Saturday, October 29, 2022

Cảm Nhận Một Chuyến Đi - Ngọc Ánh

Hình internet


Trước đêm qua Thụy Sĩ thăm Vydan, tôi nôn nao khó ngủ, có lẽ sự chờ đợi quá lâu để sắp xếp một chuyến đi mà hai mẹ con tưởng như không có thể gặp mặt được trong thời kỳ đại dịch COVID, cả thế giới lao đao vì phải ngăn sông cấm chợ để đối phó với thảm họa kinh khủng này, sức khỏe thằng bé vốn mong manh như cọng cỏ khô, chỉ  cần cơn gió nhẹ cũng có thể mang nó vào hư không , lúc đó tôi lo cuống cuồng vì sợ mất Vydan, mà cũng có thể chính tôi sẽ ra đi trong tuyệt vọng vì không còn dịp ôm con lần cuối cùng. Mỗi lần nghĩ tới cuộc chia ly này, tim tôi như thắt lại.

Vé xe lửa nhờ chị bạn bên Paris mua dùm trước đó cả tháng cho được giá rẻ, chuyến đi lần này không "mình ên" nữa vì anh ấy muốn đi theo để thăm Vydan, nói như anh" biết đâu không có lần sau" Ừ, biết đâu được, cơn gió nào bay qua vô tình, "gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi "thật lòng bây giờ đi đâu chúng tôi cũng cần có nhau, năm nay anh ấy cũng yếu lắm rồi, đi đứng chậm chạp, chưa kể những cơn đau bất chợt đâu đó khi trái gió trở trời của tuổi già, khiến tôi e ngại mỗi lần chuẩn bị một chuyến đi xa nhà.

Tôi có 3 người thân yêu nhất, ở 3 nơi khác nhau mà chỗ nào cũng xa xôi ngàn dặm, nên chúng tôi cố sắp xếp thời gian để đi cho kịp. Vydan là nơi đến đầu tiên.

Đầu thu mà mưa đã dai dẳng suốt đoạn đường, con tàu cứ băng băng như nỗi nhớ thương được rút dần khoảng cách, suốt mấy tiếng ngồi ê ẩm ngủ gà ngủ gật trên toa xe, tới sân ga thì trời cũng chập choạng tối, mưa còn dai dẳng, lạnh lẽo và chúng tôi mệt mỏi lắm rồi Tôi sẽ dành cho thằng bé sự bất ngờ vào sáng mai nên gọi Taxi về thẳng "nhà trọ", nghĩ rằng mình sẽ đến một nơi sầm uất có tiệm ăn và cà phê nóng.

Xe chạy loanh quanh và leo lên con dốc khá dài, một khu nhà xưa cũ kỹ, cây cối um tùm trong một buổi chiều chạng vạng, tôi nghĩ người tài xế lộn địa chỉ, nhưng không, ông ấy nhìn vào bản đồ trên xe và gật đầu, thật lòng tôi cũng không chắc chắn lắm, mò mẫm trên online cả tháng trước khi qua đây, tìm thấy nơi này ghi rõ là apartment cho thuê giá rẻ nhất vùng, chỉ cách chỗ Vydan ở khoảng 20' đi bộ, tôi đã bấm vào và trả tiền đầy đủ vì sợ "huốt" rồi không biết ở đâu, ai dè nó lại là nơi heo hút tối hù này, thôi đành vậy. 

Cánh cổng khép hờ, tôi đi lên cầu thang bấm chuông, một người phụ nữ khả ái hiện ra, tôi đưa số code đặt phòng và tên của mình, bà ấy đưa chìa khóa và chỉ tay vào căn phòng bên dưới, đó là một basement nhỏ gọn, có bếp và restroom riêng, giường nệm sạch sẽ. Chúng tôi đành ăn chút xíu bánh mì còn sót trong túi xách và ngủ một giấc sáng bét.

Có tiếng gà gáy, tôi ngờ ngợ tưởng mình nghe lầm. Chuẩn bị một ba lô quà cáp mà trước khi đi những bạn bè ở Mỹ đã gởi Mẹ mang cho Vydan bằng tấm lòng yêu thương của các cô chú dành cho thằng bé .

Chúng tôi rời phòng ra bên ngoài nhìn cảnh vật chung quanh, thì ra ngôi biệt thự xưa cũ nằm trên ngọn đồi, nhìn xa xa nhà cửa san sát bên dưới, thung lũng có đường rầy xe lửa chạy qua, trước cổng là đám rẫy bắp khô héo và mấy cái chuồng nhỏ có nuôi gà và thỏ, khung cảnh giống như vùng quê, yên tĩnh, thoáng mát. Thôi kệ, có chỗ ở giá rẻ là tốt rồi, trong khi cách đó chừng cây số, hotel thường thôi mà cũng đắt gấp ba lần, Thụy Sĩ là nơi dành cho nhà giàu mà.

Lâu rồi không thấy Vydan xuất hiện trên Facebook, tôi có nhắn tin trước khi đi nhưng chắc nó không đọc được, hỏi thăm chị bạn thì chỉ cho biết là nó vẫn ok, khiến tôi cũng yên tâm phần nào.

Khung cảnh khu chung cư  như cũ, tôi chạy lên cầu thang không cần đợi thang máy, cánh cửa phòng mở ra, Vydan đang ngồi trên xe lăn cùng các bạn của nó trong phòng khách, con mắt rạng rỡ như biết cười , miệng há to ra, tôi nắm cánh tay khẳng khiu của Vydan như ước lượng sức khỏe, hình như thằng bé gầy còm già nua hơn sau mấy năm không gặp, nhìn quanh ba đứa trẻ cũ, vẫn những gương mặt ngơ ngác không chút cảm xúc nào, tôi thấy mình cũng già đi khi không thể nhớ nổi tên từng đứa, có cái gì đó thay đổi ở đây khi xuất hiện nhiều nhân viên mới, tôi hỏi tên vài người bạn của Vydan trước đây, thằng bé buồn buồn không diễn tả được.

Chúng tôi xin phép cho Vydan ra ngoài dạo phố, cũng con đường góc chợ quen thuộc của mấy năm trước, quán cà phê đối diện với lâu đài cổ có cái đồng hồ to đùng trên cao mà đứng xa cũng nhìn thấy được.

Buổi sáng nắng ấm, quảng trường đông vui, quanh chúng tôi là những thanh niên cở tuổi Vydan, họ uống cà phê, hút thuốc và nói cười  vui vẻ, tuy không muốn so sánh nhưng tôi vẫn cảm thấy chạnh lòng, biết là không thể thay đổi được thân thể khuyết tật của thằng bé nhưng tôi vẫn ao ước nó đứng được trên đôi nạng, hay bàn tay nó nắm được một vật gì đó thật chắc, như cái muỗng đưa cà phê vào miệng lúc này, thay vì mẹ phải đút từng ngụm như baby.

Nỗi ao ước thật tầm thường mà phải có phép mầu mới thực hiện được. Thương thì nghĩ vậy chứ nó không mặc cảm gì đâu, trái lại thằng bé có vẻ hớn hở khi được mẹ chăm sóc. Tội nghiệp cho con trai của tôi, tóc lốm đốm hoa râm rồi mà mình vẫn tưởng như nó còn nhỏ lắm vậy.

Những ngày ở lại đây, ngoài 2 buổi đến chơi với thằng bé, chúng tôi lại lang thang quanh khu chợ, ngắm nghía những gian hàng sang trọng với cái giá không bao giờ dám đụng tới, may là chỗ ở có nồi niêu để nấu ăn, chúng tôi mua bịch gạo nhỏ, chai nước tương và thịt gà ướp sẵn, cũng chặt to kho mặn với rau xà lách tươi roi rói trộn dầu giấm, rồi cũng qua bữa.

Chuyến đi lần này không coi ngày vì trùng hợp với lễ hội gì đó của địa phương, hầu hết dân ở đây đều đi chơi xa cuối tuần, gia đình Luctine cũng email báo tin vắng nhà, nhưng hẹn nhau buổi ăn tối trước khi chúng tôi về lại Paris.

Hình như ở đây có thông lệ là các nhà hàng siêu thị buôn bán đều đóng cửa ngày chủ nhật, trừ quán bar và cà phê thôi, hèn gì phố xá vắng teo trong ngày này và chúng tôi bị lúng túng vì không biết mua đồ ăn ở đâu, may có gian hàng nhỏ của người Việt Nam còn mở, trong đó chỉ có đồ đông lạnh mà mắc dàn trời, đành lấy hộp cá cơm về kho tiêu, thiệt tình thiếu gia vị nên tanh ớn luôn.

Một tuần lễ qua mau, chúng tôi lại chia tay bịn rịn, tôi hiểu tại sao nó buồn buồn vì qua cơn đại dịch, nhân viên ở đây thay đổi, những người chăm sóc cho nó trước kia đã đi làm nơi khác, nó mất bạn để vui chơi, mặc dù chỉ nhìn thôi nhưng đã nói biết bao điều, sự chia sẻ, thân tình trong ánh mắt, cử chỉ của những chàng trai trẻ đó bây giờ đã không còn,  chỉ có các bà các cô thôi, họ cũng vui vẻ dễ thương, nhưng Vydan thích mấy tên bạn trai khi trước  vì chúng trang lứa dễ thân thiện hơn, tôi nghĩ thằng bé là đứa dễ xúc động, nhưng rất kín đáo, nó buồn mà không thể nói ra được, nhưng  bằng trái tim nhạy cảm của người Mẹ thì tôi biết thằng bé đang sống rất cô đơn trong lúc này, dù được ở một nơi mà sự chăm sóc tốt nhất của chính phủ Thụy Sĩ dành cho những người khuyết tật như nó thì không có gì phải phàn nàn, căn phòng riêng được bài trí gọn gàng ngăn nắp, mở ngăn tủ quần áo cũng đầy ắp đồ lạnh, khăn tả, giày vớ, coi bản thực đơn mỗi ngày vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng. 

Cuối tuần trong khi mấy đứa kia có cha mẹ ở gần đón về nhà chơi thì người ta đưa nó đi xem phim ở rạp, những bộ phim hoạt hình mà mấy đứa trẻ thích thú cười vang rân, tôi cũng mua vé vào ngồi cạnh cho nó vui.

Thỉnh thoảng Vydan cũng được tham dự những trại hè dành cho người khuyết tật, tôi thấy hình nó được đăng trong Cerebral ( Association Cerebral Vaud) một tạp chí phát hành nội bộ của hiệp hội này số gần đây, họ đã tổ chức sinh nhật cho nó nhân buổi cắm trại hồi tháng 7.

Rồi cũng đến lúc phải chia tay Vydan, hôm đến trời mưa ướt lạnh, ngày đi trời cũng sụt sùi, chúng tôi hứa với thằng bé là sẽ đến thăm nó vào năm sau. Hứa mà trong lòng không chắc chắn lắm, tuổi càng ngày càng già, sức khỏe cũng mòn mỏi, tôi nghĩ đến chuyện phải để con bé thăm anh nó một lần cho biết đường đi, lỡ tôi mất rồi, ai sẽ đến với nó đây?

Mới nghĩ thôi đã thấy xót xa rồi, biết thêm tin không vui là chị bạn, cái gạch nối duy nhất giúp tôi liên lạc với Vydan sẽ dời về Việt Nam sống vào cuối năm nay, chúng tôi mất đi một địa chỉ thân quen mỗi khi qua đây thăm thằng bé, dĩ nhiên là vẫn có thể tìm cách khác được, nhưng cũng khó gặp người nhiệt tình như chị ấy. Tạm biệt con dế mèn cô đơn, thương con vô cùng .


Về lại Paris chúng tôi có nhiều bạn bè hò hẹn, hầu hết là bạn "bát thập cổ lai" của anh Sâm, đến từng tuổi này còn ngồi lại với nhau uống cà phê là quý lắm rồi, nhưng dân Paris hình như thích uống rượu hơn hay sao ấy, vào quán là phải có ly vang cầm tay như ông Kiệt Tấn,  Lê Tài Điển,  ghé thăm mấy bạn già như Ông Xuân Hy, ÔngTiểu Tử, Nguyễn Thị Cỏ May, Ông Trần thanh  Hiệp, Từ Thức...chân cẳng yếu không đi đâu được thì ngồi uống trà nhắc chuyện hồi xưa hơn nửa thế kỷ trước cũng vui, người già thường hoài cổ mà.

Mấy ngày đầu còn nhờ ông bạn dẫn đi Metroliner, sau đó thì tải cái RATP vô phone, muốn đi đâu cứ lên đó tìm,  vậy là những lúc rảnh rỗi chúng tôi lại lang thang khám phá những điểm kỳ thú của Paris, mà có tốn kém gì đâu, chỉ khoảng 5€ cho vé đi về bằng Metroline là vui cả ngày, cái tuyệt vời của hệ thống xe lửa này là nó rất đúng giờ, đi bộ vài phút là tới ngay địa điểm mình cần đến.

Đọc trên mạng nói về nhà báo Noir Victor bị em trai của vua Napoleon bắn chết hồi thế kỷ 19 vì bất đồng chính kiến, cái chết của ông như một biểu tượng cách mạng thời đó, nhưng thú vị của câu chuyện này là tượng ông được tạc nằm dài y như hồi bị bắn, dáng vẻ thong dong nhìn trời, nhưng không hiểu sao người tạc tượng lại tạc y chang (?) đáy quần ông căng phồng lúc đó, rồi người ta đồn thổi nhau về chuyện hoang đường là nếu ai đang mang thai thì đến rờ chân trái hay phải của ông để sinh con theo ý muốn còn có nhiều bà đầm lại khoái rờ chỗ căng phồng kia, hay leo lên tượng hôn môi ông, rờ cằm rờ mũi ông nên thời gian hơn trăm năm rồi, tượng đồng đã ngã màu nhưng mấy chỗ rờ thì sáng bóng. Chúng tôi đến coi vì tò mò hơn là muốn rờ, vì biết chắc không còn cơ hội trải nghiệm nữa (ha ha) Có mấy hôm vào thư viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (École française d'Extrême-Orient, viết tắt EFEO) để tìm tài liệu chữ Nôm quý hiếm còn lưu trữ ở đây, mấy lần trước thì muốn xin tài liệu phải nhờ họ copy, vừa tốn tiền vừa ôm về Mỹ nặng nề, có lúc xui bể chai nước tương Maggi thì thôi rồi lượm ơi...

Lần này hiện đại hơn nhiều, cài máy scan vô phone, cứ lật qua trang là bấm nút ào ào, làm chăm chỉ,  chịu khó đứng yên cho tay khỏi run, chừng vài tiếng là xong mấy cuốn. Phải nói tuổi chúng tôi còn có cơ hội để thừa hưởng sự tuyệt vời của nền công nghệ hiện đại này, quả là may mắn.

Từ thư viện lang thang tới tháp Eiffel chừng 2 miles, lại bánh mì nước lạnh trong ba lô, chúng tôi đến đó chụp đủ góc cạnh của tòa tháp nổi tiếng này, khách du lịch lúc nào cũng đông nghẹt dù trời mưa hay trời nắng, tháp nằm bên cạnh dòng sông Seine có xe bus và tàu chở đi vòng vòng nên càng hấp dẫn khách đến viếng hơn.

Lần này thì không có dịp đi lại cây cầu mà người ta gắn nhiều ổ khóa tình yêu trên đó, nghe nói những ổ khóa bị dẹp rồi vì sức nặng của nó có thể làm hư thanh cầu, nhưng chắc cái chữ mà tôi khắc sâu trên đó sẽ còn " như tình yêu của anh và em"  Trời ơi, cải lương bắt ớn!

Chị bạn đồng hương cho vé đi coi viện bảo tàng Louvre, một điểm đến cũng không kém phần hấp dẫn vì đây là  cái rún của Paris với nhiều đền đài cổ xưa bao quanh khu trung tâm, tượng đá đặt khắp mọi nơi  trong vườn hoa,  có ghế ngồi quanh hồ phun nước hay ghế nằm đặt rải rác ở lối đi cho du khách nào mỏi chân, muốn ngắm trời trong xanh và đánh một giấc yên bình không ai quấy rầy (với điều kiện không có mang đồ đạc túi xách gì quý giá để mất, vì Paris cũng có nhiều tay diệu thủ sẵn sàng) Chúng tôi cũng sắp hàng rồng rắn để vào coi cho được bức tranh nổi tiếng của nàng Mona Lisa với nụ cười mím chi bí ẩn, tôi thất vọng khi thấy bức tranh nhỏ xíu lọt thỏm vô cái  khung tường quá lớn,  so với các bức tranh cân xứng chung quanh, hình như có cái gì đó sai sai ở đây, hay là tại nhiều người ngắm quá nên nàng co rúm lại vì mắc cỡ, khung tường phải rào chắn an toàn cách cả thước vì du khách đông quá, nên khó mà có được tấm hình đứng sát người đẹp trăm tuổi này.

Chúng tôi cứ trôi theo dòng người ngắm nghía các tác phẩm trưng bày trên tường, nhiều nhất là tượng đá khỏa thân, nam thì "cái ấy "tồng ngồng, nữ thì cặp ngực trắng tinh, nhưng chắc mình chưa đủ trình độ để thưởng thức cái đẹp của nghệ thuật siêu đẳng này nên nhìn vậy thôi, đôi khi rờ rờ để biết chắc là tượng bằng đá chớ hổng phải bằng thạch cao. Lại đưa phone lên chụp lia lịa, chụp luôn hàng chữ bên dưới  mỗi bức tượng, mỗi tấm tranh để mai mốt về nhà đọc coi nó có ý nghĩa gì.

Đang lơ mơ thưởng ngoạn thì nghe giọng nói ở sau lưng, nhìn lại thì thấy một đại gia nhà mình mặc quần short, áo vest đang chỉ trỏ gì đó, cái quần short trong khung cảnh thanh lịch nam nữ ăn mặc sang trọng này làm tôi thấy kỳ cục, dị hợm giống như thấy tên Tây nào đó bước vô Chùa miếu đền đài bên Việt Nam mà mặc quần short áo thung ba lỗ coi chướng mắt liền.

Văn hóa là chỗ này nè, nhưng biết nói sao khi người ta mặc "a la mode" như vậy, đi cứ như lấn và oang oang giọng Việt Nam nơi đông người như ở đây,  cũng có thể tánh tôi kỳ thị cố chấp.  Chỉ là chút phản cảm qua đường thôi mà.

Tuy không phải là con chiên của Chúa nhưng qua sự giới thiệu của một cha đạo ở Sài Gòn, chúng tôi đến thăm nơi chứa xương cốt của các vị Thánh tử vì đạo tại vùng Paris,  còn gọi là MEP ( Missions Etrangeres de Paris) là một học viện tôn giáo thành lập từ 1683, nơi đào tạo các cha đạo có nhiệm vụ đi truyền giáo ở khắp nơi trên thế giới.

Chúng tôi được tận tay sờ vào hộc tủ đựng xương cốt của các cố đạo, đọc danh sách những người Việt Nam đã chết trên thập tự giá vì một lý tưởng cao cả, xem những tài liệu, hiện vật về cuộc trường chinh gian khổ của các cha ở khắp nơi trên thế giới để đem kinh thánh truyền bá đức tin đến mọi người và riêng Việt Nam, các cha còn có công đem chữ quốc ngữ vào đất nước mình( Alexandre de Rhodes là một trong các giám mục thời đó của thế kỷ 16) Thật thú vị khi được đến một nơi mang nhiều ý nghĩa tâm linh liên quan tới đất nước mình, với những sự kiện lịch sử tôn giáo để qua đó mình mở mang thêm kiến thức, và chắc gì các con chiên trong nước có dịp đến đây để cảm nhận Thiên Chúa trong lòng.Chỉ là duyên thôi! Chúng tôi đã không tiếc công bỏ cả buổi sáng trời mưa đi bộ vòng vòng gần 1 giờ vì lạc đường và muốn bỏ cuộc, trong khi tòa nhà rất gần trạm Metro.  Chắc Chúa đã thử thách sự kiên trì của kẻ ngoại đạo như chúng tôi chăng?

Có một gia đình hoàng tộc Việt Nam đã sống lưu vong tại Pháp mà chúng ta không thể không nhắc đến, đó là vị vua cuối cùng của  triều Nguyễn, cựu hoàng Bảo Đại, ông mất năm 1997 và Hoàng Hậu Nam Phương mất năm 1963, hai người lúc sống đã không "đồng tịch đồng sàng" nên chết ở hai nơi xa lắc, vì mộ ông được chôn  ở nghĩa trang Cimetier de Passy gần Paris nên chúng tôi có dịp viếng thăm. Đến nơi mới biết trong thời đại dịch bà vợ sau cùng của ông là bà đầm Monique Baudot đã mất hồi năm ngoái, chôn chung trong cùng một huyệt, mộ được xây dựng khang trang bằng đá hoa cương màu đen, bia khắc hàng chữ mạ vàng rất trang trọng trên cùng "Hoàng Đế Việt Nam- Bảo Đại"

Buổi sáng còn mờ sương, nhìn những ngôi mộ chung quanh thấp thoáng một thời hoàng kim lộng lẫy của những bậc vương tướng công hầu của nước Pháp đã nằm ở đây, có cái hàng trăm năm, có những bia đá tên tuổi khắc trên đó cũng mòn theo thời gian, mộ ông vua nước mình là  mới nhất vì chỉ vài chục năm gần đây thôi, có ai đó đặt nhiều chậu hoa tươi trên mộ ông, có cả nhang và hột quẹt theo kiểu rất quen thuộc ở quê nhà. Chúng tôi viếng mộ ông bằng sự thành kính của công dân Việt Nam đối với vị vua từng có một thời uy quyền của đất nước. 

Vì mộ bà Hoàng hậu Nam Phương ở quá xa nên chúng tôi hẹn dịp khác, nhất định phải đến viếng bà, một người phụ nữ Miền Nam đáng kính.

Khi viết bài này thì dân Việt Nam trong và ngoài nước đang xôn xao vụ Paris sắp sửa đem bảo vật của quốc gia ra đấu giá, đó là cái ấn bằng vàng có từ thời vua Minh Mạng, được truyền vòng vòng từ trong nước qua đến Paris và người giữ cuối cùng là ông Bảo Đại, khi ông qua đời cách đây hơn 20 năm thì bà vợ đầm của ông là bà Monique Baudot đã giữ bảo vật đó cho tới khi bà chết năm 2021,  nay gia đình của bà đầm này đem ra bán đấu giá qua công ty Millon Paris vào cuối tháng 10/2022 .

Rất xót xa khi nghe tin này. Thời thế của Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm trong lịch sử , những di tích đền đài bị phá hủy phần nào do chiến tranh, những báu vật của quốc gia lần lượt bị thất thoát theo nhiều cách và hiện nay đất nước còn trong tay CS cầm quyền, một cái đảng chỉ biết cấu xé nhau vì tư lợi, chỉ biết bòn rút của công vào túi riêng của mình, xem nhẹ mọi giá trị văn hóa truyền thống thì liệu báu vật như cái ấn vàng quý giá kia có còn cơ hội quay về cố quốc?

Thật lòng tôi cũng mong có một tên đại gia tiền tỉ tỉ nào đó trong nước muốn chơi ngông, mua đem về, chắc hẳn không phải vì lòng yêu nước gì đâu, chỉ muốn lấy tiếng thôi thì cũng nên cám ơn hắn ta về hành động này, còn hơn bảo vật lưu lạc qua tay nước khác, biết khi nào thấy được, hy vọng dòng tộc Nguyễn Phước của ông vận động và thương lượng được với công ty Millon để tạm hoãn việc đấu giá bảo vật này. 

Qua Paris lần này gặp  nhiều điều thú vị bất ngờ,  khi có dịp đi coi buổi kịch thơ đờn ca tài tử tuồng Kim Vân Kiều, một tác phẩm văn học bề thế của Việt Nam được các bạn trẻ bên Paris dàn dựng và trình diễn,  nói trẻ vì tuổi đời của các em cháu ấy đều dưới 50, có em sanh ở nước ngoài, có em theo cha mẹ thuyền nhân qua Pháp định cư hồi rất nhỏ, dĩ nhiên hầu hết là các diễn viên không chuyên nghiệp, nhưng có rất nhiều sự cố gắng trong biểu diễn, hóa thân những nhân vật trong truyện Kiều một cách xuất sắc (theo cái nhìn cũng không chuyên nghiệp của chúng tôi) Khán phòng đông người, vui nhất là các em trẻ người bản xứ không biết chút gì về văn hóa nghệ thuật của Việt Nam, nhưng qua thuyết minh bằng tiếng Pháp lưu loát của một MC duyên dáng và sự trình diễn có tuồng tích lớp lang của diễn viên thì họ dễ dàng nắm bắt cốt truyện. Có thể buổi trình diễn không hoàn hảo như ý muốn của người khó tính đã từng biết qua trên sân khấu ở quê nhà, nhưng theo tôi thì các bạn trẻ đã thành công khi đem Kiều giới thiệu cho dân Paris biết một tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam. Một vở kịch được dàn dựng công phu mấy năm trời, tốn nhiều thời gian công sức và tiền bạc của các bạn ấy, vậy mà giá vé rẻ đến bất ngờ( 20€ cho người lớn và 10€ cho sinh viên học sinh) chưa kể vé mời gởi tới các hội đoàn, cộng đồng người Việt ở Paris và các vùng lân cận. Trong khi đó thì có tờ rơi quảng cáo về buổi ca nhạc sắp tới của Khánh Ly ở vùng này với giá vé cao gấp 2-3 lần, không biết có đông người tham dự như coi Kiều hôm nay không, nhưng cũng cảm thấy chạnh lòng thương cho các bạn trẻ có tấm lòng với văn hóa Việt như nhóm đờn ca tài tử này, thật tình không biết họ có nguồn tài trợ nào khác ngoài việc bán vé , nhưng tôi nghĩ là họ sẽ bội thu vào những đợt trình diễn tiếp theo, nếu việc làm của họ chạm vào trái tim của dân Paris trong buổi trình diễn đầu tiên này.

Có duyên nữa là được tham dự buổi ra mắt cuốn sách "Những khuôn mặt văn hóa Việt Nam hải ngoại" do nhóm câu lạc bộ Văn hóa Paris biên soạn và giới thiệu, nhằm vinh danh những người Việt sống khắp nơi đã có công bảo tồn và phát huy nền văn hóa, văn học nghệ thuật ở hải ngoại suốt chiều dài lịch sử lưu vong gần nửa thế kỷ nay. Cuốn sách dầy hơn 800 trang, là một công trình biên soạn rất cẩn trọng của ban chủ biên với nhiều tác giả tác phẩm trong mọi lãnh vực như biên khảo, văn học, hội họa, ca nhạc...Nói chung là liên quan tới văn hóa nghệ thuật của Việt Nam đã được sắp xếp theo thứ tự khoa học và nói như Ban Biên tập là "nhằm vinh danh sự nghiệp của những người làm văn hóa đã tận tụy đóng góp công sức cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam từ trước 1975 ở trong nước và còn tiếp tục khi ra sống ở hải ngoại " Với mục đích lưu lại cho lớp trẻ về sau muốn tìm hiểu nghiên cứu về hoạt động văn hóa dân tộc của lớp người trước đây và trong thời gian họ sống ở hải ngoại , như một cách học sử chuyên đề về văn hóa xưa và nay của người Việt mình.

Theo nhận xét riêng của chúng tôi thì cuốn sách đầy nhưng chưa đủ vì có thể còn thiếu sót nhiều khuôn mặt sống thầm lặng ở đâu đó hoặc do bản tánh khiêm tốn ẩn dật nhưng sự đóng góp của họ cũng có chiều sâu đáng kể mà chúng ta chưa khám phá ra hết. Chắc sẽ còn nhiều cuốn sách biên tập như vậy nữa để bổ sung và làm phong phú thêm cho nền văn hóa hải ngoại. Mong lắm thay! Buổi ra mắt sách có khá đông người tham dự, có nhiều tên tuổi nổi tiếng của Paris cũng có mặt như ca sĩ Bạch Yến, nhà văn Thụy Khuê, học giả Trần văn Tích, giáo sư Nguyễn đăng Trúc...Nhưng ấn tượng nhất là màn trình diễn của  ban nhạc FAVIC ( France Amerique ViệtNam Inter Culture Contact) tốp ca không có người Việt Nam nhưng chỉ hát nhạc dân ca VN, gồm nhiều anh chị ở 8 quốc gia khác nhau và đặc biệt hơn nữa là họ đi hát  "chùa" ở khắp mọi nơi, trong tinh thần vui vẻ tự nguyện. Nam mặc áo dài khăn đống và nữ thì mặc áo tứ thân rực rỡ, nghe cái giọng thật chuẩn " Tôi yêu quê tôi, yêu lũy tre dài đẹp xinh" mà thương hết sức luôn. Cám ơn các bạn đã yêu thích tiếng Việt của chúng tôi mà cố công học hỏi.

Trong sự quen biết văn nghệ văn gừng và mối duyên kết nối dây mơ nào đó mà lần này chúng tôi có dịp gặp được nhiều bạn trẻ, rất trẻ, họ có kiến thức văn học khá tốt, biết quan tâm tới tình hình trong nước, biết yêu thương quê hương và gắn bó với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, họ là lớp trẻ kế thừa mà tôi nghĩ mình sẽ không thất vọng khi tự hào về các bạn trẻ này, họ đã ở khắp nơi trên thế giới theo dòng đời lưu vong với cha mẹ trong thảm họa đau buồn của đất nước, họ viết văn,làm thơ, sáng tác nhạc đấu tranh cho Tự do dân chủ ở Việt Nam, biên kịch đạo diễn những tác phẩm văn học nổi tiếng xưa của Việt Nam như nhóm diễn Kiều vừa rồi, các bạn đã khiến tôi có cái nhìn khác đi khi nghĩ lớp trẻ hiện đại chắc chỉ lo cuộc sống hưởng thụ, và vô tư.

Cám ơn các em các cháu còn tấm lòng thiết tha với Việt Nam dù biết chắc máu mình đã bị pha loãng, nhưng đó là giọt máu đào đầy ơn nghĩa.

Cũng dịp chúng tôi biết thêm 2 khuôn mặt Tây rặt nhưng nói tiếng Việt như gió, họ đều là Thầy trò trong những ngôi trường danh giá của Paris nhưng dạy tiếng Nôm cho người Pháp  nên khi gặp " sư phụ NVS" thì không bỏ cơ hội mời Thầy đi uống cà phê và hỏi nhiều câu thơ ẩn dụ trong bản Nôm mà họ không thể hiểu hết được.

Quý thay trong thời buổi này còn có người quan tâm tới thứ ngôn ngữ xưa cũ đó, lại là dân Tây mới ghê chớ, ngưỡng mộ thiệt.

Thời gian rong ruổi ở Paris rồi cũng qua mau, đi lần này có nhiều cảm nhận thật thú vị, biết được nhiều nơi nổi tiếng, gặp được nhiều bạn bè rất thân tình, riêng tôi thì tìm lại được một kỷ vật sau 40 năm lưu lạc,  dĩ nhiên không phải ấn vàng của vua rồi, nhưng cũng rất quý giá, đó là cái ca nhựa tầm thường dùng để đựng cơm trong thời gian ở tù.

Ông đồ già NVS thì có những cuốn sách Nôm quý hiếm dù chỉ là bản scan, nhưng không dễ gì tìm được ở nơi khác. 

Đêm cuối cùng Paris by night trong ngôi nhà nhỏ ấm áp tình thân, nghe anh bạn trẻ ca bài  "Tiễn em "với tiếng đàn guitar dìu dặt,

thấy lòng mình như chùng xuống " lên xe tiễn em đi , chưa bao giờ buồn thế, hôn nhau phút này, vai em ướt mèm, em ơi khóc đi em ... 

Nơi em có trăng soi, anh một mình rét mướt..." Tự dưng thấy xao xuyến gì đâu. Cái thói quen tệ hại của tôi là hát mà không nhớ tên tác giả dù trong đời đã trải qua rất nhiều cuộc chia ly mà lần nào cũng ư ử " lên xe tiễn em/anh đi, chưa bao giờ buồn thế" nhưng bây giờ thì nhớ tên ông ấy rồi, bài Tiễn Em thơ Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy phổ nhạc và bây giờ biết cảm nhận cái chữ "buồn thế " miên man, sâu lắng trong tim.

Những ngày ở Paris, trời mùa thu nơi đây có nhiều hôm mưa ẩm ướt se lạnh, khiến người lữ khách như tôi chợt bâng khuâng hoài cảm, chạnh lòng nhớ kỷ niệm nào đó đã xa, "tay nương giọt nước mái nhà, nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn" ( thơ của ai đó lại quên rồi),

Đi lang thang qua từng con đường ngập lá vàng, trên sân ga Lyon lúc nào cũng nhộn nhịp buổi sáng và ngơ ngác đèn vàng buổi tối, hay bước dọc bờ sông Seine dưới cơn mưa lất phất đủ ướt áo vai gầy, có cái gì đó lãng mạn rất Paris, có lẽ do dư âm những ca khúc trữ tình của người thi sĩ tài hoa vừa mới mất, khiến trời thu Paris thêm nồng nàn màu sắc hơn chăng.

Đêm cuối cùng ở Paris, một chút lắng đọng thổn thức, nếu ngày mai tôi trở về thành phố nhỏ  thân thương quen thuộc của mình ở California, để nghe ai đó hỏi "Paris có gì lạ không em?" Chắc là tôi sẽ nói " Ở đó có người vừa bỏ quên con tim!"


Bài viết này thay lời Cám Ơn đến tất cả bạn bè thân quen ở Paris đã dành cho chúng tôi sự ấm áp thân thiện trong những ngày "ngộ cố tri" ở đất khách quê người.


Ngọc Ánh

Tháng 10/2022

3 comments:

  1. Nhiều lời tình cảm của người viết truyện kinh nghiệm

    ReplyDelete
  2. Chúc mừng Ngọc Ánh và anh Sâm có được một chuyến ̣Âu du lý thú, một công đôi ba việc thuận lợi và bình an về tới nhà.
    TK

    ReplyDelete
  3. Cám ơn tác giả chị Ngọc Ánh tường thuật chuyến đi đầy thú vị sang Pháp và dự buổi RMS" Những Khuôn Mặt Văn Hóa Hải Ngoại " thành công .
    Cám ơn chị Tố Kim chuyển tin ạ.
    Hồng Thúy

    ReplyDelete