Cali đã thật sự
vào Thu.
Sáng nay mở cửa ngọn
gió đã dịu dàng chạy tuốt vào nhà. Như một người thân quen đi xa bây giờ gặp lại.
Gió lùa vào mát cả mặt, nghe mơn mơn thật dễ thương.
Tháng chín đã qua,
tôi chờ hoài chờ mãi, hôm nay thu mới tới. Thế mà trước đây tôi cứ bảo đầu thu.
Xin lỗi nhé thu vàng . Bởi trong tôi tháng này thật đặc biệt . Tháng của vui buồn
lẫn lộn, tháng của những bông hồng khoe sắc giữa trời trưa. Tháng của tôi giã từ đời con gái, tháng của chia lìa, mất
mất ra đi.
Tháng chín các cháu
tôi cắp sách đến trường trở lại. Nhìn con gái lăng xăng lo chuẩn bị cho con vào
niên học mới thật là thương. Nào là vào trường để hoàn tất các thủ tục nhập học.
Nào đi chợ mua cho cháu sách vở các dụng cụ học sinh. Nào quần áo, giày, backpack mới.
Bây giờ các cháu tôi đã đang ở một xứ sở văn
minh tột độ. Đi học có xe cha mẹ đưa đến tận trường. Vở sách đều là làm những
chất liệu tốt nhất. Trường học đã có những điều kiện sạch sẽ văn minh nhất. Mỗi
sáng cháu dậy tự lo cho mình bửa điểm tâm rồi thưa ông bà ngoại để đến trường.
Những bước chân sáo tung tăng, những nụ cười rạng rỡ, những mơ ước và hiểu biết
mỗi ngày mỗi tròn trịa thành hình. Lạy ơn trên hãy cho cháu tôi có một con đường
đi tới thênh thang và không trở ngại
Tôi lại nghĩ đến
con tôi ngày xưa. Một tuổi ấu thơ thật tội nghiệp. Những cuốn vở viết mỏng tè
đen thùi, nổi lên những sớ cồm cộm của gỗ xay chưa nhuyễn. Đôi khi viết mực nhè
ra như viết trên giấy chậm. Giấy phải thật
nương tay nếu không sẽ bị rách. Khi cầm quyển vở con trên tay tôi ngậm ngùi
thương cho con và thương cả cho mình. Cái thời của tôi 30 năm về trước mà tờ giấy
học trò còn đẹp hơn. Nhìn mọi thứ thay vì đi lên để có một cái gì tươi sáng lại
thụt hậu thảm thương.
Con tôi sinh ra
trong giai đoạn đất nước VN thay ngôi đổi chủ. Tuổi thơ của nó thật buồn và thiệt
thòi. Cha đi tù xa nhà, mẹ còng lưng trên xe đạp, đi làm trên những rừng cao su
bạt ngàn . Buổi tối về nhà, ngọn đèn dầu lù mù hình hai mẹ con ngồi bên bàn viết.
Dường như lúc đó con tôi nhiều ao ước về một
người cha. Nó hay hỏi về ba, về quê nội cho tôi càng thêm hụt hẩng, ngậm ngùi.
Một đứa trẻ không
cha thật là tội nghiệp. Lúc cháu ở tuổi mẫu giáo, buổi sáng tôi chở cháu trên
chiếc xe đạp để đi làm. Một ít cơm và thức ăn cho mẹ, cho con. Mẹ gò lưng trên
con dốc. Con còn ngái ngủ gật gù trước ghế ngồi. Thả con ở trường khi trời còn
mờ trong sương, tôi ra chỗ tập trung để điểm danh đi làm. Buổi chiều ghé rước
con về trong sự mệt mõi một ngày vất vả.
Khi lớn hơn, cháu
tự mình đi bộ để đi học. Con đường không phải là gần, nhưng cháu vẫn đi một
cách vui vẻ. Khi nhìn vào quán xá, thấy người ta chở con đi ăn hay đi chơi.
Cháu thỏ thẻ với mẹ:
- Mai mốt ba con về,
ba chở con đi học nè, đi vô tiệm ăn hủ tiếu nè, mua đồ đẹp cho con nè phải
không má?
Tôi đã cho con điều
gì trong tuổi thơ tội nghiệp thiếu cha. Bây giờ nhìn con lo lắng và chăm sóc
con cái tôi muốn nói lời xin lỗi con tôi. Dường như tôi đã không cho con tôi một
khung trời bình yên để mơ ước và hy vọng.
Buổi sáng mẹ dậy
đi làm từ 4 giờ sáng. Con ăn, con đi học đều là ngoại chăm sóc. Con đi học trường
xa với chị họ, buổi chiều tan trường con lại đi bộ về. Thỉnh thoảng cậu ra đón
con gái và dẫn đi uống nước. Con không thấy cậu kêu. Lủi thủi đi bộ về một
mình.
Tối về kể chuyện
cho mẹ nghe. Ôm mẹ nói trong nước mắt;
-Mai mốt ba con về
ba sẽ cho con đi uống nước mía hai ly luôn.
Tôi không biết phải
nói gì với cháu, chỉ ôm con vào lòng mà chua sót cho đời mình trong cơn bỉ cực.
Tôi nhớ kỷ niệm
khi cháu học lớp một. Cô giáo Phúc dạy cháu và chị Thùy con anh Sáu tôi. Cháu
Thùy không chịu nghe lời bị cô phạt. Hình phạt là phải ở lại lớp không được về.
Con tôi mặc dù sợ
cô cũng đến khoanh tay;
-Thưa cô cho chị
con về. Cô giáo nói:
-Nhưng cô phạt .
Con về trước đi.
Con bé nước mắt
rưng rưng:
-Thưa cô, cô cho
chị con về. Con về mà không có chị con. Bà ngoại và cậu Sáu sẽ la con không chờ
chị. Cô không cho chị con về thì con cũng ngồi đây chờ chị.
Thế là cô giáo
đành nhượng bộ và cho cả hai đứa về. Cô kể lại chuyện cho tôi nghe và nhận xét:
-" Bé Thu còn
nhỏ mà đã biết chuyện"
Con gái tôi vào lớp
một đã biết làm toán cộng, toán trừ. Đã biết đọc, biết viết nên hiệu trưởng phải
cho bỏ lớp hai lên học lớp ba. Suốt những năm tiểu học cháu là học sinh giỏi.
Môn sinh ngữ chính khi lên Trung học là tiếng Nga. Tôi đành đem gửi con ra học
trường huyện để được học Anh ngữ. Hiệu trưởng trường Trung học là bạn cùng dạy
với tôi nên vui vẻ nhận cháu. Nếu không, theo chế độ quản lý hộ khẩu con tôi
không cách chi được học trường huyện lỵ.
Những ngày con ra
học trường huyện thật tội nghiệp cho con tôi. Buổi sáng mẹ một phần, con một phần
trong một cái hộp nhỏ. Chỉ ít cơm độn và tí nước mắm kho hay cá trích xay nhuyễn
vò viên kho mặn. Cháu đạp xe tới trường với quyết tâm cầu tiến của một đứa con
gái mang lý lịch có cha ngụy quân, có mẹ ngụy quyền.
Tôi còng lưng trên
xe đạp trả nợ áo cơm.
Nhiều u uẩn trong
lòng mà đành nhịn nhục qua sông. Nhiều khi nghĩ lại, tôi không hiểu sao mình đã
có thể vượt qua mọi thử thách một cách can cường.
Tôi đến nước Mỹ cuối
tháng chín. Máy bay đưa gia đình tôi đến nơi đầu tiên của nước Mỹ là Hawaii,
phi trường Honolulu. Mọi thủ tục nhập cảnh đã được hướng dẫn làm ngay tại phi
trường này. Như mọi gia đình được chấp nhận định cư ở nước Mỹ, chúng tôi nhìn mọi
thứ đều lạ lẫm và lo sợ.
Thêm một chuyến
bay để đến phi trường LAX, đồ đạc mang theo bỏ gọn trong mấy cái thùng nhôm cũ
kỹ, Em tôi đón tại phi trường và đưa chúng tôi đi ăn trước khi về nhà. Thật bất
ngờ tại tiệm ăn "Mỹ Nguyên" tôi đã gặp lại ông bạn hàng xóm tại Việt
Nam đi trước tôi một năm. Xa quê gặp đồng hương thật không có niềm vui nào hơn.
Trên đường về,
nhìn xa lộ thênh thang, thành phố sáng trưng lấp lánh ánh đèn, tôi thấy mình
choáng ngợp quên cả mệt mõi. Bước vào nhà, tôi không thể tưởng được đây là nhà
của mình. Một căn nhà rộng thênh thang, 4 phòng ngủ xinh xắn. Giường đều có nệm,
có chăn mền sạch sẽ. Tại phòng khách đã có một bộ salon của một người làm chung
sở của em tôi tặng. Con tôi ngồi xuống reo vui mừng rỡ. Thật là cũ người mới
ta, niềm vui không thể nào nói hết.
Trong nhà bếp mọi
thứ đồ dùng em tôi cũng đã chuẩn bị cho chị.
Dù không mới nhưng cũng giúp tôi những bước đầu
ổn định. Em chỉ tôi cách sử dụng lò nấu, lò nướng, dẫn vào phòng vệ sinh, phòng
tắm để chỉ dẫn cách vặn nước nóng, lạnh và những tiện nghi mà ở VN hay trại tị
nạn chúng tôi không hề có.
Căn nhà sáng
choang dưới ánh đèn điện như niềm vui của những người đi tìm tự do vỡ òa trong
hạnh phúc.
Hội bảo trợ đã cho
gia đình chúng tôi 5 bộ giường cho 4 phòng ngủ, một bộ bàn ăn với 6 cái ghế mới
toanh. Tôi không thể tưởng tượng được lại có một chính sách giúp đỡ như vậy cho
những người tị nạn. Tôi nằm trên giường nệm mà tưởng như mình đang nằm mơ. Mặc
dù thật mệt mõi suốt cuộc hành trình nhưng tôi không thể nào chợp mắt. Khi cả
nhà yên giấc, tôi còn bật dậy, một mình ra mở đèn và đi xung quanh căn nhà. Tôi
đã bước sang một thế giới mới. Một nước Mỹ trong mơ ước.
Tôi bước vào phòng
con, đắp chăn cho từng đứa, nhìn con say ngủ trong sự yên bình tôi lẩm bẩm một
mình" Má hứa sẽ làm hết sức mình cho các con có một cuộc sống thật hạnh
phúc ở nơi này"
Buổi sáng thức dây đầu tiên ở nước Mỹ là ngày
đầu tháng 10. Căn nhà em tôi mướn từ nửa tháng trước. Vừa tiền nhà nửa tháng
trước, tiền deposit, tiền nhà tháng này tôi mắc nợ em tôi gần 1.000$. Một ngàn
đồng với một gia đình HO trắng tay đến Mỹ không phải là chuyện nhỏ.
Nhà gần trường
Trung học cho con gái , gần trường tiểu học cho hai con trai, một địa điểm thật
thuận lợi cho gia đình, nên em tôi đã quyết định mướn dù tôi vẫn còn ở bên trại
tị nạn Bataan Phi luật Tân đang chờ đợi chuyến bay.
Tôi mua một nồi
cơm điện về nấu mà hai tay run run. Giá trị bằng một chỉ vàng, là cả gia tài của
tôi. Tôi vào chợ cầm món gì lên rồi lại bỏ xuống khi tính nhẩm ra tiền Việt
Nam. Tôi nhìn trước mặt sau lưng xa lạ, hụt hẩng xen lẫn vui mừng.
Tháng 10 Cali chưa
lạnh nhưng gió đã đổi chiều. Vài cơn mưa làm lá đổi màu . Tôi không dám bước ra đường, thỉnh thoảng
hé cửa nhìn những chiếc xe sang trọng chạy qua. Những đứa bé Mỹ chạy chơi trước
nhà. Cái mặc cảm làm thân tị nạn luôn ám ảnh tôi.Tôi nhìn mọi người cửa đóng
then cài mà sợ. Có gì sau những cánh cửa? Có gì trong tôi vừa lạ lẫm vừa thân
quen đến mỗi ngày, mỗi ngày trong tôi.
Tháng 10 tôi ghi
tên đi học ESL. Tôi mừng rỡ lẫn ngạc nhiên sao mình lại có thể có được cái phiếu
đi xe bus không tốn tiền. Tại sao mình có thể vào thư viện mượn sách mà không
ai làm khó. Tại sao con tôi đi học những ngày đầu ở xứ sở xa lạ mà không sợ
hãi. Tại sao tôi đi chợ vẫn được đối xử nhã nhặn lịch sự như bao nhiêu người
khác. Những câu hỏi tại sao đã giúp cho tôi thấy rõ về một đất nước tự do thật
sự. Về tương lai của con tôi và về những ước mơ tốt đẹp.
Nhiều tháng 10 đi
qua, tôi bước vào những năm cuối của tuổi 70. Người mẹ già đã ra đi hơn 10 năm.
Những đứa cháu ngoại, cháu nội lần lượt ra đời. Cám ơn nước Mỹ vô cùng. Con tôi
từ những ngày đầu ngơ ngác đến trường bây giờ đã đứng vững trên đôi chân của
mình. Chúng đã và đang sống thật vui vẻ,
hạnh phúc. Chúng đang đóng góp vào đất nước này với tất cả niềm tin và tri ân
sâu sắc.
Cháu tôi tất cả đều
đã đến trường từ Trung học đến lớp mẫu giáo.
Cháu được hưởng mọi
quyền lợi mà người công dân Mỹ được hưởng.
Con trai lớn của
tôi bây giờ là một Sĩ Quan trong quân đội Hoa Kỳ, được điều đến công tác tại
Yokota US Air Force Base tại Nhật Bản. Tháng 10 năm nay đứa con trai đầu tiên của
nó đến tuổi đi học. Cháu được 3 tuổi và vào lớp preschool tại Nhật Bản với ngôn
ngữ chưa từng biết qua. Nó khiến tôi nhớ đến cha nó ngày xưa ở trại tị nạn
Bataan Phi Luật Tân với tiếng Anh lạ lẫm. Ngày đó, tôi dẫn con tới lớp rồi đứng
bên ngoài thật lâu mới về. Tan học đã có mẹ đứng bên ngoài lớp để rước về.
Bây giờ cháu tôi được
mẹ chở ra khỏi căn cứ rồi đứng chờ xe bus của trường. Chiếc xe Bus có đầu máy
hình dạng chiếc xe lửa Thomas and friend mà cháu tôi rất thích. Cháu mặc đồng
phục, đội nón thật xinh . Cháu được cô giáo đón lên xe và chiều sẽ đưa về. Mẹ
cháu không được đi theo, không được đến trường. Chỉ biết lặng lẽ đi về mà
thương con thắt thẻo.Nhìn cháu trong những bộ đồng phục mùa đông, mùa hè ,lễ phục
đến lớp lòng tôi thấy ấm áp lạ kỳ.
Cháu tôi sẽ bước
những bước đầu đầy kỷ luật để rèn luyện con người. Mới 3 tuổi nhưng trong cặp
sách có sẳn, đủa, bàn chải đánh răng, tạp đề và mọi việc cá nhân đều phải học
cách tự túc.
Chiều nay trên
Face Time, con tôi cho thấy cháu đang cùng các bạn trong một buổi trình diễn tập
xếp hình đồng bộ. Những chiếc nón màu đồng bộ mỗi lớp lên xuống theo hiệu lệnh
thầy cô giáo. Những chiếc áo mưa theo màu từng lớp đều đặn lên xuống thật đẹp
trên sân vận động.
Con tôi và gia
đình cùng những phụ huynh người Nhật lót nylong ngồi từng tốp, đem theo thức ăn
chơi picnic trong ngày game show.
Phụ huynh cũng được
mời tham gia vào những trò chơi tập thể. Nước Nhật là một nước có trình độ dân
trí cao, kỷ luật và tinh thần độc lập. Những điều căn bản đó được thực hành
ngay từ những ngày đầu bước chân vào trường học.
Ngày Game Show tập
thể, cháu mặc đồng phục theo bạn. Nhưng cháu không biết cô giáo nói gì, hiệu lệnh
ban ra cháu không hiểu, những điệu nhạc xa lạ và một tập thể con người đông đúc
đang thi thố trên sân làm cháu sợ hãi.
Mới vào học chỉ mới
chưa đầy một tuần, cháu như con chim bé nhỏ lạc lõng nên cháu chỉ biết khóc. Mẹ
cháu nhìn theo con đau lòng nhưng đành chịu. Rồi cháu tôi sẽ quen, sẽ mạnh dạn
trong môi trường mới. Cháu sẽ từng bước hấp thụ một nền giáo dục rất tốt ở xứ sở
này.
Tháng 10, bên tiểu
bang Virginia, con dâu tôi đang những ngày cuối của thai kỳ. Bên này ngày nào tôi
cũng chờ tin và hồi hộp.
Từ căn cứ quân sự
Hải Quân Dahlgren Virginia tới bệnh viện
nơi con dâu tôi sẽ đến sinh em bé đi phải hơn một tiếng đồng hồ. Tôi không thể
đến để lo cho con dâu trong những ngày sinh nở vì bận lo cho chồng. Thương lắm
nhưng đành chịu. Mong rằng đứa cháu nội sẽ mạnh khỏe ra đời. Những đứa cháu nội
ra đời những nơi khác nhau không phải ở Cali. Đứa ở Nevada, đứa ở Ý, đứa này ở
Virginia. Đời lính xa nhà, con cái sinh ra cũng chịu ảnh hưởng theo.
Chiều nay, ngồi
bên bàn máy, ông chồng già nằm rên rỉ từng hồi vì thời tiết thay đổi. Nhận được Email cháu kêu bằng cô báo tin đứa
em trai ngày nào tôi ẵm bồng giờ đang ở những giờ phút cuối cùng tại Việt Nam.
Bệnh viện Ung Bướu hai người một giường nằm so le như xếp cá mòi trong cái hộp.
Mấy tháng nay gia đình cạn kiệt tiền vì chạy theo cơn bệnh. Tiền xét nghiệm, tiền
thử cái này, tiền thử cái kia. Tiền biết điều cho BS khám kịp thời. Tiền bồi dưỡng
cho cô điều dưỡng, cho chị y tá, cho người dọn phòng.
Ở trong nhà thương
không đủ chỗ, phải mướn phòng ngoại trú để có chỗ nằm. Chỉ một cái giường nhỏ
như cái ghế bố trong một căn phòng lợp tôn nóng hầm hập. Giá 100.000$ đến
200.000$VN một ngày. Người bệnh không chết vì bệnh cũng chết vì nóng. Sao mà thảm
thương, đau khổ quá vậy trời.
Em tôi -đứa em một
cha khác mẹ mà tôi thương nhất-. Nó là đứa phá nhất khi còn nhỏ và cũng là đứa
biết điều nhất khi trưởng thành. Bây giờ nó đang đối diện với tử thần, nó đang
sợ chết mà dường như thần chết đang đứng chực bên giường. Thư của cháu làm tôi
se sắt:" Ba con chắc không qua khỏi rồi cô 9 ơi! Nãy giờ cấp cứu hai lần rồi
mà ba con không tỉnh . Đàm chận trong phổi không thở được. BS nói chuẩn bị tinh
thần để đem ba con về lo hậu sự"
Cháu tôi chuẩn bị
tinh thần mà bên này tôi cũng chuẩn bị tinh thần cho mình. Sự truyền tin nhanh
và kịp thời chừng nào thì sự đau khổ chuyền qua nhau nhiều và nhanh chừng đó.
Tôi ngồi đợi. Đợi cái gì? Phải chăng đợi cái tin em tôi tỉnh lại, lành bệnh hay
đợi tin em tôi trút hơi thở cuối cùng.
Thương em mà cũng
giận em, giận cái xã hội bày ra nhiều trò ăn nhậu, nhiều thức ăn độc hại, nhiều
những màn ma mảnh lừa lọc dối trá.
Tôi nhắm mắt lại cầu
nguyện, hai giọt lệ lăn trên má. Cầu nguyện gì đây khi cả đời em không thành
tâm lạy Phật, cả đời em đi nhậu nhiều hơn đi chùa ăn chay.
Buổi tối đầu tháng
10 buồn quá dù đêm qua mưa đã làm mát dịu đất trời Cali. Sáng mai hy vọng nắng
lên ấm áp. Hy vọng cháu tôi báo tin vui.
Hy vọng, hãy hy vọng
tôi nhủ thầm với mình.
Đêm thật yên tỉnh
và tôi chấp hai tay lại nguyện cầu.
Nguyễn Thị Thêm
No comments:
Post a Comment