Saturday, April 2, 2022

Sông Seine Đôi Dòng - Trần Thị Diệu Tâm



Mới sáng hôm nay thôi, khi mở máy ra, tôi thấy một cái điện thư có tên người gửi lạ hoắc không quen biết.  

"Xin chào chị. Chị có phải ngày xưa ở Huế không ? Chị có phải là người tôi từng quen biết ? Chị có phải đã từng học lớp hè Pháp văn ở trường Providence ?" 

Người chi mà lạ, chưa xưng tên xưng tuổi mà hỏi tới tấp như vậy, viết trả lời: "Xin cho biết quý danh". -" Tôi là Doan đây chị, Doan ở xóm Phú Cam đó".Tôi lặng đi một lúc, không vội trả lời. Đứng dậy uống một tách trà nóng pha mật ong. Tách trà thơm mùi mật ngọt đem thêm chút tỉnh táo. Sợ mình đọc sai chữ, tôi tháo chiếc kính lão ra, lấy khăn giấy lau chùi sách sẽ, rồi mang lại vào. "Dạ, đúng." Người bên kia như chờ đợi câu trả lời như vậy, kêu lên "Trời ơi !".

"Trời với đất mà chi nữa, hiện chừ anh ở nơi mô trên trái đất này?" 

 "Thì mình đang ở Pháp, từ ngày xa Huế". 

Tới phiên tôi kêu trời ơi trong bụng, nhìn lại địa chỉ của Doan, có ghi " fr" ở cuối hàng. Ông này nói đúng, chỉ lo tuổi già lẩm cẩm ở nơi kia mà tưởng nơi này.  

Sau khi biết chắc chắn đó là sự thực đang xảy ra, chắc chắn là người bạn cũ ngày xưa liên lạc được với mình, tôi hỏi số điện thoại ngay, qua cuộc điện đàm, Doan kể lại cuộc sống xa nhà kể từ ngày ấy, năm ấy, rồi lẩn thẩn tự hỏi sống cùng một xứ sở mà cả hai không hề thấy nhau, gặp nhau trong chừng ấy năm nửa thế kỷ, kể cũng lạ. Tôi cười đùa "Ông Trời không cho gặp thì không gặp, thắc mắc chi".

Những ngày mùa hè năm ấy, ở Huế... 

Tôi xin học một lớp hè thêm Pháp văn miễn phí tại trường Thiên Hựu (Providence). Ngôi trường này thuộc dòng tu Công Giáo do các linh mục người Pháp cai quản. Mùa hè là mùa rong chơi, nhưng không có phương tiện đi xa khỏi thành phố, có dịp học thêm sinh ngữ không tốn tiền, tôi rất mừng. Nhớ buổi học đầu tiên, cả lớp đang chờ đợi vị thầy linh mục áo đen vào lớp. Nhưng người vào dạy là một thanh niên Việt trẻ trung. 

Thầy tự giới thiệu mình là sinh viên ban văn chương Pháp ở đại học văn khoa, nay cha hiệu trưởng cho phép mở lớp hướng dẫn khóa hè, "Anh chị đừng kêu tôi là Thầy chi cả". Có nam sinh nghịch ngợm chọc phá vậy kêu bằng chi? - "Kêu tui là anh Doan là được rồi, các anh chị ở đây đều lớn cả" . 

Tôi nghĩ bụng người dạy phải gọi là thầy, nhưng vì trẻ thì gọi là anh thầy. Tôi không dám nói ra. Anh thầy có vẻ nghiêm túc, ăn mặc tề chỉnh, nói năng từ tốn, thỉnh thoảng nói vài câu tiếng Pháp, nên cả lớp hơi khớp, im lặng nghe giảng. 

Ngồi ngay bàn đầu, dễ bị chú ý nên tôi lo ghi bài chăm chú cẩn thận trên cuốn vở 100 pages có hình ông cyclo đạp. Lại thêm xanh đỏ vào các phần bài quan trọng. Có lần anh thầy đưa vở của tôi cho cả lớp thấy và khen giỏi. Tôi nhớ ông Thầy già dạy Pháp văn ở trường, trời lạnh thầy luôn mặc hai quần, ống quần pijama bên trong lộ ra ngoài. Đó là thân phụ của một nhà văn nổi tiếng xứ Huế.  

Một hôm tôi đến học sớm, ở nhà nóng, không khí ở trường Thiên Hựu mát mẻ vắng lặng rất dễ chịu, thỉnh thoảng thấy bóng vài linh mục áo đen cầm sách đọc ở phía xa. Đang xem lại bài vở tuần trước, cảm thấy ai đó phía sau, e một ông cha nào đến trách mắng mình, chưa đến giờ học mà vô sớm làm chi. 

Nhưng đó là anh thầy Doan, hỏi - "Tịnh học trường nào?" - "Dạ, trường Đồng Khánh". - "Vậy à, tui học ở đây suốt thời trung học, kỷ luật nghiêm khắc lắm. Học Đồng Khánh chắc vui". Anh thầy nói hơi nhiều hỏi chuyện này chuyện nọ, như muốn làm quen, tôi hỏi ấm ớ - "Nhà thầy ở gần đây không?" - "Tui ở gần nhà thờ Phủ Cam". 

Vô lớp, đầu óc tôi có phần lẫn thẩn vì mấy câu nói vẩn vơ ở ngoài hành lang vừa rồi. Tuần sau có buổi học, tôi đến sớm theo thói quen, và anh thầy Doan cũng vậy. Nhưng cả hai không nói chi nhiều, đám ve ve trên hàng cây Đoát đua nhau inh ỏi xướng ca nhức óc phá rối. 

Hết buổi học, anh hỏi tôi khát nước không qua uống nước ở phòng bên, tôi lắc đầu. Ra khỏi trường, anh cố ý đi cùng. "Mình mời Tịnh về nhà uống nước cam cho mát nghe". Tôi không trả lời nhưng nghe theo. Đi qua khỏi cầu lên dốc Phủ Cam, tôi cho biết "Nhà Tịnh ở phía An Cựu". Tôi nghe thấy Doan xưng là "mình" trong câu nói mà hơi e ngại. Có chút thay đổi thân mật nào đó. 

Đứng trước một ngôi nhà bề thế rộng lớn có bờ tường cao bao quanh, đó là nhà anh thầy, tôi hơi ngỡ ngàng và khựng lại, một gia đình giàu có, cảm thấy mình như một con bé lọ lem. Tôi nói "Tịnh biết nhà rồi, thôi để lần khác" - "Sao không vô chơi một chút ?" Tôi cười lắc đầu và đi về nhà mình. 

Có lẽ anh ngạc nhiên vì cử chỉ bất ngờ của tôi, không biết có nhìn theo không. Các buổi học tiếp theo, tôi vẫn đến sớm, nhưng anh thì không. Trong lớp, anh thầy không chú ý tôi như trước kia nữa, tôi biết mình không có vị trí nào trong thế giới của Doan. 

Mấy tháng hè qua đi, hết khóa học. Doan hỏi tôi "Năm học này Tịnh lên Đệ Nhị phải không, có chi cần hỏi Pháp văn cứ đến hỏi mình". Nghe vậy chứ tôi nào dám cả gan một mình đến ngôi biệt thự xa lạ đó. 

Lớp đệ nhị phải thi Tú Tài 1, tôi lo bù đầu học, bài nào cũng học thuộc lòng. Mấy cô bạn gái xinh đẹp có người dạm hỏi và sẽ làm đám cưới, bỏ học đi làm vợ khỏi lo thi cử. Mỗi lần từ Đồng Khánh về nhà, ngang qua trường Thiên Hựu, tôi nhớ.

Nhớ cả đám ve ve vang vang trong không gian ấy, mặc dù ở đâu trong thành phố này mùa hè mà chẳng có ve kêu. Âm thanh đó giờ đây không làm nhức óc nữa, ve sầu. Không biết hè năm tới anh ấy có mở lớp hè như vậy nữa không.


Nhưng năm tới còn rất xa, có biết bao nhiêu là đổi thay. Huế đang chập chờn giữa những thế lực giằng co chính trị, hoan hô đấu tranh đả đảo chính quyền. Người dân Huế chao đảo như đang ngồi trên con thuyền bị sóng lớn, không biết xuôi ngược về đâu. 

Ra khỏi cổng trường Đồng Khánh, tôi vội đi nhanh về nhà vì thấy trời âm u báo hiệu một cơn mưa. Bên lề đường có dáng một người đàn ông đứng bên cạnh chiếc xe Velo-solex như chờ ai.

Đi gần thì đúng là Doan, có lẽ anh đang hẹn hò chờ đợi một người đẹp nào ở đây chăng, do đó tôi muốn tránh, chờ bớt xe cộ qua lại để băng qua phía bên kia đường. Doan chạy tới kéo tay áo tôi nói nhanh "Tịnh ơi, mình chờ lâu lắm, sao ra trễ vậy ? ” Tôi ngập ngừng - "Dạ, cô nhờ ở lại làm sổ điểm cuối tháng, tưởng anh Doan đến chờ ai." 

"Chờ Tịnh chứ chờ ai nữa!" 

Cuộc gặp gỡ bất ngờ quá không kịp cho tôi cảm động hay bồi hồi. "Lâu rồi không gặp anh". Doan nói nhà mới mua cho chiếc xe này, thôi lên xe mình chở về nhà. Tôi leo lên ngồi yên sau như cái máy không chút do dự. Đừng làm bộ từ chối yểu điệu kiểu cách nữa tôi ơi, hãy sống thực với lòng mình. 

Đi ngang qua Chaffanjon, trời đổ mưa, Doan dừng xe nói mình ghé vô đứng núp mưa. Bánh croissant mới ra lò nóng thơm phức mùi bơ, Anh mua hai cái, đưa cho tôi một, nói ăn đi chờ mưa tạnh, Doan ăn ngon lành, tôi cũng ăn ngon lành, vừa ăn vừa nhìn mưa cho đỡ ngượng.

Chiếc bánh ngon chi lạ, bên trong có mấy lát lạp xường mỏng béo ngậy. Có lẽ đây là chiếc bánh ngon nhất trong đời. Tôi gan dạ, không e dè chi cả, cố bỏ bớt cái tự ti của mình trước người thanh niên này. 

Có lẽ mình cũng có điều gì đó đặc biệt nên chàng mới chú ý, mới chịu khó đem xe đến đón mình ở trường chứ. Tôi không còn là một cô gái tầm thường như tự nghĩ lâu nay.  

Trong khi đó Doan chăm chú nhìn tôi "Mình thấy Tịnh lúc này người lớn hơn trước, mới nửa năm không gặp mà thay đổi nhiều, may chiều nay gặp được Tịnh." Anh nói tôi thay đổi nhiều, có lẽ là thấy tôi xinh đẹp hơn chăng. Mưa bớt rơi, tạnh dần, tôi chỉ mong mưa thật lớn mưa thật to, để còn đứng chờ lâu bên nhau.

Khách bắt đầu vào mua bánh nhiều, Doan hơi ngại nên chở tôi về. Anh nói lúc này có xe, tha hồ cùng đi chơi đó đây. Tôi trả lời "Tịnh chỉ thích lên chùa". Doan cho biết gia đình mình thuộc gốc đạo Dòng, ít lui tới cảnh chùa, nhưng nếu Tịnh thích thì đi cho vui, dạo này Huế xảy ra nhiều chuyện quá, không biết ra sao.


Những lần cùng lên chùa, đôi khi cùng ở lại ăn cơm chay. Doan hỏi tôi có sinh hoạt chi với các sinh viên học sinh Phật Tử không, tôi lắc đầu vì không mấy bạn bè, chỉ hạn chế lớp học bài vở. Gia đình tôi ai nấy đều thích học. "Tịnh sống trong một ốc đảo riêng tư, thích ở nhà đọc truyện và viết nhật ký, Tịnh có một cuốn vở rất dày mấy trăm trang, bìa bằng gỗ cứng rất đẹp, quà tặng của một người quen". Doan cười cười hỏi "Ai mà sành tâm lý vậy?" Tôi thấy mình hơi dại, không hỏi mà khai ra, nhưng vì thực lòng. Anh bỏ qua không hỏi tiếp, tôi thấy anh tế nhị lịch sự.  

Khung cảnh ngôi chùa nhỏ trên sườn đồi như làm tăng thêm sự êm đềm ấm áp cho cả hai. Tôi đứng nhón gót vít một nhánh cây đào tiên khá cao, định hái một quả, nhưng anh ngăn lại "phải xin phép không nên hái trộm, trái còn non hái làm chi". 

Bỗng nhiên hàng nút áo dài tôi bung ra, vô tình mở một phần thịt da. Tôi gài lại hàng khuy, chợt thấy anh nhìn mình ngẩn ngơ. Doan nói "thôi mình đi về". Trên con đường đưa tôi về nhà, anh im lặng không nói năng chi. Một nhúm lửa vừa nhen lên, chưa kịp cháy đỏ, đã tắt ngúm. 

Dạo này các cuộc biểu tình của sinh viên học sinh Phật tử tranh đấu diễn ra nhiều nơi, rần rần rộ rộ. Gặp Doan, tôi hỏi về Ông Cậu NĐC, nhưng anh tránh né. Tôi lại hỏi anh có biết và thấy mặt bà cố vấn NĐN không. lần này anh cho biết "Bà rất đẹp, ăn nói sắc sảo, cư xử rất văn minh, rất Tây, nhưng không thích hợp với phong cách gia đình của Huế xưa. Mỗi dịp tết trong đó mới về chúc tết Cụ Cố".

Anh cũng dặn tôi đừng nói cho ai nghe. Doan kín đáo, ít nói chuyện về gia đình. Tôi không biết anh có liên hệ thế nào với gia tộc uy quyền đó. Có một lần anh tâm sự gia đình muốn anh sau này đi tu trở thành linh mục, nhưng anh chưa có "ơn kêu gọi". Họ không muốn anh giao tiếp với bạn gái nhiều, nhất là với người không cùng đạo.  

Lúc đó tôi rất ngạc nhiên về chuyện gia đình Doan muốn anh hướng tới mục đích linh mục. Một thanh niên trẻ tuổi có đầy đủ phẩm chất để thành đạt với đời sống, sao lại phải trốn tránh, đi tu là ẩn náu. 

Tôi nói suy nghĩ đó, anh trả lời ngay: "Đi tu là giúp đời, đưa đạo vào đời, chứ không ẩn náu, nhưng có khi cũng là phương tiện đưa đến quyền lực". Nghe thì nghe vậy, chứ tôi chẳng dám thắc mắc chi thêm. Cảnh sống của anh, gia tộc của anh là một thế giới khác với tôi.

Một buổi chiều nghỉ học, trên con đường ngang qua cánh đồng An Cựu thơm mùi lúa chín, tôi gặp Doan. Tôi tưởng anh muốn đến thăm tôi, nhưng anh cho biết muốn ghé vô nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế một chút. 

Tôi theo Doan vào. Anh làm dấu thánh giá quỳ xuống, đầu cúi xuống, có vẻ lo lắng căng thẳng, trái với bản tính điềm tĩnh. Tôi đứng bên, sợ quỳ đau đầu gối. Nhưng tôi biết cầu xin thánh, thần, ơn trên phù hộ cho gia đình, nhất là cho Doan. Cầu nguyện xong anh đứng dậy đi ra, Doan cầm lấy tay tôi rất chặt, nói nhỏ: 

-"Có thể anh sẽ vô Sàigòn vài ngày nữa, trong đó đang lo giấy tờ cho anh đi qua Pháp học nội trú trong một chủng viện. Anh chưa định nói cho Tịnh biết, sợ Tịnh buồn" 

 - "Anh nên lo mọi chuyện trước cho yên tâm". 

Hai bàn tay nắm lấy nhau mà sao cảm thấy lạnh ngắt, không ấm, không nồng nàn như tôi từng vẽ vời trong trí tưởng một ngày nào trước đây. Nếu hai chúng tôi ở trong một cảnh trí thơ mộng khác, có lẽ chúng tôi sẽ ôm nhau, và hôn nhau. Tôi đã từng ao ước biết bao nụ hôn đầu với anh, nhưng nụ hôn ấy chưa xảy ra, không xảy ra bây giờ, sẽ không bao giờ xảy ra nữa. 

Tôi muốn ra khỏi nhà thờ, để có một cử chỉ ấu yếm nhẹ nhàng với anh trước khi xa nhau. Nhưng anh thực tế và chín chắn hơn tôi, lấy sổ tay ghi chú địa chỉ tôi cẩn thận, nói vô trong đó sẽ viết thư cho Tịnh biết ngay. Và rồi anh phóng xe đi đâu gấp, không còn chở tôi về nhà như mọi lần gặp nhau. 

Vừa buồn vừa cảm thấy tủi thân. Chàng chẳng lãng mạn chút nào. Chàng được giáo dục trong ngôi nhà kín cổng kia, sáng tối đọc kinh, quỳ chai gối, chàng biết chi đâu hương thơm dịu dàng của tình ái. Có lẽ Chúa xuống thế làm người chưa nếm mật ngọt yêu đương hạ giới, chưa biết hôn người phụ nữ nào. Vì thế, làm sao tín đồ dám ca tụng ngợi khen cảm xúc của tình yêu thân xác. 

Nếu chàng hôn tôi lần đầu tiên và lần cuối, tôi hãnh diện sung sướng biết bao, tôi về nhà viết đầy những trang nhật ký diễn tả cái cảm xúc huyền diệu đó. Chàng có đi xa đâu nữa, tôi cũng còn kỷ niệm mà tưởng nhớ, mà thương yêu. 

Trở về, tôi chỉ muốn khóc một mình đâu đó trong góc vườn. Chàng học văn chương Pháp, biết bao lời thơ ca ngợi tình yêu trong các trang sách, chàng thuộc lòng biết bao vần thơ tình diễm lệ, sao không hề nói cho tôi đôi lời. Vì sao, hay anh sợ mình chịu trách nhiệm, chịu ràng buộc, chịu hệ lụy vì một chút tình cảm tuổi trẻ, vì một nụ môi hôn. Tôi không khóc, nước mắt không chảy mà lòng sao mênh mang buồn. 

Từ đó không có tin tức thư từ chi của Doan gửi về. Một dấu chấm hết, xuống dòng sang trang. 

Rồi mùa thu năm đó, một buổi sáng sớm, 1/11/1963, đài phát thanh từ Sàigòn đưa tin cuộc đảo chánh thành công, hai vị Anh Em lãnh đạo nền Đệ Nhất VNCH đã "tự sát". Huế ngập trong bầu trời hoảng loạn, vừa hoan hô nồng nhiệt vừa thù hận ngút trời. 

Sinh viên Huế như được cởi trói xiềng xích, tụ tập hát ca đàn xướng nhảy đầm xập xình tận sáng trong các khuôn viên đại học. Từ lâu Huế là vùng đất con người sống mà u uất, trầm mình trong dòng sông tù đọng tuồng như không bao giờ muốn chảy ra biển cả, chờ cơ hội là nổi lên dâng trào sóng cuộn hàng hàng lớp lớp cho thỏa chí 

Huế phải là nơi phất ngọn cờ đầu đấu tranh lịch sử cho cả nước, mặc kệ tả tơi. Huế là miếng mồi ngon cho lợi ích chính trị, sau khi miếng mồi được chia năm xẻ bảy, Huế xơ xác tàn tạ bị vất bỏ. 

Tôi đậu xong Tú Tài toàn phần, tìm cách rời Huế, một thành phố ở thì ghét, mà đi thì thương.

Thời gian trôi qua, năm này tháng nọ. Thỉnh thoảng nhớ lại ngày tháng cũ thời học sinh, bóng dáng Doan hiện ra, tôi cho rằng có lẽ anh thầy nay đã trở thành một tu sĩ linh mục, biết đâu sẽ trở về nước phục vụ trong một xứ đạo nào đó, tình cờ gặp nhau: Tôi sẽ cúi mình kính cẩn thưa cha xưng con lễ phép. Chuyện coi bộ giống như tiểu thuyết cổ điển. Tưởng tượng thôi, có thể ông linh mục được sai đi phục vụ ở miền đất Sudan Phi Châu và đã chết bên ấy vì bệnh tật. 

Quá vãng nửa đời người, trong một không gian bé nhỏ của màn hình máy điện toán, tôi gặp lại anh. Doan cho biết sau khi qua Pháp, hai năm ở nội trú trong một dòng tu, Doan xin ra khỏi, đi học lại phân khoa khác ở Sorbonne, rồi có vợ đầm tên Kathy bạn hồi sinh viên ở đó. Doan dạy ở một đại học, nay về hưu. 

Qua cuộc điện đàm, tôi nói anh may mắn không có mặt trong thảm kịch chính trị một tháng mười một. Nhưng anh cho rằng mình là kẻ vô phước, muốn làm người con hiếu thảo, nhưng lại là đứa con bất hiếu, vì không được chia xẻ những đớn đau bất hạnh đó, lại bỏ cuộc tu hành nửa chừng, thôi mọi chuyện qua lâu rồi, mọi người liên hệ đều đã nằm xuống. 

Người còn sống là kẻ hứng chịu nhiều đau khổ hơn cả. Anh lưu trữ rất nhiều báo chí sách vở trình bày thời gian lịch sử đó, họ bình luận rồi họ phê phán. Sự thật như thế nào, ai mà hiểu được.

Sự thật của người này không là của người kia, cái đúng của người này lại là cái sai của người khác, mọi chuyện tương đối thôi Tịnh à. Chuyện chi đã xảy ra thì phải xảy ra thôi, có khi người ta không thể làm khác đi được. Nên suy nghĩ như vậy kẻo rồi sống mà đau lòng lắm. 

Mấy lần điện thoại, hầu như lúc nào anh cũng ngồi sẵn đó để nhấc máy trả lời háo hức ân cần. Anh nói mình thèm nói tiếng Việt, thèm nói tiếng Huế, thèm ăn món Huế, nói chung thèm đủ thứ về Huế. Rồi kết luận "Anh rất mong gặp em"! 

Hình như người đàn ông này muốn sống lại những tháng năm dài vắng mặt trên quê hương, muốn về miền đất cũ trong tâm tưởng, tìm lại tuổi trẻ bị đánh mất. Quá khứ của anh, ký ức của anh, kỷ niệm của anh, còn ai nữa đâu, ngoài tôi, Tịnh ngày xưa. Anh giờ đây muốn nhóm lên ánh lửa mà xưa kia anh cố thổi tắt.  

Tôi giờ đây không còn là cô nữ sinh mộng mơ và lãng mạn. Chín vàng tháng năm, vết hằn của thời gian đậm nét trên khuôn mặt trên khóe mắt. Lòng tôi phủ nham thạch. 

Anh ấy vẫn luôn gửi điện thư, mời tôi về thăm nhà anh, tôi ậm ừ không nhận lời. Anh lại nói muốn lên gặp tôi tại Paris, tôi cũng lảng tránh. Những thư anh gửi xem xong tôi xóa bỏ, không lưu trữ làm chi thêm nặng lòng chiếc máy cũ.

Nơi cư ngụ của anh ấy nằm phía tây bắc của nước Pháp, gần một chi nhánh hạ nguồn sông Seine chảy qua, trước khi đổ ra biển Manche. Tôi ở phía đông bắc, bên bờ sông Seine. 

Dòng sông nào rồi cũng xuôi về biển cả, như cuộc đời người sẽ xuôi về miền lặng thinh, đừng gây chi cho sóng động dòng sông hiền hòa.

 

Paris, mùa thu 2020

Trần Thị Diệu Tâm

No comments:

Post a Comment