Wednesday, May 13, 2020

Đường Vào Làng Văn - Người Phương Nam


Đối với nhạc sĩ Trúc Phương, đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn thì đối với tôi, đường vào làng văn cũng có chừng ấy buồn vui. Đó là tâm trạng của riêng tôi khi bắt đầu tập tễnh gõ phím học đòi làm văn sĩ. Bởi nghĩ rằng dù cho mình có khả năng viết đi nữa nhưng vấn đề là viết ra rồi làm cách nào để phổ biến tới tay người đọc. Độc giả là động lực thúc đẩy, là niềm khích lệ lớn lao giúp cho người viết thêm phấn khởi để tiếp tục sáng tác. Bài viết không được hưởng ứng đón nhận thì chẳng khác nào một sản phẩm được làm ra không có người tiêu dùng, có cung mà không có cầu thì sớm muộn gì tác giả cũng sẽ lâm vào tình trạng thất chí dẫn đến sự phá sản tinh thần mà thôi.

Mấy lúc gần đây, những khi rảnh rang đọc những bài thơ trong báo, tôi chợt nảy ý sao mình không bắt chước người ta làm thơ gởi đăng báo cho vui tuổi về chiều. Nhớ thời đi học, tôi thích nhứt là môn văn, những bài luận văn và bình giảng của tôi cũng có hạng lắm chớ đâu đến đổi tệ ở hạng cá kèo. Nhờ may mắn gặp được cô giáo dạy Việt văn tên Duyên rất yêu văn chương thi phú, giảng văn lưu lóat xuất thần khiến tôi bị lôi cuốn mê hoặc bởi văn thơ từ dạo đó. Muốn dạy học sinh phân tích mệnh đề để biết cách hành văn, cô Duyên thường mượn những câu văn nên thơ súc tích gợi hình làm mẫu chẳng hạn như "Đã có những buổi chiều tôi đi lang thang giữa cánh đồng ngập gió, nhìn chân trời xa mà mơ giấc mộng sông hồ’" nói lên ước mộng lãng du, chí phiêu bồng. Họăc để than thân trách phận thì có câu "Thân hỏi thân sao thân lận đận, phận sao phận bạc như vôi",  và  "Mây bay bay vô hạn, nước trôi trôi vô định, nỗi buồn của tôi như mây nước lúc bấy giờ" khi diễn tả một nỗi buồn mênh mông vô bờ bến.    

Yêu thơ, mê sách truyện, tiểu thuyết, tôi vẫn hằng nuôi mộng một ngày nào đó có thể làm thơ viết truyện như các bậc đàn anh đàn chị văn nhân thi sĩ cho thỏa lòng khao khát đam mê. Nhưng ước mơ chưa một lần được chạm tới, tôi đã vội lên xe hoa theo chồng để rồi sớm bận bịu với bổn phận vợ hiền mẹ thảo trong gia đình. Và chẳng bao lâu sau đó, nước nhà xảy cơn chính biến đổi chủ thay cờ, như hằng triệu người dân không cam lòng sống dưới chế độ độc tài đảng trị phi nhân của cộng sản, gia đình tôi đã liều mình vượt biển đi tìm tự do ở một chân trời mới bên kia bờ đại dương. Nơi đất khách quê người, tay trắng bắt đầu lại, tôi cùng chồng mải lo sinh kế, đầu tắt mặt tối cho cuộc sống hằng ngày, nuôi con ăn học, phụng dưỡng cha mẹ già, mua nhà sắm cửa chẳng còn thời giờ đâu mà mộng với mơ thơ với thẩn. Khi con khôn lớn gả chồng, tôi tưởng đâu mình sẽ  thảnh thơi nhàn hạ, sẽ có cơ hội thực hiện những gì mình mong muốn nhưng nào ngờ trái lại, càng ngày càng đa đoan bận rộn hơn vì nuôi con xong lại bắt quàng sang nuôi cháu theo thiên chức, bản năng của một người làm mẹ làm bà.   

Cho mãi đến bây giờ, khi bóng hòang hôn thấp thóang bên đời, mặt trời chỉ còn le lói vài tia nắng yếu ớt ở cuối đường thì lòng người chợt bàng hòang thảng thốt bừng sống dậy ước mơ xưa, ước mơ của một thuở thanh xuân hoa mộng đã bị bỏ quên chôn vùi vì bao hệ lụy nhân sinh. Chút thời gian còn lại, trước khi màn đêm buông xuống vĩnh viễn, tôi quyết chí phải làm được một chút gì cho mình kẻo chết đi không cam lòng nhắm mắt. Sự sống của con người tùy thuộc vào hơi thở. Có ai biết trước bao giờ trái tim thôi đập làm mình ngưng thở kết thúc đi một kiếp người. Có ai biết được khi nào mình ngủ luôn một giấc miên trường không thức dậy nữa thì nguyện vọng này sẽ vĩnh viễn theo thân xác tan thành tro bụi hư vô!  Thế nên:
Vội vàng dệt mấy vần thơ
Gởi đi tứ xứ thân sơ xa gần
Bà con ai nấy khen rần
Nhưng nào dám chắc giả chân thế nào
Tự mình chứng thực xem sao
Gởi đi đăng báo, gởi vào web-site
Cũng may chẳng bị tẩy chay
“Xông lên thừa thắng, bác tài tới luôn’’

Muốn đến với làng báo, lúc ban đầu tôi cũng đã gặp nhiều thử thách chua cay chớ không phải dễ dàng may mắn gì được tổ đãi. Bởi vì thứ nhứt tôi là một kẻ vô danh, suốt cuộc đời chưa có một title lớn nhỏ gì ngòai xã hội hay “cựu” này “cựu” nọ nổi đình nổi đám với đời như thiên hạ mà chỉ là một bà nội trợ thuần túy ở xó bếp góc nhà, lại không quen với ai trong giới viết văn làm báo có thể cho tôi một cái reference giới thiệu gởi gắm như lần đầu tiên tôi đi xin việc làm. Thứ hai là tôi chưa có phương tiện  internet, đó là một trở ngại lớn lao cho việc liên lạc gởi bài tới tòa sọan báo chí. Cho dù bài vở có phù hợp cho chủ trương của tờ báo hay nhu cầu của độc giả đi nữa, chắc gì chủ báo chịu bỏ công ra đánh máy lại bài thơ hay bài viết của tôi khi mà thời buổi này người ta ai cũng gởi bài bằng điện thư, click một cái là tới ngay tòa sọan và ban biên tập sau khi kiểm duyệt, họ chỉ việc lấy từ đó đăng lên, khỏi mất công phí giờ.

Vì vậy khi gởi bài thơ đầu tiên cho một tờ báo có trang "Vườn thơ giao cảm", tôi cứ thấp thỏm lo âu, trông cho mau tới ngày báo phát hành để coi bài thơ của mình có được ra mắt độc giả hay không, tâm trạng này ai có qua cầu mới hay mới hiểu! Sau ba tuần lễ nặng nề chậm chạp trôi qua, không thấy bài thơ mình lên báo, tôi thất vọng não nề, vừa buồn tủi  cho mình mà cũng vừa giận thầm ông nhà báo vu vơ. Thiệt đúng là ‘’Đời’’ mà.
Bao nhiêu hoa mộng cuộc đời
Rồi như mây khói theo đời bể dâu

Tôi cứ tưởng là đăng hay không thì ít ra người ta cũng sẽ nói cho mình một tiếng chớ lẽ nào lại làm thinh làm thế để tôi cứ mãi băn khoăn đợi chờ! Tôi đã biết thân biết điều để lại số phone rồi chớ phải không đâu. Tại sao người ta lại có thể làm ngơ tảng lờ  như vậy mà coi được hay sao!? Uổng công tôi đã chọn mặt gởi vàng, uổng công tôi đã chắt tim vắt óc mấy đêm dài o bế bài thơ từng câu, từng chữ, từng vần như một chuyên gia ẩm thực nghiên cứu các thứ vật liệu gia vị sao cho hài hòa để hòan thành một món ăn mới mẻ, độc đáo, vừa ngon mắt lại vừa ngon miệng mà chẳng được ai đếm xỉa ngó ngàng! Tôi nghĩ chắc mẽm là  bài thơ của mình đã đi thẳng một đường ngọt sớt vô sọt rác rồi chớ còn gì nữa!. 

Nghĩ tới nghĩ lui, tôi bỗng phát giận mình ghê gớm, ai biểu tự dưng lại ‘’nạp mạng’’ cho người ta rồi giờ đây bầm gan tím ruột ngồi tức một mình. Không thể được! không thể nào im lặng dễ dàng như vậy được. Người ta không lên tiếng thì mình lên tiếng, ít ra cũng trút được nỗi phiền muộn trong lòng thì mới hả dạ cam tâm. Mặc dù tôn giáo nào cũng dạy con người phải biết buông bỏ thì mới  tìm được sự bình an trong tâm hồn nhưng trường hợp của tôi thì khác, bỏ qua sao được? Tôi chỉ mới nhập cuộc bắt đầu, nếu buông bỏ đi thì hòai bão cả đời của tôi kiếp này coi như đi đời nhà ma! Thế là tôi ‘’tống’’ đi thêm một bài thơ nữa.


Thơ tôi làm không đạt tiêu chuẩn
Hay tại… o-ver qua-li fied
Mà sao tôi chờ mãi ngày ngày
Vẫn không thấy trình làng in ấn?!

Hay tại tôi mồ côi không xuất xứ
Chẳng được ai điểm phấn tô hồng
Nên dù thâm thúy cũng như không
Cho free mà chẳng ai đăng thử

Không phải tôi ham danh thi sĩ
Mà chỉ  muốn dàn trải nỗi lòng
Ước mong được đón nhận cảm thông
Chớ đâu cần bốc thơm hoa mỹ...


Và tôi tự nhủ mình thua keo này thì bày keo khác vậy. Đừng vội nãn chí ngã lòng, đã biết trước là vạn sự khởi đầu nan rồi kia mà. Đường dài thăm thẳm mà tôi chỉ mới bắt đầu thôi, lo gì không tìm ra  cơ hội, nếu cửa này đóng thì mình gõ cửa khác, trước sau gì chắc chắn cũng sẽ có người nghe thấy mở ra cho mình. Qua kinh nghiệm lần đầu, tôi nhận thấy mình phải có computer và internet thì mục đích mới mong đạt hiệu quả, chớ cứ cái kiểu đánh máy bài rồi in ra gởi bưu điện như vầy mãi chắc không nhà báo nào chịu đoái hòai ghé mắt. Bao nhiêu tâm huyết của mình rồi sẽ như nước cuốn hoa trôi! Thế là tôi nhờ thằng em xúc tiến việc gắn internet, nhờ thằng rể chọn provider, một công ty nào thịnh hành có uy tín, ít bị ‘’cà giựt, cà chớn’’ để đăng nhập và sau đó lo cắm đầu cắm cổ học cách xử dụng căn bản “send & receive” cho quen, quên bẵng đi chuyện bài thơ bị xù hôm nọ.

Và trong lúc tôi đang ‘’nghiên cứu thị trường’’ để tiêu thụ ‘’sản phẩm’’ của mình thì bất ngờ một buổi trưa, trong lúc đứng trước cổng trường chờ rước cháu tan học, thình lình tôi nhận được một cú phone từ một người lạ. Người này tự giới thiệu là chủ bút tờ báo mà tôi đã gởi bài, báo cho tôi biết là bài thơ của tôi sẽ được trình làng ngày mai. Ông nhà báo nói:

        - Tôi thiệt sợ cô luôn, bài vở dồn dập nhiều quá, tôi chưa kịp đăng bài của cô thì cô đã hỏi phủ đầu nhắc khéo tôi rồi, hỏi sao mà hỏi ngặt quá đổi làm tôi chỉ có cách là đăng lên cho cô vừa lòng thôi. Sao cô làm thơ bi quan cay đắng quá vậy? ‘’Nhân sinh một kiếp phù du, cõi trần chỉ tạm lãng du chờ về, hư vô một cõi đi về, khi đi tay trắng khi về tay không’’, quả thật không sai.     

          - Thì tại thấm thía tình đời quá cho nên làm sao lạc quan cho được. Mà bài thơ của tôi anh thấy sao, có đạt tiêu chuẩn không chớ tôi không muốn anh miễn cưởng đăng đâu nhé.

Ông nhà báo hỏi ngược lại:   
        - Nếu không hài lòng thì sao tôi lại thuộc làu mấy câu thơ đó của cô chớ?  

Tôi mừng rỡ hỏi tới tấp:         
         - Anh nói thiệt hả? Vậy là tôi có đất dụng võ rồi, mai mốt anh có nhận bài của tôi nữa không? Tôi gắn internet rồi, mai mốt chỉ cần click một cái là tới anh ngay, khỏi phiền đánh máy lại, tiện cho anh hơn. Tôi còn có cả một truyện dài nữa đó.

Ông nhà báo reo lên:
        - Ồ, thế thì tốt quá, mà trước giờ cô có làm thơ viết truyện cho báo nào chưa? Sao lại có truyện dài nữa, hay vậy?

Tôi tình thật nói:
      - Chưa bao giờ. Chỉ gởi cho bạn bè đọc chơi. Họ khen quá chừng nhưng tôi nghĩ họ chỉ khen an ủi lấy lòng nên muốn tự kiểm chứng coi sao. Còn truyện dài  là hồi ký của tôi, tại tôi thích viết, điếc không sợ súng mà, cứ viết bừa, viết tưới hột sen, viết rồi cứ để đó không dám gởi ai đăng hết vì e rằng chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Như bài thơ tôi gởi anh đó, tới nay đã gần một tháng rồi mà không có hồi đáp, tôi đinh ninh là lọt sổ, vô sọt rác rồi.

Ông nhà báo cãi chính
        - Cô nghĩ oan cho tôi quá. Tôi chỉ chậm trễ chớ đâu có vứt đi, bằng chứng là bây giờ tôi đã gọi cho cô rồi nè. Từ nay có bài gì cứ gởi cho tôi để tôi đọc rồi dần dà sẽ đăng lên cho cô. Vậy đi. Cám ơn cô nhé.      
         - Tôi phải cám ơn anh mới phải, cám ơn anh đã gọi, đã cho tôi niềm tin và hy vọng. Tôi sẽ cố gắng để anh không bị thất vọng vì gọi lầm.
Quả thật cú phone của ông nhà báo đã giúp tôi tươi tỉnh phấn chấn tinh thần hẳn lên như nắng hạn gặp mưa rào, cây khô được tưới lên nguồn nước mát. Như một người đi tìm việc được chủ nhận, tôi nghe lòng rộn rã reo vui mặc dù việc làm này chẳng có lương bổng thù lao, đồng tiền bát gạo chi cả nhưng bù lại tôi có thể đạt thành tâm nguyện ấp ủ bấy lâu. Tôi thầm cám ơn ông nhà báo này vô cùng đã bắt cầu cho tôi đến với độc giả và…hiền giả cũng như đã dẫn dắt tôi vào thế giới làng báo làng văn góp mặt với tiền bối hậu bối, để từ đó tôi có thêm cơ hội học hỏi trau dồi thêm kinh nghiệm viết văn vốn còn rất sơ đẳng kém cỏi của mình.

Và sau một thời gian gởi bài trên báo, một ngày nọ nhân lục lạo tìm tòi trên net, tôi tình cờ phát hiện ra truyện ngắn truyện dài của mình trong một diễn đàn mà tôi chưa bao giờ liên lạc, tự hỏi không biết họ lấy từ đâu ra. Nhưng điều đó đã chứng tỏ là bài của tôi cũng được  người chiếu cố lắm chớ không đến nổi bị ma chê quỷ hờn trôi sông lạc chợ. Do đó tôi bèn nghĩ đến chuyện gởi bài lên mạng sau khi đã gởi đăng báo tại chỗ. Mà khổ nỗi, lúc đó tôi chưa biết cách tìm bài trên mạng nên khi gởi bài, tôi đã dặn dò trưởng ban biên tập vui lòng cho tôi biết phải mở chỗ nào ra để check lại nếu bài của tôi được chọn đăng. Có lẽ vì thấy tôi khù khờ cho nên thánh nhân mới thương tình đãi ngộ cho tôi thuận gió xuôi buồm.   

Giờ đây thì chuyện gởi bài không còn là vấn đề khiến tôi phải ‘’mất ăn mất ngủ’’ lo lắng như lúc ban đầu nữa tuy không phải diễn đàn nào cũng welcome đón nhận. Có người reply bằng một lời cám ơn. Có người chẳng nói chẳng rằng lặng lẽ post, có người thì biệt vô âm tín tưởng chừng như trang mạng đó chỉ là trang ảo với người hư vô. Thôi thì tùy nghi họ hành xử bởi vì đời là vậy, muôn mặt muôn lòng. Người thì sốt sắng ân cần, kẻ thì lạnh nhạt chẳng hề quan tâm người khác. Nói chung thì ai cũng bận rộn và ai cũng có lề lối làm việc riêng của họ. Ai cũng có trăm thứ lý do, hơi đâu mà thắc mắc nghĩ ngợi buồn phiền, miễn sao thỉnh thỏang thấy được bài mình xuất hiện trên mạng là tôi như tìm thấy hạnh phúc đâu đó, nghe lòng hớn hở tưng bừng nở hoa.

Chuyện gởi bài coi như tạm ổn, giờ đây vấn đề là mỗi lần viết xong một bài gởi đi, tôi lại băn khoăn tư lự không biết sẽ viết  gì kế tiếp. Thời buổi internet thống trị tòan cầu, báo điện tử thịnh hành đua nhau nở rộ, người viết cũng cùng lúc bùng lên như pháo bông chấp chới khắp cùng năm châu bốn biển, mở trang mạng nào ra cũng hoa mắt chóang ngộp vì bài vở dày đặc ngập tràn đủ mọi đề tài như thời sự, xã hội, chính trị, kinh tế, y học, tôn giáo, lịch sử, phiếm luận, tin tức cập nhật thế giới vv…Còn văn thơ thì đủ mọi thể lọai như hồi ký, ký sự, biên khảo, tạp ghi, tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn hằng hà sa số như sao trời lung linh, như suối nguồn lai láng tuôn đỗ, người viết nhiều còn hơn người đọc khiến nhiều lúc tôi cảm thấy mình là kẻ dư thừa, là một hạt cát trong sa mạc, một giọt nước trong đại dương, có hay không cũng không cần thiết, có cũng chẳng ai màng, không có cũng chẳng ai biết ai hay, nobody cares!

Vả lại sự hăm hở lúc bắt đầu đã không còn thôi thúc mãnh liệt nữa nên đôi lúc tôi tự nhủ mình rằng nguyện ước của mình coi như đã thành tựu, bấy nhiêu cũng đã đủ lắm rồi cho một kẻ không có tham vọng cao xa, bon chen đua đòi làm danh tướng. Hay là mình ‘’gác kiếm” rút khỏi giang hồ cho xong. Viết ít trật ít, viết nhiều trật nhiều, làm sao tránh được sơ xuất đôi khi, mà thói đời, người khen người thích thì ít, còn người chê người ghét, kẻ chuyên môn moi móc thì vô số, họ sẵn sàng chực chờ có dịp là đạp mình xuống ngay. Chừng đó “văn sởi” chưa lên mà đã chuốc lấy thảm bại não nề. Thôi thì nếu muốn là giai nhân cho đời còn luyến tiếc thì phải biết ‘’bất hứa nhân gian kiến bạc đầu’’ mới may ra.

Tôi có người em gái, mỗi lần gặp nhau, cô em cứ hỏi “Chị đã chán viết chưa, dẹp quách cho rồi cho khỏe đầu óc, thời nay đâu còn mấy người thích đọc văn chương chữ nghĩa nữa, người ta có xu hướng thích coi phim hơn là coi sách đọc truyện, nhứt là thế hệ tuổi mình mắt ai cũng đã già đã yếu, coi phim giải trí là thượng sách hơn là coi truyện. Phim Hong Kong, Trung quốc, Đại Hàn, Việt Nam ôi thôi nhiều bất tận, lại rẻ rề rẻ mạt tha hồ mà coi.  Em có hơn cả trăm bộ phim đây nè, chưa kể còn đổi qua đổi lại với bạn bè, nói chị đem về coi thử đi, thích thì coi luôn, không thích thì dẹp, đổi bộ khác chớ gì, lại được thêm cái vui tha hồ phê phán bình phẩm tài tử diễn viên, đã nói là mua vui mà. Tội gì cứ thức đêm thức hôm ngồi suy nghĩ nặn óc viết bài, chẳng những không được cây kim sợi chỉ gì mà nhiều khi còn bị thiên hạ chê lên chê xuống làm mình buồn tủi nữa là khác. Tội nghiệp bà chị tui quá đi, thích cái gì sướng không thích, lại thích chuốc cực vào thân, thích làm cho người ta vui, nhường nhịn người ta từ miếng ăn miếng uống đến tiền bạc cho tới chữ nghĩa”.  

Hết cô em khuyên lại tới cậu em ‘’rầy rà’’. “Bà sao chưa chịu nghỉ viết đi, để thời giờ coi TV, theo dõi những chương trình cập nhựt cho theo kịp người ta. Bà thích làm bếp thì coi ‘’My Kitchen Rules, Master Chief, thích văn nghệ  thì có Australia got talent, thích phiêu lưu thì có Amazing Race, biết bao nhiêu chương trình đáng coi đáng thưởng thức, các đài truyền hình tranh nhau phục vụ mình tối đa mà bà không để mắt tới thiệt là uổng. Ban ngày bà đã quần quật với bao nhiêu công việc chợ búa bếp núc, coi cháu tới tối mò mới rảnh rang được một chút thì làm ơn nằm nghỉ coi TV, xem phim tập hay phim action giải trí đi, cứ lo cặm cụi ngồi trước cái máy rị mọ ba cái chữ rồi than nhức mắt, nhức đầu đau lưng. Thiệt là tức bà hết sức, can hổng nổi”.

Con gái tôi thì cằn nhằn “Má nói thích phim action, coi nó đấm đá khỏi suy nghĩ, con đã download cả đống cho má mà lần nào hỏi má cũng nói chưa coi, không  biết má lục lạo gì trên net tới khuya lơ khuya lắc cho mệt trí vậy hổng biết nữa”.
Mặc đứa nào nói gì thì nói, tôi chỉ cười ruồi nói “Kệ má, má thích vậy chớ bộ
Trót vương vào kiếp con tằm
Dẫu rằng bạc bẽo cũng đành nhả tơ!

Bọn nó làm sao có thể hiểu được sở thích và niềm vui của tôi chỉ tìm thấy ở nội tâm, đến từ hai mươi sáu chữ cái rất đơn giản mà cũng rất phức tạp. Từ những chữ cái đó, tôi ráp vần, nối chữ thành câu rồi thêm thêm bớt bớt, viết ngược viết xuôi, viết nên đủ thứ chuyện thị phi ta bà của đời thường mà tất cả những ai trót mang thân phận con người cũng đều vướng mắc kinh qua cho dù là cùng đinh mạt rệp hay tột đỉnh vinh quang. Đối với tôi, đây mới là mục đích lẽ sống mà cho tới tuổi đời này tôi mới tự mình khám phá ra và thực hiện được cho mình, ngòai ra những thú vui khác đều hòan tòan vô nghĩa.

Để có chút thành quả ngày hôm nay, tôi biết rằng tôi đã mang ơn rất nhiều người. Trước nhứt là ơn trời đã cho tôi chút khiếu văn thơ, kế đến phải cám ơn đời đã phát minh ra mạng lưới tòan cầu, đã chấp cánh cho tôi bay đến mọi nơi trên thế giới. Cám ơn những nhà báo, trang mạng, diễn đàn đã làm nhịp cầu đưa tôi đến với người đọc và nhứt là cám ơn độc giả bốn phương đã ưu ái đón nhận để tôi còn can đảm và hứng thú tiếp tục viết thêm những điều Nhân- Lễ- Nghĩa- Trí - Tín trao tặng đời.

 Người Phương Nam

19 comments:

  1. Đúng vậy chị TK ơi. "Văn chương hạ giới rẻ như bèo" mà chị. Phục chị vẫn kiên trì mang kiếp con tằm nhả tơ, cho thiên hạ vui và cũng là niềm vui chính mình. Chắc nghiệp của chị phải mang.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nếu như là nghiệp thì muốn bỏ cũng không được trừ phi "Lực bất tòng tâm". Nhưng rồi cũng sẽ có một ngày Brandon ơi. Có khởi đầu thì phải có kết thúc.
      Cám ơn Brandon.
      Tk

      Delete
  2. Tháng Năm hoa phượng đỏ tươi
    Líu lo chim hót chúc Người Phương Nam
    Dòng văn xuôi chảy nhẹ nhàng
    Hồn thơ lồng lộng gió sang bến bờ...
    Mến. TV

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng là nhà thơ có khác. Cám ơn 4 câu lục bát thay lời khích lệ của thi huynh Trầm Vân. Rất hân hạnh được quen biết anh qua duyên văn nghệ.
      Thân mến.
      TK

      Delete
  3. Cám ơn chị NPN chia sẻ "nghiệp văn chương" đầy đam mê đến đáng nể của chị. Thành quả bây giờ là blog NPN có rất nhiều bài vở chung, riêng rất đặc sắc.
    Kính chúc chị nhiều sức khỏe , sáng tác dồi dào và chúc blog NGN có thât đông đảo bạn đọc bốn phương ạ.
    Hồng Thúy

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hồng Thúy ơi, lúc đầu khi mới thành lập trang nhà này, chị cũng không dám nghĩ là mình có thể duy trì cho đến ngày hôm nay nhưng may mắn được độc giả thương mến ủng hộ, trong đó có Hồng Thúy thân thương đã khích lệ tinh thần để chị tiếp tục.
      Thành quả của chị bây giờ là nhờ ở tất cả bạn đọc khắp nơi trên thế giới. Chị phải cám ơn tất cả mọi người.
      Trân trọng.
      NPN

      Delete
  4. Hello, NPN, welcome to the club... văn chương. Ai bắt đầu viết cũng vậy thôi. Tôi cũng thế, nhưng còn tệ hơn chị, phải hối lộ, dắt bọn nhà báo đi ăn phở thì mới được đăng bài. Con người là vậy. Biết yêu là khổ mà vẫn cứ yêu, biết lao vào văn chương là trăm ngàn cay đắng mà vẫn lao. Không phải tại muốn tiếng tăm này kia đâu, nhưng mà nếu không viết thì không chịu được. Mà như chị nói, chỉ viết cho mình thôi thì viết làm gì? Chúc chị thành công. Trường Sơn Lê Xuân Nhị (tslxnhi@aol.com

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hân hạnh được nhà văn nổi tiếng Trường Sơn Lê Xuân Nhị ghé thăm "quán cóc" chẳng khác nào "Rồng đến nhà tôm".
      Ông xã tôi rất mê truyện ngắn truyện dài của anh nhứt là "Phát Súng Ân Tình" và "Xếp Al Capone", thích văn phong ngang tàng phóng túng tới du đảng cũng phải chạy làng.
      Hôm trước thấy trên diễn đàn có bài viết của anh kể chuyện hưu trí. Vậy bây giờ anh còn sáng tác không?
      Cầu chúc anh Nhị những ngày về hưu an vui như ý.
      Trân trọng.
      NPN

      Delete
  5. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  6. Cám ơn NPN-Cô TK đã trãi bày- kinh nghiệm đáng giá-
    Ngày xưa chúng tôi cũng thích văn chương, cũng tập làm thơ

    Nhưng có lẽ chúng tôi thích khôi hài chọc phá nên chỉ làm được
    những câu thơ trêu chọc bậy bạ như ...

    80 tuổi vẫn còn mê gái Huế -
    50 năm vẫn chưa bỏ được chồng già...
    suy nghĩ hoài vẫn chẳng thể hiểu ra ...
    Có lẽ tạm gọi là duyên nghiệp...

    Cám ơn chia sẻ của NPN-Chúc luôn khỏe để phục vụ
    Long Hương 13-5-2020

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mỗi người có một năng khiếu riêng anh Long ơi. Anh không viết văn làm thơ nhưng anh làm được những slide show hữu ích gía trị chia sẻ với tha nhân cũng mang ý nghỉ̃a phụng sự đời.
      Cám ơn anh những Youtube đa dạng mà tôi đã được share vào trang nhà.
      Cầu chúc sức khỏe và bình an cho Anh Chị.
      Thân mến
      NPN

      Delete
  7. tôi bi giờ chỉ cần tiền mà thôi, đang mong một cái stimulus check mới. Cái trước đã đem đi kích thích kinh tế hết rôi. Chị cho tôi nhân nghĩa lễ trí tín thì tôi cũng cám ơn. Người Bính Tý

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vậy anh là một công dân tốt, đã thi hành đúng ý chính phủ, giúp kích thích kinh tế nước nhà.
      Tiền bạc qua tay rồi cũng hết, chỉ có Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín ở con người mới tồn tại mà thôi.
      Cám ơn người cóp nhặt thời cuộc

      Delete
  8. Tôi mới khám phá thêm tài của bà chủ quán. Bài viẹt rất hay và dí dỏm, không thua gì các tay viết nhà ngề. Ngoài ra còn có mấy vần thơ rất đúng điệu, khuyến khích bà chủ quán nên tiếp tục trên con đường thi văn này.

    ReplyDelete
  9. Chào chị Phương Nam , tôi củng có ý tưởng giống chị , hồi trung học tuy ban B nhưng vẩn thích văn chương thơ thẩn..., sau khi ra trường dạy toán nhưng văn chương vẫn đầy ấp trong người ... tuy nhiên chỉ viết vài bài trong những đặc san hội ngộ trường xưa ..."Cho mãi đến bây giờ, khi bóng hòang hôn thấp thóang bên đời, mặt trời chỉ còn le lói vài tia nắng yếu ớt ở cuối đường thì lòng người chợt bàng hòang thảng thốt bừng sống dậy ước mơ xưa" cám ơn chị đã trang trải rất chân thực tấm lòng của mình .. mà tôi thấy nhình như đâu đó củng chính là của mình ...chúc chị luôn an vui và hạnh phúc bên gia đình và niềm vui văn chương của chị.
    Mến ,
    Phan thư Sinh

    ReplyDelete
    Replies
    1. Có người đồng cảm như gặp được tri kỷ. Cám ơn anh Phan Thư Sinh đã chia sẻ tâm tình.
      Anh thích viết văn thì lúc nào có hứng cứ viết, viết để tiêu khiển và giải tỏa nỗi niềm.
      Mong một ngày nào được đọc bài của anh.
      Thân mến.
      NPN

      Delete
  10. Vậy mà trước đây tôi gọi là nữ sĩ không cho!Lâu lắm tôi đọc DĐ NPN tôi rất thích,. nhiều bài tuyệt vời!Chủ nhân quả là người tàisắc hoavăn! Htl tự ti nên rụt rè nhưng cứ đọc NPn và cứ cảm phục. Đến một làn bạo phổi gửi thơ đi phút chốc thấy thơ mình có mặt! nay cứ tiếp tục được sự quan tâm nên cõi lòng vui vô hạn như có được tri âm .Chúc NPn luôn có mặt để đời hạnh phúc ! Qúy mến HTL

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn anh Hàn Thiên Lương quá khen. Không dám đâu. Nhiều khi trong đầu tôi trống không, không nghĩ ra một chữ nào cho thi phú, chỉ lo tính toán coi mua cái gì nấu cái gì cho vừa ý cả nhà bởi vì:
      "Người không ăn cá, kẻ kiêng bò
      Đứa thì tuyên bố ghét thịt kho
      Kẻ cử đường, người cao máu, mỡ
      Biết liệu làm sao thiệt phát khờ"...
      Tôi đã từng trải qua kinh nghiệm bị "xù" nên tôi tâm niệm sẽ giúp người đi sau huống chi anh đã là một nhà thơ có tiếng tăm ở Portland. Vậy mà cứ khiêm nhường.
      NPN

      Delete