tộc

Của thời măng sữa xa xôi.

(Bàng Bá Lân - Trích đoạn trong bài Tiếng Võng Đưa)

Bài thơ “Tiếng Võng Đưa” không dừng ở đấy mà đưa ta về với những lời ca ru con ngọt ngào của người dân quê ba miền. Ngay ở thành thị cũng không vắng tiếng “à ơi” hay “ầu ơ” rải rác vương trong xóm, nhưng nó không làm ta xúc động bằng những tiếng ầu ơ ở miền quê thôn dã. Theo cụ Bàng Bá Lân, mỗi địa phương có những điệu ru con riêng của nó, và điệu nào cũng trầm buồn, cùng gởi gấm tâm sự của người ru vào lời ca tiếng hát của điệu ru con.

À ời... cái ngủ mày ngủ cho lâu

Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về

       Bắt được con cá rô trê

Nắm cổ lôi về cho cái ngủ ăn...

Lòng như dâng cao niềm cảm xúc với những điệu ru miền Bắc. Ta lại được tiếp nối niềm cảm xúc ấy bay xa tới một thôn xóm xa xôi miền Nam trù phú, ruộng đồng thẳng cánh cò bay:

Ầu ơ ... gió đưa cây cải về trời

       Rau răm ở lại chịu lời đắng cay!

Những lời ru con không phải chỉ để đưa đứa bé vào giấc ngủ, mà người ru còn gửi vào mây vào gió, vào những oi ả của trưa hè, vào ánh trăng khuya hay đêm đông lạnh lẽo những lời tâm sự của lòng mình.

Anh đi đằng ấy xa xa

Để em ôm bóng trăng tà năm canh,

Nước non nặng một lời tình,

Nhớ ai, ai có nhớ mình hay không?

(Bàng Bá Lân)

Tiếng hát lời ru như quyện vào với võng, vào hồn người từ thuở lọt lòng, và cũng lớn lên trong tiếng võng đưa.

Có ai đó, khi phải xa quê hương, lúc được nghe lại tiếng võng đưa với lời ru êm dịu ngọt ngào vọng từ thôn vắng thì hình ảnh người đàn bà Việt Nam đảm đang được hiện ra rõ nét. Và cũng có thể buồn thay, nếu có chàng trai nào đó khi đi xa, trở lại nơi xưa với bao ước vọng được người yêu đáp lại những câu thề non hẹn biển trước lúc ra đi, thì nay hoàn cảnh đã đổi thay, nàng đang nằm ru con với tiếng võng ngày nào.

Bước chân vào ngõ tre làng,

Lòng buồn nặng trĩu nghe nàng ru con,

      Bước lên thềm đá rêu mòn

Lòng buồn nặng trĩu nghe buồn võng đưa.

(Bàng Bá Lân)

Thôi nhé, ta hãy tạm ngừng ở đây.

Mong các bạn đọc đoạn này xong sẽ thấy yêu cái tiếng võng đưa kẽo kẹt, yêu nó như yêu âm thanh tiếng Việt, yêu tiếng mẹ ru êm đềm, và yêu nhà thơ Bàng Bá Lân hơn.

Các bạn đã rời khỏi chiếc võng chưa? Thôi ta lại lên đường nhé!

Sau cụ Bàng Bá Lân, ta lại thưởng thức thêm cái hè óng ả của làng quê qua nữ sĩ Anh Thơ. Làng của nữ sĩ Anh Thơ cũng ở miền Bắc nước ta. Nhà thơ Anh Thơ cũng không thoát ra được những hình ảnh có tính biểu tượng của trưa hè như cụ Bàng Bá Lân. Cũng bà già nằm ru cháu ngủ, với tiếng võng đu đưa, với hình ảnh con ruồi, con chuồn chuồn, những đường đê vắng bóng người cùng những tiếng nhạc đồng quê...

Chúng ta cùng lắng nghe và cùng ngắm nhìn bức tranh Trưa của thi sĩ Anh Thơ nhé. Ta hãy so sánh bức tranh này với bức tranh của cụ Bàng Bá Lân xem sao.

Trời trong biếc không qua mây gợn trắng,

Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa.

Hoa lựu nở đầy một vuờn đỏ nắng,

Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua.

 

Trong thôn vắng, tiếng gà xao xác gáy,

Các bà già đưa võng hát, thiu thiu...

Những trẻ con ngồi buồn lê bắt chấy

Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu.

 

Ngoài đê thẳm, không người đi vắng vẻ,

Lũ chuồn chuồn giỡn nắng đuổi nhau bay.

Nhưng thỉnh thoảng tiếng nhạc đồng buồn tẻ

Của vài người cưỡi ngựa đến xua ngay.

(Anh Thơ - Trưa hè)

Cả hai bài thơ về trưa hè đều hay như nhau. Những hình ảnh, màu sắc giống nhau. Thơ Bàng Bá Lân ta thấy có những độc đáo về cách cụ làm nổi bật lên được cái yên tĩnh của trưa hè. Yên tĩnh mà không buồn chán bởi những tiếng diều, tiếng đồng rời rạc ... và tiếng trống trường. Tiếng trống trường của cụ, một nét chấm phá cuối cùng để đưa người thưởng ngoạn, hoặc đi sâu thêm vào cái yên tĩnh tuyệt đối hay ngược lại cũng là tiếng đánh thức người xem ra khỏi cái yên tĩnh đó. Nhà thơ Anh Thơ cũng thế, với tiếng nhạc đồng của vài người cưỡi ngựa để đem ta ra khỏi cái lung linh huyền ảo của bức tranh quê trong buổi trưa hè.

Nay tôi lại giới thiệu với các bạn một nhà thơ khác: Trần Trung Phương. Nhà thơ này tôi yêu mến từ thuở học trò (tiểu học). Tôi đã từng chép và tôi cố thuộc, cố nhớ thơ ông. Chúng ta hãy đi vào buổi trưa hè của nhà thơ này nhé.

Trưa mùa hạ nắng gay nắng gắt.

       Vạc than hồng đang bắt lửa rơi.

Hàng cây đứng lặng căm trời,

Giàn hoa cũng chẳng muốn cười buổi trưa.

 

Gió ích kỷ không đùa với lá,

Mây chẳng buồn giong dả đi chơi.

Đường xa vắng ngắt bóng người;

Ve sầu bực bội cất lời thở than.

 

Trên cát trắng hoa soan chói đỏ,

Mặt hồ xanh ngóng gió nằm im.

Ngang trời không một bóng chim,

Trưa hè vạn vật im lìm ngủ say.

(Trần Trung Phương - Trưa hè)

Cái hay của thi sĩ Trần Trung Phương là nhà thơ đã “nhân cách hóa” cảnh vật nên ta thấy cảnh vật như cũng chính là ta. Ta và cảnh vật cùng hòa nhập trong nhau. Ta nóng cùng với vạc than hồng, ta uể oải cùng với mây đến chẳng buồn bay, ta căm trời cùng với hàng cây, ta bực bội cùng với ve sầu ... Đọc thơ Trần Trung Phương ta thấy trong thơ ông có cái tình cảm của ông dành cho trưa hè chứ không chỉ đơn thuần chụp ảnh hay chỉ vẽ lên một bức tranh như hai thi sĩ Bàng Bá Lân và Anh Thơ. Ta thấy bức tranh của ông hiển hiện bóng dáng chúng ta trong đó. Cảm xúc của tác giả cũng là những cảm xúc của chính chúng ta. Cái yên tĩnh ông tả cũng có những chất liệu cổ điển nhưng nó sống động hơn nhiều vì nó gần với ta như ta có thể rờ mó được cái yên tĩnh ấy. Tôi thích thơ Trần Trung Phương vì cái tính giản dị, trong sáng trong thơ ông.

Ta lại nghe nhà thơ Trần Trung Phương diễn tả trưa hè dưới một khía cạnh khác:

Mặt trời đứng giữa mây xanh,

Rắc tàn hoa đỏ xuống cành hoa soan.

Ve sầu khiếp nắng kêu ran...

Con chim ngái ngủ vội vàng bay cao.

Bóng dừa trốn dưới cầu ao,

Con gà xõa cánh ẩn vào bụi tre.

Trưa nay, một buổi trưa hè,

Cánh đồng luá chín vàng hoe nắng vàng.

(Trần Trung Phương - Nắng chói)

Bất cứ vật gì, dù cho là thời gian hay không gian trừu tượng ông cũng gắn vào đó một “chất người.

Các bạn có muốn tiếp tục rong chơi nơi đất Bắc để thưởng thức mùa hè của nơi đây hay không? Hay các bạn muốn đổi không khí bằng cách đáp chuyến xe lửa tốc hành vào Huế để ngắm nhìn thành phố này dưới cái nắng gắt gao như thế nào.

Rời miền Bắc, nay chúng ta hãy dừng chân trên thành phố Huế để ngắm nhìn vài nét sinh hoạt mùa hè của nơi đây nhé. Huế có muôn vàn thứ để xem, để chiêm ngưỡng, nhưng chúng ta hãy cùng giới hạn trong cái cảnh trưa hè qua những bài thơ thôi. Ta hãy đi theo nhà thơ Nam Trân:

Lửa hạ bừng bừng cháy,

Làn mây trốt trốt bay.

Tiếng ve rè rè mãi

Đánh đổ giấc ngủ ngày.

 

Đường sá ít người đi,

Bụi cây lắm kẻ núp.

Xơ xác quán nước chè,

Ra, vào người tấp nập.

 

Phe phẩy chiếc quạt tre,

Chú nài ngồi đầu voi

Thỉnh thoảng giơ tay bẻ

Năm ba chùm nhãn còi.

 

Huê phượng như giọt huyết,

Dỏ xuống phủ lề đường.

Mặt trời gay gay đỏ

Nhuộm đỏ góc sông Hương.

(Nam Trân - Huế, ngày hè)

Hay thì hay thật, nhưng vẫn chưa thấy đủ nóng bằng chỉ mấy chữ của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến :

Cái nóng nung người, nóng nóng ghê.

Ta hãy cùng nhà thơ Nam Trân hưởng cái thú “Đêm hè” của đất Thần Kinh cổ kính này.

Trời nóng băm bốn độ.

Đèn sao khắp đế đô.

Mặt trăng vàng trỏn trẻn

Nấp sau nhánh phượng khô.

 

Ba dịp cầu Trường Tiền

Đứng đầy người hứng mát;

Ngọn gió Thuận An lên,

Áo quần kêu sột soạt.

 

     Đủng đỉnh chiếc thuyền nan

Qua, lại bến sông Hương...

Tiếng đờn chen tiếng hát,

      Thánh thót điệu Nam Bường.

 

Hai tay xách hai vịm,

Một vài mụ le te,

Tiếng non rao lảnh lói,

Chốc chốc: “ai ăn chè”.

(Nam Trân - Huế, đêm hè)

Thôi ta tạm rời Huế, xuôi về phía nam để nghe nhà thơ Chế Lan Viên tả cảnh trưa hè nơi ông ở, Bình Định.

Trưa quanh vườn và võng gió an lành

Ngang phòng trưa, rũ hồn nhẹ cây xanh.

Trưa quanh gốc, và mộng hiền của bóng

Bỗng run theo... lá... run theo nhịp võng.

Trưa lên trời và xanh thẳm bầu trời,

Bỗng mê ly, nằm thấy, trắng, mây trôi...

Trưa! một ít trưa lạc vào lăng tẩm

Nhập làm hồn những tượng xưa u thảm.

Trưa, theo tàu bước xuống những sân ga

Dựng buồn lên xa gửi đến Muôn Xa . . .

(Chế Lan Viên - Trích đoạn bài Trưa đơn giản)

Nhà thơ Chế Lan Viên đặt nhiều tình cảm với dân tộc Chiêm Thành nên trong thơ ông luôn có cái u uẩn của một người mất nước. Ông tiếc thương và luôn tha thiết với hình bóng quê hương cũ đã có một thời oanh liệt.

Cũng như bức tranh trưa hè, đêm hè cũng có những sinh hoạt quen thuộc ở thôn quê. Khi nói đến đêm hè thì phải có ánh trăng. Dưới ánh trăng, những cụ già ngồi trên chõng giữa sân, vài đứa bé đùa nghịch quanh ông, con chó thơ thẩn hay lười biếng nằm thiu thiu ngủ trước sân thềm, hay ngọn đèn dầu leo lắt trong gian nhà tối . . . Tại nhà ngang, chàng và nàng cùng giã gạo. Thỉnh thoảng vang nhẹ lẫn trong tiếng giã đều đều là những tiếng cười rúc rích nửa thanh cao nửa trần tục.

 Ngoài giếng làng hay giếng đầu đình, những đám trai gái múc nước gánh về. Nơi giếng ấy đã nẩy sinh biết bao nhiêu mối tình thầm kín, bao nhiêu thành tựu, cũng bao nhiêu tan vỡ.

Vài tiếng vạc xa xa vọng về. Thỉnh thoảng trên trời điểm vài ngôi sao rơi. Đàn đom đóm lập lòe, chập chờn bay lượn bên khóm cỏ, bờ ao. Trong cảnh yên tĩnh và nên thơ ấy, cách giếng đình không xa lắm, có ai để ý đến một cặp trai gái, đang đứng bên nhau, dưới lũy tre màu đen sẫm? Họ đứng sát lại mỗi lúc một gần thêm, để rồi có hai mà tưởng như thành một. Tiếng họ thì thầm nhẹ hơn tiếng lá tre rung xào xạc trên cành. Cảnh vật chung quanh vắng lặng như tờ. Theo cơn gió nhẹ, chị Hằng trên cao, tò mò vén chút màn mây, chiếu tý ánh sáng vào nhìn trộm hai người. Chị vội vàng khép lại, đôi má ửng hồng. Chị chỉ còn nghe vẳng vẳng bên tai:

Hoa lá ngây tình không muốn động

Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi...

(Hàn Mạc Tử)

Những cảnh hẹn hò thầm kín này xẩy ra đây đó trong xóm làng Việt Nam từ cái thuở người thôn nữ Việt nam còn mặc váy sồi đen, với “ruột tượng” (bao lưng) điều, yếm hồng cánh sen, với nón quai thao, sợi dây “tích bạc dắt cạp váy lủng lẳng bên hông.

Ta hãy trở lại với đám đông bên giếng, với tiếng cười đùa của các chị em đương gánh nước về nhà, theo sau là những chàng trai đưa lời tình tứ hay đưa đẩy những câu ca dao, câu vè, câu đố được đem ra tranh tài cao thấp. Tiếng cười có khi ròn tan, có khi lả lơi hay thả lời cùng nhau nũng nịu trữ tình.

Vài con trâu trở về chuồng muộn. Theo sau trâu, bác nông phu vai đeo cầy, ghé giếng nước rửa chân. Con nghé nghển cổ nhìn sao lấp lánh. Thỉnh thoảng đâu đó, tiếng chó sủa trăng vang trong xóm tối, lẫn trên không trung vài con chim ăn đêm buông những tiếng kêu rời rạc.

Ta hãy thưởng thức những vần thơ của thi sĩ Đoàn Văn Cừ:

Tiếng võng trong nhà kẽo kẹt đưa,

Đầu thềm con chó ngủ lơ mơ.

Bóng cây lơi lả bên hàng dậu,

Đêm vắng, người im, cảnh lặng tờ.

 

Ông lão nằm chơi ở giữa sân,

Tầu cau lấp loáng ánh trăng ngần,

Thằng cu đứng vịn bên thành chõng,

Ngắm bóng con mèo quyện dưới chân

 

Bên giếng, dăm cô gái xứ quê

Từng đàn vui vẻ rủ nhau về,

Trên vai nặng trĩu đôi thùng nước,

Kĩu kịt đi vào lối cổng tre.

 

Trong xóm giờ lâu quá nửa đêm,

Tiếng chày giã gạo đã ngừng im,

Trăng tà hạ xuống ngang đầu núi,

Đom đóm bay qua giải nước đen.

 

Tiếng ốc trên chòi rúc thiết tha,

Gió lay cót két rặng tre già,

Sao trời từng chiếc rơi thành lệ,

Sương khói bên đồng ủ bóng mơ.

(Đoàn Văn Cừ - Trăng hè)

Đất nước ta đẹp đẽ quá, đẹp từ góc phố, đẹp từ góc làng. Đất nước chúng ta như gấm như hoa. Con người chúng ta lớn lên trong tình nhân bản, lấy con người làm gốc. Đất nước chúng ta dù có khó khăn đến đâu, với những con người ấy, với mảnh đất linh thiêng ấy, chúng ta sẽ có thanh bình như những đêm hè và sẽ tồn tại, bền vững như bước chân dựng nước và giữ nước của tiền nhân.

Ta nói thêm một vài hình ảnh khác của mùa hè nhé.

Nói đến hè, hình ảnh mà ta dễ tìm thấy nhất vẫn là những ngày thần tiên của tuổi học trò: Nghỉ hè. Trong chúng ta, hỏi ai không thích nghỉ hè, học trò nhỏ thích, học trò lớn cũng thích và cả người lớn như chúng ta cũng thích.

Ba tháng nghỉ hè, đối với học trò, đây mới thật là mùa xuân. Chúng ta hãy cùng nhau trở về với mái trường xưa trong những ngày sắp nghỉ hè. Bạn bè đưa nhau vội vã cuốn “lưu niệm” để ghi lên đó những kỷ niệm nhớ nhung, quyến luyến. Cánh hoa phượng được gài vào cuốn sổ, tấm ảnh nhỏ trao nhau vội vã và cùng hẹn gặp lại nhau trong niên học tới. Những bức thư tình cũng được trao nhau ngập ngừng. Mối tình đã được ôm ấp trong bao tháng, nay đã đến lúc phải ngỏ lời.

Ta hãy nghe nhà thơ Xuân Tâm diễn tả sự vui mừng của ông đến chừng nào khi biết ngày học hôm nay là ngày cuối cùng của niên học để bước vào thời gian nghỉ ngơi, đùa nghịch.

Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,

Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về.

Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,

Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ.

Còn gì sung sướng cho bằng khi những cậu học trò làng lên tỉnh học, nay được về sống với cha mẹ, anh em thân thương. Về với ruộng đồng về với những cảnh vật cùng sinh hoạt thôn quê mà cậu trai hay cô gái đã phải tạm xa. Với  con sông uốn khúc quanh làng, cậu trai sẽ cùng chúng bạn bơi lội, nô đùa. Cậu sẽ tha hồ nhớ về những hương vị của cây trái:  nào chùm nhãn vàng óng ả như mời chào, nào quả mít chín tỏa hương thơm quyến rũ, nào chùm khế ngọt đong đưa, mấy trái ổi chín… như đang đợi cậu nếm thử. Cô hàng xóm nho nhỏ ngày nào nay vừa chớm lớn, bắt cậu trèo lên cây muỗm đầu ngõ hái quả để cô em ăn với muối ớt, nhăn mặt vì chua. Và để rồi những mối tình thầm kín phát sinh, tình trong như đã, mặt ngoài còn e.

Trong khoảnh khắc sách, bài là giấy cũ,

Nhớ làm chi, Thầy mẹ đợi em trông.

Trên đường làng huyết phượng nở thành bông,

Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.

Nhà thơ Trần Trung Phương vui chơi với mùa nghỉ hè của ông:


Năm năm đến vụ hè,

Về đón gió đồng quê.

Chiều chiều ra ao tắm,

Tối thả diều trên đê. 

 

     Sáng dậy ra bờ ao,

Xem gió rỡn nắng đào.

Nghe gió đồng khẽ thổi

Tàu lá chuối lao sao.

 

Nhớ những buổi đi câu,

Anh nắng dài bên cầu;

In đáy hồ trong vắt,

Bóng cây si gội râu.

 

Có những buổi chiều vàng,

Một mình đi lang thang.

Mơ màng nghe tiếng hát,

Trẻ chăn trâu trong làng.

 

Có những hôm mưa to,

Xem lá tre thả đò;

Ngồi trên dòng nước đỏ,

Tôi làm bao nhiêu thơ.

 

Năm nay lại nghỉ hè,

Nghe tiếng gọi Đồng Quê.

       Bao cảnh trời tươi đẹp,

Quyện hồn tôi say sưa.

(Trần Trung Phương - Nghỉ hè)

Không phải mùa hè đều đẹp cho tất cả mọi người. Mùa hè cũng còn là những nỗi buồn chia tay bịn rịn, nhớ thương, đôi người cách biệt dù chỉ trong ba tháng xa trường, xa lớp. Những cánh thư hồng, thư xanh mực tím gửi đến cho nhau phất phới.

Trong những cánh thư, cô cậu thổ lộ tâm tình và cũng lẫn lời xin lỗi khi sắp sửa chia tay: 

Hôm nọ em biếng học

Khiến cho anh bất bình,

Khẽ đánh em cái thước

Vào bàn tay xinh xinh ...

 

Giận anh em ủ rũ

Từ hôm đó mà đi,

Anh hỏi em không đáp

Anh cười em ngoảnh đi ...

(Nguyễn Xuân Huy)

Những bức thư như thế được chuyển đi. Và rồi, với những ngày vui trước mặt, lòng người cũng dễ thứ tha.

Hôm nay em đã cười

Nũng nịu đến “xin lỗi”

Được thể anh làm cao

“Sao em không giận mãi”

Nhưng hỡi ôi! mùa hè cũng là mùa thi cử. Thi ơi là thi, thương mi làm chi. Bao nhiêu tiếng cười đắc thắng và cũng bên cạnh đó bao tiếng cười gượng gạo hòa trong nước mắt.

Rong chơi mãi rồi cũng chán để lại nhớ trường, nhớ bạn, nhớ thầy.


Mong mãi sao không chóng hết hè!

Nghỉ nhà chơi mãi cũng buồn ghê!

Sớm không thầy học, chiều không bạn             

Không khí quanh tôi thở nặng nề!

 

Tôi muốn trông ngay thấy bóng trường

Và bao bạn học của tôi đương

Chuyện trò hớn hở vui chân bước,

Tiếng guốc khua vang khắp vỉa đường.

 

Tôi quên sao được lớp tôi ngồi,

Ánh sáng xiên vào một ít thôi.

Có bóng cây bàng che mát rượi,

Trên cành ríu rít tiếng chim vui.

 

Tôi nhớ những ngày dưới bóng cây

Nô đùa cùng mấy bạn thơ ngây,

Đánh chuyền, ca hát, cười, reo, nhẩy,

Hay đứng sân trường nhá bánh tây.

 

Hôm nay chợt nhớ đến trường tôi;

Thấm thoắt chơi rong một tháng rồi.

Còn tháng rưỡi hè, lâu quá nhỉ!

Ai quay trái đất gấp dùm tôi?

(Trần Trung Phương - Nhớ trường)

Kỷ niệm rõ nhất của mùa hè vẫn là kỷ niệm của tuổi học trò. Mà tuổi học trò không phải chỉ biết đùa nghịch, mà còn là tuổi của mơ mộng, của những lý tưởng cao đẹp lấp biển vá trời, của những hình ảnh tương lai cao chất ngất. Và điều đáng nói nhất, ấy là tuổi của yêu đương, của chinh phục, tuổi của buồn, của vui trước những mối tình thầm kín. 

Thời gian thấm thoắt trôi mau. Nay tôi không còn trẻ nữa để có những mơ mộng viển vông. Nghĩ lại thời xa xưa ấy thật buồn cười với những ngô nghê vụng dại, nhưng cũng thật dễ thương. Dù sao, đấy cũng là kỷ niệm đáng nhớ của một đời người. Tôi biết trân quý những kỷ niệm đó và ôm ấp nó như ôm ấp một người tình. Tôi nhớ, đã từng nhiều lần âm thầm lê bước trong đêm khuya ngang qua cửa nhà cô hàng xóm chỉ để mong được nhìn chút ánh đèn leo lét hắt qua cửa sổ nơi nàng đang ngồi học. Giản dị thế thôi! Thế thôi, nhưng không thể thiếu cái ánh sáng ấy vào những đêm hè tôi không ngủ được vì nhớ nhung.

Sống nơi quê người, hình ảnh quê hương luôn là những hình ảnh sống động nhất và có một sức mạnh mãnh liệt nhất để cuốn hút ta về và cuốn hút ta vào với những tình tự quê hương mà trong đó có cả hình ảnh của mùa hè dù chỉ qua thơ văn.

Tôi xin trở lại San Jose với “Cái nóng nung người, nóng nóng ghê” của ngày hôm nay, cái nóng ở 100 độ F.

 

NGUYỄN GIỤ HÙNG

 Mời nghe

 HÈ VỀ

Nhạc:  Hùng Lân

https://www.youtube.com/watch?v=bk3C9oz2JT8&list=RDbk3C9oz2JT8&start_radio=1&t=21s

Khúc Ca Mùa Hè

Ca sĩ: Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao

https://www.youtube.com/watch?v=r9fuMeGYRzQ&list=RDbk3C9oz2JT8&index=4 

LK Tình Thơ - Phượng Hồng

Ca sĩ: Đức Vĩnh

https://www.youtube.com/watch?v=tcfC8xuTRGo

No comments:

Post a Comment