Tuesday, March 3, 2020

Vượt Hàng Rào Chủng Loại Từ Thú Đến Người - Lão Ông Nguyễn Thượng Chánh, DVM

Bs Nguyễn Thượng Chánh, Québec 2005


Từ thuở khai thiên lập địa, thú và người đã có một mối liên hệ rất mật thiết với nhau.
Thú giúp chúng ta trong việc đồng áng cũng như trong việc chuyển vận được dễ dàng. Sữa, trứng và thịt đã nuôi sống con người. Da và len giúp chúng ta có những bộ quần áo để che nắng che sương.
Thú cũng được sử dụng trong lĩnh vực y khoa để tìm ra những dược phẩm mới cũng như để sản xuất ra những bộ phận ghép dùng cho con người. Một vài loài súc vật như chó, mèo và ngựa còn được xem như những bạn đồng hành rất gần gũi với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.
Trong bối cảnh này, một số mầm bệnh từ thú có thể lây nhiễm và gây bệnh cho chúng ta. Khoa học gọi những bệnh này bằng một cái tên chung là zoonoses.



Zoonose-Bệnh từ thú vật lây sang cho người (Internet)              

Có tất cả bao nhiêu zoonoses trên thế giới? 

Theo tài liệu thì có vào khoảng 150 zoonoses. Đa số đều là bệnh nhẹ, nhưng cũng có một số bệnh rất nguy hiểm có thể làm chết người.
Còn nhớ vào năm 1918, cả thế giới đã kinh hoàng trước sự bộc phát nhanh chóng và khốc liệt của dịch cúm Tây Ban Nha (grippe espagnole) do một sous type H1N1 gậy ra. Dịch bệnh xuất phát từ loài heo và đã gieo chết chóc cho khắp cả thế giới. Có lối trên 20 triệu người đã bỏ mạng vào thời đó.

Gần đây hơn một số zoonoses rất nguy hiểm cũng đã trở thành đề tài thời sự của báo chí, chẳng hạn như các bệnh Bò điên BSE, các bệnh sốt xuất huyết Ebola và Marburg virus, truyền lây từ việc ăn thịt khỉ bên Phi châu và bệnh liệt kháng (AIDS, Sida) từ hơn 20 năm nay đã giết hại hằng triệu người trên thế giới. Có giả thuyết nói rằng mầm bệnh liệt kháng do một loại retrovirus gây ra và (từ một loài khỉ Phi Châu) ngẩu biến và vượt hàng rào chủng loại để lây nhiễm cho người?

Ebola virus
 Năm 1994, Hendra virus đã xuất hiện bên Úc châu. Virus này từ dơi lây nhiễm cho ngựa rồi từ đó gây bệnh cho người. Triệu chứng tương tợ như bệnh cảm cúm. Đã có vài ca tử vong bên Úc.
Đến năm 1999, một loại virus mới, đó là Nipah virus cũng xuất phát từ một loài dơi, lây cho heo và từ đây truyền sang cho người. Bệnh do Nipah virus cũng bắt đầu bằng triệu chứng cảm cúm như đau nhức mình mẩy, sốt cao và nặng hơn thì gây biến chứng viêm não. Bệnh đã làm thiệt mạng 105 người tại Malaysia năm 1999.

Cũng có những bệnh mà trước kia chỉ có ở các xứ nóng, nay thì bắt đầu thấy xuất hiện ở Bắc Mỹ, như bệnh West Nile virus lần đầu tiên được phát hiện tại New York vào năm 1999. Đây là bệnh của một số loài chim, đặc biệt là loài quạ và được muỗi làm trung gian lây truyền cho người. Bệnh thường xuất hiện mỗi năm vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 9 là thời gian có nhiều muỗi tại Bắc Mỹ. Bệnh West Nile virus có triệu chứng như cảm cúm, ít khi gây thiệt hại về nhân mạng nhưng nó cũng làm bận rộn không ít giới y tế công cộng Hoa Kỳ và Canada. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm ở các người già cả lớn tuổi. Vùng New York, New England ở miền đông bắc Hoa Kỳ cũng như một số vùng Ontario và Quebec Canada thường được cảnh báo về sự xuất hiện của bệnh West Nile virus vào mỗi năm.

Cách lây nhiễm  bệnh West Nile Virus


Tháng 3/2003, bệnh viêm phổi cấp tính và trầm trọng (Severe acute respiratory syndrome -SARS) xuất phát từ lục địa Trung Quốc đã làm thiệt mạng gần 800 người trên thế giới, nặng nhất là Trung mQuốc có khoảng 350 nạn nhân, kế đến là Hồng Kông, Đài Loan và một số quốc gia vùng Đông na Á trong đó có Việt Nam. Riêng tại Toronto, Canada tính đến tháng 7 năm 2003 cũng đã có 44 tử vong vì bệnh SARS. Tác nhân của bệnh SARS là một loại Corona virus ngẩu biến đặc biệt. Các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết, có lẽ bệnh có nguồn gốc từ một loại thú rừng nào đó, hình như là từ con cầy hương (civet cat) mà người Trung Quốc rất hẩu xực?  Dịch bệnh này đã làm cả thế giới rất lo ngại và nó cũng đã gây thiệt hại một cách đáng kể cho kỹ nghệ du lịch của rất nhiều quốc gia.


Cầy hương- civet cat (Internet)
                                                                                                          Năm 2012, các nhà khoa học tuyên bố bệnh SARS tái xuất hiện trở lại ở Trung đông và Âu châu. Họ nghĩ rằng bệnh do một chủng Coronavirus mới có tên là  Middle East respiratory syndrome Coronavirus( MERS-CoV). Có 33 tử vong tính đến ngày 14 tháng 6, 2013.

Đầu năm 2020, dịch bệnh Corona virus COVID 19 xuất phát từ WU HAN Trung Quốc đã làm xáo trộn cả thế giới và gieo tang tốc nặng tại Trung Quốc.Các nhà khoa học nghi 1 loại thú rừng, con pangolin (con tê tê ?) là thũ phạm- Dân Trung quốc rất hảo xực con nầy,
Tất cả những bệnh vừa kể đều có nguồn gốc từ thú vật.

Báo cáo của Ủy Ban Y Tế Quốc Gia Trung Quốc vào sáng sớm Thứ Sáu, 14 Tháng Hai, giờ địa phương, cho biết trên cả lục địa Trung Quốc nay có 64,627 ca nhiễm virus COVID-19, với ít nhất là 1,483 trường hợp tử vong.
Tỉnh Hồ Bắc, nơi được coi là tâm điểm của tình trạng lây lan virus COVID-19, báo cáo có thêm 4,823 trường hợp được xác nhận có bệnh, nâng tổng số người mắc bệnh lên 51,986, với thêm 116 người thiệt mạng trong ngày Thứ Năm, tính tới 12 giờ đêm, theo bản tin của tờ báo South China Morning Post.
Thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, báo cáo có thêm hơn 3,900 ca bệnh mới và thêm 88 người chết trong 24 giờ qua.

Cho đến cuối ngày Thứ Năm, virus COVID-19 đã gây bệnh cho 65,209 người trên toàn thế giới, lan ra hơn 20 quốc gia. Cho tới nay, có ba người bên ngoài lục địa Trung Quốc đã chết vì virus này, gồm 1 người ở Hồng Kông, 1 ở Philippines và một ở Nhật. Tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 trên toàn thế giới đến nay là 1,486 người.

Đây là ngày thứ nhì có việc công bố các con số về trường hợp bệnh và số tử vong dựa trên các tiêu chuẩn mới.
Điều này khiến có sự gia tăng lớn lao và đột ngột trong số người thiệt mạng cũng như số người bệnh, và cũng có vẻ xác nhận sự nghi ngờ rằng con số thật sự cao hơn rất nhiều so với các con số được nhà nước Trung Quốc công bố trong vài tuần qua.
Tại Hoa Kỳ, nơi mới loan báo trường hợp bệnh thứ 15, cơ quan CDC hôm Thứ Năm xác nhận rằng bệnh có thể lây lan từ những người nhiễm virus COVID-19 nhưng không có chỉ dấu phát bệnh. (V.Giang nguoiviet online)

The Pangolin Is Now a Potential Suspect in Spreading The Wuhan Coronavirus to Humans

Pangolin hay con tê tê ?

Receptor for new coronavirus found


Trần-Đăng Hồng, PhD – KHI NÀO DỊCH CORONA COVID-19 CHẤM DỨT?
To jump to humans, animal viruses such as these novel coronaviruses, and avian and swine flu viruses, must evolve to be able to latch onto proteins on the surfaces of human cells
Coronavirus cũ (2003) bị nghi ngờ xuất phát từ cầy hương (civet cat ) và loại MERS CoV (2012) có lẽ từ loài dơi.
The reservoir and route of transmission of the novel coronavirus are still being investigated. Genetic sequencing to date has determined the virus is most closely related to coronaviruses detected in bats. 

Vào đầu năm 2004, bệnh dịch cúm gia cầm do virus Influenza H5N1 đã bộc phát ra một cách nhanh chóng tại Á Châu.

Virus H5N1

Tháng 8/2005,  dịch cúm gà đã xâm nhập Âu châu và sau đó vào lục địa Phi Châu. Tháng 11, 2007 có báo cáo cho biết virus Influenza H5N1 đã thấy xuất hiện tại một trại chăn nuôi gà Tây ở Suffok Anh Quốc.
Dịch cúm vẫn còn gây rối tại Đông Nam Á. Nói chung sau một thời gian lắng dịu. Từ tháng 12/2006 bệnh cúm gà đã bắt đầu bộc phát trở lại tại một số nơi ở Việt Nam...
H5N1 là chủng virus rất độc hại (hautement pathogène) và nguy hiểm nhất trong tất cả chủng Influenza virus, vì nó giết hại nhanh chóng hầu như 100% gia cầm và cũng có thể lây nhiễm cho cả những người nào có tiếp xúc chặt chẽ với gà bệnh...

Thủy cầm (waterfowl) như vịt trời là ổ chứa (réservoir) mầm bệnh cúm gia cầm để đi lây nhiễm khắp nơi. Tính đến tháng 10 năm 2005 đã có 117 người bị nhiễm bệnh cúm gà trong số này có 66 người chết mà hơn phân nửa là người Việt Nam…
Được biết từ năm 2005 đến tháng giữa tháng 11 năm 2007, riêng Indonesia có 113 người bị nhiễm cúm gà và có 91 tử vong. Gần đây đã có một vài trường hợp mà các nhà khoa học nghĩ rằng virus H5N1 đã lây nhiễm trực tiếp từ người này sang cho người khác. Đây là điều lo sợ nhất của mọi người vì đó có thể là dấu hiệu báo hiệu cho một đại dịch toàn cầu (pandémie) trong một thời gian không xa.

Cúm gà vẫn còn  đó, và biến chuyển không ngừng.
Tháng 4/2013 dịch cúm gia cầm H7N9  đã giết hại 36 bệnh nhân Trung Quốc (tính đến  27/5/2013). Cơ Quan Y Tế Thế giới cho biết chưa thấy có dấu hiệu người lây cho người.
Trung Quốc cho biết, bồ câu cũng có mang virus cúm gia cầm H7N9.
Một khảo cứu đăng trong tập chí Science cho biết virus cúm gà H7N9 có thể truyền sang từ loài hữu nhũ mammals với nhau. Trong bài viết họ đề cập đến loài ferret (một loại chồn). Vậy thì người cũng là loài hữu nhũ nên nguy cơ lây truyền H7N9 vẫn có thể xảy ra từ người nầy lây sang người khác.

Working with ferrets, an animal that is often studied to gain insight into flu transmissibility in people, scientists in China, Canada and the U.S. found that H7N9 could spread from one ferret to another -- suggesting that it could also pass between humans. "Under appropriate conditions human-to-human transmission of the H7N9 virus may be possible

Virus cúm đột biến không ngừng (mutation) nên H7N9 có thể lây nhiễm cho loài heo. Và chính loài vật nầy được ví như một ổ trung gian hay thuyền pha trộn (mixing vessel) của cúm gà và cúm người. Hai loại virus trên có thể trao đổi cấu trúc di thể để cho ra một loại virus mới để có thể truyền lây từ người nầy sang người khác.
Flu viruses evolve constantly and scientists say such changes have made H7N9 more capable of infecting pigs. Pigs are a particular concern because bird and human flu viruses can mingle there, potentially producing a bird virus with heightened ability to spread between humans, said Dr William Schaffner, a flu expert at the Vanderbilt University School of Medicine. This happened in 2009 with swine flu.

Dịch cúm heo H1N1 làm cả thế giới  lo sợ
Tháng 4, 2009 dịch cúm heo do virus H1N1 xuất phát từ Mexico đã làm cả thế giới phải điên đảo và e sợ con heo. Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã ban bố tình trạng đại dịch toàn cầu (pandemy) vào ngày 11/6/2009. Đã có 40.000 người chánh thức mắc bệnh và 167 người chết trên thế giới. Giới y tế khuyến cáo mọi người nên đi chủng ngừa để khỏi chết oan uổng mạng.
Vợ chồng người gõ lật đật đi chích.
Tôi Đi Chủng Ngừa Cúm A(H1N1)
Tuy làm rùm beng lên như vậy chớ thật sự ra nổ to nhưng hại ít. Các công ty dược phẩm tha hồ hốt bạc nhờ bán vaccin cho cả thế giới..


Zoonoses gây bệnh bằng cách nào? 
Máu, nước bọt, phân, nước tiểu, tiết vật, da, lông, thịt, sữa và trứng của súc vật đều có thể là nguồn lây nhiễm cho con người. Thời tiết, khí hậu và điều kiện thiên nhiên cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự xuất hiện của một zoonose...

Có những bệnh chỉ tác hại ở các vùng nhiệt đới nóng và ẩm, nhưng cũng có bệnh chỉ thấy xảy ra ở vùng ôn đới mà thôi. Sâu bọ côn trùng, ruồi, muỗi, ve, bọ chét và chim chóc đều có thể là trung gian (vecteur) đem mầm bệnh từ thú sang lây nhiễm cho người.

Mật độ thú quá cao trong một vùng nhất định nào đó, việc khai phá rừng bừa bãi và sự lưu thông chuyển vận quá dễ dàng đều là những yếu tố thuận lợi để một zoonose có thể xuất hiện nhanh chóng.

Cuối cùng là cách sinh sống của con người, chẳng hạn như sống chung chạ với gia súc, tập quán ăn uống, như ăn thịt sống, gỏi cá sống, thịt tái, bò tái chanh, uống máu rắn, tiết canh, nem và saucisse khô, v.v…cũng có thể dự phần không nhỏ vào sự xuất hiện của bệnh tật.

Một số zoonoses điển hình

1*-Bệnh Salmonellose: còn được gọi là bệnh thương hàn, do vi khuẩn Salmonella spp. gây ra...
Phân gia súc, gà, vịt, chim, rùa, rắn v.v… đều có thể chứa vi khuẩn Salmonella spp.   Có rất nhiều nguyên nhân bị nhiễm bệnh, như không giữ gìn vệ sinh, không rửa tay kỹ trước khi ăn uống, ăn phải thực phẩm nhiễm trùng nấu không thật chín.
Thịt gà là loại thịt thường hay bị nhiễm Salmonella nhất. Trứng gà cũng có thể bị nhiễm loại vi khuẩn này (S.enteriditis), vì vậy không nên ăn hột gà nửa sống nửa chín kiểu hột gà “la cót”.

Một số thú vật có thể mang mầm bệnh nhưng chúng không bị bệnh nhưng lại thải vi khuẩn Salmonella ra ngoài để lây nhiễm chúng ta.
Đây là những ổ bệnh rất nguy hiểm cho sức khỏe công cộng. Đau bụng, tiêu chảy có thể có máu và sốt nóng là những triệu chứng chính. Bệnh có thể rất trầm trọng ở các cháu bé và ở các bác lớn tuổi.
Để phòng ngừa, chúng ta phải giữ vệ sinh tối đa như nhớ mang bao tay lúc quét dọn chuồng trại và lúc hốt phân súc vật. Chùi rửa thường xuyên nơi nhốt thú và chim. Rửa tay sau khi làm việc. Tránh dùng thịt nấu không được thật chín.

2*-Bệnh Campylobactériose: vi khuẩn Campylobacter jejuni là thủ phạm chính...
Phân gia súc có thể chứa vi khuẩn này và nhiễm vào nguồn nước, vào rau cải và thức ăn. Ăn phải thức ăn bẩn chúng ta sẽ bị đau bụng và tiêu chảy. Bệnh Salmonellose và bệnh Campylobactériose là 2 bệnh thường hay gặp trong vấn đề ngộ độc thực phẩm.

3*-Bệnh Psittacose: do vi khuẩn Chlamydia psittaci gây nên...
Két là loài chim thường mang bệnh Psittacose nhất. Ngoài két ra, bồ câu và gà cũng có thể mắc bệnh. Bụi bặm trong lồng chim, các tiết vật từ mỏ hay từ mũi chim két đều có thể chứa vi khuẩn Chlamydia. Chúng ta bị lây bệnh qua việc hít thở bụi bặm từ lồng két. Triệu chứng tương tợ bệnh cảm cúm, ho hen, nóng lạnh, nhức đầu, ói mửa, tiêu chảy... Bệnh có thể rất nặng ở các người lớn tuổi.
                                                            
4*-Bệnh Toxoplasmose: do loại nguyên sinh vật đơn bào Toxoplasma gondii gây ra...
Về mặt thú y, Toxoplasma được xem như là một loại cầu trùng (coccidium) phát triển trong ruột của loài mèo. Mầm bệnh thường hiện diện dưới dạng nang noãn oocyst trong phân mèo và từ đó lây nhiễm cho chúng ta qua ngõ tiêu hóa. Mèo cào không thấy có báo cáo là có thể gây bệnh toxoplasmose.
Triệu chứng là sốt nóng, các hạch sưng phù lên và có thể có biến chứng viêm não và mắt. Bệnh rất quan trọng ở các phụ nữ mang thai mà không có kháng thể chống lại bệnh toxoplasmose (séronégative). Thai có thể bị dị dạng, sẩy thai, hoặc sinh ra các cháu bé sau nầy có thể có biến chứng thần kinh và mắt. 
Để phòng ngừa, nhớ mang bao tay lúc làm vườn, cũng như lúc quét dọn phân mèo, thay chất mạt cưa lót chuồng (litière), thay hộc cát (bac à sable) ngoài sân nơi các cháu bé chơi.
Rửa kỹ lưỡng rau cải, thịt heo, dê, cừu, bò phải được nấu thật chín trước khi dùng.

5*-Bệnh do Hanta virus: Phân chuột chứa nhiều loại virus này. Người bị nhiễm qua ngõ tiêu hóa. Sốt nóng, nhức đầu, đau nhức các bắp cơ tương tợ như bị cảm cúm vậy. 
Cẩn thận lúc quét dọn các hốc kẹt có chứa phân chuột. Nhớ rửa tay kỹ sau khi xong việc.


Chuột truyền Hanta virus (Internet)

6*-Bệnh dại (rage, rabies): tác nhân là Lyssa virus...
Tại Canada, bệnh dại lây nhiễm từ chó và mèo rất ít thấy, hầu như không có, lý do chính là vì các loài vật nầy đều được chủng ngừa dại. Luật cũng cấm thả chó chạy rong ngoài đường phố nhờ vậy mà giảm thiểu phần nào hiện tượng lây nhiễm bệnh dại. Tuy vậy, bệnh dại thỉnh thoãng vẫn thấy xảy ra ở người mà nguyên nhân do lây nhiễm từ thú rừng có mang sẵn mầm bệnh bệnh dại một cách tự nhiên.
                                                    
Tại Bắc Mỹ, các loài thú sau đây thường hay chứa virus bệnh dại nhất: chồn (fox), chồn hôi (mouffette, skunk), gấu trúc Mỹ (raton laveur, raccoon)dơi (chauve souris, bat)...
Bên Âu Châu, chồn là loài vật thường hay mang bệnh dại nhất. Bệnh dại là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, lây nhiễm từ nước bọt thú có mang mầm bệnh. Virus bệnh dại tấn công vào hệ thần kinh trung ương của nạn nhân và thường gây tử vong nếu không chữa trị sớm và kịp thời.
Một khi triệu chứng đã phát hiện ra rồi thì kể như phải chết.


Raccoon truyền bệnh dại tại Hoa Kỳ và Canada(Internet)

Dơi truyền bệnh dại tại Hoa Kỳ và Canada(Internet)

Skunk truyền bệnh dại tại Hoa Kỳ và Canada(Internet)

7*-Bệnh sốt do mèo cào (maladie des griffes du chat, cat scratch fever): móng mèo rất bẩn và thường chứa vi khuẩn Bartonella henselae. Vết thương do mèo (4 cẳng) cào hay cắn dễ bị nhiễm trùng làm sưng hạch (lymphadénite régionale) như vùng nách hoặc vùng bẹn, đôi khi kèm theo sốt nóng, ói mửa, đau cổ họng. Bệnh tự hết sau vài tuần, nhưng phải cần nhiều tháng các hạch mới hết sưng.
Trong trường hợp rất hiếm ở những người có sức miễn dịch yếu B. henselae có thể gây những bệnh lý về mạch máu gọi là angiomatose bacillairepéliose bacillaire...
Angiomatose bacillaire là một phản ứng làm gia tăng các mạch dưới da tạo nên những mảng đỏ bầm tương tợ như sarcome de Kaposi...
Péliose bacillaire tuy rất hiếm thấy xảy ra nhưng là một bệnh lý nguy hiểm có thể chết. Triệu chứng là trên bề mặt của gan nổi lên những nang chứa đầy máu. Bọ chét mèo cũng có thể là trung gian truyền vi khuẩn Bartonella cho người.
Mèo tuy mang vi khuẩn Bartonella trong mình nhưng không bệnh. Chúng là réservoirs của B. henselae. Ngoài B. henselae ra, một số chủng Bartonella khác cũng thấy ở súc vật. Đó là B. bacilliformis (gây bệnh Fièvre de Oroya), B. elizabethea (gây viêm cơ tim endocartite), B. quintana (gây bệnh fièvre des tranchées và viêm cơ tim).
Riêng B. elizabethae gây cấy từ chuột được xem như zoonose.

8*-Bệnh do ký sinh trùng Giardia và Cryptosporum: Hai loại ký sinh trùng nầy nằm trong nhóm nguyên sinh vật (protozoa). Gia súc có thể mang mầm bệnh nhưng không bị bệnh. Ký sinh trùng được thải qua phân và nhiễm vào nguồn nước và thức ăn. Đau bụng và tiêu chảy là biểu lộ chính của bệnh.
Để ngừa bệnh, cần nên giữ gìn vệ sinh, rửa tay kỹ lưỡng sau khi tiếp xúc với thú vật, rửa kỹ rau cải trước khi dùng cũng như cần đun sôi nước trước khi uống.

9*-Bệnh lác còn gọi là hắc lào (teigne, ringworm): do nấm ký sinh Microsporum gây nên...
Gia súc, chó, mèo, bò, ngựa đều có thể mang loại nấm nầy trên da, gây ngứa ngáy khó chịu. Một số mèo có thể bị nhiễm nấm Microsporum nhưng không biểu lộ ra triệu chứng bên ngoài.
Tiếp xúc với những loài vật bệnh chúng ta có thể bị lây nhiễm.


Mèo bị lác(Internet)

10*-Bệnh Leptospirose: do vi khuẩn Leptospira spp (còn gọi là xoắn trùng) gây ra...
Các loại thú rừng, các loài gặm nhấm như chuột, chó, mèo, heo, bò và ngựa đều có thể là ổ chứa bệnh. Chúng không bệnh, nhưng có thể thải mầm bệnh qua nước tiểu và lây nhiễm cho chúng ta.
Leptospirose là bệnh quan trọng ở vùng Á Châu và Nam Mỹ. Xoắn trùng có thể xuyên qua da, nhất là những nơi bị xây xát sẵn để vào trong cơ thể. Chúng cũng có thể xâm nhập qua ngõ niêm mạc mắt, mũi, họng, v.v…

Triệu chứng ban đầu như cảm cúm, đau nhức cơ, nôn mửa, sau đó thì gan bị tổn thương gây nên tình trạng vàng da, kế đến là hại thận và cũng có thể có biến chứng viêm màng não.
Có tin vài năm trước đây, Việt Nam có cho nhập cảng  giống hải ly (castor, beaver) từ Trung Quốc về nuôi. Đây là giống Myocastor coypus khác họ với castor Canada (Castor canadensis) và với castor Âu châu  (Castor fiber).


Xoắn trùng Leptospira (photo Wikipedia)

Giới y tế và thú y VN, qua xét nghiệm bằng phương pháp huyết thanh học đã cho biết rất nhiều hải ly nhập cảng có kết quả dương tính với xoắn trùng Leptospira.
Ngoài sự kiện vừa kể, hải ly còn được xếp trong danh sách 100 loài vật xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới.

11*-Bệnh Tularemie: do vi khuẩn Pasteurella tularensis (tên cũ), từ 1974 tên được đổi lại là Francisella tularensis...
Các thú rừng như thỏ, sóc, chuột, chồn, heo rừng, v.v… đều có thể là ổ chứa bệnh có mang vi khuẩn nói trên.
Đây là một bệnh truyền nhiễm có thể gây chết người (35%) nếu không chữa trị đúng cách và kịp thời. Bệnh được lây nhiễm từ các tiết vật, từ phân của thú bệnh qua việc hít thở hoặc qua ngõ tiêu hóa, hoặc lúc sờ mó xác thú vật chết vì bệnh tularemie. Muỗi và mồng có thể là trung gian lây bệnh cho người. Nạn nhân thường là các thợ săn trong rừng.
Triệu chứng thường thấy là sốt nóng, nhức đầu, đau khớp, hạch sưng to, ho, khó thở, viêm phổi nặng, đau bụng, ói mửa, v.v…
Để phòng ngừa, tránh sờ mó thú rừng, xác thú, thịt và nước cần được nấu thật chín.

Cơ quan CDC (Centers for Disease Control and Prevention) Hoa Kỳ đã xếp vi khuẩn bệnh Tularemie vào nhóm vũ khí khủng bố sinh học (bioterrorisme)...Vào những năm 50 và 60, Hoa Kỳ đã từng thí nghiệm vi khuẩn bệnh tularemie như một vũ khí sinh học của họ.

12*-Bệnh giun lãi của chó và mèo: ToxocaraAnkylostoma là tên 2 loài giun thường hay gặp ở chó và mèo.
Trên 80% chó con từ 2 đến 4 tháng tuổi thường bị nhiễm giun Toxocara. Trứng ký sinh trùng này có thể lây qua người qua ngõ miệng. Vào ruột, trứng chỉ nở ra ấu trùng (larve) mà thôi. Ấu trùng chui qua ruột vào trong máu để đi đến phổi, tim, nhãn cầu và cả trong hệ thần kinh trung ương của chúng ta. Thật là nguy hiểm!...

Ankylostoma, là tên một loại giun khác cũng không kém phần nguy hiểm vì chúng có cái móc nhọn ở miệng để bám vào niêm mạc ruột để hút máu. Người ta còn gọi chúng là giun móc (ver à crochet, hookworm)


Miệng của giun móc (Photo web.ucdavis.edu)

Trong đất, trứng giun Ankylostoma nở ra thành ấu trùng và nằm đó để chờ dịp chui qua da của nạn nhân. Ấu trùng di chuyển tứ tung trong cơ thể nên được gọi là larvae migrans. Theo đường tĩnh mạch, ấu trùng xâm nhập các phế nang của phổi rồi trở ra vùng yết hầu và thực quản và bị nuốt xuống bụng. Tại đây, chúng sẽ trưởng thành, bám vào ruột để hút máu và đẻ trứng...

Các cháu bé bò dưới đất, ham đút tay vào miệng có thể bị nhiễm loại giun này. Tại những nơi ấu trùng xâm nhập, da thường hay bị ngứa ngáy, nổi đỏ, bị nhiễm độc, chảy nước vàng và lở loét. Thường thấy nhất là vùng chân, vùng bàn tay và cánh tay. Bệnh nhân có thể bị ho có đàm, nôn mửa, tiêu chảy có máu. Lâu ngày thì có triệu chứng bị mất máu.

Ấu trùng giun móc chui vào bàn chân du khách trở về từ République Dominicaine

Để ngừa, nên cho chó mèo xổ lãi thường xuyên, chùi rửa sàn nhà, tránh đừng cho các cháu đút tay vào miệng. Giun Ankylostoma rất phổ biến tại các vùng nhiệt đới, nóng và ẩm như Việt Nam. Đi chân không tại những vùng đất ẩm có thể nguy hiểm vì ấu trùng Ankylostoma có thể xuyên qua da để vào cơ thể.


Các bệnh ký sinh trùng trong thịt.
CYSTICERCOSE là tên chung để gọi một loại bệnh ký sinh trong thịt heo và trong thịt bò. Thịt bệnh có những nang (kyste, cyst) nhỏ, trong đó có chứa một cái đầu (scolex) của sên hay sán dây ở giai đoạn ấu trùng (larvae)

Thịt heo gạo

Ở heo, người ta thường gọi là thịt heo gạo. Ăn thịt heo gạo nấu không thật chín, ấu trùng sẽ nở ra thành sên trưởng thành, có tên là Taenia solium và chỉ có một con duy nhất dài từ 2 đến 7 mét nằm trong ruột chúng ta cả hằng chục năm. Người là ký chủ thật sự (hôte définitif), heo là ký chủ trung gian (hôte intermédiaire) của sên Taenia solium. Khi ta phóng uế, một số đốt cuối (như mắt xích xe đạp) của ký sinh trùng theo phân ra ngoài. Các đốt này đều chứa đầy trứng sên. Thả heo đi ăn bên ngoài cũng như việc sử dụng phân người để trồng trọt là nguyên nhân chính của bệnh heo gạo. Heo ăn bẩn, trứng sên vào trong ruột nở ra thành ấu trùng, xuyên màng ruột đi định vị trong thịt heo dưới dạng những nang nho nhỏ như hạt gạo và có màu trắng trong, khoa học gọi là cysticercus cellulosae.

Trường hợp chúng ta ăn nhầm rau cải bẩn có trứng sên thì sao? Trường hợp nầy, trứng chỉ nở ra thành ấu trùng sên trong ruột của ta nhưng không bao giờ nở ra thành con sên trưởng thành được. Sau đó ấu trùng đi tứ tung trong cơ thể để tìm nơi định vị dưới hình thức những nang nhỏ, khoa học gọi bệnh này là cysticercose humaine. Nếu kết nang trong hệ thần kinh trung ương chẳng hạn như não hoặc tủy sống thì gọi là bệnh neurocysticercose, rất nguy hiểm. Neurocysticercose là một trong nhiều nguyên nhân động kinh (épilepsie) ở Phi châu, Nam Mỹ và có thể cả tại Việt Nam nữa.

Tại Canada không thấy có báo cáo về heo gạo. Có lẽ đây cũng  nhờ vào việc heo chỉ được nuôi trong chuồng, mà không thả ra ngoài đồng cỏ để ăn bẩn, ngoài ra cũng nhờ vào việc luật Canada cấm chỉ vấn đề sử dụng phân người trong canh nông...

Ở bò, cũng có trường hợp thịt bò gạo tương tự như thịt heo gạo. Thịt bò có thể chứa những nang nhỏ ấu trùng của loại sên Taenia saginata. Sên trưởng thành dài từ 4 đến 12m sống trong ruột của chúng ta (người là ký chủ thật sự) trong rất nhiều năm và có thể có nhiều con cùng một lúc.

Mỗi khi phóng uế, một số đốt sên chứa đầy trứng theo phân ra ngoài và nhiễm vào môi sinh và cây cỏ. Bò (ký chủ trung gian) ăn cỏ, trứng sên sẽ nở ra thành ấu trùng trong ruột, sau đó di chuyển xuyên qua thành ruột đến kết nang trong các vùng như các bắp thịt, hoành cách mô, tim, lưỡi, v.v…

Video: Parasites Photos DrTrần Mạnh Ngô & Nguyễn Thượng Chánh

Trong công việc khám thịt hằng ngày tại Canada, thỉnh thoảng tác giả cũng có phát hiện thịt bò bị nhiễm nang ấu trùng sên Taenia saginata. Tại sao?  Chúng ta chỉ đoán là có thể có anh Ca Na Điên nào đó trong lúc đi du lịch Á châu hoặc Nam Mỹ, bị nhiễm vì đã ăn thịt bò bít tết chiên không đủ chín, hoặc anh ta có ghé Việt nam làm vài tô phở tái béo kèm theo một dĩa bò tái chanh, mà xui xẻo cho Anh ta là thịt đã được làm từ bò gạo có nang ký sinh trùng Taenia saginata. Trở về lại Canada, một ngày nọ trong lúc làm việc ở nông trại, anh ta cảm thấy đau bụng quá, thay vì chạy đi tìm toilette, anh ta lại giải quyết bầu tâm sự một cách cấp bách ngay tại chỗ trong chuồng bò. Bò bị nhiễm trứng sên vì lẽ đó...

8 Zoonotic Diseases Shared Between Animals and People of Most Concern in the U.S.- First-ever CDC, USDA, DOI collaborative report lists top-priority zoonoses for U.S.
https://www.cdc.gov/media/releases/2019/s0506-zoonotic-diseases-shared.html


Thịt bò chứa nang sên

Tại Canada, thịt bò chứa nang sên sẽ bị giữ lại tại nhà máy để làm đông lạnh ở nhiệt độ -20 độ C trong vòng 10 ngày để diệt hết ký sinh trùng. 
Cách đề phòng tốt nhất vẫn là chỉ nên ăn thịt bò đã được nấu hoặc chiên cho thật chín mà thôi!
                                                     

TRICHINOSE(bệnh giun bao), cũng là một bệnh ký sinh rất quan trọng trong thịt, gây nên bởi giun lãi Trichinella spiralis. Một số gia súc như chó, mèo, heo, ngựa cũng như một số thú rừng như chuột, chồn, gấu, v.v…đều có thể bị bệnh trichinose. Ấu trùng nằm cuộn tròn trong những nang nhỏ trong thịt, không thể thấy bằng mắt thường được.
Heo bị nhiễm bệnh do ăn phải các thức ăn bẩn, hoặc ăn nhầm xác chuột có chứa ký sinh trùng. Ăn phải thịt heo bệnh, nếu nấu không thật chín, chúng ta sẽ bị bệnh trichinose. Chất acide trong bao tử sẽ làm tan các vỏ nang và giải phóng ấu trùng Trichinella spiralis ra ngoài.

Nếu bị nhiễm nhẹ thì không thấy có triệu chứng gì cả. Nếu khá nặng, bệnh nhân sẽ bị mệt mỏi, đau nhức các bắp thịt và các khớp xương, mí mắt sưng phù và có thể nhức nhối trong nhãn cầu. Trường hợp nặng hơn nữa thì có thể có biến chứng tim và não.
Tại Canada, mỗi năm có vài chục người chết vì bệnh Giun bao Trichinose. Đa số đều là các người Indien và dân thiểu số Esquimaux ở vùng North West Territories phía cực Bắc của lãnh thổ. Có lẽ tập tục ăn sống thịt thú rừng, như thịt gấu chẳng hạn là nguyên nhân chính để làm cho họ dễ bị nhiễm bệnh. Ngoài thú rừng ra, còn có một loài động vật khác khá to màu đen, đó là con sư tử biển (morse, sea lion) ở vùng Bắc cực cũng cho thấy có tỉ lệ nhiễm bệnh Trichinose rất cao.

Bệnh Giun bao trichinose

Từ 1983 đến nay, Canada chỉ phát hiện ra được có 3 ca thịt heo bị nhiễm ký sinh trùng Trichinella spiralis mà thôi.
Riêng năm 2001, trên 18 triệu heo (kể cả heo rừng nuôi) đã được hạ thịt. Các tests thử nghiệm bằng phương pháp huyết thanh học đều không tìm thấy có sự hiện diện của bệnh Trichinose ở số thú này.
Tất cả ngựa hạ thịt tại Canada đều phải được thử nghiệm bệnh Trichinose tại lò sát sinh, không sót một con! Đây là điều kiện mà khối Liên Âu châu bắt buộc Canada thực hiện để có thể xuất cảng thịt ngựa qua bên đó.

Phương pháp thử nghiệm là phương pháp dùng enzyme để tiêu hóa mẫu thịt (digestion enzymatique) và sau đó ký sinh trùng được xét tìm dưới kính phóng đại đặc biệt.
Từ trước tới nay, tất cả thử nghiệm đều không tìm thấy có sự hiện diện của loại ký sinh trùng Trichinella trong thịt ngựa sản xuất tại Canada.
Phương pháp phòng ngừa tốt nhất vẫn là chúng ta chỉ nên ăn bất cứ các loại thịt sau khi đã được nấu, nướng cho thật chín mà thôi!.
  
Kết luận
Cũng may là đa số bệnh của thú vật ít khi lây nhiễm đến chúng ta. Tuy vậy, gần đây một số virus đặc thù của các bệnh ở thú đã làm cho các nhà khoa học hết sức lo ngại bởi lẽ chúng rất khó bị tiêu diệt được cũng như chúng có khả năng ngẫu biến (mutation) và thích nghi dễ dàng vào môi trường mới và từ đó sẽ vượt hàng rào chủng loại (barrière d’espèce) để lây nhiễm sang cho người.
Zoonoses càng ngày càng gây nhiều lo sợ cho cộng đồng nhân loại!.
Phương pháp chăn nuôi công nghiệp, rất thâm canh với quá nhiều súc vật trên những diện tích nhỏ hẹp đã tạo nên điều kiện cho bệnh tật dễ phát triển ra.
Sự khai phá rừng một cách quy mô và bừa bãi đã làm cho thú vật mất môi trường sống, bắt buộc chúng phải lân la về những nơi đông dân cư để tìm thức ăn và đồng thời cũng truyền lây bệnh cho con người.

Ngoài ra, ngày nay sự phát triển và bành trướng quá nhanh của ngành giao thông vận tải đã giúp việc chuyển vận người và vật được dễ dàng hơn và nhờ đó mà mầm bệnh có thể theo du khách và hàng hóa đi chu du khắp thế giới một cách nhanh chóng và dễ dàng…
Phải chăng sự bộc phát của zoonoses là cái giá mà con người phải trả cho các tiến bộ khoa học mà chúng ta đang thụ hưởng?

Đọc thêm

-WHO- Scientists embrace the “One World” approach


-Bệnh chó dại

-Bệnh ngứa của người bơi lội

-Lao bò có thể lây cho người

-Bị mèo cào mèo cắn

-Chuyện thịt tại quê nhà
- Tâm thư của heo gởi cho người

-Chuột và Hanta virus

-Virus cúm heo đột biến như thế nào?

Montreal,
Bs Thú y Nguyễn Thượng Chánh

No comments:

Post a Comment