Thursday, February 25, 2021

Đứa Con - Higuchi Ichiyo - Người Dịch: Quỳnh Chi

 



Nếu tôi hở môi mà rằng "Con tôi dễ thương lắm", thể nào thiên hạ cũng cả cười. Vâng, có ai lại ghét con mình bao giờ đâu. Vì vậy cũng chẳng gì quý hóa để làm như thể mỗi mình mình có được báu vật trời ban, mà người ta cười cho. Cho nên tôi chẳng dám lớn tiếng khoe khoang. Mà tình thật là tự đáy lòng, tôi chỉ muốn chắp tay tạ ơn Trời Phật, chứ nào có nghĩ gì đến chuyện thương hay ghét đâu ạ.

Con tôi quả là vị thần hộ mệnh của tôi.

Con tôi còn là đứa bé nằm ngửa u ơ nhoẻn miệng cười, thế mà cái điều tôi học được từ gương mặt ngây thơ kháu khỉnh ấy mới thật là to tát, thật không lời nào tả xiết. Những điều ta học với thầy, hay đọc được trong sách vở nhà trường, quả thực là hữu ích, nhưng mỗi khi có việc gì phải nhớ lại để suy ngẫm xem có phải là thế này thế kia không, không như nụ cười của con thơ ở ngay trước mắt mình, đã khiến cho chân toan bước đi cũng phải chùn lại, lòng đang bấn loạn cũng bỗng dịu xuống.

Không phải như các nhà đại trí thức thường hay lên giọng dạy bảo phủ đầu, đứa con với nét mặt ngây thơ đang nằm ngủ, đầu đặt trên chiếc gối nhồi đậu, hai bàn tay giơ lên ngang vai, đã khiến những giọt nước mắt từ tận đáy lòng tôi trào ra, khiến cho tôi dù có bướng đến mấy cũng chẳng thể cãi lại rằng "Trẻ con chẳng đáng yêu chút nào cả ".

Con tôi đã cất tiếng chào đời vào cuối năm ngoái. Lần đầu nhìn mặt con, lòng dạ tôi vẫn còn để cả ở đâu ấy. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn ân hận. Lúc ấy tôi cứ than vãn rằng sao con tôi lại ra đời bình an vô sự thế này!

Giá mà đứa con này đã chết ngay lúc mới chào đời, thì có phải là ngay sau khi sinh nở tôi đã bỏ về nhà cha mẹ được rồi, không còn phải ở lại đây, dù chỉ trong chốc lát, bên người chồng này nữa.

Sao con tôi lại sinh ra lành lặn khỏe mạnh! Than ôi ! Sao duyên nợ cứ mãi buộc vào thế này nhỉ ? Từ nay tôi sẽ phải sống một đời u buồn tăm tối mãi sao? Người ta đến chúc mừng, nhưng cứ nghĩ đến cõi đời đáng ghét và số kiếp hẩm hiu của mình, tôi chẳng thấy vui chút nào, chỉ càng thêm chán đời, càng tủi phận mình mà thôi.

Xin mọi người hãy thử đặt mình vào vị trí của tôi lúc bấy giờ mà xem. Dù là bậc cao minh, hay là người biết điều an phận, hẳn cũng thấy rằng cuộc đời này thật đáng chán, vô tình, độc ác, chẳng có gì vui, rằng

Thần thánh cũng có lúc nhầm lẫn làm sao ấy, chứ chẳng phải là vì tôi bướng bỉnh ương ngạnh nên mới nói thế đâu ạ. Nhất định, chắc chắn là bất cứ ai cũng đều nghĩ như vậy.

Tôi tin chắc rằng mình không hề lầm lạc, không làm điều gì tội lỗi. Vì vậy mà tôi oán chồng tôi lắm, và tôi đã nghĩ rằng tất cả mọi sự xào xáo trong nhà đều là do tính nết của chồng tôi mà ra.

Và cứ nghĩ mình đã gặp phải một người như chồng nên mới phải khổ cả đời, tôi lại đem lòng oán trách cả người đã lo chuyện nhân duyên cho tôi, một người thân mà tôi coi như cha mẹ, đó là ông chú ruột.

Cho đến nay tôi chẳng có tội tình gì, chung quy cũng chỉ vì bảo sao nghe vậy, đã ngoan ngoãn nghe lời chú mà đi lấy chồng. Thế mà sao số kiếp dành cho tôi lại như thế này, chẳng khác nào như đem xô một kẻ mù lòa xuống đáy vực sâu. Tôi thực sự oán hận cái Đấng gọi là Thần Thánh hay là gì ấy lắm. Vì thế mà tôi cứ đinh ninh rằng cuộc đời này thật là đáng chán.

Tính tình cứng cỏi háo thắng cũng có cái hay, bởi nếu không có tính này thì không làm được những chuyện khó. Cũng có người tính tình mềm mỏng, mềm oặt đến nỗi chẳng biết đó là người hay là con hải sâm, có khi lại không hay, vì sẽ bị người cứng cỏi chèn ép.

Đàn bà háo thắng nhưng biết giấu kín cái tính khí cứng cỏi ấy trong lòng thì không sao, còn như tôi cứ để lộ hết tình cảm ra ngoài mặt mà chẳng chịu thua ai, thì có lẽ là dữ dằn lắm.

Đàn ông gặp phải người vợ như thế, có lẽ nhiều người thấy chán lắm cũng nên. Thế nhưng lúc ấy tôi chẳng có tâm trí đâu để suy xét lại bản thân mình, cũng chẳng biết chồng nghĩ gì về mình.

Hễ chồng lộ vẻ khó chịu là tôi chỉ thấy bực mình, chồng mới cằn nhằn một câu tôi đã đùng đùng nổi giận, tuy không cãi lại nhưng vùng vằng không nói một lời, bỏ cả ăn, giận cá chém thớt lên cả lũ người ăn người làm, nằm lì cả ngày thì không chỉ mới một hay hai lần.

Vốn mau nước mắt nên tuy có vẻ ương ngạnh cứng cỏi là vậy nhưng thực ra là tôi đã khóc vùi trong chăn, vì uất ức, những giọt nước mắt tức tưởi cứ trào ra lai láng không duyên cớ.

Ba năm trước khi tôi mới về làm dâu, buổi ban đầu còn nồng nàn thắm thiết, đôi bên chẳng phiền trách nhau điều gì. Thế nhưng quen hơi bén tiếng là điều tốt đấy mà cũng xấu đấy, bấy giờ là lúc bản tính ích kỷ mới lộ ra, với bao nhiêu là nhữnng ham muốn, để rồi cũng sinh ra muôn vàn bất mãn. Tôi lại đáo để đòi xen cả vào những chuyện ở ngoài đường của chồng, rồi trách móc

  • "Anh ra đường làm gì cũng giấu không chịu kể cho em nghe. Như thế là anh coi thường em !"

Chồng tôi dường như chẳng thèm chấp, chỉ cười đánh trống lảng

  • " Chuyện gì mà anh chẳng kể cho em nghe, làm gì có chuyện coi em như người dưng đâu ".

Nhìn bộ điệu tôi đã biết thừa là có chuyện gì đấy mà chồng giấu không cho mình biết, nên lại càng tức điên lên được.

Một sự sinh vạn sự, hễ đã bắt đầu ngờ vực điều gì rồi thì sẽ thấy mười điều, hai mười điều khác cũng đáng ngờ. Sớm cũng như tối, lúc nào cũng có chuyện để tôi trách móc chồng

  • " Đấy, anh lại nói dối em nữa rồi ".

Cứ thế mà đầu óc tôi rối bời, không còn đủ sáng suốt để suy xét việc gì được nữa. Bây giờ nghĩ lại tôi cũng hiểu ra được rằng nếu chồng có giấu tôi điều gì cũng là chuyện đương nhiên. Đàn bà thường không kín miệng, làm sao chồng có thể kể cho vợ nghe những chuyện ở sở được. Giờ đây tuy biết là chồng cũng đang giấu mình vô số chuyện, thế nhưng lúc này tôi không còn để bụng chuyện ấy nữa.

Hơn nữa chồng không kể cho nghe thế mà lại hay. Dù tôi có khóc lóc hay trách móc, chồng vẫn làm ngơ, cũng là vì tính người cương nghị. Lúc ấy tôi còn trẻ người non dạ, nếu chồng kể cho nghe những chuyện nơi chốn công đình, không biết là tôi đã gây ra chuyện gì không hay rồi.

Ấy là tôi còn chưa biết gì về công việc của chồng, thế mà cho đến nay cũng có khối người đã nhờ những kẻ thường hay ra vào nhà này đem quà cáp linh tinh đến biếu xén, rồi nào phân trần kể khổ, nào kêu sắp tới đây sống hay chết là tùy vào bản án của tòa, nào bên nguyên nào bên bị, những người như thế đến nhờ vả nhiều lắm ạ.

Sở dĩ lâu nay tôi chưa hề nhận giúp một ai, chẳng phải vì nghĩ mình là vợ của quan tòa Yamaguchi Noboru nên phải từ chối để tỏ ra mình quang minh chính đại, mà thực ra chỉ vì vợ chồng đang cãi nhau thì làm sao tôi có thể nói những chuyện ấy với chồng được cơ chứ.

Lúc ấy tôi chỉ nghĩ rằng chẳng thà đừng nói gì, còn hơn là vợ chồng nói chuyện với nhau mà chẳng ra đâu vào đâu, để rồi sẽ phải nghe những câu trả lời chán ngắt. Nhờ thế mà cũng may sao là tôi chưa hề nhận những gì như là hối lộ.

Thế nhưng khoảng cách giữa hai vợ chồng cứ ngày càng xa dần. Những đám mây và sương mù che phủ trên chúng tôi cũng cứ ngày càng dầy đặc và nặng trĩu, khiến cho đôi bên không còn hiểu được lòng nhau nữa. Hồi tưởng lại, tôi thấy tất cả cũng là do tôi mà ra. Cũng tại lòng mình có thế nào, chồng cũng mới thành ra như thế. Bây giờ tôi thấy hối hận lắm.

Lúc trong nhà lục đục nhất, hai vợ chồng cứ như là ông chẳng với bà chuộc. Khi chồng có việc đi ra ngoài, tôi cũng không hỏi đi đâu, mà chồng tôi cũng chẳng nói cho tôi biết là đi đâu nữa. Cho nên trong lúc chồng vắng nhà, dù ai có việc gấp sai người đem thư đến, tôi cũng chẳng buồn mở ra đọc, chỉ đóng dấu chiếu lệ để đuổi người ta đi, rồi hờ hững ném bức thư xuống đấy.

Tiếng là vợ mà cứ như là bù nhìn giữ nhà. Dĩ nhiên là chồng tôi giận lắm, lúc đầu còn trách móc hay la mắng, nhưng tôi vẫn bướng bỉnh, còn đổ tại vì chồng đã giấu không cho mình biết chuyện của chồng. Tôi còn đang hờn giận tức tối đầy vơi, chưa chắc một lời nói nhỏ nhẹ của chồng đã đủ làm tôi mềm lòng nữa là.

Lâu ngày chồng tôi cũng sinh chán. Khi vợ chồng còn lời qua tiếng lại là còn chưa đến nỗi nào, còn nay đã đến lúc đôi bên đều lầm lì chẳng nói chẳng rằng, lúc nào cũng như hầm hè nhau.

Gia đình chúng tôi bấy giờ tiếng là một mái nhà có cái trần với những bức tường bao quanh, mà cứ như là đang nằm ngoài trời, thậm chí mỗi sáng khi thức dậy thấy lạnh lẽo, tưởng chừng như trên người còn ướt đẫm sương đêm. Nghĩ mà tủi thân, chỉ lạ sao nước mắt chảy ra còn chưa đóng lại thành băng.

Suy ra con người ta quả thực là chỉ biết có mình mà chẳng nghĩ đến người khác. Khi vui thì chẳng nhớ điều gì, chỉ khi buồn khổ mới nhớ lại chuyện ngày trước hay nghĩ đến chuyện từ nay trở đi, mơ tưởng toàn những điều hay đẹp sung sướng, và càng nghĩ lại càng thấy chán ghét hiện tại, chỉ muốn thoát ra khỏi cảnh ngộ lúc bấy giờ, muốn cắt đứt mọi ràng buộc, ước sao được tháo cũi sổ lồng để tới một nơi thật đẹp đẽ.

Tôi cũng đã nghĩ như thế, đã đắm mình vào mơ tưởng như thế, đã tự nhủ rằng mình đâu thể sống mãi đến cuối đời với số kiếp vô duyên bạc phận thế này. Nhớ lại trước khi về làm dâu nhà này, tôi là cô tiểu thư dưỡng nữ của giòng họ Komuro, có bao nhiêu là kẻ hầu người hạ, biết bao chỗ đánh tiếng ngỏ lời, trong số ấy có một người rất sang cả là Ushioda, sĩ quan hải quân.

Lại có lúc tưởng đã sắp đến chuyện cưới hỏi với Hosoi, một bác sĩ đẹp trai. Thế mà không hiểu tại sao tôi lại lấy một người lầm lì ít nói như chồng tôi. Chắc hẳn đây là một sự lầm lẫn nhất thời. Chẳng lẽ tôi phải sống cả một cuộc đời vô vị với sự lầm lẫn này mãi hay sao. Tôi cứ nghĩ thế để mà tủi thân, và chỉ thấy oán hận người, chứ không nghĩ ra được điều gì khác.

Có một người vợ cứ nghĩ toàn những chuyện vớ vẩn như thế, bảo sao người chồng, dù có đàng hoàng đến mấy, cũng không còn lòng dạ nào mà yêu thương vợ được nữa.

Hễ chồng đi làm về, ít nhất vợ cũng ra đón, và đó là việc của người vợ. Tôi cũng đã quen nghĩ như thế. Thế nhưng, ra đón mà chẳng buồn nhìn mặt chồng, chẳng vui vẻ cười nói thân mật, mặt mày cứ khinh khỉnh như thách đố : "Nào muốn giận thì cứ giận đi, muốn gì thì cứ việc cho thỏa lòng ", cho nên chồng tôi cũng chẳng chịu nổi mới bỏ nhà đi, và dường như khi nào cũng tìm đến các cô gái buôn hương bán phấn, như là ở những chỗ có treo đèn hoa, hay nơi trà đình tửu điếm.

Thế là tôi lại càng điên tiết lên được. Nói thực ra thì tôi nào biết cách làm cho chồng vui lòng đâu. Chồng về nhà thấy không vui, không còn thiết ở nhà, nên mới bỏ đi. Chính tôi đã làm cho chồng thành kẻ chơi bời phóng đãng, thành ra một người không thích ở nhà mà chỉ thích vui chơi, la cà đó đây.

Tôi cũng biết không phải như loại công tử con nhà giàu được đám nghệ nhân tâng bốc rồi sa đà mê mải, mà thực ra tự đáy lòng chồng tôi cũng chẳng thấy vui gì, chỉ là cố nén giận mà đi uống rượu giải khuây, chẳng phải là vui say gì, lúc nào sắc mặt cũng nhợt nhạt với những đường gân xanh nổi gồ trên trán.

Chồng tôi sinh ra nói năng cộc cằn cay đắng, hay quát mắng bọn người ăn người làm những chuyện chẳng đáng gì cả, ánh mắt nhìn chỉ như vụt lướt qua mặt tôi mà thôi. Tuy chẳng mấy khi chồng tôi lên tiếng cằn nhằn, nhưng vẻ mặt khó đăm đăm lúc ấy chẳng có được một chút nào những nét hiền hòa như bây giờ.

Thật là khủng khiếp, dễ sợ, đó là một khuôn mặt thù hận; và bên cạnh đó là tôi, lúc nào cũng chực nổi cáu. Vì thế mà đám gia nhân đầy tớ cũng không chịu nổi, cứ mỗi tháng tôi lại phải thay đến hai cô giúp việc, mà mỗi lần như thế trong nhà đều có mất mát, đồ đạc đồ vỡ hư hao cũng nhiều. Tôi tự hỏi:

  • Sao ở đâu mà lắm người bạc bẽo đến thế. Trên đời này toàn là những người bạc bẽo như thế hay sao? Hay là mọi người ai nấy quanh tôi đều trở thành bạc bẽo để giầy vò làm khổ tôi.

Nhìn quanh, chẳng thấy ai có thể cho tôi nương tựa nhờ cậy. Những chuyện chẳng vui gì ấy khiến tôi coi như đời mình đã bỏ đi, chẳng còn muốn giữ thiện cảm với ai nữa. Hễ bạn đồng liêu của chồng tới nhà, nếu chồng không dặn dò trước thì tôi cũng chẳng buồn dọn cái gì ra đãi khách, còn kêu nào đau rằng nào nhức đầu, chỉ cho con ở ra mời khách vào phòng.

Rồi muốn gì thì làm nấy chẳng cần biết nhà có khách hay không, chồng có gọi cũng chẳng buồn thưa. Không biết thiên hạ trông vào nghĩ thế nào. Có lẽ họ đã xì xầm rằng Yamaguchi nhà ta vô phúc rước phải sư tử Hà Đông về rồi cũng nên.


Lúc bấy giờ mà chồng tôi chỉ cần nói một tiếng "Li dị", có lẽ rồi tôi cũng đã đồng ý ngay mà chẳng buồn nghĩ ngợi, chẳng nghĩ gì đến cái sai trái của mình, chỉ những than thở cho số kiếp hẩm hiu buồn tủi, và có lẽ tôi đã nghĩ liều rằng

  • "Nếu trời đã định cho tôi số kiếp phải như vậy thì thôi sao cũng được, xin ngài muốn làm gì tôi thì cứ việc, còn tôi thì tôi cũng sẽ thích gì làm nấy, số phần đã hẩm hiu thì cho hẩm hiu thêm nữa cũng chẳng sao. Cho dù đời tôi có tệ hơn nữa thì tôi cũng đành chấp nhận."

Không biết nếu thế thì bây giờ tôi đã ra sao rồi nhỉ ? Chỉ nghĩ thế, tôi đã thấy rùng mình kinh hãi.

Thật là may mà chồng tôi không dứt khoát đem chuyện ly hôn ra bàn, đã để yên cho tôi cứ như thế. Không chừng đó là vì chồng tôi ghét tôi quá nên không dễ gì mà đã chịu li dị, muốn giam hãm để làm khổ tôi, không cho tôi được tháo cũi sổ lồng. Tôi cũng không biết thực hư ra sao nữa.

Thế nhưng bây giờ tôi chẳng còn oán hận, trách móc chồng điều gì cả. Nhờ đã nếm mùi đau khổ ấy rồi mà giờ đây tôi mới có được những ngày vui, nay tôi mới thành người biết điều, đã hiểu ra được đôi chút, có lẽ cũng là nhờ "Có phải mới trải" chăng ?

Nghĩ vậy rồi tôi thấy chẳng có ai đáng gọi là thù địch với mình. Có thể nói, cho dù là con sen Haya nhanh nhẩu đoảng mà hay bới móc những thói hư tật xấu của tôi đem đi rêu rao khắp làng trên xóm dưới, cho đến cái Gatsu giữ việc thổi cơm chỉ nỏ mồm cãi mà vô tích sự, tất cả đều là ân nhân của tôi.

Cũng nhờ họ mà bây giờ tôi được tiếng -cho dù không đúng chăng nữa - là không có bà chủ nào khéo dùng người đã nuôi được toàn những cô giúp việc giỏi như thế. Tôi đã hiểu ra rằng, họ nghỉ việc không làm cho tôi nữa chính là để cho tôi phải biết nghĩ lại mà nhận ra cái sai của mình.

Tôi nghĩ trên đời này chẳng có ai gian ác chuyên làm khổ người khác, và Trời cũng chẳng bắt người nào suốt đời không làm điều gì độc ác mà phải gặp điều bất hạnh đâu. Là vì một kẻ suy nghĩ lầm lạc, chẳng có được một cái gì hay ho như tôi, thật sự chỉ là không xấu bụng cố ý phạm tội, mà đã được trời ban cho một đứa bé kháu khỉnh xinh đẹp như thế này.

Khi sinh đứa con này tôi còn như đang bị bao phủ trong màn sương. Màn sương ấy cũng không dễ gì đã tan ngay sau khi sinh con. Thế nhưng từ khi con cất tiếng khóc chào đời, không định mà tôi đã thấm dần vào người cái gọi là thương yêu trìu mến. Tôi cũng cứng đầu cứng cổ hay cãi bướng thật đấy, nhưng nếu có ai toan bế đứa con này đi mất, tôi sẽ hết bướng ngay tức khắc, sẽ xà tới không cho ai đụng vào đứa con này, sẽ ôm chặt lấy con mà rằng nó là của tôi.

Chính đứa con này đã giúp tôi biết được rằng chồng tôi cũng một lòng một dạ như tôi mà thôi. Tôi thường ôm con trong tay mà nhủ rằng:

  • -Con không phải là con của ba mà là con của mẹ, dù đi đâu mẹ cũng đem con theo, không bao giờ mẹ bỏ con lại đâu. Con là con của mẹ.

Rồi tôi hôn lên má con. Tức thì con tôi nhoẻn miệng cười thật đáng yêu khiến tôi đã quả quyết rằng nó không thể nào là con của một người độc ác như chồng tôi, mà là của mỗi mình tôi thôi.

Thế rồi, chồng tôi đi làm về, ngồi bên cạnh gối con với vẻ mặt khó đăm đăm, tay vụng về cầm chiếc chong chóng lên chìa cho con xem, hay lắc cái lúc lắc kêu thành tiếng cho con nghe, rồi bất giác buột miệng nói:

  • -Trong nhà này chỉ có mỗi mình con là làm ba vui lòng.

Chồng tôi lại vừa cọ cái mặt đầy râu ria vào mặt con vừa lo lắng nhìn con hỏi:

  • -Con có khóc không, có sợ ba không ?

Tức thì con tôi cũng lại nhoẻn miệng cười thật tươi mà nhìn cha nó với nét mặt y hệt như khi nó nhìn tôi.

Có lúc chồng tôi vừa xoa cầm vừa hỏi tôi:

  • -Mình thấy con dễ thương không ?

Tôi vừa nguýt vừa đáp lại:

  • -Dĩ nhiên rồi.

Tức thì, khác hẳn với mọi ngày, chồng tôi bỗng nói đùa:

  • - Mình cũng dễ thương đấy chứ.

Rồi cất tiếng cười thật to.

Gương mặt của chồng tôi lúc ấy và khuôn mặt của con tôi sao mà giống nhau đến thế, đến nỗi tôi phải nghĩ rằng "Quả là cùng máu mủ ruột thịt với nhau có khác." Mà tôi thương đứa con này lắm, làm sao tôi có thể oán ghét chồng tôi mãi được ?

Miễn là tôi làm sao cho yên nhà yên cửa, thì rồi chồng cũng sẽ để cho nhà yên cửa đẹp. Tục ngữ có câu " Theo đứa bé lên ba mà lội qua chỗ cạn". Quả thực đứa con chưa biết nói năng gì đã dậy cho tôi một bài học để đời.


Nguyên tác "Kono Ko" của Higuchi Ichiyo
Người dịch: DTTM Quỳnh Chi

No comments:

Post a Comment