Quỳnh lấy vé máy bay về Việt
Nam một cách vội vàng, mấy ngày nay nàng ăn, nói, đi, đứng như người mộng du.
Tình cờ sang Cali dự đám cưới người cháu, Quỳnh gặp lại
Trang, người bạn học thân nhất, ngồi cạnh nhau trong giảng đường Văn Khoa.
Trang cho Quỳnh biết mới sang Mỹ được hai tháng. Trước khi đi Trang về thăm quê
nội ở Trà Vinh và đã gặp Tân! Thương binh cụt một chân, ngồi bán vé số ngoài vỉa
hè độ nhật. Nghe tin Tân còn sống, tim Quỳnh co thắt, toát mồ hôi và xây xẩm cả
mặt mày. Quỳnh thì thầm như người mất hồn. “Trời ơi! Tân ơi! Anh còn sống sao?
Mấy chục năm rồi, Tân ơi! Anh có biết rằng em tiếc thương anh ngần nào không?
Cám ơn trời Phật đã cho Tân còn sống!!!” Dù hoàn cảnh thế nào Quỳnh cũng phải
trở về gặp lại Tân! Gặp lại sự sống của chính nàng.
Theo gia đình Trang dự lễ mãn khóa 22 sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Ngồi
trên khán đài trong Vũ Đình Trường, sau bài diễn văn của Thiếu Tướng Chỉ Huy
Trưởng, tiếng loa uy nghi dõng dạc:
- Quỳ xuống các sinh viên sĩ quan.
Sinh viên sĩ quan thủ khoa nhận kiếm, cung bắn đi bốn hướng
tượng trưng chí trai tang bồng hồ thỉ, sau khi hàng ngàn sinh viên khác nhịp
nhàng quỳ xuống thẳng hàng để được gắn cấp bậc sĩ quan.
- Đứng lên các tân sĩ quan.
Chỉ cần hai động tác quỳ xuống, đứng lên với cấp bậc trên
cầu vai biết bao tháng ngày gian lao! Những bữa cơm chan mồ hôi, nước mưa trong
rừng cao su ... Ngoài bãi tập và biết bao gian nguy ngoài chiến trường chờ đón
họ! Sau mười ngày phép cuối khóa của những người trai trong thời ly loạn! Phải
“xếp bút nghiên theo việc đao cung”.
Trên hai mươi năm qua rồi, đêm mãn khóa bập bùng kỷ niệm vẫn
còn mới nguyên trong tâm hồn Quỳnh, đêm định mệnh để Quỳnh quen Tân do anh trai
Trang; người bạn cùng khóa với Tân giới thiệu.
Ngồi trong xe cạnh nhau, hai người chỉ trao đổi những lời
thăm hỏi xã giao chừng mực. Ở Tân, Quỳnh thấy người con trai đã được tôi luyện
qua gian lao, nắng mưa quân trường, tóc hớt cao, nước da bánh mật sạm nắng, tự
dưng với tuổi mười bảy của đứa con gái mới lớn, Quỳnh thấy thương và tội nghiệp
Tân quá đi thôi. Tân từ biệt mọi người – sau khi xin địa chỉ Quỳnh -ra bến xe
miền Tây về quê thăm mẹ! Tân chỉ có hai mẹ con.
Trước ngày ra đơn vị, Tân chọn binh chủng mũ nâu Biệt Động
Quân như lời tâm sự: “Không đi lính thì thôi, đi phải chọn binh chủng xứng đáng
và phải đánh đấm ra trò”. Tân có đến thăm Quỳnh đi phố, ăn trưa và trong bóng tối
rạp Ciné Lê Lợi, cầm tay Quỳnh, Tân nói lời từ giã:
- Mai anh đi! Quỳnh ở lại vui! Ráng học giỏi.
Tân ra đơn vị, Quỳnh thấy hụt hẫng trong lòng và tình cờ,
tình tiết thương tâm trong cuốn phim “Le temps d’aimer c’est le temps de
mourir” mà Quỳnh và Tân đã xem! Suốt thời gian dài sau này Quỳnh cứ tự hỏi: “Tại
sao có một thời để yêu lại phải có một thời để chết???”.
Chiến trận đã cuốn Tân đi biền biệt! Những địa danh mịt
mùng xa xôi: Bình Định, Bồng Sơn, Tam Quan, Sa Huỳnh, Phá Tam Giang...tiếp nối
trên đầu mỗi cánh thư đầy ắp yêu thương của Tân gởi về; một thứ hạnh phúc nhỏ
nhoi mà nhiều lần Quỳnh đã mang vào giấc ngủ.
Tình yêu qua những cánh thư đã làm Quỳnh trưởng thành,
nàng đọc báo, nghe đài phát thanh, tin tức những trận đánh lớn đã khiến nàng bỏ
ăn! Đóng cửa nằm yên trong phòng một mình.
Quỳnh thường đi chùa! Một lần nghe có ông thầy ở Thủ Đức rất
tài; làm phép trong tờ giấy bạc xếp thành hình tam giác, tránh được lằn tên mũi
đạn. Quỳnh vội vàng thỉnh phép bọc bằng vải nhung tím, ép nylon gởi cho Tân và
nàng bắt buộc Tân phải đeo bên mình, Tân phải sống để yêu thương nàng. Những
gói mè xửng, chiếc nón bài thơ! Nhận được quà của Tân gởi về, Quỳnh cảm động mừng
rơi nước mắt.
Đơn vị Tân tham dự hành quân vượt biên sang Lào! Lam Sơn
719. Tiểu đoàn Tân vừa được đổ xuống một đỉnh đồi, và rồi trận chiến khóc liệt
xảy ra! Sau hai giờ chiến đấu bằng lựu đạn, đơn vị Tân đã bị tràn ngập...
Ra trường chưa được hai năm Tân đã được thăng cấp tại mặt trận hai lần và giữ
chức vụ Đại Đội Trưởng.
Thân nhân gia đình đến hậu cứ đơn vị hỏi thăm tin tức về
chồng con họ một cách nhiệt tình, tự nhiên. Thấy Quỳnh đứng rụt rè bỡ ngỡ, người
sĩ quan hậu cứ đến hỏi:
- Xin lỗi cô tìm ai?
Quỳnh lí nhí:
- Dạ! Em muốn biết tin tức Trung Úy Tân Đại Đội Trưởng.
- Cô là gì của Trung Úy Tân?
- Dạ! Vợ.
Má Quỳnh ửng đỏ. Người sĩ quan hậu cứ ranh mãnh trả lời nàng:
- Đơn vị đang trong vùng hành quân! Có tin tức gì tôi sẽ thông
báo cho bà sau.
Chữ bà đã làm Quỳnh ngượng ngùng làm sao ấy. Nghĩ cho cùng
rồi cũng đúng thôi. Quỳnh đã trao đời con gái cho Tân sau lần thăm ở Pleiku,
khi Tân đang nằm điều trị ở Quân Y Viện để gắp một mảnh lựu đạn xuyên vào vai.
Quỳnh chưa biết đam mê xác thịt, nàng muốn có con với Tân. Nếu lỡ Tân không về
nàng còn giữ được giọt máu cho Tân! Cho mẹ Tân có người nối dõi tông đường! Quỳnh
không có thời gian chọn lựa trong vòng tay Tân! Tình yêu đếm bằng phút giây với
nỗi chết không rời! Tội cho Quỳnh biết bao! Khi lỡ có người yêu ngoài mặt trận.
Quỳnh tỉnh dậy trong nhà thương, khi tuần sau lên hậu cứ
và được người sĩ quan trực trả lời:
- Xin thành thật chia buồn cùng bà! Trung Úy Tân được báo cáo đã
mất tích.
Ba năm trời Quỳnh đi mọi nơi, hỏi không biết bao người đội
mũ nâu; không nhận ra được một tin tức nào của Tân. Những ngày cuối tháng tư năm 1975, trong khi Xuân Lộc bị tấn
công, Biên Hòa bị pháo kích; gia đình gồm cha, mẹ Quỳnh và đứa em trai di tản,
sau đó định cư tại thành phố Montreal Canada.
Chuyện tình nàng và Tân phút chốc thoáng như mơ mà đã gần ba
mươi năm! Một nửa đời người rồi còn gì!!!
Phi cơ ở độ cao! Quỳnh kéo chăn đắp lên ngực và thì thầm với
chính mình:
- Tân ơi! Em phải về gặp anh! Dù thế nào em cũng không thể dối
lòng mình được, em yêu anh suốt cuộc đời này.
Người tiếp viên thông báo, phi cơ đã vào địa phận Việt Nam.
Trước khi đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, phi cơ đảo đi
một vòng lớn, qua khung cửa kính Quỳnh vẫn thấy thửa ruộng, mái tranh lụp sụp,
sự nghèo khó làm vòng đai rộng lớn bao quanh thành phố Sài Gòn hoa lệ.
Qua báo chí, Quỳnh biết rằng hơn bảy mươi lăm phần trăm
dân tộc mình là nông dân, suốt đời úp mặt xuống bùn cũng không kiếm đủ miếng ăn
cho gia đình! Giàu sang chỉ dành riêng cho thành phần thiểu số có quyền chức
trong xã hội! Sự chênh lệch lớn lao giữa nghèo và giàu đó sinh ra sự bất ổn xã
hội! Sài Gòn bây giờ là ô nhiễm, xe cộ đủ loại chen chúc luồn lách vô trật tự!
Sự công xúc tu sỉ xảy ra ở mọi gốc cây, nhiều lần Quỳnh phải quay mặt đi vì hổ
thẹn.
Ra xa cảng miền Tây, đón xe tốc hành, Quỳnh về Trà Vinh,
thành phố Quỳnh đến lần đầu. Quỳnh xuống xe với hai chiếc va li nặng trĩu. Ngơ
ngác cố nhớ lời Trang tả; nàng đi lần về phía đầu chợ; thành phố đã lên đèn.
Hàng chục anh xe lôi, xúm quanh hỏi Quỳnh về đâu? Nàng hỏi thăm Tân, cụt chân bán vé số ở đầu phố chợ. Có người nhanh nhẩu trả lời:
- Trung úy Tân! Biệt động Quân bán vé số! Cô lên xe tôi chở đến
nhà ổng cho.
- Tân! Biệt Động Quân! Những tiếng thân thương Quỳnh mừng khôn tả.
Quỳnh đền ơn người chạy xe lôi hậu hĩnh! Trước khi mở cổng
bước vào căn nhà ngói ba gian loang lổ gạch vôi nói lên đời sống khó khăn của
chủ nhân nó. Quỳnh đưa tay đè lên trái tim, nén xúc động, Quỳnh gõ cửa. Người
đàn ông chống nạng bước ra! Nhìn sững nàng! Miệng há hốc kinh ngạc! Đất như sụp
dưới chân Quỳnh.
Tân không còn tin ở mắt mình:
- Có phải Quỳnh của anh đây không?
Nàng phóng tới ôm chầm lấy Tân:
- Vâng, em đây! Quỳnh của anh đây.
Ngoài ngõ, hàng xóm và trẻ em thật đông, tò mò nhìn vào.
Người đàn bà tóc bạc như cước, từ nhà sau bước ra lắp bắp hỏi Tân:
- Cô này là ai vậy con?
Tân trả lời mẹ trong xúc động:
- Thưa má! Quỳnh bạn con.
Quỳnh chắp tay lễ phép chào bà. Mẹ Tân bước tới ôm tay Quỳnh vừa
mếu máo khóc, vừa nói:
- Thằng Tân gặp lại con! Bây giờ có chết bác cũng vui lòng.
Mẹ Tân vén tay áo lau nước mắt. Tân chống nạng phụ Quỳnh mang mấy
va li vào nhà.
Quỳnh đi tắm, thay đồ mát và bữa cơm đạm bạc được dọn ra gồm:
một tô mắm chưng, hai trái cà nâu nướng chan nước mắm tỏi ớt, một dĩa bông so
đũa luộc. Ba người cầm đũa, Quỳnh ăn thật ngon miệng! Mấy chục năm ở Canada làm
gì có những món này. Tân và mẹ nhìn Quỳnh ăn một cách ái ngại.
Gắp cho Quỳnh bông so đũa luộc, mẹ Tân hỏi Quỳnh:
- Cháu ở đâu về? Lập gia đình được mấy đứa con rồi?
Nàng liếc sang Tân, hình như anh hồi hộp chờ câu trả lời của Quỳnh.
- Thưa Bác, con ở Canada về! Con chưa lập gia đình. Dạ thưa bác,
nãy giờ con quên hỏi thăm về vợ con anh Tân.
Tân ngượng ngùng cúi đầu và mẹ Tân cười! Niềm vui trong ánh mắt:
- Bác đã tám mươi tuổi rồi! Thèm cháu nội lắm. Thằng Tân nhiều lần
tâm sự với bác, thân nó tật nguyền và suốt đời nói chỉ thương mỗi mình con
thôi! Có mấy mối được lắm, nết na có học, nhưng nó đều từ chối. Mỗi chiều bán
vé số về tắm rửa cơm nước xong, nó nằm trên võng mắt nhìn lên tấm ảnh nó và con
chụp chung chưng trên bàn viết đó! Tay đàn, miệng hát tới khuya. Lần nào bác
cũng nghe nó hát bản...Em lây cu...lây cưa...gì đó. Nó hát bản đó hoài sao
không chán. Nó nói bản nhạc đó là cuộc đời nó.
- Nghe xong, Quỳnh buông đũa, ngưng ăn! Nắm chặt tay Tân và Quỳnh
quay mặt đi để dấu dòng nước mắt tuôn trào. Hồi lâu, nén xúc động, nghẹn ngào
Quỳnh hỏi:
- Anh thương em nhiều đến thế sao Tân?
Tân xoa xoa vai Quỳnh giọng như muốn khóc:
- Quỳnh! Em có biết tình yêu và hình bóng em đã nuôi sống cuộc đời
tật nguyền của anh.
Hai người dìu nhau ra ngồi trên băng đá trước hiên nhà.
Gió đi lào xào trên tàng cây vú sữa xum xuê trước ngõ, với giọng xúc động, Tân
kể lại diễn biến cuộc hành quân sang Lào… và đơn vị Tân bị tràn ngập bởi thiết
giáp đối phương, Tân bị đạn đại liên tiện đi mất chân trái! Tân bị bắt làm tù
binh, và bị giam cầm 13 năm tại các tỉnh thượng du Bắc Việt, mười ba năm đầy
nghiệt ngã, cách biệt với thế giới bên ngoài!
Năm 1985 họ thả anh, về đây sống với đời buồn tủi tật nguyền,
hằng ngày anh đi bán vé số! Hai mẹ con sống cuộc đời cháo rau túng thiếu trong
căn nhà kỉ niệm của ba anh, người sĩ quan dù đã chết trong trận Điện Biên Phủ.
Quỳnh cũng kể cho Tân nghe! Từ năm 1972 sau nhiều lần hỏi thăm,
kiếm tìm, đơn vị cho biết Tân đã mất tích.
Tháng 4 năm 1975 gia đình nàng di tản và định cư tại Canada; cha
mẹ nàng đã qua đời! Nàng làm việc ở một bệnh viện, em trai nàng đỗ bác sĩ đã lập
gia đình được hai con.
Riêng Quỳnh vẫn ở vậy. Em nghĩ rằng anh đã chết và em sẽ sống với
hình bóng anh suốt cuộc đời này. Bây giờ đang ngồi bên anh em cứ nghĩ mình nằm
mơ.
Tân cúi xuống, vén tóc Quỳnh, hai người hôn nhau say đắm! Một nụ
hôn của ba mươi năm và dài bằng nửa vòng trái đất.
Buông nhau ra, Quỳnh nũng nịu:
- Em muốn anh đàn và hát cho em nghe.
Tân gật đầu và Quỳnh vào nhà mang đàn ra. Dáng hao gầy, gương mặt
nhiều nét kỷ hà học, dạo phiếm và Tân cất tiếng hát! Lời bài hát của một thi sĩ
té lầu chết trong một cơn say và Phạm Duy phổ nhạc:
“Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em, đời còn dễ thương...”
Tân có ngón đàn thật điêu luyện! Giọng hát khàn đục chất
ngất nỗi niềm, xoáy tận vào tim Quỳnh; xuôi về thành phố núi của những cô gái
má đỏ môi hồng, mái tóc ướt mềm! Thành phố đi năm phút đã về chốn cũ và trong
khách sạn Bồng Lai, trên chiếc giường ra trắng muốt, nàng đã trao thân cho Tân
trong một đêm mưa kéo dài.
Trời thật khuya! Trăng thượng tuần sáng vằng vặc. Quỳnh
theo Tân vào phòng! Chiếc giường ngủ trải chiếu bông! Quỳnh ngất ngây trong
vòng tay Tân! Mùi đàn ông, mùi nếp non rạ mới đã làm Quỳnh phiêu diêu trong
hoan lạc tột cùng. Rõ ràng “đêm nay mới thật là đêm - ai đem trăng sáng trải
lên vườn chè”.
Suốt ba tuần lễ ở nhà Tân! Quỳnh và mẹ Tân đi sắm đồ trang
trí lại nhà cửa theo sự yêu cầu nhiều lần của Quỳnh. Quỳnh thuê một chiếc xe du
lịch đưa mẹ, Tân và Quỳnh ngắm cảnh Ao Bà Ôm, Tân chỉ cho Quỳnh nơi chú Đạt hôn
cháu Diễm trong phim Yêu của Chu Tử do tài tử Anh Ngọc và Thanh Lan đóng. Những
hàng cổ thụ, rễ nhô cao trên mặt đất! Mặt hồ gió mát! Phong cảnh tuyệt vời. Ba
người cũng đi ngắm biển Long Toàn với những đồi cát chập chùng và những bữa ăn
cua luộc ngon nhớ đời.
Bên Quỳnh, Tân như trẻ lại! ăn nói hào sảng như ngày nào khoác
áo hoa rừng và đội chiếc mũ nâu.
Khỏi phải nói! Mẹ Tân thương Quỳnh qua cách đối xử phải đạo
của nàng! Nhiều lần bà cảm ơn Quỳnh đã mang về đây niềm vui, hạnh phúc cho Tân!
Đứa con trai duy nhất và cũng là tài sản của đời bà.
Riêng Quỳnh, sau nhiều đêm ngỏ lời! Trước khi chấp nhận,
Tân hỏi Quỳnh suy nghĩ kỹ chưa khi chọn một người tật nguyền làm chồng.
Quỳnh chọn căn nhà cũ kỹ! Có giếng nước mát lạnh, tàng cây
vú sữa cho bóng mát suốt ngày, làm nơi cư trú suốt đời bên tình yêu nồng nàn của
Tân.
Quỳnh cùng Tân dạo phố! Không một mặc cảm ngại ngùng nào
“bên người yêu tật nguyền chai đá”. Trái lại, Quỳnh còn thầm hãnh diện có người
chồng đã hy sinh một phần thân thể cho quê hương đất nước.
Trước khi Quỳnh trở lại Canada, gia đình Tân tổ chức một bữa
tiệc, mời một ít bà con và một số hàng xóm cạnh nhà để tuyên bố lễ cưới giữa
Tân và Quỳnh. Mọi người đều cảm động trước mối tình nồng thắm, cách chia gần ba
mươi năm của hai người. Trong tiệc cưới, mẹ Tân đã không cầm được nước mắt khi
nhìn thấy hạnh phúc của con trai mình.
Ba tháng sau, trên chuyến bay Cathay Pacific Airline, Quỳnh
đã thu xếp mọi việc ổn thỏa để trở về sống suốt đời ở Việt Nam bên cạnh Tân -
chồng nàng.
Khách cùng chuyến bay ngưỡng mộ nhìn Quỳnh, tay xách túi nhỏ và
vai mang một hộp da như đựng nhạc khí kèn đồng.
Trong quầy khám hành lý! Nhân viên hải quan hách dịch hỏi nàng:
- Sao không thấy bà kê khai hộp da bà mang trên vai. Chúng tôi
được lệnh khám xét.
Quỳnh mở dây kéo! Mọi người đều ồ!!! lên một tiếng, ngạc nhiên
bên trong lót lớp nỉ đỏ! Không có thứ nhạc cụ nào cả mà là một cái chân giả tuyệt
đẹp.
- Bà mang chân giả này về cho ai? Nguyên do nào người này bị tật?
Viên hải quan gắt gỏng.
Quỳnh trả lời một cách bình tĩnh:
- Nếu ở phi trường nước khác, tôi sẽ từ chối trả lời câu hỏi
này. Nhưng ở đây tôi xin trả lời ông: Tôi mang chân giả này về cho chồng tôi!
Anh bị thương trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở chiến trường Hạ Lào.
Sau một lúc bàn thảo! Hải quan đồng ý cho Quỳnh đi. Đẩy xe
hành lý bước nhanh một đỗi, Quỳnh còn nghe rõ câu nói hằn học lớn tiếng sau
lưng:
- Mẹ nó! Mấy thằng thương binh ngụy bây giờ có giá dữ ha!!!
Quỳnh mỉm cười bước nhanh khi nhìn thấy Tân và mẹ vẫy tay chào
nàng ngoài khung của kính bên kia đường./.
Tường Lam
No comments:
Post a Comment