Thursday, April 1, 2021

Nói Là Bạc, Im Lặng Là Vàng - Sương Lam


 Người ta thường nói:  “Nói là bạc, im lặng là vàng.”   Như vậy chắc chắn là im lặng có giá trị hơn nói, vì vàng vẫn có giá trị hơn bạc vì bán được nhiều tiền hơn.

 

Tuy nhiên, ngày nay quý bà không thích sắm nữ trang bằng vàng y ba số 9 nữa mà lại thích sắm nữ trang bằng bạc trắng hay vàng trắng vì trông có vẻ sang trọng, hợp thời trang hơn là nữ trang bằng vàng.  Ngày nay, nhiều nơi cũng đã không dùng vàng để làm đơn vị bảo đảm trong các giao dịch kinh tế, tài chính như xưa nữa vì giá vàng lên xuống bất thường.  Như vậy có thể nói “im lặng”  chưa chắc là đã là có giá trị hơn là “nói năng.”

 

  Trong đời sống bình thường, như trong tình yêu chẳng hạn, đội khi sự im lặng của bạn đã vô tình làm “lỡ một cung đàn” và bạn phải  ngậm ngùi nhìn người yêu sang sông vì cái sự im lặng tai hại của bạn vì bạn

 

Thương người ta mà không chịu nói

 Xách cây dù đi tới đi lui”

 

 hoặc là

 

 “Sao anh không hỏi những ngày em còn không

Bây giờ em đã có chồng

 Như chim vào lồng, như cá cắn câu”

 

để  khi  người mình yêu đi lấy chồng  rồi mới ngồi  than thở:

 

“Nụ tầm Xuân nở ra xanh biếc

Em đi  lấy chồng, anh tiếc lắm thay!”

 

 Vấn đề ở đây là phải nói như thế nào mới là có giá trị vì:

 

“Lời nói chẳng mất tiền mua

 Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

 

hoặc là:

 

“Chim khôn hót tiếng rảnh rang

 Người khôn nói tiếng, dịu dàng dễ thương”

 

Tuy nhiên, nếu chúng ta tập học im lặng đúng lúc thì vẫn tốt hơn để tránh bớt những tai họa có thể xảy ra cho mình vì người xưa cũng đã  từng nói: “ Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất” người viết tạm hiểu là “bịnh hoạn là do ăn uống những chất độc vào cơ thể,  tại họa là do những lời nói từ cửa miệng thốt ra.”  Đúng không bạn nhỉ?

 

Trong lĩnh vực tu học, Bạn phải tập “học im lặng” để bớt đi nghiêp tội từ  Thân, Khẩu, Ý phát sinh ra.   Bạn biết  như thế là  phải thế, nhưng Bạn có im lặng được hay không là một chuyện khác nhé!  Xin mời các bạn đọc qua mẫu chuyện Thiền vui vui dưới đây:

 

Học Im Lặng

 

Những học sinh của trường Tendai thường học trầm tư trước khi Thiền du nhập vào Nhật Bản. Bốn người trong bọn họ là những bạn thân cam kết thi im lặng với nhau trong bảy ngày.


Ngày đầu, cả bốn đều im lặng.

Cuộc trầm tư của họ bắt đầu một cách may mắn

 

 Nhưng khi đêm đến và những ngọn dầu mờ dần, một anh không giữ được nữa kêu một người giúp việc:

“Hãy giữ những ngọn đèn đó lại”


Anh thứ nhì ngạc nhiên khi nghe anh thứ nhất nói, liền nhắc:
“Chúng ta không được nói tiếng nào”

Anh thứ ba hỏi:
“Tại sao chúng mày nói?”

Anh thứ tư kết luận:
“Tao là người duy nhất không nói.”

(Nguồn: trích trong Góp Nhặt Cát Đá - Thiền Sư Muju - Đỗ Đình Đồng dịch )

 

Là Phật tử tại gia  chúng ta cần phải quy y tam bảo Phật, Pháp Tăng  và giữ  năm giới không giết hại, không trộm cướp. không tà dục, không nói dối và không uống rượu.

 

Chúng ta cũng thường nghe và thấy "bộ khỉ tam không" trong các tài liệu Phật Giáo. Bộ khỉ Tam Không này cũng có  nhiều ý nghĩa khi tu học hay thiền quán vì muốn  nói về cái tâm trong việc tu học của mình.

 Xin mời đọc tài liệu về bộ khỉ Tam Không này được người viết sưu tầm tư website Thư Viện Hoa Sen  đem về dây chia sẻ cùng quý bạn nhé.



BỘ KHỈ TAM KHÔNG
Diệu Âm Minh Tâm 

Hiện nay, ở một số chùa có trưng bày tượng ba con khỉ trong sân chùa. Nhưng không phải ai cũng biết về nguồn gốc cũng như hiểu đầy đủ ý nghĩa sâu xa mà người xưa muốn truyền dạy lại cho thế hệ sau qua bức tượng tưởng chừng như vô tri đóThoạt đầu khi mới nhìn qua bức tượng này có lẽ ai trong chúng ta cũng tưởng như đã hiểu được ẩn ý của nó. 

Đó là: “không nói, không thấy, không nghe”. Nhiều người cho rằng bức tượng ấy muốn dạy chúng ta hãy ở yên và sống cuộc sống của mình, đừng quan tâm đến chuyện của người khác hay những gì đang xảy ra xung quanh. Nhưng nếu hiểu như vậy thì thiếu chính xác và chưa đầy đủ.

Thực ra, nguồn gốc xuất xứ của bức tượng này bắt nguồn từ Ấn Độ vài ngàn năm về trước. Lúc đầu, đó là bức tượng về một vị thần, là thần Vajrakilaya. Đây là vị thần có sáu tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và miệng. Theo đó bức tượng được khắc nhằm để răn dạy mỗi người: không được nói bậy, không nhìn bậy và không nghe bậy.

     

Tư tưởng “ba không” đó theo các nhà tu Phật giáo đi qua Trung Quốc không rõ vào thời kì nào. Sau đó vào khoảng thế kỷ thứ 9 (có tài liệu ghi năm 838), một thiền sư người Nhật trong chuyến đi làm Phật sự ở Trung Quốc đã mang theo về Nhật tư tưởng này.

 

Tại Nhật Bản, vùng Nikko (cách Tokyo chừng 140 cây số về hướng Bắc) trong đền Toshogu hiện nay còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ (tổng cộng có tám bức khác nhau) có tượng ba con khỉ tên là Kikazaru, Mizaru và Iwazaru: bịt tai, bịt mắt và bịt miệng bằng gỗ của nghệ nhân Hidari Jingoro rất nổi tiếng từ thế kỉ XVII.



Vì từ “zaru” gần âm với “saru” có nghĩa là con khỉ, nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt miệng, bịt mắt, bịt tai với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu đạt triết lý này. Bức tượng cũng mang đậm tư tưởng của Đức Khổng Tử trong Luận Ngữ. Khi Nhan Uyên hỏi về đức nhân và những điều gì cần phải làm, Khổng Tử đã đáp: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”. Nghĩa là không nhìn điều sai, không nghe điều tầm bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy”.

 

Người Nhật còn có thâm ý sâu xa hơn nhiều khi họ muốn: “bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói”. Khi tâm ở trạng thái tịnh, không bị quấy rầy bởi những điều xấu thì từ tâm mới phát sinh những điều thiện. 

 

Hình ảnh “Bộ khỉ tam không” còn nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của “Tâm viên ý mã” trong phép thiền. Chúng ta phải biết kiểm soát cái tâm vọng động, chẳng khác gì con khỉ chạy lăng xăng. “Tâm viên là vượn tâm, là tâm tán loạn như vượn khỉ. Loài khỉ thường hay nhảy nhót, khọt khẹt, đứng ngồi không yên, thường chuyền hết từ cành này sang cành cây khác, lại hay phá phách, bắt chước nên người đời có câu “liếng khỉ”. 

 

Tâm người ta cũng thế, không khi nào được yên, cứ lăng xăng, lộn xộn, suy nghĩ, nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, đó là tâm viên. Tâm này sẽ đưa con người đến loạn động, phát sinh ra đủ thứ phiền não, cấu uế… Bởi vậy tâm chúng sinh bị vô minh che lấp nên phần nhiều hướng ác nhiều hơn thiện.”

 

Trong xã hội hiện nay bức tượng ba con khỉ càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Bởi mỗi người đều đang tự làm khổ chính mình. Khổ vì nghe chuyện thiên hạ, khổ vì nói chuyện thế gian và khổ vì nhìn lỗi người khác.

 

Bản chất của con người vốn là sự tò mò nên bất cứ câu chuyện nào, về bất cứ ai dù không liên quan thì cũng cố gắng nghe hết để có chuyện kể lại cho người khác. Trước đây, tôi cũng là một người hay để ý lỗi của người. Tôi luôn cố tìm ra khuyết điểm của người khác để chờ có dịp có thể nói lại họ để giành phần thắng cho mình. Nhưng rồi tôi thấy việc ghét bỏ và để ý người khác thật mất thời gian và tự khiến bản thân mình trở nên xấu xí. Xấu ở đây là ở cái tâm, không chịu nghĩ điều tốt đẹp cho người mà chỉ nhìn thấy những thói hư, tật xấu ở những người xung quanh. 

Bởi vậy, nếu biết  tu sửa thân tâm, nhìn lỗi của người khác như lời nhắc nhở để ta không phạm phải những sai lầm đó. Lúc nào cũng phải nhắc nhở bản thân, tất cả mọi người quanh ta đều là Bồ tát chỉ có ta là kẻ phàm phu nên còn rất nhiều lỗi cần phải sửa chữa. 

 

Cũng như vậy, tai nghe thấy những việc phiền não cũng đừng giữ trong lòng. Nên nghĩ đó là lúc Đức Phật đang dạy ta chữ “Nhẫn”, không được sân hận trước những lời nói của người khác, lúc nào cũng giữ cho mình tâm bình lặng trước mọi việc:

“Nhẫn một chút sóng yên gió lặng
Lùi một bước biển rộng trời cao”

Từng bước, từng bước như vậy chúng ta sẽ dần hoàn thiện được con người của mình. Không phải nhờ năng lực siêu nhiên nào khiến bản thân mình thay đổi mà chính sự nhận thức sâu sắc từ trong tâm sẽ giúp ta quán chiếu được mọi vấn đề một cách vẹn toàn nhất. 

 

Hình ảnh “Bộ khỉ tam không” tưởng như đơn giản mà lại mang những giáo lý vô cùng sâu sắc. Lúc nào đó, khi đi dạo trong khuôn viên của chùa, nhìn thấy hình ảnh những chú khỉ ấy ta vừa thấy thích thú trước một hình ảnh ngộ nghĩnh vừa là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà thâm thúy của các bậc thiện tri thức muốn truyền đạt lại cho thế hệ mai sau.

 

 (Nguồn:Bộ khỉ tam không (thuvienhoasen.org))

 

Như vậy khi giờ phút chúng ta giữ được sự im lặng như chú khỉ không nói kia  túc là ta đã định được cái "Tâm Viên Ý Mã" của chúng ta rồi và nhờ thế chúng ta mới có thể tính tấn trên được tu học. Lành thay!



Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

 

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

 

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi MCTN 556-ORTB 980-332021

Sương Lam

Website: www.suonglamportland.wordpress.com

http://www.youtube.com/user/suonglam

https://www.pinterest.com/suonglamt/

2 comments:

  1. Tố Kim ơi.

     Cám ơn em đã post bài viết này của chị trên Blog của em.

    Mùa Xuân đến rồi, chúng mình cũng cần có một cái Tâm an lạc để đón mừng mùa Xuân, em nhỉ? Smile!  

    Chị Sương Lam cũng đã post lên website  Pinterest của chị rồi.

    Thơ văn SL trên Web Bạn- SuongLam Pinterest

     https://www.pinterest.com/pin/801640802423557595/

     Chúc vui cuối tuần nha em 

    Chị SL 

    ReplyDelete
  2. Gần hai giờ sáng, tâm an, đọc bài chị Sương Lam viết.
    Không những tâm an, mà lại nhàn.

    ReplyDelete