Tuesday, September 12, 2023

Bên Kia Con Rạch - Chu Sa Lan


Sáu đứng im nhìn qua bên kia con rạch đầy nước. Ẩn trong chòm cây cao là ngôi chùa nhỏ. Theo như lời cô năm nói thì cái chùa này cũ lắm rồi. Nó được cất lên hồi cô còn nhỏ xíu mà bây giờ cô đã ngoài năm mươi. Như vậy là ngôi chùa cũng tròm trèm ngót nửa thế kỷ. Chùa cũ hay mới thì Sáu không chú ý lắm. Trong làng có một nhà thờ và một ngôi chùa. Nó chưa bao giờ tới thăm vì không phải là đứa trẻ ngoan đạo. Điều khiến cho nó chú ý tới ngôi chùa là vườn trái ở kế bên con rạch. Đứng đây nó còn thấy được những trái xoài cuống dài đong đưa trong gió. Những trái vú sữa màu trắng, da bóng lưỡng phơi mình dưới ánh nắng mặt trời óng ánh màu vàng thật hấp dẫn khiến cho nó thèm chảy nước miếng. Những chùm mận xanh đỏ ở trên ngọn cây cao rung rinh trong cơn gió như bàn tay vẩy mời và thách thức: ” Ê Sáu… Mày ngon mày qua đây ăn tao đi… Đố mày dám ăn trộm của nhà chùa… he… he… he… Tao biết mày là thằng chết nhát… hi… hi… hi…” Tiếng cười chế nhao khiến cho máu của Sáu sôi lên sùng sục mặc dù nó đang nắm chặt hai bàn tay và gồng mình để chống lại ham muốn của mình. Má nó và cô, thầy giáo đều dạy nó không được ăn cắp. Xấu lắm… Nếu người ta bắt được mình ăn cắp là sẽ bị hình phạt như cạo đầu, đóng trăn, ở tù, bị đánh đập. Tuy nhiên lời dặn dò của má và thầy cô cộng thêm hình phạt dường như yếu hơn sự thèm muốn. Nghĩ tới lúc nhai rau ráu trái mận xanh dòn rụm nó chảy nước miếng. Nghĩ tới những lát xoài tượng chấm với nước mắm đường Sáu cảm thấy nước miếng ứa ra đầy trong miệng của mình. Nghĩ tới cái vị ngọt lịm của trái vú sữa nó nuốt nước miếng ừng ực.


Vườn trái cậy vắng lặng. Gió rì rào hàng lá dừa nước mọc ven theo con rạch như tiếng réo gọi và mời gọi. ” Lẹ lên Sáu… Đồ ăn trộm ăn mới ngon… Trái cậy của nhà chùa mới ngon…”. Bây giờ Sáu mới biết tại sao ông Lỗ Trí Thâm đi tu rồi mà vẫn khoái cái chuyện lén lút uống rượu và ăn thịt chó. Ăn lén lút mới ngon… Ăn vụng mới ngon… Trái cây của nhà bà nội đâu có ngon vì đã rụng xuống đất rồi. Trái cây phải chín ở trên cây ăn mới đã. Đứng bên này Sáu cũng thấy được chùa có nhiều loại trái cây hấp dẫn hơn. Thèm muốn càng lúc càng mạnh khiến cho nó quên đi lời dặn dò của má và thầy cô. Khu vườn vắng lặng của chùa có sức hút quá mạnh mẽ khiến cho nó hối hả cởi quần áo để lội qua con rạch. Một tay cầm bộ quần áo giơ lên cao cho khỏi bị ướt, nó từ từ và cẩn thận lội qua con rạch đầy nước. Sang tới bờ bên kia nó nhè nhẹ leo lên bờ rồi đứng nép mình sau thân cậy xoài để quan sát. Đi ăn trộm mà không tính đường rút lui thì sẽ bị tóm cổ. Khi chủ nhà hay được thì mình phải biết đường mà dọt cho êm và cho lẹ. Nó đã đọc điều này đâu đó trong một cuốn truyện vui cười. Thấy sân chùa vắng tanh nó mặc áo rồi xỏ cái quần xà lỏn vào. Bựt… Sáu nghe tiếng động nhỏ và sau đó cái quần rơi tuột xuống tận mắt cá. Tiêu rồi. Cái quần đã bị đứt dây thun. Sáu bối rối. Đi ăn trộm mà bị đứt dây lưng quần thì đúng là lâm vào tuyệt lộ. Rủi bị chủ nhà rượt hổng lẽ ở truồng mà chạy. Coi sao được. Ngước nhìn những trái xoài đong đưa, trái vú sữa bóng ngời và những trái mận xanh đỏ nhìn mình như mời gọi, như thách thức, Sáu thở dài ngán ngẫm. Một tay phải kéo quần, còn một tay làm sao trèo lên cây được. Lạng quạng té sịt máu mũi hay què chân lọi tay. Tuy nhiên đã lỡ lội qua đây rồi hổng lẽ đi không mà lại về không. Thôi thì ngộ biến phải tòng quyền. Một tay giữ dây lưng quần, Sáu lom khom lượm mấy trái xoài rụng xếp thành đống. Đang mãi mê lượm nó chợt quay đầu nhìn khi nghe có tiếng tằng hắng vang lên sau lưng của mình. Trong bộ nâu sòng, một cô gái, hổng đúng, một ni cô đang nhìn nó mỉm cười. Sáu chưa bao giờ thấy ai cười mà đẹp như người ni cô này. Má nó đẹp, cười cũng đẹp song cũng không đẹp bằng ni cô.               

    – Em… Em…

Sáu ấp úng không nói thành lời rồi đưa trái xoài lên như có ý phân bua. Người ni cô mỉm cười gật đầu như hiểu ý.

– Em muốn bao nhiêu cứ lượm. Của nhà chùa là của bá tánh mà…

Sáu nhìn ni cô với ánh mắt biết ơn. Tự nhiên nó cảm thấy mình nhỏ bé trước ni cô. Đã không rầy la hay hạch hỏi mà ni cô còn bảo nó muốn lượm bao nhiêu cứ lượm. Nó chưa bao giờ thấy ai đối xử tử tế như vậy.

– Dạ em chỉ xin vài trái xoài thôi…

Ni cô cười nhẹ hỏi. Giọng của người ấm áp và ân cần.

– Em tên gì vậy?

– Dạ em tên Sáu…

– Nhà em ở đâu?

Chỉ ngôi nhà bên kia rạch Sáu đáp nhỏ.

– Dạ bên kia… Nhà bà nội của em…

Sáu nghĩ ni cô hỏi nhà để lát nữa qua mét má của mình nên nó vừa trả lời vừa liếc ni cô.

– Chị biết bà nội của em…

Sáu gật đầu cười gượng. Nhìn thấy nó một tay cầm trái xoài còn một tay ôm bụng ni cô hỏi.

– Em bị gì vậy. Đau bụng hả?

Sáu đỏ mặt lắc đầu.

– Dạ không có…

Thấy Sáu trả lời không có mà tay cứ dấu trong áo ngay chỗ lưng quần, ni cô bước tới đứng sát trước mặt nó.

– Em đau bụng thì đưa chị coi rồi chị dẫn vào trong chùa cho em uống thuốc…

– Dạ hổng có đau bụng… Em… Em…

Sáu ấp a ấp úng. Hổng lẽ lại thố lộ với ni cô là mình tính qua đây ăn trộm rủi bị đứt dây lưng quần sao.

– Em đừng sợ… Đưa chị coi…

Vừa nói ni cô giở áo của Sáu ra rồi dùng tay nắn bóp cái bụng bầu của nó.

– Có đau hông em?

Sáu mím môi để không bật ra tiếng cười.

Thấy Sáu cứ nắm lưng quần ni cô hỏi dồn.

– Tay em sao vậy? Bộ đau à?

Sáu bặm môi vì không biết nói làm sao. Thấy thế ni cô cầm tay nó. Sáu cảm thấy toàn thân tê dại vì cảm giác kỳ lạ khi bị ni cô nắm tay. Nó như mất hết sức phản kháng khi ni cô cầm tay nó đưa lên cao để xem xét. Tuy nhiên ni cô bật lên tiếng cười nhỏ khi chiếc quần xà lỏn rơi tuột xuống tới mắt cá của Sáu.

– A… Em bị đứt dây lưng quần mà chị lại tưởng em bị bịnh… Sao em không nói…

Sáu mắc cỡ tới độ muốn nhảy xuống nước lội về nhà. Nhưng nó lại bất động vì bị bàn tay mềm mềm, âm ấm của ni cô nắm chặt cứng.

– Dạ… tại… tại em…

– Thôi kéo quần lên đi rồi theo chị vào chùa. Chị sẽ nối dây lưng quần lại cho em…

Nói xong ni cô đi trước và Sáu riu ríu đi theo sau. Nó không thấy được nụ cười mỉm của người ni cô. Đi quanh co một hồi ni cô dẫn Sáu vào một gian buồng nhỏ.

– Em cởi quần ra đưa cho chị nối lại dây thun…

Sáu đỏ mặt. Tay của nó vẫn nắm cứng cái lưng quần. Như hiểu ý ni cô cười.

– Mắc cỡ gì… Chị coi em như em út mà…

Vừa nói ni cô vừa cầm tay Sáu và nó tự động để cho ni cô cởi quần mình. Cầm lấy cái quần ni cô bước ra khỏi buồng. Ngồi lại một mình Sáu tự hứa là sẽ không bao giờ ăn trộm của chùa để bị người của chùa bắt cởi truồng. Mất quần rồi làm sao chạy… Bây giờ Sáu mới nghĩ ra là mình ngu khi giao cái quần cho ni cô. Biết đâu ni cô giữ quần không cho mình chạy rồi mới kêu lính tới bắt về tội ăn trộm trái cây của chùa. Nghĩ tới đó Sáu đứng bật dậy. Nhìn quanh quất trong căn phòng rộng không thấy ai nó len lén ló đầu ra khỏi phòng nhìn trước nhìn sau. Hành lang vắng tanh không bóng người. Thoảng đưa theo gió nó nghe được tiếng mỏ gõ cốc cốc và tiếng tụng kinh đều đều, êm êm nghe buồn ngủ.

– Em đi đâu vậy Sáu…

Vừa dợm bước đi Sáu khựng lại khi nghe tiếng ni cô vang lên sau lưng của mình.

– Dạ em tính đi tìm chị…

Đưa cái quần cho Sáu ni cô cười. Sáu thấy choáng ngợp vì nụ cười của ni cô.

– Xong rồi đó… Em mặc dô đi…

Xoay người đưa lưng về phía ni cô Sáu xỏ nhanh cái quần xà lỏn xong mới quay lại cười nói.

– Em cám ơn chị… Em phải đi về…

Ni cô gật đầu cười đi trước dẫn đường. Ra tới mé rạch ni cô cười bảo.

– Chị tên Sa. Mai em qua nghen…

Thấy Sáu hơi ngần ngừ ni cô tên Sa cười tiếp.

– Chị tính nhờ em leo lên cây hái mấy trái xoài, vú sữa và mận để cúng Phật. Còn bao nhiêu em đem về nhà ăn…

Nghe nói vậy Sáu gật đầu vui vẻ lên tiếng.

– Dạ… Trưa mai em qua…

Đứng trên bờ ni cô tên Sa lắc đầu cười khi thấy Sáu nhào xuống nước và lặn một hơi ra tới giữa con rạch mới trồi đầu lên.


Dù chưa tới giờ hẹn Sáu cũng đã sẵn sàng. Nó mặc bộ quần áo mới nhất. Trước khi mặc quần nó còn cẩn thận xem xét lại dây lưng quần. Nó không muốn bị du vào tình cảnh của ngày hôm qua. Tuy mới có 9 tuổi nhưng nó không muốn bị cuổng trời trước mặt chị Sa. Dù là ni cô, chị Sa cũng là con gái, nhất là con gái đẹp như tiên dù nó chưa bao giờ thấy tiên.

Ngó trước ngó sau không thấy bóng của ai hai bên bờ con rạch nó cởi quần áo rồi lội qua. Lần này nó chọn một chỗ khác để lên bờ. Chỗ này có cây cối rậm rạp không sợ ai thấy nó trần truồng. Đứng phơi nắng cho mình mẩy khô ráo xong nó mới mặc quần áo vào và thong thả tới chỗ ngày hôm qua đã gặp chị Sa. Lát sau liếc thấy chị Sa vận bồ đồ tu hành đi ra nó làm bộ như không thấy bằng cách lui cui lượm mấy trái xoài rụng rải rác trên đất đem đặt tại gốc cây.

– Sáu chờ chị lâu không?

– Dạ em mới qua…

Ngước nhìn lên cây xoài Sáu cười tiếp.

– Để em leo lên hái xoài cho chị…

Ni cô tên Sa gật đầu dặn dò.

– Hái vài trái thôi. Em coi chừng bị té. Đừng leo cao quá…

Sáu cười dạ dạ. Nó không muốn nói cho chị Sa biết mình là con khỉ từng leo rào bẻ trái cây của dân chúng trong làng. Nhờ cây xoài nhiều trái nên Sáu không cần leo cao hay ra xa các nhánh cheo leo. Chừng mười phút nó đã hái được chục trái xoài to tướng. Kế đó Sáu hái thêm chục trái vú sữa và mấy chùm mận vừa chín tới. Nó không lấy trái nào mặc dù chị Sa nài ép. Nó bảo là để cho chùa cúng Phật. Phần nó không ngại ăn mấy trái xoài rụng. Hai người 1 tăng một tục, 1 cô gái và một đứa con nít lể mể khiêng hết đống trái cây vào sau phía hậu liêu. Sáu vui vẻ giúp chị Sa lau chùi sạch sẽ xong xếp trái cây vào những cái dĩa bàn. Nó làm một cách chăm chỉ và thành kính. Thỉnh thoảng nó quay nhìn chị Sa và thấy chỉ cũng cười với nó.

– Đi tu sướng hông chị Sa?

Sa chưa trả lời Sáu tiếp nhanh.

– Em thấy ở trong chùa buồn quá. Cái gì mà tối ngày cứ tụng kinh, gõ mõ, ê a nghe buồn ngủ muốn chết…

Ni cô tên Sa cười lắc đầu.

– Chùa là nơi tu hành, nơi thờ Phật thì vui sao được…

Sáu vọt miệng hỏi tiếp.

– Tại sao chị đi tu vậy chị Sa. Bộ chị thất tình hả chị Sa…

Người ni cô tên Sa ngước lên nhìn Sáu. Nó thấy mắt của chị Sa ươn ướt cùng với giọng nói buồn buồn vang lên rời rạc trong căn phòng im vắng.

– Chị đâu có thất tình…

Nói tới đó người ni cô dừng lại khẽ thở dài rồi tiếp tục.

– Để hôm nào rảnh rổi chị sẽ kể cho em nghe… Bây giờ thì chị nhờ em mang phụ chị mấy dĩa trái cây lên cúng Phật…

Hai tay khệ nệ bưng dĩa trái cây Sáu im lặng đi theo sau lưng chị Sa dài theo hành lang vắng lặng. Đâu đây có tiếng thì thầm đọc kinh hòa lẫn với tiếng mỏ. Mùi nhang bay thoang thoảng. Sau khi đưa cho chị Sa dĩa trái cây của mình, Sáu nhìn quanh quất căn phòng lớn với nhiều bức tượng là lạ. Có cái đặt trên mặt bàn. Bức tượng lớn hơn đặt trên nền gạch. Chăm chú nhìn bức tượng một ông đầu trọc, bụng phệ, nét mặt hiền từ Sáu mỉm cười hỏi.

– Ông Phật này ngộ quá hả chị Sa…

Tuy Sáu nói nhỏ song vì căn chánh điện vắng lặng nên tiếng nói của nó cũng thành to. Chị Sa cười nhìn nó.

– Ông đó là Phật Di Lặc…

Sáu nghiêng người thì thầm vào tai chị Sa.

– Ổng mập ú và bụng phệ dòm mắc cười quá…

Chị Sa cười im lặng. Sáu ngửi được mùi hương thật dịu dàng toát ra từ thân thể của chị Sa hòa lẫn với mùi đèn nhang tạo thành thứ mùi hương làm cho nó say say như lần đầu tiên lén lấy rượu của bà ngoại uống thử một hớp cho biết mùi vị ra sao.

– Tại sao khi đi tu người ta phải cạo đầu vậy chị Sa?

Sáu hỏi nhỏ. Ni cô tên Sa chưa kịp trả lời Sáu lại hỏi tiếp. Dường như nó có nhiều thắc mắc quá, hoặc giả không khí trong chùa yên tịnh quá làm cho nó phải nói để cảm thấy mình không bị lạc lõng hoặc bị bỏ quên. Nó chưa quen và có thể không bao giờ quen với không khí tu hành của chùa.

– Ngày xưa lúc còn để tóc dài chắc chị đẹp lắm hả chị Sa?

Sáu thấy được nét thoáng buồn hiện ra trên mặt của ni cô rồi nước mắt từ từ ứa ra khiến cho người phải chớp chớp mắt mấy lần rồi im lặng rời chánh điện. Sáu cũng lầm lủi theo sau.

Trở lại hậu liêu, vào phòng riêng của mình, người ni cô tên Sa cười bảo Sáu.

– Em muốn ăn trái cây cứ việc ăn đi…

Sáu lắc đầu. Lúc đầu nó qua chùa vì thèm trái cây nhưng bây giờ nó cảm thấy có cái gì quan trọng hơn. Nó thấy mến chị Sa, muốn được gần gụi, quanh quẩn bên chị để nghe cái giọng thanh thanh, êm ái và dịu hiền của chị. Để nhìn nét mặt hiền từ của chị. Má nó cũng đẹp như chị Sa. Có lẽ chị Sa đẹp hơn vì còn trẻ. Chị Sa khác với thầy Quờn, cô giáo Thâu, con Mơi, con Ấu, cô Năm, bà Nội, Má hoặc chị Năm của nó. Chị không có đánh nó như ông thầy Quờn. Chị không ký đầu nó như cô Thâu. Nếu nó làm điều gì sai quấy hoặc không đúng ý, chị nhỏ nhẹ chỉ dẫn và tự mình làm cho nó thấy để theo đó mà làm. Chị là tấm gương trong sáng của mọi hành động. Nó thích được nghe chị Sa kể chuyện cổ tích, nhất là những chuyện có liên quan tới Phật.

Liếc thấy chị Sa ngồi nhìn ra ngoài trời với vẻ mặt đăm chiêu Sáu cũng ngồi im. Dù còn nhỏ nó cũng biết chị buồn.

– Chị buồn hả chị Sa?

Chị Sa gật đầu. Quay lại nhìn Sáu, chị cười hiền.

– Em muốn ngủ lại chùa không?

Sáu gật đầu liền rồi nhìn quanh quất căn phòng nhỏ của chị Sa. Chỉ có chiếc giường nhỏ trải chiếu.

– Em ngủ ở đâu?

Chỉ vào chiếc giường nhỏ chị Sa cười.

– Trên giường của chị đó…

– Rồi chị ngủ ở đâu?

– Chị lên chánh điện tụng kinh suốt đêm…

– Ngủ một mình em sợ ma…

Chị Sa bật cười song giọng nói lại nghiêm nghị.

– Trong đất Phật không có ma…

Dù không hiểu nghĩa câu nói của chị Sa nhưng Sáu cũng gật đầu. Chị Sa nói tiếp.

– Còn nếu em sợ ma thì chị ngủ chung với em…

Sáu gật đầu cười nói một câu mà nghe xong chị Sa cũng cười.

– Để em về nhà xin phép má em rồi em trở qua…

Chị Sa gật đầu đi với Sáu ra sân. Đứng nhìn theo bóng Sáu người ni cô khe khẽ thở dài. Người nhớ khi mình cắt tóc đi tu thì đứa em trai cũng vào tuổi của Sáu. Hơn năm năm rồi…


Đêm tối mông lung. Tiếng mưa rơi lộp độp trên mái ngói. Gió rung cây cối thành thứ âm thanh ào ào. Chị Sa ngồi im. Ánh mắt của người ni cô mất hút vào màn đêm rồi lát sau giọng nói buồn buồn cất lên trong không khí ẩm ướt.

– Chị có chồng trước khi chị đi tu. Chị lấy chồng năm chị mười bảy tuổi. Như bao nhiêu trai tráng khác anh Hưng đã tham gia kháng chiến chống Pháp lúc anh chị còn thương nhau. Sau khi đám cưới xong chừng nửa năm thì anh Hưng được lãnh nhiệm vụ mới và phải đi xa tận Cà Mau. Từ đó chị không gặp lại anh nữa. Mãi cho tới năm 1954, chị nhận được hung tin là anh đã chết trên đường trở về nhà thăm chị. Buồn rầu chị quyết định đi tu…

Chị Sa kể vắn tắt. Có lẽ thấy Sáu còn nhỏ chưa hiểu được những khúc mắc tình cảm nên chị chỉ kể sơ lược thôi. Tuy vậy Sáu cũng hiểu. Nó thường nghe người lớn nói đàn bà, con gái còn trẻ vì thất tình nên mới đi tu. Nhìn chị Sa đang ngồi nơi đầu giường nó hỏi nhỏ.

– Như vậy chị đi tu vì thất tình hả?

Chị Sa cười. Lần đầu tiên Sáu mới thấy chị Sa cười vui.

– Em biết thất tình là gì không mà hỏi…

Sáu cười hắc hắc.

– Em nghe người ta nói là mình thương người nào mà hổng được người ta thương lại thì gọi là thất tình…

Chị Sa mỉm cười nhìn Sáu rồi nhìn ra ngoài màn đêm mông lung. Tiếng mưa rơi lộp độp trên mái ngói.

– Nói như em thời chị đâu có thất tình. Chồng chị chết chị buồn nên mới đi tu…

– Chồng chết tại sao chị không đi lấy chồng khác mà lại đi tu. Em thấy nhiều người trong làng chồng họ chết thời họ cũng đi lấy chồng khác…

Chị Sa bật lên tiếng cười ngắn. Lần đầu tiên Sáu mới nghe chị cười thành tiếng. Bình thường hoặc khi có điều gì vui chị cũng chỉ mỉm cười mà thôi.

– Tu là cội phúc, tình là giây oan… Em có nghe nói như vậy không…

Sáu gật đầu dù nó không hiểu nghĩa của câu nói đó. Nhìn ra ngoài trời mưa rả rích nó chép miệng.

– Đi tu buồn thấy mồ…

Nói xong Sáu thấy chị Sa thở dài rưng rưng nước mắt. Thật lâu giọng nói thanh thanh, nhẹ và êm của chị vang lên trong căn phòng nhỏ hẹp, ẩm ướt và thoang thoảng mùi nhang thơm.

– Sau khi anh Hưng chết, chị vẫn sống bên nhà chồng cho tới khi mãn tang anh Hưng rồi sau đó trở về nhà ba má của chị. Ba má chị lại gã chị cho một người đàn ông góa vợ ở làng bên cạnh. Tuy nhiên chị không được sung sướng với người chồng thứ nhì. Ông ta say sưa, cờ bạc tối ngày và còn đánh đập khiến cho chị buồn bã. Vì thế chị bỏ chồng trở về nhà ba má rồi sau đó quyết định đi tu…

Sáu lặng thinh. Chị Sa biết Sáu còn quá nhỏ để hiểu được hoàn cảnh của mình.

– Chị mấy tuổi rồi chị Sa?

– Hai mươi ba. Em mấy tuổi rồi?

– Dạ mười tuổi… Chị lớn hơn em mười ba tuổi… Phải chi…

Sáu ngừng lại cười nhìn chị Sa. Nó có cử chỉ hơi bối rối và thẹn thùng.

– Phải chi cái gì…?

Chị Sa nhìn Sáu chăm chú. Trong ánh đèn dầu mờ mờ chập chờn lay động theo cơn gió lùa vào Sáu thấy đôi mắt của chị long lanh buồn như có nước mắt.

– Dạ… Dạ…

Sáu ấp úng rồi sau đó mới bật lên câu nói.

– Dạ… Phải chi em lớn bằng chị…

Chị Sa mỉm cười lắc đầu hỏi.

– Em lớn bằng chị để làm gì?

Lắc đầu không trả lời Sáu nhìn ra ngoài trời rồi len lén nhìn chị Sa đang cúi đầu nhìn xuống đất.

– Em hỏng muốn chị đi tu… Em muốn có người chơi với em…


Chị Sa gật đầu cười liếc nhanh đứa trẻ mười tuổi đang ngồi bên cạnh mình. Nó khác hơn những đứa trẻ mà chị đã gặp. Trên khuôn mặt ngây thơ đã có chút gì già dặn và ưu tư qua ánh mắt nhìn đăm đăm và lời nói đôi khi khiến cho chị phải suy nghĩ.

– Em thương chị…

Chị Sa chớp mắt vì ba tiếng giản dị đó.

– Chị hiền mà sao chồng chị lại đánh chị… Nếu em là chồng chị em sẽ thương chị thật nhiều…

Chị Sa rưng rưng nước mắt. Quay nhìn Sáu chị cười nói nhỏ.

– Em là đứa trẻ có tâm tính hiền lành và thiện lương. Chị cám ơn em về câu nói đó nhưng mỗi người sinh ra đều có một số phận khác nhau… Cái số của chị là phải chịu trắc trở về tình duyên. Muốn thoát ra khỏi cái khổ sở về tình duyên chị phải đi tu…

Nhìn thấy Sáu đưa tay lên che miệng ngáp chị cười.

– Em buồn ngủ hả. Em nằm trên giường chị ngủ đi. Chị đọc kinh xong sẽ ngủ với em…

Nằm xuống giường Sáu lên tiếng. Giọng của nó có chút nhõng nhẽo.

– Chị kể chuyện đời xưa đi chị Sa. Chị kể chuyện dỗ em ngủ nghen chị Sa…

Ni cô tên Sa gật đầu mỉm cười. Câu nói của Sáu khiến cho Sa nhớ tới đứa em trai của mình. Lúc chưa lấy chồng Sa vẫn thường hay kể chuyện đời xưa để dỗ em ngủ. Giọng của Sa cất lên êm và nhè nhẹ trong căn phòng tịch mịch và ẩm ướt hơi nước mưa.

– ” Trong một khu rừng nọ, có một con chim gõ kiến thực hành từ bi tâm và Bồ Tát đạo.

Con chim gõ kiến này khác với mấy con chim khác, bẩm sinh nó thông minh sáng láng, lại lông cánh tuyệt đẹp. Khi nó bay, trông nó uy nghi trang trọng, bởi vậy các con chim khác gọi nó là vua của loài chim rừng.

Trong rừng có những thân cây bị mọt ăn thủng lỗ, thì loài chim gõ kiến hay đi tìm bắt sâu mọt trong những lỗ thủng ấy ăn để mà sống. Nhưng con chim gõ kiến này nhân từ quá nên chỉ ăn các mầm chồi non mềm hay uống nước các thứ trái cây, chứ không nỡ mổ những con mọt nhỏ bé kia để mà nuôi thân. Ðồng thời, nó cũng mà một vị y sĩ rất thông minh, nó có thể trị bệnh cho loài chim và cho cả loài thú đi trên mặt đất nữa.

Có một lần, chim gõ kiến bay qua cánh rừng, gặp một con sử tử nằm dài bên vệ đường, lớn tiếng kêu rống, rên rỉ đau đớn. Chim gõ kiến ngừng xuống hỏi:

– Hỡi vua của loài thú! Ai làm cho bạn đau đớn như thế? Có phải là bị tên của thợ săn bắn trúng? Hay mắc phải một chứng bệnh nguy ngập? Hay là mới gây hấn với loài voi? Hay tại đói quá nên đau đớn? Xin bạn hãy nói cho tôi biết, không chừng tôi có thể giúp bạn được!

– Hỡi vua của loài chim! Tôi không phải bệnh, cũng không phải gây hấn với voi, mà chỉ tại tôi mắc xương ngang cổ họng. Cái đau đớn cùng cực này, so với cái đau bị trúng tên cũng không thấm gì. Nó làm cho tôi không nuốt vào được, nhổ ra cũng không được, nếu bạn có thể giúp tôi thì xin bạn hãy ra tay làm phúc!

– Tôi có thể giúp bạn, miễn là bạn nghe lời tôi dặn bảo.

Sư tử gật đầu ưng thuận, chim gõ kiến bèn đi tìm một cành cây thật chắc chắn, bảo sử tử há miệng thật to, to đến mức không há nổi nữa mới thôi, rồi mới kê nhánh cây vào miệng sử tử. Xong đâu đó, chim mới bay vào miệng sư tử, khôn khéo làm cho hai đầu miếng xương nông ra một chút, rồi dùng hết sức lực ngậm xương trong mỏ kéo ra. Sau đó, nó từ từ xê dịch khúc cây ra khỏi miệng sư tử. Con chim gõ kiến hoàn thành sứ mạng trong lòng rất khoan khoái, lúc ấy mới cáo biệt sư tử mà bay đi.

Sư tử không còn đau đớn nữa, trong lòng cũng rất cảm khái, tạ ơn chim gõ kiến rồi cũng từ biệt mà quay về.

Một thời gian sau, chim gõ kiến kiếm không thấy thức ăn được nữa vì trước đó trời hạn hán, không có lấy một giọt mưa, chồi cây và hoa quả cháy sém khô cằn, chim gõ kiến kia đói quá ngày một tiêu mòn, chỉ mấy ngày nữa nếu cứ thế này mãi thì chắc là chết đói mất!

Toàn thân rã rời, nó mệt mỏi tìm kiếm cái gì ăn thì đột nhiên thấy dưới một gốc cây to, con sư tử mới cứu hôm nọ, đang mải miết ăn một con cừu béo mập săn được. Nó ngấu nghiến nhai nhai nuốt nuốt, không màng tới bất cứ chuyện gì khác.

Con chim gõ kiến bay xuống, khép nép đứng bên cạnh sư tử, nhìn nó bằng cặp mắt cầu khẩn như xin ăn mà không mở miệng nói một lời nào. Nhưng con sư tử vô tình vẫn nhồm nhoàm nhai nuốt miếng thịt cừu của mình, không thèm ngó ngàng gì tới con chim gõ kiến, giả vờ như không thấy.

– Chắc anh chàng này không nhận ra mình.

Chim gõ kiến nghĩ như thế, mới bèn tiến tới gần con sử tử, cầu cứu một cách khiêm tốn:

– Hôm nay tôi đến gặp bạn như một kẻ ăn mày, xin bạn cho tôi một chút gì ăn, tôi đói quá rồi bạn ạ. Nếu bạn thuận lòng thí xả một chút thức ăn cho một kẻ sắp chết đói, thì công đức của bạn rất lớn!

Con sư tử hung dữ gầm lên:

– Mi to gan thật, trong lúc ta đang dùng bữa thì mi táo bạo dám đến gần, ý mi muốn hiến thân làm thức ăn cho ta phải không? Cái lúc mi bay vào miệng ta lấy miếng xương ra khỏi họng, là vì ta cho phép mi làm, chẳng có gì đáng kể công hết! Ta không có lòng nhân từ, mi có cút đi không!

Con chim gõ kiến không nói không rằng, lặng lẽ ôm nỗi thất vọng trong lòng, sửa soạn bay đi.

Thần cây thấy con sư tử vong ân bội nghĩa như thế, trong lòng hết sức bất bình, bèn hỏi chim gõ kiến:

– Tại sao bạn không mắng cho vào mặt của cái phường vong ân ấy? Không lẽ bạn không đủ sức đối phó với hắn hay sao? Bạn là ân nhân của hắn mà hắn lại đối xử vói bạn một cách hung dữ như thế, tại sao bạn không tới mổ vào hai con mắt của hắn, mà lại chấp nhận cho hắn tàn nhẫn ngược đãi bạn?

– Ðừng nhắc tới hắn nữa. Xử phạt con sử tử vong ân bạc nghĩa ấy không phải là việc của tôi. Trong tương lai, hắn sẽ tự nhiên lãnh lấy hậu quả của sự vong ân bạc nghĩa ấy. Nếu có một ngày nào đó gặp nạn, sẽ không ai đến cứu hắn nữa. Nhưng tôi không bao giờ ân hận đã thi ân cho hắn. Nếu như tôi nghĩ đến sự báo đáp rồi mới thi ân, thì đó là một việc mua bán vay trả, chứ không phải là một hành động đạo đức cao cả.

Thần cây nghe chim gõ kiến nói như thế, cảm động mà khen ngợi rằng:

– Bạn thật là một người nhân từ, đạo đức cao thượng. Bạn không giống như một con chim, mà lại giống một con người khoác lên một bộ lông cánh tuyệt đẹp. Trí huệ phúc đức của bạn sẽ vĩnh viễn không bao giờ thiếu sót!

Thần cây tán thán xong cáo biệt mà đi. Con chim gõ kiến cũng rời bỏ con sử tử vong ân bạc nghĩa. Một vài ngày sau, con sư tử bị thợ săn bắn chết.

Không bao lâu, trời rưới xuống một trận mưa pháp cam lồ, làm cho khắp mặt trái đất được tươi nhuần tươi tốt, hoa nở, lá non. Con chim gõ kiến nhân từ kia được cả trái đất ca tụng và khen ngợi…”

Ngừng kể Sa mỉm cười khi thấy Sáu đã nhắm mắt ngủ trong lúc còn nắm chặt bàn tay của mình.


Một năm sau gia đình Sáu dời lên tỉnh rồi sau đó dọn lên Sài Gòn. Nó không còn dịp nào để gặp lại người ni cô mà nó hay gọi làchị Sa; tuy nhiên nó không bao giờ quên hình ảnh người con gái hiền dịu trong bộ quần áo tu hành. Mỗi khi muốn làm điều gì xấu xa thì câu nói của chị Sa lại văng vẳng bên tai của nó. ” Đừng bao giờ trộm cắp hay cướp bóc của ai. Muốn cái gì của người khác em hãy van xin, hoặc năn nỉ và em sẽ được. Phật sẽ làm cho người ta động lòng và biếu tặng em cái gì em muốn…”


Chu Sa Lan

No comments:

Post a Comment