1. Tôi gặp nàng lần đầu,
khoảng giữa 1970, cách đây đúng bốn mươi tám năm, khi đang là Trung đội trưởng
Chính Huấn của Đại đội 204 CTCT, Nha Trang. Một buổi sáng, Thiếu úy Cường,
Trung đội phó, vào văn phòng gặp tôi, cùng với một thiếu nữ rất đẹp, vẻ hiền
thục, tuổi độ đôi mươi. Cường nói:
- Xin giới thiệu với Trung úy, đây là cô Hương Mai, đến xin việc.
Tôi
ngừng viết, đứng lên, chào nàng. Thấy gương mặt thanh tú, môi thắm tự nhiên,
tóc huyền rẽ đường ngôi ở giữa, buông xuống hai bờ vai, mắt to đen, mũi cao,
trong bộ quần jeans và áo pull tím ôm dáng cao thon, đầy đặn, tôi
chịu ngay. Tất cả nơi nàng biểu hiện một vẻ đẹp có phần cổ điển, như trong
tranh của Raffaello (Raphaël), họa sư người Ý, tràn đầy sức sống, và dưới mắt
tôi đã đạt quá tiêu chuẩn của một ca sĩ, dù ca sĩ chính huấn –hay nữ huấn đạo,
theo tên gọi chính thức. Hương Mai ngồi xuống, và bắt đầu tự giới thiệu, giọng
nhỏ nhẹ, nửa Huế nửa Nha Trang:
-
Thưa Trung úy, gia đình em ở Ninh Hòa. Ba em là sĩ quan phục vụ tại Tiểu khu
Phú Yên. Em còn mẹ và ba đứa em nhỏ. Em thi rớt Tú tài I, chán quá, bỏ học
luôn...
Tôi ngắt lời, nói một câu khá vô duyên:
- Thi rớt là chuyện thường. Đừng vội nản, nhất là mới rớt lần đầu. Tôi khuyên
cô nên tiếp tục việc học. Nghề nữ huấn đạo ba chìm bảy nổi lắm, không có tương
lai đâu. Trừ phi, sau này, nếu cô trở thành một ca sĩ hoặc diễn viên nổi tiếng.
Nàng tỏ vẻ ngạc nhiên, đăm đăm nhìn tôi, rồi ngập ngừng hỏi:
- Trung úy nói thế có nghĩa là Trung úy không muốn nhận em?
- Không đâu. Tôi không có quyền quyết định. Về dung mạo, riêng tôi đã chọn cô
rồi, chắc Thiếu úy Cường đây cũng đồng ý với tôi. Về tài, thì cuối tuần này
Trung đội sẽ tổ chức văn nghệ để các thí sinh vào thi phần hát. Tôi hy vọng cô
sẽ có điểm cao.
Câu này, dĩ nhiên, tôi cũng đã nói với những cô thí sinh khác, trước nàng.
Buổi văn nghệ thuộc loại bỏ túi được tổ chức tại hội trường đại đội. Như thường
lệ, tiếng đàn tiếng trống xập xình vừa trổi lên đã thu hút một số đông khán giả
từ khu gia binh và đồng bào quanh vùng Bình Tân –nơi chúng tôi trú quân, không
xa Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân bao nhiêu. Dưới ánh đèn màu lấp lánh, bốn nữ
huấn đạo của đại đội bỗng biến dạng, son phấn điểm tô, đẹp lộng lẫy trong những
chiếc áo dài thướt tha, sặc sỡ, thay cho bộ đồng phục thường ngày tôi đã quen
mắt, quần jeans và áo sơ-mi trắng pha màu xanh xám nhạt. Sáu cô thí sinh
cũng thế, cũng đều yêu kiều, lả lướt như tiên giáng trần. Nhận ai, bỏ ai, là cả
vấn đề làm điên đầu! Y như thi hoa hậu bây giờ.
Tôi ngồi hàng ghế khán giả, bên cạnh Đại úy Đại đội trưởng 204 Phạm Văn Tải (hiện sống tại Portland), khóa 15 Thủ Đức, đã đi tu nghiệp Tâm lý chiến-Dân sự vụ ở Mỹ –một sĩ quan nổi tiếng bay bướm, chịu chơi hết mình, một đơn vị trưởng có tài lãnh đạo và tổ chức, từ thời còn ở Ban Mê Thuột, Kon Tum, ai cũng mến. Đặc biệt, ông còn là một nhạc sĩ hào hoa với ngón đàn dương cầm và phong cầm điêu luyện tại các vũ trường, sau giờ làm việc. Còn tôi, lúc ấy và hiện tại, vẫn là con số không to tướng về âm nhạc, thỉnh thoảng nổi hứng hát vớ vẩn vài bài, nhưng giọng faux quá cỡ và luôn sai nhịp, và nếu cực chẳng đã phải ra sàn nhảy tôi chỉ biết có hai điệu tủ: slow, mà tôi thích nhất, vì không hao sức, và rumba, mà tôi đã quên, vì thiếu thực tập. Nhưng không hiểu sao Đại úy Tải, cũng như Trung úy Phan Nhơn, đại đội trưởng 202 CTCT (Qui Nhơn), trước đó, lại bổ nhiệm tôi, một người mù tịt về văn nghệ văn gừng, trông coi trung đội Chính huấn. Sau này, mới vỡ lẽ, đó bởi vì các ông không muốn giao trứng cho ác, nghĩa là đặt tôi vào kỷ luật và trách nhiệm nặng nề của một ông “thần giữ của” giùm cho cha mẹ các nữ huấn đạo, đa số còn rất trẻ, theo giao ước bất thành văn với họ: tạo bầu không khí gia đình thân ái giữa các nhân viên và ca sĩ trong trung đội, nhưng đồng thời bảo vệ tối đa các cô khi đi công tác nhất là ban đêm, không để rủi ro nào xảy ra, không để sĩ quan và quân nhân thuộc đơn vị khác, hoặc ngay trong đại đội, đến ve vãn, dụ dỗ, gây tai tiếng.
Mỗi
thí sinh sẽ hát hai bài tự chọn, một tình cảm, một hùng mạnh, và trước ngày
thi, được phép đến tập thường xuyên với ban nhạc của Trung đội Chính huấn. Điểm
số dựa trên phong cách trình diễn và nhất là giọng ca. Phong cách có thể tập
luyện, nhưng giọng ca là thiên phú, cũng như hồn thơ và óc hài hước, như ai đã
nói. Đêm ấy, cả sáu cô thí sinh đều rất xuất sắc. Hương Mai hát bản “Serenata”,
nhạc Enrico Toselli, lời Việt Phạm Duy –bài ruột của tôi từ dạo được nghe dĩa
thâu của Tino Rossi. Viens, le soir descend, et l’heure est charmeuse. Viens,
toi si frileuse, la nuit déjà comme un manteau s'étend... Lắng trong tiếng chiều
ngân, nhạc dặt dìu ái ân... Nhạc và lời đã hay, và nàng diễn xuất tuyệt vời,
như một ca sĩ chuyên nghiệp, với dáng điệu lúc tha thiết, si mê, lúc kiêu sa,
hờ hững, với giọng buồn, trầm bổng, lên xuống cung bậc một cách tự nhiên, dễ
dàng, theo tiếng kèn clarinette nức nở của Trung úy Quân Nhu, tên Nhuệ,
một sĩ quan bạn, được mời đến tăng cường giúp vui. Tôi ngạc nhiên, sung sướng,
nghe xôn xao bao nhiêu là mộng cũ và lời yêu gọi mời, giục giã. Cảm giác ngất
ngây hiếm hoi đưa hồn xa rời cõi đời ô trọc và khói lửa chiến tranh, trở về
những bến mơ thiên đường diễm ảo, cũng như mỗi lần nghe danh ca Kim Tước hát
bản “Tiếng Thời Gian” của Lâm Tuyền và Juliette Greco ca bài “Les Feuilles
Mortes”, phổ thơ của Jacques Prévert. Tôi vốn yêu những ca sĩ, và thi sĩ, đích
thực. Vì muốn hát, hoặc viết ra, những ngôn ngữ mượt mà, quý phái, trữ tình như
thế, họ phải có một tâm hồn rất thanh cao, trong sáng, luôn hướng về cội nguồn
Chân Thiện Mỹ từ trời phản chiếu xuống Nghệ Thuật trần gian.
Một tuần sau, Trung đội Chính huấn và Ban Giám khảo họp bàn về kết quả thi
tuyển. Chỉ lấy hai trong sáu thí sinh, để thay cho hai cô nữ huấn đạo xin nghỉ
vì lý do gia đình, nên việc chọn lựa không dễ. Hương Mai đứng nhất với số điểm
tối đa, gồm phiếu của Đại đội trưởng, ban nhạc và tất cả sĩ quan và ca sĩ trong
Trung đội Chính
huấn.
2. Mấy tháng sau, nàng đã
quen công việc. Như những nữ huấn đạo khác, mỗi ngày nàng đến đại đội tập dượt
đều đặn, và không bao giờ vắng mặt vào những đêm công tác. Gặp tôi, nàng luôn
chào hỏi vui vẻ, lịch sự, khác với Thiên Ân, một ca sĩ cơ hữu, cũng đẹp và hát
rất hay, thấy tôi đâu là tìm cách né tránh. Thiếu úy Cường bảo tôi: “Cô ấy giận
Trung úy vì đã cấm các cô không được giao du thân mật riêng lẻ với bất cứ ai
trong khi công tác và tập dượt.” Trong buổi văn nghệ Tết của Đại đội, Thiên Ân
lên hát một bản tình ca, và mắt hướng về phía tôi, nói: “Bài này em xin riêng
tặng Trung úy Trung đội trưởng Chính huấn độc tài và hắc ám của lòng em.” Cả
hội trường cười rộ. Tôi cũng bật cười theo.
Một
lần, Hương Mai đến xin Đại úy Tải cho đi hát tại vũ trường Nha Trang Hotel
ngoài giờ để kiếm thêm tiền. Ông chấp thuận, với điều kiện khi cần đi công tác
là phải nghỉ. Còn tôi khuyên nàng không nên cho ai biết đang làm việc với Đại
đội 204 và đổi tên khi hát cho vũ trường, bởi lý do an toàn cá nhân. Dần dần,
cảm tình của tôi dành cho nàng tăng trưởng vì tính tình khả ái, tấm lòng chân
thật, cử chỉ dịu dàng, cộng với tài nghệ, sắc đẹp tự nhiên và nét duyên dáng
trong lời ăn tiếng nói đã làm nàng trở thành ca sĩ hoa khôi, ít ra là đối với
lòng tôi. Nhưng may mắn, tôi đã dừng lại được ở đó. Quả vậy, tôi không phải là
nhà tu hành cũng không đạo đức giả, mà vì đã lỡ tự đặt cho mình một nguyên tắc
bất di bất dịch qua thời gian và cuộc đời thăng trầm, là tự cấm không bao giờ
được tơ tưởng đến, huống chi là đem lòng yêu thương, các nữ sinh học trò của
mình và ca sĩ dưới quyền. Lý do thật đơn giản: tôi còn trẻ, và họ là những đối
tượng tương đối dễ chinh phục, đã đặt hết lòng tin và kính trọng vào tôi. Tôi
không muốn lợi dụng vị thế của mình, làm thất vọng mọi người.
Hương Mai, cũng như Thiên Ân, không hiểu điều đó.
Một buổi chiều cuối
tuần, để tưởng thưởng thành quả công tác Tâm lý chiến - Dân sự vụ tốt đẹp, sau
khi tổ chức một tiệc vui chung cho cả Đại đội, Đại úy Tải mời riêng các sĩ quan
và nữ huấn đạo ra quán Gió Khơi Số Một, lộ thiên, ở bãi biển Nha Trang ăn bò
nhúng dấm chấm mắm nêm, món ngon nổi tiếng của quán. Hương Mai đến trễ, vẻ mặt
buồn hiu. Tôi mang theo một chai rượu mạnh, đãi anh em. Nàng ăn ít, nhưng cứ
nốc cognac của tôi, ly này sang ly khác, khiến tất cả ngạc nhiên, không
ngờ tửu lượng của nàng cao như vậy, ăn đứt đám nam nhi, nhưng không ai dám cản,
sợ bị hiểu lầm là kỳ thị nữ giới. Đến khi chai Courvoisier gần cạn và mặt nàng
tái nhợt, Thiếu úy Cường mới giật lại ly rượu của nàng, không cho rót tiếp, và
ôn tồn bảo:
-
Cô say rồi, nên ngưng là vừa.
Nàng
không nghe:
-
Không sao đâu, cho em một ly nữa! Em đang vui mà!
Cường và các cô lựa lời khuyên nhủ. Ai cũng đoán nàng thất tình hoặc buồn
chuyện gia đình. Còn tôi nghĩ khác: một người đẹp như nàng khó thất tình lắm,
trái lại làm người ta thất tình thì có. Chắc một chuyện gì kinh khủng đã xảy ra
cho nàng. Khi chai rượu cạn sạch, nàng đứng dậy, lảo đảo đến bàn tôi, nói với
tôi, như ra lệnh, tỉnh bơ:
-
Trung úy đưa em đi tiểu!
Mọi người há hốc mồm kinh ngạc. Còn tôi không thể tưởng tượng Hương Mai
bình nhật rất đoan trang hôm nay có rượu vào lại “chơi bạo” đến thế. Sau mấy
giây sửng sốt, các sĩ quan vỗ tay rào rào tán thưởng. Đại úy Tải thì cười cười,
nhìn tôi chờ đợi.
Tôi vẫn ngồi yên, chưa biết phải làm sao. Thấy thế, Đan Tâm, cô ca sĩ trẻ
nhất, chuyên hát nhạc kích động, đứng lên, nắm tay dắt nàng đi ra phía sau
quán. Trở lại bàn, Hương Mai mệt lắm, tựa đầu vào vai Cường, lim dim mắt. Đại
úy Tải nói tôi đưa nàng về trước, vì tối hôm ấy tôi lái xe nhà –chiếc Peugeot
203 của ba mẹ tôi cho mượn. Tôi bảo Thiên Ân, người rất kỵ tôi, theo cùng. Hai
cô ngồi băng sau. Tôi hỏi Hương Mai về đâu. Nàng đáp, giọng chán chường:
-
Về đâu cũng được. Em khổ lắm. Em không muốn sống nữa!
Rồi thiếp đi trong tay Thiên Ân. Không ai biết địa chỉ nhà nàng. Thiên Ân
đề nghị về khu gia binh Đại đội, bề nào cũng còn có sĩ quan trực trại và lính
gác. Cô dìu nàng vào phòng tôi, hầu như trống trơn, chỉ có một bàn viết, vài
quyển sách, và chiếc giường nệm –mà tôi chỉ đặt lưng xuống vào những đêm cấm
trại thôi. Khi tôi ngỏ ý không nên để nàng ngủ một mình trong tình trạng đó tại
một nơi xa lạ, nhưng đồng thời tôi cũng không thể ở qua đêm canh nàng, Thiên Ân
nói:
- Em sẽ ở lại đây với Mai, vì em cũng sống một mình. Không sao đâu. Em sẽ
ngủ trên chiếc ghế bố kia kìa.
Chờ đến khi các sĩ quan khu độc thân ồn ào kéo về, ghé thăm, tôi mới bàn giao
hai cô cho ông phó Cường, đã có vợ hai con, cho chắc ăn. Lúc này Hương Mai đã
ngủ mê, hơi thở mệt nhọc. Cường chu đáo lắm, lôi ở đâu ra được một lô mền gối,
khăn mặt, ca cóng, bàn chải và kem đánh răng còn nguyên trong hộp, mang đến
cùng với hai thùng nước lớn, và đặc biệt hai bộ pyjama đàn ông mới tinh,
chắc là vừa trưng dụng được của anh chàng sĩ quan độc thân tốt số nào. Trong
lúc giúp Thiên Ân căng ghế bố, Cường cười nói với tôi:
-
Hôm nay tôi trực, ngoại trừ Trung úy, đứa nào muốn đụng đến hai cô phải
bước qua xác chết của tôi. Trung úy cứ yên tâm về nhà.
Tôi và Thiên Ân cùng cười. Tôi bảo:
- Anh phải nói như thế này: kể cả Trung úy, đứa nào muốn đụng đến sẽ từ
chết tới bị thương...
Sáng hôm sau, tỉnh dậy, Hương Mai nhớ chuyện đã xảy ra, bèn đi xin lỗi mọi người. Riêng tôi, cho mãi đến bây giờ vẫn không biết chắc đêm ấy nàng buồn chuyện gì để đến nỗi “em không muốn sống nữa”.
Những quân nhân và nữ huấn đạo trong Trung đội Chính huấn hiểu rõ công việc của
mình. Giúp vui cho binh sĩ tại những quân trường và những đơn vị tác chiến về
hậu cứ dưỡng quân, trong đó thỉnh thoảng có cả lính Kam-pu-chia được gửi qua
Việt Nam “học”, thời Lon Nol và Sirik Matak, đồng thời trau dồi cho họ kiến
thức chính trị, hun đúc tinh thần chiến đấu, lòng yêu nước, thương dân, v.v...
bằng những buổi “lên lớp” ngắn, gọn, dễ hiểu do các sĩ quan trung đội đảm trách
và chương trình mini văn nghệ gồm những bản hùng ca, vở hài kịch ngắn,
màn ảo thuật, hoặc những trò chơi vui, lành mạnh được giao cho Trung sĩ trưởng
ban văn nghệ sắp xếp. Đó là binh vận, tương đối dễ dàng và có kết quả mỹ mãn.
Đại
đội 204 CTCT đôi khi được vài toán chính huấn từ Sài Gòn ra phối hợp công tác, trú
ngụ trong doanh trại đại đội. Tôi nhận thấy những ông trưởng toán này còn “giữ
gà” kỹ hơn chúng tôi, hoặc “giấu nghề” thái quá, vì nói là phối hợp, mà chả bao
giờ họ chịu cho các nữ huấn đạo tập dượt hay sinh hoạt chung, trao đổi kinh
nghiệm với trung đội chúng tôi, làm Đại úy Tải vốn rất xã giao, bặt thiệp cũng
phải lắc đầu, khó chịu.
Công tác tại những đơn vị gần thành phố, như Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế, chúng
tôi trở về nhà ngay trong đêm. Ở nơi xa, như Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động
Quân Dục Mỹ, phải ngủ lại. Những lần đi xa, tôi nhường xe jeep cho Cường
và các sĩ quan, các quân nhân khác ngồi xe dodge, còn tôi lái Peugeot,
chở theo được bốn cô nữ huấn đạo. Tất cả trang bị súng ống đầy đủ, để tự bảo
vệ, khi cần. Đi ngang Ninh Hòa, Hương Mai thường xin ghé thăm nhà, gần quốc lộ.
Đoàn xe dừng lại, vẫn nổ máy, trước nhà nàng chỉ độ năm, mười phút, nhưng khi
trở ra, nàng lộ vẻ vui mừng, biết ơn, một lần còn giới thiệu mẹ nàng với tôi.
3. Một tối, sau buổi sinh hoạt tại
Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ, cả trung đội chúng tôi và toán Sài Gòn được chỉ
định nghỉ đêm trong một phòng học rộng ở khu gia binh, trên những chiếc bàn lớn
xếp lại với nhau. Riêng tôi, liên toán trưởng, được cấp một chiếc giường tại
văn phòng trường. Vì lịch sự với khách, tôi định xin thêm ghế bố cho hai sĩ
quan Trung ương, nhưng hai ông Thiếu úy trưởng toán từ chối, bởi không muốn xa
rời các cô ca sĩ của mình. Tôi ngồi chuyện trò, uống trà với anh em trong trung
đội cho tới nửa khuya. Lò mò về phòng, vén màn tính chui vào giường, tôi đụng
phải một thân người mềm mại đang nằm chờ. Bật đèn pin lên thì hóa ra Hương Mai,
trong bộ đồ ngủ, rất khêu gợi. Tôi giật mình, suýt kêu lên. Nàng bật ngồi dậy, lấy
tay bịt miệng tôi, rồi mỉm cười, khẽ nói:
- Suỵt... Em đây, chứ không phải ma. Đừng sợ. Anh cho em ngủ ở đây với anh đêm nay.
Tôi đứng chết trân, á khẩu, nhìn nàng không chớp, căng mắt định thần xem có cái
đuôi chồn liêu trai nào lấp ló sau lưng nàng không, hoặc nàng có say như tối
nọ? Tình thế thật khó xử và nguy hiểm. Một đàng nỗi khát khao thèm muốn bị ức
chế bấy lâu thôi thúc, một đàng danh dự và trách nhiệm của một sĩ quan chỉ huy
đè nặng lên vai, không đùa được. Lại còn cái nguyên tắc bất di bất dịch của
tôi! Lại còn Thơ Thơ và mảnh trăng thề bỏ lại ở Qui Nhơn! Sau mấy giây vật vã
với chính mình, cuối cùng lý trí thắng. Nhưng từ chối thế nào để nàng không bị
tổn thương, tự ái, tri hô cho mọi người nghe? Đoán được sự dằn vặt trong tôi,
nàng đứng lên, nắm lấy tay nhẹ nhàng kéo tôi xuống ngồi bên nàng. Và ôm tôi,
thủ thỉ:
-
Hãy hôn em đi, một lần thôi, cho em biết rằng anh cũng đáp lại tình yêu của em...
Tôi nói, thầm thì như năn nỉ:
-
Tôi không thể làm gì được bây giờ, cô..., em hiểu cho. Tôi hứa sẽ yêu em, sẽ
hôn em, hoặc nếu em muốn, sẽ van xin tình yêu em ở một dịp khác, một hoàn cảnh khác,
hay một kiếp khác, biết đâu, khi em không còn là ca sĩ trong trung đội của tôi
nữa. Bây giờ thì tôi không thể, em hãy hiểu giùm cho...
Một giọt nước mắt rơi nhanh xuống cánh tay tôi. Nàng thút thít:
-
Anh càng trốn chạy tình yêu em chừng nào, em càng đuổi bắt anh chừng nấy, dù từ
bên kia cõi đời. Em hiểu nỗi khổ và cái nguyên tắc kỳ quặc của anh. Nhưng anh đâu
có hiểu nỗi khổ của em. Anh tàn nhẫn lắm, anh biết không? Thôi em đi, để Trung
úy nghỉ.
-
Không, em cứ ở đây. Tôi xuống lớp học.
Tôi đặt nàng nằm lại ngay ngắn trong giường, đắp chăn cho nàng. Rồi bước
ra giữa trời khuya. Làn gió mơn man trên mặt, trên tóc, và tôi thấy người nhẹ
thở hẳn. Bỗng nhiên, lại nghĩ đến chuyện anh mục đồng, trong truyện Les
étoiles của Alphonse Daudet, đã để cô chủ nhỏ xinh đẹp ngồi dựa vào vai anh
ngủ vùi suốt đêm thâu trên núi, dưới bầu trời đầy sao, mà không dám động tĩnh
gì hết. Tôi bước vào gian phòng của trung đội. Hạ sĩ Thảo còn thức. Thảo là một
trong những hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc cấp dễ thương nhất của tôi, mà tôi
không bao giờ quên, bởi thái độ hiền hòa, tinh thần trách nhiệm, và nhất là sự
thủy chung
-luôn dành cho tôi,
trong mọi cảnh đời.
Thảo hỏi tôi, “Trung úy chưa nghỉ sao?” Tôi lắc đầu, và hỏi lại, rất khẽ,
“Anh đi ngủ đi chứ! Các nữ huấn đạo nằm đâu?” Thảo chỉ tay về một góc phòng.
Các cô chắc đã say giấc ngủ, màn buông kín mít. Cách đó không xa là ông phó
Cường và hai ông bầu Sài Gòn. Cuối cùng, tôi nói với Thảo:
-
Tôi đến ngủ với anh em cho vui.
Cả trung
đội không ai để ý Hương Mai đêm ấy vắng mặt vì số ca sĩ của hai toán Nha Trang
và Sài Gòn lên tới tám cô, một kỷ lục, và cũng không ai biết nàng đang nằm
trong giường của tôi và chuyện gì đã xảy ra giữa hai người.
4. Ba tháng sau, nàng đột
ngột xin nghỉ việc, lấy lý do muốn làm ca sĩ toàn thời gian cho nhà hàng Nha
Trang Hotel. Lúc từ giã, nàng nói với tôi, có sự hiện diện của Cường và một số
quân nhân:
-
Bây giờ em không còn là ca sĩ của Trung đội nữa. Em sẽ nhớ nó lắm!
Chỉ một mình tôi hiểu câu nói ấy. Từ đó, nàng không bao giờ trở lại Đại
đội dù để thăm bạn bè, và cũng chỉ một mình tôi hiểu vì sao. Rồi đầu năm 1973,
tôi phải đổi về trường Đại Học CTCT Đà Lạt. Đêm cuối cùng trước khi rời bỏ Nha
Trang, tôi đến vũ trường, tìm nàng. Trên sân khấu, Hương Mai đang hát bản Besame
Mucho, lời Việt, giọng buồn não nuột, và phía dưới sàn nhảy, những cặp tình
nhân đê mê dìu nhau vào cõi mộng. Xong bài hát, nàng tiến nhanh đến bàn tôi,
cười tươi, nét mặt rạng rỡ, nhưng đôi mắt long lanh như có ngấn lệ, hỏi
dồn:
-
Anh... Trên sân khấu, em thấy anh vào. Em chờ anh từ một thế kỷ rồi. Sao đêm nay
anh mới đến? Anh đã quên em rồi sao?
Khi biết tôi đến từ biệt nàng đi xa, nàng nói sẽ xin nghỉ hát sớm để
“sống với anh cho hết đêm nay”. Lên xe, tôi đề nghị ra biển. Chúng tôi ngồi
trên bãi cát còn ấm nắng chiều, có bóng thùy dương hắt xuống từ những ngọn đèn
đường, chở che, đồng lõa. Sóng vỗ, tràn vào bờ, xóa hết dấu chân của những tình
nhân chia cách, như lời thơ Prévert ngày nào. Et
la mer efface sur le sable les pas des amants désunis.
Trăng mơ chiếu những tia lẻ loi, vàng vọt trên biển vắng. Chân trời tối mờ, xa tắp.
Nàng nhắc lại chuyện cũ, chuyện chai Courvoisier, chuyện “Trung úy đưa em đi
tiểu”, và tự trách “sao bữa đó em... cà chớn dữ vậy?” Rồi cả hai cười vui. Rồi
tựa đầu vào ngực tôi, như trong đêm Dục Mỹ, nàng khẽ nói, lời nhẹ tơ vương:
- Hãy hôn em đi, một lần thôi, cho em biết rằng anh cũng yêu em. Hãy ôm em nhiều, thật nhiều. Besame mucho. Mucho, mucho. Em đâu còn là ca sĩ trong trung đội của anh nữa mà anh phải sợ?
Rồi từ đêm đó, tôi không còn gặp lại nàng. Vì bận bịu công việc và vài
hình bóng khác len nhẹ vào đời, chiếm chỗ của nàng, tôi không về Nha Trang bao
giờ nữa. Thỉnh thoảng nhớ Hương Mai và những kỷ niệm có nàng, tôi thở dài, lòng
thấy xót xa và buồn vô hạn.
5.
Cho đến sau năm 1983. Từ những trại tù
cải tạo, tôi trở về quê cũ với mảnh đời vỡ nát và tâm hồn trống vắng. Đến Nha
Trang Hotel tìm Hương Mai và dĩ vãng nào xanh như mắt em (Đinh Hùng) mới
biết vũ trường đã đổi thành phòng trà, cà phê, có tên mới, chủ mới. Người ta
không biết “ca sĩ Hương Mai trước 75, tóc có đường ngôi rẽ ở giữa” là ai. Một
hôm, tình cờ, gặp lại Thiên Ân bán vải tại chợ Đầm. Trông cô vẫn còn trẻ đẹp,
thách đố thời gian tàn nhẫn và cuộc đổi đời bi đát, nhưng trong đôi mắt cô –cũng
như các giai nhân Nha Thành một thời vang bóng còn kẹt lại– tôi đọc được, ôi,
mênh mông là nỗi u hoài khôn nguôi của những nàng tiên bị đọa đày. Thiên Ân ôm
chầm lấy tôi, khóc ròng, rồi kể lể:
- Từ ngày anh đi, bao nhiêu chuyện đã xảy ra. Em nghỉ làm ở Đại
đội, hát cho Nha Trang Hotel được một năm thì mất nước. Sau 75, Phương Hoa lấy
một dược sĩ quân y “ngụy” vừa ra trường, nghe nói bây giờ đang ở Mỹ. Đan Tâm
vào Sài Gòn sinh sống. Mấy cô nữ huấn đạo khác thì mỗi người một ngả. Đại đội
tan tác hết. Đại úy Tải, Thiếu úy Cường chắc cũng đi cải tạo, em không biết ở
đâu. Đôi khi có việc đạp xe ngang qua Bình Tân thấy không còn dấu vết gì của
Đại đội cũ, nhất là căn phòng ngủ trống trơn của ông “Trung úy độc tài và hắc
ám của lòng em”, em buồn muốn rơi nước mắt. Em lập gia đình với một thiếu úy
Lực Lượng Đặc Biệt, có một đứa con trai năm nay được mười tuổi. Chồng em tử
trận trên đèo Khánh Dương hai tháng trước khi Nha Trang mất.
Thiên Ân kể đủ thứ chuyện, mà không một lời nhắc đến Hương Mai. Tôi sốt
ruột lắm, nhưng tự chế, không hỏi. Cuối cùng, cô cũng nói:
- Hương Mai chết rồi. Trong tay em...
Tôi hoảng hốt, ngắt lời:
-
Thật vậy sao?
- Chuyện dài lắm. Mời anh tối nay đến nhà em chơi, ăn cơm, em sẽ kể anh nghe...
Mấy tháng sau ngày anh lên Đà Lạt, Hương Mai cặp bồ với một thương gia giàu sụ, khách hàng thường trực của Nha Trang Hotel, có vợ con, vừa mập vừa hói vừa xấu, lớn hơn nàng gần hai mươi tuổi. Bà vợ chằn lắm, đã mấy lần đến bắt ghen tại vũ trường. Nhờ em và nhân viên an ninh can thiệp, Mai không việc gì, nhưng mang tai tiếng phải bỏ hát và bỏ luôn lão ta. Sau 75, nàng giấu kỹ lý lịch, đổi tên, đổi họ, được đi hát lại, và xin học lớp kịch nghệ, và trở thành một diễn viên sân khấu có hạng, rất được ái mộ. Thời gian này nàng chung sống với một nhà văn soạn kịch trẻ, đang lên, tên Lân, nghe nói là một Thiếu úy trường CTCT vừa mãn khóa đầu tháng tư 1975, mới đeo lon, nên trốn cải tạo, từ nơi khác đến Nha Trang mua được hộ khẩu ở Xóm Mới, khai là cựu sinh viên đại học Đà Lạt, ban báo chí, và như thế tưởng qua mặt được bọn Công an địa phương. Lân và Hương Mai không hề biết là họ bị theo dõi và canh chừng gắt gao. Nàng cũng không hay rằng Lân lén viết gửi ra ngoại quốc bài vở có nội dung chống Cộng. Một lần tình cờ nàng bắt gặp anh ta đang loay hoay giấu một lô giấy tờ trên trần nhà. Lân biết bị lộ, nhưng rất tin tưởng nàng, nên ỷ y. Lúc này nàng ghiền sì ke, và vì say mê danh vọng và mong được đãi ngộ thêm, đã một lần phải trao thân cho tên Trưởng Ty Văn Hóa tỉnh cứ đeo đuổi, sách nhiễu nàng. Thấy tình thế đã chín muồi, Công an bắt đầu ra tay.
Đầu tiên, chúng gài bẫy bắt nàng về tội sử dụng ma túy. Dùng lời ngon ngọt,
chúng dụ dỗ nàng khai ra chỗ Lân giấu tài liệu, để đổi lại những ưu đãi dành
cho các ca sĩ, diễn viên thượng thặng. Rồi đe dọa, nếu ngoan cố, nàng sẽ bị
đuổi khỏi đoàn kịch. Cuối cùng, nàng chấp thuận làm cộng tác viên, khai hết, và
lập tức được thả ra. Trưa đó, trở về, nàng thấy công an đứng chật nhà hai
người, và một ô vuông gỗ trên trần bị tháo xuống, và Lân đang bị còng tay, mặt
mũi sưng vù, ngước lên nhìn nàng, vẻ khinh bạc, không nói một lời. Nàng hiểu,
và chạy bay ra khỏi nhà, lao vào chiếc xe vận tải đang phóng ngược chiều...
Trong cơn hấp hối, lúc tỉnh lúc mê, tại bệnh viện, Hương Mai thều thào nhờ em xin Lân tha thứ, nếu sau này còn gặp anh ta. Nàng thầm gọi tên anh, khóc nức nở, lo sợ một ngày anh biết được những chuyện tồi tệ nàng đã làm và sẽ hết yêu nàng. Vì, nàng nói, anh vẫn là tình yêu duy nhất của nàng. Trước đó lâu lắm, khi tụi em trở thành bạn thân, Hương Mai có kể em nghe chuyện đã xảy ra trong đêm công tác ở Dục Mỹ giữa anh và nàng. Nếu anh ở lại với nàng tối hôm ấy, thì mặc dù nàng tự dâng hiến, em tin rằng Hương Mai đã quên anh ngay, như một trong nhiều người đàn ông khác đi qua đời nàng sau này, mà nàng rất ghê tởm. Cũng như em, phải sau một thời gian dài cách xa và sau bao giông tố và cạm bẫy trong cuộc đời, mới hiểu con người trung hậu của anh, qua vẻ ngoài mà anh cố tình làm ra nghiêm khắc và hiểu rằng tận đáy hồn em, nói ghét anh không có nghĩa là ghét anh. Phụ nữ tụi em bị quyến rũ ở người đàn ông bởi nhiều cái khác hơn, cao quý hơn vẻ ngoài, tiền tài, địa vị. Đó là sức mạnh tinh thần, tâm hồn cao thượng, đối xử tế nhị, phong thái trượng phu, lưng thẳng như thân cây trúc, đồng thời sự khổ đau, dằn vặt, và nhất là dũng cảm, trước những chọn lựa khó khăn. Đối với Hương Mai và em, tình yêu như đóa hoa, hái xuống sẽ úa tàn đi, nhưng nếu được giữ lại trên cành, nó sẽ vĩnh viễn sống trong tim, dù qua bao gió mưa tơi tả. Anh đã giữ đóa hoa tình yêu của nàng còn mãi trinh nguyên. Nàng nói hẹn gặp lại anh để cùng anh sống nốt những ngày hạnh phúc dở dang ở cõi khác, chắc chắn tốt đẹp hơn cuộc đời này. Nói xong, nàng chết trong tay em, vẻ mặt rất thanh thản, không còn thấy đớn đau nữa. Bấy giờ là giữa mùa đông 1981, chắc anh còn đang bị lưu đày cải tạo ở nơi nào trên đất Bắc...
Thiên Ân ngừng kể, đưa mắt buồn rầu nhìn qua song cửa. Mưa rơi tự khi nào,
giăng kín khung trời mờ tím. Đêm xuống càng thêm lạnh trong hồn người quả phụ
–một cựu ca sĩ chính huấn tài sắc vẹn toàn một thuở. Tôi đứng lên từ biệt, hôn
má Thiên Ân, ôm đứa nhỏ vào lòng, và ngậm ngùi nói:
-
Cám ơn em thật nhiều đã kể cho anh nghe câu chuyện thương tâm này. Giống như
Anna Karenine, nhân vật của Léon Tolstoi, chắc em còn nhớ, Hương Mai đã chọn
cái chết để chuộc những lỗi lầm. Chắc nàng đã tìm được sự cứu rỗi, tha thứ và
bình an ở bên kia thế giới, nơi không còn bất hạnh, hận thù, gian dối. Hôm nào,
em hãy dẫn anh đến thăm mộ nàng.
Anh mới là người cần được nàng tha thứ.
Portland, 25/3/2018
Kim Thanh
No comments:
Post a Comment