Chiều muộn, màu nắng vàng nhường chỗ cho bóng tối nhẹ
nhàng buông xuống. Từ trạm xe buýt về nhà, mẹ Hoa đã vội vã chuẩn bị nấu ăn. Nồi
cơm đã được Khoa cắm điện từ lúc đi học về. Mẹ cẩn thận nhấc nắp nồi xem lại, sợ
cu cậu quên bấm nút nấu, thì cả nhà không có cơm ăn.
Mẹ loay hoay lấy mọi thứ trong tủ lạnh ra. Cuối tuần,
nhà sẽ đi chợ một lần rồi sắp sẵn cho những bữa ăn mỗi ngày. Mẹ nhớ lắm những
buổi chợ quê nhà, có thịt cá tươi roi rói, rau cải vừa hái còn thơm nồng mùi đất
ẩm, người mua kẻ bán gọi nhau ơi ới. Mỗi sáng là xách giỏ ra chợ, còn ở đây,
công việc tất bật, làm gì có thời gian thong thả như thế.
Tay mẹ Hoa thoăn thoắt cắt từng miếng cà chua, bạc hà,
rau om. Nước vừa sôi là bỏ cá vào. Đợi cá chín, mẹ nêm nếm cho vừa miệng, rồi
thả rau vào. Có canh chua thì không thể thiếu nồi cá kho. Đó là món mà hai cha
con rất thích.
Ba Long cũng vừa về. Vừa nghe tiếng xe Ba ngoài sân,
Khoa đã chạy ra mở cửa đón. Tiếng hai cha con rộn rã nói cười làm Mẹ cũng vui
lây.
Khoa phụ Mẹ dọn thức ăn ra bàn và xới cơm cho mọi người.
Ba ngồi xuống, nhìn mâm cơm, hít hà:
– Nhìn canh chua, cá kho là thấy đói bụng rồi.
Khoa bưng chén lên:
– Con mời Ba Mẹ ăn cơm.
Mẹ rướn người giẽ miếng cá cho Khoa và cho Ba. Khi nhìn
lại chén cơm mình, mẹ ngơ ngác thấy khứa cá kho nằm sẵn lúc nào. Ba và Khoa
cùng nháy mắt cười.
Suốt ngày, ai cũng bận rộn với công việc riêng, chỉ có bữa
cơm tối, là lúc mọi người được ngồi quây quần sum họp bên nhau. Như chim trời,
dù có rong ruổi đâu đó, thì cuối ngày cũng theo đàn về tổ. Dưới ánh đèn vàng ấm
cúng, bao mệt mỏi dần tan biến, nhường chỗ cho tình yêu thương và nung đúc những
cố gắng, niềm tin vào cuộc sống, dù còn rất gian nan.
Mẹ Hoa khẽ mỉm cười nhìn Khoa hí húi rửa chén sau bữa
cơm. Trong mắt Mẹ là cả một chặng đường – không phải là quãng thời gian được đo
bằng năm tháng, mà bằng từng ngày, từng bước con đi lên giữa bao lạ lẫm.
Ngày đến trường đầu tiên ở Mỹ, Khoa nhỏ xíu, mang ba lô
to trên lưng, lo lắng lẫn sợ hãi nép vào mẹ. Mẹ nhớ cái nắm tay run run của con
hôm đó và ánh mắt ngước lên như dò hỏi: “Con có ổn không mẹ?”
Khoa không hiểu bài giảng, không biết chơi với ai, không
thể hòa đồng cùng các bạn vì không biết tiếng Anh.
Về nhà, con im lặng suốt giờ cơm. Khi ba hỏi:
– Có chuyện gì vậy con?
Lúc đó, con mới thút thít tuôn hết mọi ấm ức:
– Các bạn không ai chơi với con hết.
Thương con đến xót lòng, mẹ cùng làm bạn đồng hành với
con từng ngày. Thời gian đầu, ba làm overtime rất nhiều. Buổi tối, Mẹ vừa làm
việc nhà, vừa giúp con luyện tiếng Anh. Cũng may là mẹ đã tốt nghiệp lớp 12,
nên cũng có chút vốn liếng ngoại ngữ. Và Khoa cũng đã cố gắng rất nhiều. Mỗi từ
vựng mới là một chiếc cầu con tự bắc. Mỗi lần giơ tay trả lời câu hỏi của thầy
cô là một chiến thắng nho nhỏ. Thầy cô khen Khoa thông minh, chịu khó. Bạn bè bắt
đầu cười với con, rủ con chơi cùng.
Ba Long từng đứng im, lặng lẽ nhìn con cắm cúi làm bài.
Nhà nghèo, lại sớm mồ côi cha, nên Ba chỉ mới học đến lớp 7; kiến thức không đầy
một bàn tay, làm sao Ba giúp con được gì. Ba thường áy náy trách bản thân:
– Mình chỉ biết đổ bê tông, vác gạch. Làm sao dạy cho
con vượt qua được rào cản ngôn ngữ để hòa nhập với trường lớp đây?
Nhưng rồi Ba tự nhủ, chỉ cần Ba cố gắng mỗi ngày, con sẽ
thấy được và cũng sẽ cố gắng theo Ba.
Tối đó, sau khi dọn dẹp, Ba cùng Mẹ ngồi trên băng ghế
trước hiên nhà nghỉ ngơi.
Ba ngước mắt nhìn những vì sao lấp lánh trên bầu trời
cao, thứ duy nhất không thay đổi kể từ ngày họ rời quê hương đến đây.
Mẹ khoác thêm chiếc áo khoác cũ. Thời tiết vừa chuyển
mùa, thoảng chút lạnh của cơn gió se se.
Khoa mang tập vở ngồi vào bàn bên cửa sổ. Em muốn ngồi
làm bài gần bên Ba Mẹ. Tiếng bút chì lướt nhẹ trên trang giấy. Ánh đèn hắt xuống
mái tóc non tơ, vàng óng như màu mật ong ngọt dịu.
Chợt nhớ chuyện ban sáng, mẹ kể lại cho Ba nghe:
– Hôm nay khi mẹ đang lau sàn ở Mall, có một gia đình Mỹ
vẫn thản nhiên giẫm qua, dấu chân in từng vệt trên sàn còn ẩm ướt. Mẹ khựng lại
một thoáng. Nhiều lần xảy ra như vậy, nhưng lần nào mẹ cũng buồn vì sự vô tâm của
mọi người. Nhưng chợt đứa con gái nhỏ la lên: “Dad, Mom! Mình đi hướng khác đi.
Cô đang lau nhà mà.”
Câu nói của cô bé ấy khiến Mẹ vui lại, vì cảm thấy công
sức mình được trân trọng.
Ba siết tay Mẹ như sự chia sẻ ấm áp. Bằng giọng trầm trầm,
Ba nói:
– Ở công trường hôm nay có căn nhà vừa hoàn tất. Nhìn
nó, Ba nghĩ đến một ngày nào gia đình mình sẽ sở hữu một căn nhà riêng. Nhà sẽ
có mảnh vườn nhỏ cho Mẹ trồng rau trái, có phòng học cho con.
Mẹ rưng rưng:
– Rồi mình sẽ có được một căn nhà như thế, phải không
Ba?
Ba gật đầu, mỉm cười với Mẹ.
Khoa dừng bút, góp lời:
– Con hứa sẽ học thật giỏi, làm việc kiếm tiền lo cho Ba
Mẹ. Ba không phải làm việc ở công trường. Mẹ không phải lau dọn trong Mall. Con
cũng sẽ mua nhà cho gia đình mình nữa. Con hứa con làm được mà !
Cả ba người cùng cười. Không ai nói thêm lời nào cả.
Nhưng trong lòng họ, một mơ ước đã thành hình.
-oOo-
Khuôn viên Georgia Tech sáng hôm nay rực rỡ ánh nắng đầu
thu, cờ phướn tung bay khắp nơi, chào đón hằng ngàn tân sinh viên từ các tiểu
bang trên đất nước đổ về. Sân trường đông nghịt, tiếng nói cười xen lẫn tiếng
nhạc, tiếng thông báo vang lên từ hệ thống loa, tạo nên không khí long trọng,
nhưng không kém phần ấm áp.
Khoa đứng giữa dòng người đông đúc ấy, gương mặt căng thẳng,
tim đập thình thịch. Trong lòng anh dâng lên một cảm xúc rất lạ – vừa tự hào, hồi
hộp, lại vừa thương Ba Mẹ vô hạn.
Cách đó không xa, Ba Mẹ Khoa đang cố tìm chỗ đứng vừa đủ
nhìn thấy con mình rõ hơn. Ba mặc bộ vest xám mới mua, có vẻ hơi chật
vai, vẻ ngượng nghịu, nhưng ánh mắt thì không rời Khoa một giây.
Mẹ mặc váy nâu, tóc búi cao. Mẹ cũng hơi ngượng nghịu vì
không quen với không khí đông người. Dù không hiểu hết những lời giới thiệu
vang lên trên sân khấu, nhưng nụ cười tự hào và hạnh phúc vẫn nở mãi trên môi mẹ.
Khoa ngoái nhìn lại, bắt gặp ánh nhìn của mẹ đang dõi
theo mình. Tim Khoa nhói lên một chút. Khoa hít sâu một hơi “Con đã đến đây rồi
Ba Mẹ à”.
Giữa hàng ngàn tân sinh viên, Khoa không hề thấy lạc
lõng. Vì đã có tình yêu thương của hai con người gần đó tiếp sức cho anh.
Buổi lễ kết thúc. Ba lái xe đến khu ký túc xá sinh viên.
Chiếc xe chạy vòng qua những con đường đông như mắc cửi
của thành phố, rồi dừng lại ở bãi đậu.
Mẹ giữ tay áo của Ba, như để giữ lại một điều gì đó đang
dần xa. Ba nhìn chung quanh, không giấu nỗi xúc động. Đây là lần đầu tiên Ba
đưa con đến một thế giới mà Ba không hiểu hết, nhưng lại đặt vào đó tất cả niềm
tin.
– Ba mẹ. đừng buồn nha… Khoa nói, giọng nghèn nghẹn. Con
đi xa, rồi con sẽ thành đạt trở về. Con hứa …
Mẹ gật đầu, cố nén nước mắt. Mẹ không muốn khóc khiến
con chùng lòng trước hành trình mới. Mẹ nắm chặt tay Khoa, như sợ chỉ cần buông
ra là con sẽ biến mất khỏi thế giới gần gũi này.
Ba chỉ gật đầu nhẹ, bàn tay đặt lên vai con trai. Cái siết
tay ấy không cần lời nào, nhưng chứa đầy tình thương và dặn dò. Ba không quen
nói nhiều, nhưng trong mắt Ba, Khoa đọc thấy cả một trời yêu thương.
Khoa bước vào ký túc xá. Không ngoái đầu lại. Khoa sợ
mình sẽ không cầm lòng được nếu nhìn thấy Mẹ khóc. Nhưng Khoa biết, phía sau
lưng, có hai người vẫn đứng đó – dõi theo, chờ đợi, và luôn ở đó, bất kể mai
đây anh thành công hay thất bại.
-oOo-
Chiều muộn ở thành phố Atlanta, trời hơi lành lạnh, từng
chiếc lá vàng chao nghiêng trong làn gió đầu thu. Trong căn phòng ký túc xá đơn
sơ của trường, Khoa ngồi lặng nhìn qua cửa sổ. Ngoài kia, ánh đèn đường lờ mờ,
mùi thức ăn từ nhà hàng người Hoa gần đó bay thoang thoảng, làm anh chợt nhớ
quay quắt đến những bữa cơm nhà.
Căn bếp nhỏ trong khu apartment cũ kỹ, nơi gia đình anh
sống, giờ chắc vang lên tiếng xèo xèo của chảo dầu, tiếng dao thớt gõ đều tay của
Mẹ. Giờ này chắc Ba cũng về rồi. Ba đang lúi húi lau bàn ăn, thỉnh thoảng dừng
tay lắng nghe bản tin tiếng Việt của đài CNN. Buổi cơm thiếu mất Khoa, không biết
Ba Mẹ đã quen chưa, hay vẫn còn buồn lắm. Khoa nhớ vô cùng miếng cá kho tiêu
thơm lừng, gắp cùng một chút rau muống luộc, và theo miếng cơm trắng dẻo…Những
bữa cơm không có gì đặc biệt, nhưng luôn ấm cúng, chan đầy tình thương.
Ba làm công nhân xây dựng. Nắng gió công trường làm da
Ba đen sạm. Xi măng, sỏi cát làm bàn tay Ba sần lên những vết chai. Mẹ dọn dẹp ở
Mall. Mỗi ngày, mẹ lau quét bao nhiêu dãy hành lang rộng lớn. Khoa biết từng đồng
học phí, từng phần ăn của anh ở trường, đều là mồ hôi của Ba Mẹ. Mỗi lần gọi điện
thoại, mẹ hay hỏi:
– Con có ăn đủ không? Áo quần có đủ ấm không con?
Ba thì chỉ lặp lại mãi một câu:
– Con ráng lo học đi nghe. Đừng có lo gì ở nhà hết.
Thương Ba Mẹ, Khoa nhủ lòng phải cố gắng thật nhiều.
Ngoài giờ học, anh xin làm thêm ở thư viện, để có thêm chút thu nhập. Buổi tối,
sau khi hoàn tất bài vở ở trường, Khoa lại học thêm code đến nửa đêm.
Có những hôm Khoa từ trường về, mưa rơi trắng xóa, gió
thổi lồng lộng lạnh thấu xương. Chuyến xe buýt cuối ngày vắng hoe, một mình
Khoa ngồi lẻ loi bên cửa, bụng đói meo, người run lên như muốn sốt. Nhưng mỗi lần
mệt mỏi muốn buông xuôi, Khoa lại nghĩ đến Ba – với cái lưng còng xuống vì bao
xi măng nặng; và Mẹ – đôi bàn tay nứt nẻ vì nước lau sàn mùa đông.
Trời không phụ lòng người. Sự cố gắng của Khoa đã được đền
bù xứng đáng sau 4 năm. Với thành tích học tập xuất sắc, lại tốt nghiệp từ một
trường đại học danh tiếng, Khoa đã nhận được thư mời phỏng vấn của Google.
Vòng phỏng vấn kéo dài 2 tuần. Khoa ôn bài đến 2, 3 giờ
sáng, luyện coding với bạn bè qua zoom, nghiên cứu những câu hỏi kỹ thuật. Mỗi
khi mệt mỏi, anh nghĩ đến Ba Mẹ và tự nhủ: “Mình không được bỏ cuộc”.
Cuối cùng, Khoa nhận được tin vui từ Google. Không một lời
nào có thể diễn tả được niềm hạnh phúc đó. Khoa gọi điện thoại về ngay cho Ba Mẹ:
– Con làm được rồi. Ba ơi… Mẹ ơi…Google nhận con rồi.
-oOo-
Ba năm sau…
Chiếc xe SUV màu xám trườn nhẹ vào khu dân cư yên tĩnh ở
ngoại ô. Khoa bước xuống, mở cửa xe cho Ba Mẹ.
Cả hai ngỡ ngàng nhìn ngôi nhà màu kem hai tầng, có sân
cỏ xanh mướt phía trước và những chậu Hồng Nhung đỏ thắm mà Mẹ thích.
Khoa mỉm cười nói với Ba Mẹ:
– Nhà mình đó, Ba Mẹ. Con đã hứa rồi mà – Con đi xa rồi
sẽ thành đạt trở về.
Mẹ nghẹn ngào, nước mắt lăn dài theo vết nhăn nơi khóe mắt.
Ba chỉ lặng lẽ vỗ vai con trai, không nói gì, nhưng đôi mắt đỏ hoe. Khoa đưa Ba
Mẹ vào nhà, căn bếp ấm cúng đã sẵn bữa ăn chiều anh nấu – canh cải bẹ xanh, cá
kho tộ và chén nước mắm có vài lát ớt.
- Con thử kho theo cách mẹ vẫn làm. Chắc cũng…không dở lắm
đâu. Khoa vừa nói, vừa giẽ cá vào chén cho Ba Mẹ.
Mẹ cười, lau nước mắt:
– Chỉ cần con nghĩ tới, là Ba Mẹ đã vui rồi.
Cả nhà ngồi quây quần quanh bàn ăn. Ngoài trời nắng chiều
dịu dàng đổ bóng sau khung cửa. Giấc mơ của Ba Mẹ, niềm hy vọng của Khoa, sau
bao năm đã thành sự thật.
Sau bữa ăn, cả nhà cùng ra phòng khách. Khoa châm trà mời
Ba Mẹ, và đặt vào tay mẹ một cuốn sổ đã sờn theo thời gian. Mẹ mở ra, tim như
thắt lại. Bên trong là những hóa đơn Khoa đã đóng tiền học, tiền ăn ở, mua sắm…
cùng dòng chữ Khoa ghi lại những lời nhắn nhủ của Ba Mẹ. Anh giữ tất cả.
Giọng Khoa run run, cố nén xúc động để nói cho hết lời:
– Con đã từng nguyện với lòng, mỗi đồng Mẹ chiu chắt gửi,
mỗi phần ăn Ba chắt bóp cho con, con sẽ trả lại – không bằng tiền, mà bằng hết
cuộc đời mình.
Mẹ bật khóc. Tiếng khóc không còn nghẹn ngào, mà vỡ òa
nhẹ nhõm, đầy ắp niềm tự hào.
Ba siết chặt Khoa, không nói một lời nào, mà chỉ lặng lẽ
rơi nước mắt – những giọt nước mắt đàn ông đã giữ lại bao nhiêu năm khổ nhọc,
bây giờ đã được phép rơi.
Tối đó, lần đầu tiên sau một thời gian lâu, rất lâu, họ
ngủ dưới mái nhà mà gió không rít qua khe cửa, không có mùi ẩm mốc và bước chân
chạy rầm rập ở tầng trên. Mẹ ngủ say, miệng mỉm cười như đang chìm trong giấc
mơ thật đẹp.
Ba vẫn còn thức, lặng lẽ bên chiếc đèn ngủ đang hắt những
tia sáng ấm áp cho căn phòng. Ký ức như một mớ ngổn ngang trong lòng – có giọt
mồ hôi nhọc nhằn, có những giọt lệ nuốt ngược vào lòng vì xót xa, bất lực không
đỡ đần hết khó khăn cho vợ con, có những lúc tưởng chừng cùng đường, bế tắc. Cuộc
đời di dân là những giấc mơ tiếp nối. Cứ đi đi, rồi sẽ đến.
Khoa đẩy nhẹ cửa bước vào phòng nhắc Ba đi ngủ, và chúc
Ba ngủ ngon.
Ba mỉm cười với con. Ngày xưa, mỗi đêm Ba vẫn vào phòng
đắp chăn và chúc con ngủ ngon với cái hôn lên trán. Bây giờ con Ba đã lớn và là
người chăm sóc lại Ba.
Khoa đứng một mình trong căn phòng vắng, nhưng không hề
có cảm giác lẻ loi. Ngôi nhà này, từ đây, sẽ ghi những dấu ấn hạnh phúc cho một
sự mở đầu hoàn hảo.
Khoa nhìn qua khung kính cửa sổ. Xa xa ngoài kia những
ngọn đèn đang hắt từng quầng sáng xuống, soi con đường dài hun hút. Con đường
này sẽ nối tiếp những con đường khác, nối vào những high way, đi khắp nơi trên
đất nước này, không bao giờ cùng tận. Như cuộc sống luôn mở ra thênh thang trước
mắt, chỉ cần ta bước tới. Tương lai lúc nào cũng rộng mở cho mỗi người. Khoa nhủ
lòng, anh sẽ mãi cố gắng vì những bữa cơm đầm ấm của gia đình.
Anh nhớ về những
ngày đầu tiên bỡ ngỡ đến trường, với chiếc ba lô to trên đôi vai run rẩy. Giờ
đây, điều quý giá nhất với anh không là căn nhà mới, không là công việc ở
Google, mà là giữ trọn vẹn được lời hứa với Ba Mẹ ngày nào :
“Con đi xa…và con đã trở về”.
Biễn Cát
No comments:
Post a Comment