Nghe tin tài tử Ryan O’Neal qua đời tối 8 tháng 12 năm 2023 tại một bệnh viện ở Santa Monica, tiểu bang California, Hoa Kỳ, tui buồn biết bao trong tấc dạ. Tui nhớ năm 1970 lúc đang đi học ở Sài Gòn, em yêu dắt tui tới rạp Rex trên đường Nguyễn Huệ để xem phim Love Story.
Dựa trên cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của Erich Segal kể lại một chuyện tình lãng mạn đầy kịch tính, Love Story (Chuyện tình) do Arthur Hiller đạo diễn, Ryan O’Neal trong vai Oliver Barrett IV, một sinh viên luật Harvard con nhà quyền thế. Anh yêu Jennifer Cavalieri (tài tử Ali MacGraw), một sinh viên âm nhạc thuộc tầng lớp lao động. Họ kết hôn trái với ý muốn của người cha giàu có. Kết cuộc Jennifer Cavalieri qua đời vì bệnh ung thư.
Trong ‘Love Story’ có một lời thoại nổi tiếng: “Love means never having to say you’re sorry” (Yêu có nghĩa là không bao giờ phải nói lời xin lỗi). Câu thoại được nói 2 lần trong phim: một lần ở giữa phim, khi Oliver Barrett xin lỗi Jennifer Cavalieri vì sự tức giận của mình; và như dòng cuối cùng của bộ phim, khi cha anh nói: “I’m sorry” sau khi biết về cái chết của Jennifer. Thì câu nói nầy có tới 2 nghĩa khác nhau tùy theo tình huống: Lúc yêu nhau hãy cư xử chân thật theo cảm xúc thì mình chấp nhận lỗi lầm của người mình yêu mà không cần anh phải xin lỗi! Hai là tình yêu đích thực có làm mình đau đớn mình cũng không hối tiếc.
Hồi thời thanh niên, mấy anh mình ai cũng biết ngoài ‘Love Story’ của Mỹ ra, bên Anh có ‘Roméo và Juliette’. Tàu có Lương Sơn Bá; Chúc Anh Đài. Việt Nam có chuyện tình Lan và Điệp.
Lan và Điệp dựa theo tiểu thuyết ‘Tắt Lửa Lòng’ của Nguyễn Công Hoan (1903-1997). Đây là một mối tình tay 3, hai trái bầu một con cua, giữa Điệp, Lan và Thúy Liễu. Điệp học trò nghèo. Lan, con ông Tú. Điệp và Lan yêu nhau; được gia đình hai bên tác hợp. Tuy nhiên, Thúy Liễu con quan Phủ ham vui sớm nên có bầu, người trồng bầu đã quất ngựa truy phong. Điệp khoái nhậu nên mắc mưu quan Phủ, phải phụ tình Lan để cưới Thúy Liễu. Lan ôm mối tình tuyệt vọng, vào chùa cắt tóc đi tu … Không hạnh phúc, tình tay 3 tan vỡ. Điệp đã nhiều lần đến chùa nhưng Lan cắt đứt dây chuông không cho gặp. Mãi đến mười mấy năm sau, khi Lan lâm bạo bệnh do quá sầu não, Điệp mới được phép đưa nàng về nhà chữa trị, nhưng đó cũng là những giây phút cuối cùng của Lan. Nàng lìa đời bỏ lại một mối tình đầy ray rứt.
Đây là một chuyện tình sướt mướt rất hợp khẩu vị của đôi lứa lãng mạn yêu nhau. Nên nhiều người làm văn nghệ từ soạn giả cải lương, thoại kịch, phim ảnh dựa theo đó viết tuồng, viết kịch, làm phim kiếm bộn bạc. Như năm 1936, Tư Trang, tức Trần Hữu Trang soạn tuồng cải lương với Năm Phỉ vai Lan, Thanh Tao vai Điệp. Năm 1945, hãng dĩa Asia phát hành Hoa Rơi Cửa Phật (tức Chuyện tình Lan và Điệp) Tư Sạng vai Lan, Năm Nghĩa vai Điệp. Năm 1959, trên sân khấu Thanh Minh với Thanh Nga vai Lan, Thành Được vai Điệp. Năm 1970, ban kịch Kim Cương với Kim Cương thủ vai Lan. Hãng phim Dạ Lý Hương, Lê Dân đạo diễn, với Thanh Nga (vai Lan), Thanh Tú (vai Điệp). Còn bài vọng cổ lẻ của Loan Thảo thâu dĩa với Chí Tâm (vai Điệp), Thanh Kim Huệ (vai Lan) nổi tiếng. Năm 1970, Viễn Châu sáng tác bản tân cổ giao duyên: “Điệp ơi cánh bướm năm xưa hãy bay đi đừng trở lại, vì em hiện nay chỉ là một đoá Lan tàn… Em biết anh chẳng dạ phũ phàng…Nhưng kiếp nầy đã lỡ xin Điệp đừng lưu luyến chi Lan… Con dao kia với xác bướm khô nầy. Lan chôn lấp dưới cội cây ngoài cửa Phật! Con tên là Nguyễn Thị Lan, Xác thân còn đó mà hồn tan lâu rồi!”
Thấy ăn khách quá xá quà xa bên tân nhạc Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lĩnh cũng nhào vô với “Chuyện tình Lan và Điệp” 1, 2, 3. Với Trang Mỹ Dung: “Lần cuối gặp nhau Lan khẽ nói: Thương mãi nghe anh, em yêu anh chân tình, nếu duyên không thành? Điệp ơi, Lan cắt tóc quên đời vì anh …”
Nhưng anh bạn văn của tui chỉ trích nhà văn Nguyễn Công Hoan, sau nầy làm bồi bút cho CS, không hiểu gì về triết lý thâm sâu của Phật giáo. Đi tu là giúp đời. Đi tu không phải là vì thất tình.
Để phê phán Lan của Nguyễn Công Hoan ảnh kể tui nghe một truyện nhuốm mùi trần tục như vầy nè:
Một hôm xuống phố và cần sử dụng nhà vệ sinh, Lan bước vào một quán rượu đang rộn ràng tiếng nhạc, lời ca ồn ào, rôm rả. Thỉnh thoảng đèn trong quán lại tắt. Mỗi khi đèn tắt, cả quán rượu lại bùng lên những tiếng reo hò. Nhưng khi nhìn thấy Lan, một nữ tu, cả quán rượu im lặng như tờ, mọi người dường như đã chết. Lan hỏi người phục vụ:
– Bần đạo có thể sử dụng phòng vệ sinh không?
Người phục vụ trả lời:
– Được, nhưng tôi nên cảnh báo trước với ‘ni cô’ rằng trong phòng vệ sinh có một bức tượng đàn ông khỏa thân chỉ dính trên mình một “chiếc lá.”
– Chà, nếu như thế thì tôi sẽ nhìn theo hướng khác. Lan nói.
Người phục vụ đã chỉ lối cho Lan. Sau một vài phút, Lan quay lại, và tất cả những người đang chè chén ngừng đưa ly lên miệng để cho Lan một tràng pháo tay ròn rã! Lan hỏi:
– Thưa ông, tôi không hiểu. Tại sao họ vỗ tay hoan hô tôi chỉ vì tôi vào phòng vệ sinh? – Chà, bây giờ mấy thằng nhậu nhẹt hư đốn, tửu sắc say sưa nầy, biết ni cô cũng nhuốm mùi tục lụy như họ vậy. Ni cô có muốn làm một ly không?
– Không, cảm ơn, nhưng tôi vẫn chưa hiểu. Lan bối rối nói.
– Ni cô thấy đấy. Người phục vụ cười:
– Mỗi khi ai đó, đang ở trong phòng vệ sinh mà giở chiếc lá che phần nhạy cảm của bức tượng khỏa thân đó ra, thì đèn trong quán nầy sẽ tắt! Bây giờ thì ‘ni cô’ làm một ly nhé?
ĐXT
No comments:
Post a Comment