Một người miền Bắc
lần đầu vào Sài Gòn có thể thấy người ta nói năng bỗ bã, ăn mặc thoải mái, sống
nhẹ như mưa bụi. Một người Nam ra Hà Nội, bối rối với những “dạ – vâng – anh –
chị – em – cháu – cô – chú – bác – thưa – gửi” lắt léo như mê cung. Họ đều ở Việt
Nam. Nhưng có lúc, họ không nghĩ vậy.
Sau gần nửa thế kỷ
thống nhất, người Việt vẫn chia hai trong ngôn ngữ, giao tiếp, tư duy, quan niệm
sống và đôi khi, trong niềm tin. Đó không chỉ là sự khác biệt vùng miền thông
thường, mà là một khoảng cách tinh thần, có khi sâu hơn cả một đường biên giới.
Bài viết này không nhằm phán xét, cũng không muốn làm trầm trọng thêm chia rẽ.
Nó là một cuộc chiếu đèn thẳng thắn và nhân văn vào một hiện thực thầm lặng: Thống
nhất đất, chưa thống nhất lòng.
Sự khác biệt giữa
người Bắc và người Nam không phải là chuyện mới sau năm 1975. Nó là kết quả của
những tầng lớp lịch sử chồng lên nhau, qua các đợt di cư, chiến tranh, thay đổi
chính thể và va đập văn hóa kéo dài hàng thế kỷ.
Miền Nam, vùng đất
của sự khai phóng. Từ thế kỷ 17, những cư dân miền Trung vào Nam khai hoang
vùng đất mới không vua chúa, không nghi lễ khắt khe. Họ sống linh hoạt, phóng
túng, khoan dung, thực tế và nhẹ nhõm.
Miền Bắc, vùng đất
của thiết chế và nghi lễ. Là trung tâm của các triều đại phong kiến, miền Bắc
phát triển một văn hóa giàu tính quy phạm, lễ nghĩa, và đề cao trật tự.
Từ 1954–1975, hai
miền phát triển theo hai hệ tư tưởng. Miền Bắc sống dưới mô hình XHCN tập thể
hóa; miền Nam sống theo kinh tế thị trường, truyền thông tư nhân, ảnh hưởng
phương Tây. Hai thế hệ lớn lên trong hai nhịp tim văn hóa khác nhau và vết rạn ấy
chưa bao giờ lành hoàn toàn.
Người Bắc quen nói
vòng, nói khéo, “ý tại ngôn ngoại” điều quan trọng thì giấu trong lớp sương mù
lịch thiệp.
Người Nam nói thẳng,
nói thật, chêm “trời đất ơi”, “muốn xỉu” như kiểu trò chuyện bên quán cóc, cởi
mở và đầy biểu cảm.
Sự khác biệt này
không xấu. Nó phản ánh hai truyền thống:
Miền Bắc, tư duy
Khổng học, trọng thứ bậc.
Miền Nam, tư duy
khai phóng, dân dã và bình dân.
Một người Bắc ngạc
nhiên khi được hỏi: “Chú ăn cơm chưa?” không biết là người Nam đang thể hiện sự
quan tâm và gọi chú để thể hiện sự thân mật. Người Bắc lại nghĩ là chú em nên
khó chịu.
Một người Nam bối
rối khi nghe một cuộc trò chuyện toàn “dạ vâng ạ” mà vẫn… chưa hiểu ý chính nằm
ở đâu.
Người Bắc: thành
công là có chức, có bằng, có quan hệ trong hệ thống.
Người Nam: thành
công là sống thoải mái, kiếm được tiền, có bạn, có niềm vui.
Ở miền Bắc, “cháu
ông nọ”, “con bà kia” có thể là tấm thẻ bảo hành xã hội. Ở miền Nam, người ta
quý “thằng đó tự thân mà lên, giỏi thiệt”.
Người Bắc chọn nhà
nước làm trung tâm an toàn. Người Nam chọn tiệm nước, chợ búa, phố phường làm
nơi sinh sống, giao dịch.
Cả hai đều phản
ánh những chiến lược sinh tồn hợp lý nhưng va chạm nhau khi cùng chen vào không
gian chung mà không hiểu bản đồ của người kia.
Chúng ta không
đánh nhau, không cãi nhau nhưng lại có hàng ngàn va chạm thầm lặng mỗi ngày:
Hôn nhân Bắc –
Nam: bất đồng từ cách xưng hô đến cách dạy con.
Đồng nghiệp: người
thì cho rằng “làm việc phải chuẩn mực”, kẻ khác lại muốn “thoải mái, miễn xong
việc”.
Hội đồng hương,
nơi người ta né xung đột bằng cách… rủ nhau về đúng “phe mình”.
Nguy hiểm hơn cả
là những kỳ thị không tên, kiểu:
“Dân Bắc vào hay
giành việc.”
“Dân Nam chỉ giỏi
ăn chơi.”
Những định kiến ấy,
khi lặp đi lặp lại, trở thành bức tường vô hình chắn giữa những con người cùng
quốc tịch, cùng tổ tiên, cùng một ngôn ngữ (mà hóa ra không cùng cách nói).
Có những câu nói
tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng lại phản ánh cả một hệ hình tư duy xã hội.
Ví dụ câu quen thuộc
nơi miền Bắc:
“Mày biết bố mày
là ai không?”
Không chỉ là sự
phô trương quyền lực kiểu gia trưởng, thiếu văn hoá, trịch thượng mà còn ẩn chứa
tinh thần tôn ti, thứ bậc và quan hệ bảo kê, vốn ăn sâu trong xã hội lấy “địa vị
làm thước đo”.
Người miền Nam, vốn
sống trong môi trường cởi mở hơn, nghe câu ấy sẽ ngớ người ra:
“Ủa, ủa, sao biết
bố mày là ai?”
Hay như chiếc nón
cối, một vật dụng quá quen thuộc với cán bộ miền Bắc sau 1954, vào Nam lại trở
thành biểu tượng khó chịu. Bởi vì với nhiều người miền Nam, nón cối từng gắn với
hình ảnh của sự kiểm soát, khẩu hiệu, mệnh lệnh và… tem phiếu, là sự thống trị
và một thời kỳ nghèo đói, thiếu thốn khó quên.
Nó không còn là
cái nón, mà là một ký ức.
Những hình ảnh như
vậy không phải để phân biệt, mà để hiểu rằng:
Có những đồ vật,
ngôn từ, cách nói… mang theo ký ức tập thể mà mỗi miền gánh mang một cách rất
khác nhau.
Và khi chúng ta bỏ
qua ý nghĩa biểu tượng trong lịch sử người kia, chúng ta dễ giẫm lên những vết
thương mà mình không nhìn thấy.
Để giải quyết tình
trạng này cố gắng không đồng hóa, chỉ cần thấu hiểu
Không cần phải giống
nhau. Chỉ cần không chê nhau khi khác nhau.
Thống nhất không
phải là cùng ăn một món, nói cùng một kiểu, mặc cùng một đồng phục. Thống nhất
là:
Biết người kia
đang nói theo ngữ pháp vùng miền của họ.
Biết “bỗ bã” chưa
chắc là vô lễ.
Biết “nói khéo”
chưa chắc là thủ đoạn.
Chúng ta không cần
một “tiêu chuẩn văn hóa Việt thống nhất”, điều đó chỉ làm nghèo đi bản sắc.
Chúng ta cần học cách dịch tâm hồn nhau, như người học ngoại ngữ, không phải để
sửa lỗi, mà để đọc được tình cảm qua khác biệt.
Ngoài những lý do
trên, còn có lý do chính trị
Không phải chỉ vì
ngôn ngữ, món ăn hay cách xưng hô mà người Việt hai miền có lúc thấy “lạ” nhau.
Còn một tầng sâu hơn, âm ỉ hơn: vết thương chính trị chưa bao giờ lành hẳn.
Người miền Nam, hoặc
đúng hơn là một phần lớn người từng sống trong thể chế Việt Nam Cộng Hòa, có lý
do để không xem “giải phóng” là giải phóng.
Với họ, 30.4.1975
không hẳn là ngày độc lập, mà là ngày mất mát. Không chỉ mất chính quyền, mà mất
cả nếp sống, sách vở, trí nhớ tập thể. Những tiệm sách bị đốt. Hàng ngàn văn
hoá phẩm bị tiêu huỷ.
Nhiều cửa hiệu,
doanh nghiệp bị tịch thu
Những viên chức,
quân nhân chế độ cũ bị đi “học tập cải tạo”. Hàng trăm người đã chết nơi rừng
sâu, nước độc vì thiếu ăn và bịnh tật.
Những gia đình bị
đưa đi “kinh tế mới”, rời thành thị về rừng sâu.
Những người bị gắn
“lý lịch xấu”, và từ đó con cái không thể vào đại học, không được làm công chức.
Biết bao nhiêu gia
đình bị ly tán, biết bao nhiêu người bỏ mình nơi biển sâu trong hành trình vượt
biển.
Đó không chỉ là
chính sách, mà là những hình phạt tinh thần kéo dài cả thế hệ.
Và trong khi ấy, một
số người miền Bắc tin rằng họ đang làm “sứ mệnh cách mạng”, mang ánh sáng chủ
nghĩa xã hội vào miền Nam.
Cái “ánh sáng” ấy,
với người bên kia, có khi chỉ là đèn dầu soi tem phiếu.
Chúng ta không cần
phải thống nhất quan điểm lịch sử. Nhưng cần thống nhất ở một điều: lắng nghe nỗi
đau của nhau.
Khi người miền Bắc
nói về “thành tựu thống nhất”, hãy để họ nói.
Khi người miền Nam
nhắc lại những mất mát, đừng bảo họ “chống phá” là “phản động”
Bởi im lặng về tổn
thương không làm nó biến mất, chỉ khiến nó hóa đá.
Việt Nam là một dải
đất dài, nhiều tiếng nói, nhiều tạng khí, và nhiều vết đau lịch sử. Nhưng khi
miền Bắc khóc vì miền Trung lũ lụt, miền Nam đau vì Hà Nội dịch giã, đó là lúc
tim ta cùng đập.
Một đất nước: nhiều
tâm hồn.
Một dân tộc: nhiều
bản thể văn hóa.
Và đó không phải
là vấn đề.
Miễn là chúng ta
không khước từ nhau, không ép nhau giống nhau, không coi nhau là lạ.
Thống nhất thật sự
không nằm ở bản đồ. Nó nằm ở một khoảnh khắc nhỏ: Khi một người Bắc nghe giọng
miền Nam mà mỉm cười. Và một người Nam nghe chất giọng miền Bắc mà thấy… cũng
là quê hương mình.
Đỗ Duy Ngọc
- https://www.facebook.com/doduyngoc
- https://www.facebook.com/share/p/1LFPh14guB/?mibextid=wwXIfr
No comments:
Post a Comment