Vào năm 2000, Hội Đồng Hàn Lâm Viện Liên Quốc (Inter-
Academy Council – HĐ HLV LQ) đã được LHQ thành lập như một kho dữ kiện
nhằm mục đích cung cấp những kiến thức độc đáo và cố vấn cho Ngân hàng
Thế giới cùng các tổ chức quốc tế khác. Hội đồng nầy có nhiệm vụ khuyến
khích và thúc đẩy các quốc gia cần phải khai triển thêm chiến lược phát
triển khoa học và công nghệ của mỗi nước.
Khái niệm về toàn cầu hóa đã được manh nha từ hội nghị Thượng Đỉnh
Rio de Janeiro 1992 tại Ba Tây và việc hình thành của HĐ HLV LQ là kết
quả của cuộc vận động lâu dài. Ngày 7 tháng 12,2001 nhân lễ kỷ niệm 100
năm thành lập giải Nobel, vị đại diện100 khôi nguyên của giải nầy đã kết
luận trong một bài phát biểu như sau: “Để có thể sống còn trong thế giới
chúng ta đã biến dạng, chúng ta cần phải học tập để nghĩ đến một hướng
đi mới. Hơn bao giờ hết, tương lai của mỗi quốc gia tùy thuộc vào những
điều phát kiến tích cực của cả nhân loại”.
Do đó, vấn đề toàn cầu hóa không còn là một vấn đề cần phải
bàn cãi nữa, mà là mục tiêu của tất cả quốc gia trên thế giới phải nhắm
tới. Thế giới cần phải đẩy mạnh tất cả những tiến bộ khoa học như trong
lãnh vực giáo dục, viễn thông, ngân hàng, y khoa, công nghệ, và môi sinh
trong tinh thần hỗ tương cộng tác và tương tác (inter-dependence).
Vào đầu tháng 2,2004, Ông Kofi Annan, Tổng Thư Ký
LHQ đã chủ tọa một buổi tường trình của Hội đồng Hàn Lâm Viện Liên Quốc
(HLVLQ) sau gần 4 năm thành lập. Chủ đề của báo cáo là:” Chiến lược toàn cầu xây dựng kỷ năng khoa học và công nghệ”. Trong
đó, báo cáo kêu gọi cần phải có một sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa
các khả năng khoa học liên quốc và chia xẻ các thành quả thu lượm được
đến tất cả cộng đồng khoa học trên thế giới. Đặc
biệt, đối với các quốc gia đang phát triển, ngân sách dự trù cho việc
nghiên cứu khoa học và công nghệ ít nhất phải từ 1,0 đến 1,5% tổng sản
lượng quốc gia để hy vọng các nước nầy có thể theo kịp sức cạnh tranh và
phát triển giữa các quốc gia toàn cầu.
Với mục tiêu trên, Hội đồng hy vọng sẽ thu ngắn được khoảng cách giữa các quốc gia “giàu” và “nghèo”.
Đây cũng chính là một vòng lẫn quẩn đối với các quốc gia đang phát
triển. Lý do khách quan chính là các quốc gia nầy không có đủ ngân sách
để nghiên cứu và đào tạo, cho nên khoảng cách ngày càng xa hơn so với
các quốc gia đã phát triển. Do đó cần phải đẩy mạnh nhu cầu nầy cho các
nước đang phát triển.
Kết luận của báo cáo nhấn mạnh:”Các quốc gia đang phát triển phải tận dụng mọi cố gắng toàn dân
cùng với sự giúp đỡ của các quốc gia bạn. Đối với sự thay đổi về tiến
bộ nhanh chóng trong hiện tại, sẽ không còn đủ thời gian cho các nước
nầy phí phạm thêm nữa nếu muốn hội nhập và thu hẹp khoảng cách
giàu-nghèo.”
Rõ ràng, đây là khái niệm rất cao thượng của LHQ. Nhưng đứng về mặt
thực tế, các quốc gia trên thế giới đã tiếp nhận và thẩm thấu khái niệm
trên từ 20 năm qua như thế nào?
Và hiện tại 3/2020, dịch Cúm Wuhan hay China Coronavirus đang hoành
hành hầu như khắp thế giới, làm đảo lộn hoàn toàn sinh hoạt xã hội trên
hầu hết các quốc gia trong mấy tháng vừa qua.
Nghĩ cũng cần đặt lại vấn đề, có phải hiện tại thảm cảnh
dịch bịnh trên thế giới phải chăng chính là hệ lụy của tiến trình toàn
cầu hóa?
Căn nguyên của toàn cầu hóa và hệ lụy 20 năm sau
Câu trả lời gồm cả hai phần: tích cực và tiêu cực.
Có rất nhiều chỉ dấu đậm nét nói lên tính cách tiêu cực hết sức rõ ràng của vấn đề là:
Trong hiện tại khoảng cách giữa các quốc gia Bắc Bán cầu và Nam Bán
cầu (gìàu – nghèo) dường như dài thêm ra. Các nước kỹ nghệ hóa tiếp tục
làm chủ thế giới nắm bắt hầu hết tất cả phát minh, sáng kiến ngay cả
những sáng kiến đến từ các quốc gia đang phát triển.
Về nhân sự, vẫn còn tình trạng xuất cảng chất xám của các quốc gia nghèo đến những quốc gia đã phát triển;
Về tài nguyên và nhân công, các quốc gia nghèo vẫn còn là nơi sản xuất rẻ tiền để phục vụ cho những nước giàu;
Chính sách “bế quan tỏa cảng” trong lãnh vực khoa học vẫn được một số
quốc gia giàu áp dụng thay vì chia xẻ kiến thức với cộng đồng thế giới;
Hiện tại, về phương diện khảo cứu khoa học, Hoa Kỳ vẫn hành xử giống
như thời chiến tranh lạnh Mỹ – Nga trước kia. Văn phòng Kiểm soát Tài
sản Ngoại quốc vẫn cấm cảng việc in ấn các báo cáo khoa học của các quốc
gia như Iran, Sudan, và Cuba vào các tạp chí khoa học Hoa kỳ;
Và quan trong hơn cả là các quốc gia giàu vẫn tiếp tục vi phạm quy định về xuất cảng phế thải độc hại
trong đó có phế thải hạch nhân qua các quốc gia nghèo, trái với những
điều mà họ đã ký kết trong Thượng Đỉnh toàn cầu hóa tại Rio De Janeiro
năm 1992 ở Ba Tây. (Một thí dụ là HK đã xuất cảng máy điện toán và
truyền hình đã phế thải qua Việt Nam, Trung Cộng, và Pakistan hàng năm
có thể lên đến trên 50 triệu máy).
May mắn thay, bên cạnh những tiêu cực vừa kể trên, chúng ta vẫn còn
thấy nhiều hình ảnh tích cực, và chính những hình ảnh nầy đã mang lại
niềm hy vọng cho tương lai cho sự toàn cầu hóa.
Trước hết, cần phải kể đến Eugene Garfield Foundation,
tổ chức đã mang đến sự thành lập HĐ HLV LQ. Và Hội Đồng nầy có mục đích
kết hợp với 14 quốc gia khác và các Hàn lâm viện của các quốc gia đệ
tam, trong đó TS Goverdhan Mehta, đại diện Ấn Độ và TS Bruce Alberts, đại diện Hoa Kỳ làm đồng Chủ tịch Hội đồng.
Thứ đến là ở kỳ Thượng đỉnh 1992, các quốc gia hậu kỹ nghệ đã
đồng ý xóa nợ cho các nước đang phát triển là 0,7% tổng sản lượng của
các nước đang mắc nợ hàng năm. Năm 1995 các nước giàu chỉ thực thi xóa
nợ đến 0,27% và năm 2002, có nhiều quốc gia đã đạt được 0,7% đúng theo
yêu cầu.
Từ hai thành quả tích cực vừa kể trên, trong nhiệm kỳ 1999 – 2004,
Hội đồng HLVLQ đã cố gắng hoàn tất điều tra căn bản về khả năng khoa học
và phát triển của các nước trên thế giới cũng như trình bày những nhận
định và đề nghị đến LHQ và Ngân hàng Thế giới, để hai cơ quan nầy có
thêm dữ kiện để giải quyết các vấn nạn của những quốc gia nghèo. Năm
2000, HĐ tiếp nhận sự yểm trợ của chính phủ Hoà Lan, Alfred Sloan
Foundation, Rockfeller Foundation, Carnegie Group.
Và sau cùng cần phải kể đến Bill Gates, vị hoàng tử của
toàn cầu hóa. Bill Gates và Bill & Melinda Gates Foundation đã đóng
góp hàng tỷ Mỹ kim cho các quốc gia cần giúp đỡ trên thế giới từ giáo
dục đến y tế cùng vệ sinh phòng dịch và môi trường.
Từ những hiện tượng tiêu cực và tích cực trong việc toàn cầu hóa thế
giới, hiện tại chúng ta đang đứng giữa hai quan niệm suy tư đối nghịch:
Đây là một thực tế cần phải chấp nhận hay chỉ là ảo tưởng trong khái niệm về toàn cầu hóa?
Sẽ khó có câu trả lời rốt ráo cho câu hỏi trên. Tuy nhiên, chúng ta
cần thấy rõ và chắc chắn là các quốc gia Bắc Bán cầu không thể nào tiếp
tục khai thác và kéo dài khoảng cách giàu – nghèo so với các quốc gia
Nam Bán cầu.
Sẽ có một ngày sau cùng cho tình trạng nầy, để từ đó thế giới sẽ bình
an hơn. Nếu không, cơn đại hồng thủy “nhân tạo” có thể xảy ra và hiện tượng hâm nóng toàn cầu sẽ là một trong những nguyên nhân đầu tiên xóa tan cuộc sống trên hành tinh của chúng ta.
Hy vọng trong tương lai sẽ còn nhiều mạnh thường quân trên cương vị
quốc gia để có thể từ đó biến một thế giới không cân đối, không bình an
đến chiều hướng phát triển hài hòa hơn. Từ đó chúng ta có thể tạo dựng lại đúng vị trí trong sáng vai trò của khoa học là Bảo vệ Di sản Thiên nhiên cho Toàn cầu.
Sau cùng, toàn cầu hoá có thể được hiểu như là một hướng phải đi của thế giới hơn là một điểm đến cần phải đạt được.
Có được suy nghĩ như thế, chúng ta mới hy vọng đat được ý nghĩa cao
cả nhất của danh từ toàn cầu hoá trong chiều hướng phát triển chung cho
toàn thế giới
Và sự an bình của thế giới trong tương lai sẽ tuỳ thuộc
vào quyết định của tất cả các quốc gia chứ không tập trung vào quyết
định của một cường quốc nào cả.
Kể từ ngày Trung Cộng gia nhập WTO năm 2001
Là từ đó “trong tôi bừng nắng hạ”. “Tôi” đây là Hoa Kỳ,
Tây Âu, Đại Hàn, Nhựt, thậm chí Đài loan cũng nhảy vào …đầu tư. Ngân
hàng Thế giới – World Bank, Quỹ Tiền tệ Thế giới – World Monetary Fund ồ ạt cho vay không tính tiền lời không kể một số cho vay không hoàn lại (như cho không vậy!).
Tất cả chỉ vì một mảnh đất chưa được khai thác đúng mức, nhân công rẻ
mạt, cũng như hy vọng Trung Cộng một khi hội nhập vào toàn cầu sẽ
chuyển mình phát triên theo chiều hướng tư bản chủ nghĩa. Và từ đó, TC
lần lần xóa tan cơ chế doanh nghiệp nhà nước và cho người dân và nhà
nước cùng chia nhau đầu tư và cạnh tranh tự do.
Trong suốt ba đời Tổng thống Hoa Kỳ từ Bill Clinton, Bush, và Barack
Obama, gồm tất cả 24 năm dài, thời gian nầy đã giúp cho TC phát triển.
Có thể nói không sai là Hoa Kỳ đã giúp TC làm giàu, tạo phương tiện kỹ
thuật, nhân sự, và thậm chí cung cấp nguyên liệu “cao cấp” cho TC phát
triển kinh tế trong một thời gian dài…
Hy vọng sau cùng, các quốc gia và các cơ chế quốc tế là sẽ thấy Trung Cộng trở thành một quốc gia dân chủ,
trọng nhân quyền và nhà nước “trị dân” bằng chính sách tam quyền phân
lập: hành pháp, lập pháp, và tư pháp nhằm đặt nguyên tắc “check and
balance” làm căn bản.
Nhưng tất cả đều lầm!
Sau 19 năm, Trung Cộng trở thành một cường quốc kinh tế chỉ đứng sau
Hoa Kỳ mà thôi, cũng như có thể nói hầu hết sản phảm tiêu dùng cho con
người trên thế giới đều có xuất xứ từ …Tàu. Dưới đây xin được liệt kê
những “thành quả” mà TC. đạt được sau 19 năm triền với sự trợ giúp của
thế giới tự do(!).
Người viết chỉ muốn đưa ra một thí dụ về đôi hia …”7 dặm” của TC trong suốt thời gian nầy. Đó là kỹ nghệ hóa chất và dược phẩm.
Sự Thách thức của Ngành Hóa chất và Dược phẩm Trung Cộng
Nói về hóa chất và dược phẩm sản xuất tại TC, nếu thế giới có sự hiện diện của bất cứ món hàng nào, chắc chắn món hàng đó sẽ hay đã được sản xuất tại TC và sản xuất với một số lượng lớn. Dĩ nhiên về phẩm chất, chúng ta cần phải xét lại. Hàng nhái, hàng dỏm không thiếu. Thuốc giả thuốc thiệt sản xuất “à la Chinoise” tràn ngập khắp nơi…
Trung Cộng (TC) đang trên đà phát triển vượt bực, nhứt là trong những
năm gần đây. Thị trường dược phẩm TC hiện đang là thị trường dược phẩm
lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ và trong năm 2014 là giá trị 105 tỷ Mỹ
kim. Thị trường nầy được dự báo sẽ tăng mạnh đến 200 tỷ USD vào năm
2020 và khả năng thống lãnh hầu hết thị trường ở châu Á thậm chí lan
rộng qua Âu và Mỹ châu.
Trong hiện tại, các phương pháp điều trị đang đẩy mạnh thị trường
dược phẩm sinh học ở TC. Sự phát triển nầy liên quan đến những bằng sáng
chế trên thế giới đã hết hạn, và khả năng tài trợ của chính phủ. Các xu
hướng mới xuất hiện trong thị trường trọng điểm như việc sản xuất thuốc
hàng loạt sau khi hết hạn độc quyền (generic), thuốc trị ung thư, tiểu
đường và các loại chủng ngừa (vaccin).
Hiện tại, TC là quốc gia có sản lượng kinh tế chỉ đứng sau Hoa Kỳ.
Nhưng TC lại dẫn đầu về thành phẩm sản xuất cho nhu cầu của con người
trên thế giới. Hàng hoá TC tràn ngập khắp nơi. Đã vậy, chỉ trong vòng 10
năm trở lại đây, kỹ nghệ hóa chất và dược phẩm TC có những bước nhảy
vọt, từ đó nảy sinh ra một số lo ngại về phẩm chất (quality), vì quốc gia nầy thể hiện nhiều cung cách “làm ăn” đôi khi vượt
qua tiêu chuẩn cho phép của các định chế quốc tế áp dụng cho ngành hoá
chất, sinh hóa, dược phẩm mà chỉ lo chú trọng vào lượng (quantity) mà
thôi.
Các loại thuốc generic khác có thành phần chính được sản xuất tại TC
bao gồm các loại thuốc điều trị huyết áp, Alzheimer, Parkinson, động
kinh và trầm cảm. Nhà máy penicillin cuối cùng ở Hoa Kỳ đã đóng cửa năm 2004.
Trong số 3.000 dược phẩm – không bao gồm các loại thuốc truyền thống –
được sản xuất tại TC từ những năm 1950, 99% là bản sao của các sản phẩm
nước ngoài, gần như 90% các sản phẩm công nghệ sinh học của TC.
Hiện tại, gần 8 trong 10 toa thuốc cho bịnh nhân ở Mỹ đều thuộc loại chung loại (generic). FDA yêu cầu các loại thuốc generic phải có cùng thành phần hoạt chất, tác dụng mạnh giống như thuốc chính hiệu
(brand name). Nhà sản xuất thuốc generic phải chứng minh thuốc của mình
có cùng tương đương sinh học (bioequivalent) với thuốc chính hiệu. Cơ
quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm – FDA ước tính rằng ít nhất 80% các
hoạt chất được tìm thấy trong tất cả các loại thuốc của Hoa Kỳ đến từ
TC. Nói một cách tổng quát rằng các sản phẩm từ TC tốt hay xấu, an toàn hay nguy hiểm đều không có nghĩa gì hết. Đổ lỗi cho TC một mình vì chất lượng kém của các sản phẩm xuất khẩu của họ là đơn giản và có tích cách sai lệch. Gần như mọi sản phẩm được bán ở Hoa Kỳ đến từ TC đều có đối tác tiếp tay ở Hoa Kỳ.
Có một thời, nhiều thập kỷ trước, penicillin, vitamin C, và nhiều sản
phẩm kê đơn và không kê đơn khác được sản xuất tại Hoa Kỳ. Nhưng bây
giờ, thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc ngừa thai, thuốc
huyết áp, thuốc trị ung thư, và nhiều loại khác sản xuất tại TC được bán
ở Hoa Kỳ.
Mặc dù có những hàng hóa có phẩm chất thấp đến từ TC, nhưng cũng có những thương hiệu nổi tiếng như Apple, Coach và Armani
sản xuất những sản phẩm có phẩm chất tốt và có giá cao, nhưng giờ đây,
TC với hàng sản xuất tại Tàu đã thay đổi “giá cả” đáng kể theo thời
gian.
Trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ mua một lượng nhỏ dược phẩm thành phẩm
từ TC, nhưng có khoảng 80% các thành phần dược phẩm hoạt tính (active
pharmaceutical ingredients-API) được xử dụng để điều chế thuốc ở Hoa Kỳ
được cho là đến từ TC và Ấn Độ.
Trên thực tế, nếu TC đóng cửa không xuất cảng thuốc và
các thành phần chính cùng nguyên liệu thô của họ, các bệnh viện và bệnh
viện quân đội Mỹ sẽ ngừng hoạt động trong vòng vài tháng! (phát biểu của
Bà Rosemary Gibson qua quyển sách China Rx).
Bà tiếp:”TC có khả năng vũ khí hóa các loại
thuốc bàn cho HK. Họ có thể bán mà không chứa bất kỳ loại hóa chất hay
hoạt chất nào trong đó. Họ có thể bán các loại thuốc có chất gây ô
nhiễm, gây chết người (lethal contaminants)”. Thí dụ như các loại thuốc
generic khác có thành phần chính được sản xuất tại TC bao gồm các loại thuốc điều trị huyết áp, Alzheimer, Parkinson, động kinh – epilepsy và trầm cảm.
Đây cũng là mối lưu tâm hàng đầu của Hoa Kỳ trước sự kiểm
soát của TC lên hệ thống thuốc men trong lãnh vực y tế của Mỹ, hậu quả
của “cái gọi là” toàn cầu hóa.
May mắn thay, “vì” hay “nhờ” dịch China virus, Hoa Kỳ “ngộ” ra được
mối nguy cơ của nền an ninh quốc gia trước sự thống trị ngày càng gia
tăng của TC trên thị trường sản xuất của TC qua “thành phần dược phẩm
hoạt tính – API”. Và hiện tại, Hội đồng An ninh Quốc gia Ở tòa Bạch Ốc
đang cố gắng xác định các loại thuốc có nguy cơ cao nhất nếu TC quyết định xử dụng thuốc cung cấp làm vũ khí.
Trung Cộng “xuất cảng China Coronavirus” qua Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Âu bằng con đường nào?
4.1- New York: Vào tháng 11/2017, Thống đốc tiểu bang New York, ông Andrew Cuomo đã nhận được “Giải thưởng Đám mây xanh” – The Blue Cloud Awards, một giải thưởng thúc đẩy văn hóa Trung Hoa – Mỹ. Phó thống đốc Kathy Hochul
đã thay mặt ông lên nhận giải thưởng và phát biểu rằng, một trong những
ưu tiên trong chương trình làm việc hằng ngày của ông Cuomo là phát triển mối quan hệ giữa New York và Trung Cộng. Từ
năm 2011, Tân Hoa Xã đã phát video quảng cáo ở Quảng trường Thời đại
suốt 24/24, và cùng với Nhân dân Nhật báo đã thành lập văn phòng tại
Manhattan.
Trong vòng hai năm trở lại đây, hiệp hội Quan hệ đối tác cho thành phố New York
– Partnership for New York City đã làm việc với các quan chức thành phố
và tiểu bang để đặt nền móng cho vai trò mới nổi của New York, là Trung tâm lợi ích thương mại của TC ở Hoa Kỳ (the U.S. center of Chinese commercial interests).
Một trọng tâm của nỗ lực nầy là thiết lập một Trung tâm TC – China
Center do một thành viên quan trọng của Trung tâm Thương mại Thế giới –
World Trade Center kết nối. Trung tâm TC là một cơ sở kinh doanh và
văn hóa đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp năng động của TC nhằm tác
động như một trung tâm cho các đại công ty TC đặt văn phòng tại New York
giao dịch với các công ty quốc tế và Hoa Kỳ. Từ đó, các ngành công
nghiệp tập trung nhất vào nền kinh tế New York, các dịch vụ tài chính,
bảo hiểm, dịch vụ chuyên nghiệp, truyền thông, du lịch ngày càng phát
triển, và khoa học cùng công nghệ thông tin, ngày càng hướng tới TC.
Đó là lý do tại sao China Virus bùng phát nhanh và mạnh tại New York!
4.2- Washington State: Trong quá khứ, chúng
ta đã thấy qua bốn đời Đại hội đảng CS Tàu, sau mỗi lần có Chủ tịch
đảng mới…đều qua viếng thăm Hoa Kỳ, mà điểm đến đầu tiên là Seattle nhằm
đến thăm hai đại công ty Boeing, Microsoft. Từ đó, sự hợp tác giữa hai
bên qua phát triển và thương mại tạo ra một “chân rít lớn” cho TC đi vào
tận cùng các ngõ ngách trong nước Mỹ.
Và bây giờ chúng ta không ngạc nhiên khi thấy “con” China virus viếng
thăm khắp hầu hết các tiểu bang Hoa Kỳ, đặc biệt là hai nơi vừa kể
trên!
Còn các quốc gia khác thì sao?
4.3- Ý quốc: Suốt 10 năm qua, số vốn Ý tiếp
nhận từ TC tổng cộng lên tới 33 tỷ Euro. Ý là đối tác thương mại lớn
nhất của TC tại châu Âu qua con đường Nhất Đái, Nhất Lộ – One Belt, One
Road. Thành phố Prato của Ý là một thị trấn quan trọng đối với người nhập cư từ Ôn Châu – Wenzhou, người Tàu chiếm 1/4 dân số ở đây. Hầu hết các nhãn hiệu thời trang sang trọng của Ý đều được người di dân từ Ôn Châu gia công.
Dịch China virus hiện tại là hệ lụy của trên 30 tỷ Euro của TC đầu tư vào các tỉnh phía Bắc nước nầy!
4.4- Pháp Quốc: Nước Pháp hiện đang phải
rút một bài học cay đắng và họ đã tự biến mình thành tù nhân do chính
sách lệ thuộc vào kinh tế công xưởng sản xuất thế giới TC. Ngày 28-3 vừa
qua, trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran nói thẳng là: “Các thiết bị TC bán cho châu Âu không đủ độ tin cậy”, hàm ý tố cáo hành vi khi “kẻ đếm tiền, người đếm xác”.
Sự hiện diện của Thủ tướng Édouard Philippe bên cạnh, chăm chú nghe, và
còn có cử chĩ lộ vẻ tán đồng, không cắt gọt cho câu nói của Tổng trưởng
Y tế Olivier Véran đồng nghĩa như tuyên bố của phát ngôn viên chính
phủ, thậm chí còn gay gắt hơn.
Vì vậy, đại dịch này là bài học đắt giá để đời cho cộng
đồng châu Âu không cho phép quay lại với thế giới cũ, đặt dấu hỏi lớn về
vai trò của TC trong tư cách thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An
LHQ.
Và sau cùng, chính Tổng thống Emanuel Macron đã nhấn mạnh rất rõ ràng, rành mạch: ”Mục
tiêu hàng đầu của chúng ta hôm nay là cho ra những sản phẩm tại Pháp.
Từ giờ cho đến cuối năm chúng ta sẽ sản xuất ra những sản phẩm 100% có
phẩm chất của Pháp, và đặt trên đất Pháp. Chúng ta phải hoàn toàn tự chủ
toàn phần, trọn vẹn… Ngày mai sẽ không còn là ngày hôm qua. Phải rút ra bài học từ những hậu quả này”.
Vì đâu nên nỗi?
Chính nhờ việc gia nhập vào WTO từ năm 2001, TC mới chính
thức mở cửa cho nhà đầu tư ngoại quốc và thu hút thêm nhiều khoa học
gia, nghiên cứu gia tiếp cận thị trường dược phẩm, trong đó có thể nói
có mức tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Chính nhờ những con đường tơ lụa tân thời chuyển vận bằng mọi phương
tiện thủy – bộ – hàng không. Dĩ nhiên là phát xuất từ TC qua:
* Con đường tơ lụa nguyên thủy từ lục địa TC qua Nội
Mông, Tân Cương (East Turquistan), Pakistan, Afghanistan, các quốc gia
Đông Âu, rồi Tây Âu;
* Con đường thứ hai đi thẳng qua Liên bang Nga rồi đổ hàng vào Tây Âu;
* Con đường thứ ba qua Miến Điện (Myanmar) rồi xuống Đông Nam Á,
xuyên qua Ấn Độ dương để qua Nam Phi châu. Từ đó, ngược miền Bắc lên Tây
Phi châu để rồi xuyên Đại Tây dương lên các quốc gia Caribbe. Sau cùng
diểm đến vẫn là Hoa Kỳ và Canada;
* Và một con đường mới mở sau nầy, là đường chuyển vận từ Liên bang Nga qua các nước Trung Mỹ và tiến vào Hoa Kỳ.
Tổng kết lại, Hoa Kỳ chính là quốc gia tiêu thụ nhiều hơn
tất cả những mặt hàng nhái, hàng dỡm, các loại thuốc men, hay hóa chất
dùng trong kỹ nghệ qua hai lỗ hỏng trong luật lệ Hoa Kỳ là:
Không cần niêm yết các nguyên liệu có xuất xứ từ nguyên gốc trong sản xuất trên các nhãn ghi thành phần hóa chất;
Cũng như một “lỗ hổng” lớn của Mỹ là mọi thành phẩm dùng 50%
nguyên liệu từ Hoa Kỳ có thể để nhãn hiệu là “Made in USA”…do đó gian
thương TC có thể đánh lận con đen với người tiêu thụ tại quốc gia nầy.
Nói về tỉnh Hà Bắc trong đó có thủ phủ Vũ Hán – Wuhan, có thể
nói, TC sản xuất thuốc kháng sinh chiếm khoảng 90% trên thị trường thế
giới và xử dụng những quy trình không thân thiện với môi trường. Do đó,
TC là một trung tâm gây ô nhiễm kháng sinh toàn cầu. Và tệ hại hơn
nữa, mặc dù là nhà sản xuất lớn nhất thế giới của các loại thuốc kháng
sinh, TC không có tiêu chuẩn môi trường để điều chỉnh ô nhiễm do sản
xuất kháng sinh tạo ra. Và Hà Bắc là một trung tâm sản xuất thuốc
kháng sinh, sản xuất 30% thuốc kháng sinh để xuất cảng trên thế giới.
Một nhóm bảo vệ môi trường Chinadialogue nói rằng trong khi lái xe qua
Khu công nghiệp Thạch Gia Trang Luancheng – Shijiazhuang Luancheng Industrial Zone trong tháng 10 năm 2015, họ phải thở một mùi thuốc thật khó chịu mặc dù cửa xe đã đóng kín.
Và sự kiện China virus hiện tại được nhà báo Pháp Alain Frachon, trong bài bình luận mang tựa đề ‘‘Vấn đề địa chính trị của dịch Covid-19’’, nhận xét: ”cuộc chiến chống Covid-19 phản ánh bản đồ địa chính trị của thế giới hiện tại, với việc TC đang không ngừng trở nên mạnh hơn và Hoa Kỳ tiếp tục co cụm lại.
Giữa hai đại cường hàng đầu thế giới, vốn đã trong tình trạng chiến
tranh kinh tế, sự xuất hiện của virus corona là một chủ đề xung đột tiếp
theo…”.
Chúng ta, những người yêu chuộng tự do và dân chủ phải làm gì đây?
Trước hết, việc thay thế vị trí Thành viên Thường trực trong Hội đồng Bảo An LHQ có quyền phủ quyết từ Trung hoa Dân Quốc (Đài Loan) qua Trung Cộng là căn nguyên lớn nhứt để cho TC lộng hành ngày hôm nay.
Thứ đến, chấp nhận TC là thành viên của Tổ chức Thương mại Toàn cầu – WTO vào năm 2001 với tất cả mọi “châm chước” trong quy định như:
Cho phép giải tán quốc doanh từ từ để thành tư doanh hóa trong 10 năm (TC có 70 Cty quốc doanh trong thời điểm nầy);
Mọi ưu đãi trong việc vai mượn vốn đầu tư của IMF, WB vừa không hoàn trả hay tiền lời thấp, và có thời hạn trả trên 20 năm;
Mọi “thả lỏng” trong các hiệp ước về bảo vệ môi trường toàn cầu và TC
vẫn được xem là quốc gia “đang phát triển” cho nên không áp dụng các
quy luật về phát thải khí nhà kính, thay đồi khí hậu v.v.. để từ đó TC tha hồ phát triển vô tội vạ không ứng hợp với việc bảo vệ môi trường trong gần 20 năm qua.
Và sau cùng, với sức mạnh kinh tế qua lừa lọc, gian manh…TC lần lượt
khuynh đảo các định chế quốc tế như LHQ, Hội đồng Bảo An LHQ, UNICEF,
UNHCR, WFP, và nhứt là WHO qua sự việc China Coronavirus.
Qua đại dịch China virus, đây là một cơ hội ngàn năm một thuở để thế giới xét lại tiến trình toàn cầu hoá hiện nay.
Vấn đề là toàn cầu hoá trong suốt 20 năm qua, đã đưa thế giới
đi đến chỗ bế tắt, bắt đầu từ khái niệm tích cực cho toàn cầu nhưng kết
quả là một hệ lụy đau buồn ngày hôm nay qua dịch cúm Wuhan.
Vấn đề là cần phải tái phối trí lại cơ cấu toàn cầu hóa hay
khai mở một chính sách mới áp dụng cho toàn cầu qua kinh nghiệm đau
thương của dịch Tàu?
Vấn đề là WHO hiện nay là một định chế không có đủ ‘’quyền lực và
phương tiện’’ để đưa ra các lộ trình phản ứng trước các khủng hoảng y tế
và đang bị Bắc Kinh khuynh đảo!
Vấn đề cụ thể là WHO đã không có khả năng buộc Bắc Kinh phải thừa nhận và ngăn chặn dịch sớm hơn.
Biết được các nguyên nhân tạo ra sự xáo trộn thế giới hiện tại, chúng ta đã định vị được chánh – tà, thiện – ác, và nhứt là xác định được “kẻ thù của nhân loại” chính là TC, từ đó, việc tái phối trí lại cơ cấu toàn cầu rất cần thiết trong lúc nầy.
Một khi sự hiện hữu của cơ chế độc tài chuyên chính của Trung
Cộng còn tồn tại, thế giới còn phải trải qua nhiều vấn nạn trong tương
lai sẽ tồi tệ hơn China Covid hiện tại.
Qua kinh nghiệm sống trong việc phòng chống China Virus trong những ngày “tự nguyện cô lập”, người viết thấy rất rõ là Nước Mỹ Vĩ Đại, vĩ đại không phải vì có một chánh quyền mạnh, tài nguyên dồi dào, thiên nhiên ưu đãi…mà chính vì dân trí người dân Hoa Kỳ với tâm lành, lương thiện, biết đoàn kết và chấp nhận hy sinh trước một vấn nạn chung của Đất và Nước.
Từ hình ảnh những túi thực phẩm hiện diện khắp các nẻo đường do bà con tự nguyện đóng góp và phân phối.
Từ những khẩu trang may vá đơn sơ được hàng trăm hàng ngàn
bàn tay của người lao động hảo tâm may cắt nhằm hỗ trợ cho Bác sĩ, Y tá
ngày đêm chiến đấu với cơn dịch không quản ngại tấm thân.
Làm sao mà quên được tinh thần tương trợ của người dân Hoa Kỳ trong sự đoàn kết chống China virus.
Tất cả những sự vĩ đại đó
nằm trong tâm hồn của hơn 325 triệu dân gồm đủ mọi sắc tộc đến từ khắp
nơi trên quả địa cầu hình thành ra một Hiệp Chủng Quốc và cùng hội tụ
trên mảnh đất màu mỡ của đất nước Hoa Kỳ nầy.
Chì có ở Hoa Kỳ, và chỉ có ở Hoa Kỳ chúng ta mới thấy được những hình ảnh thân thương và cảm động trên!
Đó mới thực sự là VĨ ĐẠI.
Xin cám ơn Đất, Nước, và người dân Mỹ đã cưu mang những người con Việt trên bước đường tha hương vì quốc nạn CSBV.
Mai Thanh Truyết
Houston – 02-04-2020
Nguồn: baotgm.net
Nguồn: baotgm.net
No comments:
Post a Comment