Nhà tù Pentridge
Người ta hay nói: “Đi Mỹ để mần giàu, đi Canada để tìm
yên bình, còn tới Úc… là lỡ bị bắt quả tang!” Ừ thì nghe qua tưởng nói giỡn,
nhưng coi bộ cũng trúng phóc. Bởi có nước nào đâu mà ra đời từ một… bến tàu áp
giải, rồi mần ăn lên như diều gặp gió, thành một xã hội văn minh tử tế như nước
Úc mình. Tù xưa ở đây không là chuyện buồn phải giấu nhẹm, mà thành…”di sản văn
hóa” luôn rồi mới ghê!
Người Úc thời nay cứ thích chọc quê gốc gác của mình:
– Ủa, ông cố mày đến Úc bằng gì vậy?
– Dạ, bằng tàu Hải quân Hoàng gia Anh!
– Trời, quý tộc hả?
– Dạ hông… tội phạm! Mà là tội phạm cao cấp – được tặng
vé một chiều, hạng còng tay ngay lúc ngủ!
Đừng tưởng Úc tự trào, bêu xấu ông cố nội mình nghen.
Thiệt ra, từ năm 1788 tới 1868, hơn 162 ngàn người Anh và Ireland được “xuất cảng”
sang Úc – phần lớn chỉ vì tội tày trời như chôm một ổ bánh mì. Vậy mà mấy ông
bà này xuống tàu, xắn tay lên mần đường, xây phố, đẻ con, lập nước – rồi thành
công dân hẳn hoi, đóng thuế đàng hoàng. Ai nói tội phạm là không có tương lai?
Từ làng quê nước Anh tới… bức tường đá xanh Melbourne.
Cái nhà tù Pentridge ở Coburg, vùng ngoại ô bắc Melbourne là một trong mấy “báu
vật” thời tù tội còn sót lại. Nó được xây từ năm 1850, đặt tên theo một làng nhỏ
ở Dorset, bên Anh, quê của vợ ông Henry Foot – người khảo sát đầu tiên đặt chân
tới đây. Mà tiếc thay, cái tên nghe hiền khô như vậy mà gắn liền với xiềng sắt,
cùm chân, và… án tử!
Hồi đó dân tứ xứ ham vàng kéo về tiểu bang Victoria đông như kiến. Người tới thì đông, mà chỗ nhốt người làm bậy thì thiếu. Nhà tù chính ở trung tâm Melbourne thì chật như cá mòi hộp, nên chính quyền dựng trại giam tạm ở Pentridge. Ban đầu chỉ là mấy cái lán gỗ lợp tôn, cỡ chuồng heo loại bét, không điện, không nước, không ước mơ chi sất.
Rồi từ năm 1858, mấy ông cai ngục bắt tù nhân đập đá
xanh địa phương – thứ đá cứng như tình cũ – để xây thành nhà giam kiên cố. Tù
nhân đập đá, gánh đá, xây tường để nhốt chính mình. Rồi lại lịch sự dùng đá đó
lót luôn Sydney Road chạy một hơi tới Sydney, thủ phủ tiểu bang NSW (New South
Wales). Người Úc nói chơi: “Tổ tiên tụi tao khỏi cần Hệ thống Định vị Toàn cầu.
(GPS). Thuyền dừng ở đâu là ‘định cư’ ở đó!”
Nhà tù Pentridge không phải ‘resort’, khu nghỉ mát, đâu
nghen. Buồng giam tối om, mùa đông thì lạnh thấy tía, mùa hè thì nóng hầm hập
như thùng nước lèo sôi sùng sục. Tù nhân dậy sớm, đi lao động từ gà gáy tới sẩm
tối: nào là đập đá, gánh nước, trồng rau, nấu ăn. Vi phạm thì bị cùm chân, bỏ
đói, biệt giam! Chuyện vượt ngục chỉ là mơ rồi mớ!
Tới khi dân la làng chói lói, chính quyền thuộc địa bớt
man rợ hơn, mới nới lỏng một chút. Nhà tù được chia khu: A, B, D… phân loại từ
thường phạm tới tử tù. Có luôn phòng y tế, nhà nguyện, tháp canh… nhìn vô thấy
cũng có vẻ nhân đạo hơn – nhưng chớ dại mơ vô ở thử.
Khu D là nơi rùng rợn nhứt Pentridge – vì từng diễn ra
11 vụ xử tử hình từ 1932 tới 1967. Trong số đó, có mấy vụ làm dân tình vừa nổi
da gà.
Như vụ Eddie Leonski – lính Mỹ đóng ở Melbourne Thế chiến
thứ hai để đi đánh nhau với Nhựt Bổn. Hắn giết 3 người phụ nữ chỉ để “nghe giọng
của nạn nhân vô tội khò khè lúc chết”. Kết quả: Leonski bị treo cổ tại
Pentridge vào ngày 9/11/1942 – trở thành công dân Mỹ đầu tiên (và chắc cũng là
cuối cùng) bị xử tử ở Úc.
Vụ cuối cùng là Ronald Ryan – vượt ngục, bị buộc tội bắn
chết cảnh sát. Nhưng Ryan một mực kêu “oan tao lắm!”. Cả nước rộ lên biểu tình
phản đối, dân biểu tiểu bang cãi nhau chí chóe như khỉ trong Melbourne Zoo (Sở
thú). Dân đứng trước cổng nhà tù hôm xử tử hát thánh ca cầu hồn tử tội. Vụ án xử
giảo nầy là giọt nước tràn ly đã đầy nhóc nước, khiến Úc bãi bỏ án tử vào năm
1975. Cái chết của Ryan – như người ta nói – “giết người lần chót để chấm dứt
việc giết người mãi mãi”.
Quán rượu vang sang trọng Olivine tại Nhà tù Pentridge
Nhà tù thành… khu dân cư! Pentridge đóng cửa năm 1997.
Ban đầu, nó bị bỏ hoang, nhìn vô thấy quỷ không hè đến ma còn sợ. Nhưng rồi,
chính quyền tiểu bang Victoria không muốn con dân nhớ tới cái vụ Sir Rohan
Delacombe (Sơ Rô-hần Đê-la-kơm) Thống đốc tiểu bang Victoria (Governor of
Victoria) từ năm1963 đến 1974 không tha chết cho Ronald Ryan nên nghĩ ra cái độc
chiêu: biến nhà tù thành khu dân cư cao cấp! Mấy ông cò đất mừng hú hồn, đặt
tên lại nghe oách như “Pentridge Village” (làng Pentridge)
Tất nhiên, vài chỗ vẫn giữ nguyên: tường đá xanh, cổng lớn,
tháp canh, nhà nguyện. Một số buồng giam được “nâng cấp” thành… bảo tàng lịch sử.
Du khách vô xem, chụp hình, nghe kể chuyện vượt ngục, xử tử, và ngồi… uống cà
phê dưới bóng tháp canh. Cảnh tượng bây giờ thiệt khó tin: người ta ngồi đọc
sách giữa sân cũ, nghe nhạc jazz trong buồng giam tử tù. Thậm chí có tour nghệ
thuật “Từ còng tới cọ”, triển lãm tranh trong phòng biệt giam. Không biết mấy hồn
xưa có chịu nổi không?
Người Úc có cách nhìn quá khứ rất… dễ thương. Họ không
giấu gốc gác tội phạm mà còn cười hí hí:
– Người Mỹ tự hào tổ tiên là ‘cowboy’.
– Người Úc hãnh diện tổ tiên bị ‘cowboy’… bắt nhốt!
Nhưng cái hay là: Úc không vinh danh tội lỗi, mà tôn
vinh khả năng vượt lên. Từ tù nhân, họ thành công dân. Từ nhà tù, họ tạo nên di
sản. Và từ nỗi buồn xiềng xích, Úc viết nên một chương đời nhân văn, đậm đà chất
Úc. Hổng có cái vụ đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào xong chạy theo xin tiền tụi nó
bao giờ.
Nói nào ngay, cũng đâu có nước nào dám nhìn lại quá khứ
bằng cặp mắt dí dỏm như vậy.
Ở Úc, còng tay xưa nay được trưng bày trong bảo tàng để
nhắc: ngay cả từ đáy vực, con người cũng có thể lè lè, sáng uống Cappuccino, tối
ăn Fish and Chips, uống beer Victoria Bitter, trèo lên giường bằng nghị lực… và
một nụ cười hài hước.
Đoàn Xuân Thu
No comments:
Post a Comment