Thursday, June 1, 2023

Người Đàn Bà Tô Son - Vũ Thiên KIều

 

Bà Bảy nhìn con dâu. Đó. Nó lại sửa soạn đi làm rồi. Ánh chiều sau hàng gòn như sắp lụi. Bà dụi dụi con mắt. Mắt bà bỗng dưng nghe ngứa ngứa. Nhưng cái miệng bà ngứa hơn. Bà làm thinh sao được khi thấy con dâu tay cầm mặt kiếng, tay thoăn thoắt thoa kem. Đã ghét cái mặt đầy kem đầy phấn nhằm che phủ những đám nám những tàn nhang của nó, bà càng ghét hơn khi nhìn nó thoa cặp môi màu cà rốt. Giở chứng. Xưa nó có kem phấn, có môi son như vậy  đâu. Phải chi nó ăn trầu như bà thì cặp môi cong cong đó sẽ ưa nhìn hơn đó chớ.

– Làm ơn đừng cho tui thấy cái múi cà rốt nữa bà Chậm à.

– Con đi liền. Không gây phiền cho má nữa đâu.

Bà Bảy chuyên gọi con dâu bằng bà. Sống ở xứ ruộng này cả đời rồi. Từ hồi đất còn hoang toàn cỏ lăn cỏ lác đến bây giờ lúa phủ xanh ngắt. Bà vẫn vậy. Bà không biết nói ngon nói ngọt vỗ về con dâu. Con dâu mần trúng ý bà cười. Còn như mần trật ý thì bà lầm bầm hoài. Có bữa nhỏ Chơn nóng ruột quá gắt với thằng Chiều: 

– Cưng ra mé đìa bứt cho chị ít cọng môn. 

– Chi vậy chị?

– Nướng lăn miệng cho nội. Lấy độc trị độc. Nội lầm bầm hoài ai chịu nổi.

– Hứ. Chị dám!

Thiệt! Quạo thì làm lanh vậy chớ nó sao dám. Nội của nó mà. Ba nó mất rồi. 4 mẹ con nó cùng bà nội hủ hỉ sớm hôm bên nhau. Má nó sửa soạn đi làm ban đêm ban hôm thì nội bực. Nó hiểu. Bà nội lo má nó có chuyện này chuyện nọ rồi bỏ bà cháu nó bơ vơ. Nói đâu xa, ở kế nhà nó cũng có người đi mần ở Bình Dương, năm đầu còn siêng gửi tiền về, năm kế tiền không thấy, tiếng không nghe, sau bỏ chồng bỏ con đi theo người ta luôn. Nó thường năn nỉ má: 

– Má ơi! Đói no gì má cũng ở nhà với tụi con nha. Má đừng đi Bình Dương. Con sợ mất má lắm.

– Đi Bình Dương thì sao con. Mần xa có lương tháng. Tiền đều đặn hơn chớ con.

– Nhưng má phải ở nhà trọ. Rồi người ta chọc má. Má sẽ bỏ tụi con đi lấy chồng. Con không chịu cha dượng đâu. Rồi tình thương của má dành cho tụi con ít xịt. Con không chịu đâu. Mà nữa. Con nghe bạn con kể trên mạng vừa có vụ cha dượng đánh đứa con riêng của vợ tới chết. Thằng nhỏ mới 8 tuổi, bằng tuổi thằng Chiều nhà mình đó má. Con sợ lắm. Má hứa với con nha.

Con Chơn vừa nói vừa nhìn Chậm như khẩn khoản, mắt nó ướt ướt, người nó run lên, như thể người cha dượng đã có trước mặt nó.

Thương con, Chậm khẽ khàng ôm nó vào lòng và gật đầu. Nó cảm được cái tình vô bờ của má qua vòng tay ôm rất ấm.

Nhà có 5 người. 4 người sợ ma tuyệt đối. Hễ nghe chuyện ma cỏ, người chết là 4 bà cháu co rúm lại. Trống ngực đánh phình phịch. Đêm, mỗi lần giông gió chớp nháng hồn vía bà cháu như trên mây. Chậm thì đêm nào cũng đi làm tới hừng sáng mới về. Có tuần mưa giông dài mãi, con Chơn lại năn nỉ: 

– Má ở nhà với tụi con đi. Con sợ.

Má lắc đầu. Rồi mắt má nó sũng nước.

Nó hiểu. Từ khi ba Hinh nó mất, gánh nặng gia đình trút lên vai má nó. Một đứa trẻ 13 tuổi làm được gì ngoài việc giữ em, quét nhà và đi học. Nội thì bị đau tim, bệnh lúc rề rề, bất chợt mạnh, bất chợt yếu. Hệt như giả đò nên phải uống thuốc thường xuyên. Tiền thuốc cho nội mỗi tháng cũng cả triệu. Rồi tiền ăn, tiền học của chị em nó. Sống ở ruộng mà nhà nó không còn miếng ruộng nào hỏi sao trụ nổi. Ruộng đã đi theo cơn bạo bệnh của ba nó. Sự sống của cả nhà, hơi thở của cả nhà hết thảy đều trông chờ vào má nó.

Ban ngày, má nó theo mấy dì mấy thím khi thì cấy dặm, hái ớt, khi thì xẻ cá làm khô, rồi cả những việc nặng nhọc như xách hồ, xịt thuốc sâu... má nó cũng làm tuốt.

Ban đêm má kiếm việc làm thêm. Má làm ngoài Rạch Giá.

Chừng 6 giờ chiều má đi. Chiếc xe ôm quen rước má vút đi trong ánh mắt thảng thốt của bà cháu nó.


*****

Đêm nay trăng sáng. Sắp tới thanh minh rồi. Vậy là ba mất tròn 4 năm. 

4 năm, một khoảng thời gian dằng dặc khốn khó của gia đình nó. Năm đầu, nợ chồng nợ chất. Năm hai má nó đã giãn được một số nợ. Năm ba cả nhà nó qua cơn nghẹt thở, đã bớt những chủ nợ “vô tình” đến trúng bữa cơm. Và năm thứ tư này nhà nó đã mua được gạo nguyên bao dành ăn chứ không phải mua từng ký nữa. Nhìn kìa. Nhìn bao gạo được kê sang trọng giữa nhà lòng nó thầm biết ơn má. Hết thảy đều là công sức của má nó. Nói vậy chớ bà nội thương má nó lắm. Nấu cơm xong nội biểu chờ má về ăn. Có bữa, cặp trứng cá lóc đi vòng 5 chén cơm. Má gắp cho nội. Nội chuyển sang chén nó. Nó chuyển cho thằng út Được, thằng út lại nhường cho thằng anh Chiều gầy guộc. Và tất nhiên thằng Chiều lại trút trở lại vào chén má: 

– Má ăn đi đặng lấy sức mần nuôi tụi con. 

Bà cháu, mẹ con rưng rưng. Thằng Chiều quậy phá nhứt nhà mà cũng biết chuyện hết sức. Cặp trứng chỉ dừng di chuyển khi má nó lấy muỗng ngắt ra chia mỗi chén một khúc. Mẹ con bà cháu lùa cơm với miếng trứng cá mà nghe ngọt lừ cổ họng. Thiệt không có gì đã bằng rau cháo cũng thương nhau chia nhau.

Má trong lăng kiếng của nó là người mẹ tần tảo. Thoạt đầu, từ lăng kiếng này nó không rành đâu. Nhỏ bạn ngồi kế nó học rất giỏi và trong nói chuyện hay dùng từ này. Nó thắc mắc, nhỏ bạn lách chách bấm điện thoại rồi đọc: "Lăng kính!" Nó đọc xong, anh “gúc gồ” hiện lên một loạt bài có từ lăng kiếng. Nhỏ thảy điện thoại cho nó: 

– Đó. Bạn tự tìm hiểu nha.

Đọc vài bài, nó hiểu nôm na lăng kiếng là một dụng cụ quang học, người ta dùng để khúc xạ, phản xạ.. và để làm mặt kiếng soi hay ống dòm…

Vậy là nó luôn soi má nó bằng cái lăng kiếng cảm nhận của riêng nó. Má nó hiền. Má nó siêng. Má luôn tìm việc để làm. Bởi có việc làm là có tiền. Có tiền thì chị em nó mới có cơm ăn, đóng học phí rồi tập vở quần áo nữa chớ.

Hỏi gia cảnh nhà nó khó khăn thì xóm giềng, tổ ấp có quan tâm không. Có chớ! Dịp lễ, dịp tết nhà nó cũng được nhận chút chút quà như các hộ nghèo. Nào nếp, nào bánh mứt, nào bột ngọt dầu ăn và cả bao thơ nữa. Nhưng đó là những cơn mưa rào chợt đến rồi tạnh ngay. Phải tự mình mần. Tự kiếm tiền chớ đừng dựa dẫm vào ai. Người ta đâu thể giúp mình hoài được. Má nó luôn căn dặn như vậy.

Trăng thì sáng. Lòng nó u uất. Gần 10 giờ rồi mà nó chưa thể ngủ. 4 bà cháu đã nằm co quắp với nhau cũng không đuổi được gió lạnh len lỏi chực chờ.

– Bà Chậm đi mần gì vậy Chơn?

Câu hỏi của bà nội làm nó giật mình.

– Má con đi mần nội à. Má con rửa chén cho nhà hàng.

– Rửa chén cũng thoa phấn tô son hả Chơn?

– Chớ sao nội. Giờ mần gì cũng phải có nhan sắc coi được được người ta mới mướn. Chứ xấu quá như nhát ma thì ai dám mướn nội ời.

– Hả! Ma hả!

Nội choàng tay ôm xiết chị em nó. Nội sợ. Nó vô tình nhắc tới chữ ma làm nội sợ. Cũng hên, 2 thằng em nó ngủ say tít rồi nên cơn sợ cũng vắng đi một nửa. Nội nó nằm im thin thít. Nó kéo tấm mềm trùm lên người nội. Thương bà nội quá. Hễ đàn bà con gái mà dính tới son phấn là nội nghĩ họ mần này mần nọ. Thì đời nội cực khổ, nội đâu biết đến cây son hộp phấn! Nội nói cái môi tô son nhìn giả giả sao đó. Cần chi tô son, cứ ăn miếng trầu cay cũng đỏ môi nồng má.

Rồi cơm áo xoay vòng. Cái nghèo cái khổ cứ quặp chặt lấy nhau. Nội đâu thể nhìn thoáng nghĩ thoáng mà hết ác cảm với môi son má phấn đây.

Nội không chỉ dị ứng với kem phấn, nội còn đặc biệt dị ứng với chiếc điện thoại của má. Chiếc điện thoại hiệu Nokia màu đen hễ rời túi áo khoác của má là bị nội săm soi. Nội cầm điện thoại và loay hoay bật mở. Mắt nội lèm nhèm nhưng cái tò mò vẫn lớn hơn. Nội biểu thằng Chiều đọc cho nội nghe những gì mà điện thoại hiện lên.

– Toàn tin nhắn rác thôi nội ơi!

– Chết! Rác à! Điện thoại cũng có rác là sao?

– Là tin nhắn lung tung đó mà.

– Vậy có tin nhắn nào xưng anh không con?

– Nội hỏi nhiều quá. Nè nội đọc cho đã đi.

Thằng Chiều nói rồi chạy vút ra cổng. Bà Bảy tần ngần ngắm lượt nữa cái điện thoại với vẻ đầy luyến tiếc, bà đưa điện thoại trở về chỗ má thường sạc pin.

Mỗi ngày, má nghe điện thoại đôi cuộc. Vừa thấy má áp điện thoại bên tai là nội ngồi im nghe ngóng. Tiếng má nói ngắn gọn: Tui biết rồi. Có. Tui đi liền.

Và điệp khúc son son phấn phấn lại diễn ra trước khi má rời nhà. 

*****

Bà Bảy nghi lắm. Bà nghi con dâu bà... Phần bà cũng từng một mình nuôi con. Đêm thì dài ngoẵng. Nghe tiếng mèo gào trên mái nhà lòng dạ cũng thõng thượt nôn nao. Xưa. Tiếng bấc tiếng chì rát mặt. Mấy ai làm gan mà phiêu theo mây gió. Giờ làng như phố. Đàn bà con gái tụ tập gầy sòng đâu thua gì đàn ông. Bữa nọ, bà phụ con Chơn đẩy chiếc xe đạp đi vá. Hỏi chủ tiệm thím đâu rồi. Thằng chồng đáp gọn lỏn: "Nó bên đó kìa dì". Bà nhướng con mắt theo hướng nó vừa chỉ. Chu choa. Một mâm toàn các chị sồn sồn. Cũng nhịp chân trên chiếu. Cũng sóng sánh ly bia. Thiệt là tân thời quá xá.

– Hễ bữa nào con định vui với bạn bè là nó gầy sòng trước con. Đàn bà hiền ngoan giờ hiếm như cá lòng tong rồi dì ơi.

Trời! Đây là đàn bà có chồng. Còn con dâu bà? Cái dòng suy nghĩ của bà lại xoáy vào con dâu. Ban ngày thì nó không có hành động nào làm đau mắt bà. Nhưng ban đêm thì sao?

Bà dụ con Chơn hỏi xem má nó làm ở nhà hàng nào. 

– Ở nhà hàng Sóng đó nội. 

– Sao con biết? 

– Thì má con nói mà.

Bà lẩm bẩm: Nhà hàng Sóng. Bà Chậm rửa chén ở nhà hàng Sóng.

– Bộ nhà hàng người ta bán thông đêm hả con?

– Không! Tới 12 giờ là nghỉ. Phần má con rửa dọn xong quá khuya nên má ngủ lại sáng về sớm.

– Phải vậy không đó?

– Nội đa nghi quá. Tới giờ uống thuốc rồi nội ơi.

Bà Bảy xòe tay đón liều thuốc con Chơn đưa mà lòng cứ rấm rứt không yên. 

****

Nhà hàng Sóng đây rồi. Chà. Nhà hàng gì mà đẹp quá. Bức tường vẽ dợn sóng thiệt mê.

– Thưa bà kiếm ai?

Cậu thanh niên mặc chiếc áo màu xanh, trên ống tay áo có đeo băng đỏ. Bà nghĩ chắc cậu ta là bảo vệ của quán.

– Tôi kiếm con dâu tôi. Nó giúp việc rửa chén ở đây mà.

– Con dâu bà tên gì?

– Tên Chậm. Hứa Thị Chậm.

– Ở đây không có ai tên Chậm đâu bà ơi. Mà con dâu bà bao nhiêu tuổi?

– Nó 38.

– Ở đây chỉ có ông bà chủ ngoài 40. Còn lại nhân viên đều từ lối 30 sắp xuống.

Ôi trời! Bà ngồi phịch xuống cái dề cỏ xanh. Nước mắt bà phứa ra. Rõ ràng rồi. Con dâu bà nói dóc. Hinh ơi! Vợ con nó hư rồi.

Bà ngó phố qua màn mắt đục mờ. Đèn. Đèn phố sáng trưng. Đèn phố lập lòe. Đèn 3 ngọn 7 ngọn. Đèn xanh đèn vàng đèn đỏ. Đèn chen chúc đèn. Dạng đèn này cái lũ thiêu thân mê phải biết. Lòng bà gầm gào: Hinh ơi! Con sống khôn chết thiêng mà chỉ đường dẫn lối cho vợ về nhà nuôi con. Đừng như lũ thiêu thân mà khổ đời, khổ tụi nhỏ con ơi!

Sau một đêm tã tơi cùng thiêu thân ở phố, bà Bảy cũng về tới nhà sớm hơn con dâu chừng nửa tiếng. Khổ! Thân già đi canh vợ cho con trai mới khổ làm sao! Đã biết rành rành rồi nhưng khơi chuyện sao đây! Con dâu bà trẻ chưa qua già chưa tới. Nói mà không có bằng chứng nó sẽ chối ngoay chối ngoắt. Rồi chòm xóm thậm thụt. Rồi tụi nhỏ dáo dác sợ hãi. Dầu gì cũng phải tạo bình an cho tụi nhỏ. Tụi nó đang tuổi ăn tuổi lớn, cú sốc tâm lý sẽ ảnh hưởng cả đời.

Còn như có thật. Có thật chuyện đó. Bà Chậm sẽ khóc lóc van xin bà. Rằng xin má hiểu cho con. Con đâu muốn vậy. Lòng bà sẽ chùng xuống. Còn như bà làm găng lên. Con dâu bà mất mặt sẽ bỏ đi. Rồi cuộc sống bà cháu sẽ ra sao?

Bà đưa mắt dõi theo con dâu. Chậm vào bếp. Ngọn lửa bén rất nhanh vào lá dừa rồi vào củi. Chậm bắc ấm nước. Chậm xúc gạo nấu cơm. Chậm luộc rau, hâm cá. Ngọn lửa từ bếp củi lúc trời chưa sáng bùng lên thật giòn. Bà Bảy ngắm kỹ thần thái của con dâu qua ánh lửa. Cái màu má nó hồng hồng. Cái màu môi nó mọng mọng kia đích thị là nó vừa được “no nê” rồi. Mà nó “ăn” ở đâu chớ? Nó có như ngọn lửa kia không? Lửa gặp gì cũng táp. Lửa gặp gì cũng cháy. Không lẽ! Bà bỗng thở dài cái sượt.

– Gì vậy má!

– Ừ! À... à... không có gì đâu con.

Bà ngạc nhiên khi chính bà lại bỗng dưng kêu con dâu là con.

– Chút nữa má cho sắp nhỏ ăn cơm nha. Bữa nay con đi cắt lúa sập cho nhà ông tư Thuận. Cũng nhờ lúa sập mới tới lượt con, chớ ngon ăn, máy cắt nó cạp hết rồi.

Miệng nói, tay Chậm bới cơm vô gà mên. Rồi Chậm thoăn thoắt lấy khăn nón và lưỡi hái. Mà ngộ. Nó tên Chậm nhưng mần gì cũng lanh cũng nhanh. Người lanh lẹ kiểu này mà đi đêm đi hôm nữa thì ai tin đây!

Chậm không chỉ lanh lẹ mà còn dạn. Bà nghe kể hôm bà Chín mất. Lúc liệm, nhỏ con út của bà Chín cứ nhoài vô trong quan tài. Mấy chú đạo tì la đừng cho nước mắt nhỏ rớt vô người bà Chín. Vậy bịn rịn lắm. Hổng có nên. Mấy bà ở ngoài la kéo con nhỏ ra. Nhưng ai kéo? Ai cũng sợ mắc khiếp. Chậm đang phụ mần gà dưới bếp phóng lên ôm con nhỏ lôi ra. Tay Chậm gỡ từng ngón tay của con út đang bám chặt thành quan tài. Thiệt gan hết sức. Gặp phải bà chắc bà xỉu rồi.

Bà chậc lưỡi. Thì nó lanh nó dạn nên mình và bầy cháu được nhờ. Chớ nó chậm chạp khù khờ cả nhà có nước ăn cháo thôi. Nhưng. Nhưng cái chuyện hồi đêm ám ảnh bà quá sức. Con dâu bà không rửa chén ở nhà hàng Sóng. Chuyện thật mười mươi rồi. Chuyện như hũ mắm rồi. Ủ lại hay khui ra là do bà. Khui ra thì xấu mặt đâu chỉ mình con dâu bà.

*****

– Con Chậm đâu rồi?

Bó nhang trên tay bà Bảy rơi loạn xạ. Người đàn bà với vẻ mặt hầm hầm bước vào nhà.

– Thưa, cô kiếm con dâu tui?

– Con dâu bà hả? Nó làm vợ khắp thiên hạ mà cũng có mẹ chồng nữa à? Nó đâu rồi?

– Thưa, con dâu tôi đi mần rồi.

– Biết mà. Con dâu bà đi cướp chồng thiên hạ thì có. Tới thằng cha chạy xe ôm nghèo kiết xác nó cũng không tha.

– Cô nói vậy là sao? Cô không được nói bậy!

– Bà hỏi con dâu bà đó. Tôi cảnh cáo bà. Bà lo mà dạy con dâu bà, tôi mà cho một lon a xít thì đẹp mặt đó.

3 chị em con Chơn sợ hãi nép vào bà Bảy. Bà Bảy đẩy lũ cháu ra phía sau lưng tránh ánh mắt của người đàn bà hung dữ.

Bà ta liếc khắp căn nhà. Thấy cái hộp đựng son phấn của con dâu bà trên kệ, bà ta hất rầm xuống đất:

– Xí! Mày dùng son phấn làm bùa. Bùa này. Tao cho bùa của mày nát bét luôn.

Bà ta lấy chân đạp cho bẹp cho bể nát những hộp kem thỏi son. Hả hê! Bà ta quay gót lên xe rồ máy. Hòa trong tiếng máy nổ giọng bà ta the thé rót vô nhà:

– Nhắn con Chậm còn đi với chồng tôi nữa thì tôi cào nhà bà luôn đó.

Bà Bảy sựng người. Lũ cháu bà mặt xanh ngắt. Lúc này tụi nó mới òa khóc mếu máo:

– Kêu má về đi nội ơi. Má ơi!

– Má ơi. Hu hu…

Bà Bảy dỗ: 

– Nín đi. Người ta nói bậy đó các con. Đừng tin nha. Người ta ghét má con mà nói vậy. Chớ má các con đi làm ở nhà hàng mà.

– Nội gặp má con ở nhà hàng Sóng thiệt hả?

– Nội gặp rồi. Má con lụi cụi rửa chén suốt luôn. Cực lắm đó.

Con Chơn phấn khởi: 

– Dạ. Con biết mà. Má con giỏi lắm.

Con chị nhoẻn cười làm 2 thằng em bật cười theo. Đúng là con nít. Khóc cười như trở bàn tay. Cả 3 đứa thoắt cái chạy ra cổng chơi.

Trấn an lũ cháu xong tới lượt bà Bảy thất thần. Con dâu bà nguy to rồi. Rớ vô đàn ông có vợ khác nào cá trên thớt. Bị chặt bị đạp như cái hộp phấn này thì sống sao nổi con ơi!

Cách nào an toàn cho con dâu của bà đây. Xe ôm. Đánh ghen. Con dâu bà đi xe ôm nữa sẽ bị đánh ghen. Bà lật đật chạy vô buồng mở cái khạp da bò. Bà lấy ra cái hộp bánh bằng thiếc cũ mèm. Bà mở nắp hộp. Tiền. Từng này tiền có đủ cho con dâu bà mua 1 chiếc xe đạp điện? Bà tẩn mẩn xòe từng tờ tiền mệnh giá 200, 100 ngàn. Số tiền góp nhặt cả đời của bà phòng khi... Được 3 triệu 7. Biểu nó thêm ít trăm mua cái xe cũ cũ. Chủ động phương tiện bao giờ cũng lợi hơn. Tưởng tượng nàng Chậm đang ngồi trên xe vút vút không cần đạp lòng bà Bảy bỗng ấm lên. Con trai bà mất rồi thì con dâu sẽ như con gái. Mình thương nó, nó ắt thương mình. Nhưng nếu nó đừng lòe loẹt phấn son, cứ để nguyên đôi má rám nắng thì ai thèm ghen tuông làm gì!

******

– Má tin con đi. Con chỉ mần việc kiếm tiền nuôi sắp nhỏ. Sắp nhỏ ngoan mau lớn, má khỏe mạnh là con hạnh phúc lắm rồi.

– Bà Chậm nói thiệt á? A xít nó không có tình nghĩa với ai đâu.

– Con biết má ơi. Rảnh má coi chừng sắp nhỏ cho con và nhớ uống thuốc đều nữa. Đừng nghĩ lung tung nữa má ời.

Sau tiếng ời ngọt như mía lùi, Chậm mím môi cho son phủ đều khắp.

– Con không thích mấy thứ này đâu. Nhưng nhờ màu sắc hơi hớm của nó mới hên và kiếm được nhiều tiền.

– Rửa chén cũng có tiền boa sao?

– Thì đêm nào bán đắt sẽ có boa nhiều má ời.

Điện thoại lại reng reng. Liếc qua số tới Chậm tắt phụp.

– Con đi nha má.

Nói rồi Chậm dắt xe đạp điện ra cổng.

Bà Bảy lại ngó theo con dâu! Chắc suốt đêm nó đứng đường. Bà không phơi trần việc làm của nó là đúng hay sai? Sai hay đúng đâu quan trọng bằng cơm gạo áo quần của tụi nhỏ. Tụi nhỏ cần được bảo vệ cho thiệt tốt. Không thể cho tụi nhỏ biết có người má phải làm công việc mà toàn xã hội cười chê khinh miệt. Bà lần tìm hộp quẹt đốt nhang. 2 cha con ông nghĩ cách gì giúp má con bà cháu tôi với. Sức người có hạn. Nó cày ngày cày đêm vầy nhắm có bền lâu. Hinh ơi! Má tệ quá đi. Má đồng lõa cho dâu con mần chuyện xấu. Cạn đường rồi. Mong con hiểu cho má. Nước mắt buông một dòng dài theo lời lẩm bẩm của bà.

*******

Sáng này trời êm, bà Bảy men theo lộ Thần Nông đi tập thể dục. Con lộ này nhà nước mới làm. Mặt đường tráng nhựa láng o. Bà đi chậm chậm. Tay bà vung vẩy. Bác sĩ dặn bà phải thường xuyên đi bộ vầy mới tốt cho sức khỏe. Một bên là kênh Thần Nông, một bên là ruộng lúa xanh tít tắp. Con lộ dài cả 5 cây số. Mé lộ, những cây sao người ta trồng lơ quơ, liu hiu trước gió. Tận phía chân ruộng kia là miếng ruộng Bầu Trâu từng của gia đình bà. Giờ người ta mua và xây lên đó một căn nhà nuôi yến to cao vật vã. Bà tiếc. Miếng ruộng đã chan bao nhiêu mồ hôi của vợ chồng bà và vợ chồng thằng Hinh. Vậy mà cuối cùng cũng không giữ được. Hôm bán, bà năn nỉ người ta dành một góc chừng trăm mét vuông để làm nơi chôn cất sau này. Mộ chồng bà chôn ở bãi tha ma Cầu số Năm, nơi suốt ngày trâu bò ủi húc, thằng Hinh cũng cần chỗ ấm êm mà yên nghỉ sau chuỗi ngày bệnh tật khổ sở. Người chủ mới phán xanh rờn: "Chôn mồ mả ở đây thì yến nào về ở. Bà không bán thì tui mua chỗ khác".

Miếng ruộng của bà nằm ở thế kẹt, không có mặt tiền, không có đường nước. Gặp chủ mua bao sang tên trọn gói là được giá lắm rồi. Thôi đành. Chừng nào sắp nhỏ lớn lên mần ăn khấm khá, tụi nó khắc chọn mua đất quy tụ các phần mộ của ông bà dòng họ về một chỗ. Bà hy vọng nhiều ở những đứa cháu của bà. Con Chơn, thằng Chiều đều là những đứa biết nghĩ, biết thương nội, thương má. Mà người ta nói không ai giàu ba họ khó ba đời. Nay khổ sở vất vả, thì ngày sau bầy cháu của bà mới biết lo giàu nghèo với người ta.

Đang nghĩ lung, bà Bảy bỗng nghe phía trước có tiếng ồn ào. Hình như có 2 người đàn bà đang cãi nhau. Là Chậm, con dâu bà.

– Tao đã nói đó là mối của tao.

Giọng người đàn bà chát chúa:

– Cách đây 2 tháng tao đã nhường cho mày một đêm. Sao mày dai vậy?

Người đàn bà xối xả mắng chửi Chậm. Chậm cúi gầm mặt. Nước mắt Chậm lã chã.

– Mày khóc hả? Nước mắt cá sấu. Tao đã dặn, hễ ảnh gọi mày tới ngủ, mày cũng phải viện cớ bận rồi cho tao hay liền chớ.

– Dạ. Tại ảnh thích em. Tại em ngủ thì hên. Ảnh nói vậy.

– Thích nè. Hên nè.

Người đàn bà táng mấy bạt tay liên tiếp vào mặt Chậm. Bà Bảy hoảng hốt nhào tới kéo tay chị ta:

– Chuyện đâu còn đó vậy. Xin cô bớt giận. Tha cho con dâu tôi.

– Bà tránh ra. Tôi phải tẩn một trận cho nó tởn mới được. Làm ăn gì cũng có luật. Phải nhìn trước ngó sau. Nồi cơm của tao mà mày dám nhảy vào xới hả?

Sau cái xô của chị ta, bà Bảy văng gọn xuống mé ruộng.

– Má! Má có sao không?

Chậm ráng gượng đở bà Bảy lên. Chợt Chậm quay lại. Chậm tháo chiếc dép có đế bằng gỗ giơ lên. Chậm phùng đôi môi màu cà rốt hét vào mặt chị ta:

– Phải. Anh ta thích tôi thì tôi ngủ. Sao chị không gọi cho anh ta? Bộ chị hết thời hay sao? Túng quá tôi cho chị vài trăm để ăn. Đừng kiếm chuyện với tôi nữa.

Chậm móc túi lấy ra tờ 500 ngàn. Chị ta lật đật giựt lấy và nói:

– Ừ. Dễ thương. Mày xài mối của tao thì chia nha. Tao một mày ba. Bái bai.

Bà Bảy thấy chân tay run lẩy bẩy. Mắt bà hoa lên. Chậm hoảng:

– Má! Bình tĩnh má ơi. Để con đưa má về nhà.

********

Độ rày Chậm ít đi làm đêm. Sức khỏe bà Bảy như yếu hơn. Mọi thứ chi tiêu đều tằn tiện hơn trước. Tụi nhỏ ít đòi tiền cũng như bánh trái ăn vặt. Nhưng tụi nó mừng vì đêm đã có má Chậm ngủ chung. Mặt trời thì mãi trên cao. Mặt đất thì mỗi ngày gần hơn. Ấy là cái lưng bà cũng còng xuống rồi. Bà Bảy nhìn cần cổ con dâu thấy xanh khướt. Dường như nó cũng bị ho rồi bị thiếu máu não nữa.

Bà nói với Chậm: 

– Con cố gắng ăn cho mạnh. Con có bề gì sắp nhỏ cậy nhờ ai được. Má thì già rồi.

– Má đừng lo. Con mạnh cùi cụi mà. À, tối nay con đi mần nữa nghe má.

Chậm không cần nói bà cũng biết. Bởi hồi chiều bà thấy con dâu nghe điện thoại. Bà cũng kịp thắp nhang vái ông và thằng Hinh phù hộ cho nó an lành rồi.

Bà đưa mắt theo bàn tay đang tô son của con dâu. Cái màu cà rốt hôm nay bỗng tươi rực. Bà thấy môi con dâu bà đẹp lạ. Linh tính hay chuyện gở cho bà đây. Phàm khi gần đất xa trời người ta mới nghĩ thoáng được. Bà không thấy ghét cái màu cà rốt nữa. Đó là màu của nụ cười, của sự sống. Hay bà sắp... Mà quan trọng gì. Bà theo ông cũng được rồi. Chớ bà sống đã không giúp gì được cho con dâu, tiền thuốc thang lấn vô tiền học của sắp nhỏ nữa chớ. Bà nhìn lên bàn thờ, tấm hình ông với nụ cười đôn hậu. Một cây nhang tắt ngấm. Chuyện gì nữa đây!!!

– Má uống thuốc nè. Cho tụi nhỏ ngủ sớm nha má.

Chậm lấy khẩu trang bịt kín gương mặt. Qua lớp vải, đôi môi cà rốt vẫn còn lằn lên như reo trong mắt bà Bảy.

*********

Đã 9 giờ sáng. Mặt trời đã lưng lửng đọt cây gòn sao Chậm vẫn chưa về. Bà Bảy đi ra đi vô rối hết ruột gan. Không có cơm như mọi sớm, bà nấu mì cho con Chơn, thằng Chiều ăn đỡ để kịp đi học. Thằng út đã nằm gọn trên võng ngủ giấc giữa buổi. Con dâu bà có chuyện gì vậy cà.

Bà lại đốt nhang. Mùi nhang váng vất. Bà khấn: 

– Ông ơi! Hinh ơi. Cầu cho con Chậm đừng bị người ta hiếp đáp kiếm chuyện. Ông ơi! Con dâu mình tô son. Cảnh nhà ngặt nghèo nó mới chọn cái nghề đứng đường đêm hôm. Nó đã khổ cực vì cái gia đình này rồi. Tôi biết hết. Nhưng tôi không nỡ la nó. Phận đàn bà. Trong nhờ đục chịu. Ông ơi!

– Bà Bảy! Mấy đứa nhỏ đâu rồi?

Tiếng ông Tư Thuận cắt ngang dòng khấn của bà.

– Có chuyện gì vậy ông Tư?

– Bà biết con dâu bà làm gì không?

– Thì nó đi làm ở nhà hàng.

– Không.

Bà Bảy ngước nhìn ông Tư như ngần ngại. Không lẽ ổng biết hết rồi. Bà chột dạ hỏi:

– Bộ con dâu tui bị người ta đánh ghen nữa hả?

– Không! Con dâu bà chết rồi! Nó không đứng đường như mọi người nghĩ đâu.

Chết à? Con dâu bà đã chết? Tại sao? Bà té phịch xuống bộ ngựa.

Ông Tư lấy tay quệt nước mắt:

– Bà bình tĩnh đi. Con dâu bà làm nghề ngủ mướn trong quan tài.

– Trời!

– Ai dè đêm qua nó ngủ luôn không thức. Chủ trại hòm đã kêu công an khám. Hình như nó bị đột quỵ. Người ta sắp đưa nó về nhà.

Bà Bảy như không còn nghe ông Tư nói. Chậm ơi! Con dâu bà, đứa con thích thoa son màu cà rốt. Nó kem phấn tô son để đi ngủ mướn. Người ta mướn nó ngủ trong quan tài đặng bán đắt. Con ơi! Môi cà rốt là giả nhưng lòng con là thật. Những đêm dài má tưởng con trong vòng tay của đàn ông con trai. Tưởng con đắm đuối trong cuộc bán mua thân xác. Thương con quá. Chậm ơi! Những đêm dài bít bùng trong quan tài con có ngủ được không? Oan ức cho con quá. Con thà mang tiếng xấu chớ không nói cho má biết. Tiền. Tiền là gì mà người ta phải khổ sở đến như vậy. Con ơi!

Bà Bảy khóc nấc lên.

Ngoài cổng đã có tiếng xe dừng.

Người ta xúm lại khiêng chiếc hòm đỏ diêm dúa cũng màu cà rốt vô nhà.

Trong chiếc hòm, người đàn bà tô son đã yên giấc. Đôi môi chị vẫn tươi rức màu cà rốt.


Vũ Thiên Kiều 

1 comment: