Wednesday, April 15, 2020

Lão Già - Paul Bằng



Sao Lão dại thế, một mình lủi thủi dưới trời mưa, lê những bước chân mệt nhọc nặng nề của ông cụ 84 tuổi giữa cô quanh. Lão không sợ nguy hiểm, không sợ trơn trượt, không sợ té ngã, không sợ bị “Viêm Phổi vì Lạnh” à. Lão có ý thức được Lão chỉ còn 1 lá phổi thôi đó. Một cơn gió độc sẽ đánh gục Lão bất cứ lúc nào không hay. Sao Lão liều mạng thế? Sao Lão lại khờ dại mà ra đây để làm gì? Sao không nằm trong phòng kia với chăn ấm nệm êm.

Chắc khi quyết định nhấc chân lên, lê bước trên con đường trơn trượt, nguy hiểm và cô độc này, tâm trí và con tim của Lão thổn thức lắm phải không? Trong tâm trí Lão chắc hẳn đang vang vọng những suy tư của một người mục tử lo lắng cho đàn chiên của mình phải không? Lão cũng khôn đấy, khi biết chạy đến cậy dựa vào Đấng mà Lão biết là có quyền năng trổi vượt hơn Lão. Chỉ có Đấng ấy mới có đủ sức mạnh và quyền năng để dẹp yên cái chồng chềnh mà nhân loại đang phải hứng chịu và con Virut nhỏ bé nhưng hung hăng. Nhưng có lẽ Lão cũng liều quá đấy, khi Đấng ấy đang ngủ say mà Lão dám chạy đến làm phiền. Chắc Lão tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Đấng ấy, tin tưởng vào tình yêu và sự bao dung của Đấng ấy lắm mới dám liều như vậy đúng không?

Tối hôm qua, khi chứng kiến Lão một mình trong cô vắng, bước lên cái khán đài kia, tui cũng ngồi chắm chú lo lo lắng lắng, trầm tư, hồi hộp lắm Lão biết không. Nhưng tui cũng thật sự khâm phục tấm lòng của Lão. Đặc biệt trong bài chia sẻ, Lão đã làm cho tui bừng tỉnh để nhận ra lí do mà Lão xuất hiện ở đây.

- Lão đến đây để đánh thức Chúa: CHÚA ƠI, XIN CHÚA THỨC DẬY, CHÚNG CON SẮP CHỊU KHÔNG NỔI. CON THUYỀN CHÚNG CON SẮP CHÌM RỒI.


- Lão đến đây để thắp lên hy vọng và đoàn kết: “Giữa cơn giông bão, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta, mời chúng ta tỉnh thức và khơi dậy tình đoàn kết và hy vọng để mang lại ổn định, nâng đỡ trong lúc này, khi mọi sự tưởng như bị sụp đổ.” Trong khi chúng ta đang ở trong vùng biển sóng gió, sợ hãi và lạc lối, Chúa thức dậy “để thức tỉnh và khơi dậy đức tin Phục Sinh của chúng ta.”

- Lão đến đây để mời gọi con dân của Lão “Chúng ta tiếp tục con đường của mình, không bị xáo trộn, nghĩ rằng mình lành mạnh trong một thế giới bệnh hoạn. Bây giờ chúng ta ở trong biển động, chúng ta kêu nài: “Lạy Chúa, xin Chúa thức dậy!”

- Lão đến đây để làm cho con người bừng tỉnh sau giấc mộng ngàn năm: Cơn bão vạch trần sự bấp bênh của con người và cho thấy các an toàn giả tạo và phù phiếm mà mỗi người chúng ta xây các dự án và thói quen của mình. Phải chăng Lão đã đúng khi nói “nhờ cơn bão này, các tô điểm của các khuôn mẫu bị rơi xuống, nó cho thấy không ai có thể tự đủ cho mình.Tín hữu kitô cần Chúa, vì một mình, họ đắm tàu.

- Lão chỉ cho chúng ta dâu là neo đậu, đâu là bến đỗ, đâu là buồng lái của cuộc đời: Với Chúa, chúng ta có neo: nhờ thập giá của Ngài, chúng ta được cứu rỗi. Chúng ta có guồng lái: nhờ thập giá của Ngài, chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một hy vọng: nhờ thập giá của Ngài, chúng ta được sửa mình, được ôm ấp để không có gì, không có ai tách chúng ta ra khỏi tình yêu cứu chuộc của Ngài.”

- Lão cũng nhắc nhớ cho chúng ta về sự hiện diện của những diễn viên vô hình mà chúng ta đang mang ơn họ, những người thường bị lãng quên nhưng lại nâng đỡ cuộc sống hàng ngày của cộng đoàn: “Bác sĩ, y tá, nhân viên bán hàng, nhân viên bảo vệ, người chăm sóc tại gia, người vận chuyển, lực lượng an ninh, tình nguyện viên, linh mục, nữ tu và rất nhiều người khác.” Những diễn viên này không ở trang Nhất các báo, cũng không xuất hiện trong các màn trình diễn thời trang mới nhất. Vậy mà, “ngày hôm nay họ đang viết các sự kiện quyết định cho lịch sử chúng ta.” Theo Lão, họ hiểu “không ai có thể tự mình cứu mình.”

- Lão cũng cho chúng ta trân trọng hơn “Có bao nhiêu người cha, người mẹ, người ông, người bà, các cô thầy giáo, bằng những cử chỉ đơn giản hàng ngày, đã biết đối diện, vượt qua cơn khủng hoảng, thích ứng với thói quen làm thế nào để đối phó và vượt qua khủng hoảng bằng cách điều chỉnh thói quen, ngước mắt nhìn lên và khuyến khích cầu nguyện. Có biết bao nhiêu người cầu nguyện, dâng hiến để cho tất cả mọi người được bình an!”

- Lão tập tễnh chạy đến bên mẹ với tất cả niềm hi vọng: “Từ nơi nói lên đức tin vững chắc như đá tảng này của Thánh Phêrô, chiều nay tôi muốn phó dâng tất cả anh chị em cho Chúa, qua lời cầu bàu của Đức Mẹ, phần rỗi của dân Mẹ, là sao biển trong cơn bão, xin các Đấng che chở Rôma và toàn thế giới, xin tuôn xuống trên chúng con như vòng ôm an ủi, như phép lành của Chúa”.

- Rồi vội vã chạy đến bên Con của Mẹ với trọn sự phó thác: “Lạy Chúa, xin ban phép lành cho thế giới, ban sức khỏe cho cơ thể và an ủi tâm hồn chúng con. Chúa xin chúng con đừng sợ. Nhưng đức tin chúng con yếu đuối và chúng con sợ hãi. Nhưng xin Chúa đừng để chúng con bị cơn bão cuốn đi. Xin Chúa tiếp tục nói: ‘Các con đừng sợ’. Và cùng với Thánh Phêrô, chúng con dâng lên Chúa nỗi lo âu của chúng con, vì Chúa chăm sóc chúng con.”
Chắc Lão mệt lắm phải không???? Nhưng cái mệt đó chẳng thấm vào đâu khi Lão nhìn về cả nhân loại đang ngước mắt hướng nhìn về Lão với tất cả niềm hi vọng và cậy trông. Lão biết Lão đang mang một sứ mạng lịch sử để cứu nguy cho cả nhân loại.

Và cuối cùng, cả nhân loại vui sướng khi Lão thực hiện một hành động cao cả là ôm lấy tất cả ân sủng của Thiên Chúa qua Thánh Thể để ném xuống nhân loại đang ngụp lặn, đang chồng chềnh, đang quằn quại trong chết chóc đau thương để ươm mầm cho bao hi vọng.

Có lẽ đây là giây phút đẹp nhất mà tui đã được chiêm ngưỡng trong cuộc đời mình. Giây phút làm cho tui hồi hộp, miên man, và rồi vỡ òa trong sự thăng hoa của cảm xúc, giây phút khó tả nhất cuộc đời tui. Giây phút tui cảm thấy được sự đỡ nâng thực sự của Thiên Chúa trong nhân loại. Lão có biết, khi chiêm ngưỡng giây phút Lão nâng hào quang lên là lúc tui bật khóc trong niềm hi vọng tột cùng không.

Cám ơn Lão đã dẫn tui đi trọn vẹn cảm xúc của thân phận con người, cảm ơn Lão đã gieo vào tâm trí tui một niềm hi vọng vô bờ. Đặc biệt cám ơn Lão đã “Liều Mạng đánh thức giấc ngủ của Chúa” để chúng tôi được bình an.

LÃO LIỀU THẬT ĐẤY NHƯNG CŨNG CAN ĐẢM THẬT ĐẤY
TUI XIN NGÃ MŨ KÍNH PHỤC VÀ TẠ ƠN.

Paul Bằng, SVD

No comments:

Post a Comment