Sunday, September 24, 2023

Một Chút Ân Tình - Nguyễn Minh Quân


 

Khi tôi bước vào phòng, anh đã thu dọn xong mọi thứ, chỉ còn cái radio cũ hiệu Sony nằm chỏng chơ trên một góc giường. Ở phi trường, trước khi chia tay để vào phòng đợi, anh trao cho tôi cái radio và một bao thư: "Nhớ giử cái này làm kỷ niệm, còn cái này cậu bỏ hộ mình vào thùng thư khi mình rời khỏi đây, OK, thế thôi, mình đi nha, nhớ bỏ thư dùm". Tôi ghé bưu điện bỏ thư, ra xe đã 9:20, sáng thứ bảy đường vắng, trên radio SBS, như mọi sáng thứ bảy dạo gần đây, chị Ngọc Hân đang đọc bài viết của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc với những cách đặt tên rất Việt Nam: Thôi - Đừng - Nữa...

Hôm nay, lại thêm một thứ bảy, anh đã rời xa Úc đúng một tuần. Có lẽ anh đang ở một trung tâm hồi phục tâm lý trẻ em nào đó tận bên Âu Châu, Phi Châu hoặc Á Châu. Tôi cố giữ thói quen đi bộ như khi anh còn ở với tôi; ra đến cửa, tôi sực nhớ đến cái radio. Thứ bảy nào cũng vậy, tôi và anh vừa đi bộ vừa nghe chương trình tiếng Việt SBS, khi nào chương trình chấm dứt thì về. Sáng nay tôi cũng muốn làm thế để nhớ về anh.

Tôi quen biết anh hơn sáu năm nay, nói thân cũng đúng, ở với nhau bằng ấy năm, không thân sao được; nhưng nói không thân chưa hẳn đã là sai, vì tuy ở với nhau lâu thế, anh không hề hé môi với tôi một lời về những quãng đời không vui của anh. Nhìn anh tôi biết anh có những tâm sự còn dấu kín, ngược lại tôi cũng có những nổi niềm riêng không tiện nói ra.

Ngày ấy, tôi đến Agent để trả nhà, những người chia phòng với tôi không ở nữa, họ lập gia đình với nhau và ra ở riêng. Còn anh thì đến mướn nhà. Chúng tôi làm quen khi ngồi đợi. Chẳng hiểu vì sao tôi lại hỏi anh có muốn ở chung với tôi không. "Miễn là có chổ ngã lưng, ở đâu cũng được", anh trả lời tôi cộc lốc như thế. Bấy nhiêu năm nay anh vẫn vậy, đăm chiêu và ít nói. Chỉ có sáng thứ bảy khi nghe chương trình tiếng Việt SBS, anh thường nói đôi chút, đúng hơn là phê bình dăm đôi câu. Và sáng nay, tôi không còn nghe anh bình phẩm về chương trình phát thanh nữa, anh đã đi rồi. Nhưng sáng nay, lần đầu tiên, qua sự trình bày của chị Ngọc Hân và anh Vũ Nhuận, tôi nghe người bạn sáu năm của tôi tâm sự, dù rằng anh nói trọn tâm tư của anh với tất cả mọi người đang nghe đài SBS, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng rằng anh đang nói cho riêng tôi với những trang thư anh nhờ tôi gởi hộ....

Kính thưa các bạn, khi những lời này của tôi được chị Ngọc Hân và anh Vũ Nhuận truyền âm đến với các bạn, tôi đã rời xa mảnh đất cực Nam thanh bình mà trong gần một phần tư thế kỷ, tôi - cũng như các bạn, đã chọn làm quê hương thứ hai cho chuổi ngày còn lại của đời mình, xứ sở ấy đối với mỗi một chúng ta sẽ mãi mãi là một ân tình không bao giờ đền đáp nổi. Đối với tôi, có lẽ hơn một lần tôi được nuôi lớn khi chọn nơi này làm quê hương. Trên trang giấy này cho phép tôi được qùy xuống để tạ ơn Australia (dù không bao giờ tôi trả nổi), đã cho tôi một chốn đi về, một chỗ dung thân và trên hết đã cho tôi một cơ hội làm người có tổ quốc, một quyền thiêng liêng mà tôi đã bị tước mất trên chính quê hương mình hai mươi lăm năm về trước. Tôi đã trở thành kẻ tội đồ vì trót sinh ra trong thời ly loạn, vì đã phải lớn lên trong một giai đoạn lịch sử của chiến tranh, rẽ chia và thù hận.

Sau 30 tháng Tư năm 1975, những người Cộng Sản chiến thắng đã nói với chúng tôi rằng: Chiến tranh đã chấm dứt, Nam Bắc một nhà, anh em cần tập trung 12 ngày để học tập chính sách của Đảng và Nhà Nước về hòa hợp hòa giải dân tộc. Thưa các bạn, 12 ngày ấy đối với tôi đã thành 12 năm dài thăm thẳm. Bắc - Nam trở thành kẻ thắng người bại và cái gọi là hòa hợp hòa giải đã biến Việt Nam thành một nhà tù khổng lồ. Thêm vào đó, nhà cầm quyền Hà Nội với "những đỉnh cao của trí tuệ, và những lương tri của loài người" đã dạy cho lớp mầm non con Rồng cháu Lạc một nền văn hóa khác lạ nhất hành tinh: Văn Hóa Chợ Trời!. Một nền văn hóa mà từ khi mới chào đời, những đứa bé đã được mớm nuôi bằng những tư tưởng quái đản. Hể cứ nghèo khổ dốt nát là được liệt vào hàng chuyên chính vô sản - giai cấp tinh anh của xã hội; giàu có trí thức là va vào tội chết. Một nền văn hóa luôn luôn đầu độc và khích động thanh niên bằng thứ "Công Lý ngự trị trên đầu súng, Mạnh được, Yếu thua". Cái xã hội mệnh danh là ưu việt đó đã phá hủy tan hoang nền nếp văn hóa cổ xưa của một dân tộc có bề dày bốn ngàn năm lịch sử. Chúng tạo nên một "lớp người mới Xã Hội Chủ Nghĩa" lưng tôm, mỏ chim chuyên đi "tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm". Thứ cặn bả con ông cháu cha, cậy quyền ỷ thế, sống ký sinh vào mồ hôi nước mắt của dân đen. Lủ người ngu muội đó đã bán đứng Vinh Quang Tổ Quốc tôi, đã xé nát đồng ruộng đất nước tôi, đang đọa đày đói khổ đồng bào tôi, và cũng chính bọn người man rợ đó đã ép chết cha mẹ, anh em bè bạn yêu qúy nhất của đời tôi.

Thưa các bạn, một nửa tuổi thanh xuân của tôi, cũng như của bao nhiêu đồng đội khác, đã bị cuốn đi trong cơn lốc chiến tranh giữa hai luồng ý thức hệ, nửa phần còn lại tôi bị cướp đi trong những năm tháng lao tù "cải tạo".

Năm 1987, tôi về thành phố, công an phường, khóm, khu phải "theo dõi uốn nắn" để tôi sống hòa hợp với một xã hội man rợ mới. Khi tôi đi, con tôi chưa biết nói. Bây giờ tôi về, con tôi đang phụ mẹ bán dạo ở bến xe đò, đói no ngày hai bữa nuôi thân. Tôi đứng nhìn vợ con mình mất hút trong những đám bụi đỏ sau những chuyến xe vừa đổ bến, cố nài nỉ bán cho được một ổ bánh mì thịt hay một vài ly trà đá. Tôi có cảm tưởng rằng ai đó đang nhỏ vào miệng tôi nước gừng cay pha muối mặn. Mười hai năm xây dựng xã hội mới, ngàn lần tươi đẹp hơn, theo lời thơ ông Tố Hữu, đã đẩy vợ tôi từ bục giảng trường trung học văng ra bến xe đò kiếm kế sinh nhai. Mười hai năm thằng cha chịu những trận đòn thù trong lao tù "cải tạo", đứa con lớn lên bên hè phố, ngu ngơ giữa chốn chợ đời vật lộn chuyện áo cơm. Đây là niềm ước mơ của bao kẻ chờ mong ngày "thống nhất đất nước" ư? Hay đây là thiên đường mù được xây lên bởi những kẻ quáng gà loạn thị? Thưa các bạn, một thành tích vĩ đại độc nhất vô nhị mà những người cộng sản đem đến cho miền Nam, khi họ khoác lên mình "chiêu bài" giải phóng, là đẩy ra biển Đông gần hai triệu con người bón phân cho biển mặn, và xô lên rừng hàng trăm ngàn hình hài da gói lấy xương. Tự do ư? Hạnh Phúc ư? Tự do ở đâu? Hạnh Phúc ở đâu? Sao Mẹ cằn khô, mắt nhòa ngấn lệ, chờ đợi con về mòn mõi thâu đêm. Tự do ở đâu? Hạnh phúc ở đâu? Sao vợ tìm chồng vượt sông lội suối. Con tuổi trưởng thành không thấy mặt cha Tự do - Ấm no - Hạnh phúc Chúng dấu nơi nào tìm mãi chẳng ra!

Năm 1988, với một chút vốn liếng còn giữ lại, vợ chồng tôi tìm đường vượt biển. Chuyện vượt biên phải trốn tránh công an, sợ bị lừa bị gạt, lênh đênh đói khát trên biển, hầu như trong cộng đồng chúng ta ai ai cũng từng nếm trải, nó đã trở nên những điều tất phải đến và đã được nhắc đi nhắc lại như những chuyện cơm ăn áo mặc đời thường. Tôi không muốn phải lập lại thêm những giai điệu đã qúa nhàm tai với các bạn. Nhưng câu chuyện mà tôi sắp kể với các bạn trong một vài chốc lát nữa đây, không phải là chuyện tôi muốn kể để các bạn nghe cho vui rồi bỏ, thực ra tôi xin các bạn một vài giây phút trong đời sống hết sức qúy báu và bận rộn của các bạn, để mong các bạn sẻ chia với tôi một nổi uất nghẹn đã hành hạ tôi suốt mười mấy năm trời.

Chuyến vượt biên gia đình tôi đi gồm 97 người, đi từ bãi Lam Sơn, Bà Rịa, ra cửa Vũng Tàu. Đi được hai ngày hai đêm biển êm gió lặng, đến ngày thứ ba thì gặp bão nên lạc hướng, bão đã đưa chúng tôi đến đâu, không ai biết. Nhưng khi cơn bão tan thì thuyền đã ngập nước, nước uống và dầu không còn. Xung quanh chúng tôi mênh mông một màu xanh của biển. Những tiếng vổ của nước vào mạn thuyền nghe lẻ loi như tiếng chim hải âu vọng lại giữa trùng khơi. Đâu là bờ, đâu là cỏi sống, câu trả lời là những tiếng thở dài rả rượi của một đám người đang mất dần chút vốn liếng còn lại của niềm tin. Tiếng rì rào của biển, tiếng than thở của người, tiếng vổ của nứớc, một thứ hợp âm buồn tẻ lập đi lập lại, tan loãng giữa khoảng không mênh mông vô tận. Ngày nắng rát, khát cháy cổ khô môi, đêm rùng rợn giữa màu đen của biển. Tít tắp ở trời cao là những vì sao đang chớp tắt một thứ ánh sáng yếu ớt như cố châm lại một niềm tin cho lủ người đói, khát, khổ nạn. Ngày nắng cháy trông đêm về để liếm một chút sương, khi đêm xuống trông ngày chóng lên để xua đi màu đen kinh hoàng của biển. Cứ như thế những con người vô vọng luẩn quẩn với nhịp thời gian giữa ngày và đêm. Và cứ như thế con thuyền tiếp tục trôi về nơi vô định, nó có thể tấp vào một bến bờ nào đó mà con nước muốn xô đẩy nó trôi đi. Không ai còn một ý nghĩ nào khác hơn là chờ để được chết. Có lẻ chết sẽ là hạnh phúc vì không còn phải chịu đựng sự khủng khiếp của nhịp thời gian ngày và đêm, sóng và nước.

Sau sáu ngày và năm đêm, đến đêm thứ sáu, chúng tôi nghe tiếng động cơ của thuyền máy. Tất cả mọi người đều chồm dậy, hướng mắt về phía phát ra âm thanh diệu kỳ đó. Những túi hơi xẹp lép niềm tin của chúng tôi lại được bơm lên, căng đầy hy vọng. Có tiếng thuyền máy nghĩa là đâu đây sẽ là bờ. Dù là bến Giác của Thích Ca hay bờ mê của qủy dữ chúng tôi cũng chỉ mong thoát ra khỏi cái địa ngục trần gian của biển. Tiếng máy nổ một lúc một gần hơn, lớn hơn rồi chợt tắt. Đám người chúng tôi nhốn nháo và cố mở to cổ họng đã khô cháy để la lên tiếng cầu cứu. Biển đêm vẫn tối đen và im lặng. Rồi đột nhiên tiếng mái chèo khoát nước nổi lên và càng lúc càng gần hơn. Khi chúng tôi cảm nhận được sự va chạm ở mũi thuyền thì những ngọn đuốc đang đốt lên một ánh sáng ma quái vàng vọt từ tay những kẻ lạ mặt. Nhảy phóc lên mũi thuyền là một lũ đàn ông đen kịt, mình trần, vằn vện những hình xâm. Chúng la hét bằng một ngôn ngữ mọi rợ, không ai hiểu được chúng muốn gì. Một người đàn ông định bồng đứa con đang khóc bị chúng chém chết ngay khi vừa đứng dậy. Người vợ chồm lên ôm xác chồng, tiếng la lịm tắt vì ngọn lao săn cá đâm xuyên qua ngực căng sữa chờ con. Hai con người chờ đợi được cứu sống trở thành hai nạn nhân đầu tiên bị cướp biển giết chết trên chuyến tàu bất hạnh ấy. Mọi người ngồi đông cứng như những tượng đá vô hồn. Tôi cố đè con gái của tôi xuống sàn thuyền, vợ tôi nép sát vào lưng tôi. Lúc này bọn cướp đã cột chặt thuyền chúng tôi vào thuyền bọn chúng. Khoảng mười tên lên thuyền chúng tôi và lục soát từng người. Tất cả mọi hành lý mang theo đều phải ném qua thuyền bọn cướp, và sau cùng là chúng làm cái chuyện tồi bại nhất của loài thú: Hãm hiếp.

Thưa các bạn, khi viết những dòng này gởi đến các bạn, tôi vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây tiếng la thất thanh tuyệt vọng của vợ tôi, của con tôi, khi bị bọn chúng lôi đi. Tôi cùng các anh em khác bị chúng trói vào mạn thuyền, chỉ biết nhìn người thân của mình đi vào vòng đày đọa. Có lẽ như người ta thường nói, máu mủ nào thơm thịt đó, nên trong mớ hổn mang của những âm thanh khóc la rùng rợn, tôi vẫn lọc âm được tiếng rên xiết, van xin cho con gái của vợ tôi, tôi tách ra và nghe rất rỏ tiếng hét khiếp đảm của con gái tôi. Mỗi tiếng rên xiết của vợ tôi là mỗi nhát dao cắt chậm vào da thịt của tôi. Mỗi tiếng la của con gái tôi là một nhát chém vào chính giữa trái tim tôi. Tôi cắn chặt răng để không bật thành tiếng, tôi ô nhục vì bất lực, tôi ân hận vì đã dẫn đưa vợ con tôi vào đường khổ lụy, tôi đau đớn vì xót thương nổi đớn đau của vợ con mình. Tôi nhìn lên trời cao xin Chúa lòng lành, tôi cúi đầu xuống sàn thuyền lạy Phật từ bi, tôi nguyện cầu vong linh những người đã khuất, để cho tôi được gánh bớt những đau đớn đang hành hạ vợ con mình. Lần sau cùng tôi còn nhớ là tôi đã hét thật to, tôi la thật lớn, như trút bỏ hết những uất hận căm hờn đang bùng cháy trong tim gan. Tôi nghe một tiếng lớn đánh mạnh vào đầu, tôi không cảm nhận kịp nổi đau thì hôn mê ngất xỉu. Thưa các bạn, tôi không biết tôi đã mê đi bao lâu, khi tôi mở mắt vì chói sáng, mặt trời dường như đã về chiều. Những người xung quanh tôi đã chết, tất cả đều bị chém vào cổ. Đàn bà con gái bị chúng bắt đi, hãm hiếp xong đều bị chúng ném xuống biển, ai biết bơi thì tìm về thuyền cũ, những người xấu số có lẽ đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đại dương. Tôi nhận ra vợ và con gái của tôi trong nhóm người sống sót, làm sao để sống sót? Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết và tôi đã không bao giờ hỏi tới vợ con mình về vết thương xưa. Vợ tôi ôm con gái vào lòng, chở che cho con bằng một tấm thân trần truồng rách nát do những vết cào cấu, con tôi vẫn còn run rẩy, khiếp sợ. Vợ tôi nhìn tôi bằng một ánh mắt cam chịu, âm thầm và thinh lặng. Mặt trời lặn dần rồi khuất bóng, sương lạnh rơi xuống giữa biển đen và thuyền chúng tôi tiếp tục trôi về nơi vô định. Không ai trong chúng tôi, một người đàn ông và tám người đàn bà con gái, còn thiết tha đến sự sống, không ai mở một lời nào, tất cả như ngầm hiểu ý nhau và tất cả im lặng thả hồn về những chuổi ngày tươi đẹp nhất, tất cả như đồng lòng, đều nhịp tìm về nơi miên viễn. Từ từ, chậm rãi, buông thả ý niệm thời gian, chín con người rơi dần vào mộng ảo.....

Thưa các bạn, chúng tôi đã trôi dạt về đâu và bao lâu không ai còn tỉnh để biết, để nhớ. Cảm giác đầu tiên khi tôi mở mắt là cảm giác mát dịu, màu trắng xóa và sự im lặng. Rất im lặng. Tôi thử cử động chân tay, tôi sờ mó thân thể của mình, thì ra tôi còn sống, ở đây chỉ có mình tôi, duy nhất một mình tôi trong gian phòng này. Tôi vùng ngay dậy, nhưng một bàn tay đã đẩy người tôi xuống. Anh là một Bác Sĩ người Tô Cách Lan, anh yêu cầu tôi nằm nguyên tư thế củ vì tôi chưa thể đi lại được một mình. Mười mấy năm tù ngục, kiến thức Anh ngữ còn lại chỉ cho phép tôi hiểu anh nói bằng cách đoán mò. Anh ra hiệu cho tôi biết những người khác đang nằm phòng bên cạnh. Thế là ác mộng kinh hoàng đã qua, chúng tôi đã sống. Từ ngữ sống bây giờ nghe sao đến qúy lạ.

Người ta nói với chúng tôi rằng, tàu tiếp tế thực phẩm cho giàn khoan Geetong B, ngoài khơi Mã lai Á, cách bờ khoảng 200 km, đã thấy và vớt chúng tôi. Vì sức khỏe qúa yếu nên họ không thể đưa chúng tôi vào đất liền ngay được. Họ chỉ nói như thế và tôi vẫn còn nhớ rõ thế. Vào Pulau Bidong, chúng tôi sống với nhau như một gia đình, các cha và các sơ thường thăm hỏi chúng tôi. Sau khi khám nghiệm, vợ con tôi cũng như các chị em khác được các bác sĩ người Thụy Điển chăm sóc hết sức tận tình. Chỉ có các vị bác sĩ và một sơ thông dịch viên là biết sự thật những gì đã xảy ra trên chuyến tàu chúng tôi đi.

Ngày tháng trôi qua, sự sống bình thường dần dần trở lại, nhưng tôi nhìn con gái của tôi đã không còn như xưa, cháu như có một mặc cảm tội lỗi dấu kín ở trong lòng. Vợ tôi ít nói hẳn và nhiều lúc tôi thấy được một sự đè nén của khổ đau. Tôi thấy được, tôi hiểu hết nhưng tôi không biết làm sao để đem lại một chút sinh khí cho vợ con mình. Và cứ như thế cho đến ngày gia đình tôi đến Úc.

Cũng như tất cả anh em quân nhân tù "cải tạo", tôi phải khởi nghiệp ở cái tuổi nửa ông nửa thằng bằng những công việc mà bất cứ ai tay chân lành lặn cũng đều có thể làm được, một thứ công việc mà có lần Cao Tần đã nói thay cho chúng tôi:

Mai mốt anh về có thằng túm hỏi

Mày qua bên Mỹ học được củ gì

Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi

Nói mày hay ông thượng đẳng cu li

Năm 1989, năm đầu định cư tại Úc, tôi xin được việc làm ở nhà kho, tiền kiếm được đủ để gia đình hai vợ chồng và một đứa con sống thoải mái. Vợ tôi đi học Anh Văn có bạn mới, có sinh hoạt xã hội mới, con gái tôi đến trường và tiếng cười đã bắt đầu nở lại sau những tháng ngày héo hon. Tuy vợ chồng tôi không còn chuyện gối chăn, nhưng chúng tôi đã tìm lại sự quân bình trong cuộc sống, tôi đã thấy sự nhen nhúm của mầm Hạnh Phúc sau bao nhiêu thăng trầm khốn khó. Thưa các bạn, tôi mừng lắm, tôi vui lắm, tôi dịu bớt sự dày vò và ân hận, tôi quên dần đi sự trách cứ chính mình, tôi tin tưởng rằng rồi năm tháng sẽ trôi qua, bằng sự đùm bọc, tôn trọng và yêu thương, những đóa hoa tươi rồi sẽ nở, sẽ thơm, sẽ rực rở như độ xuân về mai đào đỏ thắm. Tôi như tràn đầy nhựa sống của tuổi xuân thì. Tôi đi làm ban ngày và đi học ban đêm. Tôi xin ghi danh học ngành Tâm lý điều trị (Psychotherapy), với một động lực duy nhất: chữa lành vết thương của vợ và con gái tôi.

Năm 1990, trong một lần trò chuyện với vợ tôi, tôi thấy rằng sự thực không phải như tôi nghĩ, vết đau vẫn còn đó, càng lúc càng thấm sâu hơn, càng lúc càng trầm trọng hơn. Vợ tôi nói với tôi một lần, chỉ một lần duy nhất: "Anh ạ, đừng buồn em, nhưng em cứ bị ám ảnh rằng em không còn là người vợ gối chăn của anh". Bấy nhiêu thôi, một lần thôi, nhưng tôi hiểu, tôi hiểu tận nơi sâu kín nhất của người bạn trăm năm.

Năm 1991, sức khỏe vợ tôi yếu dần, bác sĩ nói rằng vợ tôi bị bệnh Tim và chứng trầm cảm, mọi sự ưu phiền sẽ làm cho cơn bệnh ngày một trầm trọng hơn. Mỗi lần đi làm về, ngồi trò chuyện, vợ tôi thường nhắc đến những con đường những ngõ phố thân quen. Những nơi chốn chúng tôi sinh ra, lớn lên và hò hẹn. Tôi biết vợ tôi nhớ quê hương. Đi xa ai mà không nhớ. Nhất là trong căn nhà trống trơn, không hàng xóm không người thân. Tôi đi làm, con tôi đi học, vợ tôi ở nhà một mình, nổi cô đơn càng thấm thía nhiều hơn. Ngày sinh nhật, tôi và con gái tặng cho vợ tôi một món qùa mà tôi hy vọng từ đây sẽ là người bạn và nguồn an ủi mỗi khi cha con tôi đi vắng. Cái Radio hiệu Sony. Bạn bè chung sở chỉ cho tôi tần số của chương trình tiếng Việt. Kể từ ngày đó, dù bận rộn tới đâu, tôi và con gái cũng dành thời giờ buổi tối để cùng vợ tôi nghe đài SBS. Tôi nhận thấy rằng vợ tôi dường như vui lên với cái không khí Việt Nam trên xứ lạ. Cứ mỗi tối và buổi sáng cuối tuần là gia đình quây quần quanh cái radio. Cái radio con con đó đã trở nên một sợi dây nối kết, một nhịp cầu của những câu chuyện mà bình thường ít ai dám đề cập đến. Đối với gia đình tôi mà đặc biệt là vợ tôi, cái radio Sony con con và chương trình tiếng Việt SBS đã trở thành một người bạn trung thành và thân thiết nhất.

Cuối cùng cái gì đến nó cũng phải đến, cuối năm 1991 vợ tôi yếu hẳn, hai tuần nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt, bác sĩ đã tận tình, nhưng đành chào thua số phận. Hôm vợ tôi nhắm mắt, vợ tôi có nói với tôi rằng: "Em đã cố hết sức mình để làm tròn bổn phận người vợ theo đúng lễ nghĩa tứ đức tam tòng, nhưng có những chuyện con người không thể vượt lên trên giới hạn của chính mình, anh đừng buồn vì em không làm tròn chuyện gối chăn. Anh biết không, chỉ nghĩ đến thôi đã làm em kinh hoảng rồi". Tôi gật đầu và nắm chặt tay để cho vợ tôi biết rằng tôi rất hiểu, hiểu còn xa hơn và sâu hơn những gì vợ tôi muốn nói. Tôi vào phòng tắm bệnh nhân để nhúng khăn lau mặt cho vợ tôi, khi trở lại thì vợ tôi đã ra đi về nơi xa nhất, tôi không kịp nói với vợ tôi một lời xin lỗi, để lại cho tôi niềm ân hận ray rứt không nguôi. Vợ tôi nằm nghiêng, người bình thản xoay mặt vào chiếc radio như vẫn còn đang mãi nghe chương trình buổi sáng. Chiếc radio này, chương trình tiếng Việt này đã theo tôi suốt mười năm nay như người bạn đường thân thiết, như là tri âm tri kỷ còn lại của đời mình.

Năm 1994, con gái tôi tròn hai mươi mốt tuổi và cũng là năm mãn tang vợ tôi. Tôi tổ chức mừng sinh nhật 21 cho cháu. Tôi, cũng như bao người làm cha làm mẹ khác, sinh con ra nuôi con lớn, mong cho con nên người có ích cho xã hội. Trường hợp của tôi, cha góa con côi, tôi thường xuyên cầu nguyện các đấng bề trên phù hộ cho con tôi, ai thương cháu thì thương cho trọn, cháu sinh ra và lớn lên đã rất thiếu tình thương yêu của người thân, cháu sống rất đơn độc và hướng nội. Khi cháu vào đại học đến tuổi cặp kê, chưa thấy ai lui tới tôi cũng thấy lo. Tôi lén cầm ảnh cháu hỏi những người xung quanh, ai cũng khen cháu đẹp, tôi mới yên lòng. Hôm sinh nhật của cháu, thấy cháu không những có bạn mà có nhiều bạn nữa là đằng khác. Anh em bè bạn của tôi ai cũng đòi làm bà con, tôi vui sướng nhìn lên trời cao thầm cảm ơn và nguyện cầu các đấng bề trên, vong linh của ông bà Nội Ngoại và của vợ tôi phù hộ cho cháu được tròn vẹn ước mơ suốt đời hạnh phúc.

Thưa các bạn, nhưng có lẽ cha con tôi không có phước phần của hạnh phúc, từ ngữ đó như không muốn hiện diện trong gia đình chúng tôi. Con gái tôi có bạn trai và một hôm cháu hỏi tôi là cháu có nên nói thật chuyện riêng tư của cháu cho bạn trai biết không?. Tôi khuyên cháu là nên thành thật ngay từ đầu và cháu cũng đồng ý như thế. Buổi đi chơi cuối tuần cháu về sớm và đi thẳng vào phòng. Vài hôm sau cháu nói với tôi rằng: họ không tin là con bị nạn trên tàu vượt biên, bỏ đi Ba, đâu cần phải có bạn trai mới sống được đâu.

Dù nói thế nhưng tôi biết con gái tôi rất buồn. Có ai vui khi tình yêu tan vỡ! Cũng may là cháu ra trường ngành Y tá và có việc làm ngay. Tôi hy vọng là công việc sẽ làm cho cháu khuây khỏa. Một buổi tối, cháu hỏi tôi là nếu cháu đi xa tôi có buồn không? Tôi bảo với cháu là đừng lo lắng gì đến tôi, tôi khuyên cháu muốn đi chơi xa hay thay đổi công việc tốt hơn thì cứ làm. Cháu trả lời rành rọt với tôi rằng cháu sẽ hiến dâng vào nhà Chúa. Tôi như chết lặng..... ở trong lòng.

Hôm tiễn cháu đi, tôi cố nén lòng làm vui để cháu ra đi không vướng bận. Tôi nhớ mãi lời sau cùng trước khi lên xe, khi cháu hôn vào má tôi: "Con thương Ba lắm nhe Ba, Ba đừng buồn và bỏ lỗi cho con." Tôi ráng cầm nước mắt khi vẩy tay từ giã. Tôi nguyện cầu cho cháu tìm đến bất cứ nơi nào để tâm hồn được an bình nhất. Con tôi ra đi, vợ tôi đã mất, tôi trả nhà và đi tìm nơi trọ mới..

Thưa các bạn, tôi cũng như bất cứ ai bằng xương bằng thịt, tôi cũng buồn cũng chán, cũng muốn kết thúc sớm đời mình như ý nghĩ của nhà thơ Du Tử Lê:

Khi tôi chết nổi buồn kia cũng hết

Đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn

Nhưng chết bằng cách nào? Tự tử ư? Sao mà hèn thế, tôi không làm được. Nói thật lòng tôi còn qúy đời sống. Sống, tôi đã đánh đổi bao nhiêu máu và nước mắt để được sống, tôi phải cố đứng dậy để có một ý niệm sống như một nhà thơ Việt Nam trong nhà tù Cộng Sản đã từng noi: “Hãy sống cho xứng đáng." Đúng vậy, ráng mà sống cho xứng, tôi đã mất hết, mất nước mất nhà, mất vợ xa con, nhưng cái phần trân qúy nhất còn lại tôi không muốn mất: Danh dự và niềm tin. Bởi thế mà tôi phải sống, và phải sống cho xứng chứ không thể phí hoài cuộc đời để tự hỏi: "ta làm gì cho hết nửa đờI sau". Sống, cái mà tôi và cha ông, anh em, bè bạn phải trả giá bằng máu xương để giữ lấy, để được sống. Tôi cầu mong các bạn cũng qúy trọng đời sống như chính chúng tôi. Đôi khi cái qúy giá nhất lại là những thứ bình thường dung dị nhất, có thể nó qúa bình thường đến độ chúng ta đã lãng quên. Các bạn có thể lãng quên một cách qúa dể dàng sau một liều thuốc đê mê hay một canh bạc đỏ đen thử xem thời vận. Các bạn đâu biết rằng chính những giây phút phù du ấy, các bạn đã phá đi cái mà nhân loại đang phải từng ngày đấu tranh để giành lấy. Một mũi chích, một ván bài để đánh đổi cuộc sống, đáng hay sao?

Thưa các bạn, tôi phải đứng dậy và phải sống, phải tìm cho mình con đường để đi và đích để đến, dù rằng một ngày kia khi nhẩm lại sẽ thấy như thơ Cao Tần :

Mai này tính sổ trăm năm

May chăng lời được cái thân phiêu bồng

Tôi đã tốt nghiệp bằng cử nhân về tâm lý điều trị. Tôi xin được việc làm trong cơ quan chăm sóc những trẻ bị ngược đãi thuộc bộ Xã Hội Úc. Tôi làm việc như một cách để tự chữa vết thương lòng. Hôm nay tôi rời Úc để nhận một công việc mới của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hợp Quốc về điều trị tâm lý của trẻ em vị thành niên bị hành hạ dưới mọi hình thức trong chiến tranh. Tôi đang đi về nơi tôi muốn đến. Đó cũng là lý do của lá thư từ giã này. Sáu năm nay tôi ở chung với người bạn, rất thân mà rất xa, tôi xin anh đừng trách tôi ít lời, vì đôi khi sống với một ngườI cũng như đọc một tác phẩm vậy, khi đã "cảm" thì nửa lời thôi cũng đủ. Nhưng ít ra tôi mong anh thấy rằng chúng ta đã có những tối vui và những cuối tuần hạnh phúc. Mỗi khi cùng một cốc rượu hay một tách trà, chúng tôi đã có cảm giác ấm cúng như về sống lại mái nhà xưa..

Hôm nay tôi rời xa các bạn, dù rằng các bạn cũng chẳng biết tôi là ai, nhưng có lẽ giữa chúng ta có một điểm chung và một tình thân của những người xa xứ, tôi có cảm giác rằng chúng ta đang rất gần khi cùng ngồi nghe một tiếng nói mà chúng ta từng bập bẹ khi chập chửng vào đời. Tiếng nói xứ Việt. Dù xa dù gần, dù lạ dù quen, khi nghe tiếng nói quê hương trên xứ lạ, trong mỗi một chúng ta như dịu đi nổi nhớ, như thể đưa ta về lối ngõ đường xưa....

Hôm nay tôi rời xa các bạn, rời xa Melbourne, rời xa con sông Maribyrnong lặng lờ như sông Hương mùa Hạ, mà tôi thường bảo với người bạn của tôi rằng Melbourne là Huế của xứ người. Khi máy bay lên cao khuất lấp vào tầng mây bạc, tôi sẽ không còn thấy Melbourne, không thấy dòng sông, không thấy những công viên và cây xanh rợp lá, không thấy những mái trường đường phố đã ủi an tôi xây lại nữa đời hư.

Hôm nay tôi rời xa, xin được gởi đến các bạn lời chúc bình an, hạnh phúc và hẹn nhau ngày về trên Quê Hương xưa mà hai mươi lăm năm nay chúng ta đã làm người viễn xứ.


Nguyễn Minh Quân

Share Lại Hoài Niệm T.TT

1 comment:

  1. Ngạn ngữ Latin có câu: “ Nơi nào có tự do, nơi đó là quê hương tôi”.

    ReplyDelete