. . . Người ta oán bạn vì đã làm thế giới hoang
mang, có những đô thị phồn hoa giờ như vùng đất chết. Bạn đẩy những mạng người
vào hố chôn tập thể, thậm chí người thân không dám đi đưa tang. Bạn khiến kinh
tế thế giới suy thoái, giao thương ngưng trệ, chứng khoán lao dốc, sân bay, tàu
biển đóng cửa, cơ man là công ty, xí nghiệp phá sản, các khu công nghiệp, dịch
vụ, du lịch điêu đứng, hàng triệu người thất nghiệp, trẻ em không được đến
trường... Bạn tàn ác. . .
Bạn thân mến!
Tôi
biết bạn chẳng có tên, tuổi gì cả. Cho đến khi bạn ra đời sau gần một
tháng trời, người ta vẫn tranh cãi việc đặt bạn tên gì. Cho dù gọi bạn
là Covid-19, CoVy, Corona, virus Wuhan, virus China hay gì đi nữa thì
cũng chỉ là giả danh, tạm đặt cái tên để dễ xưng hô với nhau.
Có
người nói bạn sinh ra từ tô cháo rắn, từ nồi lẩu dơi, người thì bảo quê
hương của bạn là chợ hải sản, một thuyết khác thì nói bạn được khai
sinh từ phòng thí nghiệm. Dù bạn ra đời ở đâu thì chắc chắn rằng bố mẹ
bạn là tâm thức con người. Bạn xuất hiện khiến nhân loại chao đảo, người
ta bảo là thiên tai. Nhưng, do nhân tâm mà bạn có mặt nên tôi nói đây
là nhân tai. Nếu nói bạn nhỏ thì đúng là bạn chỉ bằng 1/900 của đầu sợi
tóc, nhưng nếu nói bạn lớn thì cũng đúng - bạn có thể lớn bằng một chiếc
xe, chiếc máy bay, bằng một bệnh viện, một thành phố, thậm chí bằng một
quốc gia hay hơn nữa là bằng cả địa cầu. Tôi gọi bạn là “Con” cũng được
mà gọi bạn là “Ngài” cũng không sai. Bạn ở trong con dơi, con rắn, con
người nên bạn là “Con”. Nhưng nếu bạn ở trong một người khoác chiếc áo
thủ tướng, nghị sĩ hay hoàng gia thì bạn nghiễm nhiên được gọi là
“Ngài”. Nghĩa là từ thành phần thấp hèn cho đến quyền quí, cao sang, từ
những phương tiện giao thông công cộng cho đến chuyên cơ của nguyên thủ,
từ nhà trọ cho đến vương cung, đâu bạn cũng có mặt.
Bạn có mặt để làm gì?
Chỉ
trong khoảng ba tháng nay, bạn đã định đoạt hơn 43.000 sinh mạng con
người đi vào cõi chết và gần 900.000 người đang trong cơn mê (Con số sẽ
chưa dừng lại).
Trước giờ con người
cho rằng “Trái đất này là của chúng mình”. Vậy nên người ta muốn đi đâu
thì đi, muốn làm gì trái đất thì làm. Nhưng bạn xuất hiện, con người
chỉ còn bốn lựa chọn: ở nhà, ở khu cách ly, ở bệnh viện hoặc chiếc quan
tài. Con người luôn nhân danh là kẻ đứng đầu lẽ sống, kẻ thống trị thế
giới nên điều khiển tất tần tật mọi chuyện trên trời, dưới đất. Giờ thì
kẻ thống trị thế giới, điều khiển tất tần tật mọi chuyện dưới đất, trên
trời là bạn. Chỉ nghe đến bạn, con người chạy như chạy giặc, trốn như
trốn động đất, sóng thần. Bạn có thể bắt con người ngồi vào một chỗ và
bạn cũng có thể giải tán đám đông. Người ta oán bạn vì đã làm thế giới
hoang mang, có những đô thị phồn hoa giờ như vùng đất chết. Bạn đẩy
những mạng người vào hố chôn tập thể, thậm chí người thân không dám đi
đưa tang. Bạn khiến kinh tế thế giới suy thoái, giao thương ngưng trệ,
chứng khoán lao dốc, sân bay, tàu biển đóng cửa, cơ man là công ty, xí
nghiệp phá sản, các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch điêu đứng, hàng
triệu người thất nghiệp, trẻ em không được đến trường... Bạn tàn ác.
Nhưng ....
Nhờ
thực tập hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quán Thế Âm với sự chú tâm và thành
khẩn, ngồi nghe với tâm không thành kiến, không phán xét, không phản
ứng, ngồi nghe để hiểu - hiểu những điều đang nghe và cả những điều
không nói. Nhờ biết lắng nghe như vậy nên tôi đã thấy được bạn, biết bạn
là ai, bạn thuộc dòng họ nào, bạn có mặt nơi đây để làm gì.
Nhiều chục năm nay, anh, chị, em, bà
con, dòng họ của bạn; những “ tuýp người” nóng nảy như động đất, sóng
thần, cháy rừng, ngập mặn, khô hạn và cả những “tuýp người” âm ỉ bực tức
như SARS, HIV, dịch tả, dịch hạch, dịch cúm, đậu mùa, sởi, lao,
phong... nhiều lần xuất hiện để thức tỉnh nhân loại. Tôi biết những cơn
động đất, sóng thần, cháy rừng, ngập mặn hay khô hạn kia là sự quằn
quại, đau thương của đất mẹ, những biến đổi khí hậu, hâm nóng toàn cầu
là sự rên xiết của thiên nhiên; những SARS, HIV, dịch tả, dịch hạch,
dịch cúm, đậu mùa, sởi, lao, phong ... là sự mất cân bằng sinh thái, tác
động trực tiếp lên con người, khiến con người mệt mỏi, nóng sốt với
nhiều trạng thái đau đớn thậm chí dẫn đến tử vong.
Vậy mà con người nào
có chịu để tâm. Trái đất là căn nhà duy nhất để con người sinh sống; môi
trường, không gian là bầu dưỡng khí duy nhất để con người thở. Nhưng,
con người cho rằng trái đất không biết đau nên tha hồ vùi dập; tài
nguyên thiên nhiên không bao giờ cạn kiệt nên tha hồ khai phá, bức bách.
Đạt được sự bức phá nào đó, con người kiêu hãnh với “trí tuệ”, với
“thành công” của mình. Một người mà kiêu hãnh vì đã đốn được cột nhà
mình, khoét được mái nhà đang che chở cho mình thì thử hỏi tương lai
người đấy đi về đâu. Khoan nói đến đất mẹ hay thiên nhiên, con người đã
đang thiếu tử tế với chính mình.
Mấy
tháng nay, trong vô hình, bạn đã lặng lẽ điều chỉnh con người dần về
với trật tự của vũ trụ, với thiên nhiên, dần trở về với những gì cần
thiết nhất cho lẽ sống tự nhiên của muôn loài, trong đó có con người.
Con
người dần ý thức được hai chữ “Dừng lại”. Dừng vận chuyển máy bay, tàu
biển, xe lửa, xe hơi, hàng hoá; dừng sản xuất, thương mại, kinh doanh,
du lịch; dừng tụ tập, hội họp dưới mọi hình thức. Nó gián tiếp nhắc nhở
con người phải dừng khai thác tài nguyên, tàn phá thiên nhiên, chạy đua
vũ trang, sản xuất vũ khí, sát hại sinh mạng, phát triển kinh tế, lối
sống ích kỷ, đua đòi vật chất, tham lam hưởng thụ... Tất cả mọi cái gọi
là “thành công” của con người đều phải “Dừng lại”, vì ít nhiều nó có
bóng dáng của tàn ác đối với thiên nhiên.
Bạn Covid-19 thân mến!
Kể
từ bạn xuất hiện, hai chữ “Dừng lại” đã được con người gọi tên. Một số
khẩu hiệu như rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, khi tiếp xúc phải cách
xa 2 mét. Nó gần như là những câu thần chú cho con người thực tập mỗi
giờ.
Vậy thì con người cần phải “Dừng lại” những gì?
Con
người đã và đang nằm trên núi vật chất và sống với thói quen hưởng thụ.
Hai chữ “Dừng lại” với con người nghe sao lạ quá, thật khó chấp nhận.
Phát triển kinh tế thực chất là dồn dập sản xuất, kinh doanh, dùng mọi
biện pháp quyến rũ, kích thích người dùng.
Thành quả mà con người tạo ra
và thụ hưởng suy cho cùng là xác chết của thiên nhiên. Nếu con người
là con của mẹ thiên nhiên thì muôn loài, muôn vật cũng là con của mẹ
thiên nhiên, nhưng con người chỉ muốn quyền ưu tiên thuộc về mình. Con
người tự cho mình cái quyền được đào, được bới, được khoan được moi tận
sâu thẳm trong trái tim của mẹ - lòng sông, lòng biển, lòng núi, lòng
đất. Chưa hết, con cá dưới nước, con chim trên trời, con thú trong rừng
cho đến rễ cây, ngọn cỏ đều là... vật dưỡng nhơn.
Con
người lấy tinh hoa của thiên nhiên nhiều quá nhưng trả lại thiên nhiên
chỉ toàn chất độc. Hiện nay, những cụm từ nguy hiểm chết người như ô
nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, ô nhiễm nước, ô nhiễm
tiếng ồn... nghe đã quen tai. Ngay như đồ ăn, thức uống cũng đầy dẫy độc
tố. Tất cả mọi thứ ô nhiễm này đều xuất phát từ ô nhiễm tâm.
Con
người được mẹ thiên nhiên chở che, đùm bọc bằng tình thương yêu lớn
quá. Có phải vì “đứa con được chiều thường thiếu ngoan hiền”. Trớ trêu
thay, khi quả đắng đến thì con người không còn nhớ nhân tạo mà chỉ biết thốt lên... thiên tai.
Covid-19 ạ, con người đã dần nhận ra một
phần rằng, tài sản lớn nhất là sức khỏe, là sinh mạng chứ không phải
vật chất phù phiếm xa hoa; hạnh phúc đích thực là tình người chứ không
phải quyền uy, thế lực. Biết là vậy nhưng để thay đổi thói quen - nghiệp
- thì không biết đến bao giờ. Tôi tin con người sẽ thay đổi và bạn chắc
chắn cũng sẽ thay đổi. Nghĩa là, thay vì bắt bạn hãy biến đi thì giải
pháp phù hợp nhất là con người nên thay đổi chính mình.
Kể
từ sau “biến cố Vũ Hán”, con người bắt đầu “Dừng lại”. Dù chỉ một thời
gian ngắn thôi mà sức sống kỳ diệu của thiên nhiên như được hồi sinh.
Bầu khí quyển đã dần tan màu chết, dòng sông nào đen thẩm, hôi thối nay
đã bắt đầu trong và các loài thuỷ tộc đã biết đùa vui; các đô thị lớn
trên thế giới ngày nào hình chụp từ vệ tinh một màu xám xịt, thì nay màu
sự sống đã dần sáng ra.
Nhờ “Dừng
lại”, không ra khỏi nhà mà những đứa trẻ bắt đầu tìm được tình thương
trong vòng tay của mẹ, những phụ nữ tìm được hạnh phúc bên chồng. Con
người quen sống với văn minh vật chất bên ngoài nên năng lượng tâm linh
bên trong cạn kiệt, hao mòn. Do đó mọi bất an, sợ hãi, hoang mang, bấn
loạn khởi lên. Nhờ “Dừng lại” mà con người có cơ hội được ngơi nghỉ cả
thân và tâm, để nhìn lại những tranh giành vô nghĩa với những thành
bại, được mất, sướng khổ, có không... để rồi tự chọn cho mình cái gì mới
là hạnh phúc bền lâu, tài sản nào mới là giá trị đích thực.
Năm
xưa, Đức Thế Tôn đang trên đường đi khất thực, tên cướp Angulimāla đã
rượt đuổi với hy vọng lấy được mạng Ngài. Rượt mãi mà không được, tên
cướp ra lệnh: “Sa môn Cồ Đàm hãy dừng lại”. Đức Phật khoan thai đáp: “Ta
đã dừng rồi, này Angulimāla. Và ngươi hãy dừng lại!”. Tên cướp hét lên:
“Ông vẫn đang đi mà sao lại nói dừng rồi”. Đức Phật giải thích: “Trên
con đường độc ác, với trượng, với kiếm và cung, Ta dừng lại từ rất lâu.
Ngươi cũng hãy dừng lại đi”. Nghe xong, tên cướp đã gụt xuống, rơi gươm.
Ánh
sáng trí tuệ của Thế tôn đã bẻ gãy thanh gươm tàn độc và cái ác đã phải
dừng lại, cúi đầu. Phải chăng con người ai cũng có cái chất
“Angulimāla” trước thiên nhiên vạn hữu?
Rửa tay sát khuẩn:
Nhắc
nhở rửa tay, cứ ngỡ như chỉ dành cho những đứa bé lên 3. Ấy vậy mà nó
đã trở thành hiệu lệnh không chỉ ở cấp quốc gia mà còn mang tính toàn
cầu.
Tại sao phải rửa tay? Vì tay
bẩn, vì sợ dính Covid19. Con người kinh tởm bạn đến thế sao? Vì cảnh
giác cao, nói đến bạn là người ta vội đi sát khuẩn, tức là phải sát...
bạn. Giá như con người cảnh giác từ thưở... cháo rắn, lẩu dơi, hải sản
hay ngồi vào phòng thí nghiệm thì câu chuyện đã khác. Nhưng tuyệt đại đa
số con người sẽ la toán lên tôi không ăn cháo rắn, lẩu dơi, hải sản,
không ngồi phòng thí nghiệm sao bà Covid19 hãm hại đời tôi thế này?
Bạn hãy trả lời cho con người đi Covid19. Bàn tay không chạm tô cháo rắn, lẩu dơi, hải sản nhưng liệu có chạm tê tê, cầy hương, trâu, bò, heo, chó, gà...? Có bồi bổ tấm thân người bằng cao hổ, cao khỉ, cao ngựa, ngà voi, sừng tê giác, vi cá...? Có sử dụng túi xách, mang giày bằng da trâu, da cá sấu, da trăn...? Có mặt ấm, mặc đẹp bằng lông cừu, lông vịt, lông ngỗng... Không ngồi phòng thí nghiệm nhưng liệu có ngồi phòng máy lạnh, xe hơi, máy bay, hay các công xưởng là những “vật chủ” xả “dòng họ covid19” ra môi trường mỗi ngày? Vậy thì bàn tay nào “sạch sẽ” trước thiên nhiên? Ai không là tội đồ của đất mẹ?
Có
phải con người tạo ra ô nhiễm nhưng luôn tự hào với bàn tay sạch? Gặp
nhau, con người luôn bắt tay, biểu thị hành động “đoàn kết” và chào nhau
với mỹ từ “thân ái”, nhưng trong bàn tay ấy có Covid19 hay không, lời
nói kia phun ra có Covid19 không thì chỉ bạn mới biết. Có một phụ nữ bị
cáo buộc là kẻ tội lỗi. Rất đông người đã đến xử tội người phụ nữ này
bằng cách ném đá. Đức Giêsu đã lên tiếng: "Ai trong các ông với bàn tay
sạch thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi."
Chiếc Khẩu trang:
Tôi
hình dung chiếc khẩu trang được sử dụng để bịt mũi, miệng nhằm bảo vệ
người đeo khỏi bị hít thở khói, bụi, mùi hôi... Những người nấu ăn thì
mang khẩu trang để tránh nói chuyện khiến nước bọt, nước miếng đi vào
thức ăn. Những người làm trong môi trường y tế, hoá chất thì mới mang
khẩu trang phòng ngừa các loại vi khuẩn, dịch bệnh.
Đành rằng, chiếc khẩu trang giúp ngăn ngừa, bảo vệ mũi khi hít thở, nhưng tên của nó là “khẩu trang” cơ mà. Mục đích chính của nó là trang bị cho cái miệng. Cái miệng ăn uống, nói năng, khạc nhổ, phun vãi nhiều quá, mà toàn là những chất phải đưa người khác đi cách ly, đi bệnh viện. Có phải chiếc khẩu trang nhắc con người hãy tiết độ trong ăn uống, cẩn thận khi phát ngôn, hay quí giá hơn là sống nếp sống im lặng. Con người oa oa từ chiếc nôi rồi oan oan lúc trưởng thành, cho đến nấc nấc lúc sắp vô quan tài. Con người nói cả đời, chưa hề biết im lặng.
Tiếp xúc phải cách xa 2 mét:
Bạn Covid-19 hỡi!
Nghịch
lý quá phải không. Ai đời, trong tình người, tiếp xúc cách xa ta là
thương ta. Kẻ gần ta dưới 2 mét là kẻ xấu của ta. Bạn bẩn, độc hay con
người bẩn, độc mà để đối xử nhau đến mức thế? Uhm, thì bạn độc, bạn bẩn,
bạn cố tình chui vào miệng, vào mũi con người. Nhưng đó là trường hợp
đầu tiên bạn núp trong bát phở rắn, nồi lẩu dơi. Sau đó thì con người cứ
phun vào nhau để bạn có mặt toàn cầu. Cái “môi trường kia” “tốt” thế
nào mà bạn sinh sôi nảy nở giỏi đến vậy?
Giờ
thì, cái bắt tay đã trở thành nỗi sợ hãi, mở miệng nói phải bịt khẩu
trang, gặp nhau phải đứng cách xa 2 mét thì đây là thời văn minh gì? Đâu
là biểu tượng niềm tin giữa con người với con người lúc này.
Sự
hiện hữu của Covid-19, con người gọi đây là biến cố, là tê liệt kinh
tế, là đại dịch toàn cầu, là khủng hoảng nhân loại hay gì gì đi nữa thì
thông điệp bạn gửi đến nhân loại có phải là:
1/ Hãy quay về:
Hãy
quay về an trú với chính căn nhà của mình. Hãy đốt lên bếp lò làm ấm
hạnh phúc gia đình; đừng la cà ăn chơi, sa vào những thú vui nơi thanh
lâu tửu điếm. Đừng tụ tập nơi chốn đông người, dễ “kết duyên” với
Covid19 lắm. Hãy thay đổi thói quen “đông mới vui”. Đằng sau cái “Đông -
Vui” ấy là Đui - Vong. (Đui là mù, vong là mất).
An
thân chưa đủ, phải an tâm nữa. Hãy quay về căn nhà tự tánh, soi chiếu,
dọn dẹp “ổ dịch” bên trong. Hãy sát khuẩn tự tâm cho thanh tịnh.
2/ Hãy rửa tay:
Sống
với bàn tay sạch - hành động đẹp - biết làm thiện, sống biết ơn, biết
kính trọng thiên nhiên, con người và vạn loại chúng sinh.
3/ Chiếc khẩu trang:
Hãy tiết độ trong ăn uống, cẩn thận khi nói năng; nếu có thể hãy thực tập nếp sống của bậc thánh: sống tĩnh lặng.
4/ Sống biết dừng.
Dừng
di chuyển với tấm thân này, với mọi phương tiện giao thông chưa đủ,
phải dừng “trí tuệ tàn phá thiên nhiên”, dừng “phát minh khoa học hủy
diệt”, dừng “thành tựu kinh tế hưởng thụ”.
5/ Ai cũng có sứ mạng
Covid-19.
Bạn thật nhỏ. Nhỏ lắm. Mắt thường không thấy được. Nhưng bạn biến hoá
khôn lường. Trong cái vô hình bạn đã điều khiển tất thảy hữu hình. Tiếc
thay, do bị sinh ra từ tâm thức tam độc (tham, sân, si) nên bạn trở
thành đứa nghịch tử. Nếu được sinh ra từ Bốn tâm vô lượng (từ, bi, hỷ,
xả) bạn chắc chắn sẽ được tôn vinh là thiên tử, thánh nhân.
Dù
thế nào thì ai xuất hiện trên đời cũng đều có sứ mạng nhất định. Bạn
đến đây để nhận tiếng đời trách oán, nhưng cũng không ít người lên tiếng
minh oan.
6/ Sống chung an lạc:
“Trái
đất này là của chúng mình” phải được hiểu rằng trái đất này là của
trời, người, cầm thú, chim muông, sông, biển, núi, rừng, cỏ, cây, hoa,
lá, chất rắn, chất lỏng, chất nóng, chất khí; tất thảy các loài hữu
tình, vô tình, hữu hình, vô hình, các loài được sinh bằng bào thai, bằng
trứng, bằng sự biến hoá và sinh nơi ẩm thấp... Con người chỉ là một
trong vô số sự sống. Trong thiên nhiên không có chức vụ “kẻ thống trị
thế giới” mà chỉ có hoà đồng, sống chung an lạc.
7/ Thiên nhiên tự hài hoà.
Bạn
không xuất hiện nhưng bạn khiến thế giới biểu hiện. Bạn vô hình nhưng
bạn tác động lên thế giới hữu hình một cách mãnh liệt trên cả hai bình
diện sinh và diệt. Trong nỗi lo bệnh và chết của con người thì có mầm
hồi sinh của thiên nhiên vạn hữu. Đây là sự cân bằng hài hoà ngoạn mục,
tái cấu trúc sự sống muôn loài.
8/ Cuộc mong manh.
Kiếp
người mong manh, mong manh như chính sự sống của Covid-19. Bơi trong
không khí, bạn sống được 3 tiếng, bám trên kim loại đồng 4 tiếng, bìa
carton 24 tiếng, nhựa và thép không rỉ 3 ngày, trên bề mặt vật dụng gia
đình 9 ngày.
Con người bám trên
trái đất này được tính bằng chục năm, trăm năm nhưng một khi Covid19 gọi
tên thì mạng sống không hơn Covid-19 lắm.
9/ Một trong tất cả.
Hơi
thở của một người bên Dương Tử giang lại có thể tác động đến hơn bảy tỷ
người trên thế giới. Như vậy để thấy một niệm khởi lên đều tương tác
đến cả nhân loại. Thế nên, hãy luôn khởi niệm thiện lành cho thế giới
này tươi đẹp.
Chào thân mến!
Thích Trí Chơn
01/04/2020
phatgiao.org.vn
No comments:
Post a Comment