Sunday, February 26, 2023

Tuổi Già Hạnh Phúc - Duy Nhân

 “Ông già bảy mươi tuổi bỗng chốc thấy mình trẻ lại như trẻ con: Cũng lăn ra sàn nhà, làm bò, làm ngựa cho cháu mình cỡi và thấy hạnh phúc trong từng ánh mắt, giọng nói, tướng đi, tiếng cười của cháu.”


Tác giả Duy Nhân tên thật Nguyễn Đức Đạo hiện ở tại Chicago, tiểu bang Illinois.Đã đóng góp nhiều bài Viêt Về Nước Mỹ và được lãnh giải nhiều lần từ năm 2001. Sau đây là bài mới nhất của tác giả. 

*****

Tuổi già được hiểu một cách đơn giản là tuổi về hưu, không còn làm việc nữa. Gần suốt đời theo đuổi công danh sự nghiệp, đấu tranh xây dựng xã hội, kế đến lập gia đình, lo cho con cái, giờ chúng đã trưởng thành và yên bề gia thất, nhiệm vụ xem như đã hoàn thành. Thời gian dành cho tuổi già, cho bản thân không được bao nhiêu. Vấn đề còn lại là sống thế nào cho có ‎‎ý nghĩa và hạnh phúc trong những năm tháng cuối đời?

Hạnh phúc thường được hiểu là trạng thái tâm lý khi mục tiêu được hoàn thành. Vì mỗi cá nhân có lý‎ tưởng và mục tiêu khác nhau nên ý niệm hạnh phúc cũng có tính chủ quan, tùy thuộc vào từng cá nhân. Hạnh phúc của người này chưa hẳn là hạnh phúc của người khác và có khi còn trái với hạnh phúc của người khác nữa! Chẳng lẽ không có một chuẩn mực phồ quát, chung nhất, đúng cho mọi người trong mọi hoàn cảnh, trường hợp? Câu trả lời là có. Do đó mới có bài viết này, ghi lại những trải nghiệm bản thân, để chia sẻ cùng những bạn già qu‎‎í mến nhất của tôi.

 
Thời gian trôi qua thật chậm và một ngày sẽ rất dài nếu như ta không có việc gì để làm. Thời đại internet ngày nay đã giúp giải quyết rất tốt vấn nạn này. Chỉ cần nhấp “chuột” một cái thì cả trăm tờ báo điện tử trong và ngoài nước hiện ra trên màn hình computer, tha hồ mà đọc. Cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư xuất bản từ năm 1935, bây giờ rất dễ dàng tìm thấy trên internet. Các website, trang mạng thì cập nhật tin tức trên toàn thế giới từng phút, từng giây. Chuyện gì xảy ra ở Việt Nam chỉ sau vài giây thì chúng ta đều biết, trong khi đồng bào trong nước không biết gì cả. Riêng về mặt này, về “quyền được biết”, chúng ta quả thật may mắn và hạnh phúc hơn đồng bào trong nước rất nhiều. 

Tuổi già thường hay hoài niệm về quá khứ, mơ về Việt Nam. Muốn nghe lại bản nhạc xưa, muốn xem lại tuồng cải lương cũ chỉ cần vào YouTube. Chúng ta có thể đi vòng quanh thế giới, và “đến” bất cứ nước nào chỉ trong vài giây. Sớm mai thức dậy hoặc sau khi cơm nước xong lúc chiều tối mà nhấp nháp ly cà phê hoặc vừa uống trà, vừa nghe nhạc êm dịu, cùng lúc xem những hình ảnh nghệ thuật, trong khi đọc những lời hay ý ‎đẹp từ các PPS (power point show) thì còn gì thú vị hơn? Sau giây phút lắng lòng, nhìn lại mình, nhìn lại đời để rút ra bài học kinh nghiệm mới thấy cuộc đời này có ý nghĩa biết bao! 


Sau đó, chuyển (forward ) các PPS mà mình tâm đắc nhất cho người thân, bạn bè để cùng chia sẻ thì hạnh phúc của mình sẽ nhân lên gấp bội. Những ai thích viết lách, muốn tìm tài liệu thì vào Google. Hầu như tất cả những gì mình muốn đều tìm thấy được trên internet. Một ngày nọ, lang thang trên “mạng”, tình cờ tôi biết được Victor Hugo, một đại văn hào, một nhà thơ lớn và cũng là một kịch tác gia lừng danh của nước Pháp và thế giới thế kỷ 19, lại là một người rất yêu thương cháu nội của mình. Năm 1871, con trai lớn bị stroke mất, sau đó con dâu cũng chết theo, để lại cho ông hai đứa cháu nội phải nuôi dưỡng. Lúc đó đã 70 tuổi, Hugo phải từ bỏ sự nghiệp văn hóa và chánh trị đang lên, dành hết thời gian còn lại để nuôi dưỡng và chăm sóc hai cháu. Tôi rất cảm động, khâm phục và học được nhiều điều lý thú về tài dỗ cháu của ông, vì tôi cũng đang chăm sóc đứa cháu ngoại bằng tuổi cháu ông lúc đó. Khi viết về đề tài câu cá, vào internet tôi biết được nhiều tin tức bất ngờ lý thú. 

Vua Lê Đại Hành (940- 1005) của chúng ta mê câu cá còn hơn việc triều chính và thích câu cá hơn là tiếp sứ Tàu. Cựu Tổng Thống thứ 39 của Hoa Kỳ, Jimmy Carter, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2002 thì nói những biến động công luận lớn nhất trong nhiệm kỳ Tổng Thống của ông (1977-1981) cũng không đáng nhớ hay quan tâm bằng những kỷ niệm đi câu cá với thân phụ ông. Năm 80 tuổi ông vẫn còn câu cá, bị hiệp hội các nhà bảo vệ động vật Mỹ ra văn bản phản đối. Từ internet, tôi truy cập được nhiều thông tin hữu ích về y học, cách nấu ăn, nghệ thuật nhiếp ảnh và nhiều lãnh vực rất quan trọng khác. 

Nói chung, nhờ internet, một thành quả khoa học của thế kỷ mà ngày nay tầm nhìn của chúng ta được mở rộng, kiến thức được tăng cường, làm thay đổi đời sống cá nhân cũng như diện mạo thế giới, không kể đó là một kho tàng giải trí tuyệt vời và vô hạn. Nhiều người nói, nếu không có internet thì thời gian của tuổi già chắc là lê thê lắm. Các nhà nghiên cứu cho biết việc tuy cập internet có tác dụng như tập thể dục cho não bộ, khiến cho đầu óc thêm minh mẫn, chống được trầm cảm (depression) và giảm được nguy cơ lú lẫn, mất trí nhớ (Alzheimer) là căn bệnh thường thấy ở tuổi già.

 

Chứng bệnh thông thường nhất của người già là hay nhức mỏi các khớp xương, nhất là khi đứng hay ngồi lâu một chỗ như ngồi trước computer chẳng hạn. Do đó, sau một lúc ngồi computer tôi thường vác cần đi câu để vừa thư giản đầu óc vừa sống với không khí trong lành ngoài trời và tận hưởng cái thú của ngư ông bên cạnh bốn cái thú mà ông trời đã ban phát cho con người là ăn, ngủ….. Như đã nói, hạnh phúc của người này chưa hẵn là hạnh phúc của người kia. Những người không thích câu cá nêu lên nhiều lý‎ do rất chánh đáng như: câu cá là sát sinh, câu cá rất tốn tiền, câu cá rất vất vả vân.vân và vân. vân…Những người này thì không bao giờ có được cảm giác mạnh, một hạnh phúc tột cùng của người đi câu khi cá cắn câu, khi phải chiến đấu với một con cá thật to trong nhiều phút, thậm chí hàng giờ mới lôi được nó lên bờ.


Xã hội của dân câu cá là xã hội của những người tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ cho nhau những gì mình có. Hôm nào bạn câu không được thì người ta cho cá mang về… khoe với bà xã là tay nghề của mình không tệ lắm. Lúc bạn câu được nhiều cá thì bạn cũng san sẻ bớt cho bạn bè hoặc bà con lối xóm, họ vui mừng biết chừng nào. Câu cá là một môn thể thao, một trò giải trí rất tao nhã cho người lớn tuổi và là một cơ hội để trở về với cách sống đơn giản, thuần khiết của cha ông. Vua chúa ngày xưa và Tổng Thống bây giờ cũng mê câu cá, có những gia đình gồm có ông bà, cha mẹ, con cháu củng nhau đi câu cá, mỗi người một cần câu, vui đáo để. Tôi chỉ tạm ngưng việc câu cá từ khi đứa cháu ngoại ra đời và phài chăm sóc nó cho tới bây giờ.
 
Còn nhỏ thì bận học hành, trưởng thành thì mang trên vai gánh nặng gia đình, tranh đấu với xã hội để tồn tại và vươn lên. Chuyện cơm, áo, gạo, tiền là nỗi ám ảnh không nguôi, nếu gia nhập quân đội thì lo chuyện sống chết từng ngày. Thì giờ ở đâu mà nghĩ tới bản thân, hưởng thụ cuộc sống? Cho tới lúc về hưu mới có điều kiện và đi du lịch, là một hình thức hưởng thụ cuộc sống lành mạnh nhất. Mặc dầu làm việc cả đời nhưng không phải ai khi về hưu cũng có đủ tiền để đi du lịch nay đây mai đó. Tốt nhất là trông cậy ở các con. Mỗi năm chúng hùn tiền lại mua cho ba mẹ chiếc vé máy bay đến nơi nào mà ba mẹ thích. Không được sao?
 

Du lịch các nước là chuyện bình thường. Trong hoàn cảnh đặc biệt của người Việt tha hương, theo ý riêng của người viết thì du lịch về Việt Nam vẫn là ý nghĩa nhất. Ý nghĩa vì ở đó có mồ mả ông bà, cha mẹ, có bà con, bạn cũ, có biết bao là kỷ niệm ấu thơ với mái trường, góc phố, công viên, đình làng, với dòng sông mà ngày xưa mỗi chiều đi học về, đem cặp sách giấu vội vào bụi rậm, cởi hết quần áo, nhảy ùm xuống sông mà bơi lội, nô đùa với bạn bè đồng trang lứa. Ôi! Sao mà êm đềm hạnh phúc quá đổi! Tôi về Việt Nam nhiều lần nhưng lần nào khi máy bay bay vào không phận Việt Nam và sắp sửa đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất tôi cũng bồi hồi xúc động đến rơi nước mắt. Về Việt Nam không đơn thuần là để giải trí, hưởng thụ mà là về nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn, về để tìm lại chính mình, nhắc nhở mình: cho dầu có sống ở đâu cũng không vong thân, không mất gốc. 

Đời người quá ngắn ngủi. Hôm qua là quá khứ, ngày mai thì chưa đến, vậy thì mình nên sống hết lòng với hiện tại, với ngày hôm nay như hưởng một món quà, (present: hiện tại, món quà) một ân sủng mà thượng đế ban cho chúng ta. Mỗi người chỉ có một cơ hội để sống cuộc đời của mình. Vậy thì sống và làm được điều mình muốn đã là hạnh phúc!” Câu này hoàn toàn đúng nhưng nhiều người hiểu chưa tới nơi tới chốn hai chữ hạnh phúc nên làm sai. Hậu quả: thay vì hạnh phúc, họ lại nhận lấy đau khổ.

 

Có nhiều ông già mang đô la về Việt Nam để hưởng thụ trên thân xác của phụ nữ bằng tuổi con cháu mình. Được chiều chuộng với lời lẽ mật ngọt, tưởng đâu đã tìm thấy hạnh phúc ở tuổi xế chiều nên về lại Mỹ ly dị vợ để rước người đẹp sang. Hậu quả là vợ con đau khổ, đành chối bỏ người chồng, người cha sanh tật. Ít lâu sau, người đẹp cũng ôm hết tiền bạc ra đi, bỏ lại ông già đau khổ và hận đời (thay vì hận chính mình) Bài học: Có những việc làm đưa tới kết quả ban đầu mình tưởng là hạnh phúc nhưng rốt cuộc đó là đau khổ. Chính xác hơn, đó là cái mầm đau khổ mà mình đã gieo, cho đến khi đơm hoa kết trái (đắng) mình mới nhận biết thì đã quá muộn. Một việc làm tốt khi nào nó có tính hướng thượng.


Hướng thượng là vươn cao, là cải thiện được bản thân về sức khỏe, tâm l‎í, tri thức, đạo đức, tình cảm. Mục tiêu cao hơn và xa hơn là chân, thiện, mỹ, mang lại hạnh phúc cho mình, đồng thời hạnh phúc cho người. Một hành vi mà luật pháp ngăn cấm, xã hội không thừa nhận và lương tâm không cho phép nhất định đó không phải là một hành vi đúng và tốt, hậu quả cuối cùng dĩ nhiên là đau khổ. Suy ra cho cùng, hạnh phúc hoàn toàn có tính khách quan và được mọi người thừa nhận chớ không phài chì là cảm giác cá nhân nhất thời. Khi cờ bạc, ta thắng thì người khác thua (đau khổ) thì sao gọi là hạnh phúc? Hay ít ra cái hạnh phúc đó nó không trọn vẹn. Nếu ta có thắng một vài lần nhưng những lần khác ta thua, khi tính sồ lại ta vẫn là người thua cuộc, người đau khổ!

Viết văn, làm thơ, nhiếp ảnh, vẽ tranh là những bộ môn văn chương, nghệ thuật, là những“trò chơi” có tính trí thức thanh cao, rất thích hợp đối với người già sau một đời theo đưổi công danh sự nghiệp, cuối cùng rồi cũng chẳng được gì và nếu có thì khi ra đi  cũng chỉ với hai bàn tay trắng! Chỉ có văn chương, nghệ thuật mới tồn tại, mới an ủi được con người và giải thoát được con người mà thôi. Tác phẩm tinh thần không mang lại tiền bạc nhưng làm cho cuôc đời thêm phong phú, ý nghĩa, đa tầng, đa nguyên, nhiều màu sắc, nhiều âm điệu và rất thanh cao. Ai đó đã nói: “Ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao”.

Nghề chơi nào cũng lắm công phu. Có những hôm trời thật lạnh, từ năm giờ sáng tôi đã mang máy ảnh ra bờ hồ Michigan canh chụp cảnh mặt trời mọc vì thời khắc huy hoàng nhất, rực rỡ nhất diễn ra chỉ trong vài phút. Để chụp được mặt trăng cho tròn và to, đôi khi phải đợi đến mười hai giờ khuya. Muốn chụp được cảnh tuyết cho đẹp thì phải đi thật xa, phải chịu rét mướt. Khi về thì mới hay là tay chân đã tê cứng, nước mũi chảy ròng ròng và ho sù sụ. Ông Q, bạn chụp ảnh với tôi nói có lần suýt chết khi đi chụp cảnh tuyết một mình nơi hoang vắng. Còn tôi, khi mãi mê chụp ảnh ông già ngồi bên vệ đường với lũ bồ câu, cũng suýt bị xe đụng. Ông bạn T.T.T của tôi cứ mỗi lần có sinh hoạt cộng đồng là mang giá vẽ, bút mực, dụng cụ đồ nghề ra vẽ chân dung hết người này đến người kia. Xong rồi thì tặng không cho họ. Đó là niềm vui, là hạnh phúc của ông.

Mấy ông bà già thường hay thúc giục các đứa con lớn lập gia đình sớm sớm để cho họ có cháu mà bồng. Điều này chứng tỏ cháu chính là niềm hạnh phúc của người lớn tuổi Việt Nam. Giữ con nít là một công việc vô cùng vất vả. Vậy mà lúc gần bảy mươi tuổi tôi có thể ngưng mọi thú vui như đọc sách, viết văn, câu cá, chụp hình… để giữ đứa cháu ngoại của mình khi nó mới có vài tháng tuổi để cho ba mẹ nó đi làm. Cực khổ rồi thì cũng quen, thay vào là niềm vui, cứ lớn dần từng ngày theo sự phát triển của cháu ngoại: biết cười, biết lật, biết trườn, biết bò, biết đi, biết nói, biết giỡn…Ông già bảy mươi tuổi bỗng chốc thấy mình trẻ lại như trẻ con: Cũng lăn ra sàn nhà, làm bò, làm ngựa cho cháu mình cỡi và thấy hạnh phúc trong từng ánh mắt, giọng nói, tướng đi, tiếng cười của cháu.
 

Thật là hả lòng hả dạ khi nghe cháu nói: “Mai mốt lớn lên con nuôi ngoại”, mặc dầu biết rằng điều này khó mà xảy ra. Hiện giờ cháu đã biết gãi lưng cho ngoại cũng làm ngoại vui lắm rồi. Giờ đây, cháu tôi đã đi mẫu giáo (pre- school) cho nên tôi đỡ cực hơn lúc trước. Mỗi ngày cứ đến bốn giờ chiều là tôi đi rước cháu, cho cháu ăn uống, chơi với cháu cho tới khi ba mẹ đi làm về ghé rước cháu. Vừa thấy tôi thấp thoáng ngoài cửa, cháu tôi cặp mắt sáng rỡ, dang rộng hai tay, chạy ùa ra khỏi lớp, lao vào ôm chầm lấy tôi. Tôi biết cháu tôi rất hạnh phúc và tôi cũng vậy. Làm gì thì làm, mỗi ngày tôi chỉ mong và canh tới giờ đi rước cháu. Không thể tưởng tượng được tôi sẽ ra sao nếu vì lý do nào đó mà tôi không được gần cháu tôi nữa. Nhiều người hỏi động lực nào khiến tôi có thể chịu khó nhọc vì cháu như vậy. Câu trả lời là Tình Thương. Có tình thương là có tất cả. Càng ban phát tình thương nhiều chừng nào, bạn sẽ nhận được hạnh phúc nhiều chừng đó.

Nếu Tây Âu theo chủ nghĩa cá nhân thì văn hóa Việt Nam đặt trên nền tảng gia đình gồm có vợ chồng, con cái và cha mẹ cùng sống chung dưới một mái nhà, có nề nếp, gia phong cần được vun bồi,  gìn giữ. Vì hoàn cảnh và tương lai các con mà cha mẹ đành bấm bụng để cho con đi học xa, rồi đau lòng nhìn con dọn ra ở riêng khi chúng lập gia đình. Chỉ có các con mới xa cha mẹ, bỏ cha mẹ chớ không có cha mẹ nào muốn xa con, xa núm ruột, hình ảnh của chính mình. Cha mẹ muốn gần con chỉ để lo lắng, chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ cho nó! Việc bỏ cha mẹ già vào nursing home là chuyện bình thường, đôi khi là cần thiết ở Mỹ nhưng hoàn toàn trái với phong tục, tập quán và tình cảm của người Việt Nam.

Có hai hình ảnh: Một ông già dắt cháu đi dạo ở công viên còn một ông già thì dắt chó cùng đi loanh quanh trong công viên đó. Chỉ cần có chút ít kiến thức về hai nền văn hóa Mỹ Việt, ta có thể nói đúng một trăm phần trăm rằng ông già dắt cháu là người Việt Nam còn ông dắt chó kia là người Mỹ. Người Mỹ khi đến tuổi trưởng thảnh (18 tuổi) hoặc khi lập gia đình thì ra ở riêng, cho nên ông bà đâu có cơ hội nào để gần gủi chăm sóc cháu của mình như người Việt Nam. Tuổi già thì cô đơn và buồn, chỉ có thể làm bạn với chó, mèo và cưng chó, mèo thôi. Nếu cứ cho thế là hạnh phúc, thì quả thật là một hạnh phúc xót xa!

Ngoài những người thân trong gia đình, bạn bè luôn luôn là nguồn an ủi lớn, không chỉ giúp ta bớt cô đơn mà còn làm cho đời sống vui tươi, hạnh phúc và phong phú hơn. Ông P.L đã tám mươi tuổi, chuyên môn sưu tầm rồi chuyển cho bạn bè những câu chuyện, những thông tin rất hay, hữu ích, và ý nghĩa, một đôi khi là những tài liệu, hình ảnh mà khi đọc, khi xem ai cũng ôm bụng mà cười, sảng khoái như vừa được uống “mười thang thuốc bỗ”. Một vài người bạn thì quá ít, cần phải có cả nhóm bạn. Tôi thì có rất nhiều nhóm bạn như nhóm văn thơ, nhóm làm báo, câu cá, chụp hình, nhóm bạn tập thể dục, nhóm cựu quân nhân, nhóm đồng hương, nhóm hội người già…Tha hồ mà vui chơi, sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt cộng đồng, làm công tác thiện nguyện. Từ đó bản thân mình mới hoàn thiện hơn, đồng thời thể hiện được giá trị của mình trong cộng đồng, không cảm thấy mình là quá “đát” (date), là đồ bỏ đi. Cho dầu đã bảy mươi, tám mươi tuổi mà vẫn thấy khỏe mạnh, trẻ trung, vui tươi, sôi nổi và yêu đời là vì vậy.

Để có thể kéo dài hạnh phúc tuổi già, phương thức tốt nhất là tập thể dục. Tập thể dục có tác dụng nâng cao sức đề kháng của cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, làm chậm quá trình lão hóa, chống lại bệnh tật, từ bệnh cảm cúm thông thường đến bệnh loãng xương, bệnh parkinson, giảm nguy cơ một số bệnh ung thư. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ ở Washington mới đây cho biết tập thể dục còn có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ (Alzheimer) đến 40% ở những người lớn tuổi.

Mọi người chúng ta ai cũng đang tiến đến cái đích cuối cùng của cuộc đời từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây. Đối với những người trên thất thập thì không ai dám chắc mình sẽ ra đi lúc nào. Hỏi có sợ không? Sợ chớ! Ai cũng muốn sống, đâu có ai muốn chết. Vấn đề là làm thế nào để hiểu thật sâu sắc lẽ vô thường, biết sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của tạo hóa để mà chấp nhận nó và chuẩn bị kỹ cho ngày ra đi của mình.


Chuẩn bị ở đây không phải là mua bảo hiểm nhân thọ hay mua sẵn phần mộ mà là chuẩn bị cho phần tâm linh, không phải cho kiếp sau mà cho đời sống hàng ngày có một nhân sinh quan, một thái độ sống đúng: không làm điều tội lỗi, không xảo trá, gian ác với ai, mà là xây dựng, giúp đời, cứu người, gieo rắc tình thương, mang lại hạnh phúc cho người và cho mình. Nếu mình không được hưởng thì con cháu mỉnh sẽ được hưởng theo luật nhân quả. Nếu không có gì để ân hận hay hối tiếc trong đời thì đến phút cuối mình sẽ thanh thản ra đi một cách êm ái và nhẹ nhàng như chiếc lá vàng rơi. 


Duy Nhân

1 comment:

  1. Cám ơn anh đã viết một bài rất hay, nhiều ý nghĩa cho mình học hỏi.

    ReplyDelete