Thursday, April 13, 2017

Ai Còn Nhớ và Ai Đã Quên? - Đặng Chí Hùng


Trong một tập tài liệu ấn hành vào năm 2000, mang tựa đề “The State of the World’s Refugees 2000, 50 years of Humanitarian Action,” viết về tình trạng tị nạn thế giới, để đánh dấu 50 năm hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, Bà Sadako Ogata, Cao Ủy Trưởng Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, đã nói về lòng can trường của hàng triệu người tị nạn và lánh nạn trên thế giới đã mất tất cả, ngoại trừ niềm hy vọng, và đã vượt qua biết bao thử thách và chông gai để đi tìm con đường sống. Bà Ogata đã tuyên dương những người này là “Những người sống sót vĩ đại của Thế Kỷ 20”. Cuốn sách cho biết:
“Ngay từ cuối năm 1975, những đợt người tị nạn Việt Nam đã bắt đầu đến lánh nạn tại các nước lân bang. Vào những ngày đó, Thái Lan đã đón nhận 5.000 người tỵ nạn từ Việt Nam qua, tại Hồng Kông cũng đã có 4.000 tị nạn, Tân Gia Ba 1.800 người, và có khoảng 1.250 người cũng đã đến Phi Luật Tân. Vào tháng 7 năm 1976, khi chế độ Hà Nội loại trừ bộ máy quản chế miền Nam của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam để thực hiện việc thống nhất hai miền, cưỡng chế người dân đi vùng kinh tế mới, và tập trung trên một triệu người miền Nam vào các trại tù cải tạo, những làn sóng di tản bằng đường biển bắt đầu gia tăng. Và đến cuối năm 1977, đã có trên 15.000 người Việt sang tị nạn tại các nước trong vùng Đông Nam Á. Cho đến năm 1978, khi nhà cầm quyền Cộng Sản phát động chính sách cải tạo tư sản, và tiếp theo đó là việc xua quân xâm chiếm Cam Bốt, và phải đương đầu với cuộc chiến biên giới với Trung Quốc, làn sóng tị nạn bằng đường biển đã tăng lên gấp bốn lần, với đa số người ra đi thuộc khối người Việt gốc Hoa, để sau đó được đưa sang định cư tại các tỉnh phía Nam Trung Quốc.
Vào cuối năm 1978, đã có 62.000 thuyền nhân người Việt tị nạn tại các nước Đông Nam Á. Riêng trong tháng 6 năm 1979, đã có trên 54.000 thuyền nhân Việt Nam đến tị nạn tại các nước nói trên. Những làn sóng tị nạn này đã khiến cho các nước trong khối Đông Nam Á, như Mã Lai Á, Thái Lan, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba và Nam Dương tuyên bố không nhận thêm người tị nạn từ Việt Nam, khiến cho những đợt thuyền nhân đến sau đã bị xua đuổi cấm không cho lên bờ. Cũng kể từ đó, con số thuyền nhân tử vong trên biển cả cũng đã gia tăng.
Sau những cuộc hành trình hãi hùng lênh đênh trên đại dương, một số thuyền nhân cũng đã đến được bến bờ tạm dụng. Những lớp người này đã đem cho thế giới bên ngoài những mẫu chuyện về người cha, người mẹ, đã phải chia nhau những hạt cơm rơi từ miệng những đứa con; đến chuyện chia nhau từng giọt nước quý hơn vàng được vắt ra từ miếng vải thấm mưa, để đánh lừa những cơn đói khát triền miên. Hay là những chuyện thương tâm về người chết đã cứu được người sống với thịt máu của chính mình. Hoặc nữa là những chuyện nói nhỏ, kể về những trường hợp phải đương đầu với hải tặc. Ngoài những mối đe dọa do sự đầy đọa của con người đối với con người, những thuyền nhân này còn phải đương đầu với những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Những cơn phong ba bão táp đã khiến cho không biết bao nhiêu thuyền nhân làm mồi cho biển cả. Không ai dám phỏng đoán với mỗi người có cơ may đặt chân lên bến bờ tự do, đã có bao nhiêu người hy sinh trên đại dương.
Cuối cùng, làn sóng người tị nạn Việt Nam bằng đường biển đã viết lên thiên bi sử của thuyền nhân, và những câu chuyện hãi hùng của các cuộc vượt biển của người tị nạn Việt Nam đã đánh động được lương tâm thế giới. Vào tháng Ba 1979, chương trình Ra Đi Có Trật Tự ra đời để cố gắng ngăn chặn những làn sóng vượt biển. Ngoài ra, cũng vào thời gian này, các chương trình cứu người vượt biển đã được một số tổ chức thiện nguyện quốc tế phát động hai chiếc tầu cứu vớt thuyền nhân ngoài biển là Anamur do một tổ chức từ thiện Đức Quốc vận động vào năm 1979 L’Ile de Lumière của tổ chức từ thiện Pháp Médecins du Monde điều hành vào năm 1980 đã cứu mạng được nhiều thuyền nhân Việt Nam lênh đênh ngoài biển cả trong khoảng thời gian từ 1979 cho đến 1990.”.
Vậy đâu là lý do đưa đến những thảm cảnh này ?
Ngoài việc trả thù những người cán chính VNCH trong những trại tù cải tạo khổng lồ hoặc giết hại vô tội vạ bằng những tòa án vô luân thì CSVN còn trả thù người dân hay nói chính xác là cướp của dân. Cho nên mới có thảm trạng mà tài liệu LHQ đã viết nêu trên. Có thể kể đến vài ví dụ tiêu biểu về sự ác độc của đảng CSVN.
- Đỗ Mười đọc Quyết định của Thủ tướng, đọc Chỉ thị 100 – CP, và triển khai kế hoạch cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh tại thành phố Sài Gòn (đã bị đổi tên thành Tp. HCM) và các tỉnh phía Nam. Đỗ Mười nói:
“Từ sau giải phóng chúng ta đã thực hiện X-1, tập trung bọn ngụy quân, ngụy quyền học tập cải tạo. Đã thực hiện X-2 đánh bọn tư sản mại bản. Bây giờ chiến dịch X-3, quyết liệt nhất, nhằm tiêu diệt tận gốc rễ chủ nghĩa tư bản, tay sai đế quốc Mỹ… Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đã đánh dập đầu rồi, nhưng con rắn tư bản đánh dập đầu nó chưa chế, cái đuôi nó còn nguy hiểm hơn cái đầu. Không giần cho nát cái đuôi của nó, thì nó vẫn tác oai tác quái phá chúng ta… Cho nên chúng ta phải róc thịt chúng ra. Bắt chúng lao động sản xuất, tự làm lấy mà ăn. Phải biết cày ruộng, cấy lúa, trồng ngô. Đất hoang còn nhiều, bắt chúng đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm miếng ăn …”
Đỗ Mười kết thúc buổi triển khai chiến dịch X-3, bằng một mấy cái chém tay như có ‘thượng phương bảo kiếm: “Anh nào, chị nào nhụt ít chí thì lui ra một bên. Kẻ nào tỏ ra nhân nhượng với bọn tư sản là phản bội giai cấp, không phải Bôn – sê- vích, có tội với đảng với dân, sẽ bị trừng trị!”.
- Trong văn kiện đại hội đảng năm 1979 chính Thọ đã khẳng định: “Với đường lối đúng đắn của bộ chính trị và toàn đảng, chúng ta đã quét sạch được lũ tư bản mại bản và lấy lại những gì của chúng…”.
- Phạm Văn Đồng thì nói thẳng với báo chí phương Tây và nói rằng những người vượt biên là “Thành phần đĩ điếm, xì ke, trộm cướp chạy theo tàn dư Mỹ Nguỵ”.
Vậy những ai còn nhớ ? Ai đã quên ? Ai đã chạy ra đi để rồi hôm nay hằng năm về VN ăn chơi, hưởng lạc mà thật ra là góp sức cho CSVN tồn tại lâu dài.
Buồn cho quê hương VN….

2 comments:

  1. Là người tỵ nạn cộng sản, tôi không bao giờ quên được những ngày sống chật hẹp như cá mòi trên con tàu vượt biên, Tôi cũng không bao giờ quên ai đã gây ra tội ác này, chính bọn cộng sản VN khát máu đã hủy diệt dân tộc và làm tay sai cho tàu cộng. Tôi cũng không bao giờ tiếp tay cho bọn cộng sản VN chỉ vì lợi ích cá nhân nhỏ nhoi.

    ReplyDelete
  2. Những biến cố xảy ra sau ngày miền Nam mất nước cũng như làn sóng tỵ nạn cộng sản là 1 chương lịch sử đau thương và u ám không bao giờ có thể xóa nhoà trong tâm khảm của người Việt tỵ nạn.
    Có lẽ chỉ có những ai đã liều chết trên bước đường vượt biên tìm sự sống mới thấu hiểu cái giá trị của tự do.
    Con cháu những người Việt tỵ nạn câǹ được giáo dục hướng dẫn để không bao giờ quên đi nguồn gốc tỵ nạn của mình.
    Tôi tự hào là người Việt tỵ nạn và không đánh mất đi bản sắc của mình.




    ReplyDelete