Các y tá của bệnh viện Montefiore ở New York kêu gọi “giữ mạng sống cho
chúng tôi để chúng tôi giữ mạng sống cho các bạn” vào hôm 1 Tháng Tư. Họ
cần thêm khẩu trang N95 và các thiết bị y tế khác để đối đầu với
COVID-19, trong lúc bệnh viện yêu cầu tái sử dụng khẩu trang N95. (Hình:
BRYAN R. SMITH/AFP/Getty Images)
Nói đến những người phục vụ trong ngành y tế, thì không
phải cho đến bây giờ, khi thế giới lâm nguy bởi đại dịch
COVID-19, người ta mới biết đến lương tâm và công lao của những
người phục vụ trong ngành y.
Ở Mỹ những ai đã từng trải qua những ngày trong bệnh viện,
nursing home đều đã cảm thấy một sự mang ơn về những sự tân
tâm, săn sóc đầy tình người của giới y sĩ và chuyên viên y tế
đối với bệnh nhân.
Không phải vì sự đáng quý, ở chỗ có mặt của một y tá
trực vào lúc hai giờ khuya, thời gian mà mọi người đang đắm
mình trong giấc ngủ say, đáp ứng đến nhu cầu của người bệnh,
dù là một ly nước, một cái chăn ấm hay bệnh nhân cần sự trợ
giúp để vào phòng vệ sinh, mà còn ở chỗ tận tình, chu đáo
và luôn luôn vui vẻ của người phục vụ, không nề hà sự dơ bẩn hay
khó nhọc.
Phải chăng hơn hết, và khác hẳn mọi ngành nghề, bởi lời
thề Hippocrates của ngành y, trong đó bao gồm những điều răn dạy
về lương tâm, trách nhiệm và thiên chức của một bác sĩ.
Linh Mục Augustinô Nguyễn Viết Chung cũng là một bác sĩ, là
người đã chăm sóc cho bệnh nhân phong cùi và bệnh nhân Aids tại
trại phong Di-Linh, rồi cuối cùng ngã bệnh giữa những bệnh nhân mà linh
mục đã yêu thương phục vụ. Đã biết bao nhiêu nhà tu, bác sĩ, y tá đã
dấn thân vào những hoàn cảnh như vậy, dù phải tới tận những nơi xa xôi
như Phi Châu.
Tiếc thay, vào một thời kỳ nhiễu nhương về sau, ở một vài
quốc gia lạc hậu, hay với những con người vô đạo, khẩu hiệu
“lương y như từ mẫu” đã trở thành một thành ngữ mỉa mai để
nói về sự xuống cấp của giới thầy thuốc, trong một xã hội
băng hoại về đạo đức, mà lương tâm tránh chỗ cho lương tiền ngự
trị.
Trong cơn hoạn nạn vì COVID-19 chúng ta mới thấy sự hy sinh không
giới hạn của các nhân viên ngành y. Theo tờ South China Morning Post,
tại Trung Quốc, từ khi có dịch bệnh vào đầu Tháng Hai, 2020,
trong 78,000 người bị nhiễm COVID-19, đã có hơn 3,300 người là
nhân viên y tế, và số chết đã lên tới hàng chục người. Người
bác sĩ đầu tiên chết mà cả thế giới biết đến là Li Wenliang,
người đã loan báo tin tức đầu tiên về COVID-19, với đầy đủ sự de
dọa trầm trọng của nó trước khi chính quyền Trung Quốc tiết lộ thảm
họa này. Ông đã chết vì bệnh dịch này vào ngày 6 Tháng Hai, 2020.
Điều khó khăn nhất trong chuyện chống dịch hiện nay là tình
trạng thiếu nhân viên, và bệnh viện nào cũng phải chịu tình trạng
thiếu thốn nghiêm trọng về dụng cụ cứu cấp, chưa nói chuyện đến
máy móc tinh vi khẩn thiết có thể giúp bệnh nhân qua cơn nguy
hiểm, mà ngay đến khẩu trang, áo quần bảo hộ cho nhân viên cũng
thiếu thốn. Về thời gian làm việc, có nơi y tá bác sĩ phải
làm việc thường xuyên không ngơi nghỉ, đôi khi phải nhịn bớt
chuyện ăn uống, phải mặc tã lót để tránh chuyện mất thời gian
đi vào phòng vệ sinh. Họ phải dùng băng keo để dán khẩu trang
bị rách, tái xử dụng găng tay và kính đeo nhiều lần và dùng
bao nylon để bọc dày. Nhiều nhân viên y tế trẻ tuổi tự nguyện chăm
sóc những bệnh nhân nặng hơn, với ý niệm rằng nếu họ bị lây bệnh có
khả năng bình phục nhiều hơn người lớn tuổi.
Trong lúc bệnh dịch hoành hành khắp thế giới, số nhân viên y
tế đã chết, không đơn giản vì lý do bệnh dịch lây lan, mà còn
bởi quá kiệt sức vì công việc. Đau đớn và bị dày vò hơn nữa
là từ lúc tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân là khoảng thời gian đầy khó
khăn và nhiều lần khiến đội ngũ y, bác sỹ rơi nước mắt khi buộc phải
quay lưng với bệnh nhân vì thiếu nhân viên, thiếu giường bệnh và
dụng
cụ y tế.
Có nơi một máy “trợ thở” phải cung ứng cho hai ba bệnh nhân,
phải chọn ai, bỏ ai và điều đau đớn nhất với lương tâm của một
y sĩ, khi nhìn người bệnh ra đi mà bất lực không làm gì được.
Không chịu nỗi sự căng thẳng, ở Ý, nơi mà dịch bệnh tràn
lan, bệnh viện Mario Alparone đã loan báo y tá Trezzi đã tự tử khi
xin nghỉ bệnh ở nhà, và đây không phải là một trường hợp duy
nhất xẩy ra. Công bố của cơ quan y tế Ý cho biết khoảng 5,760
nhân viên y tế nước này bị nhiễm Covid-19. Trong lịch sử, ít khi
xẩy ra trường hợp giới y phục vụ quần chúng tự tử vì căng
thẳng nghề nghiệp.
Đáng nói nhất là sự hy sinh tình cảm gia đình của những
người đang phục vụ trong ngành y tế. LM. Jos Trần Chính Trực đã
kể câu chuyện sau đây của một nữ bác sĩ trẻ tuổi quen biết đã
gọi cho ông.
“Cha ơi, con không chịu đựng được nữa rồi. Con phải bỏ cái nghề này
thôi. Thật ra, nó không còn là nghề nữa, mà là nghiệp – nghiệp chướng.
Cha có biết không, hai tháng nay con không dám về gia đình. Mỗi lần quá
nhớ con, nhớ chồng, con trốn về thăm, nhưng chỉ đứng ngoài cổng nhìn
vào. Đứa con trai duy nhất của con, năm nay đã được 9 tuổi đã biết hết
tình hình. Nó không dám ra ôm con, mặc dầu con biết nó nhớ con như con
nhớ nó. Con chỉ nhìn nó một lúc, rồi lặng lẽ biến mất về cuối đường, nơi
đó các bệnh nhân đang bị nhiễm virus Corona đang chờ con giúp đỡ.
Cha ơi, khi cha đọc tin tức, nếu biết con bị lây nhiễm con virus này,
xin cha đọc cho con một vài kinh và dâng cho con một vài thánh lễ, được
không? Xin cha nói với đứa con trai của con rằng: Con yêu nó vô cùng.
Vừa tới đó, tôi nghe bên kia tiếng rớt của cái điện thoại và chỉ
còn nghe những tiếng khóc nức nở. Nhìn vào bản thân mình, hai hàng lệ
đã chảy ướt áo chùng thâm lúc nào không hay! Tình người mà! Vui với
người vui, khóc với người khóc. Chỉ có những trái tim vô cảm, chai đá
mới không có cảm xúc trong bối cảnh bi đát này. Các bác sĩ là người tội
nghiệp nhất. Ta là người đã được ở an toàn trong nhà. Còn họ thì sao?
Phải liều thân trực tiếp với con Corona. Lẽ nào bạn vô cảm, không cầu
xin Thiên Chúa mỗi lời kinh, không động viên an ủi họ một vài lời!”
Chúng cũng nên biết rằng giới y sĩ, y tá và nhân viên phục vụ trong
ngành đều không dám về thăm nhà hay gặp người nhà, vì chắc chắn đã bị
hoặc sẽ bị nhiễm bệnh, chỉ là sớm hay muộn, và không ai muốn để lây cho
gia đình.
Nhiều người thân đến nhà thăm, nhưng chỉ được đứng bên ngoài cách xa,
chỉ được nhìn và nói chuyện với con cháu làm bệnh viện qua cửa sổ. Vì
cha mẹ, nếu chẳng may bị bệnh mà phải vào bệnh viện, thì phải đi một
mình, và trong bệnh viện nếu phải lựa chọn giữa cha mẹ mình và một bệnh
nhân khác trẻ hơn, thì chắc chắn bác sĩ sẽ trao máy thở cho người kia,
vì cơ hội sống của người ấy cao hơn. Vì vậy khi đến thăm con trong ngành
y, cha mẹ đành phải đau lòng quay lưng ra về.
Các bác sĩ y tá trong mùa dịch này, phải sống trong nỗi lo sợ ám ảnh
là mình sẽ lây bệnh cho chồng, vợ hay con cái. Nhiều người phải xuống
ngủ ở tầng hầm, có khi phải ra thuê khách sạn, ai có con thì phải gửi
con về ở với ông bà nội, ngoại và tuyệt đối không dám thăm viếng con.
Không bi quan, nhưng giới y tá, bác sĩ phải nghĩ đến tình huống xấu
nhất, hầu hết đều đang hối hả lập di chúc, đặc biệt những ai đã có con.
Những bậc cha mẹ có con đi làm trong bệnh viện như đang ngồi trên
đống lửa. Nhưng thời điểm này không ai nỡ xin nghỉ, vì trách nhiệm với
bệnh nhân và cả trách nhiệm với đồng nghiệp nữa.
Nhìn chung toàn cảnh, Bác Sĩ B. Caliwanagan ở Orange County đã nói rằng: “Nhân viên y tế đã kiệt sức!”
Có 29 nhân viên y tế từ Atlanta lên đường tới New York hôm 27 Tháng Ba để hỗ trợ chống dịch bệnh.
1,000 y tá đã về hưu tình nguyện ghi danh đi làm trở lại vì tình
trạng thiếu nhân viên xảy ra khắp nơi. Điều này không khác gì cảnh một
quốc gia lâm nguy, những cựu quân nhân phải tái ngũ để cầm súng ra mặt
trận!
Ngành y xứng đáng với lời Chúa Kito đã phán: “Không có Tình Yêu
nào cao trọng cho bằng hy sinh mạng sống mình vì kẻ mình yêu!”
Chúng ta đã đôi lần ý thức được sự may mắn của mình khi được chăm
sóc bởi những chuyên viên y tế nhân hậu đầy tình người trong bệnh
viện, khi chúng ta không có mẹ, có vợ, có em, có con, có người thân bên
cạnh. Họ ở bên chúng ta mỗi ngày, gần gũi với chúng ta bên giường bệnh,
thường xuyên thăm hỏi, giúp chúng ta ngồi dậy khi chúng ta quá yếu,
giúp chúng ta dùng thuốc men, ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi; dặn dò chúng
ta những điều cần thiết, lo lắng mong cho chúng ta sớm bình phục. Họ
làm tất cả những việc đó với những cử chỉ ân cần, nhiệt tâm, vui vẻ…
Phải chăng đó là những Thiên Sứ nhân từ, Thiên Thần thật sự,
những Thiên Thần Áo Trắng, tự Trời cao xuống trần thế này để
xoa dịu nỗi đau đớn và tai ương của loài người.
Huy Phương
nguoi-viet.com
nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment