Ông bà ta có câu “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”, ý nói lời ăn tiếng nói đáng trọng hơn là của cải vật chất. Nhìn rộng ra một chút, truyền thống ngày xưa của người Việt Nam là coi trọng cách đối nhân xử thế, mối quan hệ thân tình hơn là vật chất. Vậy mà theo như tôi thấy thì ngày nay dường như truyền thống đó đang bị mai một dần. Ngoài xã hội Việt Nam lúc này tôi chỉ thấy “mâm cỗ” được ưu tiên hàng đầu.
Thời còn học ở Mỹ, có lần tôi gặp
một tình huống rất đáng ngạc nhiên. Tôi đến Texas vào lúc tiết trời sắp
chuyển sang mùa thu. Thời tiết rất đẹp và mát mẻ. Tôi quyết định đi dạo một
vòng khu học xá để tham quan nơi mà mình sẽ theo học mấy năm. Khi bước ra
ngoài, có rất ngạc nhiên khi thấy nhiều hoàn toàn không quen biết chào tôi
“what’s up”, “hello”, “hi”. Tôi chỉ biết gật đầu cười lại. Sau này khi đã quen
thân với một vài người bạn Mỹ, tôi có hỏi họ tại sao những người Mỹ không quen
đó lại chào hỏi tôi trên đường. Câu trả lời tôi nhận được là: “do thói quen”.
Sau này, khi còn ở Mỹ, bất cứ ở đâu tôi cũng gặp những người Mỹ xa lạ cười rất
tươi và chào hỏi tôi như người quen thuộc. Quả thật, chắc chỉ ở Mỹ mới có thói
quen kì lạ như vậy, nhưng thói quen đó lại làm tôi cảm thấy rất dễ chịu và vui
vẻ. Chỉ cần một nụ cười, một tiếng nói cũng xóa tan được cái băng giá lạnh
lùng. Người Mỹ không hề sống thiếu tình cảm như chúng ta vẫn tưởng. Theo tôi,
những người Mỹ xa lạ chào hỏi tôi là vì thói quen, nhưng nguyên nhân là do, với
họ, giữa con người với con người cần có sự giao tiếp, và với họ, một tiếng chào
không làm mất của họ đồng nào nên chẳng tiếc gì mà không chia sẻ nó với cả
những người không quen. Ở một xứ xa lạ, một nụ cười, một tiếng chào bỗng dưng
làm trái tim ấm áp lạ. Ngẫm lại xứ mình, đôi khi chúng ta quên việc chào hỏi
nhau, thậm chí có lúc còn né tránh. Tôi còn nhớ có một cậu bạn đại học, lần đó
chúng tôi đang đi chung trên đường, bỗng dưng cậu ấy nằng nặc đòi rẽ sang hướng
khác. Một lúc sau hỏi ra mới biết, chỉ vì trên đường bỗng gặp cô giáo chủ nhiệm
cấp ba năm xưa, cậu bạn không muốn phải đến chào hỏi. Tôi cảm thấy xấu hổ giùm
cho cậu ta, một người trẻ lại không dám (đúng hơn là không muốn) mở lời chào
hỏi người đã từng dạy bảo mình.
Lại nhớ, một cô bạn thời cấp ba của
tôi lại thực dụng hơn một chút. Ngày còn đi học, mỗi khi đến ngày lễ nhà giáo,
cô ấy luôn được gia đình đầu tư cho những phần quà to và giá trị nhất để tặng
thầy cô. Sau khi đã tốt nghiệp, mỗi lần đến ngày lễ nhà giáo hay lễ tết, lớp
chúng tôi đều tụ họp đến thăm thầy cô. Trước là để tỏ lòng tôn kính, sau là để
hỏi han sức khỏe của những bậc vi sư, và cũng là dịp để mỗi người chúng tôi cập
nhật tình hình của nhau khi đã một thời cùng là học trò dưới một mái trường.
Thế mà cứ mỗi lần chúng tôi ngỏ lời mời cô bạn ấy tham gia thì cô ấy không bận
việc này thì cũng bận việc khác, còn nói bóng gió là đã ra trường rồi thì cần
gì phải đến thăm hỏi thầy cô giáo như vậy nữa. Cảm thấy chạnh lòng, chẳng lẽ
đối với cô ấy, việc tôn kính những người thầy lại chỉ có ý nghĩa khi cô ấy còn
đi học? Ý nghĩa của ngày nhà giáo rồi cũng nhanh chóng bị quên lãng theo những
món quà, phong bao?
Tôi còn để ý thấy người Mỹ rất hay
nói “thank you” (cảm ơn) và “sorry” (xin lỗi). Cho dù đó là một anh công nhân
ít học, cho đến một vị giáo sư có học hàm học vị cao thì những từ “cảm ơn” và
“xin lỗi” luôn thường trực trên môi. Thật ra hai từ ấy cũng chẳng có sức mạnh
ghê gớm gì nhưng lại thể hiện một xã hội văn minh và có tính nhân văn, thể hiện
được giữa con người với con người có sự quan tâm và tôn trọng lẫn nhau. Ở một
khía cạnh khác, cách nói “cảm ơn” và “xin lỗi” cũng thể hiện được tính cách của
một dân tộc. Cách đây vài ngày tôi có đọc một bài viết so sánh về cách sử dụng
hai tiếng “cảm ơn” của người Việt và người Mỹ. Theo đó, tác giả cho rằng người
Việt rất ít khi nói cảm ơn. Thậm chí khi được người khác khen ngợi, người Mỹ
thường nói “cảm ơn”, còn người Việt thì thường tìm cách từ chối lời khen đó chứ
tuyệt nhiên ít khi nào nói “cảm ơn”. Tác giả cho rằng sở dĩ người Việt hay tìm
cách từ chối lời khen ngợi là do thói quen. Dù vui như mở cờ trong bụng khi
được khen nhưng chúng ta vẫn một mực tìm cách không nhận lời khen, bởi vì nhận
lời khen tặng được xem là đồng nghĩa với thiếu khiêm tốn, và việc nói “cảm ơn”
được xem là đồng nghĩa với việc nhận lời khen. Do đó, người Việt ít khi
nói “cảm ơn” khi ai đó khen tặng. Thêm một lý do nữa mà người Việt ít khi nói
“cảm ơn”, “xin lỗi” là vì tâm lý ngại, mắc cỡ, xấu hổ, và vì thế khi mang ơn
của ai đó hay mắc lỗi nhỏ với ai, thường họ cứ cười trừ cho qua, và tìm cách lờ
đi chuyện đó. Trăm lần như một, mỗi khi tôi bước vào bước ra một cửa hàng hay
một văn phòng nào đó, tôi giữ cửa cho người sau bước ra cùng thì chẳng
khi nào nghe có ai nói lời cảm ơn. Những lúc tôi giữ thang máy chờ một vài
người ở văn phòng làm việc thì 10 lần hết 9 chẳng có ai nở một nụ cười cảm ơn,
nói chi đến chuyện thốt lên hai tiếng lịch sự đó. Còn chuyện không nói lời xin
lỗi khi làm lỗi thì gần như ngày nào tôi cũng được chứng kiến. Điển hình nhất
là khi có va chạm phương tiện xảy ra trên đường phố, thường thì người có lỗi và
người không có lỗi đều đứng dậy và chửi mắng nhau xối xả, nhất định không hỏi
han người kia có bị làm sao không, và dù biết mình có lỗi đôi khi cũng tìm cách
lơ đi để chối bỏ trách nhiệm.
Thói quen ít nói lời
cảm ơn ở nơi công cộng, làm cho người làm ơn có cảm giác mình có bổn phận phải
làm việc đó, cảm thấy hành động tốt bụng của mình bị phủ nhận. Dần dà, chẳng
còn ai muốn giúp ai ở nơi công cộng nữa. Việc nuốt mất hai từ “xin lỗi” khi làm
lỗi còn tai hại hơn khi nó cho thấy rằng đa số người Việt là những người hèn
nhát, không dám chịu trách nhiệm về những lỗi lầm do mình gây ra. Còn nhớ trong
vụ chìm tàu Sewol ở Hàn Quốc gần đây, những quan chức liên quan đã tự động nhận
lỗi và từ chức, thậm chí có người đã tự tử vì cảm thấy tội lỗi nặng nề. Còn ở
Việt Nam, các vị vẫn thường đổ lỗi cho nhau và đổ lỗi cho dân vì sự hèn nhát và
tham lam cá nhân. Tất nhiên, số đông không phải là tất cả, nhưng rõ ràng thói
quen của số đông sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến xã hội. Chỉ mong sao hai “tiếng
chào” hay lời xin lỗi, câu cảm ơn sẽ lại nở trên môi người Việt Nam.
Cao Huy Huân
No comments:
Post a Comment