Không khó để bắt gặp
những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ ở VN hiện nay với những cái tên rất hoành tráng.
Những cái tên mà thoạt đầu nghe/đọc người ta dễ ngộ nhận đây phải là công ty,
xí nghiệp, tập đoàn gì đó lớn lao mang tầm quốc tế hoặc có quy mô kinh khủng
lắm.
Tôi đi tập yoga, phòng tập chừng 20 người thêm 3 HLV người
Ấn Độ thay tua nhau đứng lớp. Nhưng cái tên phòng tập nghe qua là giật mình,
Yoga Center and Health Academy (tạm dịch Trung tâm yoga và viện sức khoẻ). Ngoài
việc sính ngoại lại thêm sự lố bịch trong việc đặt tên. Không biết người đặt có
hiểu nghĩa của chữ academy hay không, hoặc hiểu mà cố tình vơ vào để nâng tầm
cái phòng tập nền gạch, quạt 3 cánh, kiếng 3 li dán kín tường của họ.
Đó chỉ là ví dụ đơn cử cho việc hám danh mà tôi đề cập trong bài
viết này. Đi đâu bây giờ cũng bắt gặp toàn là trung tâm, cơ sở, tập đoàn, công
ty, văn phòng giao dịch. Một đứa cò đất in vài mét đề-can màu sắc sặc sỡ, chi
chít chữ dán trước cửa kính thế là thành văn phòng giao dịch bất động sản. Một
cô đi học xăm chân mày từ một bà có kinh nghiệm khoảng 2 năm về ra cái thẩm mỹ
viện chuyên xăm, xoá, sửa mày, mí môi. Một đứa đưa cho nó cái măng-sét có khi nó
ráp vào cổ cũng đề huề cái bảng nhà thiết kế thời trang trước cửa nhà. Bán vài
đôi bông tai với mấy cái lắc cũng phải là công ty vàng bạc, đá quý. Đấy, nói ra
để thấy cái thực tế kinh doanh ở VN hiện giờ nó ra sao.
Giờ ta nói đến chuyện thế giới. Xem quảng cáo của các thương
hiệu lớn như Gucci, LV, D&G, Chanel, Toyota, Honda, Ford, BMW có bao giờ
thấy họ phải loa loa lên “đại công ty túi xách” hay “tập đoàn xe hơi quốc tế”
không? Never. Những clip quảng cáo của họ cực kì ngắn và kiệm lời. Thậm chí chỉ
xuất hiện logo chứ không có tên thương hiệu nhưng tại sao người ta lại ấn tượng
nó đến vậy? Hữu xạ tự nhiên hương. Bất kì người phụ nữ đam mê thời trang nào
cũng không lạ gì những thương hiệu đó cả. Các ông khi nghĩ đến xe cũng chỉ phân
vân nên chọn “thằng” nào, thằng Ford mạnh mẽ nhưng hao xăng, thằng BMW an toàn
mà chày cối, thằng Toyoya hậu mãi tốt, hay thằng Honda bền muôn thuở. Chất
lượng nói lên tất cả. Người ta không cần nhớ đến một sản phẩm của một
công ty với cái tên dài ngoằng. Chất lượng của sản phẩm hình thành nên cái tên.
Những cái tên chỉ gồm 2 hoặc 3 âm tiết nhưng nó ăn sâu vào trí nhớ người tiêu
dùng. Để đạt được điều này, cha đẻ của những thương hiệu đó đã phải dày công
hun đúc chữ “chất lượng” cho sản phẩm của họ. Khi có chất lượng cái danh tự
đến.
Một nhà sư Tây tạng bị hàm oan trên xe buýt. Ông không than
trách, không giải thích cũng chẳng kêu oan. Khi được giải oan ông cũng chẳng
buồn kiện cáo. Bậc chân tu khi đã đạt cảnh giới buông bỏ, không chấp ngã đâu
cần thế giới biết đến phẩm hạnh đạo đức của mình. Đạo đức của ông trời biết,
đất biết, không cần lên tiếng chứng minh. Chẳng ai biết ông là Thích gì gì, trụ
chì chùa mấy vàng hay giám đốc công ty tâm linh tín ngưỡng mấy thành viên.
Khi nghe đến cái tên Steven Spielberg người ta nghĩ ngay đến
Schinder’s List, Jurasic Park, Saving Private Ryan. Đâu cần phải dài dòng nhà
biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất phim. Nhưng hễ poster phim có tên ông là lập
tức tạo nên bom tấn cho bộ phim.
Vòng về nước mình. Những bản tình ca đi vào lòng người với những
ca từ ngọt ngào, đẹp đẽ, giai điệu như ru lòng người mà hễ nghe là người ta
buột miệng Phạm Duy, Từ Công Phụng, Ngô Thuỵ Miên, Trịnh Công Sơn. Đâu cần phải
chêm “nhạc sĩ” hay “giáo sư” âm nhạc trước cái tên của họ như những thể loại
trẻ trâu kệch cỡm thời nay, tên tuổi của họ ngàn năm sau vẫn mãi là đền đài
tình ca VN trong lòng người yêu nhạc.
Tại sao nhiều người Việt thời nay phải ba hoa? Vì người Việt đó
không có “chất lượng” (chất lượng ở đây được hiểu bằng các tính từ tốt, đẹp,
bền, giỏi theo nghĩa chung khi mô tả sản phẩm và dịch vụ) nên phải mượn danh để
khoả lấp. Một ông tiến sĩ hoá học đọc a-xít hy-dro- clo-ric HCl là hát-cờ-nờ.
Một cô hiệu trưởng không biết Tự Lực Văn Đoàn là ai. Giảng viên đại học môn
tiếng Hàn khi nghe có đoàn khách Hàn đến giao lưu với khoa thì hết thảy xin
nghỉ ốm vì không ốm thì lòi ra là không giao tiếp được bằng tiếng Hàn. Đến ngay
cả một ông lđ, bộ mặt của quốc gia khi lên sóng truyền hình quốc gia mà còn
cờ-lờ-mờ-vờ, ma-dê-in VN. Ấy vậy mà cạc-vi-sit vẫn phải giáo sư, tiến sĩ, thạc
sĩ, giảng viên in nổi nhũ vàng cho nó toả cái sự cao sang, học thức ra. Những
cái danh hão ấy khiến con người ta tự tin hơn, mạnh dạn hơn khi bắt tay nhau và
chìa cái cạc vào mặt nhau. Không có những cái cạc, những cái danh hão ấy có lẽ
họ không đủ tự tin để tiếp xúc với ai. Những cái danh hão ấy giúp họ che đi cái
rỗng tuếch bên trong con người họ. Tựa như tấm áo choàng bóng bẩy khoác bên
ngoài tấm thân ghẻ lở, nhơ nhớp, bẩn thỉu. Thiếu tấm choàng ấy họ như người phụ
nữ luống tuổi, thà nhốt mình trong phòng chứ tuyệt đối không ra khỏi nhà khi không
có lớp trang điểm.
Cũng như nhà thơ ngò gai, thịt luộc-mắm nêm kia, nếu không có
tấm áo choàng dệt bằng sợi nhà thơ quốc tế, may bằng chỉ đại sứ tâm tài năng,
thêu bằng chỉ chủ tịch hội đồng bà ta đâu tự tin bước ra xã hội với cái đầu
toàn bã đậu và mớ ngôn từ rẻ rúng, vôi phèn mà bà đang có.
Háo danh và hám danh có gây hại cho xã hội không? Có chứ. Háo
danh sẽ tìm mọi cách mua danh, cái danh đó chính là hão danh. Khi có hão danh
sẽ tìm cách lừa thiên hạ. Một thằng Việt Á với mười mét vuông vừa giao dịch vừa
sản xuất nó chọt mũi cả một đất nước suốt mấy tháng mùa dịch. Một nhà thơ thum
thủm mà đứng trong giảng đường đại học sẽ kéo theo ngàn ngàn sinh viên ra
trường với thứ ngôn ngữ nhàu nhĩ như cọng ngò gai phải nắng hoặc khắm như mắm
nêm phải gió. Một ông tiến sĩ hát-cờ-nờ sẽ cho ra trường những kĩ sư hoá chế
thuốc chuột thành thuốc nổ. Những giảng viên tiếng Hàn hay “nghỉ ốm” sẽ cho ra
lò những sinh viên nói tiếng Hàn như tiếng Hán. Một ông lđ cờ-lờ-mờ-vờ sẽ dẫn
dắt nền kinh tế quốc gia đi đến chỗ 25.000 VNĐ/ USD và người lao động đoàn đoàn
lớp lớp “nghỉ tết sớm” lên đến con số mấy trăm ngàn.
Xét thấy ở xứ mà cái danh gì cũng là hão danh. Ngay đến cái đang
phấn đấu nó cũng hão huyền bỏ mẹ ra thì còn nói cái gì?
Mai Thị Mùi
No comments:
Post a Comment