Monday, October 31, 2022

Mùi - Song Thao


Bá nhân bá tánh, nhưng bá nhân cũng bá…mùi! Xông vào chốn dập dìu tài tử giai nhân vui thì có vui nhưng cái mũi nhiều khi không vui. Xông vào chốn…hàng hàng lớp lớp nhiều phần là cánh mũi của chúng ta chỉ biết…thở ra! Chỉ cần một chuyện nhỏ, chuyện những chiếc tất chẳng hạn, là te tua rồi. Như đôi tất của nhà báo Nguyễn Trí Tình của miền Bắc. “Nguyễn Trí Tình thuật lại chuyến đi phỏng vấn một chị dân lao động ở khu lao động Lương Yên cho số báo mồng 1 tháng 5. Nguyễn Trí Tình vừa ngồi một lúc thì chị chủ nhà đi chợ về. Chị thả từ cái rọng ra một con chó con mới mua ở chợ. Con chó từ ngoài sân ngoe nguẩy cái đuôi ngắn ngủn, ngỏng đầu hít hít và chạy thẳng vào trong nhà, tới chỗ Nguyễn Trí Tình ngồi, rồi cứ quấn quít lấy hai bàn chân đi bít tất của anh lúc ấy đã rút ra khỏi đôi giầy ba ta. Anh hẩy nó ra. Nó lại sán đến, cái đuôi quay tít mừng rỡ. Tình khẳng định giữa anh và con chó chưa có sự quen biết nào. Vì sao lại có tình bạn tuyệt vời này. Rồi anh chợt hiểu nguyên nhân của mối tình tiền kiếp đó: chân anh, bít tất anh đi giầy vải lâu ngày không giặt, có mùi quá nặng. Chính anh cũng ngửi thấy cái mùi đặc trưng ấy”. (Bùi Ngọc Tấn, Viết Về Bè Bạn).

Chó thì chạy đến, người thì tránh xa. Nhưng chỉ là chuyện đôi tất lâu ngày không giặt. Chẳng cứ Nguyễn Trí Tình, tất là một món đồ thường bị quên cho vào xà bông, nhất là đối với những anh chàng độc thân. Những anh chàng mắt la mày liếc này hình như chỉ cần nhìn về phía trước, phía có những cô gái. Kể cả những cô gái miền cao vốn có tiếng là đơn sơ. Nhưng cũng phải dè chừng! “Các cô gái của bao nhiêu thứ giống kéo đến như hội. Đẹp nhất trong bọn gái ấy là gái Nùng và gái La Chí. Nhiều cô nước da trông đỏ hồng hồng, ăn đứt các cô tân thời phấn sáp thướt tha ở Bờ Hồ. Nhưng có một điều mà tôi bao giờ cũng phải nghĩ đến một cách ghê sợ là cái làn da hồng hồng có lẽ hàng mười năm chưa được đụng qua một chút nước. Gái cũng như giai, sự tắm rửa ở đây là một điều mà người ta rất…kỵ. Có một lần tôi đi qua chợ. Cái nhìn của tôi đập ngay phải một cái xiêm vải chàm viền đỏ phơi ở bên đường. Chao ơi, rận ở đâu lên phơi nắng mà lắm thế, cơ hồ mầu nâu của những con rận phủ gần kín màu xanh đỏ của chiếc xiêm. Thật là rận có thể bốc được. Cái cơ thể của một thiếu nữ dù mĩ miều đến đâu cứ tưởng tượng cứ ngần ấy con rận ngày đêm nó hoành hành cũng đủ làm cho chúng ta hết hứng!” (Lê Văn Trương, Tôi Thầu Khoán). 

Hứng chi nổi với những con người sợ nước. Thân thể con người là một thứ cần phải chăm sóc thường xuyên. Nếu không thì…mùi! Ai cũng biết như vậy. Cơ thể chúng ta không phẳng lì (cũng may!), chúng quanh co gẫy khúc lắm. Nó là một tổng hợp những kẽ, những nếp gấp, những hang hốc, những vùng gập ghềnh. Đó là những…trú khu tạo ra và giữ mùi. Không tảo thanh chúng hàng ngày là có chuyện…anh hoa phát tiết ra ngoài. Một trong những vùng chiến lược đó là nách. Nhưng cái mùi phát ra từ chỗ ẩn khuất này là cái mùi…du côn. Có tảo thanh đến đâu cũng bằng thừa. Chúng cứ trơ trơ cùng tuế nguyệt. Bởi vì chúng là một thứ bệnh, một thứ bệnh đau khổ thuộc vào hàng thượng thừa! Bệnh không đau nhưng phiền. 

Hôi nách là nguyên nhân của tuyến mồ hôi trong cơ thể có sự rối loạn chức năng của tiết mồ hôi, rối loạn chuyển hóa các chất trong thành phần mồ hôi cộng với sự gia tăng nấm và vi khuẩn ở vùng lẩn khuất này. Bệnh chữa được chăng? Y học đành phải thú nhận là chưa chữa được! Để tạm thời chữa cháy, chúng ta chỉ còn cách dùng các chất khử mùi. Nhưng chỉ nên dùng những sản phẩm khử mùi vừa có công dụng khử mùi vừa có thể làm cơ thể giảm bớt sự bài tiết mồ hôi. Bởi vì có những sản phẩm khử mùi không thích hợp với người dùng có thể gây ra tác dụng ngược. Hiện nay, tình hình có khả quan hơn một chút khi người ta khám phá ra là dùng chất botox để trị cái chứng bất trị này. Botox? Lại cái anh chàng chuyên phục vụ các bà làm đẹp này! Càng ngày người ta càng khám phá ra là anh chàng này có khả năng làm được nhiều việc ích lợi hơn là bơm tay bơm mặt, bơm đâu phồng đó! Vậy thì botox làm được cái chi chi? Theo phương pháp mới thì người ta chích botox vào nách để làm tê liệt tuyến mồ hôi và can thiệp vào chất dẫn truyền thần kinh. Chích một phát có tác dụng chống hôi được từ 5 tới 9 tháng! 

Nhưng có thật sự cần trị cái mùi này không nhỉ? Chắc nhiều vị có kinh nghiệm về cái mùi  tưởng là phiền hà này. Có những cặp tình nhân hay vợ chồng lại nghiện cái mùi…thân thương của người yêu hay phối ngẫu. Thiếu vắng cái mùi quen thuộc này, cuộc đời nghe ra thiếu hương vị! 

Nhưng nếu đương sự dùng các loại dầu thơm để che dấu…sự thật thì làm sao mà biết được? Cứ chú ý vào ráy tai của đương sự! Ai cũng biết là có hai thứ ráy tai: thứ khô và thứ ẩm. Cũng cần biết thêm là tuyến ráy tai và tuyến nách đều là những tuyến mồ hôi lớn trong cơ thể. Nếu trong mồ hôi có nhiều chất béo và chất đạm, khi phân giải sẽ phát ra một thứ mùi hôi đặc biệt. Vì có họ hàng đặc biệt với nhau nên trong mười người có ráy tai ẩm thì có tới chín người có mùi…nách. Người châu Á chúng ta có tới từ 90% đến 96% có ráy tai khô trong khi đa số người châu Âu và châu Phi có ráy tai ẩm. Cứ suy ra thì biết chúng ta thường phải nín thở trong những đám đông nào. 

Cứ thử tới chơi một ngôi làng nhỏ ở Đức, làng Vecten, nhé! Người Đức ở đây có vấn đề về mùi không, chúng ta không biết. Nhưng theo nhà văn Nguyễn Hoài Phương, tác giả truyện ngắn “Sự Đời hay Mấy Chuyện Vớ Vẩn Ở Vecten” đăng trên tạp chí Văn Học, Cali, số tháng 7 & 8/ 2005, thì trong số người Việt ở đây có một cặp vợ chồng rất…hôi. Hôi trong hôi ngoài! Khi có một người lạ tới làng mà trong túi có chút tiền, vợ chồng nhà này sẽ ngon ngọt tìm đủ mọi cách để lột tiền bằng cách rủ chơi cờ bạc tại nhà họ. Khi con mòng đã nhẵn túi, họ sẽ tỉnh bơ đuổi đi, cấm cửa không cho đến nhà nữa. Tâm địa thì…hôi như thế rồi, nhưng còn ngoại hình thì sao? Đám thanh niên Việt trong làng đã làm thơ tả chân đôi “uyên ương” này. Thơ bốn chữ nghe như đồng dao! 

Tao biết mày rồi

Mày không có tóc

Mũi mày khoằm khoằm

Mắt mày him híp

Lưỡi mày thè lè

Mày hay dỏ dãi

Mày ăn vung vãi

Mày hút thuốc lá

Răng mày vàng vàng

Mày thở hôi hôi

Miệng mày lắp bắp

Lưng mày gù gù

Mày đi chầm chậm

Trông mày lù đù

Mà mày ghê gớm.

Răng vàng vàng, hút thuốc lá, thở hôi hôi… Đúng bệnh rồi! Miệng có mùi là vì miệng bị khô. Hút thuốc lá thì miệng khô là cái cẳng. Khi chúng ta ăn thì miệng đỡ hôi vì nước miếng ra nhiều làm sạch miệng. Nhưng lại chơi những thứ mùi vị nồng nàn như hành hoặc tỏi thì…huề. Hôi lại hoàn hôi. 

Hôi miệng, đừng buồn. Vì chúng ta chỉ là một trong số 58% nhân loại có hơi thở khó ưa. Lại thêm một điều an ủi nữa là chúng ta đồng bệnh với những người danh tiếng. Như vua Louis 14 của Pháp hay lãnh tụ Hitler của Đức! Nếu chúng ta không đẹp trai bằng tài tử Clark Gable thì với cái miệng có hơi thở đầy mùi vị chúng ta cũng đứng ngang hàng với đại tài tử này. Khi tài tử đẹp trai đầy quyến rũ này đóng phim “Cuốn Theo Chiều Gió” với cô đào Vivien Leigh thì, sau một cảnh hôn mùi mẫn, cô đã phải kêu lên: “Hơi thở của Clark thật là khó chịu!” 

Nhưng miệng hôi mùi gì? Nếu là mùi trái cây thì liên quan đến anh tiểu đường, mùi khai khai như có ammoniac thì coi lại thận có suy không, mùi tanh tanh như cá thì hỏi thăm bác sĩ về gan coi. Toàn những thứ khó chơi! Nhưng rất nhiều trường hợp miệng nặng mùi là vì viêm miệng, viêm lợi, viêm nha chu, sâu răng. Hoặc do lưỡi không sạch, hoặc do cuống họng, hoặc do thịt dư ở họng… Dù vì gì đi nữa thì hôi miệng vẫn cứ phiền toái. 

Không hiểu có vị nào coi cái quảng cáo truyền hình cho một nhãn hiệu kẹo chewing gum chưa nhỉ? Cái clip quảng cáo này rất ngắn. Một anh chàng ghé sát vào mặt người yêu định chứng tỏ tình yêu bằng miệng. Cô nàng bèn nhăn mặt, khỏa tay trước mũi như muốn xua đi hơi thở nặng mùi của chàng trai. Anh chàng bèn chơi ngay một cái chewing gum. Tình thế đổi khác liền. Cô gái sẵn sàng trao hôn. Cái quảng cáo này hơi phũ phàng nhưng rất ăn khách. Nó làm cho người coi chỉ muốn chạy ngay đi mua chewing gum bỏ túi cho chắc ăn. Nhưng chuyện đời đâu có giản dị như vậy. Kẹo chewing gum chỉ tạm thời thắng thế xua đi được mùi hôi trong vài chục phút. Rồi đâu lại vào đấy. Chẳng lẽ cứ mỗi lần muốn bày tỏ tình yêu lại nhóp nhép chewing gum hay sao? Phiền chết! 

Phiền nữa là rất nhiều khi miệng chúng ta có mùi mà chúng ta chẳng hay. Cứ phát ngôn vung vít trước mặt mọi người, cười nói tự nhiên, phà hơi thoải mái vào mặt người đối diện. Những nạn nhân này vì lịch sự cứ lui bước dần cho tới khi đạt được vị trí an toàn cho chiếc mũi. Rồi họ kiếm cớ nọ cớ kia lỉnh đi. Ít ai thiếu tế nhị đến nỗi nói thẳng cho chúng ta biết về tình trạng đáng phiền của hơi thở chúng ta. 

Nếu chúng ta tự biết về cái mùi nằng nặng trong miệng của chúng ta thì lại đâm ra mặc cảm. Hoặc ít nói hẳn đi. Hoặc nói mà tay luôn luôn đưa lên che miệng. Cũng phiền! 

Nhưng nếu có người yêu mà miệng có vấn đề thì…terrible!  Phiền hết chỗ nói. Chẳng lẽ yêu nhau mà miệng ai người nấy giữ. Mà mi một cái thì sao đặng. Nhiều phần là tình yêu đành đội nón ra đi dù tâm hồn có hợp nhau đến mấy! 

Vậy thì làm sao mà cải thiện được tình trạng khó ăn khó nói này? Nếu hôi miệng vì một thứ bệnh nào đó thì chỉ có một cách là chữa bệnh. Nhưng hôi là vì thiếu vệ sinh thì chịu khó một chút thôi là tai qua nạn khỏi. 

Theo kết quả một cuộc nghiên cứu trên báo Pháp Revue de Stomatologie et de Chirurgie Maxillo-Faciale thì nguyên nhân chứng hôi miệng thường xuyên là do một hợp chất bao gồm chất sulfur gây ra. Chất sulfur này tạo ra một vi khuẩn tồn tại ở dưới lưỡi và ở trên răng. Kẽm là một chất loại bỏ được chất sulfur nên giúp hơi thở của chúng ta tinh khiết hơn. Trên thị trường có bán các loại nước súc miệng, chewing gum, thuốc đánh răng hay kẹo ngậm có chất kẽm. Bạn còn chờ gì nữa mà không chạy ra siêu thị gần nhà nhất? 

Ai chẳng sớm tối đánh răng nhưng sao mồm miệng vẫn không tinh khiết? Phải chăng vì thuốc đánh răng không hợp? Tạp chí Journal of Clinic Dentistry mới phổ biến kết quả của một cuộc nghiên cứu về thuốc đánh răng theo đó thì kem đánh răng có chất fluoride là tốt nhất. Dĩ nhiên mỗi loại kem đánh răng đều được điều chế với công dụng để tránh sâu răng và làm cho hơi thở thơm tho nhưng  các nhà nghiên cứu vẫn có quyền làm công việc của họ. Họ so sánh ba loại thuốc đánh răng: loại gồm có chất stannous fluoride, loạicó chất chống vôi răng tartar, và loại chống vi khuẩn (anti microbial). Họ kết luận là loại kem đánh răng có chứa 0.45 stannous fluoride giúp cho hơi thở tinh khiết hơn. 

Hầu hết mồm miệng chúng ta không được tinh khiết là do việc vi khuẩn bám chung quanh nướu và răng. Nhưng có khoảng 6% là do vi khuẩn sinh sản và sống trong cuống họng ở chung quanh lưỡi gà (tonsil). Nếu bạn rơi vào trường hợp này thì…phúc đức quá! Bởi vì một nhà khoa học người Do Thái, Bác sĩ Yehuda Finkelstein của bệnh viện Meir ở Kfar Saba, vừa phát minh ra phương pháp chữa bằng tia laser. Ông đã chữa cho 53 người. Phân nửa số người này đã hoàn toàn hết phải bịt tay trên miệng khi nói chuyện chỉ sau một lần chạy laser trong 15 phút. Nửa còn lại cần chạy thêm hai hoặc ba lần nữa thì hết hẳn. Nguyên tắc là dùng tia laser đốt những tế bào bị nhiễm trùng của lưỡi gà, tạo nên một vết sẹo và ngăn không cho vi khuẩn có chỗ để sinh sôi nẩy nở nữa. 

Các cụ tổ tiên của chúng ta cũng đã dậy cách chống…hôi. Tôi chỉ đơn cử một vài lời vàng ngọc này. Dùng một cục vôi ăn trầu hòa vào 100 ml rượu, gạn lấy nước trong, nhỏ thêm vài giọt tinh dầu đinh hương vào rồi dùng mà súc miệng. Hay lấy lá hương nhu đun nước ngậm hàng ngày. Hoặc mỗi ngày nhai chừng 5 tới 7 lá hoắc hương, ngậm một lúc rồi nhổ đi. Hoặc thảo quả giã dập, cho vào miệng ngậm và nuốt nước. Hoặc lấy một nắm lá ngò gai, sắc lấy nước đặc, thêm vào vài hạt muối, súc miệng và khò họng nhiều lần trong ngày, sau chừng 5 ngày là…thơm lừng! Hay dùng một nắm húng chanh khô, còn gọi là rau tần, tên chữ Hán là Tần thái hoặc Dương tử tô, sắc lấy nước đặc để súc miệng và ngậm thường xuyên nhiều lần trong vài ngày là mồm miệng…OK liền một khi!

 Mùi vị phát tiết từ trong người chúng ta còn một anh chàng nữa đã bị gọi đích danh: mồ hôi. Anh này mang nỗi oan Thị Kính! Thật ra anh ta không hôi! Mồ hôi sở dĩ có mùi là do tác dụng của các vi sinh vật lên mồ hôi do các tuyến aprocrine tiết ra. Các tuyến này có nhiều ở nách, bẹn, quanh cơ quan sinh dục, hậu môn, núm vú. Toàn những điểm chiến lược! Những nơi chốn khuất tất này thường có nhiệt độ cao, bí hơi, ẩm ướt, có nhiều lông, là môi trường thuận tiện cho vi khuẩn, nấm độc trú ẩn. Vi khuẩn tác dụng lên chất béo, chất đạm của mồ hôi tạo ra mùi khó chịu. Thường thì ai cũng có mồ hôi nhưng đổ mồ hôi quá nhiều là không bình thường. Dĩ nhiên khi vận động nhiều như chơi thể thao hay làm việc mệt nhọc mà toát mồ hôi thì chẳng có gì đáng quan tâm. Chuyện về mồ hôi, cũng lạ lùng! Như chuyện anh chàng Phước trong hồi ký cải tạo “Trại Đá Bàn & A30” của Nguyễn Thanh Ty. Đây là một nhóm cải tạo viên được làm việc ngoài hàng rào trại. Đúng ngày mồng một tết, anh Phước “bò từ ruộng về. Người anh lạnh ngắt, mồ hôi rin rít. Hơi thở leo pheo như gần chết”. Tác giả vội đi kiếm lá về làm một nồi nước xông. Vừa khi đó thì một cải tạo viên khác, ông già Tầu vốn là một thày lang ở ngoài đời, trở về. “Ông xăm xăm vào chòi giở mền và cầm tay bắt mạch anh Phước. Một chặp sau, ông bước ra nói với tôi:

- Cái lày anh Phước bị trúng phòng! Không chữa gấp nó nhập vào xương cốt thì nguy hiểm lắm!

- Trúng phòng! - Tôi la lên - Ở đây đâu có vợ mà trúng phòng!

- Tui đâu có biết! Nhưng chắc chắn là trúng phòng! Anh đi hái cho tôi một nắm nhiều nhiều đọt khoai lang trắng về đây”. 

Ông già Tầu cho anh Phước uống nước lọc từ đọt khoai lang giã nát với vài hột muối rồi chùm kín mền. “Chừng nửa tiếng đồng hồ, anh Phước kêu nóng và khát nước. Giở mền ra, mồ hôi tháo ra đầm đìa ướt áo. Mồ hôi nhớt như dầu cặn xe và có mùi tanh”. 

Mồ hôi nó liên quan đến trúng phòng nặng nề như vậy. Nhưng trúng phòng là gì? Ông lang Tầu giải thích. “Cái lị đó nó uống rượu nhiều, say rồi cỡi ngựa, bị trúng gió trên mình ngựa. Nặng thì gọi là thượng mã phong. Chết liền trên bụng ngựa. Nhẹ thì gọi là trúng phòng. Bệnh lưởn ưởn, rề rà kéo dài nhiều ngày rồi nhập cốt khó trị. Để lâu biến thành lao, ốm gầy lần lần hết thịt chỉ còn xương bọc da rồi chết.” Nhưng thân phận cải tạo thì ngựa đâu mà…phi đàng xa? Tác giả Nguyễn Thanh Ty tìm hiểu ra thì ngựa chính là chị ba Hườn, góa chồng, khoảng ba chục tuổi, chủ cái quán nước ở gần trại! Thân tù mà liên hệ linh tinh như vậy cũng là chuyện…toát mồ hôi! 

Toát mồ hôi tay lại là chuyện khác. Rất nhiều người có công việc phải tiếp xúc, bắt tay với nhiều người thường khổ vì mồ hôi tay quá nhiều. Họ rất ngại ngùng khi người khác chạm vào lòng bàn tay của họ. Chẳng lẽ cứ lau hoài! 

Nhà thơ Mai Trung Tĩnh cũng khổ sở vì hai lòng bàn tay thường xuyên ẩm ướt của mình. Anh là bạn ngồi cùng bàn với tôi tại trường Chu Văn An Sài gòn. Bao giờ trên tay anh cũng phải có chiếc khăn tay trắng để thấm mồ hôi. Tập vở của anh luôn dính mồ hôi, chữ viết bằng mực thường nhòe nhoẹt. Anh chạy chữa bao nhiêu lần mà vẫn…ướt tay. Có lẽ hồi đó chưa có những phương pháp chữa hữu hiệu như bây giờ. Hiện nay phương pháp điều trị phổ biến nhất là mổ nội soi cắt hạch thần kinh giao cảm. Phương pháp này có thể làm hết mồ hôi tay nhưng khoảng 20% bệnh nhân lại có khả năng có mồ hôi bù trừ ở các vùng khác trên cơ thể. Ngoài ra y học ngày nay còn dùng phương pháp ionophorese: cho bệnh nhân ngâm tay vào trong một dung dịch ion, làm co các tuyến mồ hôi khiến chúng ít tiết ra hơn. 

Nhiều năm sau tôi gặp lại Mai Trung Tĩnh trên lề đường Công Lý. Vẫn chiếc khăn tay trắng trên tay. Vẫn những cử chỉ lau tay đã thành thói quen. Vốn là một sĩ quan, anh đã trải qua những năm tháng của cái gọi là học tập cải tạo, anh đã nếm mùi tù đầy lần thứ hai khi tham gia phong trào Diễn Đàn Tự Do, bàn tay luôn ướt át của anh vẫn trơ gan củng tuế nguyệt! Tôi nhìn tay anh. Anh lắc đầu, cười khẩy. Nó chứng tỏ là moi vẫn như xưa! 

Nếu bây giờ gặp anh, chắc tôi đã chỉ cho anh được cách chặn đứng được mồ hôi tay. Nhưng anh chẳng cần nữa. Những căn bệnh quái ác hơn nhiều sau những năm tù đầy đã lấy mạng sống của anh chỉ một thời gian ngắn sau khi anh đã qua được vùng Hoa Thịnh Đốn. Xá chi những giọt mồ hôi tay!./.


Song Thao

11/2005

http://www.songthao.com/phiem-3/mui.htm

No comments:

Post a Comment