Tuesday, February 9, 2021

Mùa Xuân Xa Vắng - Hàn Thiên Lương



Quê của Tùng ở một làng xa trên sông Vàm Cỏ Đông, mất an ninh từ lâu, Tùng phải xuống Saigon học, ở trọ nhà cậu mợ khu Gia định. Ngày ngày lo đi học, ăn cơm tại nhà, nhưng gần một năm nay cậu  đổi ra Vũng Tàu, mợ cùng hai con đi theo, cả gia đình an trú với nhà cửa khang trang gần đài viba. Một căn phố nhỏ khu Ngã Ba Cây Thị chỉ còn một mình Tùng ở. Tùng lâm cảnh cơm hàng cháo chợ, đi học về chàng phải ra tận chợ Bà Chiểu ăn cơm. May quá hơn tháng nay Tùng tìm được một quán cơm bình dân cuối xóm, rất khang trang sạch sẽ, nằm trong sân một ngôi nhà xưa, có trồng nhiều cây mát mẻ, thêm một hòn non bộ, thu nhỏ núi đồi thơ mộng! Quán có một bà ngoài bốn mươi trông rất phúc hậu lúc nào cũng nói năng nhỏ nhẹ, đó là bà chủ quán, một chị trông hiền lành, nhanh lẹ, một cô gái chừng hai mươi tuổi, có đôi mắt rất đẹp, mái tóc đen đậm, miệng lúc nào như mĩm cười, ngay ngày đầu mới thấy nàng đã thu hút nhãn quan của Tùng.

Sau bữa ăn đầu tiên, bước vào trong trả tiền, Tùng hỏi bà chủ quán:-Bác ơi quán chỉ bán buổi trưa, nhưng buổi chiều con cần, có bán không?

             Bà chủ trả lời :- à buổi chiều có 2 người cũng đặt cơm, thì tôi để dành chiều hai chú đó đến ăn, có lò sẵn lúc nào tôi cũng hâm giúp. Vậy chú đặt cơm buổi chiều nha?

            Tùng đáp : -dạ thật may cho con quá!

Cô gái nhìn Tùng thốt lời thân thiện:- vậy cở mấy giờ anh đến?

- Chừng 6 giờ

- Được anh đến trễ hơn cũng được, nếu má hay chị bận thì em lo cho.

Tùng nghe nàng nói như rót mật vào lòng, Tùng nhìn  nàng   cười  và nhỏ nhẹ:

-Rất cám ơn cô

 

Từ đó Tùng rất yên lòng về vụ cơm nước, mỗi ngày tan trường  đến quán cơm chàng như  có niềm vui nhỏ trong lòng, cô gái tỏ vẻ thân thiên, cô thường ngày bưng mâm cơm đến cho chàng chứ không để chị giúp việc lo.

Nhiều hôm  muốn hỏi chuyện làm quen với cô, nhưng Tùng bản tính nhút nhát chỉ nhìn nàng rồi im lặng. Thời gian trôi qua mấy tháng, một hôm, sau khi ăn buổi cơm trưa, buổi chiếu chàng đến thật trễ, cô gái cứ ngó ra ngoài ngõ trông chờ. Đến 7giờ trời tối rồi, chị Tư đã đóng cái cửa ngõ lại , Tùng đến loay hoay mở cổng , nhưng không được, cô gái vội chạy ra, cười mừng nói trong hơi thở:-Anh! sao về trễ vậy, có chuyện gì không anh?

Tùng trả lời:- hôm nay chờ kết qủa thi, họ niêm yết trễ quá nên tôi phải đợi, định ăn hủ tíu bên ngoài rồi về nhà, nhưng sợ cô, bác và chị Tư đợi!

            - Dạ em cũng trông lắm, thôi để hâm cơm nha, má có để sẵn cho anh và dặn anh đến thì dọn ra cho anh.

- Tùng nhìn cô gái mĩm cười hỏi:- ủa bác gái đi đâu rồi?

- Má và chị Tư hôm nay thứ bảy đi coi cải lương ở rạp Cao Đồng Hưng,   chắc về trễ lắm.

Tùng nghe như vậy như mở tấm lòng. Chàng ăn cơm có vẻ mau hơn thường lệ, cố ý dành nhiều thời gian để tâm sự cùng nàng.

Nàng bưng đến cho Tùng  môt ly trà đá và nói nhẹ: -nè anh, em tên là Vân, nhớ đừng gọi em là cô nha.Tùng nhìn nàng cười và nói tiếp:

- Còn tôi là Tùng

Nàng dọn đĩa chén ra nhà sau, trở lên đứng sát Tùng nói:- anh ơi mình lên nhà trên nói chuyện, nếu anh còn rảnh rang.

Tùng bước theo nàng qua khung cửa gỗ vào gian nhà chính, thật khang trang, đầu tiên thấy ngay một tủ thờ cao có khung ảnh một quân nhân Việt nam Công Hoà.      

        Vân nói :- Ba em đó, ba mất tích trong trận ở ngoài Trung.

Tùng nhanh miệng:-Trước tiên cho anh thắp hương cho Bác nha.

            -Được cám ơn anh nhiều! Thờ ba như vậy nhưng má và em hi vọng ba sẽ trở về!

 

Tùng thắp nhang nghiêm chỉnh lâm râm cầu nguyên, Vân nhìn Tùng thầm nghĩ : ít ra là phải như vây, biết trọng lễ , tục ông bà từ xưa để lại. Tùng cắm nhang trên lư hương, xoay  lại thấy Vân nhìn thẳng mình với đôi mắt xúc động, nàng nói:-anh ơi ngồi vào ghế đi anh.

Tùng mở lời:-Bác trai thuộc binh chủng nào vậy cô?

        -Thực sự ba em đi lính lâu lắm ông là thượng sĩ, sau học ở Đồng Đế lên chuẩn úy , rồi thiếu úy thì lâm nạn. Còn anh bây giờ cho em hỏi nha:- hồi nãy anh nói chờ kết quả thi, vậy anh học ngành gì vậy?

- Thi ra trường vẽ

- À trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, trời ơi sát bên trường em dạy đó, em chỉ dạy lớp một.

- Tôi học ở đó ba năm chẳng bao giờ gặp cô, duyên trời gặp cô

tại quán cơm.

           - Em mới dạy có một năm sau khi ra trường. Em thi tú tài 1 rớt rồi thi vào sư phạm lớp cấp tốc, học có một năm thôi; may quá được dạy gần nhà có thì giờ phụ bán cơm với má và  duyên số gặp anh!

- Gặp mà … có tới đâu không?

- Để thời gian  thôi… thì họa sĩ biết?

-Trời ơi đừng gọi là họa sĩ người ta cười tui chết!

- Xuất thân từ trường mỹ thuật nỗi tiếng sao không thành hoạ sĩ anh nhỉ , à mà quê anh ở đâu?

        - Quê tôi ở Đức Huệ bên kia sông Vàm Cỏ đông, gần biên giới Việt Miên, chiến tranh dữ lắm, ba má tôi tử nạn lúc tôi mới lên mười, cậu mợ tôi đem lên Gia định nuôi, may thi đậu tú tài tôi vào học trường vẽ!

           - Trời ơi Anh còn khổ hơn em , mồ côi cả cha mẹ, Má em mà biết  chắc thương  anh lắm, mồ côi cha mẹ mà học giỏi như vậy!  À chắc lớn rồi cậu đâu có giúp nhiều thì anh làm sao xoay sở nhỉ?

            -À lúc học ban tú tài tôi đi kèm trẻ hoặc tôi chạy bàn cho nhà hàng trong Chợlớn. Lúc học trường vẽ , may quá tôi được công ty vẽ quảng cáo cho làm bán thời gian cũng có chút ít  giúp tiền chợ cho mợ. Cậu tôi là sĩ quan truyền tin cũng nghèo. Gần năm nay cậu mợ ra ở ngoài Vũng Tàu nên sinh hoạt của tôi có vất vả hơn, nhưng đó là cơ may mà gặp Vân; mong được cùng nhau đi mãi trên đường đời!

         -Trời ơi đó là thật phải không anh? Em mong được vậy. Anh ơi sao anh không xưng anh với em mà cứ tôi… tôi , em nghe sao xa lạ không thân ái chúc nào!

      - Rồi rồi từ bây giờ gọi nhau anh em nha,- cho nó ro-man-tic, Tùng cười lên tiếng.và tiếp lời:- đi day học trưa về bán cơm, tối chấm bài , soạn bài chà bận lắm phải không em?

        - Nhưng bây giờ đỡ hơn lúc học Sư phạm, đạp  xe từ Bà Chiểu vào Chợ Lớn, trưa 12giờ đạp xe trở về phải phụ má bán cơm, giờ đó khách đông lắm nên thật mệt.

 

Tùng nhìn gương mặt Vân toát lên nỗi niềm chịu đựng cố hữu của người phụ nữ Việt Nam, nên niềm tin yêu đầy ắp trong lòng chàng. Hai tay Vân để hẳn trên bàn, Tùng với tay nắm chặt lấy bàn tay trái của Vân, trong giây phút thật im lặng xúc cảm đầu đời len vào tim, bốn mắt như dính vào nhau… bất chợt Vân ngó xuống, dòng xúc cảm của hai người như tắt mạch. Tùng lên tiếng:- Hè nầy anh có đi vẽ cảnh ngoài trời, nếu rảnh em đi với anh nha.

          - Dạ , nhưng nhớ sắp xếp mình đi vào chủ nhật, vì ngày đó quán ít khách, mình có đi chơi mẹ cũng đỡ nhọc.

 

Đồng hồ đổ mười tiếng, Tùng thốt lời: -thời gian qua mau quá em nhỉ,       Tùng đứng dậy nói:- thôi anh về.

Vân cũng đứng lên sát bên Tùng, chàng ôm vai và hôn nàng, hai người bước xuống thềm, Vân mở cổng Tùng lách mình ra và nói;- thôi em vào, cho anh gửi lời thăm bác và dì Tư.

          Vân đáp :-Dạ, Anh đi cẩn thận, mai gặp nha anh.

Đêm đó nàng trằn thọc khó ngủ! Hình ảnh Tùng, lời nói của chàng đã đậm tình yêu trong tim nàng.

Những ngày sau đó, qua lời Vân, má và dì Tư rất mến Tùng, Tùng không  còn là khách mà là thành viên của quán. Chàng rất nhanh nhẹn tháo vát đỡ đần nhiều việc cho quán…

              

Rồi mùa hè đến, cậu mợ về Gia Định , Tùng  khéo léo nhờ cậu mợ đến thăm nhà Vân nói lời phải quấy theo phong tục. Cậu mợ sẵn lòng. Nhờ vậy mà tình yêu của  hai tâm hồn trẻ như chấp cánh.

Thật là một  mùa hạ tuyệt vời, Vân theo Tùng vẽ nhưng phong cảnh trong thành phố: cảnh Lăng Ông , cảnh Viện Bảo Tàng trong vườn Bách Thảo, Vương Cung Thánh Đường…Vân rất lý thú nhìn những cánh phượng trên cành  cao đựơc Tùng đưa vào khung vải với sắc màu tươi thắm; với nét cọ Tùng thu nhỏ nhiều cảnh đẹp vùng Saigon Gia định thành những bức tranh lưu luyến lòng người và làm Vân say mê.

Hai người đi xa khỏi thành phố, những đồng lúa mênh mông, lững lờ cánh cò trắng là đề tài thơ  mộng cho Tùng . Vân trải hồn lên sóng lúa, nàng tức cảnh sinh tình,  bất chợt đọc mấy câu thơ: 

                     Ôi đẹp lắm cảnh đồng quê bát ngát

               Cò trắng bay sóng lúa dập dềnh

               Chiều xuống mơ hồ nghe ai hát

               Bản tình ca tha thiết mông mênh!”

 

khiến Tùng thich thú hết lời khen ngợi:- hay quá tranh anh mà có thơ em dẫn giải thật tuyệt vời!

            

Trên chiếc honda cũ của cậu, Tùng và Vân đến Châu Thới, Bữu Long, dòng Đồng Nai xanh như vải lụa, những đồi màu đất hồng tình tứ, tất cả được Tùng thu nhỏ lại thành tranh.

Qua những con đường quạnh khúc gồ ghề, Tùng hay quay lại và nói:-vịn chặt nha, ôm anh  đi kẻo té!

Nàng ôm trọn vòng thân Tùng đầu nghiêng sát vào lưng chàng, mơ màng, cảm giác lâng lâng…

 

Rồi mùa hè cũng qua mau, Vân trở lại trường với những học trò thơ ngây dễ thương, Tùng ngày ngày trong xưỡng vẽ…Thỉnh thoảng Tùng vẽ cho nàng những bức tranh nho nhỏ để trang trí trong lớp học, chủ đề là học trò để chởm chơi trên sân trường…; các cô giáo bạn trầm trồ khen ngợi, bà hiệu trưởng thật tán thưởng, Vân hãnh diện , gặp Tùng cười khoe với chàng và nói trêu:-hạnh phúc thay em được người chồng tài hoa! Tùng với tay bẹo má Vân , ôm siết nàng vào lòng và hôn nhẹ lên tóc!

 

Mùa thu đến , không có lá vàng rơi , chỉ có những cơn mưa chợt đến rồi chợt tạnh, hai người lo phụ má công việc trong quán cơm, ít đi ra ngoài nhưng tận hưởng cảnh ấm áp của mái gia đình.

           

Những ngày tháng chạp trời hanh nắng, Tùng thích ra vườn sau nhà chăm sóc từng cây nhản, gốc mai, Tùng thường nói với Vân vườn nhà nếu chăm sóc kỹ, sẽ đẹp bắt cọ họa sĩ lắm ! Từ đó hai người liên tục chỉnh trang lại khu vươn, bà Bảy , má của Vân rất vui, thường nói: khu vườn đó ba con bỏ biết bao nhiêu là công sức, ông cũng là thi nhân nên ông rất thích đẹp và yên tỉnh…Mấy đêm trăng sáng hai người thường ngồi trong vườn nghe nhạc dế tỉ tê, ngắm ánh trăng vàng lung linh trên trên cành lá; kể cho nhau nhiều câu chuyện thời tuổi dại, những đau buồn cảnh mồ côi tang chế. Vân cũng thốt lên sự  lo sợ thời chinh chiến phải xa nhau. Nàng đã lâu rồi không gặp cha, đối với nàng đó là tì vết chiến chinh không phai mờ trong tim nàng! Tùng cũng nhắc lại cảnh mồ côi của chàng, cha mẹ tử nạn khi chiếc xe đò trúng mìn Việt Cộng, nhưng luôn luôn an ủi nàng.

 

Rồi mùa Xuân đến thành phố vui đón Tết như  thuở thanh bình, 

Đến hai mươi bảy Tết, quán cơm nghỉ sớm, gia đình chuẩn bị Tết, bốn cây mai sau vườn  rợp nụ xanh phong nhụy, ai cũng thích thú, Vân luôn miệng khen nhờ Tùng làm đúng kỹ thuật: nhặt lá đúng ngày, tuới nước đúng lượng.

      

Tùng đề nghị:- nếu ngay hai mươi chín Tết ta xem  hoa sung mãn thì cắt từng nháng khoẻ đem ra chợ hoa ngồi bán chơi.

Vân nói:- Anh dám ra bán không?

                - Đâu mình có ra chợ Nguyễn Huệ, chỉ ra Bà Chiểu trước Trường Vẽ là người ta mua. Quê anh  vùng đất gò có những rừng mai, năm nào anh vem anh cũng o bế từ hôm rằm, đến hai mươi tám cắt thui gốc, cột chặt với lá dừa nước, đem lên xe đò đến Phú Lâm các đầu mối họ giành mua.

-Vậy hai anh em mình làm thử nha.

-Được anh đem vài bức tranh ra bán thử thời vận luôn!

Thế là chiều hai mươi chín Tết trước trường vẽ có cô giáo đẹp hiền trong chiếc áo màu lam, cầm những cành hoa mai mời khách đi chợ Tết, có mấy bức tranh của một môn sinh trường vẽ được bày bán. Chẳng mấy chốc học trò trường nữ Gia định nhìn ra cô giáo, gọi cô ơi ới, nên phụ huynh của các em cũng sẵn lòng ủng hộ cô giao. Chỉ đến 9 giờ hoa mai đã bán hết còn bán thêm hai bức tranh của Tùng.

           

Hai người đi bộ về nhà, đường cũng xa, nhưng niềm vui mùa xuân yêu thương, dù đường có bao xa chẳng có mấy dặm dài. Vân vịn vào vai Tùng khe khẻ nói:-lâu lắm em mới có một mùa Tết, từ ngày ba mất tích.

            -Anh cũng như em, chung hoàn cảnh côi cút thôi, nên đây là mùa Xuân vui đầu tiên của anh.

            -À anh số tiền mình bán hoa mai và tranh theo ý em mình nên gửi tặng cô nhi viện Gò Vấp nha.

            - Được, vậy mai mình đi sớm. Tùng đáp.

            

Ý kiến phước thiện của Vân, làm Tùng cảm kích vô cùng, chàng kéo sát Vân vào và hôn nàng. Nàng đẩy nhẹ Tùng ra nói:- Ôi sao mà anh bốc vậy, người ta nhìn em sợ lắm!

     -Không! không có bốc đâu, mà anh xúc động và tán thưởng lòng nhân ái của em!

 

Hai người tay trong tay lòng tràn ngập niềm vui cùng đồng bào đón mùa xuân Đinh Mùi(1967), ngày mai mới giao thừa, dòng người xuôi về chợ Bà Chiểu như trảy hội. Chiến tranh ở khu vực ven biên cũng tàn khốc lắm mà ở nội thành trông vô tư bình yên, tiếng pháo lưa thưa đì đùng nổ!

           

Trong mấy ngày Tết hai người luôn bên nhau, nhập vào những lễ hội mùa xuân, viếng thăm Lăng Ông, các Chùa ,qua Bình Triệu viếng thăm linh địa Fatima, nơi nào hai người cũng vào cầu nguyện…thỉnh thoảng nghé vào quán nhỏ bên đường ngồi uống nước, nắng vàng đổ ngập lối đi, từng cơn gió xuân thỏang nhẹ khiến con người tươi tỉnh hơn. Mắt Vân hướng xa ngoài những cánh đồng, nàng sát vào vào Tùng nói nho nhỏ:-quê mình cũng đẹp anh nhỉ, phải đừng có giặc thì sướng lắm!

              -Ừ đúng vậy, năm 1955-1958 thật bình yên Tết như vầy trên làng anh  vui lắm, nhưng sau đó mấy tên Việt Cộng về nó phá hoại, giật mìn xe đòkhiến cha mẹ anh chết, anh phải bỏ làng bỏ xứ ra đi.

           

Những ngày vui qua thật mau, hoa cũng tàn, pháo hết nổ mọi người trở lại việc làm, người lính vững tay súng ngoài chiến địa, nụ cười của cô giáo Vân cũng héo vì Tùng nhận được lệnh nhập ngũ.

Tuy lòng thì buồn, nhưng nàng chuẩn bị cho chàng đủ mọi vật dụng từ quần áo lót, khăn cá nhân, bàn chải đánh răng, lược chải tóc…nàng biết chàng là người thanh niên tội nghiệp không còn cha mẹ, nàng muốn tận lòng bù đắp cho chàng, vả lại Bà Bảy mẹ nàng, luôn  nhắc nhở nàng sống trọn lòng với chồng, vì người đàn ông hời hợt, họ không chu đáo với những điều nhỏ nhặt…Chính nàng đưa Tùng đến Trung tâm nhập ngũ,  lúc trở về nữa hồn như đã mất, ngẩn ngơ đến lộn ngõ  đi vào nhà!

           

Mấy tháng quân trường Thủ Đức cũng qua mau, Tùng chọn về tiểu khu Hậu Nghĩa, dù biết vùng nầy nhiều du kích Việt Cộng, nhưng gần Saigon, vả lại có gia đình dì Út của Tùng ở tại Tỉnh lỵ.

         

Về đây Tùng thật vất vả, trong tiểu đoàn tác chiến ,nên đi hành quân liên miên. Vân thì vò võ trĩu nặng lòng người chinh phụ, buổi trưa tan trường nàng thẩn thờ trở về nhà, qua những con đường hai người cùng sánh bước, xe cộ nhộn nhịp nhưng tâm hồn nàng vắng lặng thấm đau niềm chinh chiến điêu linh!

Rồi mùa Tết lại đến, không khi nhộn nhịp, người người tươi vui đón mùa xuân mới,riêng lòng Vân trĩu năng đợi chờ,nàng buồn buồn lẩm nhẩm vần thơ :” Vui xuân vui cả một trời. Buồn xuân buồn chỉ một người buồn thôi!

Từ ngày ra đơn vị, đã ba tháng Vân chưa hề gặp Tùng, thỉnh thoảng có thơ về với lời thương nhớ của chàng, đó  là niềm vui mừng của Vân vì biết được người đi còn bình yên!

           

Những ngày giáp Tết, sau khi trường nghĩ học, lòng nàng rất bồn chồn, đêm đêm nghe tiếng súng vọng về nàng lo lắng cho Tùng biết mấy! Nàng quyết định đi thăm Tùng một lần. Bà Bảy má nàng biết được ý định của Vân thì lo lắng lắm,  đường lên Hậu Nghĩa không xa nhưng nhiều bất trắc vì sự phá hoại thương xuyên của du kích Việt Cộng!; rốt cuộc Bà cũng đồng ý để nàng đi, vì bà thấu rõ nỗi tình của hai con.

           

Nàng chuẩn bị nhiều món ăn ngày Tết, sáng sớm 29 Vân đã tới nhà dì Út, tại thị xã Hậu Nghĩa, được bà dì góp ý và thúc giục, nàng đến trại binh xin gặp chuẩn úy Tùng, may qúa ngay lúc đó Vân gặp được trung úy Đại Đội Trưởng, biết nàng từ xa đến xin thăm chồng, ông thông cảm cho Tùng xuất trại từ 9giờ đến 11giờ trưa. Thời gian rất ngắn ngủi nhưng thật qúy báu, đặc biệt dì Út nói:- có việc cần phải lên xóm, hai cháu tự nhiên ở nhà, Vân mở thức ăn cho Tùng nha con.

         - Dạ , Vân đáp.

Dì Út bước vội xuống thềm và đi khuất. Tùng nhìn Vân nói:- Em thấy dì Út khéo không, dì cố vắng mặt để tụi mình vui trọn vẹn, đoạn chàng xoay ra khép cánh cửa lại, ôm chặt Vân. Cả gian nhà thật im lặng…chỉ còn nghe tiếng thở đứt khoảng của hai người…

           

Thời gian vàng ngọc qua thật mau, chỉ còn nửa giờ là Tùng hết phép, Vân mở vội mấy túi đệm lấy thức ăn cho Tùng nhưng chàng chỉ bóc một chiếc nem chậm rải nhai và nói:-Trời em đem nhiều quá vậy: hai ba chục nem, ba cây chả lua, lại có cả nước mắm, kiệu chua, dưa giá…em cực khổ quá nhỉ, thôi để anh đem vào trại cho bạn ăn với.

           -Vâng , vậy cũng tiện. Lát em đưa anh vào trại nha, rồi em về, má ở nhà trông tin anh lắm đó!

          - Má và chị Tư cũng khỏe phải không em?

         -Vâng, hai người nhắc anh luôn. Nhớ năm rồi còn anh ở nhà, mùa Tết thật vui. Tết năm nay ai cũng ngậm ngùi!

           

Tùng xách hai giỏ đệm nặng trĩu lửng thửng đi cạnh Vân, lòng hai người thật buồn, càng đến gần doanh trại cành thêm niềm xa cách. Đến cổng trại Tùng bước nhanh vào trong, khuất mau sau gian nhà gỗ, không dám ngoảnh lại sợ nhìn thấy dòng nước mắt của Vân. Vân đứng sát vào gốc cây bã đậu, nàng khóc!

           

Ngay lúc đó di Út đi tới, hết lời an ủi và đưa nàng ra bến xe về Gia định. Xe qua ngõ Đồng Lớn để ra Củ Chi chừng  hai cây số, nhiều xe kẹt lại và súng nổ vang. Hai tiếng đồng hồ sau xe mới thông, trên cánh đồng không xa đường lộ có nhiều xác Việt Cộng , xa hơn  nữa thấp thoáng nhiều lính Cộng Hòa, nắng nhạt mùa Xuân thật héo úa, gió chiều Xuân lành lạnh, nàng chợt rùng mình và nghĩ: sao không xa thủ đô,  nắng gióTết không đẹp ấm mà lạnh buồn như nắng gió biên thùy!

           

Nàng về đến nhà tối mịt, má nàng rất mừng vì gặp được con và biết tin Tùng bình an! Rồi mùa Tết Mậu thân đến, phải nói những ngày giáp Tết thật tưng bừng, vì có lệnh ngưng bắn rõ ràng của cả hai bên, vả lại Việt Nam Cộng Hoà qua một cuộc bầu cử rất thành công. Đêm ba mươi Tết pháo nổ tưng bừng nhưng trong nhà không vui vì thiếu vắng Tùng, đối với Vân mùa Xuân đã xa vắng; việc cúng giao thừa cũng đơn giản, sáng sớm mồng một bà Bảy má của Vân  như thường năm, đến chùa Kim Sơn, do dì cả của Vân là Ni sư trưởng trụ trì, ở trọn ngày đêm mồng một Tết, để cầu nguyện và công quả.

 

Suốt ngày mồng một Vân ở nhà với chị Tư, hai người ít nói chuyện nhau. Chị Tư lục đục dọn dẹp bếp núc dưới quán cơm. Vân lật những tạp bút phóng họa của Tùng. Nàng rất say mê từng nét bút của chàng, nhứt là những bức họa nhỏ có thiếu nữ mang dáng vóc của Vân…Bổng nàng nghe từ TV bài hát có mấy câu: “Xuân trước chàng đi chẳng trở về/ Nghe theo tiếng gọi của hồn quê/ Mõi mòn trông ngóng tin hồng nhạn/Tan nát lòng son trót não nề/”.Nàng buông tập sách xuống bàn, tay chống lên trán hồn thả đến chốn xa xăm, vừa thương nhớ vừa xót xa cõi lòng!

           

Vân ngỏ lời rủ chị Tư sáng mai, mồng hai Tết đi Hậu Nghĩa, chị Tư bằng lòng nên hai người đi ngủ để mai dậy sớm…nhưng chỉ gần ba giờ sáng có nhiều tiếng súng lác đác nổ, chị Tư thức dậy nhìn qua khe cửa sổ thấy nhiều người ngồi ở vườn nhà sau. Chị vào trong đánh thức Vân dậy nói nhỏ:- nè Vân chắc Việt Công nó ở sau vườn đó. Vân đáp nhỏ:-Việt Cộng sao vào tới đây được chị?

           -Tôi thấy không phải lính mình đâu, tụi nó mặc đủ thứ áo, có đứa đi chân không.

Vân rón rén tới sát cửa sổ nhìn qua khe , chạy vội lại kéo chị Tư ngồi xuống nói như nghẹt thở:- đúng Việt Công rồi, thằng nào cũng mang súng. Làm sao bây giờ Chị?

Chị Tư bình tỉnh hơn chị nói:-bây giờ lấy cái giõ đệm bỏ hai bộ quần áo, hai khăn tắm, mấy cái bánh tét, một chai nước, đem theo it tiền, nhưng cởi vàng cất giấu kỹ tại nhà, mang theo sợ cướp.

        

Vân vội vàng cùng chị Tư làm đúng như vậy, xong chị Tư nói thật nhỏ:-Bây giờ mình ngồi sát bên cửa trước, thế nào dân xóm trong họ cũng chạy theo con lộ lớn ra phiá Bà Chiểu có lính Quốc Gia. Chừng đó mình chạy lẫn theo họ. Ở đây thế nào lính Quốc gia cũng vào đánh Việt Cộng nguy lắm!

                       

Quả như lời chị Tư nói, trời vừa rựng sáng, dân ở xóm trong bồng bế chạy ra, chị Tư giục :-mau mình ra em, tay chị kéo Vân tay chị kéo chốt cửa.Tiếng súng từ phía xóm sau nhà lác đác nổ nhưng rất gần, chú Năm và thiêm Năm người láng giềng cũng mở cửa chạy vụt ra nhập bọn, chú Năm nói với giọng rung:-mình chạy ra hướng chợ Bà Chiểu có lính mình, ở sau nhà tui Việt Cộng nhiều lắm! Tất cả chạy nép theo hiên phố…Súng bắt đầu nổ dồn dập, nhiều người từ trong hẽm băng qua lộ trúng đạn khóc la inh ỏi…ngay lúc đó, Vân ngã khụyu vào người chị Tư và nói: -Chị ơi em mệt quá. Chị Tư ôm Vân thấy máu thấm đỏ sau lưng. Chú Tư xoay qua nói lớn :- Á cô Vân bị thương rồi, ông xóc bồng Vân chạy mau về hương bệnh viện Gia định.

 

Trong phòng cứu cấp nhiều nạn nhân cũng đã được mang đến đây, Vân trầm trọng nhất được đưa vào phòng giải phẩu. Chị Tư chỉ tạt qua bệnh viện rồi chạy đến chùa Kim Sơn gần đó báo tin cho  má Vân. Đến chiều 5 giờ bà được người y tá trực cho vào phòng hồi sức nhìn Vân, lúc đó nàng đang mê man, mặt tái xanh, bà nhìn con lòng quặn thắt , nước mắt tuôn tràn. Chỉ trong giây phút bà và chị Tư ra ngoài  hành lang ngồi đợi.Trời rựng sáng ngày mồng ba Tết, người y tá ra báo Vân đã chết…

           

Đám tang của nàng thật hiu quạnh, vì chiến trận ngay trong nội thành còn nóng lắm! Xe quan tài đi qua phố vắng, mùa Tết như chạy trốn, nghe tiếng khóc não lòng của người mẹ già, vài đứa học trò nhỏ thương cô giáo lặng lẻ theo sau! Người yêu dấu của cô Giáo còn xông pha ngoài chiến điạ, chưa hay mùa Xuân của chàng đà xa vắng !

  

Hàn Thiên Lương

No comments:

Post a Comment