Họ chưa là gì của nhau. Anh, vẫn gọi nàng bằng
cô và xưng tôi. Cô, tuy gọi bằng anh nhưng cũng không xưng em. Cứ như hai kẻ xa
lạ mới gặp nhau lần đầu. Nhưng họ đã quen biết nhau khá lâu.
Anh là sĩ quan pháo binh,
trông coi 2 khẩu pháo 155 ly đóng tại sân vận động quận lỵ, sát cạnh trường của
cô. Cả hai không có duyên cớ gì gặp nhau, nếu không có những lá đơn thưa kiện
của trường. Cứ mỗi lần, 2 khẩu pháo thi nhau nhả đạn,cả thầy và trò đều phải
tháo chạy ra khỏi lớp.Bao nhiêu ngói đều lần lượt rơi xuống đất, tường thì nứt,
cửa thì xệch xạc. Đó là chưa kể cái mùi thuốc mồi nồng nặc đến cả tiếng đồng hồ
sau vẫn chưa chịu tan. Nắng,trông thấy cả trời xanh.Và mưa,nước lênh láng như
ngập lụt.
- Trường học mà như thế,
kiện là phải!
Đó là kết luận của anh.
Nhưng anh bảo:
- Tôi đâu có muốn thế. Quận
bảo đóng ở đâu thì đóng ở đó. Cả năm, đóng cạnh trường cô, tôi biết ai cũng khó
chịu. Nhiều lúc thấy thầy trò leo lên mái che chắn bằng bao nylon, tôi thực áy
náy. Chiến tranh là vậy, nhiều cái thật phi lý!
Cô nói cay nghiệt:
- Không phải nhiều cái mà là
tất cả.
- Có lẽ là vậy, nhưng biết
làm sao được. Tôi đâu có muốn đi lính. Cũng như cô đâu có muốn giảng bài trong
mùi thuốc súng. Chúng ta bị cuốn vào cuộc chiến chết tiệt này, không biết đến
bao giờ!
Cuộc chuyện trò của họ cứ
như thế, nhàn nhạt, chan chán. Anh cố giãi bày, còn cô vẫn cứ cố chấp. Làm như
thể bao nhiêu tai họa là tự anh gây ra. Vậy nên, chẳng bao giờ thấy họ ngồi
thân mật với nhau trong một quán ăn hay một quán cà phê não nuột những bài ca
phản chiến. Một chút gì đó nghe ra có vẻ tình cảm, thì chỉ là mùi hương kín đáo
trong những trang sách.
Anh thường cho cô mượn mà
không bao giờ muốn đòi lại: những Mặt
trận miền tây vẫn yên tĩnh, Giã từ vũ khí, Một thời để yêu và một thời để chết…
Toàn là những sách về chiến
tranh. Cứ tưởng cô sẽ ném vào một góc nào đó, không ngờ cô lại đọc say sưa.
Cuộc chiến ở Tây Ban Nha, ở Đức thật khốc liệt, tàn bạo nhưng nó không bẩn thỉu
và hèn hạ như ở đây, một nơi, người ta sẵn sàng giết cả đàn bà và trẻ con để
lên án lẫn nhau là tàn ác! Dần dần cô cũng nhận ra thấp thoáng bóng dáng anh
trong đó, một kẻ lạc lõng, cô độc, mang trên lưng một nỗi buồn dài.
Lúc này, 2 khẩu pháo đã dời
ra khỏi phố quận, đặt trên một ngọn đồi cheo leo. Anh bảo:
- Ở đó tha hồ mà ngắm mặt
trời lặn. Đẹp thì có đẹp, nhưng buồn quá!
Một lúc, anh lại nói:
- Nhất là ngồi ngắm một
mình!
Lúc ấy, cô mới chịu cười,
một nụ cười đối với anh là dịu dàng quá đỗi.
- Thế thì anh giống như
hoàng tử bé rồi. Tôi chỉ ao ước một lần thôi mà chẳng được!
Anh hỏi:
- Sao vậy?
- Chẳng sao cả, lên một mình
thì có mà điên!
- Tôi sẽ đưa cô lên.
- Lại để nhìn hai con quái
vật ấy à?
- Đâu có sao. Giờ nó hiền
lắm. Mỗi đêm bắn vài chục trái vào các mật khu để các cụ ở quận ngủ ngon, vậy
thôi.
- Nó hiền với các anh chứ
không hiền với tôi!
- Thế thì hết chiến tranh
tôi sẽ đưa cô lên.
- Chừng đó cả tôi và anh đều
chống gậy, lên sao nổi!
- Không lâu đến thế đâu. Mỹ
rút, Đại Hàn rút, cũng sắp hòa bình rồi. Có điều Bắc Việt không rút, chẳng biết
hòa bình kiểu gì: trong chiến thắng hay chiến bại!
- Kiểu gì thì cũng không
giống như ‘nước thanh bình ba trăm cũ’.
Khi hàng trăm khẩu pháo giấu
kín trong núi rừng Ban Mê Thuột cùng lúc nhả đạn, cứ tưởng khẩu đội pháo của
anh phải gấp rút lên trấn giữ ở đèo Dốc Cao để khống chế con đường tiến quân
của địch, thì được lệnh kéo vào Phan Rang. Rồi lại vào Phan thiết, Long
Khánh... Sau cùng bỏ cả pháo cả xe, chạy bộ, rồi lại phải tháo cả giày, vứt cả
mũ để khỏi bị bắt sống.
Một cuộc tháo chạy lạ lùng
và kỳ quái nhất trong lịch sử chiến tranh. Còn hơn quân Napoléon khi rút khỏi
Moscow, quân Anh chết dí ở Dunkerque! Trong cơn hoảng loạn đương nhiên họ chẳng
thể nào nghĩ đến nhau. Họ còn có cả cha mẹ, anh em. Nhưng những lúc một mình
trong cô đơn và cơ cực, người nọ nhớ tới người kia với bao nhiêu điều hối tiếc.
Anh, trong trại cải tạo,
càng khổ nhục lại càng nhớ tới ngọn đồi quạnh hiu và anh cứ tiếc là không được
ngồi với cô dù chỉ một lần để xem mặt trời lặn. Khi cô bảo anh giống như hoàng
tử bé, quả thật anh sướng ran,chiều nào anh cũng ngồi trên chiếc ghế và cứ dịch
chuyển mãi chođến khi mặt trời khuất hẳn.
Còn cô, sau khi bị đuổi khỏi
trường, không biết làm gì hơn, chỉ ngồi dài lưng ra coi quán cho mẹ, cũng ao
ước phải chi ngày đó đừng kiêu ngạo khép kín, đừng cố chấp thì đã ít ra là một
lần, theo anh lên đồi, đưa tay để anh dắt qua những gộp đá…!
Ôi chao, sao mà sến và cải
lương quá, (đọc tới đây chắc có người kêu lên như vậy), nhưng nếu không cải
lương và sến như thế, thì 40 năm sau, khi người đàn bà đã trên 60 và người đàn
ông đã 70, làm sao có thể gặp nhau được. Và cũng lẩn thẩn làm sao khi ta thấy
họ gặp nhau trên đồi.
Họ chưa phải chống gậy. Ông
vẫn còn đủ sức nắm tay dắt bà bước qua những gộp đá chông chênh và bà, một đôi
lúc quá đà tưởng sắp ngã vào ông. Trên đỉnh đồi toàn đá sỏi, chẳng còn để lại
chút gì dấu vết của 2 khẩu pháo. Những vỏ đạn, những bao cát, những vòng dây
thép gai đã được dân chúng quanh vùng nhặt nhạnh đào bới mang đi từ lâu. Giờ,
chỉ còn có bầu trời, vẫn cao và xanh ôm lấy ngọn đồi bé nhỏ giống như tinh cầu
của hoàng tử bé.
Họ ngồi xuống bên nhau. Và,
như hai đứa nhỏ cùng chơi một trò chơi bí mật, họ ngắm mặt trời đang lặn. Trời
và đất như cũng đang ngỡ ngàng. Xanh hơn, cao hơn. Mặt trời tưởng chừng không
chỉ một lần lặn, mà đến cả chục lần. Cứ lặn xuống rồi lại trồi lên, có vẻ như
muốn bù đắp cho họ những gì đã mất.
Như chàng chăn chiên xứ
Provence, ông kể cho bà nghe những câu chuyện lưu lạc ở xứ người, những vùng
đất ông đã qua, những sa mạc nắng cháy hoang vu, những con sông dài bất tận,
những ngôi nhà chạm tới lưng trời và nỗi buồn lạc lõng, đất và người của ai chứ
đâu phải của mình, những hàng cây cổ thụ râm mát, những cây cầu rực sáng trong
đêm, đẹp ngời ngời như thế nhưng sao không bằng bụi chuối sau hè, cây cầu khỉ
bắc qua một con lạch, và những lúc tan trường bao nhiêu tà áo bay bay như cánh
chim, trong khi cô giáo kiêu kỳ đủng đỉnh gõ từng bước trên hè phố như một nàng
quận chúa...
Đó là bản trường ca ngọt
ngào, êm ái, mà bà được nghe, dù muộn. Và khi sương đêm đã thấm lạnh, bà gục
đầu lên vai ông mà ngủ. Cũng là lúc, ông nói một câu, lẽ ra phải nói những 40
năm trước: «Tôi yêu em xiết bao!»
Giả sử trước kia ông nói như
vậy, thì sao nhỉ? Thì hai người sẽ lấy nhau, sẽ sinh ra những đứa con, bà sẽ
một thân một mình vừa nuôi con vừa nuôi chồng trong tù, sau đó họ sang Mỹ theo
diện HO, bà gọt khoai, rửa bát trong nhà hàng, ông cắt cỏ, đẵn cây, rồi cố học
để có thể ngoi lên, làm đến hai job, cứ chồng về thì vợ đi, chồng đi thì vợ về,
ngay cả gặp nhau trên giường cũng khó huống gì là rủ nhau lên đồi, họ dốc sức
nuôi con, lo cho chúng vào đại học, hãnh diện khi chúng tốt nghiệp, rồi chúng
có nhà riêng để lại căn nhà mênh mông chỉ có hai người, ông thì tìm vui trong
internet, bà ngồi xem phim bộ.
Đến một lúc nào đó ngôi nhà
chỉ còn một người. Rồi chẳng còn người nào nữa!
Vậy thì, mất 40 năm nhưng
còn được một đêm như đêm nay, cho dù có vì cảm lạnh mà hai người không bao giờ
thức dậy nữa, thì cũng giống như một câu vọng cổ đang xuống xề, thôi hãy cứ vỗ
tay như thường lệ!
Khuất
Đẩu
No comments:
Post a Comment