Hình như chúng ta, những "người không còn trẻ nữa" thuộc hạng tuổi U60, U70, U80 không quên nhiều thì quên ít vì bộ não của chúng ta hình như bị "teo" lại nên sức nhớ cũng bị giảm đi ít nhiều.
Bài tâm tình hôm nay của người viết nói lên thực trạng
"Quên" của những người không còn trẻ nữa như chúng ta. Bạn và tôi phải
chấp nhận sự "Quên" này và cố gắng khắc phục nó bằng cách này hay
cách khác để có thể nhìn đời còn một chút màu hồng, bạn
nhé! Bạn đồng ý chứ
Nói là nói thế chứ quý vị cao niên quên thì cứ quên vì với những “người không còn trẻ nữa” trên dưới 60-80 tuổi, nếu nói rằng “tôi không hay quên” thì thật là “chuyện lạ bốn phương”, nếu không muốn nói là anh hay chị đã “tự dối lòng” với “trái tim không ngủ yên” của mình rồi.
Ngay chính bản thân người viết, nhiều khi tự bảo sẽ làm một chuyện gì đó ví dụ như bỏ thịt cá ra xả đá để nấu ăn, thế mà khi lên internet tìm tài liệu viết bài, tôi mê lướt internet đến nổi quên béng việc này. Đến khi gần tới giờ ăn, tôi xuống bếp đinh nấu một nồi canh thì hỡi ơi, cục thịt kia vẫn còn nằm an ổn trong ngăn đá tủ lạnh. Thế là ngày hôm đó, tôi phải “tự biên tự diễn” thay đổi thực đơn một cách nhanh chóng kẻo ông xã đói bụng thì mệt lắm.
Nói đâu cho xa, mới ngày hôm qua thứ hai
7-21-2025, tôi đã quên chuyện tôi không nhớ chỗ tôi mới vừa đậu
xe để vào nhà hàng mua thức ăn buổi chiều cho gia đình sau khi
tôi đi chợ và giải quyết nhiều chuyện linh tinh khác từ 10 giờ
sáng đến 4 giờ chiều mới xong việc.
Con đường SE 82 khúc gần đường SE Division đang sửa chữa, nên tôi phải lái xe lòng vòng mới đến được nhà hàng để mua thức ăn buổi chiều cho tiện việc khỏi phải nấu nướng cơm chiều, mệt quá!
Mua thức ăn xong ra ngoài tìm xe để về thì
không thấy chiếc xe mình đâu cả.
Hết hồn! Tôi gọi phone cho cậu công tử lái xe ra "cứu bồ" chở tôi về nhà. Trong khi chờ đợi, tôi đi loanh quanh các đường nhỏ dọc theo thương xá thì thấy xe mình đậu chình ình ở lề đường cạnh một công viên gần nhà hàng!
Mèn ơi! Trước khi vào nhà hàng tôi đã dời xe của tôi đến chỗ khác tốt hơn nhưng tôi lại không nhớ chỗ đậu xe mới đổi tốt hơn này, mà lại đi tìm xe ở chỗ đậu xe cũ không tốt. Thế mới có màn "Bé nhớn nhầm" hết hồn này!
Trời ơi! Mừng quá! Tôi gọi phone kêu cậu công
tử không cần lái xe ra gặp tôi vì tôi đã tìm được xe rồi nhưng công tử đã
lái xe tới để "hộ tống" mẹ lái xe về nhà
an toàn. Ăn cơm xong, mệt quá tôi đi ngủ ngay sau khi cất dọn thực phẩm,
thịt cá vào tủ lạnh và hẹn ngày mai sẽ viết bài MCTN như thường lệ.
Tạ ơn Phật Trời đã gia hộ và thân nhân quá vãng đã phù hộ tôi có một ngày bình an như mọi ngày. Có cảm tất có ứng, Bạn ạ.
Như vậy là tôi cũng đã bắt đầu quên quên nhớ nhớ rồi vì không nhớ nơi mình đã đậu xe. Smile!
Tôi cũng thường nói đùa với bạn bè rằng: “Thiên tài thường hay đãng trí” để tự bào chữa cho mình mỗi khi tôi quên một chuyện gì. Đó chỉ là để đùa cho vui mà thôi chứ mỗi khi quên một chuyện gì là tôi thấy mắc cở và cũng buồn bã lắm vì biết mình đã “không còn trẻ nữa” rồi nên mới hay quên như thế.
Còn phu quân của tôi, thì khỏi nói rồi, chàng thuộc chữ
“Quên” nhiều hơn chữ “Nhớ. Đôi khi chàng vẫn thường lạc đường đi lối về
dù con đường đó “đã bao lần đôi ta cùng chung bước, đôi ta đi chung đường.”
Bây giờ, tuổi càng ngày càng cao, chàng càng
ngày càng quên nhiều hơn nữa, Nếu "boss" không quên
đóng cửa thì "boss" lại quên tắt đèn, nếu "boss" không
nhớ hôm nay là ngày nào trong tuần thì "boss"lại quên giờ hẹn
làm răng với nha sĩ v..v... Tự nhiên, người viết lại có "job" làm "bí
thư" cho chàng, " He is my boss", tôi thường nói thế với bạn của
tôi. Tôi nhắc nhở lịch trình hôm nay "boss" có hẹn đi bác
sĩ khám mắt khám răng, tôi nhắc nhở "boss" nhớ uống thuốc buổi
trưa sau khi ăn cơm trưa, nhắc nhở "boss" nhớ uống
thuốc buổi chiều sau khi ăn cơm chiều v....v...
Ngày xưa, chàng và tôi thường hay cười nhạo một ông bạn lớn tuổi hơn chúng tôi sao cứ ghi ghi chép chép những việc phải làm trong ngày trong một tờ giấy dài như "sớ táo quân", rồi xóa xóa bỏ bỏ những việc đã làm trong danh sách này. Bây giờ tôi lại bắt chước y chang ông bạn này cũng ghi ghi chép chép những việc cần làm trong ngày trong một tờ giấy và "step by step" giải quyết mọi chuyện theo thứ tự ưu tiên. Nhờ thế mà tôi ít quên hay bỏ sót việc mình cần nên làm.
Cám ơn ông bạn PNT nhé. Ông là thầy giáo dạy ESL các trường trung học tại Portland ngày xưa cũng là thầy giáo dạy cho người viết bài học "luyện trí nhớ" ngày nay. Tôi đã học được một điều tốt từ nơi ông bạn này. Việc gì hay thì nên học và bắt chước theo để làm việc có kết quả tốt đẹp hơn, không có gì đáng mắc cở, tự ái "hảo" cả. Ngay cả với đứa bé ba tuổi, chúng ta cũng phải học từ các cô cậu tí hon này tính chân thật, hiền lành, vô tư của bé nữa đấy Bạn có đồng ý với tôi không?
Tôi có khuyên chàng cũng nên làm như thế nhưng chàng chẳng chịu làm vì đã có tôi là " thư ký riêng" lo hết mọi việc cho chàng rồi! Phẻ re!
Có thể là người viết còn trẻ hơn chàng hay là tại vì
tôi thích vận dụng trí óc đi tìm tòi tài liệu về viết bài cho bà con đọc cho
vui cho nên tôi vẫn còn “nhớ nhớ” nhiều chuyện hơn là giống chàng
“quên quên” nhiều chuyện chăng? Thế mới biết chúng ta cần phải để cho trí
não hoạt động nhiều hơn, tích cực hơn mới được, nếu không, bộ óc của ta bị “teo
nhỏ” lại thì phiền lắm đấy nhé.
Viết đến đây người viết nhớ đã có đọc một tài liệu nói về “bộ óc bị teo nhỏ” gọi tắt là “Teo Não” xin được chia sẻ cùng quý bạn nhé.
Bệnh teo não là gì?
Teo não là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa. Có
nhiều bệnh ảnh hưởng đến sự tồn tại và hoạt động bình thường cũng như kích
thước của não. Phần lớn trên phim XQ sọ thẳng nghiêng teo não cho hình ảnh
trên phim là sự nhỏ đi của não trong hộp sọ, trên phim cộng hưởng từ thì thấy
thêm hình ảnh mô não thưa, các rãnh não giãn rộng.
Bệnh teo não là một bệnh nặng của các tế bào thần kinh
trung ương. Một đặc điểm chung của bệnh này là sự mất dần của các tế bào thần
kinh hoặc mất kết nối giữa các tế bào thần kinh trong não.
A, Triệu chứng của bệnh teo não
Một số dấu hiệu mắc bệnh teo não như sau:
Mất trí nhớ: là triệu chứng đầu tiên và
xuất hiện rất sớm, ngày càng nặng và không hồi phục. Bệnh nhân thường mất trí
nhớ gần (quên những sự vật mới xảy ra). Dần dần họ quên ngày, tháng, quên tên vợ
con mình. Khi ra khỏi nhà thì quên đường về, quên rửa mặt, quên cài cúc áo,
quên mặt vợ (hoặc chồng) của mình.
Rối loạn ngôn ngữ: biểu hiện sớm và khó tìm từ để biểu hiện ý tưởng. Họ khó phát
âm, nói không trôi chảy sau đó mất dần khả năng ngôn ngữ.
Rối loạn phối hợp động tác: bệnh nhân không chú ý đến trang phục, mặc quần áo rất khó
khăn, khó thực hiện những công việc hằng ngày. Bệnh nhân yếu cơ, run, hay bị
chuột rút vì vậy ảnh hưởng đến các công việc vệ sinh cá nhân như tắm, rửa, thay
quần áo…
Rối loạn chức năng nhận thức: rối loạn trí nhớ dẫn đến rối loạn khả năng nhận thức, người bệnh
dần không có khả năng định hướng không gian, thời gian, không tính được các
phép toán đơn giản…
Trầm cảm: thường
xuất hiện ở giai đoạn sớm, có 25,85% bệnh nhân có trầm cảm. Tuy nhiên các triệu
chứng trầm cảm là không ổn định. Có lúc bệnh nhân có ý định tự sát, nhưng sau
đó lại xuất hiện khoái cảm.
Các triệu chứng loạn thần gặp ở 10,30% số bệnh nhân. Thường gặp là hoang tưởng bị hại,
nhưng đôi khi cũng có ảo thị giác với các hình ảnh kỳ quái.
B, Nguyên nhân mắc bệnh teo não?
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh teo não thường là những
người cao tuổi. Ngoài ra, bệnh teo não có nhiều nguyên nhân có thể do di truyền,
do các bệnh của hệ thống mạch máu nuôi dưỡng não như hẹp động mạch cảnh, dị dạng
mạch máu hay xơ vữa động mạch. Các mô hình và tốc độ tiến triển của teo não phụ
thuộc vào các bệnh có thể là nguyên nhân như sau:
- Chấn
thương sọ não.
- Sử
dụng steroid thường xuyên.
- Bệnh
Alzheimer.
- Bại
não.
- Người
già mất trí nhớ, sa sút trí tuệ do xơ vữa mạch máu.
- Bệnh
pick, gây ra sự phá hủy dần các tế bào thần kinh trong não.
- Bệnh
Huntington.
- Leukodystrophy,
bệnh Krabbe.
- Bệnh
đa xơ cứng, gây viêm, tổn thương myelin, và tổn thương trong mô não.
- Bệnh
động kinh
- Tiểu
Ðường loại II.
- Encephalomyopathies
ty lạp thể, chẳng hạn như hội chứng Kearns-Sayre.
- Viêm
não, viêm cấp tính ở não.
- Nhiễm
trùng trong não hoặc tủy sống.
· AIDS và bệnh của hệ thống miễn dịch
(Nguồn: teonao.vn)
Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta cũng cần phải học cách quên đi những sự buồn phiền xãy ra trong gia đình, ngoài xã hội thì mới có thể sống vui sống khỏe được. Tôi vẫn nhớ câu nói của một bậc hiền trí nào đó mà tôi không biết tên để làm châm ngôn cho cuộc sống của mình:
“Nhớ những cái cần nhớ, quên những cái nên quên, sống cuộc sống cởi mở, trong lòng không vướng mắc thì cuộc sống này sẽ thật tươi đẹp.”
Cuộc sống con người nơi trần
thế quên quên nhớ nhớ là thế đấy!
Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Sương Lam
(Nguồn: tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 771- ORTB 1122-7232025)
Sương Lam
Website:
www.suonglamportland.wordpress.com
Cám ơn chị Sương Lam. Bệnh quên là bệnh chung của tất cả những người già. Em bây giờ cũng quên nhiều lắm. Cầu xin cho chúng ta chỉ quên tới mức độ này thôi chớ mà quên nữa thì hết biết đường về nhà.
ReplyDeleteQuên cở này thì còn cười cười với nhau nổi chớ một khi mà không nhân ra được người thân thì thê thảm biết chừng nào phải không chị?
TK