Có người cho rằng, con
người là một động vật kỳ lạ vì phải dành đến hàng chục năm để học mới có thể lo
cho cuộc sống của mình ở mức trung bình. Điều này hoàn toàn khác với động vật
khác khi hầu hết đều có thể tự lo cho cuộc sống của mình gần như ngay khi mới
ra đời.
Theo tôi chính việc học là một phần của
cuộc sống, để giúp con người chính là “người” khi xóa bỏ dần tàn dư “con” đeo
bám suốt đời nhờ vào việc học. Ngẫm lại riêng cuộc đời mình đã trải qua 65 năm,
tôi thấy mình đã dành phần lớn cho việc học nhưng gần như rất hiếm khi tự hỏi:
“Học để làm gì, vì sao phải học?” Thời gian học tiểu học với tuổi
đời còn qua nhỏ, học mà không biết để làm gì là chuyện thường tình. Nhưng suốt
thời gian học trung học, tôi chỉ biết học vì mẹ tôi bảo phải thế và vì thấy bạn
bè mình ai cũng phải học. Đến khi học đại học, nhờ thi đậu vào trường đại học
dược khoa, tôi tự mình hình dung học để trở thành dược sĩ. Nghĩa là học để
biết, để làm một nghề nuôi sống mình suốt cuộc đời sau này.
Nhìn lại nền giáo dục của nước Việt Nam
trong thời gian qua ta thấy nhiều yếu kém. Đến độ phải đặt vấn đề “đổi mới căn
bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Suy đi ngẫm lại muốn đổi mới căn bản, toàn
diện nền giáo dục trước hết phải trả lời câu hỏi rất hiếm người tự hỏi: “Học để
làm gì, vì sao phải học?” Như tôi, sau 65 năm sống trên đời dành phần lớn cho
việc học, nhờ đọc bài báo nói về bốn trụ cột của việc học, khi đó mới đặt ra
câu hỏi cho riêng mình “Thật sự mình đã học để làm gì?”
Khi
chuẩn bị bước vào thiên nhiên kỷ mới, thấy rằng học để làm gì thật sự là vấn đề
rất lớn của mọi hoạt động giáo dục, cho nên Ủy ban Quốc tế về Giáo dục của Cơ
quan Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thuộc Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công bố bốn
trụ cột cho việc học dựa vào trả lời cho câu hỏi: “Học để làm gì?”. Theo
UNESCO, học làm 4 việc sau, bốn tức 4 trụ cột của giáo dục theo tiếng Anh là: “learning
to know, learning to do, learning to live together and learning to be” Dịch
sang tiếng Việt, ba việc đầu là: học để biết, học để làm, học để chung sống với
người khác”, nhưng việc thứ tư thì ôi thôi, tiếng Việt mình phong phú quá, được
dịch thành hàng lô việc như sau: học để xác lập mình, học để hoàn thiện mình,
học để sống cho mình, học để khẳng định bản thân.
Riêng “học để khẳng định bản thân”
có vẻ được chuộng nhất vì đã có một số trường học trương bảng hoành tráng hoặc
sơn chữ to trước mặt tiền trường nêu bốn trụ cột: “Học để biết, học để làm, học
để chung sống và học để khẳng định bản thân”.
Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”,
trước đây đã được trang trọng phô trương ở các trường, nay vẫn giữ lại nhưng
xem có vẻ khép nép nếu đứng cạnh bốn trụ cột đó. Nói là khép nép vì tính chất
quá xưa cũ so với hiện đại nhưng “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn còn lý
do tồn tại vì tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội vẫn nhan nhãn trong cuộc
sống.
“Học để biết, học để làm, học để chung
sống với người khác” dịch từ ba trụ cột việc học của UNESCO có thể
xem tạm ổn. Ngẫm lại từ cuộc đời mình, suốt thời gian đi học, tuy không đặt ra
câu hỏi: học để làm gì? nhưng tôi thật sự mường tượng học để biết. Tôi đã học nhiều
môn học để kiến thức hiểu biết về thế giới, về cuộc sống xung quanh, về đất
nước dân tộc mình ngày càng tăng trưởng. Về học để làm, học để chung sống phải
đợi đến lúc bước chân vào đại học cũng thế, tức không đặt ra câu hỏi để làm gì,
tôi cũng mường tượng việc học ở giai đoạn nay là để biết, để làm những việc của
một dược sĩ hành nghề sau này và học để chung sống với người bệnh cần dùng đến
thuốc, với các đồng nghiệp tiếp xúc hằng ngày và với cả xã hội cần khỏe mạnh về
thể chất và tinh thần.
Còn
việc sau cùng nếu gọi là học để khẳng định bản thân hay học để xác lập mình,
học để sống cho mình dịch từ trụ cột thứ tư việc học của UNESCO thì tôi thấy
không ổn. Vì sao như vậy? Chính các từ như “khẳng định”, “xác lập”, “sống cho
mình” rất dễ tôn sùng “cái tôi” đưa đến bóp méo, làm sai lệch mục đích
của việc học. Trên con đường phát triển, con người luôn luôn hiện hữu với “cái
tôi” xấu xí.
Thoát thai từ một động vật, con người dính
liền với bản năng luôn phóng chiếu của đủ loại dục vọng. Đơn cử, một nhu cầu
động vật trong con người là luôn mong muốn an toàn, an toàn về thể chất và an
toàn về tinh thần - tâm lý và thường vì sự an toàn đó mà bất kể lợi ích
của tha nhân. Từ đó con người sinh ra tham lam, đố kỵ, tị hiềm… trong quan
hệ với nhau.
Suốt quá trình tồn tại và phát triển,
con người gây ra biết bao tàn nhẫn, khổ đau cho mình và cho người xuất phát từ
“cái tôi” luôn muốn được bành trướng phóng hiện, cái “bản ngã” chứa quá nhiều
dục vọng. Có người nói: “Con người tự do phải là đích đến của giáo dục”.
Thật ra, con người tự do không phải là con người sống bất kể các quy luật hài
hòa của cuộc sống và các định chế cần thiết của xã hội, mà con người tự
do phải là con người giải thoát khỏi những dục vọng thấp hèn, giải thoát khỏi
“cái tôi” gắn với “con” thay vì “người”. Chính vì vậy, một mục tiêu
của việc học phải là làm cho con người tự do, tức trở thành “vô ngã” để làm chủ
được mình, giải phóng mình khỏi tham sân si, kiểm soát mình để không nô lệ vào
“cái tôi” thấp hèn nhưng ma mảnh, quỷ quyệt. Điều kiện tiên quyết để con người
“vô ngã” là con người phải thấu hiểu “cái tôi” ma mảnh quỷ quyệt,
cái “bản ngã” do nhu cầu động vật cứ hướng về sự thấp hèn.
Từ
cột trụ “learning to be” có nghĩa là “học để sống” mà dịch thành
“học để khẳng định bản thân”, “học để xác lập mình” hay “học để sống cho mình”
dễ đi đến học để khẳng định, xác lập “cái tôi” ma mảnh, “cái tôi” bao hàm “con”
hơn “người”. Có người dịch cột trụ thứ tư là “học để hoàn thiện mình”
chính là để không nhập nhằng với cái tôi đáng ghét mà hướng đến sự hoàn thiện
nhờ giáo dục. Tuy nhiên, như thế lại không lột tả được nghĩa của “to be”.
Sau khi phân tích như trên, tôi mạo muội
đề nghị cột trụ thứ tư của việc học là “học để sống và hiểu bản
thân”. Toàn bộ bốn cột trụ việc học theo UNESCO theo tôi là: “Học để biết,
học để làm, học để chung sống và học để sống và hiểu bản thân”. Chính
trụ cột “học để sống và hiểu bản thân” sẽ làm cho ba trụ cột kia càng rõ nghĩa.
Ở nước ta, mục đích học để làm quan đã
ăn sâu vào tâm não dân ta rất lâu rồi, cho nên cho đến nay “học để biết, học để
làm” vẫn là tập trung học để nhồi nhét thật nhiều kiến thức và làm thì qua loa
và cũng chỉ để thi (để được làm quan mà). Học để biết, để làm xem kỹ lại chính
là “học để thi”. Rõ ràng khi mọi người từ dạy đến học, thấm nhuần “học để sống
và hiểu bản thân”, sẽ thấu hiểu nguyên nhân của sự biến dạng “học để biết, học
để làm” thành “học để thi” chỉ vì “cái tôi” tham lam, chạy theo mong cầu không
chính đáng. Khi quan hệ mình với bản thân mình được thấu hiểu để có sự phản
tỉnh, khi đó bản thân được tỉnh ngộ. Thế là người ta sẽ chuyển hóa để việc học
là học để biết để làm thật sự chứ không phải chỉ để thi.
Còn “học để chung sống với người khác” ở
nước ta thì như thế nào?. Trong thời gian dài, ở ta chính khẩu hiệu “Mình vì
mọi người, mọi người vì mình” đã trở thành nền tảng cho việc học để chung sống
với người khác. Mình vì mọi người nhưng bản thân mình không hiểu chính mình.
Mình không hiểu là mình luôn luôn bị “cái tôi” thiên về “con” khống chế, kiểm
soát, thôi thúc để luôn xảy ra cảnh trạng “mình vì mọi người một cách ma
mảnh dối trá, ngược lại, mọi người vì mình với bản thân mình luôn tìm cách
phóng đại, bành trướng”.
Chính “học để sống và hiểu bản thân” sẽ
là tiền đề vững chắc để “học để chung sống với người khác” chính là “mình vì
mọi người, mọi người vì mình” thực hiện một cách hoàn thiện. Chỉ khi đó, việc
học để chung sống với người khác mang tính chất “vô ngã” tức sống chung với
người khác mà không bị “cái tôi” xấu xí chen vô quấy rầy.
Huy Thái sưu tầm
No comments:
Post a Comment