Thời niên thiếu nơi quê nhà
Trước khi đề cập đến thơ văn Việt Nam thì xin được nói về quãng đời niên thiếu của tôi và tiếng Việt. Tôi sanh ra ở Sài Gòn, trong một gia đình mà ông già là người Bắc vào Nam đã từ lâu, trước cuộc di cư 1954, (và bà già thì người Nam), và khi vào lập nghiệp ở Sài Gòn thì ông thường giao thiệp và liên lạc thương mại với người Pháp. Vì quen tiếng Pháp nên ông cũng cho con cái đi học các trường dạy tiếng Pháp. Còn nhớ vào những năm 1950 thì đã có các trường do chính phủ Pháp tài trợ như Marie Curie, Chasseloup-Laubat (sau đổi tên là Jean Jacques Rousseau rồi sau cùng là Lê Quý Ðôn), Colette, Saint-Exupéry, nằm cũng không xa nhau mấy ở trong Quận 3. Các trường dạy bậc tiểu học Colette (cho phái nữ, nằm trên đường Hồ Xuân Hương) và Saint-Exupéry (cho phái nam, nằm trên đường Ngô Thời Nhiệm) có đặc điểm là các bức tường đều quét vôi màu đỏ đậm nên thường được gọi là "trường tường đỏ". Còn Marie Curie (nữ, nằm trên đường Công Lý) và Jean Jacques Rousseau (nam, nằm trên đường Hồng Thập Tự) thì dạy bậc trung học vì thời đó không có chuyện lẫn lộn nam nữ. Các ngôi trường Tây này thường là dành cho con nhà khá giả và số giáo sư người Pháp dạy ở đây thường chiếm đến hơn một nửa, thời tôi học ở St Exupéry thì từ hiệu trưởng đến thầy cô toàn là người Pháp được gửi qua dạy và học đúng theo chương trình giáo dục Pháp. Còn nhớ trong những bài học đầu tiên về sử ký có câu «Tổ tiên chúng ta là dân Gaulois» (Nos ancêtres sont les Gaulois). Các học sinh gốc Việt cũng phải học thuộc lòng câu này vào lúc tuổi còn quá dại khờ để nghĩ đến chuyện tổ tiên thật của mình là ai...
Ngoài ra thì còn nhiều trường tư
nhân khác dạy tiếng Pháp ở Sài Gòn, phần đông là của các ông cha
bà sơ như Lasan Taberd (nam), Saint-Paul (nữ), Couvent des Oiseaux (sau
này đổi thành Regina Mundy, nữ), Regina Pacis (nữ) v.v...
Do đó tôi đã theo học tiếng Pháp từ nhỏ đến lớn, đầu tiên ở trường St Exupéry từ lớp mẫu giáo cho đến 7ème, rồi sau đó qua trường Lasan Taberd tiếp tục theo chương trình Pháp từ lớp 6ème cho đến Terminale (lớp Đệ Nhất, sau này gọi là lớp 12).
Còn nhớ ở bậc Trung học Taberd, học
chương trình Pháp thì mỗi tuần chỉ có 2 hay 3 giờ Việt văn bao gồm luôn Sử ký
và Địa lý, chẳng thấm vào đâu để hiểu biết về quê hương và học hỏi thực thụ tiếng mẹ
đẻ. Thành ra phải thú thật tôi không rành tiếng Việt cho lắm, tuy nói
thì trôi chảy và chữ nghĩa thông dụng thì biết, nhưng viết
thì trật chánh tả tùm lum ngay cả cho đến nay... Thường thì khi viết và
làm thơ tôi phải
tra tự điển hoài, nhưng cũng không tránh khỏi lỗi, nhất là các dấu hỏi
ngã, các chữ "S" hay "X" (nói cho vui thì "sờ
cứng" hay "sờ mềm"), các chữ "an" hay
"ang", đó vì là dân sanh miền Nam nên tôi nói không đúng
cách như người Bắc (không tin thì cứ hỏi bà chủ nhiệm blog NPN cứ phải kiểm lại
thơ tôi trước khi đăng và phần đông là có lỗi phải sửa).
Ở trường thì học tiếng Pháp, tan
học thì lè lẹ xách xe Honda chạy đi "cua đào" ở các trường
như "Marie Cút" hay "Tổ chim sẻ" (Couvent des Oiseaux)
nằm gần nhau trên đường Công Lý. Phần đông các nường "sang chảnh"
này ghê lắm, thích líu lo tiếng "phờ-răng-xe" để giằng mặt mấy
tay mơ không biết tiếng Pháp, nên bắt buộc tôi cũng phải ráng "chia
verbe" nếu không muốn "mất mặt bầu cua"...
Và cũng vì thường giao du với bạn bè, ngồi lê la nơi hàng quán để tán gẫu, nên tuy tiếng Việt thuần túy thì không rành nhiều nhưng tiếng lóng của "dân chơi cầu Ba Cẳng" thì rất thông thạo, nào là "sức mấy mà buồn", "bỏ đi Tám", "quê một cục" v.v..., và tha hồ "xổ nho chùm", văng tục không ngừng, cứ mỗi câu thì không biết bao nhiêu lần Đ.M...
Còn nói về quê hương đất nước
thì tôi cũng "bù trớt". Cần phải biết vào thời kỳ đó, tuy rằng
chiến tranh khói lửa đang bùng nổ, lan tràn ở các tỉnh, địa phương
hay những vùng quê hẻo lánh, nhưng riêng ở thủ đô Sài Gòn thì vẫn rất sinh động,
dân Sài thành vẫn tấp nập rong chơi bay bướm như không có gì xảy ra, mặc dù
lúc đó là vào thời tổng động viên, biết bao người trai đến tuổi
18 đã phải đi làm nghĩa vụ quân dịch, "xếp bút nghiên theo việc đao
cung", rời xa thành đô yêu dấu. Nếu không thấy các chàng trai được về
phép, mặc quân phục dạo chơi với đào, các xe Jeep quân đội, nhất là của
lính Mỹ, các bích chương, biểu ngữ chống cộng trên đường phố thì không
nghĩ là đất nước này đang trong thời kỳ chiến chinh.
Lúc đó nam thanh
nữ tú cứ tung tăng dập dìu nơi kinh đô phồn thịnh, sầm uất
được mệnh danh là "hòn ngọc viễn đông", nhất là trên 3 con đường
chánh trong Quận I là Tự Do (tiếng Pháp là Catinat), Lê Lợi (tiếng
Pháp là Bonard) và Nguyễn Huệ (tiếng Pháp là Charner)
cho đến chợ Bến Thành. Đến nỗi dân chương trình Pháp thường gọi đi
chơi ở đường Tự Do là "catinater", đi chơi ở đường
Lê Lợi là "bonarder" và nếu đi nhiều quá thì coi chùng bị
"déxiquachter" (hết xí quách)...
Xe cộ cứ nườm nượp, nhất là xe gắn
máy của Nhật như Honda, Yamaha, Kawasaki bắt đầu được nhập cảng
tràn đầy, gia đình nào cũng có, và dần dần thay các chiếc solex, cũng rất
tình tự với những tà áo phất phơ trước gió
vào thời đó. Vào những ngày cuối tuần thì các đôi
uyên ương tha hồ hẹn hò đi ciné nơi các rạp hát như Rex, Eden, Đại
Nam v.v..., dân chúng thì rủ nhau đi ăn uống ở các quán hàng nổi tiếng Pháp Việt đã có từ
lâu, quán Pháp như La Pagode (còn gọi "cái Chùa"), Givral, Brodard (tất
cả đều nằm trên đường Tự Do), quán Việt như Phạm Thị Trước (đặc sắc với món bò
kho), Thanh Xuân (hủ tiếu), Thanh Thế (bún suông), Xinh Xinh (pâté-chaud), Thanh
Bạch v.v..., các tiệm kem như Mai Hương, Pôle Nord (Bắc Cực), Bạch Đằng
v.v..., các quán café để vừa thưởng thức ly cà-phê phin vừa thả hồn theo
nhạc Trịnh, các phòng trà, vũ trường để du dương theo tiếng nhạc như Queen
Bee (với ban nhạc Shot Gun của Ngọc Chánh), Đêm
Màu Hồng (với ban hợp ca Thăng Long), Tự Do (với các ca sĩ Khánh Ly, Lệ
Thu), Maxim’s, Mỹ Phụng, Baccara v.v... Đúng là một thế hệ "ngồi quán"
Sài Gòn thuở ấy, miệng thì cứ phì phèo điếu thuốc Salem cho oai, mắt thì không ngớt ngóng các
em qua lại rồi bình luận, chấm điểm, những điều này vẫn hằng
khắc ghi trong
ký ức của tôi.
Để diễn tả những gì kể trên về
Sài Gòn thì xin có vài câu thơ sau đây:
Nhớ xưa hòn ngọc viễn đông
Phố xá hoa lệ ngát hồng tuổi xanh
Dập dìu
tài tử giai nhân (1)
Ngựa xe
như nước, áo quần như nêm
Người người tấp nập ngày đêm
Đường phố nhộn nhịp ánh đèn long lanh
(1) trích 2 câu thơ của Nguyễn Du
***
Tự Do sầm uất, phồn hoa
Khách sạn, hàng quán hằng hà đường mơ
Continental, Majestic tuyệt vời
Givral, Pagode hẹn hò sớm trưa
Maxim’s lả lướt sao vừa
Đêm Màu Hồng mãi luyến lưu nhạc vàng
Lê Lợi, Nguyễn Huệ khang trang
Rạp Eden, Rex rộn ràng tình nhân
***
Xôn xao hàng quán bên đường
Givral, Pagode, vũ trường Maxim's
Cà-phê, quán nhạc trữ tình
Đêm Màu Hồng vẫn lung linh ánh đèn
Nhạc vàng trổi khúc êm đềm
Hẹn hò thương xá Eden mơ màng
Bến Thành phố chợ thênh thang
Chợ hoa Nguyễn Huệ rộn ràng sắc hương.
Vào đầu thập niên 1960, phong
trào nhạc trẻ, nhất là nhạc ngoại quốc, đã phát triển nhờ các đĩa nhạc du nhập
từ Pháp với các ca sĩ Pháp như Sylvie Vartan, Françoise Hardy, Johnny Halliday,
Christophe v.v..., và các ban nhạc trứ danh như Beatles, Rolling Stones v.v...,
cộng với sự trỗi dậy của các ca sĩ Việt hát nhạc nước ngoài như Elvis
Phương, Jo Marcel, Thanh Lan v.v… Phong trào kích động nhạc rất khởi sắc
và thu hút giới trẻ "yé yé" với những ban nhạc Việt như The
Dreamers, Blue Stars, Les Vampires, 3 Trái Táo
v.v..., và nhờ vào những hoạt động tích cực cho phong trào của các
tay như Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang v.v... Giới trẻ
choai choai lúc đó không ngớt quay cuồng trên
các sàn nhảy, "lắc twist again" trong các đại nhạc hội hay những
"boum" tổ chức tại tư gia.
Thêm vào đó ảnh hưởng của Pháp
còn lan rộng qua ngành phim ảnh với những
tài tử quen thuộc như Alain Delon, Louis De Funès, Brigitte Bardot,
Catherine Deneuve v.v..., và thông tin báo chí qua các tuần
báo, nguyệt san tiếng Pháp như Le Monde, Paris Match, L'Express v.v..., hoặc Salut
Les Copains mà giới trẻ thường chuyền nhau để theo dõi tin tức của các
thần tượng "vơ-đét" ngoại quốc (vedette, minh tinh).
Nam thanh nữ tú vào dịp cuối tuần còn phải "lên bộ", diện "đồ vía", ăn mặc thật "gồ ghề" để trình diễn thời trang đi "lấy le" với thiên hạ. Còn nhớ sau khi ca sĩ Mai Lệ Huyền bận "mini jupe" hát nhún nhảy trên truyền hình, thì đường phố Sài Gòn tràn ngập váy mini của các nường. Rồi là kiểu áo dài vạt cực ngắn gọi là áo dài mini, quần "ống voi", tóc thì cắt ngắn, uốn quăn v.v... Lúc đó các tay mê gái, dê xòm cứ tính chuyện đi "cua ghệ" (gái trong tiếng lóng), bắt "bò lạc" v.v...
Lại thêm phong trào "hippy" được khai sanh vào khoảng giữa những năm 60 ở San Francisco và xuất phát từ giới trẻ phản chiến Mỹ, đã lan khắp thế giới sau đó vào năm 1968, kể cả V.N, khiến cho giới trẻ càng vùi đầu vào trụy lạc, yêu cuồng sống vội để quên hiện tại bấp bênh.
Tất cả những gì tôi kể có hơi dài dòng trên để nói lên lối sống vọng ngoại, khác xa với truyền thống quê hương, và tình trạng tương phản không thể tưởng tượng của Sài Gòn trong thời loạn lạc, chiến chinh, trong khi bao chiến sĩ đang hy sinh xương máu trên chiến trường ngày đêm, đối với thái độ hồn nhiên, thờ ơ, vui sống của giới trẻ, trong đó có tôi.
Ngoài ra cũng phải thú thật là tôi chẳng biết gì nhiều về quê hương Việt Nam. Ngay cả ở Sài Gòn tôi cũng chỉ thường lân la ở các khu phố nằm trong Quận I, nơi có nhà tôi ở Đakao (góc đường Đinh Tiên Hoàng - Phan Đình Phùng, gần Đài phát thanh) và trường Taberd của tôi nằm cạnh nhà thờ Đức Bà, cộng với các quán hàng như đã nói trên, và Quận 3 nơi tập trung các trường tiếng Pháp. Ngoài những nơi này thì tôi mù tịt, chẳng hạn tôi chưa hề hoặc rất ít khi đi qua các khu như Thủ Thiêm, Khánh Hội, Cầu Ông Lảnh, Hồng Bàn, Chợ Lớn, tựu trung là các Quận 2, 4, 5, 6 v.v... Còn nói về các tỉnh ở xa thì tôi chỉ thường đi nghỉ hè với gia đình ở "Cấp" (Cap St Jacques/Vũng Tàu) và có lần đi Đà Lạt (vì có vài bạn học ở đây sau khi bị đuổi khỏi Taberd Sài Gòn). Đối với tôi V.N chỉ có nhiêu đó, chẳng biết gì hơn.
Rồi cũng đến lúc thi Bac II (Baccalauréat, Tú tài II Pháp). Như đã nói trên, tôi không phải loại siêng năng, gạo cội, vì thích rong chơi hơn nhưng cũng tạm xoay xở được, do đó có thể ngồi mòn đũng quần ở trường thày dòng cho đến cuối chương trình trung học (cần biết trường thày dòng cũng rất gắt gao, học dỡ là bị đuổi dù là con ông cháu cha). Và cũng nhờ "chó ngáp phải ruồi" mà tôi lấy được mảnh bằng quý giá đã ảnh hưởng đến tương lai của tôi rất nhiều sau này. Lúc đó là vào năm 1968, chỉ sau 1, 2 tháng biến cố Tết Mậu Thân do bọn V.C không tôn trọng ngày lễ thiêng liêng, tuân lời tên giặc Hồ đánh liên tiếp 3 đợt ở Sài Gòn.
Đến đây thì tôi lại xin mở ngoặc, nói một tí về gia cảnh của tôi. Tôi sinh ra trong một gia đình gọi là "trai thiếu, gái thừa", chỉ có "một thằng cu mà đến 7 cái đĩ", nên rất được cưng chiều. Và với hoàn cảnh gia đình của tôi thì tôi hoàn toàn không có ý nghĩ gì phải đi ngoại quốc du học vì là con trai một, cần phải nối dõi tông đường, nên trên nguyên tắc thì không phải đi quân dịch. Nhưng với thảm trạng Tết Mậu Thân tràn đến ngay Sài Gòn, ông bà già sợ quá phải tống cậu con cưng đi nước ngoài cho lẹ. Cũng may là tôi hội đủ điều kiện để đi du học, thế là vào mùa hè 68, "cậu ấm" lúc đó 18 tuổi, khăn gói lên đường, không phải như bao người trai trẻ để đi ra nơi chiến trường, mà là đi xứ người!
Quãng đời của tôi ở V.N như thế chưa tới một phần tư của cuộc đời và thời gian tuyệt vời, thơ mộng đó, tuy ngắn ngủi, đã qua đi trong ngậm ngùi nuối tiếc.
Tiếc thay Sài Gòn của tôi
Đành thôi vĩnh biệt ngậm ngùi ra đi
Nỗi niềm xa
cách biệt ly
Tháng ngày xót cảnh phân kỳ luyến thương
Khi ra đi, tôi đã bỏ lại sau lưng biết bao kỷ niệm khó phai mờ trong tâm khảm, các bạn bè thân yêu, các mối tình đang chớm nở, các khu phố quen thuộc, các nơi hẹn hò tình tự. Cái hồn văn hóa đầy sức sống tự tại hồn nhiên của Sài Gòn xưa, trong một xã hội miền Nam văn minh không thua kém các nước phương Tây, nay đã mất vào tay bọn V.C rừng rú, ngay cả cái tên cũng bị thay thế bởi tên của giặc Hồ:
Sài thành
nay đã mất tên
Còn đâu
những phút êm đềm mộng mơ
Còn đâu
cảnh đẹp nên thơ
Còn đâu
sức sống yêu đời tự do
Sài Gòn
tuy đã mất rồi
Muôn đời ghi khắc
tim tôi bóng hình.
Thời niên thiếu của tôi là vậy, tiếng Việt chẳng tinh, quê hương chẳng tường, cũng chẳng có chút "danh gì với núi sông", đã phó mặc tương lai đất nước cho người khác một cách thờ ơ, đáng trách. Vấn đề này cứ dằn vặt tâm tư tôi mãi cho đến nay và ảnh hưởng đến những hoạt động của tôi sau này.
Sau đây xin mời xem lại vài hình ảnh của Sài Gòn phồn hoa đôi thị truớc 1975:
Nguyễn Duy Phước
Chú thích: Những câu thơ trong bài này do tôi sáng tác.
Cám ơn tác giả đã làm sống lại những kỷ niệm của Sài Gòn vào thập niên 60.
ReplyDelete