Video: Vũ
Khanh (Asia) - Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời...người ơi.
http://www.youtube.com/watch?v=G7Byyu8gPCY
“Đôi dòng về tác giả: sanh năm 1943 tại
Cânthơ- BS thú y, giảng dạy tại Đại Hoc Cânthơ trước 75-Cùng gia đình vượt biên
năm 1980. Học lại và làm việc cho cơ quan Canadian Food Inspection Agency từ
1985 đến ngày hưu trí năm 2008. Bài đầu tiên VVNM, Đất lành chim đậu được chấm
giải Vinh Danh Tác giả năm 2007-Hiện định cư tại Montreal Canada.
Xin
nói rõ thêm:tác giả học chương trình Pháp Lycée Jean jacques Rousseau (cựu Chasseloup Laubat –Saigon)-Tiếng Việt tự
học ở nhà và nhờ ham đọc nhựt trình, mục từ Saigon đến lục tỉnh, và xe cán chó-
trong Thần Chung, Tiếng Chuông, Saigon Mới…vv nên viết “quọt quẹt được tiếng mẹ
dẻ” như ngày nay.
Đây chỉ là một
bài quan sát và phiếm, đọc chơi cho vui mà thôi…chớ không phải một bài nghiên
cứu thâm sâu về văn chương ngôn ngữ học Việt Nam…NTC
Tiếng Việt mình rất phong phú và rất đa dạng. Một
tiếng hay một câu nào đó cũng có thể hiểu theo nhiều nghĩa theo nhiều cách khác
nhau. Ngoài ra, còn tùy theo địa phương nào thí dụ như Bắc hay Trung hoặc Nam,
và cũng tùy vào cách nói hay lúc nói
hoặc giới nào nói nữa, vân vân.
Nào là nói để hiểu theo nghĩa trắng, nghĩa đen; nào là
tiếng lóng, nói theo kiểu mật khẩu cho riêng một vài người hiểu mà thôi...
Đôi khi còn nói lái nữa, chẳng hạn như, khi gặp nhau
nếu có ai hỏi thăm thì mình nói mình cũng “nguyễn y vân” (vẫn y nguyên) hay “vũ như cẫn” (vẫn như cũ) hoặc Tết nhứt
thì chúc nhau “mạnh sự lòi” (mọi sự lành).
Một số chữ hoặc một số tên như Thu, Lan, Đức, Paul,
Cự, Bắc, Đại, Mao, Đức, Đại, Dủ, Cao, Hai, Hải, Thái, Lài, Môn, Tôn, Tốt, Tu,
Tú, Công, v.v…chỉ cần thêm phía sau một hai chữ khác là cái tên cao quý đẹp đẽ
ban đầu kia sẽ bị lái lại biến thành tục tĩu hết biết luôn!
Ngoài ra tiếng Việt nếu là tiếng đứng
đầu của tên ANDI thì sẻ tốt vô cùng vì nó tượng trưng cho manger, dormir, faire
l’amour, và đi WC. ..Bốn món đó mà hạnh thông thì
tốt vô cùng…
Nói lái là sở
trường của dân miền Nam. Càng trẻ thì càng tếu, thì nói lái càng dữ. Đàn ông
con trai thường ưa nói lái hơn đàn bà con gái. Nói lái càng tục chừng nào thì
càng…đã cái miệng chừng nấy! Khả năng nói lái chịu ảnh hưởng rất nhiều của giáo
dục gia đình, của tôn giáo, của môi trường sống, và cũng tùy thuộc một phần vào
cá tánh của mỗi người nữa.
Dường như não
của con người có khả năng chọn lọc (sélectif)
những gì nó muốn hiểu thì hiểu, những gì nó muốn biết thì biết và những gì nó
muốn nhớ thì nhớ mà thôi, còn những gì nó không cần biết đến, thì nó lờ đi quên
đi. Bởi vậy, trong cuộc sống hằng ngày thường xảy ra lắm chuyện ngộ nhận, hiểu
lầm, có khi cười ra nước mắt... Ông nói gà, bà hiểu vịt, là chuyện có thể xảy
ra, đây chưa kể trường hợp bà nói thế để thử lòng hay để gài bẫy ông, nếu mình
mà trả lời lạng quạng là có chuyện đó!
Nói vậy mà không
phải vậy, nội cái chữ ăn không thôi
mà đôi khi cũng là đầu mối của nhiều thứ rắc rối trong cuộc đời, ăn đôi khi cũng không phải là ăn.
Ăn để sống, chớ không phải sống để ăn, đây là câu
thường được các nhà đạo đức thiệt cũng như đạo đức giả phán ra để dạy đời thiên
hạ. Trâu bò, chó mèo, gà vịt chim chóc gì cũng đều phải ăn cả. Ăn thức ăn gì?
Người và heo ăn đủ thứ, ăn cái gì cũng được hay là còn gọi là loài ăn tạp (omnivorous).
Ở VN ngày nay, con gì nhúc nhích thì người ta cũng ăn được hết kể cả con kiến, con dế, bò cạp, cào cào, châu chấu, chuột, rắn, v.v… Chó
mèo hùm beo là loài ăn thịt (carnivorous), còn trâu bò dê cừu là loài ăn
cỏ (herbivorous). Ăn không no được gọi là ăn đói, còn ngược lại là ăn no.
Ăn cũng biến thái theo thời gian và không gian.Thời ăn lông ở lỗ, người ta ăn những loại thức ăn ít cầu kỳ hơn ngày nay, và cách biến chế ra các món ăn cũng khác hơn và đơn giản hơn.
Đồ ăn mỗi nước mỗi khác. Cách nấu món
ăn mỗi nhà cũng mỗi khác, và ít có bà nào chịu tiết lộ thật tình bửu bối làm món ăn của mình cho các bà khác
biết, vậy có hỏi nhau cũng vô ích mà thôi, vì có ai nói thiệt đâu mà ham!
Ngày nay nhà
hàng thức ăn nhanh (fast food) như McDo lan rộng khắp thế
giới, nhưng cũng có nơi chẳng hạn như bên Ý thì có phong trào cổ suý loại thức ăn chậm (slow food). Phương châm của họ
là: “Ê! Hãy chậm chậm lại nào”.
Đối với Tây Phương, họ kêu gọi mọi người nên trở về nguồn với những món ăn chế biến từ những nguyên vật liệu
nuôi trồng theo lối thiên nhiên, nghĩa là không có trụ sinh và hóa chất nào
cả...Họ hô hào mọi người hãy tẩy chay thức ăn nhanh, vì chúng chỉ là sản phẩm của kỹ nghệ mà thôi và còn
bình phẩm đại khái là fast food đã tước mất cái gu, cái tính chất riêng biệt của mỗi cá nhân chúng ta (?).
Bình thường thì có ba bữa ăn
chính trong ngày, ăn sáng còn
gọi là ăn điểm tâm hay ăn lót lòng hay ăn lót dạ, kế đến là ăn trưa
và chót là ăn chiều. Có người còn
chơi luôn một bữa ăn tối, ăn khuya nữa! Cuối tuần mình muốn đổi
gu, thì đi ăn cơm Tây, ăn cơm Tàu, ăn Đỉm Sấm, còn làm
biếng ở nhà thì ăn mì gói, ăn cơm tay cầm (nghĩa là cầm ổ bánh mì để ăn) hoặc có gì ăn nấy.
Ăn ngon hay ăn dở cũng tùy thuộc
vào nhiều yếu tố như: thức ăn ngon, lúc ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon và phải có người bạn tri kỷ cùng ăn mới ngon. Đói bụng thì ăn
cái gì cũng ngon hết. Thỉnh thoảng, mình nổi hứng đi ăn cơm tiệm lạ miệng cũng thấy thích hơn là ăn cơm nhà hoài. Có cha còn bảnh hơn, ăn cơm nhà hoài ngán quá,
lại tìm đủ cách để đi…ăn phở (ý nói là đi ăn
vụng mèo mỡ), bị bà nhà ra chiêu trước bắt buộc phải ăn cho đủ ba chén cơm nhà rồi mới thả
ra cho đi ăn phở, thế thì kẹt quá xá vì còn bụng dạ gì đâu mà tính tới
chuyện đớp phở nữa... Còn nếu bạn có ăn phở (thứ thiệt) thì sau khi đã xơi gần
xong, hãy thử bỏ thêm chút cơm nguội (đã để trong tủ lạnh một ngày) và tiếp tục
ăn tiếp xem sau, vì có nhiều người
rất thích ăn kiểu nầy.
Các thầy trong chùa có khi chỉ ăn ngọ hay ăn trưa mà thôi. Các nhà sư Thái Lan thuộc tiểu thừa, mỗi sáng phải ôm bình bát đi khất thực (đi xin ăn), đồ ăn mặn, đồ ăn chay hay ăn lạt các thầy đều hoan hỷ nhận hết... Ở trong chùa, sau lễ Phật thì cúng vong, mình ở lại ăn cơm chùa, khỏi phải trả đồng xu cắc bạc nào cả, nhưng mà cũng nên bỏ chút đỉnh tiền công đức tùy hỷ vào thùng cúng dường để chùa khỏi bị khánh tận sạt nghiệp khiến các thầy bị mất jobs hết!
Có người ăn bằng đũa, có người ăn bằng muỗng nĩa, nhưng cũng có người chỉ bóc thức ăn bằng tay như người Ấn Độ vậy. Hình như họ chỉ sử dụng có
tay mặt để bốc đồ ăn mà thôi, còn
tay trái thì dành để rửa hay để chùi đ…
Có người ăn lấy ăn để vì đói và cũng có người ăn no rồi mà vẫn phải ăn nữa để cho người khác được vui lòng. Có người ăn vì xã giao, rồi cũng còn có người ăn bằng con mắt, thí dụ như khi đọc được một quyển sách hay, người ta còn gọi đó là món ăn tinh-thần!
Về cá tánh, có người thì ba hoa chích chòe hay nổ dữ
lắm. Có người thì ba xạo, cương ẩu hết biết, ăn to nói lớn, bạo ăn bạo nói, không
ngán sợ, không nể nang ai hết!
Lại có người bị ăn loi, ăn dao, ăn búa vì cà chớn quá hay đi giựt đào, hay đi gù vợ người khác! Còn
có người hay ăn lạp xạp tối ngày để
cho bớt sự buồn chán…
Con nít đẻ ra, tháng đầu tiên thì ăn đầy tháng, được tròn 12 tháng thì ăn thôi nôi, bắt cục sôi hay cây viết thì biết sau nầy nó sẽ làm
nghề gì (không chắc lắm!), cùng lắm thì cũng được ăn queo phe (tiền trợ cấp
xã hội) nếu sống tại Âu Mỹ. Thời buổi văn minh, mỗi năm trẻ em đều được ăn lễ sinh nhật của mình, lãnh ca-đô cả đống, nghĩ lại tủi thân phận mình vì hồi nhỏ tui có bao
giờ được ăn sinh nhật của tui lần
nào đâu, chỉ có đi ăn đám giỗ, ăn đám ma hay ăn đám cưới của người
khác không hà!
Theo phong tục Việt Nam, mỗi năm đều có nhiều ngày lễ cho người sống
và cho cả người chết, thường thì những ngày lễ kỷ niệm nầy là những dịp để cùng
nhau ăn nhậu cho thỏa thích. Truyền
thống nầy rất hay, cũng là dịp mà anh chị em, bà con, họ hàng, bạn bè gặp nhau
một năm một lần để tâng bốc, tâm sự và có khi cũng để tuôn trút ra những chuyện
gia đình luôn thể!
Mua nhà mới thì phải ăn khao,
ăn mừng làm tiệc ăn tân gia cho nó le, trước để nhận quà
sau là để khoe của với người ta cho nó xôm tụ. Sau đó, thì hai vợ chồng phải
méo mặt ngày đêm ra sức kéo cày sạt gạch trong cả chục năm mới đủ tiền trả nợ
thế chấp mọt-ghê (mortgage)!
Theo văn chương Cầu Muối, thì ăn
được xếp hàng đầu trong tứ khoái: đó là
ăn, ngủ, ậy và ể…đây phải nói rõ
là chỉ chuyện đớp hít ăn ngon, ăn sướng, ăn cho đã miệng
mà thôi.
Nhưng tuy nói vậy chớ bốn cái tứ khoái nầy đều quan trọng như nhau
và còn có thể thay đổi thứ tự tùy theo hoàn cảnh, theo tuổi tác và theo sức
khỏe của mỗi người nữa...
Hồi còn trẻ, thì tứ khoái rất mạnh, càng về già nó càng giảm đi lần
lần để rồi tịt ngòi luôn. Bốn cái đó có hạnh thông thì mới sống được, chớ nếu
có một cái bị trục trặc là có chuyện đó!
Các nhà đạo đức thiệt cũng như đạo đức giả, các nhà ba phải và các
tôn giáo lớn thường hay khuyên con người cần phải kềm chế ăn, ngủ và ậy. Còn lại món ể thì họ tha cho, không dám đá động gì đến nó hết vì đây là luật
tạo hóa có vô thì phải có ra...
Đối với các nhà sư Phật Giáo và các linh mục Công Giáo, nếu tu hành
thật sự chính chắn thì họ cần phải giữ giới, không có quyền nghĩ tới cái vụ
kia, phải cố gắng diệt dục để mau được đắc quả lên Thiên Đàng hay Niết Bàn gì
đó. Mấy năm trước, có một độc giả VietNam Daily ở San José đã cho tác giả biết
trong mục phản hồi về bài 1001 Chuyện Ăn, là bên Mẽo tên ANDY (ăn, ngủ, đ., i.) cũng rất là phổ
biến, thế là quá tốt quá sướng rồi còn đòi hỏi gì nữa.
Ai cũng phải ăn hết, con nít đẻ ra 6-7 tháng, răng cỏ vừa
chốm nhú ra là bắt đầu ăn rồi. Bạ gì ăn nấy. Nếu cháu thình lình yếu ăn thì chắc là bị bệnh hoạn gì đó...
Con người ta ăn suốt cuộc đời, đến già răng cỏ rụng
hết, trồng hay gắn răng giả vô ăn tiếp.
Đến khi ăn không nổi, hết muốn ăn nữa, nuốt không vô, thì con
cháu chở tía vô giao cho nhà thương lo. Người ta đút ống vô bao tử để bôm thức ăn, đút ống vô lỗ mũi cho tía thở,
đút ống vô chim cho tía đé, nhét vaseline
vào lỗ hỏa tiển.. cho trơn để tía ể cho dễ. Người tía toàn là dây nhợ và ống
không hà, thấy tội lắm, tía càng ngày càng ốm nhom ốm nhách chỉ còn da bọc
xương như bộ xương cách trí mà thôi. Ngày nầy qua ngày nọ, tía nằm đó thoi
thóp, ngáp ngáp mà hồn tía ở tận đâu đâu. Tía ơi, ngoài kia vòng tử sinh Samsara đang chờ đón tía đó!
Ngày xửa, ngày xưa, có một thi sĩ bất cần đời, đã nói:
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhấp,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.”
Sống kiểu nầy sao giống như đi vacation
vậy cà. Nhưng đây là sống theo kiểu thiền, sống nhàn hạ, sống gần gũi với thiên
nhiên, quả thật là hạnh phúc quá xá rồi, ganh đua làm chi cho khổ tâm, cho nhọc
xác vân vân, nhưng ngày nay thử hỏi có mấy ai thực hiện được cái lối sống lành
mạnh như thế đâu!
Mỗi lần có họp hành gì, thì có người ăn nói rất là hay, giỏi chỉ trích, giỏi nói hơn giỏi làm, chắc là
hội viên của tổ chức NATO (no action talk only) quá...
Họ thuộc vào hàng giám đốc (coi chừng đốc xúi người khác) hết chớ chẳng phải
chơi đâu!
Hồi còn nhỏ mình thích chơi nhà chòi, nấu cơm ăn giả. Cũng có vài trò chơi mình chơi ăn thiệt, như đánh bài, đánh cờ chẳng hạn. Ăn thua không quan trọng, miễn sao được vui là đủ rồi. Có khi cũng
chơi ăn gian, gây lộn, ăn thua đủ với nhau rồi cũng huề cả
làng mà thôi.
Ăn nhằm gì ba cái lẻ tẻ đó!
Có nhà có cửa vẫn hơn là ăn
bờ ngủ bụi, ăn nhờ ở đậu, ăn dầm nằm dề nhà người khác để bị chủ
nhà có khi bực mình chửi là thứ đồ ăn
bòn, thứ đồ ăn hại...
Còn kẻ ăn người ở trong
nhà, được chủ giao cho đi chợ, thì có khi cũng ăn lời, kiếm chút đỉnh anh
hai $$ để ăn quà, ăn vặt…
Đi ăn cưới, thì lúc nào
cũng bắt đầu bằng mấy món ăn chơi, sau đó rồi mới tới mấy món ăn thiệt, sao không thấy mấy món ăn giả đâu hết. Nhưng ngược lại, thì
là những lời đẩy đưa giả dối đầu môi chót lưỡi không thiếu gì.
Lúc ăn, thì có người ăn nói tía lia,
gắp xỉa lung tung lia lịa như ở nhà vậy. Cũng có người ăn nói rất bạt mạng, bạo gan, nổ dữ lắm để bắt le, hay châm biếm,
xỏ ngọt, ăn ốc nói mò, ăn có nói không, chê bai người nầy,
kích bác người khác, móc lò người nọ, khoe mình, khoe của, khoe con, hình như
chỉ có một mình họ là ngon lành, là chân lý còn tất cả người khác là đồ bỏ, là
cỏ rác hết mà thôi… Người cùng bàn, nếu yếu bóng vía, thì sân si sẽ sôi lên
sùng sục, ăn hết ngon. Có người thì
chẳng chịu thua chịu lép một ai, ăn thua
đủ hay ăn miếng trả miếng khiến
không khí trên bàn tiệc trở nên căng thẳng quá xá quà xa, ăn chẳng còn thấy ngon nữa.
Có người thì chỉ nói úp úp mở mở hay là nói nửa chừng, ai muốn hiểu
sao cũng được bởi vậy mới có câu: “Người
khôn ăn nói nửa chừng để cho người
dại nửa mừng nửa lo”.
Khôn điệu nầy chắc phải nói là khôn mánh hay khôn liền…
Ông già bà cả thường hay nói, ăn coi nồi ngồi coi hướng, không được ăn lấy ăn để, đó là muốn dạy chúng ta khi ngồi vào bàn ăn, phải đàng hoàng dòm trước ngó sau cho đúng phong cách của người lịch sự, biết kính trên, nhường dưới... Miếng ăn là miếng tồi tàn, ý muốn nói cũng đừng vì một miếng ăn mà phải bán rẻ nhân phẩm của mình.
Trong nhiều gia đình cũng vì giành
ăn mà anh chị em phải xích mích nhau, kiểu chị ăn cá em mút xương, chị ăn kẹo em mút cây, v.v…xảy ra
không thiếu gì, có khi máu sân si nổi lên dám nói lẫy là: nè, lấy đi, ăn dọng gì ăn đi! Lại có gia đình thì đời cha ăn mặn đời con khát nước, thì cũng đúng với quy luật thường tình của tạo hóa mà thôi, giống như là
câu giận cá chém thớt hay cha làm thì con chịu vậy!.
Nhà ăn tập thể là nơi công nhân xí nghiệp vào đó để dùng bữa. Ham ăn hốt uống là chỉ những hạng người du thủ du thực chỉ biết có ăn mà thôi, ngoài ra các thứ khác
đều không quan trọng. Ăn cỗ thì đi trước
còn lội nước thì đi sau, khôn thấy mẹ!
Có người ăn ở bất nhơn thất
đức, nhưng ngược lại cũng có người ăn
hành ở liền (ăn hiền ở lành)…
Làm ăn hùn hạp chung với nhau thì làm sao ăn cho đồng chia cho đủ để tránh gây gổ xung đột với nhau.
Ở thôn quê, người ta ăn nói
hết sức mộc mạc như ăn dằn bụng ba hột
cơm rồi hãy ra đồng mần việc!
Còn mấy bà già trầu thì hay rủa mấy cậu thanh niên...“bộ tụi bây ăn phải đồ
dơ của ai hay sao mà tụi bây ngu quá vậy hả? ”... Hèn chi, đời mới có
lắm kẻ ngu như thế nầy! Nói vậy, thì đàn ông con trai Tây Mẽo và Việt Nam ở
thời đại văn minh bi giờ đều ngu hết hay sao vậy cà?
Ngày nay, càng ngày càng có nhiều giới trẻ, thường từ bỏ nông thôn
ruộng vườn vừa cực nhọc mà lại cũng vừa lâu ăn huê lợi được, hoặc không có công
ăn việc làm vững chắc, họ mu lên
thành thị để sống khỏe hơn, dễ kiếm việc làm hơn. Có khi họ làm ăn công, làm gì cũng được, có làm có ăn, có ít ăn ít có nhiều ăn
nhiều, mà lại mỗi đêm còn có em
út bia ôm, cà phê ôm, karaoké ôm nầy
ôm nọ, cho đời thêm hương chẳng thua gì các đại gia, thấy cũng phê, sướng
lắm...
Có đói bụng thì ăn lai rai
vài cái bánh tráng mè dằn bụng cho chắc
ăn, chờ cơm chín rồi mới ngồi vô bàn.
Sau những ngày mần việc mệt nhọc, cuối tuần bọn nình ông hay tụ họp
ăn nhậu với nhau, nhưng họ hổng thích có nình bà con nít xía vô ăn vã phá mồi.
Ở đâu cũng vậy, có làm mới có
ăn.
Tại các xứ Tây xứ Mẽo, đi làm thêm ngoài giờ quy định thì được ăn tiền phụ trội, tiền súp (supplémentaire), hay tiền ô quờ thêm (overtime), một
giờ tính bằng một giờ rưỡi hoặc bằng hai giờ... Khi bị mất việc thì được ăn tiền thất nghiệp, về hưu thì ăn tiền hưu trí, đến lúc già thì ăn tiền già, không có việc làm thì mình có quyền ăn tiền xã hội... Nếu bạn là công chức, nếu lỡ chết thình
lình, thì bà xã được ăn tiền tử (death benefit), rồi còn ăn tiền bảo hiểm nhân thọ nữa cũng đủ
để vợ con trang trải chi phí tang lễ hay hỏa táng, bạn khỏi phải lo lắng thắc
mắc làm chi, cứ yên tâm nhắm mắt mà...đi đi để người ta còn có thì giờ tái giá!
Trên bàn ăn, nên ăn miếng nhỏ, ăn nhỏ nhẹ, ăn xong rồi hãy nói, có xỉa răng thì che cái miệng để khỏi văng tùm lum làm mất thẩm mỹ thấy ghê quá chừng!
Đi ăn buffet, nên lấy vừa đủ ăn, chớ đừng ăn cho nó lỗ chỉ làm khổ cho cái bụng mình!
Ăn hết thì đi lấy nữa, lấy một
lần nhiều quá ăn không hết bỏ tội
chết đi!
Ở xứ mình, thời nào cũng có tệ nạn con ông cháu cha cocc,
ăn hối lộ, lớn ăn theo lớn, nhỏ ăn theo nhỏ…
Trước 75 cũng như bây giờ, có những tai to mặt lớn thường làm thứ gì
là ăn thứ đó, còn được gọi là hạm,
thí dụ như là hạm ăn tiền viện trợ, hạm ăn phân bón, ăn thuốc
trừ sâu, ăn xi măng, ăn thiếc, ăn sắt, vân vân.
Làm việc gì cũng bị bọn
họ ăn bòn, ăn bớt, ăn hớt khiến
dân tình thấp cổ bé miệng rất ư là khốn khổ.
Ngày xưa cũng như ngày nay, tệ nạn phong bì, tệ nạn ăn hối lộ, ăn đút, ăn chẹt, ăn lót, v.v…quá ư là phổ biến, muốn được việc thì phải biết đút lót cho họ
ăn chút đỉnh, đúng nghĩa kẻ cơm
người cháo chớ có gì là lạ đâu. Ngoài ra, còn có nạn bè phái, ăn chặn của công, ăn tiền mãi lộ, ăn rút
tiền viện trợ hay tiền cứu trợ…là chuyện rất phổ biến trong cái xã hội xô bồ
như chuyện ăn cơm bữa vậy.
Có người còn ví tiền là Tiên là Phật, là huyết mạch trong đời sống.
Có tiền là có thể thay đen thành trắng. Vung cho họ ăn tiền thì chuyện xấu hôm qua trở thành chuyện tốt hôm nay cũng
như chuyện chuyển bại thành thắng hay chuyển thù nghịch thành bồ nhà mấy hồi!
Ăn là một tệ-nạn hệ thống hóa từ trên
xuống dưới. Thực là ngồi mát ăn bát vàng, khỏe ru bà rù!
Mấy năm gần đây, trong nước cũng như ở hải ngoại đã bộc phát ra dịch
quyên góp tiền từ thiện một cách ồ ạt “vô
tư” lạ thường. Phải chăng cái dịch vụ kinh doanh từ thiện (charity business) nầy là một lối kiếm ăn mới mẻ đầy tính tâm lý sáng tạo?
Thiệt giả vàng thau cứ lẫn lộn. Ai muốn làm thì cứ làm, ai thấy mình
cần phải cho thì cứ việc cho, không ai ép buộc ai hết, tùy hỷ mà...
Ai cũng có thể ăn cánh
được hết, họ hợp thành phe cánh ăn chia
với nhau để kiếm lợi. Ai cũng có thể nhân danh từ thiện nhảy ra làm ăn được hết. Họ khai thác triệt để
lòng hảo tâm hay lòng từ tâm của Việt kiều tị nạn ở hải ngoại, nhất là làm cho
họ có mặc cảm tội lỗi, lương tâm cắn rứt nếu hổng chịu giúp chút đỉnh cho đồng
bào khốn khổ lầm than bên nhà. Mạnh ai nấy quyên nấy góp…Vui lắm, vừa xem văn
nghệ, vừa ăn nhậu đớp hít lại vừa
nhảy nhót mà hổng tới một bò...“Trước mua vui sau làm nghĩa” hay “Miếng khi đói
bằng gói khi no” hoặc “Của tuy tơ tóc nghĩa so ngàn trùng”, v.v.
Ai dám nói dân tị nạn mình không giàu lòng nhân ái đâu?
Chuyện tranh ăn đôi lúc
cũng không thể tránh khỏi.
Ăn không được thì phá cho hôi, cho bỏ ghét, chẳng khác gì trâu cột ghét trâu ăn. Phe nầy tổ chức
thì phe kia cũng bắt chước làm theo. Ai cũng giành độc quyền thương người tàn
tật khốn khổ bên nhà. Đúng với câu “thương người như thể thương thân”...
Nhưng ở đời, hễ dính tới tiền bạc thì rắc rối lắm, dễ bị thiên hạ
nghi kỵ nầy nọ. Chuyện nói xấu hay chụp mũ qua lại cũng thỉnh thoảng khó tránh
khỏi.
Lâu lâu, cũng có xì ra một vài vụ gạt gẫm hoặc làm ăn lem nhem, nhưng mà rồi những người có lòng nhân ái thật sự,
đều lại nghĩ đại khái là: “thây kệ, có ít còn hơn không” hay “người ta ăn thì còn, mình ăn thì mất”
hoặc “gieo nhân nào gặt quả nấy” cũng như “ai làm bậy tội ráng chịu” đúng theo
tinh thần của Thiên Chúa Giáo hay Phật Giáo, nghĩa là làm phước thì sẽ gặp
phước, làm lành ất sẽ gặp lành, vân vân nên rồi đâu cũng lại vào đó mà thôi!
Trong nước, thì vợ công nhân viên biên-chế (bên nầy Tây Mẽo gọi là permanent) thì ăn theo chồng.
Những kẻ ăn trên ngồi trước lúc
nào cũng hưởng nhiều quyền lợi và bổng lộc vì biết nguyên tắc ăn chia cho cấp trên cấp dưới, vui vẻ
cả làng!
Cũng có một hạng người háo danh, ăn cơm nhà đi lo chuyện bao đồng của thiên hạ, lăng xăng lạch xạch
chạy tới chạy lui cho ra vẻ ta đây... Cũng có người bợ đít, ăn bã mía mong kiếm chút cháo! Hoặc có
người ăn không có mà mắng mỏ nghe hơi
nhiều, cũng là thường tình thôi!
Hoặc có người bị xúi...ăn cứt gà mà phải tấm tắc khen ngon,
vậy mới biết là bã danh lợi nó quyết rũ đến cỡ nào!
Làm chuyện gì thì cũng bị họ đòi ăn tiền trà nước hay ăn tiền
đầu tiền đít hoặc ăn hai đầu,
gọt mình sát ván mà còn nói toàn là ơn với nghĩa không hà!
Lúc đi vượt biên thì bị đòi ăn
toàn cây, mà phải là cây ba số 9
(vàng Kim Thành) mới được. Có khi tiền họ đã lấy đủ nhưng ăn trớt không thèm giúp đỡ, hoặc có khi họ còn bỏ rơi mình ở lại
một cách không kèn không trống nữa. Đúng là quân bất lương, cái đồ ăn cướp!
Sau 75, họ chủ trương chính sách ăn no mặc ấm, ăn chắc mặc
bền trước, rồi sau nầy mới có thể nói đến chính sách ăn ngon mặc đẹp, ăn sung mặc
sướng được! Trong thời buổi khó khăn đó, lo cái ăn cái mặc cũng đã hụt hơi rồi còn sức đâu mà làm những chuyện
gì khác, lại có người bị xuống dốc đâm thất chí, ăn nói lảm nhảm hoặc đổi
tánh trở thành ít ăn ít nói, lầm lầm
lì lì suốt ngày suốt tháng để…suy nghĩ về thế sự thăng trầm hoặc về tình đời
thay trắng đổi đen, nhưng có người cũng biết an phận thủ thuờng, nín thở qua
sông, chờ thời…
Trong đời sống hằng ngày, đa số dân chúng VN phải chịu cảnh ăn dặm, như ăn độn khoai lang khoai mì hay bo bo để cầm hơi cho đỡ đói, và
cong lưng đạp xe đạp xe máy suốt ngày, nắng cũng như mưa. Nhờ cái môn thể thao exercise bắt buộc và bất đắc dĩ nầy mà
rất tốt cho sức khỏe, nên ít ai bị béo phì như tụi Tây tụi Mẽo bên nầy!
Tục ngữ mình có câu: “khéo ăn thì no khéo co thì ấm”, thật chí lý trong mọi thời đại, mọi hoàn cảnh.
Ai ăn ngay nói thẳng dễ sinh mích lòng, dễ bị thiên hạ ganh ghét và có khi còn bị trù ẻo
nữa. Ăn nói tráo trở lật lộng là nói
thế nầy mà lại làm thế kia!
Còn tệ nạn cocc, con ông
cháu cha thời nào cũng vậy, thừa của ăn
của để, ăn trên ngồi trước, ăn không ngồi rồi, ăn xổi (ăn ngay không để
lâu) ở thì, ăn báo chế độ, vân vân, sướng thấy mẹ... Thời trước cũng như thời
sau, con cái của họ được cho đi ăn học ở nước ngoài hay đi du học ào ào
bên Tây bên Mỹ, tiền bạc hổng còn là vấn đề đối với họ.
Cửa hàng ăn uống mọc lên
khắp phố phường, sáng trưa chiều tối đều đầy nhóc người ngồi ăn nhậu, ăn tục nói phét, kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu...
Trong cảnh khốn cùng, những người thức thời có nhiều sáng tạo, bạo
gan nhảy ra làm ăn, trước thử làm
chơi, sau thành ăn thiệt, người khác
thấy vậy cũng nhào vô ăn có, nhưng đâu phải là dễ gì...Phàm làm
việc gì cũng đều phải biết ăn chịu
hay phải biết luồn lách!
Dân đi kinh tế mới thấy không khá, ùn ùn kéo về thành phố ăn bám, ăn gửi, ăn vạ gây cảnh
xô bồ hỗn độn làm mất an ninh trật tự ở khắp nơi.
Tệ nạn ăn trộm, ăn cắp, ăn cướp diễn ra hà rầm bất kể ngày đêm, nhất là trong các xóm bình
dân lao động có nhiều ngõ ngách ăn luồn
ăn thông với nhau...
Gái ăn sương, ăn đêm, chị em ta, chị
tình hay gà móng đỏ ăn vận, ăn mặc
diêm dúa, tụ tập nơi các quán ăn
quán nhậu, quán cà phê mời mọc khách tìm mua của lạ. Xúi bỏ cơm nhà ăn cơm chợ đổi món cho đỡ ngán cũng như
ăn phở, ăn bánh trả tiền đổi bữa. Nếu muốn đổi món, thì dù trời có nắng
gắt bạn vẫn phải nhớ trùm áo mưa đàng hoàng nghen ông bạn, nếu không dám bị bể
ống khói bất tử hay mầm Sida ăn mòn, ăn lần tâm can tì phế thận ắt phải ăn đất (chết) thôi, chừng đó có ăn năn thì cũng đã muộn rồi!
Có bạn có chút máu văn nghệ thì trốn vợ nhà, chạy tìm bò lạc chở
đi.. ăn chè khoái hơn. Đúng là dân hảo ngọt. Bà nhà mà biết được thì kể như bị ăn đòn.
Ông dám ăn vụng thì bà cũng dám nhảy
rào trả đũa, ông ăn chả thì bà ăn nem, vậy huề cả làng!
Tình hình như thế mà cũng có người nhờ tiền chôm chỉa, nên họ dám ăn xài phung phí, ăn chơi phè phỡn, họ chỉ
biết ăn sung mặc sướng chớ đâu bao
giờ chiụ ăn cực ăn khổ đâu. Có lẽ họ thấm nhuần câu tháng giêng là tháng ăn chơi, và theo họ thì trong năm chỉ
có 12 tháng giêng để cho dễ tính dễ nhớ mà thôi. Ngược lại, cũng có người nghèo
tận xác đi, mì gói, mì Ramen, mì hành, mì hai cua, mì Kung Fu, mì ăn
liền làm chuẩn, giúp họ ăn qua ngày cầm
hơi cho đỡ dạ!
Chùa chiền thì bị bọn ăn xin
ăn mày vây kín suốt ngày. Đi chùa lễ Phật mà cũng có người chưa tỉnh vẫn
còn mê, còn chấp ngã ăn nói khó nghe,
mở miệng ra là Mô Phật nhưng hễ ai nói đụng tới cái ngã của mình thì cái sân si
ùn ùn sụt sụt nổi lên.
Đôi khi họ lại còn nói xấu người nầy, dèm pha chê bai kẻ khác, hơn
thua nhau từng tiếng một, nói bóng nói gió, nói móc lò móc họng, nói cao nói
thấp, để quên Bát Chánh Đạo ở tận đâu đâu...
Người ta nói thà ăn mặn nói ngay, còn hơn là ăn chay mà nói dối!
Chợ búa thì ôi thôi ê hề các món ăn, có thứ ăn sống, có thứ ăn chín, có thứ ăn nóng, có thứ ăn lạnh, có thứ ăn khô, có thứ ăn ướt.
Hủ tiếu thì có người thích xào khô, nhưng cũng có người thích xào
ướt, nhưng thường thì xào khô trước rồi xào ướt sau mới đúng điệu là rành...nghệ
thuật ăn! Thôi thì ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối không
sợ thiếu món ăn buổi nào cả!
Cũng có những hàng quán mất vệ sinh khiến khách hàng đôi khi ăn nhầm thức ăn bẩn nên bị ngộ độc
thực phẩm ngã bệnh cả lũ...
Vậy, có ăn uống thì cũng phải cho cẩn thận kỹ lưỡng để khỏi bị
chết oan vì bệnh tòng khẩu nhập!
Có mấy người quen mới đi du lịch VN về, nói bên đó ăn từ sáng tới khuya, đâu đâu cũng thấy
ăn bất kể giờ giấc, thật không hổ
với biệt danh ‘Sài-gòn Ăn’.
Có người cũng nghĩ là trong đời, ăn uống là ba cái chuyện
lẻ tẻ, ăn nhằm gì mà phải bận tâm.
Nhưng trong gia đình cũng có người ăn
uống rất khó khăn hay rất kén ăn, hay chê món nầy chê món nọ, cứ nghĩ mình là gia trưởng, là…vua
trong nhà nên có quyền đòi hỏi đủ thứ (?).
Nếu chẳng may ngã bệnh, lên máu, tiểu đường, sợ chết quá mới nghe
lời bác sĩ, ép mình miễn cưỡng ăn kiêng...
Cũng có cha sao hay quá xá cỡ, có thể bắt nạt vợ nhà làm việc thấy
bà, còn mình thì phè phỡn ăn no ngủ kỹ, số sướng thật, có lẽ cha nội nầy đẻ
bọc điều hay vì nhờ kiếp trước khéo tu nên được hưởng quả kiếp nầy chăng? (nói
rõ hổng phải tui đâu)...
Có người thường có lộc ăn,
bạn bè lôi kéo đi ăn nhậu suốt ngày
hoặc được biếu xén đủ thứ món ngon vật lạ, có lẽ nhờ số tử vi có sao Lộc Tồn,
Thiên Trù, Hóa Lộc, Tấu Thư chiếu mệnh...
Có cha thì phớt tỉnh ăn-glê, không quan tâm đến thế sự
thăng trầm, ăn sao cũng được, ăn ít ăn nhiều cũng vậy thôi, hổng khen
ngon mà cũng hổng chê dở, chán thấy mồ tổ, có lẽ anh ta đang tu thiền hoặc đang
bị bệnh trầm cảm gì đó chăng?
Cũng có cha tánh cẩu thả, ăn
ở bầy hầy hay ăn trây ăn trét, khiến bà chị bực mình
vì phải dọn dẹp trối chết, mệt thấy mồ tổ, sanh đổ quạu, cáu có, xẹt điện bất
tử cũng dễ hiểu mà thôi!
Trong thảm cảnh vượt biên, rất nhiều đồng bào mình đã từng nếm qua
rồi, ăn dụm để dành, được ăn cả ngã về không, năm ăn năm thua, có bao nhiêu tiền vàng đều chụm vô hết cũng chỉ vì hai chữ tự do là vô giá.
Có người thì tìm cách bán nhà bán cửa về quê ở cạnh sông cạnh biển ăn gửi nằm nhờ, ăn chực nằm chờ hay ăn gió
nằm sương nhà bà con để chờ có
dịp là vọt liền lập tức.
Hồi hợp, lo âu, mất ăn mất
ngủ hổng kể xiết trong thời gian nằm nhà chờ, thật là trần ai lai khổ, ngậm
bồ hòn nuốt đắng, nín thở qua sông.
Nếu lỡ đi không lọt thì phải ủ
tờ (ở tù), bị nhốt ở chấp pháp, bắt lao động thấy
bà, nếu khéo chạy chọt đút lót thì được thả mau, còn xui hơn thì đôi ba năm nằm
ấp, rồi cũng được thả về, nhưng phải làm tờ tự kiểm đại khái là đã ăn năn hối cải, tởn lắm rồi, tui xin
chừa, không dám nữa, vân vân. Sau đó, được tạm tha trả về nguyên quán làm ăn, tằn tiện, gom góp
tiền bạc chờ ít lâu có cơ hội là
lại…vọt nữa.
Đúng là bắt cóc bỏ dĩa!
Ngoài biển, bọn hải tặc Thái Lan như muốn ăn tươi nuốt sống dân vượt biển, nhảy qua ghe kiếm ăn, mã tấu súng ống dao búa đầy người, hãi hùng lắm bạn ơi,
thiếu điều muốn…tè tại chỗ. Mà đâu phải chỉ có một lần đâu, thằng nầy đi thì
báo cho thằng khác đến ăn hàng tiếp.
Các bà các cô khiếp quá phải lấy dầu lấy mỡ lấy cả đồ dơ, thoa trét khắp mình
mẫy cho tụi nó ghê nó tởm mà tha cho. Cầu Trời, khẩn Phật, cầu Chúa, cầu xin Cô
Cậu, xin người khuất mày khuất mặt hãy thương xót, phù hộ che chở cho tui tai
qua nạn khỏi, ai giúp cũng welcome
hết, nguyện khi thoát nạn sẽ xuống tóc ngay lập tức, ban ngày ăn chay ăn lạt, còn tối lại len lén lai rai mì thịt, mì hành cho đỡ xót
ruột khó ngủ. Lần chuỗi niệm Phật một
tháng không sót một ngày. Xin hứa danh dự mà!
Có người không may mắn thì làm mồi cho cá mập ăn mất xác hoặc đi chầu Hà Bá Diêm Vương.
Người ở nhà thì tự hỏi, không biết ăn cái giải gì mà bọn họ phải liều mạng trốn đi như vậy kìa? Rồi
cuộc đời thay đổi đổi thay, tới được bến bờ tự do, nhiều người bắt đầu lột xác
cho hợp với phong cách của miền đất hứa, có người cũng đi quá đà…Luân thường
đạo lý Đông Phương đảo lộn nhường chỗ cho tự do cá nhân và giá trị kim tiền vật
chất của xã hội Tây Phương... Hai ba chục năm sau, có người còn quên luôn lời
hứa buổi ban đầu đã thề thốt nầy nọ, cũng như không nhớ vì sao ngày xưa mình
phải cực khổ liều thân liều mạng trốn đi tị nạn bên Tây bên Mẽo…
Ôi, dòng đời là một chuỗi đổi thay thay đổi không ngừng, cũng như
tình đời thay trắng đổi đen thay đen đổi trắng biết đâu mà ngờ!
Tại Canada, phần đông những người làm việc trong hãng xưởng đều ăn lương giờ và được phát chè-que (chèque) mỗi tuần vào ngày thứ năm. Nghe
nói có người vừa ăn tiền xã hội và
cũng vừa ăn gian hay ăn lận, chịu khó đi làm chui ăn trọn cho gọn, lãnh tiền mặt xú-táp (sous
table) khỏe ru bà rù!
Có người ăn trắng mặt trơn
không biết tiền của từ đâu mà họ sống phủ phê quá, ăn không ngồi rồi, nhàn rỗi, dư thì giờ đi ngồi lê đôi mách chuyện
của thằng cha nầy con mẹ nọ...
Cũng tại Bắc Mỹ nầy, cũng có một số người xâm mình bất chấp luật
pháp, mua nhà mới để trồng cỏ (cần sa) dưới hầm nhà (basement). Vốn một lời
mười. Họ đi du lịch VN hà rầm, xài tiền như nước, cho nên bên nhà gọi những
người nầy là Việt Cỏ. Họ đi du lịch như đi chợ, chớ đâu có phải cực khổ kéo cày
kiếm ăn đâu. Ham chưa…Nói vậy chớ
láng cháng bọn họ cũng bị đồng bọn hay băng đảng khác thanh toán cho ăn kẹo đồng như chơi, vì ăn chia không điệu hay vì tranh ăn hoặc vì muốn ăn thua đủ với nhau…
Băng đảng xã hội đen gây khốn đốn khắp nơi, họ thường cắt máu ăn thề trung thành sống chết có nhau,
bao che lẫn nhau vì ăn cây nào thì phải rào cây nấy mà lỵ, v.v.
Hugo Meunier-La Presse.ca: Offensive contre un réseau de trafic de
marijuana
Nguyễn Tài Ngọc C/N-Trồng «Cỏ» Làm Giầu Ở Canada
Trai gái thời bi giờ thì ăn ở
trước, thử cho biết mùi đời coi có hợp gu không, có ăn
rơ hay ăn ý với nhau không đã,
còn gọi là sống thử, ăn cơm trước kẻng, xong sau đó mới
tính tới chuyện cưới hỏi cho vừa lòng mẹ cha…
Chuyện làm mai làm mối để ăn
đầu heo dường như hiếm thấy xảy ra ở cái thời buổi quá văn minh nầy…
Chuyện ăn hỏi là chuyện
xưa rồi diễm. Mà theo giới trẻ thì hổng cưới hỏi thì cũng hổng có sao, chả có
chết thằng Tây nào mà còn đỡ rắc rối sau nầy, đúng với câu mà nhiều kẻ phải gió
thường nói “Cưới hỏi là nguyên nhân của ly
dị. Nếu hổng có cưới thì làm gì có ly
dị được”.
Nói về chuyện cưới gã bây
giờ, vẫn còn nhiều bậc cha mẹ mang nặng đầu óc cổ xưa nghĩa là phải môn đăng hộ
đối, phải thế nầy thế nọ, vân vân.
Ngày xưa, ngoài Bắc có câu
“Bao giờ rau diếp làm đình - Gỗ liêm ăn
ghém thì mình lấy ta”.Và hễ lấy ai là ăn đời ở kiếp với nhau dù có muốn bỏ
cũng hổng dám, chớ đâu có phải vui
thì ở còn buồn thì bye bye…
Chuyện vợ bé vợ mọn, bà lớn bà nhỏ ngày xưa cũng rất phổ biến như
chuyện ăn cơm bữa vậy.
Vợ một vợ hai, hai vợ đều là
vợ cả... Nghĩ cho cùng thì đàn ông ngày trước sao
mà gan cùng mình, đâu phải ai cũng ăn trơn mặc trắng hết đâu... Xã hội hồi
đó lại làm ngơ với tình trạng đa thê, trai năm thê bảy thiếp, chắc muốn gia
nhập theo đạo Hồi Giáo quá... Rồi cũng khắc khẩu, cũng xực nhau hà rầm, đấm
bàn, đá ghế, vừa văng tiếng Đức hay tiếng Đan Mạch, vừa phang chén phang dĩa
bay vèo vèo thấy mà phát sợ, khiến con cái khóc thé lên náo loạn rùm cả chòm
xóm... Rồi cũng mầy mầy tao tao, ông ông bà bà, thằng thằng con con, đồ nầy đồ
kia cho đỡ tức... Sau đó thì bà ngồi khóc xụt xịt ở nhà bếp, còn ông tịnh khẩu
phì phà điếu thuốc 555 ở nhà trên... Chờ sóng lặng gió êm, họ kéo nhau…lên
giường múa lân làm lành với nhau. Sáng ra nhìn mặt tủm tỉm cười mí nhau. Xí!
Con cái bên nầy cũng khó dạy
ghê, cậu ấm cô chiêu là vua con trong nhà mà, ăn xài thả cửa, ăn bận
phủ phê theo mốt theo miết. Đầu nhuộm xanh nhuộm đỏ như chim két xổ lồng. Tụi
nó rất chì, dám xỏ mũi xỏ môi xỏ lưỡi xỏ rún xỏ tai, xâm ngực xâm mông, xâm vai
xâm bụng tùm lum, thấy mà phát sợ. Lỡ có gì thì có bố mẹ lo. Cuối tuần thì dẫn
bạn bè, tụ năm tụ bảy, về nhà cha mẹ ăn
rỗi, làm sạch trơn tủ lạnh khiến mom
méo mày méo mặt. Không lo ăn học
đàng hoàng, không biết ăn năn hối
cải, tối ngày ăn chơi, lêu lỏng, cà
nhỏng khắp nơi, hay cãi bướng, ăn nói
thì cộc lốc phang ngang bửa củi toi
toi, moi moi, you you, me me, Cool,
v.v... không biết lễ phép chút nào hết. Cha mẹ nào dám cho tụi nó ăn bộp tay hay cho chúng ăn roi vào mông đâu, lỡ chúng gọi 911
kêu phú-lích tới thì rắc rối lắm. Kể như
mất con luôn. Lỗi cũng tại tía má quá cưng chiều con, không biết dạy chúng mà
thôi. Ai biểu ham vui khi trời vừa tối làm chi, đừng có than. Đẻ nó ra thì phải
ráng chịu cho quen!
Tuy nói vậy chớ phần đông con cái người VN tị nạn ở bên nầy rất chăm chỉ học hành, siêng năng nổi tiếng, rất thành công trong học vấn, ăn nên làm ra hết, làm Tây Mẽo phải lé mắt thán phục ganh tị quá đỗi. Cũng có đứa kiếm việc làm hoài mà không có, kiếm ăn không được hay bị mất việc, hoặc chồng chê, bồ đá bèn đành phải quay trở về ăn bám ở nhà cha mẹ chớ biết sao bây giờ. Ngày nay hiện tượng nầy nhiều lắm và được thiên hạ gọi là “thế hệ B” (generation boomerang). Nó là con mình mà, nó còn ở với mình là mình có phước lắm đó, chớ nên than vắn than dài làm chi, nếu là Tây thì cha mẹ nhắc khéo biểu đứa nhỏ ra riêng, nhưng thường thì thằng nhỏ hay con nhỏ cũng tự động đi mướn apt ở riêng cho nó được tự do, để bố mẹ khỏi nầy nọ, khỏi dòm ngó kiểm soát, nực lắm. Cuối tuần, kẹt tiền đói quá thì vọt về cầu cứu với mom!
Trong đời sống gia đình, ăn
chung hay ăn riêng cũng tùy, đôi
khi bà nhà lại nổi chứng, mặt mày chù ụ biếng
ăn bất tử, đó là báo hiệu điều bất lành. Vậy bạn hãy lén mở tủ lạnh coi cái
bánh bao, ổ bánh mì mua ở chợ Á Đông còn có đó hay không? Bạn hãy tự kiểm lại
mình coi có làm gì cho bả hờn bả giận hay không? Ráng năn nỉ, quỳ hai gối chống
hai tay chịu lỗi tưới hột sen, hứa lèo hứa cuội đại đi, thề bán sống bán chết
đi, hổng có sao đâu, bà chị cảm động quá, chỉ chờ có bấy nhiêu thôi, rồi bảo
đảm bả sẽ lại ngồi bàn với bạn đó, vui vẻ cả làng, rồi khi biển đã lặng sóng đã
yên thì tịch tình tang đưa em vào mộng… Bảo đảm đàn bà rất tình cảm, hổng có
giận lâu đâu mà sợ... Ông bà mình thường nói là ngọt mật chết ruồi mà lỵ!
Còn có chị kia, hổng thấy chồng đâu cả, nhưng bụng chị càng ngày càng phình to ra như trái ballon, không biết chị đã ăn nằm với ai vậy cà? Có lẽ quen ăn không quen nhịn mà lại quên uống thuốc, tính lộn ngày hay tại thằng chả gấp quá hổng kịp trùm áo mưa nên vướng phải cái bầu ráng mà chịu! Đúng là mình có 1001 chuyện tò mò, hay dòm ngó chuyện của người khác quá xá trời rồi đó nghen! Xin lỗi!
Con nít nhỏ thấy người lớn đang
ăn mà đứng nhìn lom lom cái miệng, bộ muốn ăn chực hay sao?
Thức ăn vụng rơi rớt mà lượm lên ăn
thì gọi là ăn mót.
Hồi trước lúc còn
ở bên nhà, tác giả thường nghe đứa lớn chế ngạo đứa nhỏ nào vừa khóc rồi sau đó
lại cười là “lêu lêu mắc cở vừa khóc vừa cười ăn mười cục cứt”.
Bên này khi đi ăn cưới,
trước tiên là phải nhớ bỏ bao thơ tiền vào thùng, ký sổ lưu niệm, sau đó xề qua
chụp hình lưu niệm với cô dâu chú rể. Đôi trẻ chụp hình rất ăn ảnh như đôi tài tử Hong-kong
rực rỡ, còn hai bác đứng cạnh như đôi tre già hoàng hôn xế bóng!
Vợ chồng già, con cái đã lớn đã vỗ cánh bay hết rồi, buồn chán thấy
mẹ nên lâu lâu bày đặt ăn mừng, nào là mừng kỷ niệm 25 năm ngày cưới,
ngày sinh nhật, ngày về hưu, lễ thượng thọ, lễ vàng (noce d’or), lễ bạc (noce
d’argent), vân vân. Thậm chí còn có cặp tổ chức tiệc để nhớ lại ngày cưới
của mình, mục đích muốn hâm nóng lại cái tình già đang nguội, mà có người còn gọi
là tune up hay hấp hôn (chớ không
phải hấp hối) gì đó... Xong rồi, hết lễ lạc thì ta lại tổ chức lễ mừng vào
xuân, vào hạ, vào thu hay vào đông…Ôi thôi đủ thứ lễ là lễ!
Mục đích chính của ba cái vụ lễ vừa kể là để các bạn già có dịp gặp lại nhau để ăn nhậu, để đấu láo, nói chuyện tào lao đẩy đưa, hát cho nhau nghe, rồi ôm nhau nhảy nhót cho nó giãn gân giãn cốt để quên là mình già! Các bà thì được dịp công khai ăn diện, ăn bận coi cũng mướt mắt lắm, đeo toàn đồ giả, đi tới đi lui ẹo qua ẹo lại thấy mà ứa gan...Có bà bận áo hở lưng hở cổ, có bà hở ngực, có bà thì cũn ca cũn cỡn thật là hết xẩy còn hơn con gái đôi mươi nữa, rồi lại còn ỏn a ỏn ẻn chầm chậm bước lên sân khấu cất giọng oanh già hát bản tình ca “Anh cho em mùa xuân”, xem cũng rất ư là ăn khách...Bên dưới thì từng cặp ôm nhau xà nẹo, ẹo tới ẹo lui, dìu bước lả lướt xập xa xập xình trong nhịp điệu tango...Còn ở các bàn thì thiên hạ cứ tự nhiên vừa ăn vừa nói chuyện rần rần rào rào như cái chợ vậy. Vui lắm các bạn ơi!
Có chị có giọng rất ăn micro,
ăn nói ngọt ngào truyền cảm, nên thường được mời làm em-xi (MC)... Mấy anh chị ca sĩ nghiệp dư nầy cũng đã bỏ nhiều công
phu luyện tập, nhưng đôi lúc cũng bị tổ trát, hát không ăn khớp hay ăn nhịp với
nhau, làm cho ông hay bà thầy đờn lắc đầu xụ mặt buồn xo tiu nghỉu…Lần sau, nhớ
mua heo quay và hột vịt lộn để cúng tổ cho cẩn thận trước khi ra quân chắc sẽ
được…ưu đãi hơn (?). Tuy nhiên theo thời gian, dám có nhiều anh chị nghiệp dư
nầy hát ăn đứt ca sĩ thứ thiệt lắm
đó nghen!
Có người nếu có dịp về Việt Nam, họ không bỏ lỡ cơ hội thuê làm CD
để khi trở qua sẽ gởi biếu bạn bè cho tụi nó lé con mắt tức chơi... Cũng có
người xấu miệng gọi các anh các chị ca sĩ mới nầy là “ca sĩ cậu mợ”, ca sĩ sous sol, hay ca sĩ hạng B, hạng C, v.v.
Nhưng có lẽ nhờ có máu văn nghệ, nên các anh các chị, trong đó thỉnh
thoảng cũng có cả vợ chồng tác giả, nói chung tuy đa số đã xấp xỉ trên dưới 7
bó rồi, đã là ông nội ông ngoại hay bà nội bà ngoại hết rồi, mà hãy còn rất
gân, còn chịu chơi, còn yêu đời hết biết. Vậy thì cũng tốt cho sức khỏe lắm lắm
rồi, phải không nhỉ? Bởi vậy đôi khi bị thiên hạ rủa lén hay rủa thầm là thứ đồ
hổng nên nết, thứ đồ già rồi mà không lo tu hành hay tu tập gì cả, vân vân và
vân vân!
Có người còn ngứa con mắt, ăn
nói ba hoa chí choè, bói mò bói móc, xỏ ngọt cho rằng tuổi của các bà chị
toàn là tuổi...ngọ ráo trọi! Ô hô, ai
tai! Cũng tốt thôi, ăn thua, ăn nhằm
gì ba cái râu ria đó! Ngựa ăn cỏ,
phi đường xa, không biết mệt! Thịt ngựa lại mềm, ngon, bổ, ít cholestérol, chỉ có dân điệu nghệ sành ăn mới biết thưởng thức, nhất là
dân bên Âu Châu... Còn bọn nhỏ ít có đứa nào dám nhào vô ăn có party cùng với tía má và các chú các bác hết!
Cuộc chơi nào cũng vậy, chơi thiệt hay chơi giả, cũng đều có phe có
đảng, cũng đều có mặt trái mặt phải của nó hết. Nếu không biết luật ăn
chịu thì phải...chịu ăn cay nuốt đắng hay chịu đấm ăn xôi cho
được việc, cũng như phải biết ăn ý, khéo ăn khéo nói sao đó, v.v... rồi mới có ngày “vinh quang” trình diễn
dưới ánh đèn màu sân khấu, được nghe tiếng vỗ tay của thiên hạ, và nhất là được
có cái cảm giác...quá đã, quá phê, quá hạnh phúc, như là đang lâng lâng bay
trên tận mây xanh vậy (?).
Nhưng dù sao đi nữa thì những sinh hoạt giải trí kiểu ăn chơi nầy, không hẳn là những sinh hoạt giải trí...kiểu ăn hại hay vô bổ! Vậy, bác tài ơi, hãy tiến lên đừng sang số de
(nhưng nhớ coi chừng thắng có ăn hay không nhé)!
Cũng có những ngày Chúa Nhật, cả nhóm rủ nhau đi câu cá cho vui. Ra đến sông, ngồi chờ cả buổi, vừa mỏi lưng, vừa bị muỗi cắn thấy mồ, nhưng cá chỉ ăn bóng mà không có con nào chịu ăn mồi gì cả!
Nghĩ lại ông bà mình rất chu đáo trong việc dạy con dạy cái, nào là
“cá không ăn muối cá ươn, con cãi
cha mẹ trăm đường con hư” - “ăn cây nào
rào cây nấy” – “uống nước nhớ
nguồn” – “ăn trái nhớ kẻ trồng cây” – “ăn chắc mặc bền”- “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”- “ăn ít no dai ăn nhiều tức bụng” v.v.
Có người biết trọng lễ nghĩa, có trước có sau, nhưng cũng có những
hạng người ăn cháo đá bát, ăn bớt, ăn hớt tiền công quỹ, ăn
hối lộ công khai.
Ăn chĩa là những ai không chịu xắp hàng như mọi người mà lại nhào vô ngang
hông để giành đồ ăn.
Ai ăn khỏe quá thì được gọi là ăn rỗi hay ăn như Tạ Hầu Đôn. Còn ăn yếu quá thì gọi là ăn như mèo liếm vậy. Qua bên nầy gần 30 năm rồi, mà tui vẫn thỉnh thoảng khoái ăn sang (sáng ăn khoai). Hình như củ khoai lang và củ khoai mì nó gợi lại trong tui những gì thân thương nhứt ở quê hhà. Còn khoai tây đối với tui không là gì cả!
Người ta thường nói đàn bà con gái thường ưa ăn hàng, ăn quà, ăn vặt hơn đàn ông con trai, không
biết có đúng không? Nếu không phải thì thôi, xin các chị đừng bắt lỗi tui tội
nghiệp!
Các cô thiếu nữ choai choai có khi bị ám ảnh bởi hình ảnh quá ư là
đẹp đẽ tươi mát của các siêu sao, người mẫu đăng trong các tạp chí nên thường
mơ tưởng, ước muốn được đẹp và giống như họ. Từ ý tưởng nầy, các cô cố gắng nhịn ăn, hoặc ăn qua loa chút rau cải, carotte, celéri để được ốm. Có cô, sau khi
ăn xong còn lén bố mẹ thò tay móc họng cho ói thức ăn ra. Thế là sau năm ba tháng, cô trở nên ốm nhom ốm nhách
thấy phát sợ, má hóp, vai rút lòi cả xương sườn xương sống... Bác sĩ nói đây là
một loại bệnh tinh thần hay là bệnh chán
ăn (anorexia). Chữa trị căn bệnh
nầy cũng không phải dễ gì.
Đời sao oái oăm, người thì gia đình quá nghèo khó mà lại có quá
nhiều miệng ăn nên phải chịu cảnh thiếu ăn, ăn bữa no bữa đói, bữa có bữa không. Ngược lại, kẻ khác thì quá dư
thừa đồ ăn, ăn vô rồi lại móc họng ói ra khiến cha mẹ lo rầu phát khùng phát
điên lên...
Có người tánh ích kỷ hay tiểu nhân, ai chết mặc ai, có dịp là ăn mảnh nghĩa là giấu người khác để ăn một
mình cho đã.
Nghĩ mà buồn năm phút!
Để tránh tình trạng bị thiếu trước hụt sao bất tử, thì khi lãnh
lương, phải biết làm kế hoạch ăn tiêu
trong tháng để cho nó chắc ăn!
Trong các kỳ bầu cử, những ứng cử viên hay ăn miếng trả miếng rất sôi nổi, nhưng xét cho cùng mấy cha, mấy mẹ
đều nói phét hết, hứa lèo hứa cuội cho dân chúng ăn bánh vẽ để giành ghế tổng thống hay ghế nầy ghế nọ…mà lên ngồi
làm cha làm mẹ thiên hạ. Có ăn thì có
chịu, có khi lên voi thì có ngày
ắt phải xuống chó mà thôi, có gì lạ đâu. Không biết ai ăn ai, ai thắng ai đây? Chờ xem!
Mua nhà mua xe thì bị người dẫn mối ăn lời, ăn tiền cò (commission), ăn tiền đầu tiền đít, ăn huê
hồng 5-7%, đâu đâu cũng áp dụng nguyên tắc đầu tiên là tiền đâu.
Vợ chồng son, ít thời giờ, nên ăn
cơm tháng cho nó tiện. Lỡ thiếu tiền thì năn nỉ họ cho mình ăn chịu ít ngày, chớ không nên ăn quỵt của người ta. Còn em út, bồi
bếp nhà hàng thì ăn tiền bo hay
còn gọi là tiền tip.
Cờ bạc là bác thằng bần, đánh lớn thua lớn, đánh nhỏ thua nhỏ, đánh
đâu thua đó, lỡ cháy túi thì có bọn cho vay ăn lời cắt cổ (1 ăn 10)!...Có
người cũng ăn đậm tiền bạc, nhưng
rồi cũng đâu vào đấy, muốn đánh để gỡ gạc lại, nhưng không biết có...ăn nổi nữa hay không đây?
À, còn cái nầy nữa, các bạn nào có đi du lịch Thái Lan, nhớ tìm tiệm
cơm đút ăn một lần cho biết với
người ta. Nhà hàng được ngăn ra làm nhiều phòng nhỏ riêng biệt, vô đó sẽ có em
út đẹp nõn nà đút cho ăn. Món nầy
chắc là phe nình ông khoái lắm nhưng kẹt cái là không tiện cho phe nình bà đi
theo, biết tính sao bi giờ?
Đàn ông Việt Nam thường hay nói:
“Ăn cơm Tàu + Ở nhà Tây + Lấy vợ Nhật” là ba cái ước mơ của họ trên
đời này.
Tôi thấy nó không được đúng cho lắm...
- Ăn cơm Tàu, tôi ăn hoài, món nào cũng như món nấy, toàn là mỡ
dầu, bột ngọt không hà, vừa ngán mà lại cũng vừa sợ cholestérol thấy mồ tổ!
- Ở nhà Tây, thì tôi cũng đang ở từ lâu, sướng thì sướng thiệt, vì
nhiều tiện nghi và rộng rãi, nhưng phải ăn
ở giữ gìn cho sạch sẽ ngăn nắp trong cũng như ngoài, nên thứ bảy chúa nhật
hai vợ chồng phải lu bu hì hục hút bụi, lau chùi, quét dọn trước sau trên dưới
trong ngoài cũng mệt hết hơi. Thế là tiêu hết cái weekend rồi còn đâu. Nhớ
lại hồi nhỏ, tôi chỉ biết có ngủ ghế bố không hà, sáng ra xếp lại cái rụp dựng
vô vách tường khỏe ru bà rù!
- Lấy vợ Nhật, cái món nầy thì tôi bù trất chịu thua thôi, hổng hiểu
các em Nhật Bổn có cái gì khác với các em Việt Nam mà sao thiên hạ có vẻ chiếu
cố nhiều đến thế.
Nhưng nghĩ cho cùng, lúc ban đầu thì dù Ta dù Tây, dù Tàu hay dù
Nhật, em nào em nấy cũng đều thấy ngọt ngào cũng đều thấy dễ thương hết, có
phải vậy hông các bạn nình ông phe ta?
Lại nữa, tối lửa tắt đèn thì nhà ngói cũng như nhà lá mà thôi.
Riêng tôi chủ trương không gì hơn bằng cây nhà lá vườn, đồ sơn không hơn đồ nhà, thà ăn cơm nhà vẫn hơn là ăn
cơm tiệm cho đúng với hai câu:
“Ta dìa ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”
“Chim quyên ăn trái nhãn lồng, lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi”
Ôi, tiếng Việt
thật là vô cùng thâm thúy, bao la và súc tích biết bao!
Tôi vẫn còn nhớ
câu: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới
ra đời..người ơi” trong một bài hát do ca sĩ Anh Ngọc hát từ lâu, lâu lắm
rồi...
Dù ở đâu cũng
vậy, mình ráng giữ gìn tiếng mẹ đẻ của mình!
Tiếng Việt còn
thì dân Việt còn.
Và tiếng Việt
mình cũng rất ư là phức tạp, thí dụ như nói khen cũng có thể là chê, là xỏ
ngọt; nói vậy mà phải hiểu khác; nói vậy mà không phải vậy; nói xuôi nói lái;
nói xuôi phải hiểu ngược; nói có phải hiểu là không; nói hiểu theo nghĩa trắng
hay nghĩa đen; vân vân và vân vân.
Y ngữ bất y
nghĩa!
Đó, các bạn thấy
không, tiếng Việt mình là như thế đó.
Nó rất huyền
diệu, rất phong phú và rất thâm thúy tuyệt vời ghê hồn chưa.
Ai muốn nói sao thì cứ việc nói, còn ai muốn hiểu sao thì cứ việc hiểu./.
Nguyễn Thượng Chánh
No comments:
Post a Comment