Monday, July 4, 2022

Lành...Pho Và Hồn Ma Biên Giới - Trương Hùng


Trước quán ăn Mạnh Trinh đầu hẻm 153 đường Nguyễn Thông, người lính dáng thấp đậm áo rằn ri bạc phếch, đầu đội nón bo vành tơi tả, tay xách ba-lô...

Từ ngoài cửa... anh ngập ngừng nhìn vào rồi dậm mạnh hai chân mang bottes de saut cũ rách xuống nền sân cho bùn đất khô rơi ra rồi mới bước vào trong quán... 

Anh tìm đến cái bàn thấp sát vách, đặt chiếc ba-lô đầy bụi đường và ngồi xuống cái ghế đẩu gỗ dựa lưng vào vách tường, chậm rãi lấy cái nón bo tơi tả chụp vào đầu gối, mở cái khăn rằn quàng cổ nhàu nát đã bụi bẩn lâu ngày vắt lên vai... Anh nhìn từ thân mình xuống dưới đôi giày mà cười khẩy rồi tự ví mình là... "thằng hề của thành phố, thằng mọi của núi rừng!"... lắc đầu mỉm cười.

- Cho tui... chai lade băm ba ... dì hai! à... mà cho xin hai cái tẩy nghen!

- Dạ, có ngay... chú!

Anh ta chậm rãi rót đầy hai ly bia bọt trắng vừa chớm miệng... anh cầm ly lên đưa cụng vào ly kia rồi lẩm bẩm như nói điều gì... rồi chặc lưỡi lắc đầu... ngửa cổ ực một hơi dài cạn ly chỉ còn trơ lại cục nước đá...rồi khà ra một cách đầy sảng khoái... 

Anh ta lấy chiếc khăn rằn bẩn lâu ngày lau mặt mày đầu tóc bờm xờm, hàm râu tua tủa dày cứng và hai cánh tay đen đúa săn chắc đầy vết cào xước của gai rừng, anh mở nút áo lau vào lồng ngực đầy mồ hôi nhể nhải để lộ ra cái hình xăm "chiếc hòm và ba cây nến" ... gọi là "Hồn ma biên giới" ám chỉ những người lính vô danh thuộc đơn vị Nha Kỹ Thuật mà người dân thường biết đến dưới cái tên Biệt kích Lôi H.

- Cho tui... chai nữa... dì hai!

Anh ta rót đầy rồi lại cụng ly trên bàn, nâng lên miệng ngửa cổ ực.. ực.. chỉ còn trơ lại cục đá rơi xuống đáy ly cối kêu tiếng "cong" khô khốc!

Dì hai chủ quán thấy lạ lân la bắt chuyện:

- Chú em... ở xa dzìa thành phố phải hông?

- Dạ, tụi tui lính trận, dzìa phép ghé thăm bạn bè... mà mấy cha Quân cảnh ở ngã ba Kỳ Đồng làm gắt quá... phải đi tắt sau đường rày!

- Chú em... chờ bạn bè hả?... chớ ly kia để cho ai... chưa uống thì lấy đá ra chớ để lạt bia... uổng!

Nghe hỏi... anh ta liền nhắm mắt nghiêng đầu vào chiếc khăn rằn vắt vai mà nấc lên mấy tiếng....

Anh ngước lên, đôi mắt anh đỏ hoe đầy lửa căm hờn:

- Ly này... dành cho nó, thằng K' bór... Nó trả nợ núi sông rồi!... mà nó mới chết mất xác!

- Trời! tội nghiệp dzậy! Rồi... chú dzìa đây tìm ai, chú có ai... bà con, thân thích ở khu này hông?

- Dạ, Lành... pho!

- Lành pho... hả? nhà nó trong hẻm này! Tui thấy nó cũng bận đồ lính rằn ri như chú dzậy đó! Để coi có đứa nhỏ nào đi ngang tui nhờ nó dzô kêu Lành pho ra cho chú gặp... héng! Chú cứ nhậu đi.. bữa nay tui đãi... tui hổng tính tiền... mấy chú lính trận đâu! 

1/

Anh Lành cũng không hiểu chữ Pho từ đâu và do ai đặt kèm tên ảnh, lâu dần bạn bè gọi Lành Pho thành quen và cũng đành ok thôi!

Anh Lành mặt mày sáng sủa, có cái sẹo nhỏ dưới mắt phải, tóc dài Beatles,nói chuyện tiếu lâm có duyên, có năng khiếu hội họa, vẽ chân dung bằng bút chì, hay vẽ truyện tranh cho lũ nhỏ trong xóm, nhất là chơi đàn guitar thì tuyệt cú mèo. 

Tính tình hiền lành, vui vẻ, hào phóng với bọn đàn em tụi tui, hay giúp đỡ mọi người lúc "tối lửa tắt đèn", bụng dạ ngay thẳng "đói cho sạch, rách cho thơm" hay bênh vực người cô thế.

Anh Lành là lính Ban văn nghệ Sư đoàn Dù, chơi đàn trong ban nhạc Tâm lý chiến và hay đi lưu diễn văn nghệ các nơi đóng quân của Sư đoàn khắp bốn vùng chiến thuật, từ hỏa tuyến địa đầu đến tận cùng đất nước.

Đem lời ca tiếng hát đến các đơn vị tiền tuyến hầu sưởi ấm phần nào tinh thần "tiền tuyến hậu phương" như "tình quân dân cá nước", khích lệ các chiến sĩ ngày đêm băng mình vào lửa đạn chấp nhận mọi gian khổ hiểm nguy để giữ yên ấm cho hậu phương quê nhà. 

Từ cao nguyên đến miền duyên hải, từ miền Đông đến vùng châu thổ sông Cửu Long.. đến những vùng đất mà các chiến sĩ trấn đóng, chiến đấu và bảo vệ. 

Nhà anh Lành đối diện nhà tôi trong con hẻm 40 sẹc. Ảnh có ngón đàn guitar tuyệt hảo làm say mê người nghe như nức nở nỉ non, như tỉ tê thầm thì, như rót mật vào tai, như đổ rượu.. vào lòng người chút men say... một nỗi buồn huyền hoặc hắt hiu chợt đến chợt đi...

Có những đêm đã khuya... nằm đong đưa trên chiếc võng dù dưới mái hiên nhà xiêu vẹo, anh Lành rung lên bài Hạ Trắng réo rắt, tha thiết, sâu lắng, độc tấu trong cô quạnh... Mấy bà chị tôi đang ngủ cũng phải giựt mình thức dậy lắng tai nghe vì xúc cảm, vì rung động trái tim, rồi từ balcon mấy chị tôi chõ miệng xuống nho nhỏ yêu cầu:

- Anh Lành!... chơi bài Cát bụi, Ru ta ngậm ngùi... đi anh Lành!

Tiếng đàn lại rung lên da diết tự sự, như đang kể lể về tình yêu, cuộc sống, thân phận, kiếp người nhân sinh trong cuộc chiến điêu tàn này... như có ai đó đã nói: "Đi lính có nghĩa là chờ tới phiên mình bị thương hay tới số!"

Ánh đèn vàng hiu hắt trong con hẻm nhỏ cũng đong đưa theo cơn gió khuya lây lất như chia xẻ nỗi buồn theo hồn trai thời ly loạn và tiếng đàn chìm dần vào giấc ngủ chập chờn men say... 

Anh Lành tính cũng hảo hán giang hồ sẵn sàng ra tay bênh vực người cô thế! Những chuyện dàn xếp giang hồ, bọn cậy đông hiếp yếu, thành phần bất hảo đều nể mặt xép ve... 

Một hôm, có một "Anh trai tiền tuyến" khoác ba-lô áo trận giầy saut... lơ ngơ theo địa chỉ trên lá thơ "em gái Dạ Lan" gởi... tìm về thăm "em gái hậu phương" trong khu Nguyễn Thông, chẳng biết có "tiền thù hậu oán-ông bà tam tứ đời" gì không! mà khi nghe anh trai tiền tuyến hỏi thăm tên em gái, địa chỉ... thì đám thanh niên giang hồ phùng mang trợn mắt... lồng lộn, cậy đông vây lấy "anh trai tiền tuyến" đòi xử tội... vì dám cả gan đụng tới người yêu lý tưởng, người tình trong mộng của Lắm đại ca!

Tuy đã nghe anh lính trình bày... chỉ biết nhau qua lá thơ của chương trình Dạ Lan giới thiệu trong đêm khuya ở tiền đồn đìu hiu... chớ chưa hề biết mặt đẹp xấu, đen trắng, cao to, ốm lùn... gì ráo trọi!

Bọn đàn em giang hồ cậy đông, ở sân nhà nên hùng hổ gõ trống khua chiên đòi ăn thua đủ, để lần sau đối phương sợ mà không dám bén mảng tới nữa. 

Anh lính cũng chẳng kém cựa gì... dựa lưng vào vách tường tay cầm lựu đạn "tử thủ" hăm he giựt chốt, hai bên gườm nhau như muốn ăn tươi nuốt sống...

Anh trai tiền tuyến tức cành hông lớn tiếng:

- Tao... ngoài chiến trường sống chết còn hổng nghĩa lý gì... huống hồ mấy dzụ này... tụi bây có ngon nhào dzô... tao bung cho tan xác luôn... dám chơi hông!

Đám giang hồ cũng chỉ già hàm to họng phách lối chớ thấy lựu đạn thì cũng teo "bougie" mà nới rộng dần ra.

Anh Lành vừa đi về thấy đám đông bà con xôn xao chạy tán loạn... liền rẻ vào hỏi rõ đầu đuôi sự việc... rồi đưa tay lên tiếng:

- Bình an, bình an, xin anh em..cho tui nói chút đã rồi tính sao cũng được. 

Anh Lành chỉ tay về anh lính:

- Ông anh đây là lính trận về ghé thăm người thân của ảnh... còn anh em mình là dân Sài Gòn... ỷ đông hiếp người cô thế... không phải là hảo hán giang hồ... nhứt là giang hồ Nguyễn Thông! 

Nhiều tiếng nói bất mãn: 

- Mẹ... Lành pho... hổng hiểu con mẹ gì hết... mà cứ xía dzô chiện người ta... hoài nhen!

- ... Nó ghé... thăm con Đào "lộn hột", người yêu thằng Lắm!

- Mèng ơi! Thằng Lắm... nó kết con Đào lâu nay rồi! Nó còn đòi cưới làm "áp trại phu nhân" đó!

- Mẹ... Lành pho... cứ thọc cù lét anh em hoài, xử hổng đẹp... mẹ... tao hổng bỏ qua đâu nhen!

- Bữa nay... chơi tới chỉ luôn á!

- Được... được... đâu còn có đó mờ!... gì mà làm um lên dữ dzậy! Dĩ lỡ... rồi hối hận không kịp! 

Lành pho hỏi rõ sự tình thì mới biết con Đào chưa có lần nào nói chuyện nói vãng gì đâu.. mà con Đào cả ngày lo học chớ có biết thằng Lắm thằng Lé nào đâu cho cam... Thằng Lắm nó mê con Đào hiền lành ngoan ngoãn, nó tự đặt tên cho con người ta thành Đào "lộn hột" ý là dán nhãn hiệu nó đã cầu chứng! 

Còn định thưa... má nó qua nhà con Đào xin dạm ngõ nữa chớ! Bị má nó la cho một thôi một hồi...

- Con người ta... gia đình nề nếp, siêng năng chiện nhà, học hành giỏi giang... chớ ai như mầy, cả ngày tầm xàm bá láp tào lao chi địa thì giỏi, tao dzô phước đẻ ra mày... cái đồ phá gia chi tử... hư thân mất nết! 

- Nhưng tui có tiền... nó ở trong xóm tui... nó muốn gì phải qua... tui cái đã!

- X...í... mầy làm như mầy là ông n...ộ..i người ta hổng bằng...

- Để má coi... tui không lấy được nó... đố thằng nào dám nhảy dzô đó!

- Ông bà mầy... người ta kiện ra tòa... trát đòi... là "vác chiếu hầu tòa"... xộ khám, tù mọt- gông nghen con! 

Biết sự việc là dzậy nên anh Lành lên tiếng:

- Thôi Lắm à... con người ta còn đi học... chưa biết mày là ai... dzậy mà bày đặt đòi... làm người yêu! 

Lắm đại ca nghe nói phải trái thì yếu xìu xụi lơ phần cũng phải nể mặt đàn anh băng "Tứ quái đường rày".... Lưu-Lành-Luận-Láng... chớ!

Anh Lành nói với anh trai tiền tuyến:

- Mèng ơi! chiện đâu còn có đó... đây là sự hiểu lầm thôi! Anh cất "trái na" dzô đi... tui bảo đảm... anh em Nguyễn Thông tụi tui như huynh đệ chi binh dzậy đó! chớ không có bụng dạ hiếp đáp ai dzô cớ đâu!

Anh trai tiền tuyến thấy anh Lành là lính Dù đứng ra dàn xếp có tình có lý thì vững tâm hơn liền cười cầu tài... hai bên hỉ hả bắt tay nhau vui vẻ làm hòa, anh trai tiền tuyến vuốt ve nhỏ nhẹ phải trái mời anh em giang hồ dzô Mạnh Trinh quán kêu một két lade "tẩy trần"... xí xóa, huề cả làng! 

Anh trai tiền tuyến kể lại sự tình...

Ở tiền đồn heo hút tháng ngày... đêm đêm trên làn sóng điện của Đài phát thanh Quân đội... giọng người xướng ngôn viên: "Đây là chương trình Dạ Lan, tiếng nói của những người em gái hậu phương... gởi những anh trai tiền tuyến"...

Giọng nói của "em gái hậu phương" rất có mãnh lực thu hút tình cảm của các binh sĩ trấn đóng khắp nơi trên bốn Vùng chiến thuật. 

Với một người lính xa nhà, ở một nơi tiền đồn heo hút, xa ánh đèn phố thị, không sách báo tranh ảnh, mỗi đêm chỉ có một cái ra-dô chạy pin để nghe giọng em gái Dạ Lan tỉ tê tâm sự, khi nhận được một lá thư hồi âm của em gái Dạ Lan từ KBC 3168 thì tác động tâm lý là vô cùng sung sướng lớn lao.

Qua chương trình Dạ Lan nhịp cầu tri âm mới nối kết hai tâm hồn "trai tiền tuyến, gái hậu phương" tới gần nhau.. là dzậy đó!

Từ đó, mỗi lần về phép anh trai tiền tuyến ghé thăm em gái hậu phương Đào "lộn hột" rồi ghé nhậu với anh em đường rày Nguyễn Thông coi nhau như người thân trong nhà... 

2/

Rồi chiến dịch Lam Sơn 719 năm 1971.

Anh Lành cũng tay đàn tay súng giã từ mẹ già, hàng xóm lên đường theo đơn vị hành quân liên miên tận hạ Lào...

Bà con hàng xóm ai cũng thương. 

- Cầu Trời khấn Phật cho nó "chân cứng đá mềm, tai qua nạn khỏi"... có đi có dzề!

Má anh Lành già tai lại điếc nặng, miệng ngậm miếng trầu giữa đôi môi dày, nheo mắt nghểnh đầu... đưa tay quanh lỗ tai làm loa lắng nghe... rồi cười nói:

- Thằng Lành con tui nó đi lính... nó đánh đờn đâu có đánh đề!

Bà con hàng xóm ai cũng cười rân... mà thương bà già trầu thiệt thà vui tính! 

Trên bước đường hành quân... đơn vị anh Lành trình diễn giúp vui văn nghệ cho một đơn vị Lực lượng Đặc biệt ở vùng Tam biên... Đêm tiền đồn heo hút... những lời ca miên man tâm sự người lính trẻ xa nhà...

"Tôi ở miền xa trời quen đất lạ

Nhiều đông lắm hạ nối tiếp đi qua

Thiếu bóng đàn bà

Đời không dám tới đành viết cho tôi

Nhạc tình sao lắm lời!"...(*)

Những giọng ca trầm ấm, nức nở, da diết... khiến những người nghe lòng bùi ngùi buồn rơi nước mắt...

Những người lính xa nhà tâm sự bên nhau qua điếu thuốc chuyền tay, cà phê bột pha đầy ca inox xoay vòng...

Anh Lành có cảm tình với anh Sếnh gốc người Nùng nhà ở Cây số 15 quốc lộ 20 đường lên Đà Lạt thuộc Chi khu Định Quán... Anh Sếnh bụng dạ thiệt thà còn độc thân, thích đời lính trận mạc, đã nhiều năm nhảy toán... mà tử thần quên chưa... giũ sổ!

Anh Lành ghi địa chỉ nhà cho anh Sếnh... khi nào có duyên thì gặp lại nhau ở Sài Gòn!

 

*****

Dì Hai chủ quán thấy thằng Thu con bà chín Ghi đi học về liền nhờ nó vô báo tin cho anh Lành Pho biết... 

Anh Lành nghe tin mừng quýnh với tay lấy cái áo mặc vô đi ra... nhìn bên kia đường một chiếc jeep Quân cảnh hổn hợp... đang chờ người lính ngồi trong quán nãy giờ bước ra để kiểm tra giấy tờ, quân phong quân kỷ. 

Trong quán chiều... hai người lính trận gặp nhau mừng mừng tủi tủi ôm chầm siết lấy nhau tay bắt mặt mừng. 

Anh Lành lên tiếng: 

- Xe Quân cảnh bên kia... mới tới hay đậu chiều giờ... dì Hai?

Dì Hai chủ quán nói xen vô:

- Mấy ổng đậu nãy giờ... coi bộ... mấy ổng canh me... chú lính này! "Trời đánh tránh bữa ăn"... mờ!

Anh Sếnh lên tiếng:

- Kệ mấy giả... đi! Tụi tui đi đâu là có "đồ chơi" lận lưng, mấy giả lạ gì chiện đó! Cho hai chai nữa... dì Hai.

Hai ly bia đầy bọt trắng ngang miệng ly cùng được nâng lên chúc buổi chiều hạnh ngộ rồi cùng ừng ực... một cách sảng khoái! Hai người chụm đầu nói cười rổn rảng thoải mái! 

Rồi anh Sếnh buồn buồn nói tiếp: 

- Vừa rồi... mình nhảy show vùng tam biên, lịnh triệt xuất... trên đường rút bị đạn AK truy đuổi ráo riết đành phải bỏ thằng em K'bór lại vì nó bị thương nặng... nó tự giựt lựu đạn mini để chận đứng địch truy sát... tụi mình về hậu cứ mà ân hận... tội thằng em! Không biết quê quán nó ở đâu để cho gia đình nó hay! Chỉ biết tên nó là K'bór người thượng Bana ở Bình Định. 

Tụi mình là lính không số quân... 

Thật sự... là những chiến sĩ vô danh khi quyết định từ bỏ họ tên, số quân và lý lịch...

Đời lính gian khổ hiểm nguy vào sinh ra tử là chuyện bình thường, mỗi lần nhận công tác là chấp nhận tính mạng mình, còn sống để trở về thì thật là quá may mắn.

Những công tác của người lính biệt kích Lôi Hổ, ngoài cấp Chỉ huy Hữu nhiệm của Nha Kỹ Thuật, không ai có thể biết người lính Lôi Hổ đã làm gì, ở đâu, thành quả ra sao và hậu quả như thế nào! 

Và nếu rủi ro... ngã gục trước mũi đạn quân thù, phơi thây nơi xó rừng góc núi... thì xác người lính Lôi Hổ trở thành tử thi vô danh, vô chủ.

Lính Biệt kích Lôi Hổ chính là những Kinh Kha thời đại mới, là những chiến sĩ vô danh đã hy sinh bảo vệ Miền Nam tự do suốt cuộc chiến này. 

- Tụi mình... "Sống thì vô danh, chết thì vô chủ"... như hồi nãy tới gần ngã ba Kỳ Đồng thấy xe Quân cảnh mấy cha này nè... mình chuồn êm dzô hẻm đường rày mới lần về đây! 

Còn như bây giờ...

Anh Sếnh nhìn ra đường nhún vai nói:

- Đâu có sự vụ lịnh, phép tắc.. gì đâu! Nếu bị bắt... thì chỉ xin báo về đơn vị rồi chờ cấp Chỉ huy Hữu nhiệm thẩm tra, cứu xét, can thiệp... mình mới được về lại đơn vị, còn không thì bị nhốt chuồng cọp liền vì tội đào ngũ, rồi bị truy tố ra Tòa án Quân sự! 

- Dì Hai... tính tiền đi dì hai... tụi tui tìm cách chuồn cửa hậu...

- Mèng ơi!... nhiêu đâu mờ... lính tráng... bữa nay tui đãi đó!

Rồi dì Hai nhét thêm chục trứng gà luộc vô ba-lô đi đường...

- Chú đi mạnh phẻ, thượng lộ bình an... nhen chú!

- Dạ... cám ơn dì Hai nhiều!

Anh Lành tìm cách... hai người giả đi toilette... rồi chuồn êm ngõ sau Mạnh Trinh quán... vào trong hẻm 40 sẹc! 

Nhà anh Lành nghèo... mái ngói dột nát, không có chỗ cho cha mẹ già ngả lưng nếu trời mưa to... 

Dưới mái ngói nhà là những tấm poncho lính che chắn chỗ dột một cách chắp vá sơ sài... thấy thật xác xơ tiêu điều...

Anh Sếnh nhìn gia cảnh thì hiểu chuyện... lại thương tấm lòng chân tình của anh Lành.

Hai người chỉ khề khà lít rượu trắng Gò đen với con khô cá sặt mua ở tiệm tạp hóa Huỳnh Châu...

Lát sau... bác Sáu kêu con heo, con gái út bác leo hái chùm ổi để anh em đưa cay thêm... hàng xóm thấy dzậy người bưng qua tô canh chua, người về làm trứng vịt đỗ chả, người dĩa thịt kho tàu, vài cái bánh tráng nướng, trái dưa leo, bụm ớt xiêm... cũng thành bữa cơm chiều thịnh soạn no lòng người chiến sĩ, ấm tình kẻ hậu phương.

Anh Sếnh nhìn mâm cơm mà rươm rướm nước mắt... chợt nhớ những đêm băng rừng không kịp nuốt vội hột cơm sấy là phải hòa lẫn vào bóng đêm núi rừng tránh địch...

Anh Lành đàn, anh Sếnh gõ tay lên bàn làm nhịp hát... giọng hai người một thanh một trầm khàn hòa chung da diết réo rắt những bài hát... Những ngày xưa thân ái, Biển mặn, Rừng lá thấp, Tám điệp khúc, Bảy ngàn đêm, Chuyến tàu hoàng hôn, Đường xưa lối cũ, Trăng tàn trên hè phố... 

Điệu boléro cứ da diết hòa tan vào lòng người nghe theo từng bước chân quân hành trong rừng sâu núi cao... theo từng mạch máu nhịp tim hồi hộp trông ngóng của người cô phụ nơi quê nhà thương nhớ đêm ngày hình bóng kẻ chinh phu nơi tuyến đầu lửa đạn... âm thầm lo âu cầu mong ngày trùng phùng đoàn viên hạnh phúc!

Anh Sếnh một mình trong bóng đêm nức nở...

"Tôi thường đi đó đây, bùn đen in dấu giày, lửa thù no đôi mắt 

Chân nghe lạ từng khu chiến thuật

Áo đường xa không ấm gió phương xa, nghìn đêm vắng nhà. 

Ân tình theo gót chân, bọn đi xa đánh trận, gặp gỡ trong cơn lốc

Xưng tao gọi mày thương quá gần

Bốn vùng mang lưu luyến bước bâng khuâng của vạn người thân"...(*) 

Rồi hai người giăng võng nơi hàng ba nhỏ to tâm sự trong men rượu và chìm vào giấc ngủ chập chờn như những đêm nhảy toán vùng biên khu chiến địa! 

Đến khuya... chó gầm gừ sủa nhát gừng ở hướng đầu hẻm cà phê bà chín Ghi... những âm thanh lạ tai... mà linh tính những đêm hành quân tiền sát mách bảo... Anh Sếnh khẽ đánh thức anh Lành, anh tháo võng nhét vội vào ba-lô khoác áo, đội nón... rồi hai người vội vàng lầm lũi đi ra phía sau đường rày...

Dưới ánh trăng mờ mờ ngã về tây... hai người lính ôm chầm nhau... nghẹn ngào chia tay... không hẹn ngày trở lại... Anh Sếnh than thở:

- Lính không số quân... là dzậy đó Lành à! Mình cũng quen rồi.. chợt đến chợt đi... như HỒN MA BIÊN GIỚI ! 

Rồi búng tay hát nho nhỏ...

" Đừng hẹn tôi ngày về

Vì đường xa thiên lý

Đời trai như chiến sĩ

Kinh Kha một lần đi... (**) 

- Biết đâu ngày mai... tới lượt mình!

Anh Sếnh cười khanh khách trong bóng tối để giấu giọt nước mắt cô đơn lăn dài... siết chặt tay bạn mình rồi lầm lũi quay đi xa dần trong bóng đêm về sáng. 

Anh Lành nhìn theo mà thầm thương mến cảm phục người bạn, người lính không màng đến tính mạng mình để bảo quốc an dân...

Anh Lành cúi đầu thở ra lẩm bẩm: 

Họ chính là những anh hùng không tên tuổi. Những người CHIẾN SĨ VÔ DANH khi hy sinh thân xác... không thân nhân, không bạn bè tới tiễn biệt trong phút lìa đời, họ chết cô đơn trong phút cuối cùng... vùi thây nơi chiến địa!

Nguyện cầu hồn thiêng sông núi, xin hãy bảo bọc và an ủi họ. 

Đâu đó... giọng nữ ca sĩ Hoàng Oanh vang lên trong cái cassette rè rè của những gia đình dậy sớm lo tất bật mưu sinh...

"Thôi mình chia tay cầu mong anh chiến thắng! 

Ánh trăng khuya sắp tàn trên hè phố... 

Nắng đẹp của bình minh đang hé chờ

Nỗi buồn buổi biệt ly sẽ xóa mờ... 

Đừng lưu luyến gì đây

Thôi bọn mình chia tay...

Thôi bọn mình chia tay..."(***)

3/

Sau 30/4/1975

Khi đã giã từ vũ khí... anh Lành học tập ba ngày tại phường. 

Thời gian sau... xã hội khó khăn về mọi mặt, chính quyền quản lý đi lại... nhứt là "ngụy quân ngụy quyền".

Anh Lành phải đăng ký TNXP đi xây dựng vùng kinh tế mới Bù Đăng- Bù Đốp- Phước Long. 

Sau ba năm... đào kinh làm thủy lợi, gia tăng sản xuất, xây dựng nhà cửa vùng kinh tế mới, anh Lành về thành phố... ngỡ ngàng trong xơ xác của xóm làng... 

Rồi xin được một chưn nhạc công đêm đêm chơi đàn cho các tụ điểm ca nhạc tạm kiếm sống qua ngày nuôi gia đình. 

Năm 1980, anh Lành xin vào Sở Điện Lực Thành phố làm việc cho tới năm 2008.

Khoảng năm 2015, anh mất trong sự cô đơn nghèo khó. 

Thời gian thấm thoát trôi qua... khi nhắc về một thời xa vắng trong con hẻm 40 xẹc thân thương... hàng xóm ai ai cũng dành một chút thiện cảm để nhắc nhớ về anh Lành... người hàng xóm nghệ sĩ... lãng tử thân thương. 

TRƯƠNG HÙNG 

11/2019. 

Chú thích:

(*) Kẻ ở miền xa -Trên bốn vùng chiến thuật 

nhạc Trúc Phương.

(**) Thương về quán trọ- nhạc Lê Dinh.

(***) Trăng tàn trên hè phố

nhạc Phạm Thế Mỹ.

No comments:

Post a Comment