Sunday, July 20, 2025

Tôi Và Thơ Văn - Phần II - Nguyễn Duy Phước


Thời du học và sống nơi xứ người

Đây là cái thời đã chiếm 3/4 đời người của tôi cho đến nay và còn đang kéo dài không biết đến chừng nào, cũng như đã 57 năm từ ngày tôi rời quê hương và chưa hề trở về...

Vì theo chương trình Pháo nên những xứ có thể đi du học được là Bỉ (nơi tôi đến trước nhất), Thụy Sĩ hoặc Canada (vào thời đó thì vì có chuyện hục hặc giũa ông tướng Kỳ "râu kẽm" và T.T Pháp De Gaulle nên du học sinh không thể qua Pháp ngoại trừ có học bổng).

Sau khi qua Bỉ vào năm 1968, xa cha mẹ, tôi đã như chim sổ lồng, ăn chơi lêu lỏng trước những cám dỗ của Tây phương. Lúc đó tại đây quy tụ rất nhiều con ông cháu cha, ăn xài xả láng tiền hàng tháng gia đình gửi qua, ngay đến ở V.N cũng biết tiếng. Đại học thì có ghi danh nhưng chẳng hề đặt chân đến lại thêm bị mấy cô đầm quá hấp dẫn quyến rũ khiến đầu óc mê muội đến không còn thiết tha vấn đề học hành gì cả. 


Tôi đã mất gần 3 năm vì chỉ lo ăn chơi trác táng... Bà già tôi sợ cho tương lai cậu con trai quá nên vội sắp đặt cho tôi qua Pháp vào năm 1971 (lúc đó thì từ Pháp qua Bỉ chẳng khó khăn gì). Một tay bà tính toán, sắp đặt hết để lo cho tôi ăn học lại (vì khi đó thì hết có thể gửi tiền qua đường chính thức) và nhờ có ông Bác đã ở Paris nên có thể nhận tôi và ghi danh cho tôi vào đại học Pháp. Phải nói lúc đó thì chữ nghĩa của tôi đã trả cho thầy hết rồi, bắt đầu ngồi vào học lại rất là gian nan, trần ai, khổ cực. Nhưng lại nhờ phước đức ông bà, tôi từ từ tiến lên và sau 5 năm dùi mài kinh sử, cuối cùng đã lấy được cái bằng kỹ sư. Ôi thôi hú hồn, hú vía...

Và lúc đó tính về lại V.N cũng không được vì đất nước đã mất vào tay bọn V.C rồi. Tôi đành phải ở lại Pháp, và nhờ khi đó đâu đâu cũng đón nhận và giúp đỡ người Việt tỵ nạn, nên tôi được hãng điện tử IBM, rất nổi tiếng trên thế giới thời đó, mướn với lương bổng rất khá, và tôi đã làm tại đây trong suốt 40 năm trời (rớt trúng mỏ vàng nên chẳng nghĩ đến việc đổi chỗ làm) cho đến khi về hưu vào năm 2015. 

Và vận hên cuộc đời tiếp tục, vì "nhờ mất nước" mà tôi gặp được bà xã từ Việt Nam qua Pháp tỵ nạn. Âu cũng là duyên số vì bà xã có máu lai Tây 1/4, ông nội là dân Pháp, nên qua đây chứ thật ra thì đáng lẽ đã định cư ở Mỹ rồi vì trước hết đã đến trại Pendleton, ở Cali, trại tỵ nạn đầu tiên của người Việt trên đất Mỹ trong tháng 4 năm 1975. Và tôi quen được cô nàng ở thành phố Paris rộng lớn vào năm 1976 là nhờ có một người bạn thân cặp kè với cô chị và giới thiệu cho tôi cô em. Thế là chẳng phải mất nhiều thì giờ để tìm kiếm cô vợ đẹp chứ không thì chắc cũng lấy vợ đầm như bao nhiêu bạn ở đây rồi. Và vẫn số đỏ, lấy được cô vợ tuy là có gốc Tây và khi xưa ở Sài Gòn cũng theo đuổi chương trình Pháp, nhưng công dung ngôn hạnh tuyệt vời, nhiều khi có thể còn hơn các cô gái Việt chính cống. Số tôi là "công tử bột" nên hết bà già lo rồi đến vợ lo từng ly từng tí một, một tay đảm đang, trang trải trong ngoài, tôi chỉ có nhiệm vụ đi làm kiếm tiền, còn không thì gọi là "ngồi chơi xơi nước", "chỉ tay năm ngón"...


Tất cả để nói chắc tôi mang tên Phước, mà là "Duy Phước" nữa, nên đi đâu cũng gặp may như có quý nhân phù trợ, việc gì cũng trôi chảy, từ công ăn việc làm đến vấn đề gia đạo. Và mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn còn rùng mình đã thoát được "địa ngục" nước Bỉ và nhóm bạn bè trụy lạc để gầy dựng lại tương lai, sự nghiệp có thể nói là từ "tay không". 

Chưa hết. Con người của tôi cũng đã thoát thai, lột xác, từ một tay ăn chơi bệ rạc trở thành một nhân vật đàng hoàng trong giới cộng đồng N.V đến nỗi các bạn cũ của tôi ở Bỉ không thể ngờ.

Cần biết khi tôi từ Bỉ qua Pháp thì cũng đi kiếm dân V.N cư ngụ ở đây để kết bạn và học hỏi đường đi nước bước. Thì có một nơi lúc đó quy tụ rất nhiều giới trẻ Việt du học là Tổng Hội Sinh Viên V.N tại Paris. Và cũng vào thời đó, chủ tịch của Tổng Hội là anh Trần Văn Bá, một sinh viên hải ngoại đã hiên ngang đi về nước kháng chiến nhưng sau đó thì bị bọn V.C bắt và xử tử vào năm 1985.  


Tôi bắt đầu quen biết và chơi với anh ta và từ đó con người tôi thay đổi hẳn, thay vì rong chơi lêu lỏng chẳng tích sự gì, thì tôi tham gia vào các hoạt động chống cộng và xã hội nhất là sau biến cố 1975 mà người tị nạn đến xứ Pháp cũng như mọi nơi rất nhiều. Đây cũng là một phần đóng góp của tôi cho quê hương sau khi đã bỏ ra đi một cách quá thờ ơ, vô trách nhiệm, khiến tôi ân hận mãi.

Con đường xây dựng cộng đồng N.V của tôi tiếp tục khi tôi vì công việc phải về thành phố Orleans (cách Paris khoảng 120 cây số) cư ngụ và ở đây thì tôi đứng ra điều hành Hội Ái hữu N.V vùng Loiret trong một thời gian kỹ lục gần 20 năm. Tôi không ngới đi liên kết các hội đoàn N.V chống cộng, trước hết ở Pháp và các tỉnh lân cận vùng Trung, và sau đó thì nối vòng tay lớn, cùng với các anh em trong Liên Hội N.V Canada và một số các CDNV trên khắp thết giới, thành lập Tổng Liên Hội N.V Hải Ngoại. Và phải nhắc lại mọi chuyện được vậy cũng nhờ có bà xã tề gia nội trợ nên tôi mới có thể vắng nhà thường xuyên để đi "lo chuyện thiên hạ"...


Sự nghiệp thơ văn của tôi

Bây giờ trở lại vấn đề thơ văn của tôi. Như đã nói, tôi không rành tiếng Việt, đối với tôi chỉ là "ngoại ngữ" so với tiếng Pháp mà tôi sử dụng thường xuyên hơn, con người tôi lại là dân toán học khô khan, không phải loại văn chương lãng mạn, cũng chẳng phải thuộc loại thất tình để mà có được những câu thơ lâm ly, tình tiết. Thế thì làm sao tôi biết "mần thơ"

Nhưng cũng nhờ phải tham gia các sinh hoạt hội đoàn, cần đi giao thiệp, ăn nói chững chạc trước công chúng, tranh luận các vấn đề chính trị, xã hội v.v... nên tôi đã có thể học hỏi và trao dồi thêm tiếng Việt. Và từ đó vốn liếng chữ nghĩa của tôi dần dần khá hơn. Thường thì cái gì sắp mất thì lại thấy tiếc, khi thấy bọn V.C ngoại lai và một đám Việt kiều hiện nay đi phá hoại tiếng mẹ đẻ thuần túy, thì tôi lại thấy yêu mến tiếng Việt vì nhận ra là thực sự quá phong phú, từ những cách nói lái đến thơ văn, kho tàng văn chương quá giàu không thiếu chữ nghĩa gì đến nỗi phải đi du nhập những tiếng ngoại lai, dị hợm bắt chước V.C... 

Còn nhớ tôi đã bắt đầu bập bẹ làm thơ "con cóc" khi đang làm chủ tịch Hội N.V vùng Loiret, và vào dịp Tết nhất phải ráng làm một bài thơ cho tờ báo Xuân năm 1987. Thế là sự nghiệp thơ văn của tôi bắt đầu qua bài thơ "Táo Quân" sau đây (bài rất dài nên chỉ trích vài câu đầu):


Khải tâu Thượng Đế, Thần Táo Loiret

Tết đến Xuân về, Chỉnh tề hia mão

Sửa sang quần áo, Lấy Columbia

Từ chốn quên nhà, Về không chậm trễ

Dập đầu trước bệ, Kính chúc Ngọc Hoàng

Long thể an khang, Trước thềm năm mới

Táo thần xin nói, Về chuyên dân gian

Ở nước Việt Nam, Cùng khắp thế giới

Thề không nói dối, Cũng chẳng nói thêm

Thành thật tâu lên, Để ngài thấu rõ

Chuyện to chuyện nhỏ, Chuyện gần chuyện xa

Những gì đã qua, Trong năm con Cọp (năm Bính Dần)

Công trình gom góp, Không xót một ai

Ngài hãy rửa tai, Hầu nghe cho hết

Nghe nhiều phát mệt, Vì nỗi oái ăm

Bao điều thương tâm, Kể sao cho xiết

Nói về nước Việt, Dân chúng lầm than

Nước mất nhà tan, Vì quân cộng sản

Theo bác và đảng, Mười hai năm qua

Thống trị dân ta, Lao tù bắt bớ

Vùng kinh tế mới, Đày người dân lành

Làm ruộng làm ranh, Hầu dễ cuớp giựt

Lao động cùng cực, Khiến bao triệu người

Thịt nát xương phơi, Nguyền rủa Chinh, Duẩn (Trường Chinh và Lê Duẩn)

Một lũ ngu xuẩn, Cõng rắn về nhà

Dày xéo quốc gia, Cam tâm luồn cúi...


Lúc đó bà con đã khen là hay, ít khi thấy một bài thơ Táo Quân dài và có ý nghĩa như vậy. Nhưng rồi tôi ngưng ở đó. Rồi bỗng một hôm, vào khoảng đầu năm 2000, tự nhiên ngồi không một mình (vào lúc bà xã đang đi về V.N thăm nhà), không biết có "ma nhập" hay không, lại bắt đầu "thơ với thẩn". Rồi tôi gửi cho một anh bạn có một tờ báo "lá cải" ở Pháp, khi đọc xong thì anh ta cho biết là thơ rất khá, có cái gì khác lạ, đọc nghe được lắm và khuyến khích tôi tiếp tục. Thế là tôi hứng chí và từ đó bắt đầu sự nghiệp thơ văn thực thụ. Và dần dần thì tôi gửi đăng các báo chí người Việt hải ngoại khác như blog NPN mà quí vị đã biết: 

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/ 

hay trang báo HNPD có rất nhiều đọc giả, xem link sau đây:

https://haingoaiphiemdam.com/p121/than-huu-tiep-tay.

Và không phải tự đề cao nhưng tôi nghĩ là nếu tôi gửi những bài thơ cho một số trang báo N.V ở hải ngoại khác thì họ cũng đăng.

Thế thì thơ của tôi có gì là đặc sắc không? Người thì cho là khác lạ, người thì cho là "có hồn" và ngạc nhiên về khiếu thơ văn của tôi tuy theo học chương trình Pháp từ nhỏ đến lớn, như bà chủ nhiệm blog NPN... 


Thật ra về thơ văn, khác với các ngành cần học hành đỗ đạt thành danh, có bằng cấp đàng hoàng như bác sĩ, kỹ sư, thì chẳng có quy luật hay tiêu chuẩn nào ấn định tầm độ hay dỡ của một bài thơ. Bất cứ ai cũng có thể tự cho là thi sĩ, khi hứng chí rặn ra vài câu thơ, rồi tự vỗ đùi khen "rằng hay thì thật là hay"... Do đó hay hay không thì tùy thuộc vào người đọc nhận xét và phê phán. 

Thế thì để thu hút được người đọc, theo tôi, nhưng chỉ là ý kiến riêng của một người không hề học làm thơ, thì cần tôn trọng những nguyên tắc sau đây:  

 

1/ Âm điệu của bài thơ

Đối với tôi thơ như là một bản nhạc, nhạc có note "do, ré, mi, fa, sol, la, si" thì thơ có âm điệu "bằng bằng trắc trắc" với các dấu "huyền, sắc, hỏi, ngã" và không dấu. Một bài thơ còn mang tính vần giữa câu nọ với câu kia và tổ hợp của các câu gây ra âm hưởng nhạc tính trong bài. 

Như đã nói, khi học môn Việt văn ở Trung học thì lâu lâu có ông thầy đọc cho nghe một vài bài thơ của những thi sĩ rất nỗi tiếng thời xưa cũng như thời nay, chẳng hạn bài thơ Đường "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan, một nữ sĩ yêu nước, như sau (chỉ đăng 4 câu cuối):

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Dừng chân đứng lại trời non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta...


hoặc khi nghe một bản nhạc được sáng tác qua bài thơ "Chân Quê" của Nguyễn Bính, một thi sĩ mà tôi rất ưa thích:

Hôm qua em đi tỉnh về

Đợi em ở mãi con đê đầu làng

Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng

Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi

Nào đâu cái yếm lụa sồi

Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân

Nào đâu cái áo tứ thân

Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen...


Tôi nghe những bài thơ này, diễn tả nỗi niềm đối với quê hương cũng như tất cả vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của vùng thôn quê, tự nhiên thấy có gì lâng lâng trong tâm hồn và từ đó tự nhiên tôi bắt đầu yêu thích thơ. Khi nào đọc được bài thơ nào hay thì cứ nhớ, và lâu lâu lại "ê a" cũng như những ai khi thích một bản nhạc thì cứ ngân nga, riết rồi tự nhiên âm điệu và cách đặt vần thơ của các loại thơ dần dần ghi vào ký ức... Chắc nhờ vậy mà khi tôi làm thơ, âm vận bằng bằng trắc trắc không sai tuy rằng chẳng bao giờ học làm thơ và cũng chẳng biết là loại thơ gi. Và để chắc rằng bài thơ đúng âm điệu thì khi làm xong một bài thơ, tôi cứ đọc to lên nhiều lần để nghe xem có lọt tai hay không.  


2/ Ý của bài thơ

Ý là cái hồn của bài thơ, như người ta thường nói bình rượu ngon không phải vì cái vỏ bề ngoài mà là những gì được chứa đựng trong bình. Ý có trong sáng, mạch lạc và hấp dẫn thì bài thơ mới thu hút người đọc. Do đó, chọn một đề tài cho bài thơ rất là quan trọng vì chỉ cần một ý tưởng nào đó thể hiện được tâm tình của người đọc là bài thơ được cho là hay. Khi nói về đề tài thơ thì tôi lại trở về với âm nhạc. Nhiều khi làm thơ riết rồi không biết viết gì thêm, nhưng nhờ lâu lâu nghe được một bản nhạc hay nào đó thì lại giúp tôi có thêm ý để sáng tác. Các nhạc sĩ, tuy rằng không phải là thi sĩ thật sự, nhưng cũng có những sáng tác đủ loại, từ nhạc quê hương, chiến chinh đến tình tiết éo le, và nhiều khi có những lời nhạc không thua gì các thi sĩ như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Văn Đông, Lam Phương v.v... Thường thì muốn có ý dồi dào để làm thơ thì cần phải có trải qua những tình huống lâm ly bi đát, "nước mắt lã chã", riêng tôi thì cuộc đời quá "bằng phẳng" nên nhiều khi phải cố moi óc tưởng tượng những hoàn cảnh này. 


3/ Đề tài của bài thơ

Đề tài thì rất nhiều, chẳng hạn về tình yêu, quê hương, chiến tranh, các mùa v.v... Nhưng phải nói thường thì những bài thơ lôi cuốn và thu hút đọc giả là những bài có đề tài tình tiết éo le, thật là ướt át so với những đề tài về chiến tranh, có hơi khô khan...

Thật vậy tôi yêu thích thơ là nhờ những bài thơ yêu đương lãng mạn như sau:

Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?

Bao giờ tôi hết được yêu vì,

Bao giờ mặt nhật tan thành máu

Và khối lòng tôi cứng tựa si?

Họ đã xa rồi khôn níu lại,

Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa...

Người đi, một nửa hồn tôi mất,

Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

("Những Giọt Lệ" của Hàn Mạc Tử)

***

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé

Tôi sẽ trách cố nhiên nhưng rất nhẹ

Nếu trót đi, em hãy gắng quay về

Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề

Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở

Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ

Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa...

("Ngập Ngừng" của Hồ Dzếnh)

***

Vì em là một bài thơ

Vì em là một giấc mơ khôn cùng

Tôi xin ôm lấy vào lòng

Tôi xin giữ lấy trọn vòng thời gian

Tôi xin sung sướng vô vàn

Để ca ngợi, để mơ màng em luôn

Tôi xin dành một chiếc hôn

Đặt lên tất cả tâm hồn thơ ngây

Tôi xin dâng cả bàn tay

Nhẩn nhơ ràng buộc chuỗi ngày lơ thơ...

("Vì Em" của Nguyễn Bính)


4/ Chữ nghĩa dùng trong bài thơ

Cũng cần phải biết tiếng Việt nhiều để thể hiện được một cách chính xác ý bài thơ. Tuy nhiên không cần phải dùng chữ bóng bẩy, khó hiểu cho lắm, mà cần những chữ diễn tả đúng tâm trạng, đi vào lòng người. Chẳng hạn bài thơ "Hai sắc hoa tigôn" của T.K.T.T sau đây, các chữ dùng có gì là cầu kỳ đâu nhưng rất thấm thía:

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,

Trời ơi! người ấy có buồn không?

Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ

Tựa trái tim phai tựa máu hồng?

hoặc


Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!

Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu...

("Vì Sao" của Xuân Diệu)


5/ Vần thơ

Có người cứ tưởng thơ phải có vần. Không, theo tôi tuy rằng thơ cần có vần để khác với văn suông, nhưng đừng để ý thơ bị hạn hẹp bởi vấn đề vần. Nhiều người vì vậy mà cứ cố đi tìm vần đến nỗi phải lật lộn, chế biến chữ nghĩa ngược ngạo như V.C, thấy rất gượng gạo, gò bó đánh mất hồn thơ. Vì vậy, một bài văn không cần vần cũng có thể là một bài thơ hay nếu sự chọn lọc các từ trong đó súc tích và gây cảm xúc cho người đọc. Và khi nói về vần thì cũng tùy thuộc vào các thể loại thơ như đề cập sau đây. 


6/ Các thể loại thơ

Thi văn V.N rất phong phú và có rất nhiều thể loại, từ thơ cũ (của những thi sĩ thời xưa) đến thơ mới, có nào là thơ Đường Luật, Thất Ngôn Bát Cú, thơ Lục Bát, thơ 4 câu 7 chữ, thơ 8 chữ v.v.... Mỗi loại thơ đều có một đặc điểm tùy theo thị hiếu và sở thích của mỗi người.


6.1/ Thơ Đường Luật

Trong các thể loại thơ, thì thơ Đường Luật là khó thực hiện nhất, vì không những cần có vần mà các chữ phải đối với nhau (đặc biệt của thể thơ này là câu 3 đối với câu 4, và câu 5 đối với câu 6) , chưa kể là phải đúng luật bằng bằng trắc trắc như định nghĩa trong link sau đây: 

https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C6%B0%E1%BB%9Dng_lu%E1%BA%ADt

Rất nhiều những bài thơ thời xưa đúng luật lệ hẳn hòi của những thi sĩ như Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương v.v...  đã đi vào kho tàng thi văn V.N, chẳng hạn các bài thơ sau:  

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

(Thu Điếu, Nguyễn Khuyến)


Đọc bài thơ này mới thấy là văn chương và chữ nghĩa tiếng Việt quá phong phú và phải ngả nón bái phục tác giả đã dùng những từ như: "trong veo", "tẻo teo", "đưa vèo", "vắng teo" rất độc đáo...

hoặc trong một địa hạt khác:

Một đèo, một đèo, lại một đèo,

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.

Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,

Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,

Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.

Hiền nhân, quân tử ai là chẳng ...

Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo.

("Đèo Ba Đội" của Hồ Xuân Hương)


Trong bài thơ trên cũng phải thán phúng bà Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm, đã biết sử dụng một cách tài tình các chữ có nhiều nghĩa bóng gió, vừa thanh vừa tục như: "cửa son đỏ loét", "đầm đìa lá liễu", "lún phún rêu"... 

Riêng tôi thì không tài ba như vậy, nhưng cũng ráng sáng tác vài bài thơ "Song Thất Bát Cú", không biết có đúng luật lệ hay không, sau đây:

Chẳng mấy khi gặp lại bạn hiền

Mừng mừng tủi tủi cảnh đoàn viên

Chén anh chén chú cho thỏa chí

Ly cụng ly nâng cạn nỗi niềm

Cách biệt bao năm giòn câu chuyện

Sum vầy giây chốc mãi hàn huyên

Rượu thắm men nồng càng quyến luyến

Tiệc tàn chưa trọn mảnh tình riêng.

***

Tết lại về đây gợi nhớ thương

Chia ly vời vợi cách đôi đường

Người xưa biền biệt, sầu đơn bóng

Chốn cũ mù khơi, xót dặm trường

Xuân sương bàng bạc, màu tê tái

Mây ngàn giăng mắc, áng thê lương

Trông Tết, trông Xuân càng tiếc nuối

Nghìn thu chất ngất nỗi hoài hương.


Và cũng bắt chước Tú Xương mà tôi rất thích vì số phận long đong tuy tài thi phú tuyệt vời, với các bài thơ biếm như sau:  

Lẳng lặng mà nghe chúng nó khoe

Hết khoe nhà cửa đến khoe xe

Chồng khoe danh vọng, quan với tước

Cậu khoe bằng cấp, cử với nghè

Bà khoe châu ngọc đeo hào nhoáng

Chị khoe xiêm áo mặc sum xoe

Đất nước lầm than, dân thống khổ

Ai chết mặc ai, chúng cứ lòe.

***

Anh em đừng chê tớ lai căng

Ngày Tết cữ kiêng cứ lằng xằng

Giao thừa xông đất, không người hạp

Mồng một lo cầy, ngại chủ hăm

Lũ trẻ tây u luời mừng tuổi

Bu nó đầm lai sợ chay rằm

Năm mới điệu này e chẳng khá

Thôi thời còn cách... rán xin xăm!


6.2/ Thơ Lục Bát  

Thơ lục bát là loại thơ đã thấm nhuần trong tâm hồn người Việt vì đó là thể thơ thường thấy trong ca dao, tục ngữ, truyện Kiều của Nguyễn Du, và cũng mang đậm tính chất bình dân, tình tự. 


Ca dao, tục ngữ như:

Thương người như thể thương thân

Ở sao có nghĩa có nhân mới là

hoặc

Đố ai biết lúa mấy cây,

Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng

Đố ai quét sạch lá rừng,

Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây

Rung cây, rung cội, rung cành,

Rung sao cho chuyển lòng anh với nàng...

(Khuyết danh)

 

Thơ Kiều của Nguyễn Du, chẳng hạn bài thơ "Gia Đình Họ Vương":

Đầu lòng hai ả tố nga,

Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân

Mai cốt cách tuyết tinh thần,

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười...

 

Và một vài câu thơ tôi sáng tác như:

Em đi thu tím gót buồn

Tôi về nghe tiếng mưa tuôn trong lòng

Em đi thổn thức dòng sông

Tôi về canh vắng đèn chong nhớ người...

***

Dáng em gót ngọc thiên kim

Thướt tha tà áo trinh nguyên tuyệt vời

Nghiêng nghiêng bóng ngã đường mơ

Để anh thơ thẩn, ngẩn ngơ sớm chiều...

Và từ loại thơ lục bát lại đẻ ra thêm một số loại phụ như 2 câu 6 chữ đi với 2 câu 7 chữ, như: 

Đầu năm tớ cũng như ai

Chúc mừng cô bác trong ngoài gần xa

Trước chúc thọ cụ già trăm tuổi

Thú điền viên rong ruổi tiêu dao

Sâm nhung tẩm bổ dồi dào

Cháu con hầu thiếp thay nhau nâng chiều...


hoặc 2 câu 6 chữ đi với 2 câu 8 chữ, như:

Ta rong ruổi nơi xứ người đơn bóng

Nghe hư không vang vọng tiếng tơ sầu

Tâm tình biết gởi về đâu

Niềm thương nỗi nhớ dạt dào quê hương...


6.3/ Thơ 4 câu 7 chữ

Lọai thơ này cũng rất thịnh hành và theo tôi là loại thơ nghe rất "êm tai", đi vào lòng người, chẳng hạn bài thơ "Hai sắc hoa tigôn" của T.K.T.T đã đề cập ở trên và vài câu thơ sau đây:


Đôi tám yêu đương em biết gì

Thơ ngây còn quyện bước chân đi

Riêng ta sầu đã dâng đầy ngõ

Lòng nghe tràn lấp mối tình si.

***

Một nửa vầng trăng rủ chơi vơi

Còn nửa vầng trăng đã vỡ rồi

Gánh trăng đổ xuống gieo sầu nhớ

Ngậm ngùi sóng nước ánh trăng rơi


Một thể loại khác của thơ 4 câu 7 chữ, như:

Ai còn mơ tưởng mùa xuân mới

Riêng tôi đợi mãi tóc pha màu

Xuân qua đất khách buồn vời vợi

Cứ mỗi mùa xuân một nỗi sầu!


6.4/ Thơ 8 chữ

Loại thơ này gần như thơ tự do và có thể diễn tả ý nghĩ một cách sâu sắc và đầy đủ hơn, như trong các bài thơ sau đây:

Quê tôi đó, bốn nghìn năm văn hiến

Bao cuộc bể dâu, chinh chiến buồn vui

Khiến mẹ già dòng lệ mãi sụt sùi

Khóc vận nước, ngậm ngùi cho số kiếp...

***

Thời gian hỡi có nghe xin dừng bước

Đưa ta về tìm mộng ước xa xưa

Dù quê hương nắng sớm lẫn chiều mưa

Ta vẫn thấy nặng tình dưa với muối...


Đến đây lại phải nói sự thay đổi hoàn toàn trong con người của tôi, từ một tay chữ nghĩa tiếng Việt "ba xí ba tú" đến biết làm thơ, khiến các bạn tôi khi xưa lại một phen giựt mình, không thể ngờ. Và cũng để nói lên mối duyên tao ngộ của tôi và thơ văn khó có thể giải thích như đã đề cập lúc đầu. Thơ văn giờ đây là lẽ sống của tôi vì qua đó mà tôi không ngớt tìm thấy những cái hay cái đẹp của nền văn chương ngàn đời của nước Việt.

Để kết luận về cuộc đời  thăng trầm, "sóng gió" của tôi thì tất cả đều do số phận định mệnh an bài và không có gì là trường cửu trong cuộc đời này:

Ngẫm kiếp nhân sinh thế sự đời

Định mệnh an bài phải chịu thôi

Giàu sang quyền quý rồi tay trắng

Trí thức tài cao cũng lỡ thời

Tranh chấp hơn thua hao tổn sức

Đua đòi so sánh mất công toi

Sự nghiệp công danh như gió thoảng

Chẳng qua chỉ là giấc mơ thôi.

 

Nguyễn Duy Phước


Chú thích: Tất cả những câu thơ trong bài này là do tôi sáng tác ngoại trừ những câu có để tên các tác giả khác.

No comments:

Post a Comment