Monday, September 12, 2022

Năm Năm Lỗi Hẹn - Nguyễn Thị Thêm


Buổi trưa hôm ấy vào mùa hè, cô giáo trẻ về thăm nhà. Cây phượng trước trạm xá nở hoa đỏ rực. Cây phượng vĩ lớn tuổi hơn cô giáo. Gốc nó sần sùi, tàng lá phủ một khoảng rộng, che một nửa sân nhà thương và một nửa sân kho vật tư của đồn điền. Nơi đó ngày còn bé cô giáo cùng em trai và bạn bè ra đó vui đùa. Nhóm con trai bắn bi, đánh đáo, lũ con gái  nhảy lò cò, chơi đánh đũa.

Tàng cây chưa đủ mát nên nắng vẫn nhảy múa lên vai, lên áo của lũ trò nhỏ ngây thơ. Một tuổi thơ nghèo khổ nhưng an vui. Tuổi thơ như cánh diều bay cao nhìn khoảng trời cao rộng. Như những trái banh được quấn bằng mủ cao su tung lên rồi chụp lại để chơi đánh đũa. Con mắt nhìn theo trái banh nho nhỏ, bàn tay chụp vội những que đũa quay mấy vòng rồi chụp lại trái banh. Trái banh cao su càng tung lên cao, tay càng có thời gian để nện những que tre vào mắt cá kẻ chiến bại những nẹt đũa rõ đau. Rồi thì ôm nhau cười như nắc nẻ, không giận hờn không thù hận.

Cây phương lớn lên theo ngày tháng, lũ trẻ cũng lớn lên thật nhanh. Áo quần nhà nghèo không có gì mới. Những chiếc áo, những cái quần đã cũ vá nhiều chỗ anh mặc trước, em lớn lên mặc đồ cũ của anh. Chúng sống hồn nhiên không se sua, không hơn thua giàu nghèo, đẹp xấu. Cô bé cái đầu đầy chí đã được cạo trọc để tụi con trai nhảy tưng tưng trước mặt hát chọc quê;

-Cái đầu trọc lóc như cái bình vôi

Mẹ ngồi mẹ ỉa, mẹ bôi lên đầu.

Cô bé trợn hai con mắt tròn như hai hòn bi ve rượt lũ bạn chạy vòng khắp cột cờ. Cô chụp được đứa nào thì lôi đầu cú những cái thật đau.


Rồi tóc cô bé cũng được dài ra, ba cô cắt bum bê để thành một con bé dễ thương hai má phinh phính hồng hồng. Mái tóc dài ra cô cột cao lắc lư theo chân sáo tung tăng. Lũ con trai ngày đó cũng lớn dần. chiều chiều chúng cũng hay về lại dưới gốc phượng để chơi. Khi hoa phượng thành trái, chúng trèo lên cây, hái về cho cô bé dễ thương ăn. Trái phượng rất ngon bùi bùi ngọt ngọt. Là món ăn chơi dân dã của tuổi ngây thơ.

Cô bé thi đậu bằng tiểu học rồi thi đậu vào đệ thất trường công lập tại quận lỵ. Chiếc áo dài xanh màu thiên thanh những buổi sáng thứ hai chào cờ khiến cô như lớn ra biến thành thiếu nữ. Mỗi ngày hai vạt áo dài trắng được cô cột lại để tiện việc nhảy dây và đá cầu. Cô chưa biết mình đã lớn, cô chưa biết có nhiều bạn học nhìn cô với đôi mắt của một người con trai nhìn một cô gái, chứ không phải một thằng bé con nhìn một con bé lem luốc ngốc nghếch vô tư. Cô yêu hoa phượng mùa hè, yêu tiếng ve kêu vì  những cánh hoa phượng rực rỡ như thêm màu sắc của tuổi thần tiên.

Một ngày tha thẩn bên gốc phượng, cô mở to mắt nhìn thằng bạn học bước lại gần, run run nắm lấy tay cô. Mặt mày nó đỏ rần, tay nó run, miệng lắp bắp nói không ra lời :

-Tui ...Tú không ở đây nữa, nhà... Tu...Tú sẽ dọn đi nơi khác.

Cô giật tay lại. Mọi lần chơi u mọi cũng ôm eo ếch nhau, nhiều khi cứu bồ cũng ôm nhau lăn cù mèo để cướp tù binh. Rất nhiều lần nắm tay làm vòng cung để chơi mèo bắt chuột. Nhiều khi nó còn cõng cô khi nó bị thua và cô ngồi trên lưng nó cười đắc thắng. Lần này sao cái nắm tay nó kỳ quá. Mắt nó nhìn cô kỳ quá. Cái thằng... chắc khùng.

-Tui ...Tú... Cô lại trợn mắt. Cái thằng này nó xưng tên với mình. Cô hỏi tự nhiên:

- Hả? Cái gì?...đi đâu?

- Không biết! Ba ...Tu... Tú  nói chắc đi luôn vì ở đây không còn an ninh nữa.

- Ừa! Mai mốt có về nhớ ghé nhà thăm tui nha.

-Đi rồi ...có nhớ Tú hôn?

Ơ! cái này lạ, mắc gì nhớ. Có phải anh ruột mình đâu mà nhớ. Cô trả lời trống không.

- Ai biết... chưa đi làm sao tui biết. Đi mạnh giỏi.

Và cô bỏ người bạn đứng đó chạy một mạch về nhà. Cô bé dừng lại trước sân. Bàn tay cô xòe ra, có bàn tay run run của ai nắm. Sao bàn tay cô cũng đang run, có cái gì lạ lạ len vào cuộc đời mà cô không hiểu tại sao.

Người bạn đi xa, chiến tranh đến thật. Những cái chết, những thây người bị khủng bố, những đêm pháo kích, những tối hỏa châu đi theo từng ngày cô lớn. Tuổi học trò trắng tinh trong ký ức có kèm theo máu và những đôi mắt mở to thảng thốt của người chết. Cô gái nhỏ thành thiếu nữ thật rồi. Cô nhớ đến người bạn thời thuở nhỏ để thấy mình ngày đó ngây thơ khù khờ biết mấy. Cô ước gặp lại người đó một lần nữa để xem hai đứa bây giờ có khác xưa không và hắn như thế nào.

...... 

Cô giáo đứng yên nhìn người đàn ông vừa lạ vừa quen. Hắn nhìn cô mỉm cười. Nụ cười có cái răng khểnh của thằng bạn học ngày xưa. Cái thằng nắm tay cô run run từ giã. Cô nhìn sang bên cạnh, các em đoàn sinh đang nhìn cô tò mò. Cô tham gia kỳ cắm trại của Hướng Đạo Việt Nam tại Đà lạt. Cô vừa là cô giáo vừa là thiếu trưởng của các em. Cô quay lại phân công và sắp xếp cho các em mọi việc xong xin phép ra ngoài một chút. 

Buổi chiều Đà lạt gió mát lạnh và cô cũng không biết mình phải nói gì đây. Người bạn xưa không còn là một thằng bé con. Trước mặt cô là một thanh niên rắn chắc, khỏe mạnh. Một sĩ quan của quân lực VNCH.

 Đến bờ hồ cạnh khu cắm trại của hướng đạo hai đứa ngồi xuống. Cô mỉm cười hỏi bạn:

- Sao... biết T ở đây mà đến tìm.

- Vậy mới hay chứ. Phục chưa? Gã con trai cười. Gương mặt hóm hỉnh tươi vui, mừng rỡ.

- Bây giờ...ra sao? Lâu lắm rồi không có tin tức. Cô hỏi lại

- Tú lên Sài Gòn, đang học đại học. Chán chiến tranh nên đăng lính đi hải quân.

- Chán chiến tranh lại đi đăng lính. Có thiệt không vậy?

- Ờ! Thời buổi này không đi lính thấy mình hèn hèn thế nào. Còn T. làm cô giáo oai nhỉ?

- Oai gì mà oai. Làm cô giáo không được tự do vui đùa. Ham chơi nên vô hướng đạo để được chạy nhảy làm điều mình thích. Cô nói xong cười thật tươi, dí dỏm theo bản tính.

- T. vẫn nghịch phá và lém lỉnh như hồi xưa. 

Hồi xưa, kỷ niệm lại hiện về khiến cô bồi hồi.  Người thanh niên trước mặt ngày xưa  lúc nào cũng che chở và nhường nhịn cô. Xe đạp bể bánh Tú loay hoay lấy mủ cao su vá lại. Thắng hư Tú đổi xe để cô đi xe Tú cho khỏi té. Đi hái trộm trái cây dọc đường Bình Lâm cũng dành trái ngon nhất cho cô. Trò chơi nào có Tú lúc nào cô cũng chiếm phần thắng và Tú bị thua...

Tú nói nhiều về mình, về những ngày đi học ở nơi khác mà không có cô. Về những ngày tập luyện ở quân trường, về những chuyến hải hành và hình như Tú chưa có người yêu.

Cô cúi đầu, cố tránh ánh mắt nhìn cô đăm đăm. Trời Đà Lạt về đêm thật đẹp, thật lý tưởng cho những cặp nhân tình. Cô đang hẹn hò sao? Cô chưa từng ngồi như thế này ban đêm với một người đàn ông? Cô sợ, cô tránh né, cô tự nhủ lấy mình "Hãy để Tú giới hạn chỉ là bạn, một người bạn thời niên thiếu như vậy an toàn hơn." Cô mỉm cười nói với Tú:

- Bây giờ khác rồi. Tụi mình đã lớn. Tú là lính hải quân mỗi bến đổ là một bến tình. Mấy ông hải quân cua đào khiếp lắm.

Tú bỗng nghiêm mặt lại, không cười, cúi xuống nhìn cô, nhìn thật gần và bàn tay nắm chặt bàn tay cô.

- Mấy năm nay, có khi nào T. nhớ tới Tú không?

Cô giật tay lại. Đã lâu rồi không liên lạc, cô không biết quá khứ và cuộc đời của hắn. Cô không để khung cảnh lãng mạn này lôi kéo cô đi vào một sai lầm nguy hiểm. Là một cô giáo, một thiếu trưởng hướng đạo, cô không thể quên đi trách nhiệm của mình. Tỉnh táo lại đi T. ơi! Cô run run vội nói:

- T. đi ra ngoài cũng đã lâu, T. phải về lo cho các em ngủ. Ngày mai là ngày cuối của trại. Cám ơn Tú đã đến thăm.

- Ngày mai Tú sẽ đến một lần nữa để gặp T. 

Hai đứa dẫn nhau xuống đồi. Bàn tay Tú thỉnh thoảng chạm vào tay cô, nhưng cô cố tình tránh né. Cô chưa từng yêu nên cô sợ. Cô hồi hộp rung động, tim đập nhanh nhưng cô cố kìm nén vì nghe nói tình yêu dễ sợ lắm. Bước vào rồi sẽ không có lối ra mà con gái bao giờ cũng thiệt thòi cũng sẽ rơi nhiều nước mắt. Má cô từng nói như vậy và khuyên cô hãy giữ gìn.

Cô dự định ngày bế trại cô tránh không gặp lại Tú mà thật lòng cô cũng không biết Tú có đến tìm cô không. Cô rộn ràng, lâng lâng niềm vui khó tả ngày chia tay. Cô trao đổi gậy đi rừng, trao đổi huy hiệu, cô sống hết mình với các bạn chung chí hướng bốn phương khắp nơi về đây tham dự trại hè.

Cô lên máy bay cánh quạt quay tít mù, cô nhìn xuống dưới, Đà Lạt mờ dần và khuất hẳn, lúc ấy cô mới nhớ tới Tú và lời hẹn tối qua. Không biết hôm nay Tú có còn đi tìm mình không? Cô thấy mình thật vô duyên không xin địa chỉ nhà hay KBC để liên lạc với Tú. Xin lỗi Tú.

....

Cô kéo ghế mời Tú ngồi. Ngôi nhà của cha mẹ đã loang lỗ vì đạn pháo và đạn bắn của hai bên. Miền Nam đã mất cô không còn là cô giáo dễ thương của phố huyện ngày xưa. Cô cũng vừa chạy trốn làng quê chồng ôm con về miền Nam nương náu cùng cha mẹ. Chồng cô cũng đang bị tù đày nơi núi rừng Việt Bắc, nghe đâu ở tận Hoàng Liên Sơn. Cô trốn chạy người quen bạn bè lẫn các học trò để làm một công nhân cao su bán lưng cho trời, bán mặt cho đất . Ăn bo bo thay cho gạo Nàng Hương. Chan canh toàn quốc thay cho tô canh nóng hổi ngon lành mẹ nấu. 

Cô cúi mặt cố nén hai hàng nước mắt chỉ chực chờ chảy xuống đôi má đen sạm vì nắng mưa. Người đàn ông gầy gò ngồi trước mặt cô chắc cùng hoàn cảnh. Một con ngựa què giò, một người lính bị tước hết súng đạn, một con người bị đẩy ra khỏi guồng máy xã hội một cách thảm thương

- Sao Tú biết T. về đây mà đến tìm.

-Tú hỏi thăm.

- Tú được thả lúc nào?

- Cũng gần nửa năm. Tú có chuyện muốn bàn riêng với T.

- Chuyện gì? Có quan trọng không?

- Rất quan trọng. Nguy hiểm nữa là khác. Cần giữ bí mật.

Cô ngẩng lên nhìn thẳng mặt người đối diện. Mắt mở to chờ đợi. Xin đừng, xin đừng đến đây để báo tin chồng cô đã chết trong tù. Xin đừng mang đến cho cô một tin khủng khiếp. Cô đưa tay lên chận ngực, mặt tái xanh chờ đợi.

- Tú đến muốn hỏi T. có bằng lòng đi vượt biên với Tú không?

- Vượt biên? T. không có tiền hay vàng.

 Người đàn ông với tay nắm lấy tay cô quả quyết.

- Tú biết. Tú chỉ muốn hỏi T. có bằng lòng đi với Tú không? Mọi việc Tú lo hết.

- Lo hết? Tú chung vàng cho T. đi.

- Thật sự Tú cũng không có nhiều vàng. Đi tù về tay trắng. Nhưng Tú sẽ lái tàu và người ta đã cho Tú một xuất đi cùng. T. có chịu đi với Tú không?

Đi vượt biên với một người đàn ông không phải là chồng mình ư? Cô nhìn sâu vào mắt người đối diện.

- Nhưng T. đã có chồng, có con. Chồng T còn đang ở tù CS.

- Tú biết và Tú sẽ coi con T. như con mình. T. đi với Tú nha. Nha T.

 Hai bàn tay Tú nắm chặt hai bàn tay cô. Lần này tay Tú không run mà tay cô run rẩy. Cô có nên liều lĩnh đánh cược với số mạng mình không? Liệu cô có thể quên chồng để mạo hiểm sống cho riêng mình?

 Không? cô không thể để mình rơi xuống vực sâu tội lỗi.  Một lần nữa, cô rút tay lại. Một lần nữa cô đành phụ người ta. Cô có chồng và chồng cô đang chờ ngày về đoàn tụ. Cô không thể làm một người đàn bà không ra gì. Cô đứng lên nhìn thẳng vào mắt Tú:

-  Cám ơn Tú nhiều. T. không thể đi với Tú. T. ở lại chờ chồng về. Tú hãy tìm một người khác để đi cùng. Xin lỗi Tú.

Người đàn ông trước mặt cô, người đang chạy trốn cái xã hội bất công sau cuộc đổi đời lại thêm một lần thua trận. Người ấy buồn bã đứng lên kiếu từ ra về. Trái tim cô nhói đau và cô thấy mình có lỗi thật nhiều.

Cô tiễn Tú ra khỏi nhà và cùng ra đường lộ. Cây phượng vĩ phía trước nhà thương vẫn còn đó. Cái tàng càng ngày càng rộng nhưng tại sao cuộc đời cô lại thiếu một bóng râm nương náu. Ngày đó cô mới vào Trung học, trong cô bao nhiêu là ước mơ. Bây giờ "Cóc chết ba năm, quay đầu về núi" cô trở lại quê xưa chỉ để làm một công nhân hạng bét, vác xạc lai đi dẫy cỏ cao su. Tú rời xa làng quê trốn chạy chiến tranh để rồi cũng phải đối diện với chết chóc đạn bom. Tàn cuộc chiến bị đày đọa trong tù CS để rồi hôm nay về đây rủ cô làm một chuyến đi không hẹn ngày về.

 Ngày còn thơ ngây Tú nắm tay cô bạn nhỏ tạm biệt theo  gia đình rời khỏi làng quê. Bây giờ một lần nữa Tú nắm tay người phụ nữ đã có chồng con để mong làm một chuyến vượt biên đầy bất trắc, chết sống không ai biết. Cô cố nén lòng không khóc. Đời  đã đánh cô te tua, cô chỉ còn chút lòng tự trọng và sự thủy chung. Tú ơi! Xin hẹn kiếp sau nếu còn gặp lại.

Chiếc xe đã đi xa cô vẫn còn đứng đó nhìn theo. Bụi đỏ mờ dần, hai hàng cây cao su như đứng chào đưa tiễn. Những hàng cây cao su thẳng tắp nhắc cô nhớ những trái banh cao su thời còn nhỏ. Đời đã tung cô, tung Tú lên cao nhưng không chụp lại để mỗi người  đều va vấp bầm dập thảm thương.

- Vĩnh Biệt Tú. Chúc bình an. Chúc thuận buồm xuôi gió về được bến tự do.

...... 

Chiều nay tôi ngồi trước máy. Những con chữ nhảy múa và tôi đã lặng người khi nhận tin Tú mất. Người bạn thuở thiếu thời của tôi đã nằm xuống một nơi không phải VN. Rồi một ngày nào đó tôi cũng sẽ trở thành tro bụi. Tôi sẽ theo sóng biển đi xa, hòa vào dòng nước có vị mặn  của muối để an lạc một kiếp người.

Cám ơn người bạn già đã cho tôi một kỷ niệm không quên. Cám ơn những gì Tú đã cho ra chân thành và tinh khiết. Cám ơn bàn tay ấm áp muốn che chở đời tôi nhưng đã bị tôi từ chối. Đành thôi! Chúng ta không có duyên nên không thể tái hợp đành chỉ làm bạn già. Mà đôi khi làm bạn già lại tốt hơn, lại nhớ nhau nhiều hơn vì tất cả đều nguyên vẹn, trong sáng và thật đẹp. 

Tôi viết chuyện chúng mình để cám ơn và đa tạ tri kỷ, người bạn già, người thật lòng tốt với tôi trong đời này. Tôi không cùng bạn đi xuyên suốt cuộc đời, nhưng những khi bạn đến, bàn tay bạn đưa ra đã làm cuộc đời tôi thêm màu sắc và hạnh phúc vô bờ.

Nguyện xin hương hồn bạn thảnh thơi về được nơi bạn mơ ước.  

Trung thu đến rồi! Rằm Trung thu năm nay tôi đã để tang chồng đúng năm năm. Năm năm lỗi hẹn, người bỏ tôi đi mất.

Người đã cùng tôi đến nay trải qua 52 năm hôn phối. Đắng cay cũng nhiều, gian lao cũng lắm. Niềm vui chồng vợ đã bị chiến tranh chiếm cứ gần hết đoạn đường. Tôi đã dành cho người cả cuộc đời tươi trẻ, cả trái tim thơ ngây và cả những vất vả gian lao một đời vợ lính. 

Người đã ngủ yên. Chút kỷ niệm lãng mạn trong đời tôi che dấu chồng cũng đã ngủ yên mãi mãi. Thôi thì khép lại để tất cả chỉ là hư không, là vô thường là không có thật. 

Năm năm lỗi hẹn đá vàng

Trăng rằm vẫn sáng khăn tang cất rồi

Tro người rải giữa biển khơi

Sóng dâng từng đợt, lệ rơi từng dòng

Sinh ly tử biệt về không

Chẳng còn hờn giận, chẳng lòng sân si

Hồn thiêng theo gió bay đi

Chờ nhau điểm hẹn khắc ghi trong đời.

 

Nguyễn thị Thêm.

Trung thu 2022

2 comments:

  1. Cảm động quá Thêm ơi. TThu luôn biết cô giáo Nguyễn Thị Thêm là một người phụ nữ trung liệt. Cám ơn đã trải lòng. love, tthu

    ReplyDelete
  2. Mình thấy đoạn kết không hợp với câu chuyện, mà tên câu chuyện cũng không hợp. Giống như là lộn vậy

    ReplyDelete