Hai ông bà già nương nhau mà sống trong mùa đại dịch.( www. abcnews.go.com )
Đầu Tháng Giêng 2020, cơn đại dịch
Coronavirus bắt đầu được thế giới biết đến từ thành phố Vũ Hán xa xôi
bên Tầu, tin tức qua mạng khiến mọi người kinh hoàng. Số người chết tăng
đến mức độ khủng khiếp và Vũ Hán trở thành "thành phố Ma", vắng lặng,
hoang vu đến rợn người.
Tại Hoa Kỳ, mãi đến khi mức độ lây nhiễm Coronavirus gia tăng một cách kinh khủng, Tổng Thống Trump mới tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ. Tôi đang mang trong người căn bệnh hiếm, Primary Pulmonary Hypertension, mũi lúc nào cũng phải mang ống thở Oxygen nên các em và các bạn gọi điện thoại tới tấp nhắc nhở tôi phải tuyệt đối tự cách ly, các con cũng “ra lệnh” mẹ phải ở yên trong nhà vì mẹ là miếng mồi ngon của con virus. Mẹ gặp Cô Vy là ... mẹ tiêu!
Khi Bắc Cali bắt đầu khoanh vùng và có
lệnh cách ly từng quận hạt thì ông xã tôi cũng “shelter- in- place”
luôn, không sang nhà con để chơi với các cháu nữa.
Chúng tôi hoạch định chương trình cho những ngày cấm cung. Trước hết phải giữ gìn sức khỏe, giữ tâm hồn thảnh thơi, ăn uống lành mạnh để tăng sức đề kháng. Hai ông bà già mỗi sáng ra vườn dọn dẹp, cắt tỉa hoa lá rồi làm vài động tác thể thao và tập thở. Tuy không gặp mặt, nhưng các con cháu vẫn thăm hỏi hàng ngày. Qua “Facetime” được nhìn con cháu cũng đỡ nhớ. Có hôm các cháu nội ríu rít khoe đang dọn bữa điểm tâm cho cả nhà, các cháu ngoại thì mời ông bà cùng đi "virtual picnic" trên ngọn đồi sau nhà với cha mẹ chúng.
Tuần lễ đầu tiên, chúng tôi bắt đầu thu dọn nhà để xe, tìm ra mấy thùng ảnh ngày xưa, thế là bao nhiêu kỷ niệm cũ ùa về, hai vợ chồng già ngồi phân loại những hình ảnh của các con, các cháu ra ba hộp cho ba gia đình rồi sẽ giao cho chúng nó giữ làm kỷ niệm.
Đầu Tháng Năm, đang là giữa muà Xuân,
cỏ cây reo vui dưới nắng, các loại hoa bắt đầu khoe sắc đem sức sống
tươi vui đến cho muôn loài. Nằm ngoài vườn, nhìn lên bầu trời xanh trên
cao ngẫm nghĩ về nạn đại dịch. Suy nghĩ mông lung tôi cảm tưởng như có
một mục đích tâm linh đằng sau những sự việc đang xẩy ra. Phải chăng có
một thông điệp sâu sắc nào đó của Thượng Đế muốn cảnh tỉnh loài người?
Con vi khuẩn nhỏ bé này đang làm đảo
điên cả thế giới, nó len lỏi vào các ngõ ngách bất kể rào cản, nó tấn
công tất cả mọi người không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt giai
cấp sang trọng hay cùng đinh. Nó bất kể chủng tộc, văn hoá, tôn giáo.
Mọi người đều bình đẳng! Và nó có thể thăm viếng bất cứ ai!
Con virus này thật khủng khiếp, nó cô lập cả thế giới, mọi quốc gia đã lập nên những rào cản. Mọi người tự động xa cách nhau, những người thân yêu cũng chỉ nhìn nhau từ xa mà chẳng dám đến gần. Thượng Đế gửi con siêu vi này đến để chia rẽ con người hay khiến con người nghĩ lại để thương yêu, đùm bọc nhau hơn? Rõ ràng là không được gặp mới thấy nhớ, có mất đi mới thấy quý chứ bình thường thì người ta không biết trân trọng những gì mình đang có. Cứ thế, tôi miên man suy nghĩ, hay phải chăng đây là sự trừng phạt của Thượng Đế vì con người đã liên miên tàn phá trái đất làm đau lòng Mẹ Thiên Nhiên, nào là sa thải những chất độc hại, rác rến làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm biển khơi, nào là phá rừng, phá núi bừa bãi... Thêm nữa con người gần như muốn đoạt hết quyền năng của tạo hoá, vượt cả quyền hạn của hoá công. Ngày nay gần như cái gì nhân loại cũng làm được, ngay cả khả năng sáng tạo ra con người, biến đổi gene di truyền của tất cả các chủng loại, hay định đoạt ngày sinh, ngày tử...
Sau nạn dịch này thế giới sẽ đi về đâu? Biến đổi trở nên đốt đẹp hơn hay ngày tận thế đã gần kề vì vô phương cứu chữa? Tất cả sẽ bị xóa đi để mọi sự sẽ khởi đầu với những con người Nhân Chi Sơ Tính Bản Thiện!
Càng suy ngẫm tôi càng thấy thấm thía
và có những lúc tôi ngồi nhìn lại mình và cố gắng tìm ra những bài học
cho chính bản thân và gia đình. Trước nạn dịch này, trong hoàn cảnh cách
ly của mình tôi phải làm gì!
Một buổi chiều sau khi thăm vườn tôi thấy những cây tía tô, kinh giới mọc lên từ những hột năm trước theo gió bay đi lung tung nay đã cao gần bằng ngón tay út, tôi lấy một thùng plastic thật to dùng để dọn nhà khi trước, nhờ ông chồng tôi đục mấy lỗ dưới đáy để thoát nước, đổ đầy một thùng đất mới, đi gom nhặt mấy cây rau thơm, kinh giới, tía tô con mọc rải rác bên cạnh những gốc cây lớn để cấy sang chậu mới này. Sau khi vào nhà rửa tay nghỉ ngơi thì tôi chợt lên cơn sốt, người nóng hầm hập nhưng vẫn cảm thấy lạnh run và môi miệng thì khô đắng. Gọi cho cháu út kế bên, cháu ở liền vách với chúng tôi trong một căn “duplex”, hai nhà hoàn toàn riêng biệt chỉ chung mảnh vườn sau. Cháu nói mẹ lấy Tylenol uống và uống thật nhiều nước. Cháu chạy sang nhà anh nó, lấy nhiệt kế về để bố đo thân nhiệt cho mẹ. Dù cảm giác nóng hừng hực nhưng thân nhiệt chưa quá 100 độ F nên cháu nói mẹ cứ nghỉ ngơi, không cần phải đi nhà thương, rồi cháu chạy đi mua nước cam, yaourt, trái cây tươi như táo, nho, lê, lau chùi cẩn thận để ở chiếc bàn ở vườn sau, xong xuôi mới gọi điện cho bố biết để ra đem cất vào tủ lạnh.
Hàng năm, cứ mỗi khi hoa nở rộ là tôi hay bị allergy, có khi ngắc ngư cả tháng mới hết ho hắng, mệt mỏi, uể oải. Năm nay tôi chắc cũng vậy thôi nên dù đang dịch bệnh tôi không nghĩ là có thể nhiễm con vi khuẩn Covid-19 vì tôi đã cẩn thận cách ly rất kỹ. Các con cháu tôi còn lo giữ kỹ hơn, ngay cháu ở sát bên cạnh cũng không hề bước sang nhà mẹ. Đúng dịp này cô bạn thân VD gọi điện thoại để nói chuyện chơi. Nghe tôi kể, VD hốt hoảng nói nhà có lá xông thì đun nước xông ngay đi, ông xã của VD cũng đang bị như vậy vì tuần trước ông có đi chợ Costco. Tôi chắc VD lo tôi bị nhiễm Covid-19 nên mới cuống lên như thế. Nghe VD nhắc, nhà tôi ra vườn hái đủ các thứ lá, chanh, bưởi, quất, xả, rosemary, một bịch tía tô trong tủ lạnh cũng bỏ vào nồi luôn. Như chợt nhớ ra, VD gọi nhắc tiếp cho thêm gừng và nhỏ vào nồi vài giọt dầu nóng.
Không biết làm sao MC biết tôi sắp xông cũng gọi tới nhắc nếu nhà có sẵn hồi nấu phở thì cho thêm khoảng chục cánh hồi vào. Tôi nằm đắp chăn rên hừ hừ trong khi nhà tôi lo đun nồi lá xông, ông cũng lục trong tủ tìm được một nắm hồi cho tuốt vào nồi luôn. Tội nghiệp ông chồng tôi, chả bao giờ đụng tới bếp mà quýnh lên cũng nấu được cho vợ một nồi lá xông thơm phức.
Ông bưng nồi nước xông ra để ngay giữa phòng khách rồi dìu tôi để tôi ngồi ngay trước nồi nước xông còn đang đậy nắp, đưa tôi lọ dầu Bảo Tâm An rồi lấy tấm chăn dạ trùm kín người tôi. Mở hé nắp nồi từ từ, tôi nhỏ mấy giọt dầu, hơi nóng xông lên và tôi hít vào thật sâu, luồng khí nóng xuyên qua mũi đi vào buồng phổi rồi lan ra khắp châu thân. Mồ hôi nhỏ từng giọt ướt hết quần áo. Tôi cứ ngồi hít thở như thế cho đến khi hơi nóng nguội dần rồi quấn cả chăn đứng lên, vào nhà tắm lấy khăn mặt thấm nước ấm lau mình cho khô rồi thay quần áo đi ngủ.
Ngủ yên được vài tiếng, tôi thức dậy, cảm thấy trong người như khỏe khoắn hơn nhưng vòng quanh thắt lưng thấy nhói đau, từ hai bên hông trở xuống đau rêm và hai chân dường như không có sức. Ăn qua loa, ngồi nghỉ một lúc, tiện còn nồi nước lá xông nhà tôi đun sôi lại, tôi xông thêm lần nữa rồi vào giường. Thằng Út gọi sang nhắc mẹ uống một ly nước cam, ăn một hũ yaourt rồi hãy đi ngủ.
Từ mấy năm nay vợ chồng tôi ngủ hai phòng riêng vì nhà tôi đi ngủ sớm, tôi thường thức khuya. Tôi thích đọc sách trước khi ngủ còn nhà tôi lại không thể ngủ được khi có một chút ánh sáng nên thôi thì đành “Không gì quý hơn độc lập tự do!”. Đôi ta chung mái nhưng không chung phòng. Thật là khỏe re! Nhưng nay vì tôi bịnh nên nhà tôi nhất định ôm gối qua nằm chung vì sợ rằng ban đêm lỡ có chuyện gì tôi gọi mà ông không biết.
Thiu thiu một lát tôi thấy người khô ran, bụng óc ách muốn đi nhà vệ sinh, tôi quơ tay lấy cây đèn pin để ở đầu giường rồi lần mò vào nhà tắm. Cũng may nhà tắm ở sát bên. Thế là như vòi chẩy, tôi bị té re, vừa tiêu vừa tiểu. Lần mò về giường tôi uống hết gần nửa chai nước một lúc vì trong người quá háo. Nhìn sang bên cạnh nhà tôi nằm ngủ bình yên, chắc cả ngày lo lắng nên ông mệt. Cứ thế, độ mỗi một giờ tôi phải dậy một lần để vào nhà tắm rồi uống nước, rồi lại vào nhà tắm cho đến sáu giờ sáng tôi mới ngủ thiếp đi một giấc dài hơn hai tiếng. Thức dậy thấy ông chồng nằm bên cạnh đã tỉnh ngủ nhưng còn nằm nướng đang nhìn tôi. Người khô queo, miệng đắng nghét. Nhà tôi bưng vào một ly sữa nóng, tôi uống mà tỉnh cả người, có thể cả đêm mất nước nhiều và bụng cũng cảm thấy đói.
Ăn sáng xong tôi nằm ngay ở sô pha ngoài phòng khách xem TV, nồi lá xông còn tốt nên tôi đã xông thêm lần nữa, sau khi xông xong người khỏe khoắn hơn nhưng toàn thân vẫn còn đau nhức. Riêng vùng quanh thắt lưng đau rêm và hai cẳng chân thì đau buốt. Nhà tôi ngồi bên xoa bóp hai cẳng chân và thỉnh thoảng đấm lưng cho tôi. Tôi chập chờn nửa ngủ nửa thức, có những lúc tôi cũng ngủ thiếp đi. Qua buổi trưa tôi lại lên cơn sốt, người nóng hừng hực nhưng vẫn có cảm giác lạnh buốt ở bên trong. Cứ như thế mấy ngày liền cứ chiều là lên cơn sốt và cứ sốt thì uống một viên Tylenol 650 mg và mỗi ngày uống gần hết một bình nước cam.
Sau khoảng một tuần lễ như thế, tôi mất sức rất nhiều nên tối hôm đó sau khi xông, tôi ngủ được một mạch ngon lành từ 8 giờ tối đến 8 giờ sáng. Nhờ vậy mới đỡ mệt. Sáng dậy, tôi đã ra đi dạo trong vườn và ngồi phơi nắng. Vào nhà tôi lục tủ lạnh lấy ra bịch xương bò, một vỉ thịt bò và sắp xếp hầm một nồi phở to để giành ăn mấy ngày cho lại sức. Tưởng đã êm, không ngờ giữa đêm hôm ấy tôi bị một cơn lạnh thật khủng khiếp, người run bần bật, răng đánh lập cập. Chưa bao giờ tôi lạnh đến như thế: “ Bố ơi...bố ơi... mẹ lạnh quá.... mẹ lạnh quá”. Nhà tôi vùng dậy lục tủ tìm mấy túi hạt chườm để ra hâm bằng lò vi sóng. Tôi gần như nghẹt thở, há mồm thở dồn dập mà như không có khí vào phổi, tiếng vi vu như tiếng huýt sáo và những tiếng khò khè phát từ trong cơ thể. Người tôi co rúm lại vì lạnh. Phúc chí tâm linh làm sao tôi hét lên. “Maý sấy tóc, máy sấy tóc.” May là máy sấy tóc tôi để ngay đầu giường vì tôi thường tắm buổi tối trước khi đi ngủ nên phải sấy tóc cho thật khô cho đỉnh đầu khỏi lạnh. Nhà tôi chụp ngay máy sấy tóc, bật độ nóng nhất, thổi hơi nóng từ đầu đến chân, người tôi ấm dần lên, phổi như hoạt động lại, nhà tôi lấy máy đo oxygen, máy chỉ số 54! Trời ơi!! Tôi cố hít vào thật sâu, con số nhích lên từ từ…60, 68, 70…Nhà tôi ra bếp lấy hai muỗng rượu gừng mà chúng tôi lúc nào cũng có sẵn mấy lọ trong nhà, nâng đầu tôi dậy cho tôi uống luôn một hơi, trong người ấm hẳn lên và độ oxygen đã lên 88! Như phản xạ, tôi niệm Phật: “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát, Nam Mô cứu khổ, cứu nạn, Quan Thế Âm Bồ Tát”. Nhà tôi lấy dầu nóng xoa bóp khắp người, xoa cả hai gan bàn chân. Nhờ thế tôi chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau, nhà tôi nắm lấy tay tôi nói qua làn nước mắt “Mình làm tôi sợ quá, đừng bỏ tôi, đừng bỏ tôi...”. Nhớ lại cảnh ông già hơn tám chục tuổi chạy quýnh quáng trong đêm lo cho vợ, tôi thật thương. Mọi việc chỉ chậm lại khoảng năm phút thôi là tôi đã theo ông bà rồi. Khi nhìn độ Oxygen xuống tới số 54 tôi đã nghĩ thôi rồi, đã đến lúc tôi phải ra đi! Lúc đó toàn thân tôi đã như đông cứng nhưng lại như có sự nhộn nhạo ở bên trong. Miệng tôi há thật to, cố gắng thở nhưng dường như phổi đã đình công. Thở ra mà không hít vào, máu không có dưỡng khí đem đi khắp châu thân, nếu độ oxygen xuống nữa tôi sẽ đi vào hôn mê, có thể tôi không bao giờ dậy nữa! May làm sao tôi nhớ ra cái máy sấy tóc, hơi nóng đã nhanh chóng khiến cơ thể tôi phục hồi. Tôi thật sự hoang mang, chả lẽ mình bị Cô Vy chiếu cố? Làm sao tôi bị nhiễm Cô Vy được, tôi có ra khỏi nhà đâu! Mấy tháng nay đúng là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ngay cả khi con đi chợ cho mẹ cũng không dám vào nhà, tháo hết giấy gói bỏ vào thùng rác rồi lấy giấy clorox lau chùi mọi thứ thật kỹ để ngoài garage hay ngoài vườn, 24 tiếng sau mới cho mẹ cất các thứ vào tủ. Các cháu nhớ ông bà thì bố mẹ chúng nó cũng chỉ chở sang nhà ông bà nhưng bắt ngồi yên trên xe không được xuống, chỉ hạ kính cửa xe, vẫy tay nói chuyện qua cửa sổ xe rồi lại đi. Hôm sinh nhật ông thì cả ba nhà đem bánh, đem quà đứng ngoài vỉa hè, mang khẩu trang đàng hoàng. Chúng nó còn cẩn thận để riêng cho ông bà một chiếc bánh nhỏ rồi mới cắt chia mỗi người một miếng trong chiếc bánh thứ hai, bắt ông bà ở trong nhà, khoảng cách nguyên cái nhà xe, chúng nó đứng ngoài đường hát chúc ông, ăn bánh xong là đi!
Không dám tin, nhưng mà căn bịnh của tôi nghe…từa tựa, quen quen. Sốt, rét, khó thở, mình mẩy ê ẩm, và… tào tháo đuổi. Thảo nào mấy tháng qua chợ nào cũng bị thiên hạ đua nhau vét sạch hết cả nước lọc và toilet paper! Biết đâu chừng bịnh này do con Virus Vũ Hán truyền vào. Thật là hiểm ác. May nhờ Trời Phật thương tình, may nhờ bạn bè nhắc nhở, may nhờ ông xã tận tình, và cũng chắc là may nhờ cái “duyên” của tôi đối với chương trình Viết Về Nước Mỹ vẫn còn (tôi chỉ vừa mới bắt đầu viết), cho nên tôi đã vượt thoát chuyện thập tử nhất sinh trong đường tơ kẽ tóc.
Cũng chính vì thế, tối hôm qua khi thấy trong người khỏe khoắn hơn nhiều sau gần hai tuần chống chọi với bịnh tật, tôi liền ngồi xuống đặt bút viết một hơi, viết lại câu chuyện thật lần thứ hai “sém chút nữa tiêu tùng” của tôi để chia sẻ với quý bạn đọc những kinh nghiệm tôi đã trải qua và cách thức tôi chống chọi Cô Vy như thế nào ngõ hầu có thể giúp ích được cho ai đó nếu gặp phải hoàn cảnh tương tự.
Nhìn qua khung cửa sổ, mặt trăng gần như tròn xoe, trăng 13 còn đang e ấp khẽ mỉm cười. Năm nay nhuận hai Tháng Tư ta, còn hai ngày nữa là rằm. Không dám thức khuya, tôi thu xếp tắt máy vi tính, vào phòng, ngồi trong bóng tối thở thật đều và đặt lưng xuống giường thở tiếp một lúc thì chìm sâu vào giấc ngủ.
Sáng nay, sau một giấc ngủ dài yên bình, không mộng mị, tôi vươn vai làm vài động tác nhẹ, cảm giác thật thoải mái chứ không trì trệ, nhức mỏi như mấy hôm trước. Nhìn đồng hồ mới hơn 6 giờ sáng, không khí còn hơi nóng, người rịn mồ hôi cho tôi cảm giác như không khí Sài Gòn ngày trước. Nhìn sang bên cạnh, ông chồng già đang say ngủ. Tôi rón rén ra phòng khách, kéo màn, mở cửa sổ, trời đã rạng sáng, tôi ngồi khoanh chân tập thở. Cảm tạ Trời Phật, cảm tạ tổ tiên, ông bà nội ngoại hai bên đã phù hộ, đã giữ gìn tôi ở lại cõi đời này thêm một thời gian nữa.
Suốt hai tuần lễ vừa qua, trong nhiều đêm tôi đã có những cơn mơ lạ kỳ, có đêm tôi miệt mài trong computer, cả một trang đầy hình ảnh cỏ cây hoa lá trong vườn, tôi say sưa ngồi phân loại từng loài hoa, chia ra thành những video nhỏ rồi upload vào youtube. Có video toàn hoa quỳnh, có video đủ loại hồng hoặc toàn những giàn hoa leo... Cảm giác mệt nhoài nhưng rất thích thú vì nỗi đam mê. Sáng ra vào computer chả thấy dấu vết gì, hoá ra là... mơ. Một đêm tôi mơ như đang đi lạc vào giữa một đám người nhỏ bé đen đúa, họ như vây quanh níu kéo tôi, bỗng nhiên có một người đàn bà mặc áo dài tơ mầu vàng óng đẩy dạt mọi người ra, kéo tôi chạy thoát khỏi đám đông đó... và rồi có một đêm tôi đã như xem một cuốn phim của suốt cả cuộc đời, từ ngày anh em tôi di cư vào nam cùng bà nội, bố mẹ và cậu Thắng. Có những lúc hình ảnh thoáng qua thật nhanh, tôi với LP và VD trong sân trường tiểu học Chợ Quán, bố mẹ, anh chị em, bạn thuở Trưng Vương... Tiếp theo là những ngày sau 75 ào ạt hiện về và rồi cuối cùng tôi thấy tôi ngồi trên chiếc thuyền con một mình bơ vơ giữa đại dương bao la trong đêm tối đen mịt mùng. Lạnh quá, tôi choàng tỉnh.
Ban ngày khi xem tin tức qua internet, mặc những lao xao, những chống đối chửi bới nhau giữa những người không cùng chính kiến, mặc những lời nói thô bỉ, bẩn thỉu đến tột cùng thốt ra từ những người tôi tưởng là có học và hiểu biết, chả ai thuyết phục được ai vì ai cũng khư khư cho mình là đúng, tôi chỉ biết thở dài ngao ngán. Riêng tôi thì nhìn vào những điểm tốt đẹp, lạc quan do nạn dịch đưa đến mà vui sống. Gia đình chúng tôi gắn bó nhau hơn, các chị em tôi vài tuần lại Zoom meeting một lần. Ba gia đình ba đứa con tôi gần gũi, yêu thương nhau hơn bao giờ. Không đến nhà nhau nhưng vẫn gặp mặt nhau hàng ngày trên text, trên facetime. Từng gia đình nhỏ đã có những bữa ăn sáng, ăn tối chung một lúc chứ không mạnh ai về lúc nào ngồi ăn lúc đó như khi trước. Ngày nào cũng như có tiệc, nhà này khoe nhà kia hôm nay ăn món gì và bầy ra những món như lẩu, sushi, bò nướng vỉ , bò nhúng giấm hay gỏi cuốn, bì cuốn... hai bà mẹ trẻ chỉ sửa soạn, sắp sẵn các thứ để trên bàn rồi mọi người tự làm lấy, cả nhà quây quần thưởng thức. Sáu đứa cháu nội ngoại sau những giờ học online lại ríu rít cười đùa với nhau. Hạnh phúc là đây!
Nhiều người lo sợ nước Mỹ sẽ tan hoang vì những biến cố xẩy đến chập chùng, hết chuyện này đến chuyện khác. Người chống Trump, kẻ cuồng Trump, cả trăm ngàn người đã mất đi cuộc sống để lại bao thương tiếc, đau khổ cho người thân... Nhưng theo tôi, tôi vẫn tin rằng mọi việc rồi cũng sẽ qua đi. Nước Mỹ sẽ lại tươi đẹp và vẫn là miền đất hứa, là thiên đàng đáng sống mà chúng ta đã may mắn được đến đây.
Nước Mỹ luôn Vĩ Đại như Tiến sĩ Mai Thanh Truyết đã viết:
“Qua kinh nghiệm sống trong việc
phòng chống China Virus trong những ngày “tự nguyện cô lập”, người viết
thấy rất rõ là Nước Mỹ Vĩ Đại, vĩ đại không phải vì có một chánh quyền
mạnh, tài nguyên dồi dào, thiên nhiên ưu đãi…mà chính vì dân trí người
dân Hoa Kỳ với tâm lành, lương thiện, biết đoàn kết và chấp nhận hy sinh
trước một vấn nạn chung của Đất và Nước.
Từ hình ảnh những túi thực phẩm hiện diện khắp các nẻo đường do bà con tự nguyện đóng góp và phân phối.
Từ những khẩu trang may vá đơn sơ
được hàng trăm hàng ngàn bàn tay của người lao động hảo tâm may cắt nhằm
hỗ trợ cho Bác sĩ, Y tá ngày đêm chiến đấu với cơn dịch không quản ngại
tấm thân.
Làm sao mà quên được tinh thần tương trợ của người dân Hoa Kỳ trong sự đoàn kết chống China virus.
Tất cả những sự vĩ đại đó nằm trong
tâm hồn của hơn 325 triệu dân gồm đủ mọi sắc tộc đến từ khắp nơi trên
quả địa cầu hình thành ra một Hiệp Chủng Quốc và cùng hội tụ trên mảnh
đất màu mỡ của đất nước Hoa Kỳ nầy.
Chì có ở Hoa Kỳ, và chỉ có ở Hoa Kỳ chúng ta mới thấy được những hình ảnh thân thương và cảm động trên!
Đó mới thực sự là VĨ ĐẠI.
Xin cám ơn Đất, Nước, và người dân Mỹ đã cưu mang những người con Việt trên bước đường tha hương vì quốc nạn CSBV.”
Câu chuyện này đến hôm nay, Thứ Bẩy
ngày Rằm tháng Tư nhuận, năm Canh Tý (6/6/2020) tôi mới hoàn tất. Viết
xong tôi cảm thấy rất nhẹ lòng. Nhìn ngoài trời nắng đã lên cao, nắng
rất đẹp, nắng đem lại niềm vui và hy vọng cho tôi, cho mọi người trên
nước Mỹ và trên toàn thế giới. Nguyện cầu cho nhân loại được bình an
thoát khỏi hẳn cơn đại dịch….
Tôi đến bên bàn thờ, niệm Phật xong thì thỉnh ba tiếng chuông
Boong... boong... boong
Nhắc nhở tôi... buông, buông, buông
Tôi đã hít vào thật sâu và thở ra thật nhẹ nhàng.
6/6/2020
Đỗ Dung
vietbao.com
Mừng chị Đỗ Dung thoát khỏi Covid 19.
ReplyDeleteCám ơn chị Đỗ Dung bài viết thiết thực để ngưòi đọc biết thêm cách chống đỡ Cô Vi hữu hiệu
Kính chúc đại gia đình của anh chị luôn an bình hạnh phúc ạ.
Hồng Thúy
Đ D - Có chắc là Covid19 không? Nghe triệu chứng thì như thế nhưng bạn ở nhà không.thì con cô vy từ đâu đến? 1 tí thắc mắc và tò mò thôi. Không có ý gì cả.
ReplyDelete