Sunday, December 21, 2014

Thực Phẩm Hữu Cơ An Toàn Hơn? - Vũ Thế Thành


Rau quả, thực phẩm hữu cơ được quảng cáo là an toàn hơn, ngon hơn, đậm hơn, bổ hơn, và nào là thực phẩm siêu sạch, vườn sạch, tự nhiên,… Nghe mát rượi! Nhưng rất tiếc, sau khi đã duyệt xét một cách hệ thống các kết quả nghiên cứu, giới khoa học đã đi đến đồng thuận: không có đủ chứng cớ khoa học để nói thực phẩm hữu cơ an toàn hơn hay bổ dưỡng hơn so với thực phẩm thông thường cùng loại.

Kẹt quá cũng phải nới lỏng chút chút
Rau quả hữu cơ là nông sản không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, hormon tăng trưởng,.. chỉ dùng phân xanh, phân ủ, rơm rạ mục nát. Diệt sâu bọ thì để loài này diệt loài kia. Canh tác luân phiên để bảo vệ màu mỡ của đất,…

Động vật hữu cơ phải nuôi ở môi trường sạch (đồng cỏ hay ao hồ) không dùng thuốc trừ sâu, phân hóa học, hóa chất,… Thức ăn gia súc phải thuộc loại hữu cơ, cũng không dùng hormone tăng trưởng hay thuốc kháng sinh.
Thực phẩm hữu cơ cũng gắt gao không kém, nguyên liệu để chế biến phải là loại hữu cơ, không dùng phụ gia thực phẩm (hóa chất), các loại dung môi công nghiệp và chiếu xạ.
Nói chung, nuôi trồng chế biến thực phẩm hữu cơ là quay trở lại với phương pháp nhân loại đã từng làm cách nay vài ngàn năm.
Nguyên tắc xem gắt gao như thế, nhưng quy định có thể nới lỏng đôi chút tùy điều kiện cụ thể ở mỗi nước, chẳng hạn có thể cho phép dùng kháng sinh hay loại thuốc trừ sâu nào đó ở mức rất hạn chế.

An toàn hơn, bổ dưỡng hơn?
Có rất nhiều khảo cứu về mức dinh dưỡng của thực phẩm hữu cơ đủ loại và đưa ra nhiều kết quả trái ngược. Năm 2009, cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm của Anh (FSA) đã ủy thác cho trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới Luân Đôn duyệt xét 1 cách hệ thống các chứng cớ thu thập trong 50 năm, đã đi đến kết luận rằng, thực phẩm hữu cơ cũng chẳng khác gì thực phẩm thường cùng loại xét về mặt dinh dưỡng, kể cả mức nitrate thấp hơn trong một số rau quả hữu cơ cũng không cải thiện về rủi ro sức khỏe.

Điều người tiêu dùng có vẻ tin tưởng hơn là, về mặt an toàn vì thực phẩm hữu cơ không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Niềm tin này có chắc ăn? Tờ CBC News ngày 8/1/2004 đưa tin, 45,8% mẫu rau quả hữu cơ ở Canada nhiễm thuốc trừ sâu. Có lẽ là do lây nhiễm từ môi trường chung quanh. Canada đất rộng người thưa mà còn thế! Không thể phủ nhận dư lượng thuốc trừ sâu ở thực phẩm hữu cơ ít hơn, nhưng Hội Ung thư Hoa Kỳ cho rằng, với mức dư lượng thuốc trừ sâu cho phép ở thực phẩm thường không làm gia tăng rủi ro ung thư, và thực phẩm hữu cơ cũng chẳng làm giảm rủi ro ung thư.
Điểm tích cực nhất của thực phẩm hữu cơ đó là vấn đề môi trường. Với cách nuôi trồng nghiêm ngặt như thế rõ ràng làm giảm ô nhiễm, duy trì hệ sinh thái, bảo vệ nguồn đất và nước.

Nhưng nhược điểm là thực phẩm hữu cơ lại dễ hư hơn, trông không bắt mắt, ít ngon hơn vì không được phép dùng phụ gia thực phẩm.
Việt Nam chưa có tiêu chuẩn chính thức quy định thế nào là thực phẩm hữu cơ, mặc dù các cửa hàng cũng quảng cáo hoành tráng rau sạch vườn sạch, và có cả chứng nhận. Trên trang web của một tổ chức chứng nhận rau quả hữu cơ (*), đã chứng minh rằng rau quả hữu cơ ngon hơn, đậm hơn loại thường cùng loại qua kết quả phân tích lượng đường, vitamin C, chất khô,... (sự khác biệt các chỉ tiêu giữa 2 loại này gần như không đáng kể), và gọi đây là “cơ sở khoa học”. Một tổ chức chứng nhận rau quả hữu cơ mà còn kết luận hàm hồ như thế, thì chất lượng rau quả hữu cơ ở thị trường liệu có đáng tin cậy?

Ra tới thị trường là phải an toàn
Chỉ ở Việt Nam mới có cái gọi là “rau an toàn”, “rau sạch”, và quảng cáo tưng bừng. Báo chí trong nước cũng đã nói nhiều về rau không an toàn, rau hữu cơ dỏm tràn vào siêu thị. Ở nước ngoài thì không, bất cứ loại thực phẩm nào có mặt trên thị trường cũng đều phải an toàn, không đáp ứng yêu cầu an toàn sẽ bị lôi thôi với pháp luật ngay, chứ không cần phải quảng cáo.
Hàng năm Việt Nam nhập cả trên 100.000 tấn thuốc trừ sâu, dùng bừa bãi, vứt chai lọ bừa bãi, cùng với hệ thống kênh rạch chằng chịt thì việc lan và nhiễm khủng khiếp thế nào. Đây mới là vấn đề nguy hiểm lâu dài hơn nhiều so với việc dùng hóa chất lăng nhăng trong chế biến thực phẩm.

Rau quả hữu cơ, dù thật hay giả, chỉ dành cho một thiểu số người, nhưng rau quả thì bắt buộc phải an toàn cho tất cả mọi người, dù đó là những người ăn chỉ để tồn tại. Vấn đề là cơ quan hữu trách kiểm soát kiểm tra an toàn tới đâu?

Vũ Thế Thành

No comments:

Post a Comment