Tuesday, February 16, 2021

Hương Vị Đời - Nguyễn Văn Sâm



Chút đăng đắng trong cuộc sống

cũng là chút hương vị đời. (NVS)

Thằng Chà hí hửng cầm hai cuốn truyện Tàu bước qua ngạch cửa khi trời vừa hừng sáng. Bữa nay chúa nhựt ba nó ở nhà nhưng đã cho phép nó đi đổi truyện. Ngày thường ông đạp xe máy ra Trà quít làm việc tối mịt mới về, lợi dụng giờ giấc nó tự ý đi không cần phép tắc, nhưng khi ông ở nhà thì phải hỏi phải thưa. Nó bước nhè nhẹ ngang qua chuồng gà tính mở cửa ngỏ thì con Ô nhảy ra chuồng hồi nào không biết lật đật chạy theo quấn quít bên chưn. Con Ô thân thiện thiệt tình nhưng sáng nay sự thân thiện đó không làm cho thằng Chà khoái chí chút nào. Hai cuốn truyện Tàu được đưa ra quơ quơ làm võ khí nhưng con Ô chỉ cần né đầu là tránh được dễ dàng rồi cứ lẩn quẩn theo cản chưn trở cẳng. Thằng Chà tức khí đứng lại tính ăn thua đủ thì con Ô cũng khựng lại, ngóng cao cổ đập cánh phành phạch rồi cất tiếng gáy. Không khí đương yên tĩnh bỗng sôi động lên, đàn gà mái nhao nhao vừa cục tác vừa gục gặc đầu đủng đỉnh đi tới đi lui trong chuồng hay chõ mỏ qua khe rào kêu réo. Thằng Chà thừa cơ hội, lận hai cuốn truyện vô bụng, kéo áo phủ xuống, cuốn nào cũng đã được chủ nhơn đóng bằng giấy dầu nên nó không sợ mồ hôi làm ướt. Mau chưn nó phóng ra ngoài. Con Ô sau một giây ngơ ngác, chạy đuổi theo chủ chừng 5, 7 thước thì bỏ cuộc, quay vô bay đậu lên hàng rào chuồng chừng một vài phút rồi nhảy xuống hăm hở rượt đuổi bầy thê thiếp, không còn tha thiết gì tới chủ nữa.

Đã tờ mờ sáng. Đằng xa kia, nơi chưn trời một chút ánh hồng bắt đầu ló dạng. Tiếng ếch nhái đã hết inh ỏi. Màn sương khuya và gió lạnh báo hiệu cho thằng Chà bằng một cơn nhảy mũi dài tiếp theo một cái rùng mình nổi ốc từ duới chưn cẳng lên tới tay chưn. Nó kéo hai vạt áo lại sát nhau, bẻ cao cổ áo rồi lấy tay đập nhè nhẹ lên đầu để cái nón nỉ cũ của cậu nó vạt ra cho được chắc hơn. Nó nhắm hướng cầu Ngang đi miết…

Con đường đê tháng Hè đất cứng, chủ ruộng đã xắn đất đắp nện tạo một chút phẳng phiu xe máy chạy được, nhưng với đứa đi chưn không như nó một lúc thì thấy hơi nhói nhói dưới gót. Nó cảm thấy vậy thôi, không quan trọng lắm nên vừa đi vừa suy nghĩ tới lúc gặp mặt con Quyên đổi hai cuốn truyện nầy lấy hai cuốn truyện khác. Tùng dịp nói vài ba chuyện bâng quơ ngó mặt cho đỡ nhớ.

Nghĩ tới đây thằng Chà cười hí hí một mình, nhảy chưn sáo vài ba cái trước khi đi lại như bình thường.

Mấy người đàn bà đi chợ sớm bước mau qua mặt nó. Một người quay lại hỏi chọc:

‘Chà, Chà, mầy đi xóm sớm ha! Đi đổi truyện Tàu hay đi thăm nhỏ Quyên đó mậy?’

Một bà xồn xồn, bà con xa với phía ba nó, lên giọng răn đe của người trưởng thượng:

‘Coi chừng đó, nó lớn hơn mầy hai tuổi lận, lơ mơ nó đánh cho sặc máu mũi. Năm sau thì nó tới tuổi bẻ gãy sừng trâu, vật mầy như vật ếch, đừng có tưởng bở!’

Chị ta nói tới đây thì như thích thú day qua phân bua với người đồng hành:

‘Chị coi, con nhỏ lớn sộ, thằng nầy có chút nhí mà tối ngày tò vè, xẩn quẩn. Muốn lắm nên kiếm chuyện tới lui hoài. Mà khổ, con nhỏ coi bộ chịu đèn mới chết một cửa tứ mấy thằng trang lứa lối xóm của nó.’

Chị ta coi bộ hứng chí với lời châm chọc của mình, bèn cười hô hố sau câu nói.

Người đàn bà đầu tiên thấy vui vui, quay qua thằng Chà, dạy đời:

‘Chà mầy đừng có lớ ngớ đứng ngoài vàm nữa nha, không múm vô vàm thì thiên hạ ẵm mất tiêu giờ. Con nhỏ cũng ngộ đến chứ có sứt môi méo miệng gì đâu nà! Da nó lại trắng nữa, dân ruộng rẫy mà như vậy thì kiếm đâu được đứa thứ hai!’’

Được mợi cái người có bà con bước gần tới vò đầu nó:

‘Ối chà! Trước khi đi thăm mèo cậu đã hớt tóc tai đàng hoàng ha. Thầy hù nào mà hớt coi được đến. Con Quyên nó chết mê chết mệt còn gì!’

Thằng Chà cười cười trong họng mà ngượng ngịu ngang, không trả lời trả vốn gì hết, cắm đầu cắm cổ bước mau qua khỏi đám đàn bà nhiều chuyện. Họ quay qua nói với nhau rậm ran về đề tài trai gái bồ bịch tình tang trong xóm. Nó bối rối, ngó ngoái lại coi họ có nói gì về mình nữa không. Hình như đề tài đã được đổi qua chuyện cá mắm, chồng con. Nhìn từng cái rổ tre, từng cái giỏ xách đong đưa theo mấy cánh tay đánh đồng xa của các bà, nó nghĩ ngợi bâng quơ về một hình ảnh ôm ấp trong trí.

Trời sáng lần, âm thanh và cảnh tuợng đêm tối đã được thay bằng giai điệu của hoạt cảnh ban mai. Tiếng gió nhẹ xào xạc qua kẽ lá tre hòa với tiếng nghiến răng của hai thân tre cọ vô nhau theo gió mạnh, tiếng chó sủa xa xa và tiếng lịch bịch của mấy con trâu bị chủ đánh ra đồng…

Bỗng nhiên thằng Chà xuýt xoa rồi cong một chưn lên, nhảy cò cò. Đổ cộc, nó rủa thầm:

‘Mắc dịch mấy thằng cha hút thuốc liệng tàn bậy bạ. Vái cho chết tiệt hết khỏi hại người khác. Tàn thuốc hút rồi cũng không biết liệng xuống ruộng, liệng bậy trên đường đê, con nít đạp nhằm một cái đau thấu mây xanh! Trời mới tưng bửng sáng đã làm tầm bậy rồi! ‘

Nó giơ bàn chưn lên dòm dòm. Tuy đau nhưng cũng không tới nỗi nào. Nó sửa sửa lại hai cuốn truyện Tàu cho yên vị rồi tiếp tục đi. Cây me keo làm ranh giới Xóm Me Keo cuối làng nó với xóm Mả Lạn đầu làng của nhỏ Quyên đã được bỏ lại sau lưng. Mặt trời sau rặng cây bên kia sông đương hé dạng.

Nó lầm lũi đi tới, chỗ nầy đồng vắng nhưng đất đồng khô nứt nẻ không phải ruộng, mấy tháng trước đội banh hai xóm đá giao hữu được vài lần thì giải tán vì thường xảy ra xích mích, đánh lộn đánh lạo khiến mích lòng mích bề người lớn một thời gian. Nhớ tới chuyện đó thằng Chà xuýt xoa thầm tiếc. Nó thấy lời nói thầy Thìn là đúng: ‘Bây chơi thể thao mà không có tinh thần thể thao chút nào hết! Thường thì phải theo phong cách mã thượng: Ăn không kiêu ngạo hay hạ nhục địch thủ, thua không làm trận làm thượng rồi kiếm cớ gây sự. Điệu nghệ chơi bời là vậy… Ai đời tụi bây bị ôm mấy trái thì bữa sau chận đường đánh thằng đá vô gôn, còn đương đá thì đốn giò, chặt ống quyển mấy thằng giỏi của đội kia. Chơi vậy thì chơi với chó chớ chơi với ai! Cái mửng chơi xấu nầy lớn lên có nước nằm nhà, dầu đá hay cách mấy cũng không ai cho vô hội tuyển trung bình chớ đừng mong gì được vô hội danh tiếng như Ngôi Sao Gia Định hay AJS.’

Từ hình ảnh thầy Thìn nó nhớ tới hai má lúm đồng tiền của nhỏ Quyên và thấy lòng mình mát rượi, xao xuyến. Nó vừa đi vừa đá một cục đất tròn theo từng bước chưn, tưởng tượng là trái banh mà nó đương lừa để kiếm cách giao cho bạn làm bàn.

 

2.

‘Bữa nay tía đi coi mạch bốc thuốc cho ông quản Hên ở làng bên.’ Nó mừng rơn khi nghe con Quyên báo tin đó. Con nhỏ hí hửng:

‘Chà ngồi chơi một lát nha, Quyên đi nấu chè táo xọn hai đứa mình ăn chờ tía về. Có cuốn Phong Kiếm Xuân Thu tía mới mua tháng trước, quí lắm, Chà coi sơ cho đỡ ghiền trong khi đợi chè.’

Con nhỏ lăng xăng chạy lên chạy xuống vừa lo nồi chè vừa tiếp bạn. Lửa củi nóng hắt làm má nó hồng hồng, thằng Chà ngó thiếu điều rớt cặp mắt. Con nhỏ bẽn lẽn lấy khăn lông lau mồ hôi mặt, ngồi xuống đối diện bạn chơi hỏi đố chuyện Tàu.

‘Chà đố trước đi.’

Cũng cái mửng cũ, nó hỏi chuyện ai cũng biết để lấy lòng bạn:

‘Chuyện Tôn Tẫn giả điên trong bộ nào bà biết không?’ Nó dùng tiếng bà thay vì kêu bằng Quyên như mọi khi.

‘Dễ ợt! Xuân Thu Oanh Liệt!

‘Lúc cuối cùng ông ta ra sao vậy kà?’

‘Ổng vô núi Thạch Nhân tu luyện.’

‘Rồi sao nữa?’

‘Mất biệt, không ai biết gì hơn. Có lẽ theo thầy Quỷ Cốc tu luyện linh đơn rồi thành tiên.’

‘Hay ha! Bà rành sáu câu ha. Thiệt ra ông làm như vậy mới là có cốt tiên. Thành công giúp đời rồi thì lo tu dưỡng cho mình. Trần thế vốn nhiều bụi nhơ, người có cốt tiên không ai màng.’

Con Quyên đưa tay lên chồng sách nhón lấy bộ Xuân Thu Oanh Liệt cầm tay, hỏi:

‘Mà Chà còn nhớ bài thơ khen Tôn Tẫn của người đời sau không?’

‘Ba năm luyện pháp núi Vân Mộng,

Một lúc đem ra giúp vạc Tề.’

Nhỏ Quyên thấy thằng Chà thuộc nên cùng đọc với bạn hai câu sau:

‘Công toại danh thành lòng chẳng động,

Về non tu luyện lánh cơn mê.’

Hai đứa cười lớn khi hết câu. Con Quyên vui quá, giơ cao bộ truyện đập xuống chồng truyện trên bàn. Ngực nó bật tung một cái nút bóp. Nó lật đật đưa tay lên che. Thằng Chà lần đầu tiên thoáng thấy mảng trăng trắng huyển ảo trước ngực bạn, lập lại mấy tiếng lánh nơi mê theo giọng hỏi làm cho Quyên mắc cỡ bỏ vô nhà trong một nước sau tiếng nói lầm thầm: Đồ quỉ!

Ngồi đó hèn lâu mà con nhỏ không ra, buồn tình nó đứng dậy nói lớn:

‘Tui đi về nha bà! Chè táo xọn đâu không thấy đợi hoài. Lại còn bị giận hờn.’

Tiếng con Quyên sau bếp vọng ra:

‘Hơi (mới) có! Bộ đói lắm sau mà hối giọng ngược giọng xuôi vậy?’

Nó mừng rơn khi con nhỏ hai tay bưng chén chè đầy ắp để trên dĩa đàng hoàng. Đưa tay đỡ, tùng dịp đụng vô mấy ngón tay ngà ngọc, nó nói theo kiểu ‘làm quen’ để địch thủ hết giận:

‘Chà thích cách nói thiệt là miền Hậu giang của Quyên: hơi (mới) có, tiếng mới được nuốt đi tạo một thổ ngơi đặc biệt dễ mến cách gì, cũng như nghe mấy thiếm bán hàng nói thồi lại, nói giùm làm, Chà thấy chơn chất gần gũi làm sao ấy!’

Cặp môi cắn chỉ mím nhẹ chịu đựng chừng vài giây rồi mới hơi mỉm cười. Nó nói nhỏ giọng thủ thỉ êm đềm của người tình:

‘Đừng giận nha! Cho Chà xin lỗi nha.’

Con Quyên nhỏ nhẹ:

Bạn hữu thì ai chấp nhứt gì, nhưng xin đừng nói chơi, nó nhẹ thể con người mình đi!’

Hai đứa cúi đầu mạnh ai nấy ăn, không khí tuy đã không còn nặng chình chịch như hồi nãy nhưng lòng nó vẫn còn mặc cảm như đã làm một lỗi lầm rất lớn. Nó cố gắng không ôn lại trong trí cái mình vừa mới thấy mà nghĩ tới cách làm sao cho con Quyên hết giận.

Thầy Thìn về nhà coi như một sự cứu bồ đúng lúc, thằng Chà lật đật rút lui sau khi xin phép mượn lại bộ La Thông Tảo Bắc với bộ Phong Thần Diễn Nghĩa. Con nhỏ không thèm ngó nó từ giã.

Vậy mà con Quyên hết hờn sau đó không lâu. Những lần tới đổi truyện tiếp theo hai đứa vẫn thân mật như thường. Có lần con nhỏ nói giọng người lớn không ngờ:

‘Truyện Tàu tức là truyện của người Tàu, truyện bên Tàu. Nước người ta có nhiều tuồng tích hay ho như vậy người nước mình thì mạt rệp từ đường, đi cày đi cấy cực khổ đã không đủ ăn thì chớ lại còn bày đặt rượu chè be bét như hũ hèm. Lúc say xỉn thì lè nhè rồi đánh đập vợ con hay gây sự đâm chém thiên hạ. Còn lúc bình thường bị làng xã ức hiếp, bị phú lít mã tà đá đít bộp tai thì ôm đầu máu chịu, im re chẳng dám phản kháng.’

Thằng Chà không nói gì. Những chuyện nầy nhan nhản đầy trời nên trở thành thường sự. Hèn lâu nó mới nói một câu lãng xẹt:

‘Bà biết hảo hớn là gì không? Là anh hùng đó!’

Con Quyên chép miệng:

‘Người Tàu họ tinh quái lắm. Họ không nói dũng nhơn, hảo dũng, anh kiệt hay gì gì đó mà nói hảo hớn có nghĩa là người Tàu tốt, người Tàu giỏi, hay người Tàu anh hùng. Làm như thiên hạ không ai là anh hùng như người Tàu, người Hán.’

Thằng Chà lại ngồi im, há hốc miệng nghe nhỏ Quyên lý thuyết. Nó thấy Quyên hơn mình về mặt nầy. Con nhỏ thoát ra khỏi mấy cuốn truyện Tàu còn nó thí dính cứng vô đó. Thuộc lòng La Thông, La Côn, La Xán lúc nhỏ lúc lớn lúc già, thuộc lòng tên và hành trạng mấy chục anh hùng hảo hớn Lương Sơn Bạc nhưng không có cái nhìn về thực tế cuộc đời trước mặt như con Quyên.

Nó ngó bạn không nháy mắt, thầm thán phục lẫn ước mơ. Ôi cặp má lúm hai đồng tiền nho nhỏ, hồng hồng với vài sợi gân đỏ lờ mờ dưới lớp da mịn màng, khiến nhỏ ta đỏ mặt quay đi chỗ khác.

 

3.

Cửa nhà thầy Thìn đã mở. Ông đương ngồi tréo ngoảy bên cái bàn giữa nhà. Bình trà trước mặt. Một tay cầm cuốn sách đóng bằng giấy manh (main), tay kia cầm tách nước đưa tới gần miệng nhưng đã ngừng lại ở đó. Ông đọc chậm rãi từng câu:

Ta chay trường khinh mạn lục thân,

Bạn bè tới thăm chẳng rần rần.

Nhắp chén trà thơm không rượu uống,

Dọn dĩa rau dưa chẳng thịt mần.

Hạ nhẹ tay cầm sách xuống, Thầy Thìn đưa tay cầm tách nước lên chút xíu nữa, chầm chậm nhắp một ngụm. Thoáng thấy cảnh đó Thằng Chà hơi khựng lại khi bước tới hàng rào mồng tơi. Trong cửa buồng con Quyên nãy giờ đứng im lặng kính cẩn ngó cha mình ngâm thơ, thấy dạng thằng Chà bèn nháy mắt hất hàm ra dấu biểu đừng bước tới nữa.

Thầy Thìn hạ tách nước xuống, đưa sách lên cao ngang tầm mắt, ngâm tiếp, giọng nho nhỏ vừa đủ nghe:

Bằng hữu lạ ta sao ăn chay,

Chỉ bởi Thiên Đường - Địa Ngục hai.

Ăn chay rau giá vậy mà tốt,

Dẫn tới Linh Sơn khoái thích thay!

Thiều quang thấp thoáng lẹ lắm mà,

Mỗi ngày tâm niệm Phật Di Đà.

Hiểu lẽ Tử - Sinh, chuyện phải có,

Chốn cố hương về lòng hoan ca.

Con Mực nằm dưới đất cuộn mình ngoan ngoãn lim dim nhưng đưa mõm gác lên một bàn chưn chủ, thầy Thìn lấy chưn kia xoa xoa lên mình con vật, nó cựa cựa uốn éo như thưởng thức tình thương, như tỏ lòng biết ơn. Người chủ ngó xuống con vật cưng của mình rồi cầm sách lên ngâm nga tiếp:

Thời gian trần thế có mấy hồi,

Đời người ngày tháng thoáng như thoi.

Nam choắc thành ông, nữ thành bà,

Bao người nhận thấy dung nhan đổi!

Con Mực thình lình phóng ra hực hực chào người quen. Tách nước trên bàn được Thầy Thìn uống cạn sau khi chậm rãi để sách xuống, ngó ra sân. Con Quyên bước thụt vô buồng. Thằng Chà lật đật buớc vô, chào thưa bác nói mình đem đổi truyện.

Nó trịnh trọng để hai cuốn truyện lên bàn, lí nhí:

‘Dạ, cháu thấy kẹp trong hai cuốn nầy, mỗi cuốn có một tờ giấy oảnh. Chắc bác để lâu rồi quên. Xin nhắc bác hổng thôi rớt mất uổng.’

Thầy Thìn lật ra chỗ có tiền, lấy bỏ túi. Thầy ngó ngoái lại cố ý kiếm đứa con gái rượu để thầm trao đổi gì đó, nhưng không thấy. Một lúc sau con Quyên mới bưng ra một chồng truyện Tàu và một xấp Sách Bạn Trẻ của nhà xuất bản Nam Việt để lên bàn.

‘Lần nầy tía cho Chà mượn hai loại luôn nha! Coi chuyện Tàu hoài cũng nhàm. Loại Sách Bạn Trẻ nầy tốt hơn, thực tế hơn.’

Thầy Thìn cười lớn:

‘Con biết ý tía đa! Đọc cho mở mắt ra với người. Mà sao con cho nó mượn nhiều như vậy? Chắc sợ nó đổ đường tới đây mất công chứ gì! Chà nó có lý do để đi một tuần hai ba lần. Xá gì đường xa!’

Đứa con gái hơi xẻn lẻn, cười mím chi nói tía chọc con hoài, tụi con chỉ là bạn hữu cùng xóm cùng làng. Chà mất công đổ đường thì ăn nhập gì tới con!’

‘Để nói cho hai đứa nghe. ‘ Thầy Thìn sửa lại bộ ngồi. ‘Đọc truyện Tàu thì phải biết là cái tụi Tàu nó viết toàn là khoe dân tộc nó anh hùng, nào là người Tàu có sức mạnh cử đỉnh ngàn cân, nào là người Tàu giỏi thập bát ban võ nghệ. Họ kêu những người đó là tướng, là người Trời, là thái tử con Ngọc Hoàng đầu thai, là một ngôi sao trên trời bị đọa. Họ kêu dân mình là Nam man, mấy dân tộc chung quanh là Đông di là Bắc địch là Thổ Phồn…, kêu người Âu Mỹ là Bạch quỷ. Tóm lại ai không phải người Tàu đều là kẻ xấu, người dở, dã man, hèn mọn…’

‘Mà thôi!’ Tách nước lại được thổi, húp. Sau cái chép miệng, thầy Thìn tiếp: ‘Tại người mình không chịu viết truyện là do làm biếng suy nghĩ với làm biếng tưởng tượng, có viết thì ăn cắp ý, có khi còn cọp-py nguyên con. Để cho thiên hạ viết thay mình thì phải bị như vậy thôi. Tía nói cho hai đứa nghe nè: Đọc thì đọc, mê thì mê nhưng phải biết cái tốt để theo cái dở để tránh, đừng có lậm mấy cái pháp thuật bày đặt của họ mà quên thực tế ngoài đời… Cuộc sống bên ngoài không dễ như trong sách đâu nà. Kẻ xấu tràn đầy như giòi đục thịt sình, như ruồi bu xác chết. Nhưng học trung hiếu tiết nghĩa trong truyện thì được, bắt chước làm anh hùng thì không nên. Chết như không đó!’

Con Quyên liếc liếc thằng Chà như ngầm bảo rằng tía nói thì rán nghe để tía vừa lòng. Thằng Chà đứng im rơ, chăm chú như nuốt từng lời vàng ngọc của thầy Thìn. Ngó vô miệng thầy nhưng trong lòng tưởng tượng về đôi môi cắn chỉ, về má lúm đồng tiền, về cặp mắt hột nhãn của con Quyên…

‘…Tía thấy thằng Chà thẳng ngay. Lớn lên sẽ là người tốt, không phải là tụi ‘cầu điền vấn xá’, tụi ‘ái bất thích thủ’ như thiên hạ nhan nhản thời nay!…’

‘Dạ ‘cầu điền vấn xá’ là gì hả tía, ‘ái bất thích thủ’ cũng vậy. Tía nói chữ mắc quá con không hiểu. Không biết Chà có hiểu không.’

Ánh mắt thầy Thìn rọi vô mặt nó, thằng Chà nhè nhẹ lắc đầu.

‘Là bọn đêm ngày cầu mong có được ruộng vườn chim bay gãy cánh chó chạy cong đuôi, bọ gạt đầu nầy cướp đầu nọ để được nhà sang cửa rộng ấy mà! Bọn ham cái gì thì ôm cứng không chịu buông tay ra. Cầu biệt thự thênh thang ở Ô Cấp, ở Đà Lạt, ở Nha Trang, Phú quốc…, kéo vô kéo vô cho tràn họng, cho ngập mặt thì hỏi làm sao có lòng với người nghèo khổ, với tổ quốc được. Khi lòng tham muốn quơ quào quá lớn thì lòng thiện còn đâu chỗ trú? Chà nó có tấm lòng thành thật. Sẽ là người tốt. Tía nói vậy đó, bây tính sao thì tính. Làm sao coi được thì thôi.’

Người cha quay mặt ngó thẳng vô khách hèn lâu rồi quay qua đứa con gái:

‘Chim chóc có cái hay mà loài người không biết bắt chước. Chim mẹ đi kiếm mồi cho chim con lúc con còn nhỏ. Khi chim con tới độ ra ràng thì giúp đẩy cho bay. Một hai lần khi chim con bay được thì thôi không xía vô nữa. Tía cũng vậy, chuyện tình cảm của con cái tía để con cái quyết định, không cản trở cũng không khuyến khích.’

Con Quyên bỏ chạy vô buồng. Thầy Thìn lắc đầu cười. Thằng Chà không hiểu hết ý nghĩa câu nói của thầy Thìn nhưng lờ mờ thấy rằng mình không bị ghét bỏ. Nó nghĩ rằng rồi đây nó sẽ được tới căn nhà nầy thường xuyên hơn. Và nó đưa mắt vô nhà trong, tay nắm chặt như một người chiến thắng.

 

4.

Ông già mơ màng ngó ra vườn. Khu vườn đẹp theo kiểu Việt Nam với vài thứ cây ăn trái và một vuông đất nhỏ cho mấy bà còn mạnh mạnh xới đất trồng rau. Không ăn uống gì ba cái thứ đó nhưng ‘tưới nước ngắt lá’ để nhớ ‘thời chưa bịnh, lúc còn sởn sơ’ là câu cửa miệng của một số ông bà còn đi lại được. Ông già còn đủ sức để điều khiển xe lăn ra hưởng khung cảnh khu vườn. Tôi vài lần đi thăm người bác cùng lứa tuổi ông cũng ở trong nursing home nhiều người Việt Nam nầy từ đó quen ông và được nghe kể về chuyện hơn bảy mươi năm trước…

‘Chúng tôi thân thiết với nhau như vậy tới ba bốn năm, tôi nhổ giò bể tiếng, đứng nhĩnh hơn Quyên nửa trán khi thi đậu bằng Thành Chung rồi đậu luôn kỳ thi còm-mi làm việc ở tòa bố tỉnh Sốc Trăng. Hai đứa không thề thốt gì nhưng trong lòng coi nhau như đã cặp bồ, không còn là bạn hữu nữa. Những lần tới nhà Quyên tự nhiên hơn và cũng chẳng cần đổi truyện. Được cho uống nước đá chanh muối, được trách cứ nhẹ nhàng sao không chịu đội nón dang đầu trần ra đường coi chừng cảm nắng… Nhiều lần còn được ngồi ăn chung với thầy Thìn để nghe thầy giảng chữ nghĩa thánh hiền. Những khi thầy đi bắt mạch xa, chúng tôi ngồi đối diện nói chuyện tự nhiên hơn. Cũng chỉ là chuyện trời trăng mây nước, chuyện Tề Thiên Đại thánh đánh quỷ trừ yêu. Nhiều lắm là một hai cái nắm tay. Rồi thôi. Trong sáng.

Vậy mà… Bỗng nhiên tôi mất tung tích Quyên. Tôi lúc đó như người chết đuối trôi sông. Đâu chừng là đầu năm 1950. Quyên đi đâu thầy Thìn cũng không biết, chỉ để lại bức thư tạ lỗi bất hiếu đại ý là thấy cảnh nước nhà tang thương, người nghèo khổ bị bóc lột, kẻ cô thế bị ức oan, Tây tà nạt nộ chưởi bới dân… Lòng quặn đau không chịu nổi. Quyên không nói mình đi với phe phái nào. Quân lưu động trong đầm lầy, trên sông cùng rạch cạn của tướng Lê Quang Vinh, tướng Trần Văn Soái, quân đóng ngay tại Sàigòn hoa lệ của tướng Lê Văn Viễn Bình Xuyên… hay gì gì nữa!’

Ông già ngừng một lúc hèn lâu, mắt mơ ngàng ngó vô mấy con chim nhảy nhót trên bãi cỏ, vài ba con sóc vui đùa leo lên leo xuống mấy gốc cây cao. Tôi ngó vô con người sức mỏn chỉ còn lại chút trí nhớ le lói ánh chiều tàn mà nghĩ tới mai hậu mình… Cuộc sống một người sau cùng rồi cũng như vậy sao? Tưởng ông đã quên những gì đã nói bỗng ông tiếp, không cần ngó tôi, như là để nói với chính mình, hợp lý như nãy giờ không có lúc ngừng nghỉ:

‘Quyên vô bưng làm nữ cứu thương sống đời nguy hiểm rày đây mai đó hay theo phe quốc gia làm nữ quân nhân như một nghề, sống an lành với chồng con xa chiến trường… Tôi biệt biết. Cha Quyên cũng biệt biết. Chúng tôi hai người đàn ông liên kết nhờ tình yêu đối với một người nữ đã biền biệt tăm hơi, thường ngó nhau buồn thảm. Những cuốn sách của ông đóng bụi trong tủ chẳng còn mời gọi tôi như ngày xưa. Thầy Thìn từ đó lặng lẽ như cái bóng, chuyện coi mạch hốt thuốc ai năn nỉ lắm mới chịu đi, còn thì ngồi trên cái ghế năm xửa năm xưa với bình trà mọi thuở, nhiều khi đến lần sau cách lần trước cả tháng cũng thấy ông trong vị trí đó, trong dáng điệu đó khiến tôi có cảm tưởng ông ngồi một chỗ, uống trà để cầm hơi, bỏ ăn bỏ ngủ. Ông lắm khi lảm nhảm về những thang thuốc hay như Tứ Quân thang, Ngũ Vật thang, Bổ Trung Ích Khí thang … rồi chép miệng thở dài. ‘Cũng bởi những nữ tướng kiểu Đào Tam Xuân, kiểu Phàn Lê Huê, những Thập Nhị Quả Phụ, những Sở Vân, những Mạnh Lệ Quân… chuyện sách vở không dễ như chuyện đời. Nó bồng bột quá, nó tưởng mình là con nhà tướng, nó tưởng đâu là súng đạn cũng như cung tên có thể né tránh được.’

Cái xe lăn được điều khiển để ra chỗ có chút ánh nắng sớm. Gương mặt ông già có chút rạng rỡ hơn.

‘Nói về thầy thuốc Thìn ai ghét thì ghét chứ tôi thương đứt ruột. Ông ngâm nga thơ phú làm mình mất thời giờ, ông tuông điển tích nầy nọ chẳng ăn nhập gì tới cuộc sống chung quanh làm mình khó chịu nhưng đó là những kiến thức quí dàn trời.’

Ông già hom hem lục túi lấy chai Dầu Xanh Con Ó ra xức vài quẹt trên nhơn trung, trên yết hầu, trên chớn thủy:

‘Khổ thiệt! Muốn xức dầu phải trốn ra đây! Xức trong đó y tá họ rầy, nói nhiều người chịu không được mùi dầu. Nhứt là thằng y tá người Mễ. Nó nhăn nhăn mũi như là dầu nầy thúi không bằng. Hồi xưa đi hành quân tôi thủ theo mấy chai Nhị Thiên Đường đề phòng trường hợp… Hồi còn má tôi, mỗi khi tôi đi đâu xa má tôi cắt củm mua cho mấy chai…’

Tôi làm thân, đưa tay mượn chai dầu của ông, quẹt trên mũi mình mấy cái.

‘Tôi còn nhớ thầy Thìn cắt nghĩa chữ Nhị Thiên Đường mà chắc trên đời nầy không mấy người Việt Nam nào biết: Nhị Thiên Đường là nhà thuốc cứu người. Dầu Nhị Thiên là dầu cứu người. Nó như ông Trời thứ hai đã cứu mạng ta, ông trời thứ nhứt là cha mẹ đã sanh ra ta…’

Thấy ông già vừa nói vừa ngó những chùm hoa hồng trắng vương giả, tôi liếc mau về phía cửa sổ rồi day qua bứt lẹ cho ông hai cái hoa thiệt đẹp. Đưa bàn tay run rẩy khô cằn đầy gân xanh ra nhận, ông gật gật đầu mà con mắt đã ươn ướt:

‘Ngày trước đâu có tiền để mà tặng hoa tặng quà. Bây giờ muốn tặng bao nhiêu cũng được thì đã không còn người để tặng.’

Tôi được dịp đi sâu hơn chút nữa vào đời tư ông:

‘Bác có bao giờ gặp lại bà Quyên không?’

‘Có mà không, không mà có. Chẳng biết sao mà nói cho đúng!’

‘?????’

‘Cuối năm 58, đại đội tôi đi tiếp ứng, bị phục kích, tan nát. Tôi bị thương nặng ở hai chưn, thằng hiệu thính viên cố kéo ra khỏi trận địa chừng 100 thước, đẩy vô một lùm bụi, lấy cây lá đậy điếm cẩn thận rồi chạy đi vì tiếng nói lào xào của họ đã tới gần. Họ đến kéo xác đồng đội và thu dọn chiến trường. Nằm trong bụi tôi thấy một cái ót quen thuộc, một dáng đi điệu đứng quen quen. Người xưa nói nếu chẳng quen lung đố nhìn nhau cho đặng mà! Chỉ có cặp mắt thôi, cô ta quấn khăn rằn ngang mũi che kín mặt, chỉ chừa có bao nhiêu đó. Tôi định chừng hết 80% là Quyên của tôi. Tôi nín thở, không biết nên im lặng hay kêu lên tên em. Để bảo tồn sanh mạng, tôi quyết định nằm im. Cô ta đi về phía tôi, hơi khựng lại một chút khi nhìn thấy cặp mắt của tôi qua kẻ lá rồi quay về, kéo theo hai người đồng đội nam, mặt đằng đằng sát khí vừa bước tới…

Ngày ấy tới nay đã bốn chục năm rồi tôi chưa giải được bài toán đó. Có thể là Quyên, có thể không. Có thể người ấy thấy tôi, có thể không. Đời mà! Thiệt thiệt hư hư, tỉnh tỉnh mê mê. Phải phải quấy quấy, như sự ra đi của Quyên. Để yên lòng, tôi đồ chừng lúc đó mình bị thương nên mê man và hình ảnh cái cô bận bà ba đen bịt mặt bằng khăn rằn kia là không có thiệt. Mê mà!’

Tôi nói vuốt đuôi và đưa tay đẩy cái xe lăn vài ba thước tìm chút ánh nắng cho ông vui.

‘Có thể là mê đó bác, chuyện nầy người ta kêu là sảng, không có thiệt đâu. Nhứt là khi mình bị thương quá đau đớn, quá cận kề lằn mức tử sanh.’

‘Sau trận đó tôi thường nằm chiêm bao thấy Quyên, rõ ràng, nhưng mặt buồn dười dượi mà vía tôi trong chiêm bao cũng buồn, cái buồn lạ lắm, kéo dài tới thức dậy hồi lâu vẫn còn. Vía tôi hỏi gì Quyên cũng lắc đầu không nói rồi đi xuyên qua người tôi, mất biệt. Tôi đồ chừng Quyên đã…’

Ông già Chà bật khóc nức nở. Tôi để tay lên vai ông an ủi bằng cử chỉ thân mật.

Một luồng gió lạnh thổi qua hơi lâu. Tôi rùng mình. Ông già hắt hơi hai ba cái thiệt mạnh như muốn văng ra khỏi cái xe lăn rồi im trong vị thế ngồi không được thoải mái với cái đầu nghẻo xuống, cằm chấm ngực. Tôi đợi một lúc lâu mới đưa tay lên mũi ông để nghe hơi thở.

Êm re.

Tránh qua một bên để nhân viên nursing home làm việc, ngó gương mặt buồn man mác nhưng đượm chút thanh thản của người chết, tôi nghĩ rằng Trời đất đã ban cho ông một hương vị đời, tuy thật tế có chua cay đắng chát nhưng hương thơm của tình yêu trai gái thuở thiếu thời còn đọng hoài trong trái tim, cứ thoang thoảng dịu êm làm ông mang cảm giác buồn buồn dễ chịu.

Ông già Chà ra đi mang theo cuộc tình không trọn. Tôi biết chắc tình yêu của ông với bà Quyên nào đó là mối tình trọn vẹn trong lòng ông nếu không nói là đẹp đẽ vô song. Không đẹp sao ông ôm ấp nâng niu tới hơi thở chót, không đẹp sao ông mang vác từ quê hương tới xứ người?

Trên đường lái xe về, tôi lại muốn nghĩ rằng người nữ mà ông già Chà thấy không phải là bà Quyên. Và người đó cũng không thấy ông đương nằm vái Trời trong bụi rậm. Mà Trời Đất Quỷ Thần ơi! Tại sao tôi lại bận trí về chuyện tình thời xa xưa của một ông già chẳng thân tộc gì với mình! Biết đâu lúc hắt hơi cuối đời là lúc ông nhìn thấy cái má lúm đồng tiền của người con gái năm xưa trong khói sương mờ ảo của Vô Thức. Biết đâu người tình Quyên chờ đợi ông bao nhiêu năm nay bên kia cuộc đời mà ông thì cứ nấn níu hoài trên cái cõi trần tạm bợ nầy để mong có ngày gặp lại cố nhân “lai vô ảnh khứ vô tung …”

(Khởi bút, Sàigòn đầu tháng 3, 2018. Kết bút, California cuối tháng 5.)

Lời người viết truyện: Quí bạn. Truyện hơi dài dòng há! Tôi vừa viết vừa nhớ lại vài ba chuyện của Nguyễn Tuân ấy mà: Nét Bút Người Tử Tù. Đố chữ (?)… Mấy câu thơ ông thầy đông y Thìn ngâm nga, thấy trong kinh ‘Bách Tuế Tu Hành Kinh’ của Vân Thê đại sư歲修行經﹣雲棲大師戒殺修行勸世文, kinh Phật bình dân của Tàu phổ biến ở VN vào cuối thế kỷ 19. Dịch thoát mấy đoạn đầu: 我吃長齌慢六親 親朋來到冷淨靜 只有茶來沒有酒 只有素菜沒有葷... Cũng nên nhắc lại vài ba từ ngữ thời của truyện này, cuối 40 đầu 50, nay đã đổi thay hay đã mất, xe máy: xe đạp; giấy oảnh: tờ giấy hai chục đồng Đông dương. Tiền nầy có giá trị rất lớn thời đó, có thể bằng 20 triệu tiền hồ bây giờ. Xin lỗi nếu truyện làm bạn chán đọc. Hình như tôi viết cho những người ở tuổi thất thập cổ lai… 


Nguyễn Văn Sâm

No comments:

Post a Comment