Chỉ
mới chừng mươi năm trước đây, tôi không nghĩ là mình đã già! Nếu có
nghĩ đến chữ “già” thì lại cười mà cho rằng “mình già mà còn xung!” hoặc
“mình là ông già gân,” thậm chí còn ngâm nga câu lục bát tiếu lâm: “già
đầu, già tóc, già râu. Nhưng còn .. cái ấy, còn lâu mới già!” tuy rằng
cứ khoảng ba, bốn tháng, lại phải nhuộm tóc một lần. Mà mỗi lần nhuộm
tóc như vậy, vẫn thấy vui, vì tóc bạc còn núp phía trong, chỉ khi nào
hớt tóc cao lên thì mới thấy tóc bạc, nếu để hơi dài, thì không ai thấy
tóc mình đã vào tuổi gọi là “hoa râm” hay “muối tiêu.” Và vì tin rằng,
mấy cái sợi bạc ấy sẽ núp bên trong mầu đen kéo dài thêm nhiều năm nữa
nếu đi “spa” thường xuyên, nên tôi vẫn lặn lội đi đạp xe đạp và bơi, rồi
ngâm nước nóng. Đôi khi ngồi thiền trong phòng xông khô chừng nửa tiếng
đồng hồ, rồi... ngủ gật ở trong đó. Ngoài ra, để tăng cường sức khỏe
cho chính mình cũng như để giúp bà con, mỗi tuần tôi đi dậy khí công cho
người cao tuổi hai lần, và dậy võ cho thanh niên cũng một tuần hai
buổi. Thời gian đó, cảm thấy thoải mái và tự hào, nhất là khi được mấy
bà xồn xồn khen là “anh trông còn phong độ lắm!” Nghe lời khen, mà mũi
cứ phồng to lên, trái tim đập rộn ràng… cứ tưởng mình là trai trẻ ba
mươi lăm!
Nhưng năm nay, mới thấy luật Tạo Hóa ứng dụng từ từ,
chầm chập nhưng chắc chắn trên mọi con người, và thấy mình đã già thật
rồi. Bất chấp bao nhiêu thời gian luyện tập, hít thở, cái mầu trắng trên
tóc cứ mỗi ngày mỗi phát triển, chòi ra ngoài mầu đen, ngược chiều với
thời gian phải nhuộm tóc: Tóc bạc càng dài, thì thời gian phải nhuộm lại
càng ngắn. Những năm trước, còn cử động các bắp thịt vai, tay, lưng,
chân thoải mái, bây giờ thì hễ vung tay mạnh một chút là cái vai đau
nhói. Nằm ngủ nghiêng bên nào cũng thấy cái vai lấn cấn và đau nhức.
Chân hồi xưa còn đá được, ngày nay, nếu mà tung chân đá là có thể ngã
chúi, đứng dậy không nổi. Hồi còn trẻ, mỗi sáng thức dậy, chạy một hai
cây số như chơi, bây giờ mà chạy chừng chục phút là tim đập mạnh như
muốn bung ra khỏi ngực, và đầu gối như muốn rớt ra ngoài khớp, cho nên
chỉ còn đi bộ thủng thẳng mà thôi. Cái thắt lưng cũng làm eo nữa, hễ mà
cúi xuống nhặt cái gì dưới đất, là lưng nó kêu toáng lên “ối! ối! ông
ơi! Rắc rắc…” thế là lại phải nằm sấp xuống, tập ưỡn lưng, hít thở một
lúc mới hết đau.
Mắt mũi ông già cũng không còn hoạt động nhanh nhạy
như xưa. Đọc sách, viết lách chừng hơn tiếng đồng hồ là mắt như nhòe đi,
lại phải nhỏ “clear eyes” vài giọt rồi chờ vài phút mới đọc tiếp được.
Khổ nhất là những cơn buồn ngủ quái ác và bất chợt vào buổi chiều và
tối. Đang xem phim, chợt thấy mắt nhíu lại, rồi ... ngủ gật vài phút,
giật mình dậy, thấy mất một đoạn phim… Hồi trước, lái xe đường dài cứ
vun vút, 80 hoặc 90 miles như không, và có thể lái một mạch 3, 4 tiếng
đồng hồ. Bây giờ, hình như bắp thịt chân đâm ra lười biếng, nên cứ lên
xe là chỉ đạp tới 60 miles một giờ thôi, và lái cùng lắm là hai tiếng
đồng hồ đã rời rã tay chân, thở phì phò như chạy marathon!
Chuyện bực nhất là cứ thèm ăn vặt. Mới vừa chơi một
tô cơm canh đầy, chừng 2, 3 tiếng sau lại thèm bỏ cái gì vào bụng. Nếu
không thì lên cơn đói, mà hễ đói thì thôi, cả người như tan ra giống cà
rem để gần máy xấy tóc, không còn bắp thịt nào chịu làm việc nữa, đứng
không nổi, ngồi không xong. Phải tìm cái gì để “tọng hay nhồi vào họng”
(lời Mẹ mắng khi ăn vụng cơm nguội trong trạn!), và cho dù ăn no rồi,
vẫn còn cơn mệt cả vài tiếng sau. Chán thật!
Thời tiết ảnh hưởng nặng đến cái tuổi già. Hơi se
lạnh một chút là ho khù khụ. Ra nắng mà không đội mũ là nhức đầu. Có
nghĩa là “ngán gió, ngại mưa, sợ sương, ớn nắng” không bù với thuở thanh
niên, đi lính, dầm mưa, dãi nắng, coi chuyện ướt át không bằng cái lông
hồng. Có lần đi tập hành quân đêm ở quân trường Fort Benning, mưa dầm
dề, nhưng vì tính lười biếng, nên nằm lăn xuống đất mà ngủ, không lều,
không võng. Cảm thấy mặc quần áo lạnh hơn không mặc, nên… cởi hết trong
ngoài ra, mặc đồ Adam, rồi quấn poncho nằm ngủ dưới mưa tỉnh bơ. Sáng
dậy, thấy nước ngập lên gần lỗ mũi.. Nghe tiếng còi tập họp, vội mặc
quần áo vào và chạy luôn, không có một ngụm cà phê nóng dằn bụng. Lần
sắp mãn khóa, phải đeo đủ súng, 600 viên đạn, lều, xẻng, và đồ hộp đủ 6
ngày, cộng lại là gần 20 kí lô, rồi chạy dã trại một lèo 12 miles, nghĩa
là 16 cây số! Vừa tới điểm tập trung, là lập tức phải đào hầm, hố, dựng
lều, rồi mới được đi ăn… Bây giờ mà chạy một dặm, cho dù chỉ mang theo
cái ví, cái phôn, và một chút nho nhỏ nào đó thôi, là xe cứu thương “í
e, í e”… tới liền…
Thật chán cho cái tuổi già! Cho nên thỉnh thoảng lại
mơ màng nhớ lại tuổi còn thơ, 6, 7 tuổi, cùng với thằng em họ, thi nhau
bắn súng nước, xem thằng nào bắn xa hơn thì được nhéo tai thằng thua.
Bây giờ thì ôi thôi, nhớ một câu chuyện tiếu lâm: Thấy một ông già lụ
khụ đi mua Viagra, cô dược sĩ nói đùa, “Bác ơi! Tuổi của bác như thế
này, mà mua thuốc này làm gì?”
Ông già run rẩy trả lời, “Cháu hiểu lầm rồi! Bác mua
cái này không phải là cái ấy mà chỉ để khi đi tiểu, không bị ướt quần
thôi!”
Dĩ nhiên, mình chưa đến nỗi như ông già kia, phải
thay quần đều đều, nhưng đôi khi cũng sờ sợ, lúc phải hát bài “Một mai
giã từ vũ khí”: Rồi có một ngày, sẽ có một ngày, anh sẽ già. Anh chẳng
còn chi, ngoài cây súng sét, em ơi…”
Thôi, biết nói sao với cái tuổi già! Cho dù nói
chuyện tiếu lâm với mấy ông bạn già để quên đời, nhưng mà cho dù là
chuyện quấy quá của giới liền ông, cũng phải ngó trước ngó sau kẻo bà
chủ nghe được thì khổ. Một ông bạn tôi, đang líu lo điện thoại với bạn
đồng môn, cũng về chuyện ấy, xui xẻo làm sao, bà chủ của bạn ấy nghe
được. Bà quát lên, “Thôi! Dẹp đi, ra rửa bát giùm tôi. Các ông già chỉ
nói dóc là giỏi, bọn tôi biết tỏng mười mươi rồi! Có uống thêm cả hũ
thuốc họ Vai cũng chả làm nên trò trống gì!”
Thế là bạn tôi tịt ngòi, lòng khòng đi ra chỗ chậu rửa bát, nước mắt rơi xuống cái chậu nghe “Toong! Toong!” Chán mớ đời!
Chu Tất Tiến
No comments:
Post a Comment