Thursday, September 1, 2022

Nàng Xuân Đến Thăm Tù - Trích Hồi Ký Thép Đen – Đặng Chí Bình

 

Tôi mới uống được lưng chiếc ly nứa con, thì tiếng kẻng đã rống lên rồi. Cũng tiếng kẻng ấy, mọi khi tôi ghét cay, ghét đắng, nhưng hôm nay nghe nó thánh thót, ngân nga có lúc như tiếng sáo diều trưa hè ở quê xưa. Bởi vì hôm nay nó tử tế; lịch sự hiền ngoan lắm; nó trang trọng mời bà con xuống bếp lấy cơm Xuân, để đón đêm trừ tịch.

Không khí cả buồng, cả trại sôi ồn lên như giữa buổi chợ phiên. Chúng tôi, chả ai cần nói, cũng đều tạm dẹp chuyện nước nôi, đến tối hãy hay. Bây giờ phải đi lo cái chuyện quan trọng, chuyện lớn, nó liên quan đến cái hạnh phúc hay buồn khổ của đời người.

Ra đến ngoài sân, nườm nượp những người. Ai cũng rảo bước chạy, như một dòng nước chảy xuôi về phía nhà bếp. Ngày thường 2 người trực mâm, một người chia cơm, một người chia canh. Nhưng hôm nay vì tình thế quá căng thẳng, nên mâm nào cũng đều phải tăng cường thêm 2 người nữa là 4. Chỉ mươi phút sau, dòng nước lại chảy ngược từ nhà bếp túa ra về các ngả.

Những ngày thế này thật là một cái nạn với một số đông người, nhất là tôi lúc này, một người mới tới trại. Hàng ngày chỉ cần 2 cái để đựng, một cái lấy cơm và một cái lấy canh hoặc muối, là đủ rồi. Hôm nay, trời đất ơi, những năm món, tôi bấn xúc xích cả lên! Lấy cái gì để đựng bây giờ đây, hỡi cuộc đời? Làm sao mà mượn được ai trong này! Những món mà mới chỉ nhắc đến tên thôi là nước miếng đã rỉ ra rồi:

1. Thịt lợn kho – 1 soong cho cả toán

2. Rau cải bắp trắng xào mỡ – mỗi mâm một soong

3. Khoai tây hầm xương lợn – mỗi mâm một soong

4. Lòng lợn xào chou-fleur – mỗi mâm một soong

5. Hành nén chua – mỗi mâm một soong

Tôi chỉ có một cái rổ con để lấy cơm. Còn có mỗi cái đĩa, thế mà những năm thứ, làm sao đây? Người ta gọi nhau í ới, râm ran cả sân lên. Dáng ai cũng tớn tác khẩn trương. Nhóm này gọi “anh Bình ơi, đặt bát lấy khoai tây”, nhóm kia gọi “anh Bình ơi, đặt bát lấy cải xào”.

Tôi hiểu rằng, phải có đủ bát thì họ mới chia lẹ được. Bởi vì, từ mấy ngày trước, trong khi chuyện trò tôi đã biết: những hôm có tươi thế này họ chia chác cẩn thận lắm. Ấy là còn may, soong thịt lợn kho là quan trọng nhất, anh Lân toán trưởng chịu trách nhiệm đã giữ soong thịt để chia sau. Tôi bấn cả người lên ! Chạy ra, chạy vào, nhìn ngược, nhìn xuôi, cuối cùng tôi lật đật tạt vào buồng, lục lấy cái khăn mặt bằng vải áo tù, ở dưới Hỏa Lò đặt đại ra để lấy hành nén. Nhưng đến đây, lại có một khó khăn trở ngại nảy ra: mọi thứ chia đặc biệt này, đều phải gọi tên. Nó đã trở thành một nguyên tắc không ai được quyền thay đổi, kể cả cán bộ hay Ban Giám Thị. Người ta có rổ, hay đĩa sạch sẽ, nên khi gọi tên, ai lấy phải phần tôi đựng bằng giẻ thì làm sao họ bằng lòng?

Cả mâm 10 người nhìn nhau không tìm ra 1 cách giải quyết cho ổn. Bất chợt anh Đồng lên tiếng:

- Nếu tôi lấy phải cái khăn của anh Bình, tôi đồng ý đổi lại với anh.

Thấy vậy, Toàn và cậu Sáng cũng lên tiếng đồng ý như anh Đồng. Nghĩa là, nếu lấy phải cái khăn vải của tôi, họ cũng đồng ý đổi lại với tôi. Thế là bắt đầu chia. Hành nén, một củ thường có 2 hay 3 nhánh. Có nhánh to, nhánh nhỏ, nhánh vừa. Họ tách đều ra, rồi chọn 10 nhánh tương xứng bỏ vào 10 phần. Mười nhánh khác cũng thế. Cuối cùng khi đã chia xong, thì mỗi phần chừng độ 12, 13 nhánh.

Bắt đầu làm thủ tục gọi tên. Anh Đồng quay mặt ra phía hàng rào trại. Anh Yên cầm 1 phần lên, hỏi to:

- Ai?

Anh Đồng vẫn quay lưng, không được ngoái nhìn lại, trả lời:

- Anh Sáng!

Thế là cậu Sáng cầm lấy phần ấy. Anh Yên lại cầm phần khác lên hỏi “Ai” tiếp. Cứ như vậy cho đến phần thứ 9. Còn người cuối cùng không gọi đến tên, thì còn 1 phần là của người đó rồi. Chia xong hành, còn cái soong không, nhiều người muốn đến giành, nhưng anh Đồng và đa số anh em trong mâm đều đồng ý là để cho tôi. Đấy là nhã ý của họ với người mới đến trại, vì còn nhiều người nữa cũng không đủ bát đĩa.

Tôi đành giữ cái soong, rồi đem đĩa đi lấy từng thứ đem về đổ lẫn lộn vô soong. Chợt thấy ồn ào ở phía mâm ăn 18 kg, tôi xách chiếc soong theo, chạy lại. Kinh và Vân đang sừng sộ, chỉ vào mặt nhau. Nghe đâu Kinh múc nước khoai tây hầm chia không đồng đều. Chẳng có thì giờ để nghe rõ câu chuyện, tôi lại phải chạy về mâm để lấy phần.

Đến lần chia cải bắp xào mỡ, cũng phải gọi như vậy. Cho đến khi chia khoai tây hầm xương, lại có vấn đề hơi phức tạp, vì cả soong khoai chỉ có 3 – 4 cái xương, lại cái to, cái nhỏ. Chưa nói, ngay khoai cũng thế, có củ to, củ nhỏ, củ cắt đôi, củ không cắt. Cuối cùng củ nào họ cũng cắt làm đôi, rồi nhìn tương xứng 10 miếng bỏ 10 phần. Khi chia gần hết chỉ còn 2 miếng thì họ cắt mỗi miếng ra 5 phần đều nhau, để bỏ vào 10 suất. Nước gân riêng, đong bằng thìa, còn chừng 3 thìa thì họ đong bằng cho mỗi suất 1 tí cho đủ 10 phần đều nhau. Vài miếng thịt con lẫn trong nước đều được vớt riêng ra. Trong xương còn dính tí thịt nào cũng lấy ra hết, rồi trộn đều. Mỗi phần được ¼ thịt vụn nhừ. Còn 3 cục xương, chúng tôi thỏa thuận quyết định cứ bỏ đại bất kỳ 3 phần nào. May cho ai, người đó trúng số, sẽ hên cả năm. Xong rồi, họ lại tiếp tục cầm từng phần để gọi tên.

Đến chou-fleur xào lòng lợn. Vì một cỗ lòng lợn cho cả trại hơn 300 người, ai cũng hiểu, dù ngăn chận cách nào đi nữa, toán nhà bếp cũng phải chấm mút ít nhiều, vậy thì cỗ lòng còn lại được bao nhiêu? Cho nên 1 soong chỉ còn 4, 5 miếng ruột con con. Tuy vậy khi chia, cũng phải để nước riêng. Chou-fleur cũng phải cắt nhỏ hơn, và mấy miếng ruột cũng phải thái nhỏ thành 10 miếng đều nhau để mỗi suất có một miếng. Gan,phổi thì chẳng thấy đâu, nếu có thắc mắc thì được nhà bếp trả lời, nó lẫn vào toán khác. Cứ toán này lại cho là gan, phổi về toán kia, nhưng thực tế chả có toán nào có cả.

Đến cơm, hôm nay là cơm không độn, cơm trắng, cơm đặc biệt của cả 1 năm mới có. Bởi vậy, lại càng cần được đảo rời, trên dưới đều nhau, không chỗ nào để vừng. Vì ai cũng hiểu, cơm vừng thì nặng cân hơn cơm rời, cơm trên đã bốc hơi nên khô, cân sẽ được nhiều, cơm dưới ấm sẽ nặng cân v.v… Dù như vậy, khi cân xong, vẫn phải một anh quay đi và một anh cầm bát gọi tên.

Đến phần chia thịt mới là trọng tâm của vấn đề, một soong thịt chia cho cả toán. Lúc này các mâm đã chia xong, 5 mâm đưa đến 5 cái soong không.

Anh Lân được 2 người phụ giúp, trước hết gạn riêng nước ra hết, còn thịt được xúc vào 1 cái bát nhôm rồi đem cân như cân cơm ở trên. Cẩn thận, xúc nạc, mỡ tương xứng đều nhau, sau đó là chia nước. Nước cũng phải đảo đều vì váng mỡ nằm bên trên, ai cũng hiểu, từng thìa chia, tản đều nhau cho 5 phần. Năm người đại diện của mâm, lại một người quay đi gọi tên mâm như trên, nghĩa là 1, 4, 3, 5, 2 chẳng hạn. Phải gọi lung tung không được gọi thứ tự, vì người ta nghi ngờ có sự ăn ý; sắp xếp giữa người gọi và người cầm bát hỏi. Bây giờ về đến mâm, không đủ nhiều thịt để cân, bởi vì mỗi suất chỉ độ 3, 4 miếng, vậy miếng mỡ, miếng nạc thì làm sao? Đành phải dùng dao con cắt những miếng mỡ, miếng nạc riêng ra. Trông tương xứng bỏ cho 10 phần đều, càng về cuối càng phải cắt nhỏ.

Nước, nếu có nhiều váng mỡ ở trên thì lấy thìa nhỏ, khẽ múc nước váng đó chia cho đều đủ 10 phần, rồi sau mới múc chia nước phía dưới.

Sau khi làm xong, người chia mới hỏi ý toàn thể anh em trong mâm. Phần nào tương đối hơn, phần nào tương đối ít, hoặc ít ngon v.v… Anh em chỉ, chỏ điều chỉnh. Khi đã thỏa thuận tổng quát lại có 1 anh quay đi, để cho 1 anh hỏi v.v…

Nhìn cảnh chia chác phức tạp như vậy, tôi rất thắc mắc. Đứng cạnh anh Đồng nên tôi mới hỏi ngay anh:

- Này, đã chia tương đối đều rồi, tại sao còn phải gọi nữa, cho phiền? Bát đĩa lại phải trao trả lại? Nghĩa là, anh này lấy phải cái bát của anh kia, thì lại phải đổi trả bát lại. Nhiều khi rất lung tung, lộn xộn. Của anh A lại về anh B, nhưng bát anh B lại về anh H, mà bát anh H lại ở anh A v.v… Cứ tìm bát đổi lại, đã nhiều phiền phức rồi.

Trong khi chờ chia các món, nói chuyện với anh Đông và Quý Cụt tôi đã hiểu thêm nhiều sự việc. Sống cảnh cùng khổ này nó đẻ ra nhiều điều ti tiện, tính toán, lừa lọc vặt vãnh lắm! Trước đây mỗi khi có chất tươi, sau khi chia xong. Thường làm 10 tờ giấy con viết tên 10 người trong mâm, rồi 1 anh gấp lại, xóc đều bỏ vào cạnh mỗi phần một miếng. Bấy giờ cứ việc mở giấy ra, tên ai ở phần nào thì người đó nhận. Nhưng, dần dà đã có sự khôn lanh khi gấp giấy. Người gấp giấy, chỉ cần chú ý một cái giấy tên mình, rồi tìm phần nào có vẻ nhiều, hoặc ngon hơn thì bỏ miếng giấy đó. Hiển nhiên là không ai yên tâm, tin tưởng được. Thậm chí đã có tên lỳ lợm, khi đã chia xong sắp sửa bỏ phiếu, thấy suất nào có vẻ nhiều hay ngon, anh to nhổ đại một bãi nước bọt vào. Như thế sẽ không ai dám lấy phần ấy nữa, vậy là về anh ta.

Tóm lại, trước đây đã xảy ra nhiều chuyện lắm rồi. Cái tâm lý chung của mọi người trong cái cảnh thiếu thốn thương đau này là, mắt nhìn suất của người khác thường cứ thấy nhiều hay ngon hơn của mình. Mà như vậy thì trong lòng buồn lắm, ăn sẽ giảm ngon đi. Làm sao lòng còn được thảnh thơi hoàn toàn để thưởng thức trọn vẹn cái món ăn trọng đại 1 năm dài đăng đẳng mới có này. Thậm chí còn buồn cả đêm, cả 2 ngày Tết, có khi còn kéo dài cả năm, vẫn buồn mỗi khi nhớ đến cái phần ít, không công bằng của mình trong dịp đầu năm. Vì vậy dù chia đã đều rồi, vẫn phải gọi tên, như thế về mặt tâm lý, sẽ bằng lòng, sẽ thỏa đáng. Ngon hay không ngon, nhiều hay ít, đấy là do cái số phận của mình thôi. Có như vậy mới hoàn toàn yên tâm để tận hưởng cái vưu vật, hiếm có của đời tù.

Cũng có nhiều tên cán bộ, cả Giám Thị nữa, vào đứng nhìn cảnh tù chia chác thế này. Họ đều lắc đầu, giở giọng khuyên răn v.v… Họ chỉ khuyên răn, mà họ không thể ra lệnh, vì họ cũng hiểu đây là tiêu chuẩn của người tù được hưởng. Họ chỉ lấy lời khuyên tù không nên chia chác ti tiện như vậy, hơn kém một vài hạt cơm, một tí thịt, thì có sao đâu v.v… Nhưng đều vô hiệu. Những người tù ai cũng vậy, họ đã phải đổ mồ hôi, nước mắt đến tàn lụi xác thân mới được hưởng những thứ này. Nó là sự sống của họ, là thịt là máu của họ. Một hạt cơm là một tí thịt, tí máu của họ để họ sống. Họ chỉ muốn có sự công bằng với nhau, chứ họ không hề chống đối chính quyền, chống đối Ban Giám Thị.

Cuối cùng, những tên cán bộ ấy và những tên Giám Thị nọ, vẫn không thể hiểu được cái bé nhỏ ẩn tàng trong lòng người tù, đã bị đói khổ nhiều năm, tháng. Bất kể một ai, dù cho danh giá như là một Tổng Thống, một nhà bác học, một nhà hiền triết hay một ông triệu phú, nếu phải ở vào cảnh này, thì họ cũng sẽ như vậy. Chỉ trừ họ không phải là người, chứ đã là người thì cũng chỉ là một sinh vật nên phải cần sống đã. Trong đám tù cùng khổ ở đây, cũng có nhiều người trước đây, đầy hào hoa phong nhã. Đã một thời, đã từng coi miếng ăn là sự tầm thường, hèn hạ của con người như Phan Thanh Vân, bác sĩ Hiệp, hay như ông Hinh mù tư sản đài các, thanh lịch của Hà Nội v.v…

Sau khi chia cơm nước xong, bóng chiều đã ngập ngừng dâng lên. Từng mảng tối thẫm với nhiều hình thù kỳ dị đang từ những bìa rừng lẩn thẩn bò ra, che mờ dần cảnh vật. Trên chỏm những ngọn núi xa xa, còn rơi rớt chút ánh vàng loãng nhợt. Một đàn vạc trắng giăng hàng như một cánh cung, đang mải miết bay về phương Bắc. Một con chim rừng phía sau trại, thỉnh thoảng cất giọng đều đều “bắt cô trói cột” mà sau này, những tên cán bộ phụ trách dân công chiến trường miền Bắc, đã đặt trẹo đi là “khó khăn khắc phục”. Nhưng lúc này, tôi lại cứ nghe ra là nó hót “chết ai cũng mặc”. Một nỗi mênh mông khắc khoải, luồn dần vào giọng hót của con chim, cùng với đêm trừ tịch giữa rừng hoang, đang ùa về đè nặng hồn tôi. Không gian, núi rừng đã ngã mầu xám sậm. Vài chiếc lá nứa vàng khô rời cành lắc lư, chao đảo đìu hiu trong buổi chiều muộn để về lòng đất ẩm.

Tôi thấy sân vắng, thưa hẳn người ra. Trong hội trường cũng chỉ còn lác đác dăm ba người mà ngay cả những tiếng ồn ào, râm ran cũng đã lắng dần vào yên lặng. Hơi ngạc nhiên, như mọi bữa, sau khi chia cơm, canh xong lúc ăn uống cũng còn ầm ĩ chán.

Một tay cầm rá cơm, tay ôm cái soong thức ăn lẫn lộn, tôi cũng đi vào buồng. Tôi cứ tưởng chỉ có mình tôi mới có ý định riêng là sẽ không vội vàng gì cả, chờ cho cán bộ điểm xong đâu đấy, bấy giờ mới thong thả thưởng thức cái của ngon vật lạ này trên cái cõi đời tù. Thế mà khi vào buồng, sàn trên, sàn dưới, hầu như mỗi người đều đã ở chỗ của mình. Họ ngồi yên lặng, nét mặt nghiêm trang, thỉnh thoảng họ cúi gầm đầu xuống những món ăn, nét mặt thành khẩn, ngoan ngoãn như ngồi trước một bậc trưởng thượng rất mực tôn kính. Chỉ có một vài người, chắc không thể chịu đựng được, lấy tay nhón một vài miếng nhỏ, bỏ vào miệng để nhấm nháp trước, chứ họ cũng đều muốn chờ điểm xong đã như tôi.

Ngay anh chàng Vân ở bên cạnh cũng đang ngồi thừ người ra nhìn đám thức ăn, đang để tênh hênh ra trước mặt. Chẳng biết Vân đang nghĩ gì, nhưng tôi hiểu anh không muốn nói chuyện lúc này. Tôi xin được tôn trọng và trong lòng tôi cũng muốn được yên lặng. trong những giờ phút thiêng liêng này như anh.

Hôm nay tên cán bộ ngồi ở trên chòi gác ở cổng trại, chẳng hiểu vì tâm hồn y cũng đang vơi đầy với đêm cuối năm giữa rừng sâu hoang lạnh, để tâm hồn thẩn thờ, để mắt đăm chiêu rọi tìm vào cõi xa xăm đen tối những hình dáng thân nhân, ruột thịt, hay y có lệnh hôm nay gõ kẻng điểm muộn, nên mãi y cũng chẳng chịu gõ để anh em tù phải chờ?

Mãi rồi tiếng kẻng cũng réo vang lên trong cái tịch mịch của núi ngàn. Sau khi điểm xong, cửa đóng, then cài khóa kỹ.. Hơi ồn ào một chút lúc đầu vì những tiếng rít của điếu cầy và vì ai cũng vào nhà cầu để đẩy ra hết những cái nước thừa cho nhẹ lòng.

Ánh sáng của chiếc đèn bão treo lủng lẳng giữa nhà, càng làm cho căn buồng thêm mờ ảo, mông lung. Tôi ngồi xếp chân tròn ngay ngắn, thụt sâu lên phía đầu sàn, trong bóng tối. Nhẹ đưa mắt một lượt chung quanh phía sàn dưới, rồi nhìn về chiếc soong và rá cơm của mình phía trước mặt. Lòng hơi gợn lên một chút xót xa, khi thấy soong thức ăn của tôi, lộn tùng phèo các món. Nhưng không sao, sá gì mấy cái tiểu tiết ấy. Bởi vì, từ nãy tới giờ tôi đã phải nuốt vào nhiều lần nước chân răng rồi.

Ngay từ lúc chia, tôi đã biết chắc là phần của tôi có 4 miếng thịt lợn, mầu nâu sậm, óng lên những mỡ rồi. Miếng to nhất phải bằng đến 4 đốt ngón tay ghép lại, chứ có chơi đâu. Nghĩa là, một bề 3 phân, một bề 4 phân và dầy đến gần một phân. Bây giờ tôi vẫn còn nhìn rõ, nó nằm lù lù một góc soong kia. Người tôi đã nóng lên rần rật rồi, tay chân đã thấy ngứa ngáy ran lên. Nhưng tôi phải trầm tĩnh, không vội vàng, dù cái mùi ngọt ngào, ngầy ngậy thơm phức cứ xộc bừa vào mũi tôi. Óc tôi còn đang bận suy nghĩ là nên hưởng cái gì trước? Hơi hoang mang, ngập ngừng một giây trong lựa chọn. Cuối cùng tôi quyết định: đầu tiên, cái đầu tiên phải là một miếng thịt đã!

Tay đã cầm cái thìa cụt Toàn cho, lăm le từ nãy. Bây giờ tôi khẽ nương nhẹ, xúc một miếng cho gọn ghẽ vào trong cái thìa. Trước khi cho miếng thịt vào miệng, mắt tôi lại phải liếc thiên hạ chung quanh một cái nữa đã. Yên tâm, trong bóng tối, chả ai nhìn thấy tôi. Ngửa cổ, tôi há hốc miệng ra; hai đầu gối của tôi tự nhiên động đậy rồi rung lên. Từ từ, tôi đẩy miếng thịt vào giữa hai hàm răng. Dập mạnh, hai hàm cắn mạnh, vất chiếc thìa vào soong, tôi nằm vật ngửa trên cuộn chăn phía đầu sàn. Cương quyết tôi không nhai, cứ ngậm chặt hai hàm răng vào miếng thịt như vậy. Mắt nhắm nghiền, tôi im lặng nghe ngóng. Ruột tôi cứ cuồn cuộn, vặn vò, giẫy dọn gây ra những tiếng ơ…ợ, e…ẹ liên hồi. Tôi hiểu, ruột và dạ dầy của tôi đang vật vã kêu xin, van nài tôi, mau cho chúng được hưởng chút ân tình đặc biệt của trời, mà từ lâu lắm rồi, chúng khao khát, mòn mỏi mong chờ.

Mãi tới lúc này, tôi mới chịu chấp nhận lời khẩn cầu của chúng, mới chịu nuốt những dòng nước miếng, đã đầp ắp miệng tôi từ nãy. Đột nhiên hai hàm răng tôi mở ra, rồi thong thả lại cắn vào miếng thịt. Lại từ từ há ra, rồi lại tiếp tục dập mạnh vào. Ba, bốn lần như vậy, như một nghệ nhân đang điều khiển trống, trong một ban nhạc, chân đang nhận bass: pạch…pạch…pạch… Tôi không còn nghe thấy tiếng vật vã, của ruột và dạ dầy nữa, nhưng lại còn có một tiếng khác, rất lạ. Tiếng róc rách của một dòng suối trong vắt đang chảy từ cuống họng tôi xuống dạ dầy, mà tôi lại tưởng là những giọt nước nhểu của mái tranh đầu hè trong những trận mưa.

Một lúc lâu lắm tôi mới ngồi dậy được. Liếc nhìn anh chàng Vân, cũng đang nằm ngửa tơ hơ trong khi miệng anh vẫn nhai nhóp nhép. Kệ anh. Tôi quay lại tiếp tục thưởng thức dần những thứ vưu vật của trời, lúc này đã hoàn toàn thuộc quyền của tôi.

Chỉ mới 40 phút sau, tất cả đã sạch trơn, dù tôi đã cố ý dềnh dàng kéo dài lúc hưởng thụ. Thế mà xem ý ruột, gan và dạ dầy của tôi sẵn sàng lịch sự xin nhận nữa. Tôi thầm nhủ lòng và cũng như nói nhẹ với chúng, xin vui lòng đợi đến ngày mai. Lúc này tuy mới 8 giờ tối, trong buồng đã nhiều người đi nằm đắp chăn. Có lẽ ai cũng vậy, sau một bữa ăn không bình thường, anh nào cũng muốn nằm cho tâm tư, bồng bềnh nổi trôi với cuộc đời.

Theo truyền thống hàng năm, đêm nay và đêm mai (mồng một Tết) không có kẻng cấm, đi tiểu, đi cầu đều không phải báo cáo cán bộ như mọi khi. Nghĩa là tự do, thức hay ngủ cả đêm, đó là quyền của anh. Mọi người cũng đã được thông báo ngay từ buổi chiều: đặc biệt đêm nay, Đêm Trừ Tịch, 9 giờ cán bộ sẽ mở cửa phát bánh chưng và nhà bếp sẽ cho mỗi buồng 1 thùng nước sôi, để tù nhân pha trà đón Giao Thừa.


Trích Hồi Ký Thép Đen (23)

Đặng Chí Bình

1 comment: