Một nữ tu Công Giáo đang làm nghi thức ghi dấu tro lên trán các giáo dân tại Paranaque thuộc thủ đô Manila, Phi Luật Tân vào ngày 26 tháng 2, 2020, giữa lúc đại dịch đang bắt đầu lan ra ngoài Trung Quốc và đến các quốc gia khác. (Ezra Acayan/ Getty Images)
Trong những ngày đầu tháng 4 năm 2020, vì virus Covid tung hoành, giết chóc, nên toàn thể các giáo đường Công Giáo đã không tổ chức Lễ Tro một cách trịnh trọng như mọi năm mà làm lễ Online, trên Internet. Các linh mục Chủ Tế không thể thực hiện nghi thức dùng tro để ghi dấu lên trán tất cả cộng đồng dân Chúa một chữ thập, nhắc nhở là “con người chỉ là tro bụi” như mọi năm và cũng không thể mời toàn thể cộng đồng Dân Chúa hát một câu hát được lặp đi lặp lại trong nghi lễ rắc tro: “Này người! Hãy nhớ mình là tro bụi. Một mai người sẽ trở về bụi tro.”
Nghi thức làm phép tro và xức tro bắt nguồn từ thời Cựu Ước, nghĩa là trước Chúa Giê Su giáng sinh. Hồi đó, nhận thấy đời sống từ vua quan xuống đến dân chúng đã quá tội lỗi, một số Tiên tri đã kêu gọi mọi người phải tỏ thái độ ăn năn, sám hối tội lỗi mình kẻo bị Thiên Chúa trừng phạt, bằng cách mặc áo nhặm gai, và đổ tro lên mình. Đến thời Tân Ước, Giáo Hội đã cho cử hành nghi thức sám hối này với những người tự biết mình có tội lớn phải mặc áo nhặm gai và xức tro trên mình, sau đó, bị đuổi ra khỏi nhà thờ và tới một tu viện, làm việc đền tội.
Đến ngày thứ Năm Tuần Thánh, những người hối lỗi này tụ tập trước nhà thờ, và được Đức Giám Mục tuyên bố tha tội cho họ. Từ đó, họ mới được tham gia các phép bí tích như rước lễ hay xức dầu Thánh. Về sau, Giáo Hội không tổ chức riêng cho những người có tội nữa mà toàn thể Giáo Hội, từ Đức Giáo Hoàng và tất cả giáo dân đều tham dự lễ sám hối này. Vào thế kỷ 11, Đức Giáo Hoàng và tất cả giáo dân tập họp tại nhà thờ thánh Anastasia, để làm phép tro, sau đó, Đức Giáo Hoàng và toàn thể giáo dân mặc áo nhặm, đi chân không, đi bộ đến nhà thờ thánh Sabina để Đức Giáo Hoàng làm phép giải tội chung cho tất cả mọi người. Dần dần, với thời gian, nghi thức xức tro được thực hiện đơn giản hơn, chỉ lấy tro đốt từ những chiếc lá còn lại trong Lễ Lá trước đó, và làm dấu tro trên trán hoặc trên đầu giáo hữu mà thôi.
Nhìn vào thực tế, hình thức xức tro lên đầu tu sĩ và giáo dân để ăn năn tội vẫn được thực hiện long trọng qua nhiều thế kỷ, nhưng có mấy ai tôn trọng ý nghĩa của việc xức tro này. Lịch sử Giáo Hội Công Giáo đã chứng minh rằng có vài giai đoạn chính Giáo Hội đã suy đồi trầm trọng. Từ thế kỷ thứ 3, sau khi Công giáo đã trở thành Quốc Giáo tại Rome rồi phát triển sang các quốc gia Âu Châu khác, nhiều vị tu sĩ mang đến chức vụ rất lớn như Giám Mục, Hồng Y, và có cả vài vị Giáo Hoàng đã trở nên kiêu ngạo và hành xử như những quan tòa tuyệt đối về tín lý Công Giáo, để rồi làm ra những tội ác mà người có lương tri không thể chấp nhận được.
Người ta đã bẻ cong Lời Chúa để làm theo ý họ, miễn sao là mang lợi lộc cho Giáo Hội và cho bản thân họ về mọi phương diện: tiền bạc, sắc dục, và quyền thế. Vua Chúa các nước Âu Châu và những nước Nam Mỹ thuộc địa của Tây Ban Nha hay Bồ đào Nha đã lệ thuộc toàn bộ vào sự chỉ đạo của Giáo Hội. Bên cạnh vua hay các người Nhiếp Chính Vương của từng khu vực, đều có các vị tu sĩ làm cố vấn, và những vị cố vấn này có toàn quyền can thiệp vào sự lãnh đạo quốc gia, qua nhận xét cá nhân của họ, và dưới bức bình phong là Ý Của Chúa, ngay cả việc thành lập các đạo quân mang khí giới đi giết người, gây chiến với các quốc gia không thuận theo Giáo Quyền!
Có thể nói, đạo Công Giáo trong các thế kỷ đó là đạo của Thế Gian, không phải Đạo do Thiên Chúa truyền dậy, mãi cho đến thế kỷ thứ 19, sau khi Hoàng Đế Napoleon bắt giam Giáo Hoàng Pius VII, rồi Vua nước Ý là Victor Emanuel II buộc quyền lực của Công Giáo thu hẹp lại trong phạm vi Vatican, và qua hai cuộc Đại Chiến Thế Giới, Giáo Hội Công Giáo mới chuyển hướng để trở về vai trò chân chính là Lãnh Đạo Tín Ngưỡng mà bỏ qua các vai trò lãnh đạo thế quyền.
Nhưng thực tế, mãi đến Công Đồng Vatican 2, do Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 triệu tập mới là một cuộc canh tân toàn diện, tương đương với một cuộc cách mạng về mọi phương diện. Từ đó, Giáo Hội mới hòa nhập vào Đời môt cách trọn vẹn hơn.
Dĩ nhiên, trong bùn nhơ, lại nẩy ra hoa sen, một điều không thể phủ nhận là trong lúc một số lãnh đạo Giáo Hội suy trầm về Tín Lý, thì tinh thần Công Giáo lại vươn lên phong phú với nhiều bậc Thánh đã nêu những tấm gương sáng chói cho thiên hạ khâm phục và nhiều khoa học gia, triết gia đã tạo ra những phát minh khoa học làm nền tảng cho khoa học hiện tại. Nếu không có những bậc Thánh này cũng như các nhà khoa học với những phát minh đặc biệt của họ, thì có lẽ Giáo Hội đã không đạt được con số gần 2 tỷ người như hiện nay. Tất tật, từ khoa học vật lý, thiên văn, toán học, y học, sinh học, địa chất đến nhân loại học, khảo cổ học... đều do các nhà khoa học Công Giáo đã phát minh và xây dựng nên môt nền tảng cho tất cả những phát minh khoa học sau này để phục vụ cho nhân loại.
Pascal, môt thiên tài khoa học, toán học, và triết lý, người đã phát minh ra chiếc máy tính đầu tiên của loài người đã nói: “Khoa học nông cạn làm cho người ta xa Thiên Chúa, khoa học cao siêu làm cho người ta gần Thiên Chúa.” Louis Pasteur, một người tin tưởng Thiên Chúa một cách mãnh liệt, là cha đẻ của phương pháp khử trùng (1) người tìm ra “vaccine” trị bệnh bị chó dại cắn, phương pháp tẩy trùng cứu Sản phụ,(2) và nhiều phương pháp y khoa khác đã nói: “Khi bạn cảm thấy không yên lòng trong một chuyến đi, môt bàn tay sẽ đưa ra giúp đỡ bạn. Nếu khi cần phải báo động cho bạn, thì Thiên Chúa sẽ tự cầm lấy cánh tay từ bạn, và sẽ hoàn tất công việc của bạn.” Điều đáng lưu ý là phương pháp dùng “Vaccine” để ngừa và trị bệnh là phương pháp duy nhất trong các lần Đại Dịch để mang lại sự sống cho Nhân Loại.(3)
Những nhà khoa học Thiên Tài Công Giáo này đã sống một đời đạo đức và hãm mình, không cần phải mặc áo nhặm gai, không cần phải khóc lóc than thở về tội lỗi của mình. Chính họ đã hiểu và hiểu rõ nguyên lý của sự sống con người là “tro bụi thì sẽ trở về tro bụi.” Adam, tổ tông của nhân loại, đã được Thiên Chúa dựng nên từ đất, thì nhất định sẽ trở về đất. Như vậy, mọi phù hoa trên thế gian này, tiền bạc, danh vọng, quyền lực đều vô nghĩa, một khi nằm xuống, tất cả những hệ lụy với người nằm xuống đó, đều tiêu tan. Trong sự suy trầm của nhân loại vì Đại Dịch Covid, có biết bao nhiêu nhân tài về mọi phương diện văn hóa, xã hội, âm nhạc, kịch nghệ, đã im lặng nằm xuống trong cô đơn, vì gia đình cách biệt.
Chỉ có hai điều là sẽ tồn tại mãi mãi: những sự việc mà người ra đi đó đã thực hiện để phục vụ con người và Tình Yêu, Tâm Hồn Cao Thượng, Sự Mến Thương, Lòng Khâm Phục mới không bao giờ tàn phai trong ký ức của nhân loại. Qua Đại Dịch, thế giới đã nhận ra rất nhiều Anh Hùng thầm lặng, đã hy sinh cả thân mình trong việc cứu sống đồng loại, bao nhiêu Linh Mục, Tu Sĩ đã lặng lẽ chấp nhận cái chết đến với mình, chỉ để yên ủi những linh hồn sắp rời dương thế.
Vậy, bên cạnh việc nhắc nhở về “tro bụi sẽ trở về tro bụi,” người ta còn phải sống sao cho sau khi mình về với nguồn cội rồi, vẫn còn những Tình Yêu của người ở lại dành cho người ra đi, như thế, cuộc sống mới có giá trị, và người ra đi sẽ hãnh diện là mình đã sống một đời đáng sống.
Chú thích:
(1) Phương pháp khử trùng hay tẩy trùng, vì được khám phá bởi Louis Pasteur nên đã được đặt tên là Pasteurization, đã được toàn thể thế giới áp dụng.
(2) Vào đầu thế kỷ 19, các sản phụ tại Âu Châu đã chết hàng loạt, khiến cho các bà mẹ Âu Châu hồi đó sợ không dám đến bệnh viện để sinh con. Nhà Bác Học Pasteur theo dõi vấn đề này và nhận thấy là các bác sĩ, y tá không rửa tay sau khi khám bệnh hoặc mổ xẻ các bệnh nhân khác mà tới thẳng phòng hộ sinh để đỡ đẻ. Với bàn tay nhiễm trùng, các bác sĩ, y tá đã mang vi trùng vào cơ thể người mẹ cũng như đứa bé, trong khi cơ thể sản phụ yếu đuối, không có sức đề kháng, nên các bà mẹ chết ngay. Nhà bác học Pasteur đã yêu cầu tất cả các bác sĩ, y tá, sau khi khám bệnh, phải rửa tay ngay bằng xà bông, phải đeo găng tay đã sát trùng, và phải chuẩn bị phòng sinh thật vệ sinh, trước khi đến thăm bệnh nhân khác, nhất là các sản phụ. Từ đó, số tử vong sau khi sinh đột nhiên giảm hẳn. Nhận thấy kết quả rõ ràng về vấn đề này, các bệnh viện trên khắp thế giới đã buộc tất cả y sĩ phải rửa tay, tẩy trùng sau mỗi lần khám bệnh.
(3) Rất tiếc, cho đến đầu tháng 4 năm 2020, nước Mỹ vẫn trông đợi một loại “Vaccine” mới có thể trị được Virus Covid-19, trong khi đó, Nhật và Đức đã thông báo là đã chế ra “Vaccine” khống chế Corona Virus, chỉ vì luật lệ do FDA của Mỹ quá khắt khe, để tránh bị kiện tụng.
Chu Tất Tiến
viendongdaily.com/con-nguoi-va-bui-tro-yIcShBFd.html
viendongdaily.com/con-nguoi-va-bui-tro-yIcShBFd.html
No comments:
Post a Comment