Monday, November 30, 2015

Khủng Bố: Làm Gì? - Vũ Linh


...biên phòng Mỹ mới bắt được 8 anh Syria tính vượt biên vào Mỹ từ Laredo...

Vụ khủng bố ISIS tấn công Paris đã đặt thế giới, nhất là Tây Phương và Mỹ, trước nan đề vĩ đại, có tầm vóc lịch sử, mà chưa ai có câu trả lời rõ rệt: phải làm gì bây giờ?

Phải làm gì để ngăn chặn và tiêu diệt ISIS? Phải làm gì với cả triệu dân tỵ nạn Trung Đông?

Trước hết, ta nhìn lại vấn đề ISIS. Không bàn đến chuyện trách nhiệm, lỗi tại ai nữa vì quá nhàm mà cũng vô bổ vì chẳng kiếm được ba người đồng ý với nhau. Bênh vẫn bênh, chống vẫn chống. Chỉ bàn đến hiện tại và tương lai, bỏ qua chuyện quá khứ.

Hiện tại trước mắt, ai cũng thấy ISIS lớn mạnh gấp ngàn lần al Qaeda. Có căn cứ địa vững chắc, lớn hơn tiểu bang Ohio của Mỹ, trong đó có những mỏ dầu khổng lồ, mang lại cho ISIS cả triệu đô lợi tức mỗi ngày. Có ít nhất 30.000 tay súng, chẳng cần dựa vào ai hết. Đơn thân độc mã chống cả thế giới, từ Iraq, Syria, Iran, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, tới Mỹ, Nga,... mà vẫn có khả năng đánh thẳng vào thủ đô Pháp. Thật ra đánh bất cứ đâu, như cuộc tấn công vào khách sạn Radisson ở Mali bên Phi Châu đã chứng minh.

Câu chuyện nghe vô lý hết sức. Làm sao một nhóm cuồng tín, phần lớn ít học, có thể đương đầu với cả thế giới? Câu trả lời giản dị hơn bất cứ ai có thể tưởng tượng: tại vì thế giới nhìn chúng mà run lẩy bẩy, không ai dám đụng đến chúng. Vì biết chúng là địch thủ rất khó nhai, sẽ tốn kém rất nhiều về tiền bạc và nhân mạng để đánh chúng. Tốt hơn hết là tránh xa chúng, hay nếu có thể thì tìm cách vuốt ve, xoa dịu chúng. Đèn nhà ai nấy sáng, anh nào cũng ngó lơ chuyện Iraq, Syria, không dám mở mắt, sợ nhìn thấy chúng. Mấy ông bà cấp tiến thích xiá vào chuyện thiên hạ, đòi tự do, dân chủ, bàu bán, v.v…, nhưng gặp khủng bố thì như con nít thấy ngáo ộp.

Thật ra, cả thế giới cũng đang … đánh chúng chứ không phải là không. Nhưng đánh kiểu nhỏ giọt cầm chừng, lai rai, chân trong chân ngoài, vừa đánh vừa hứa rút … lãnh đạo bởi một ông tổng thống đã từng được giải Nobel Hòa Bình.

Ông đánh chúng bằng máy bay không người lái, một tuần, một tháng bắn tiả chết một “lãnh tụ”. Khoe ầm ĩ. Chúng tràn xuống chiếm cả nửa nước Iraq, gần tới thủ đô, ông mới bỏ bom ngăn chặn chúng lại. Trận chiến trong thế… huề cờ, không ai tiến không ai lùi nữa. Ông lớn tiếng khoe đã “kềm chế” –contained- được chúng rồi. Chỉ vậy là vui rồi.

Khi mấy nhóm võ trang đồng minh bị đe dọa tiêu diệt tại Syria, ông hùng hổ lấy quyết định cảnh cáo ISIS, hay Nga, hay Syria gì đó, bằng cách gửi một lực lượng khổng lồ, có tới… 50 anh “cố vấn” qua Syria. Đến độ ngay cả báo phe ta Washington Post cũng phải phàn nàn là “đánh nhỏ giọt quá yếu”.

Bị TT Putin chê là yếu xìu. Putin kể lại ISIS mỗi ngày bình thản khai thác mỏ dầu, thu hoặch mỗi tháng cả triệu đô tiền bán dầu lậu cho cả trăm công ty của cả chục nước. Đúng một ngày sau, Bộ Quốc Phòng vội vã ầm ĩ loan tin máy bay Mỹ đánh bom một đoàn hơn 100 xe chở dầu của ISIS. Tại sao phải đợi Putin chê bai mới có hành động? Ngay sau đó, Nga cho biết đã đánh bom tới... hơn 600 xe dầu!

Ngoại trưởng Kerry còn tuyên bố một câu lạnh người hơn nữa. Ông nói cuộc tấn công của khủng bố vào tòa báo Charlie Hebdo tại Paris tháng Giêng vừa qua “có cái lý của nó” –has its rationale-. Thế nghiã là gì? Ông chấp nhận –hay thông cảm- khủng bố đánh báo Charlie Hebdo vì báo này nhạo báng Đấng Tiên Tri?

Nhân chuyện này, nhắc lại chuyện cũ. Sau vụ Charlie Hebdo, hơn 40 nguyên thủ quốc gia tham gia cuộc đi bộ trên đại lộ Champs Elysées để tỏ tình đoàn kết chống khủng bố với Pháp. Khuôn mặt thiếu vắng nổi bật nhất: TT Obama. Có lẽ ông sợ sự hiện diện của ông sẽ làm mất lòng mấy anh khủng bố, khiến mấy anh ấy giận đánh Mỹ thì nguy to. Nhưng có lẽ không phải vậy. Mà lý do có thể là TT Obama chia sẻ suy tư của Kerry, khủng bố “có lý” khi đánh Charlie Hebdo?

TT Obama giải thích chuyện ISIS chiếm cả nửa Iraq mà không có một cố gắng nào từ Mỹ hay chính quyền Iraq để chiếm lại: chiếm những vùng đó lại sẽ đòi hỏi chúng ta phải quản lý những vùng đó, tức là chúng ta sẽ lãnh đủ mọi cái nhức răng mà chúng ta đã trải qua từ ngay sau khi đánh Iraq. Đây là lời giải thích hy hữu nhất lịch sử. Thử tưởng tượng tướng Eisenhower ngày xưa không chịu đánh Hitler vì sợ sẽ lãnh đủ cả một Âu Châu bầy nhầy. Hay Tướng McArthur không chịu đánh Bắc Hàn. Thế thì để tránh nhức răng, địch tiến tới đâu, ta nhường tới đó thôi. Xin lỗi quý độc giả ủng hộ TT Obama, kẻ viết này chưa bao giờ nghe được một lý luận hèn yếu như vậy từ một vị lãnh đạo cả.

Theo sách lược này, ISIS biết đâu sẽ thống trị toàn cầu? Như vậy chắc cũng tốt thôi. ISIS thống trị cả thế giới thì ít ra ta sẽ không còn thấy chiến tranh nữa. Hoà bình vĩnh cửu! Trong thiên đàng của Đấng Allah. Ông nào cũng ba bốn vợ, bà vợ nào cũng là nô lệ. Nghe quá hấp dẫn!

Muốn cưỡng lại, không chấp nhận cái thiên đàng đó thì phải làm gì? Làm sao ngăn cản sự bành trướng của ISIS?

Cho TQLC đổ bộ Syria? TT Obama hỏi “quý vị đòi tôi mang 50.000 lính vào Syria. Thế sau đó khủng bố đánh Yemen, tôi lại phải mang 50.000 lính vào Yemen sao? Rồi Libya? Phi Châu? Á Châu? Bao nhiêu mới đủ?”. Dĩ nhiên Mỹ không thể gửi quân đi khắp thế giới. Mà phải lựa chọn tùy theo nhu cầu an ninh và khả năng. Chúng tôi bầu ông làm tổng thống để ông có những lựa chọn và quyết định đó mà, phải không, thưa tổng thống?

Dù sao thì bây giờ, giải pháp mang lính qua đánh sẽ chẳng ai thèm nghe. Ít nhất cũng cần nửa triệu lính, đánh nhau ít nhất cả chục năm. Không có gì hấp dẫn. Cũng chẳng nước nào, kể cả Mỹ, có khả năng quân sự và hậu thuẫn chính trị để làm việc này.

Thế thì làm gì? Kẻ viết này đương nhiên không đủ tư cách để đưa ra kế hoạch mầu nhiệm nào hết. Đành xin mượn lời một chuyên gia thứ thiệt: bà K.T. McFarland, chuyên viên an ninh quốc gia của các chính quyền Nixon, Reagan và Ford. Bà nêu lên 10 điểm, kẻ viết này đăng lại, kèm theo ý kiến riêng liên quan tới điểm đó.

1. Thành lập một liên minh rộng lớn, bao gồm tất cả những nước bị khủng bố tác hại. Quá khó khi quyền lợi chống chọi nhau giữa Nga, Mỹ, Syria, Iran, Ả Rập Saudi, Sunnis, Shiites,.... Nếu may mắn có được liên minh này, tốt nhất nên nhường cho Nga vai trò lãnh đạo, vì chỉ có ông côn đồ Putin mới dám đánh thật.

2. Cắt nguồn tài trợ: đánh bom các mỏ dầu và kiểm soát các giao dịch ngân hàng, tức là kiểm soát tiền bán dầu hoả của ISIS. Đánh bom các mỏ dầu là biện pháp mà người lờ mờ như kẻ viết này cũng nhìn thấy từ cả năm trước, nhưng không hiểu sao chính quyền Obama không dám làm. TT Bush thiết lập một hệ thống kiểm soát ngân hàng thế giới hết sức chặt chẽ và hữu hiệu, ép buộc tất cả các ngân hàng trên thế giới phải hợp tác, cung cấp tin tức các giao dịch đáng nghi cho Mỹ. TT Obama chấm dứt kế sách này vì nhiều ngân hàng quốc tế than phiền. Hay là sợ làm phiền vài ông vua dầu hỏa?

3. Có thái độ cứng rắn hơn với những xứ Ả Rập vẫn còn nuôi dưỡng những thành phần Hồi giáo quá khích, dung túng cho mấy ông nhà giàu gửi tiền yểm trợ khủng bố. Quá khó với TT Obama khi ông chủ trương đi khắp thế giới Hồi giáo vuốt ve các ông vua dầu hỏa này. TT Obama gặp quốc vương Ả Rập cúi rạp nửa người xuống bắt tay ông.

4. Tung một chiến dịch nhằm chiếm cảm tình của dân Ả Rập và Hồi giáo, tố cáo tội ác dã man của các nhóm khủng bố. Chuyện này, Mỹ đã làm từ thời Bush đến thời Obama, nhưng vô hiệu. Sau vụ tấn công Paris, chỉ có vài nhóm Hồi giáo lẻ tẻ lên tiếng phản đối. Một số dân Hồi giáo bên Âu Châu xuống đường hoan hô ISIS! Tuyệt đại đa số dân Hồi giáo trên thế giới im lặng, dửng dưng.

5. Khuyến khích các vị lãnh đạo tôn giáo trong Hồi giáo lên tiếng kết án những tội ác của khủng bố. Chuyện này cũng đã làm từ lâu rồi, nhưng đa số những ông giáo sĩ vẫn im lặng vì biết dân Hồi giáo không thích nghe chỉ trích những người “tử vì đạo”. Trong khi đó, không thiếu gì mấy ông giáo sĩ khác suốt ngày ra rả khuyến khích chống văn minh, văn hóa và tôn giáo khác. Không ai dám đụng đến họ, nhân danh tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận.

6. Mở chiến tranh trên mạng, phá các trang mạng của các nhóm quá khích. Không dễ. Trước hết có vẻ như vi phạm quyền tự do ngôn luận, là điều phe cấp tiến sẽ nhao nhao phản đối ngay. Thứ nhì, phá trang mạng này, sẽ có trang mạng khác, không bao giờ chấm dứt được.

7. Võ trang các đồng minh. Cũng quá khó. Các “đồng minh” của Mỹ có phe Sunni, cũng có cả khối Shiite, đang trộn chấu đánh nhau lung tung. Võ trang cho ai? Võ trang mấy ông Ả Rập nhiều quá thì sẽ bị Do Thái lo ngại và phản đối. Chưa kể trong cả chục năm nay, Mỹ đã võ trang quá cỡ cho Iraq và Afghanistan rồi còn gì nữa. Vẫn chẳng ngăn được ISIS lớn mạnh và Taliban đang hồi sinh. Dù sao, điểm này cũng đánh xét cho kỹ. Có thể nên võ trang lực lượng Kurds vì đây là lực lượng duy nhất đang đánh nhau thực sự với ISIS. Nhưng muốn làm vậy sẽ phải thuyết phục hay “đấm mõm” Thổ để Thổ đồng ý, vì Thổ không muốn thấy lực lượng Kurds tại Iraq lớn mạnh, kéo theo phong trào đòi tự trị Kurd tại Thổ.

8. Dẹp bỏ mấy chuyện “phải đạo chính trị”, không dám nghi ngờ ai dựa trên hình dáng bề ngoài, mà Mỹ gọi là “profiling”. Chẳng hạn như tại các phi trường, bỏ chuyện xét bà già 80 tuổi chống gậy, mà lo xét anh thanh niên Ả Rập, râu ria xồm xoàm, vẻ mặt đằng đằng sát khí. Không thể nào đồng ý hơn, nhưng sẽ không bao giờ các chính trị gia dám thi hành. Phải đạo chính trị là cách lấy phiếu cử tri, không thể bỏ được.

9. Không nhận dân tỵ nạn nếu chưa kiểm tra được quá trình. Đây là điều chính quyền Obama đã hứa sẽ làm. Chỉ tiếc là đích thân ông James Comey, Giám Đốc FBI lại nhìn nhận không có cách nào kiểm tra kỹ mấy ông Syria được vì hồ sơ của mấy ông ấy không có trong cái xứ chiến tranh triền miên từ cả chục năm nay. Chưa kể mấy ông ISIS có len lỏi vào, chắc chắn sẽ xử dụng giấy tờ giả, chẳng có cách nào kiểm tra được.

10. Cần phải uyển chuyển trong chiến lược và chiến thuật, đáp ứng mau chóng với những thay đổi của khủng bố, và cần có sự lãnh đạo mạnh dạn của Mỹ. Điều này còn khó hơn nữa khi tổng thống Mỹ nhất quyết “lãnh đạo từ phiá sau” và chủ trương vùi đầu dưới cát, không đánh mạnh cũng không nhìn nhận có khủng bố Hồi giáo.

Nhìn qua những đề nghị này của một chuyên gia thứ thiệt, thú thật kẻ viết này chẳng thấy an tâm hơn, vì dường như chẳng có biện pháp nào hữu hiệu cả, hoặc là không thực tế, hoặc đã áp dụng rồi mà vô hiệu, hoặc không hợp với chủ trương của TT Obama.

Nếu quý độc giả hỏi tóm lại phải làm gì thì thú thật kẻ viết này không có câu trả lời. Nếu có chắc đã làm tổng thống rồi, không ngồi viết bài bàn ra cho Việt Báo nữa.

Vấn đề đúng ra là không thể để tình trạng hiện hữu xẩy ra. Chống khủng bố cũng như bảo trì đập nước. Lo bít cái lỗ lớn al Qaeda, đồng thời ngăn mấy cái lỗ nhỏ al Nusra, ISIS,... không cho lớn ra. TT Obama giết được Bin Laden, tự mãn quá mức, bận đi đấm ngực khắp nơi vì đang tranh cử tổng thống, khoe đã diệt được khủng bố, dấu nhẹm những tin xấu như Benghazi, chê ISIS là đội bóng rổ trung học. Mấy cái lỗ nhỏ mau chóng thành lỗ khổng lồ, kéo xập từng tảng đập nước, cuối cùng đập nước bị vỡ tan, nước tràn vào cả nửa nước Iraq và Syria. Bây giờ nhìn nhau, hỏi phải làm gì thì có lẽ quá muộn rồi?

Câu hỏi thứ hai: làm gì với khối dân tỵ nạn từ Trung Đông?

Khối bảo thủ đã chộp lấy cơ hội, đồng thanh chống lại việc nhận dân tỵ nạn Syria. Đã có 31 thống đốc đã lên tiếng đòi hỏi tạm ngưng –pause- nhận dân tỵ nạn Syria cho đến khi có biện pháp thanh lọc kỹ lưỡng. Có gì quá đáng trong yêu cầu này?

Một vài nhân vật Dân Chủ cũng đã hưởng ứng việc này. Như bà TNS Dianne Feinstein của Cali, và TNS Chuck Schummer của Nữu Ước, lãnh đạo khối Dân Chủ tại Thượng Viện trong nay mai, đều đã yêu cầu tạm hoãn kế hoạch nhận dân tỵ nạn Syria.

Hạ Viện đã thông qua luật ngưng nhận dân tỵ nạn Syria với số phiếu 289-137, với tất cả khối CH và 47 dân biểu DC chấp nhận, đủ vượt qua phủ quyết của TT Obama. Thượng Viện chưa biểu quyết. TT Obama hăm dọa vẫn sẽ phủ quyết. Thế nghiã là gì? TT Obama muốn cho dân Syria vào tự do không kiểm tra, thanh lọc gì hết sao? Vì sẽ có thêm vài chục ngàn phiếu? Hay vài chục tên khủng bố?

Tất cả các ứng viên tổng thống của CH cũng đều nhất loạt chống lại việc nhận dân tỵ nạn nếu không có biện pháp thanh lọc kỹ lưỡng.

Ở đây, ta thấy có một biến chuyển đáng ngại. Ông vua mỵ dân Trump đang lợi dụng biến cố ở Paris, tỏ thái độ hung hãn nhất, đòi thả bom ISIS cho đến vãi c... (bomb the sh… out of ISIS), trục xuất tất cả dân tỵ nạn Syria mà TT Obama đang và sẽ đón vào (ông không nói rõ bằng cách nào khi những người này đã được nhận vào một cách hợp pháp). Và những thăm dò mới nhất cho thấy hậu thuẫn của ông đã tăng vọt. Thành thật mà nói, kẻ viết này cũng đang suy nghĩ lại có nên tiếp tục chống ông Trump hay không.

Về phiá DC, bà Hillary tố xả láng, chê 10.000 của TT Obama là ít, đòi nhận 65.000 dân tỵ nạn Syria. Trong khi mắt liếc về khối cả triệu cử tri Mỹ gốc Ả rập hay Hồi giáo.

TT Obama đã tỏ vẻ hết sức tức giận và bực mình trong cuộc họp báo của ông tại Thổ Nhĩ Kỳ nhân dịp tham dự Hội Nghị thượng đỉnh G-20, ngay sau vụ ISIS tấn công Paris. Không phải ông nổi giận chống ISIS, mà nổi giận vì các ký giả phe ta quay qua chất vấn sách lược ển ển xìu xìu của ông, nổi giận vì thấy tổng thống Pháp dám ăn nói cứng cựa, tuyên chiến với ISIS khiến TT Obama bị coi như yếu bóng viá hơn ông Tây, và nổi giận vì phe CH đòi tạm ngưng nhận dân tỵ nạn Syria. Ông đả kích phe CH “hèn nhát, sợ mấy đứa trẻ mồ côi lên ba” vào Mỹ. Ở đây, phải nói ngay, TT Obama dùng lập luận này để đả kích đối lập CH, trong đó có rất nhiều người nghiêm chỉnh lo lắng cho nạn khủng bố đánh Mỹ, nghe không nghiêm chỉnh, không xứng đáng với nhận định của một tổng thống chút nào. Giống như phản ứng giận lẫy của tuổi học trò.

Ngay trên trang mạng Salon, là trang mạng cấp tiến cực đoan, một nhà báo đã viết bài chỉ trích TT Obama đã không hiểu rõ sự chống đối của khối bảo thủ, và khinh thường khối bảo thủ quá đáng. Theo Salon, lo ngại của khối bảo thủ là một lo ngại chính đáng của một số rất lớn dân Mỹ, thuộc đủ mọi khuynh hướng chính trị, một lo ngại có căn bản không thể coi thường, chứ không phải có tính phe đảng. Do đó, với tư cách tổng thống, TT Obama đáng ra phải lưu ý và đặt vấn đề đúng mức quan trọng của nó.

Trên cột báo này cách đây không lâu, đã có bài viết cổ võ cho việc Mỹ mở rộng lòng nhân đạo, đón nhận một số dân tỵ nạn Trung Đông, như đã từng đón nhận dân tỵ nạn Việt trước đây. Nhưng dĩ nhiên phải có biện pháp thanh lọc kỹ để tránh khủng bố cài người, chứ không phải như mở cửa chợ, ai muốn vào thì vào. Có thể rất khó kiểm tra lý lịch vì tình trạng chiến tranh triền miên tại Syria như Giám Đốc FBI đã nói, nhưng cũng có những phương thức giản dị hơn nếu ta chịu bỏ qua chuyện “phải đạo chính trị”. Thanh lọc dựa trên lý lịch không được thì thanh lọc dựa trên những tiêu chuẩn hiển nhiên khác: nguyên một gia đình, vợ chồng con cái, thì dễ dàng hơn, “đứa bé mồ côi ba tuổi” thì được, độc thân trẻ tuổi không kiểm chứng được quá khứ, xin miễn.

Trong khi hồ hởi tranh cãi về dân tỵ nạn Syria, thiên hạ quên mất mối nguy lớn nhất: biên giới Mỹ-Mễ. Chính quyền Honduras mới cho biết đã chặn bắt 5 anh Syria dùng thông hành giả từ Hy Lạp vào Honduras. Nhà chức trách Honduras đang điều tra xem mấy anh này có liên hệ gì đến khủng bố hay không. Không cần suy nghĩ lâu lắc cũng biết mấy anh này tuyệt nhiên không có ý định ở lại Honduras, mà sẽ kiếm đường chạy qua Mỹ thôi. Cảnh sát biên phòng Mỹ cũng mới bắt được 8 anh Syria tính vượt biên vào Mỹ từ Laredo. Ai biết được có bao nhiêu tên đã thành công, trốn vào được Mỹ?

Không ít dân Trung Đông, có thể có cả khủng bố, đang len lỏi vào Mỹ qua ngã này. TT Obama có nhìn về hướng này không? Chắc có nhìn, nhưng chỉ thấy cả triệu phiếu cho Dân Chủ mà không thấy ISIS len lỏi vào. (22-11-15)

Vũ Linh

No comments:

Post a Comment