Tôi cưới vợ vào ngày
29-5-1971.
Sẽ chẳng có gì phải
nói lại, nếu như cái ngày vui nhất của một đời người đó đươc diễn ra trong vui
vẻ, hạnh phúc. Tôi đã không có được cái điều may mắn đơn giản ấy vì đã bị người
ta phá tan đám cưới của mình, mà nguyên nhân chỉ vì miếng ăn bị dừng lại trong
ít phút.
Chuyện là thế này:
Sau khi tốt nghiệp đại
học, có công ăn việc làm ổn định, tôi quyết định lấy vợ. Tôi đã dồn hết tâm lực
để chuẩn bị cho đám cưới của mình. Hồi ấy ở Hà Nội, sau khi có “Giấy đăng ký
kết hôn”, người ta mới cấp cho cặp đôi mấy cái phiếu để mua hàng.
- Phiếu mua giường tủ
ở phố Hàng Tre.
- Phiếu mua chăn mùng
ở phố Hàng Bông
- Phiếu mua bánh kẹo,
thuốc lá, thiệp mời… ở phố Tràng Tiền.
- Phiếu mua các thứ
lật vặt khác nữa mà giờ tôi chịu... không nhớ nổi!
Hồi ấy ngưới ta quan
niệm: trong đám cưới, để tượng trưng cho sự trinh bạch của cô dâu, mọi thứ đều
phải dùng màu trắng, tức là áo dài của cô dâu, hoa, khăn trải bàn…, tất cả đều
trắng. Chúng tôi đã phải lên tận Ngọc Hà đặt mua các loại hoa trắng. Xuống BV
Bạch Mai mượn khăn trải bàn trắng, lên phố Hàng Đào may, thuê áo váy cho cô dâu
cũng trắng…
Hồi ấy ở Hà Nội, những
đám cưới sang trọng thường phải có nhạc sống, vậy là chúng tôi lên phố Hàng
Thuốc Bắc thuê một dàn nhạc sống. Những nhạc công này đều là những tay đàn lão
luyện được đào tạo từ thời Pháp.
Trang trí phòng cưới
thì khỏi phải lo. Các bạn của tôi ở Trường ĐH Mỹ thuật và ĐH Mỹ thuật công
nghiệp đảm nhận cho việc này.
Khâu cuối cùng là thuê
hội trường để tổ chúc đám cưới. Sau nhiều ngày tìm kiếm và lựa chọn, chúng tôi
quyết định thuê hội trường của Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội tại số 9 phố Vọng Đức. Mọi thủ tục thuê hội trường, chúng tôi
thực hiện đúng quy trình, tiền bạc đóng trả đầy đủ.
Theo như thỏa thuận
thì đúng 4g30 chiều ngày 29-5-1971, tôi đến nhận hội trường để trang trí, xếp
bàn ghế, bày tiệc trà, hoa lá (hồi ấy chỉ có vậy, chứ không dùng mặn như bây
giờ. Tiệc mặn chỉ hạn hẹp trong hai nhà trai, nhà gái).
Lo xong những việc quan trọng đó, hai đứa chúng tôi mới đưa nhau lên Hàng Đào may áo cưới và ra chợ Đồng Xuân mua thêm một số hàng lặt vặt khác. Rồi chúng tôi ra phố Hàng Khay ở bờ hồ Hoàn Kiếm chụp ảnh kỷ niệm tại hiệu ảnh Quốc Tế nổi tiếng (hình dưới).
Rồi ngày cưới đến.
Đúng 4g30 chiều ngày 29-5-1971, tôi và gia đình đến số 9 phố Vọng Đức. Đến nơi, tôi bàng hoàng khi thấy trong
hội trường người ta đang tiệc tùng linh đình, quan khách đông nghẹt. Tôi hớt
hải chạy đi tìm ông quản lý hội trường. Phải mất nhiều thời gian tôi mới moi
được ông ấy ra khỏi một bàn tiệc. Tôi chết lặng người khi đươc biết là chiều
hôm ấy MTTQ TP Hà Nội mở tiệc mừng một sự kiện gì gì đó. Và đặc biệt là có cả
Chủ tịch MTTQ VN đ/c Tôn Đức Thắng có tới dự. Sau nhiều phút điều đình, đấu
tranh căng thẳng trong uất ức đến phát khóc, người ta mới chấp nhận trả lại hội
trường cho tôi. Tôi có hóa đơn thuê tầng trệt, sao họ không mở tiệc ở trên lầu,
lại bày xuống dưới trệt, nơi đã cho tôi thuê?
Lúc này khách đến dự
đám cưới đã khá đông. Thế là nhân viên của MTTQ cùng người nhà, bạn bè của tôi
lao vào để chuyển cỗ bàn lên tầng lầu. Phải mất khá nhiều thời gian, toàn bộ
các bàn tiệc mới được đưa xong lên trên đó. Khi ấy dù phải tả tơi chạy đi chạy
lại tôi vẫn thoáng nhìn thấy có 2 người dìu Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ trệt lên
lầu và hình như miệng Chủ tịch còn đang nhai nhai thức ăn. Tôi thấy lạnh gáy
khi bắt gặp ánh mắt sắc lạnh của người cận vệ cho Chủ tịch!
Khi tầng trệt được
giải phóng, chú rể cùng hai nhà trai gái, bạn bè, khách mời lao vào bày biện
cho tiệc cưới, trang trí hội trường trong cái nóng ngột ngạt của tháng 5 ở Hà
Nội. Mọi người mặt mày bơ phờ, áo quần đẫm mồ hôi. Tôi, chú rể, thì như kẻ mất
hồn.
Rồi buổi hôn lễ đã
diễn ra dù bị trễ mất nhiều thời gian. Các nhạc công chơi những bản nhạc trữ
tình của Pháp và Việt. Bố vợ tôi thay mặt hai nhà lên phát biểu. Đúng lúc này ở
phía cuối hội trường có ai đó oang oang:
- Chú rể đâu, Chú rể
đâu?
Tôi không hiểu có
chuyện gì lại xảy ra nữa, thì có người nhà ở cuối hội trường hớt hải chạy lên
nói với tôi:
- Xuống cho mấy ông ấy
gặp kẻo họ phá tan đám cưới mất!
Tôi thất thần chạy
xuống phía cuối hội trường, lập tức tôi bị một đám người mặt mũi đỏ gay, miệng
toàn hơi bia rượu vây quanh. Họ xỉa xói, cặn vặn tôi là tại sao lại dám tổ chức
đám cưới tại hội trường này? Ai cho thuê? Rồi mặc cho tôi đã đưa hóa đơn thuê,
nói rõ là ban quản lý hội trường cho thuê... những đồng chí lãnh đạo của MTTQ
đang nát rượu ấy vẫn không chịu. Họ khua chân múa tay mắng mỏ tôi, mặc cho cha
mẹ, cô bác 2 nhà chúng tôi ra sức can xin, bà con từ tòa chung cư
bên hội trường kịch liệt phản đối.
- Vứt mẹ cái hóa đơn
đi!
- Hội trường của MTTQ
đâu phải nơi cưới xin đú đởn?
Biết bao lời lẽ thô
thiển mà những người biết điều, có văn hóa sẽ không bao giờ dùng (!) đều đươc
các đồng chí lãnh đạo ấy tuôn ra, văng vào mặt cái chú rể khốn khổ là thằng
tôi.
Trước tình thế căng
thẳng như vậy, vị chủ hôn phải tuyên bố kết thúc buổi hôn lễ. Vậy là tan tành
đám cưới của của chúng tôi.
Thương người vợ của
tôi quá! Trong suốt những giờ phút hãi hùng ấy, nàng ngồi im như một pho tượng,
hai tay ôm chặt bó hoa lay-ơn trắng. Khi khách khứa đã về hết, tôi nói với
nàng:
- Em ơi, về đi!
Nàng ngước đôi mắt
ngấn lệ lên nhìn tôi:
- Về hả anh, mọi người
đâu rồi?
Tôi thương nàng
quá! Cả một đời người có một lần thôi mà lại thế này sao? Vợ tôi là
một nhà giáo, người quê gốc Hà Nội (theo gia phả thì dòng họ nhà vợ tôi đã nhập
cư vào Hà Nội từ hơn 750 năm về trước). Tôi nói điều này ra để mọi người hiểu
giúp: vì là người Hà Nội gốc nên khách đến dự hôn lễ của chúng tôi có rất nhiều
những vị đầu râu tóc bạc, có học thức. Những con người cả cuộc đời sống trong
sự văn minh, từ tốn của chốn đô thành, nên trước thực tế này ai cũng ngán ngẩm
và thương cho vợ chồng tôi. Thầy Uyển Diễm, một cây bút trong " Phong trào
Thơ mới", cũng là người dạy văn của tôi ở trường cấp 3 Lý Thường Kiệt, Hà
Nội rất thương hoc trò của mình và sau đó có tặng cho tôi một bài thơ chữ Hán
nói về sự kiện này...
Có một điều rất cảm
động và thật đặc biệt là trong suốt thời gian nhốn nháo căng thẳng ấy, dàn nhạc
luôn chơi không ngưng nghỉ. Khi khách khứa ra về gần hết, chỉ còn lại hai chúng
tôi và những người thân trong gia đình, cùng một số bạn bè, dàn nhạc vẫn mải
miết chơi. Những bài mà vợ tôi thích như “ Phiên chợ Ba Tư " “Sông Danube
xanh"… họ chơi sau cùng như bù đắp cho sự thiệt thòi của nàng.
Khi tôi đưa tiền thù
lao trả cho các nhạc công, người phụ trách dàn nhạc - một bác sĩ về hưu - đã
cương quyết không nhận. Tôi đã phải nói mãi ông mới thay mặt anh em trong dàn
nhạc nhận một túi bánh kẹo. Tôi cảm ơn bác sĩ kiêm nhạc công. Người bác sĩ già
đã chua chát khẽ ngâm câu thơ của Vũ Hoàng Chương: “Lũ chúng ta đầu thai nhầm
thế kỷ!”.
Đêm hôm ấy, trong căn
phòng hạnh phúc ở một con phố trước ga Hàng Cỏ, Hà Nội, vợ tôi để nguyên trên
mình bộ áo cưới nằm bất động. Tôi đứng yên, lặng lẽ nhìn ra cây bàng bên cửa
sổ, miệng liên tục rít thuốc lá (hồi ấy tôi còn hút thuốc lá). Khói thuốc lan
tỏa khắp căn phòng, tràn ra làm mờ những tán lá bàng xanh mơn mởn ngoài
ban-công.
Vậy đấy, với những
người ấy, chỉ cần chạm đến chút quyền lợi của họ, mà ở đây là lỡ làm chậm lại
một bữa rượu, là họ sẵn sàng nghiền nát chúng ta, người mà họ gọi là “Nhân
Dân”!
*GS. Nguyễn Bảo Châu (không phải Ngô Bảo Châu )
Nguồn: Tuấn Mai SG
Đọc xon bài nầy tôi tội nghiệp Anh Bảo Châu ** Đời người quan trong nhất là đám cưới và đám mà mà chúng tàn bao không biết, Anh Châu ơi thời bao cấp hay thời nào chúng nó CS cũng ác như vây!
ReplyDeleteAnh còn ở Vn thì bài có thể gặp khó khăn!
Con chó nó thấy kẻ trộm nó còn sủa, con người ở một cái xứ thấy điều sai cũng phảicâm mồm thì tội nghiệp quá
ReplyDeleteBộ này là nhà bác học nổi tiếng thế giới mới dám viết chớ người thường bố bảo cũng không dám hé răng . Công an nó lôi vô nhà lao với tội nói xấu nhà nước với ý đó phản động là bỏ ...mẹ !