1.
Con nhỏ Marie là một
đứa dễ ghét. Nó vẫn âm thầm hậm hực ghen tức với tôi. Mà làm sao nó ghen cho
được. Cái gì tôi cũng bỏ nó xa lắc xa lơ. Ở trong lớp sức học của tôi như một
trái bóng bay nõn nà vươn lên tít tắp tận trên cao trong khi nó lẹt đẹt như một
trái bóng xì hơi luẩn quẩn là đà trên mặt đất. Mặt mũi tôi nhẹ
nhàng khoảng khoát bao nhiêu thì mặt nó dày dặn nặng nề bấy nhiêu. Ấy là chưa
kể tới mái tóc nhạt nhòa như những sợi râu bắp và cặp lông mày lông mi như nằm
lẫn lộn chìm lỉm trong nước da đầy tàn nhang. Đứng xa xa một chút người ta
không thể nhìn thấy tóc của nó nên cái mặt trông giống như một hình nhân trong
tiệm bán mũ mà người ta quên đội cho cái mũ trên đầu. Như vậy mà nó lại cứ õng
ẹo với thằng François, cái thằng bảnh trai và học giỏi nhất lớp mới lạ chứ. Đôi
mắt của thằng François sáng như hai cái đèn pha thì làm sao mà nó có thể nhìn
người lộn được. Nó cứ lờ tịt đi chẳng thèm đoái hoài tới con Marie. Con Marie
càng cay thì lại càng sỗ sàng hơn khiến thằng François sợ né tránh nó như tránh
tà ma yêu quái. Chuyện của chúng nó thì thây kệ chúng nó tôi chẳng để ý làm
chi. Ngặt một cái là thằng François lại cứ theo sát tôi như hình với bóng. Tội
nghiệp cho thằng François. Nhè tôi mà tính chuyện lăng nhăng thì quả là... trật
địa chỉ! Tôi ít khi chịu mất thời giờ vì những chuyện lẩm cẩm đó. Mấy cái boom
đời nào có mặt tôi. Mấy cái disco thì lại càng không có bóng dáng... nàng. Họa
chăng vài cái party sinh nhật của mấy con bạn thân thì tôi còn đến. Sao tôi
thấy không hợp được với cái lối sống ào ào mê mải của lũ bạn. Chúng nó như một
đám thủy triều dồn dập nhảy nhót huyên thuyên chẳng cần biết tới cái tan nát vỡ
vụn khi va người vào những tường đá đầy dãy nơi bờ biển. Những ý nghĩ trật chìa
đại loại như vậy đã mang đến cho tôi cái danh hiệu “bà già”. Tôi mỉm cười tự
tin khi được gọi bằng cái hỗn danh không mấy mỹ miều đó. Bà già nào mà có được
cái bản mặt hồn nhiên thanh thoát, cái dáng vẻ trẻ trung nhanh nhẹn như tôi.
Thằng François đã chẳng lăng xăng xoay quanh cái bà già dễ thương này đó sao?
Chính vì thằng
François mà con nhỏ Marie đối với tôi như chó với mèo. Nó tìm đủ cách để hạ
tôi. Mặc kệ, tôi đâu có ngán. Tôi đâu có tranh hơn thua với nó làm gì. Nhưng
tôi không thể làm ngơ được khi nó rủ một lũ bạn của nó đồng thanh gào thét vang
sân trường: “Lêu lêu con Chinoise!” Tôi lịm người đi. Nơi vùng quê cách xa
Québec cả trăm cây số này người ta không chấp nhận một giống người nào khác
giống dân bản xứ. Ngay mấy người gốc Anh mặt mày chẳng có gì khác dân ở đây mà
cũng bị dè bỉu xa lánh. Nói gì tới người Trung Hoa xa lắc xa lơ. Mặt tôi bừng
đỏ trước sự sỉ nhục bất ngờ này. Cơn giận cuồn cuộn ập vào đầu tôi rồi lan ra
khắp người như một ngọn sóng thần hung hãn. Những cái miệng la hét đang ngoạc
ra như múa trước mặt tôi. Tôi thấy xót xa trong mắt, gờn gợn nơi cổ, tê dại tay
chân. Người tôi hụt hẫng như đang bị ném xuống một bờ vực thăm thẳm tối đen.
Cơn bực bội kéo vài giọt nước mắt lăn xuống má tôi. Tôi giơ tay quệt nỗi căm
hờn hiển hiện, bất ngờ tạt mấy lọn tóc qua mắt. Tôi sững sờ thoáng thấy ánh đen
nhạt của tóc tôi. Chẳng có lẽ nào con Marie nói đúng. Những sợi tóc của tôi đen
hơn, cứng hơn tóc của tụi bạn. Tôi vội chạy ra khỏi sân trường về thẳng nhà.
Mẹ tôi đi làm chưa về.
Tôi mang nỗi bực dọc vào phòng tắm. Nước giúp tôi lấy lại được bình tĩnh. Tôi
lặng ngắm tôi trong chiếc gương lớn. Người tôi thon thả, ngực tôi vừa phải, đùi
tôi săn cứng, nước da tôi không được trắng lắm lại thiếu mịn màng. Tôi giơ tay
vuốt mặt. Mũi tôi không được cao, mắt, tóc, lông mi, lông mày hơi đen, mi mắt
rõ ràng nhưng hơi hum húp vun cao. Lần đầu tiên tôi nhìn kỹ tôi và thấy xa lạ
với chính mình. Cái con nhỏ đứng trần truồng trong gương có phải là con Sylvie
vẫn ngày ngày cắp sách tới trường học hành, đùa rỡn rong chơi với lũ bạn không?
Tôi ngây dại trong ý nghĩ mình như tách rời ra khỏi khung cảnh thân quen chung
quanh. Như một viên sỏi nằm cô độc bên đường cam chịu nỗi ngậm ngùi lạc lõng.
Tôi rùng mình nổi gai khắp người. Những lỗ chân lông như chui từ trong thịt ra
xô giạt làn da làm nước da tôi như đậm màu thêm. Tôi cảm thấy cô đơn đến hoảng
hốt cả người.
Chưa bao giờ tiếng mở
cửa của mẹ tôi lại khiến tôi thấy dễ chịu như vậy. Tôi quấn vội chiếc khăn tắm
chạy ra đón mẹ. Nụ hôn của mẹ xoa ấm cõi lòng tôi. Tôi ngước nhìn khuôn mặt mẹ.
Tôi ngơ ngác khi chợt thấy mình không giống mẹ. Màu mắt, màu tóc tôi đâu có như
vậy. Mẹ tôi thoắt trở nên xa lạ. Bà như thuộc về cái tập thể vừa chối từ tôi.
Những giọt lệ trên mắt tôi đẩy mẹ tôi vào một cõi nhạt nhòa chập choạng mù
khơi. Tôi thổn thức cho sự lẻ loi cô quạnh của tôi. Chẳng còn một chỗ nào cho
tôi trên cõi đời này. Mẹ tôi sửng sốt ôm chặt lấy tôi, lay lay đôi vai rung
động của tôi cuống quít hỏi:
- Con làm sao vậy?
Câu hỏi của mẹ làm
nước mắt tôi rào rạt thêm. Người tôi run lên như một con mèo tội nghiệp. Nỗi
tủi hờn khóa chặt miệng mồm tôi khiến tôi chẳng thể thốt nên lời. Mẹ tôi ôm
chặt tôi vào lòng dỗ dành:
- Con có chuyện gì cứ
nói cho mẹ hay. Con gái lớn rồi mà còn khóc như con nít vậy. Bình tĩnh lại đi
con. Giấy đây, con hãy lau mắt đi này. Hay là để mẹ lau cho con nghe? Con tôi
hư quá. Cao bằng mẹ rồi mà còn làm nũng.
Tôi lịm đi trong tiếng
vỗ về của mẹ. Tâm hồn tôi như dịu lại. Tôi muốn được thu nhỏ hình hài trở về
những ngày ấu thơ được mẹ ấp ủ bao bọc. Những giọt nước mắt của tôi nhòe nhoẹt
trong bàn tay của mẹ. Mẹ ghì riết người tôi như muốn truyền qua tất cả tình
thương yêu đang dạt dào trong lòng. Phải khó khăn lắm tôi mới nói được bằng một
giọng sũng ướt:
- Tụi nó bảo con là
Chinoise!
Đôi tay mẹ tôi khẽ
rung lên xúc động. Bà bóp chặt hai má tôi nâng mặt tôi lên nhìn thẳng vào mặt
bà và nói:
- Con là con của mẹ
mà! Để ý làm gì đến những điều lũ bạn con nói.
Cặp mắt xanh trong của
mẹ thoáng vẻ bối rối. Có điều gì bất thường nằm trong đó mà mẹ muốn giấu tôi.
Tôi lắp bắp trong nỗi lo sợ đang dấy lên trong lòng:
- Nhưng... con không
giống mẹ!
Vòng tay mẹ xiết lại
quanh tôi như muốn chứng tỏ tôi là một phần của mẹ, cái phần dấu yêu chẳng bao
giờ rời xa mẹ lấy một ngày. Mẹ khẽ thì thầm vào tai
tôi, giọng mẹ nhẹ nhàng quấn quít, môi mẹ mấp máy chạm trên vành tai tôi:
- Ít nhất con cũng
giống mẹ một nửa chứ.
Tôi sửng sốt bắt lấy
khuôn mặt bất động của mẹ. Mẹ đang thả hồn vào một cõi xa xôi nào đó. Tôi chợt
thấy xa cách mẹ quá đỗi. Giọng tôi như níu kéo:
- Con muốn hoàn toàn
giống mẹ, hoàn toàn là con của mẹ!
Mẹ như không nghe thấy
câu nói tội nghiệp của tôi. Vẫn với cái giọng vô hồn lạnh tanh, bà hỏi tôi:
- Con có biết cha con
là ai không?
Tôi trả lời không chút
ngập ngừng:
- Thì ba Vincent chứ
ai.
Mẹ tôi khẽ lắc đầu:
- Con chẳng có liên hệ
gì tới cái ông Vincent đó cả. Cha con là một người Việt Nam tên Phan.
Như có ai tung tôi lên
lơ lửng giữa trời làm tôi chới với từng cơn. Ruột gan tôi rối bời thảng thốt.
Điều tiết lộ bất ngờ của mẹ như một tảng đá đè nặng lên tôi làm tôi ngộp thở
khó chịu. Đầu óc tôi quay cuồng đến chóng mặt. Tôi ôm mặt khóc rưng rức. Con
nhỏ Marie nói đúng. Tôi không thuộc về nơi chốn mà tôi đang sống. Tôi là một kẻ
đứng bên lề bị mọi người ruồng bỏ lánh xa. Chắc tôi chết trong nỗi cô đơn quạnh
quẽ. Làm sao tôi có thể chịu được sự lẻ loi hiu hắt này. Cha tôi không phải là ông Vincent đã sống với mẹ tôi ngày tôi còn nhỏ mà là một
người lạ hoắc ở một phương trời xa xăm nào đó. Đời tôi sao lại rắc rối khổ sở
thế này.
Tay mẹ tìm tay tôi khẽ
bóp nhẹ trìu mến. Mẹ chờ cho cơn xúc động của tôi dịu bớt mới khoan thai bảo
tôi:
- Mẹ vẫn có ý định một
ngày nào đó khi con lớn khôn mẹ sẽ kể cho con nghe cuộc tình ngang trái của mẹ
mà con là một chứng tích dấu yêu suốt đời nhắc nhở mẹ tới những ngày yêu đương
hoang dại đó. Mẹ gặp ba con khi cả hai cùng đang theo học Đại học ở Montréal.
Sau một thời gian quen biết, mẹ và ba con sống chung trong một căn phòng nhỏ
tại một khu bình dân gần trường. Ba con là một người thông minh, tốt bụng, hiền
hòa và yêu mẹ hết mực. 2 năm sống với ba con là thời gian sung sướng nhất đời
mẹ. Ba con qua đây học bằng học bổng của chính phủ Việt Nam nên khi tốt nghiệp
bắt buộc phải trở về nước. Tuy nhiên nếu lúc đó ba chính thức cưới mẹ thì ba sẽ
được Sở Di Trú Canada cho phép ở lại. Thời gian trước khi ba con tốt nghiệp là
thời gian khó nghĩ cho cả ba lẫn mẹ. Ba con là người có trách nhiệm nên muốn
trở về sau khi đã được hưởng đặc ân của đất nước. Hơn nữa ba con còn mang nhiều
hoài bão muốn thực hiện nơi quê hương của ba con, một nơi mà ba con bảo là còn
chậm tiến, nghèo khổ cần đến những người có chuyên môn như ba con. Ba con bảo
mẹ sinh ra ở đây lớn lên giữa một xã hội dân chủ, giàu mạnh, mẹ không thể hiểu
được là những gì mà ở đây coi như một điều dĩ nhiên thì nơi quê hương của ba
người ta phải tranh đấu tới đổ máu cũng chưa có được. Mẹ hiểu tình yêu của ba
con đối với mẹ nhưng mẹ cũng hiểu con người ba, ba chẳng bao giờ có thể là một
kẻ trốn tránh. Mẹ có nghĩ tới chuyện theo ba con về Việt Nam nhưng ba con bảo
mẹ chưa sẵn sàng để có thể nhập vào cuộc sống khác biệt ở bên đó. Cuối cùng ba
mẹ cứ tạm đồng ý chia tay rồi sẽ tính sau. Lúc đó mẹ chưa biết là mẹ mang thai
con. Mẹ cũng không báo cho ba con biết trong những thư mẹ gửi sau đó vì mẹ nghĩ
rằng chỉ thêm khó nghĩ cho ba con, chờ tới lúc thuận tiện sau này cũng chưa
muộn. Thời gian mang thai con là thời gian mẹ sống trong một tâm trạng hết sức
cam go nửa như kiêu hãnh với sự hy sinh của mình nửa như hờn tủi với nỗi cô đơn
đang gánh chịu. Khi sanh con ra mẹ khóc vùi tới mấy ngày trong lẻ loi cô quạnh.
Tâm hồn mẹ nhiều khi yếu đuối khiến mẹ cảm thấy như hụt hơi giữa những ngọn
sóng trùng trùng điệp điệp của biển cả mênh mông. Giữa lúc đó quê hương của ba
con rơi vào tay Cộng sản. Tới bây giờ mẹ cũng không hiểu lúc đó mẹ đã thực sự
xúc động như thế nào. Mẹ ngơ ngẩn như đã đánh mất hồn mình. Chẳng còn một cánh cửa
nào mở ra cho niềm hy vọng của mẹ. Mẹ lịm đi trong nỗi tê tái héo úa. Sau đó mẹ
gặp và lấy ông Vincent như muốn tìm một bấu víu vào cuộc đời. Nhưng mẹ đã lầm.
Cái bóng của ba con đã bao trùm nhốt kín cõi lòng mẹ. Mẹ còn gì đâu để chia sẻ
với ông ta. Đành phải chia tay. Mẹ cảm thấy quá mềm yếu nên đã gửi một lá thư
qua địa chỉ cũ của ba con. Mẹ kể lể dài dòng về cuộc sống của mẹ và nhất là về
con. Ngày qua ngày mẹ trông mong thư hồi âm nhưng lá thư chờ đợi hình như chẳng
bao giờ tới. Mãi về sau mẹ mới nhận được thư của một người lạ. Ông ta tự giới
thiệu là bạn thân của ba con và cho biết là ba con đã bị Cộng sản bắt và giam
cầm qua nhiều trại tù. Chính ông ta là người đã nhận được thư của mẹ và thông
báo cho ba con. Sau đó ba con đã vượt ngục và trốn khỏi Việt Nam. Chuyến đi
không được may mắn và ba con đã mất tích ngoài biển khơi. Mẹ cứ nghĩ rằng hình
ảnh cuối cùng mà ba con mang theo phải là hình ảnh của mẹ con mình. Mẹ thấy....
Mẹ bỏ lửng câu nói
bằng những tiếng nghẹn ngào vỡ vụn càng lúc càng nhỏ dần. Mắt mẹ đầm đìa nước
mắt. Những giọt nước mắt của tôi cũng bương bả chảy xuống nhòe nhoẹt đôi má.
Tôi lặng người nghĩ tới người cha chưa hề gặp mặt. Sợi dây
tình cảm đang đan kết trong hồn tôi mang tôi lại gần ông, buộc chặt tôi vào
những ý nghĩ dịu dàng về ông. Tôi nhìn bàn tay tôi và như thấy rõ giòng máu của
ông đang dào dạt trong tôi. Tôi cảm thấy tay tôi nóng ấm.
Mẹ đi về phòng để tôi
ngồi bất động như một pho tượng buồn phiền. Một lát sau mẹ trở ra đưa cho tôi
một tấm hình nhỏ. Người đàn ông trong hình nhìn tôi sao mà trìu mến. Tôi thấy
loáng thoáng đây đó những mảnh vụn của khuôn mặt tôi trong hình. Người tôi xôn
xao như những miếng đất được lưỡi cày dựng đứng dạy tở mở reo vui. Tôi đã bắt
được nguồn gốc của tôi nơi con nguời đã cho tôi sự sống. Động lực nào tiềm ẩn
trong con người tôi đã xô đẩy tôi về bến bờ quê nội đằm thắm thân thương.
Tất cả những gì liên
quan đến cái xứ sở xa xôi đó đã được tôi chú ý đến: một mẩu tin trên báo, một
chương trình truyền hình, một vài dòng chữ rải rác trong các sách sử địa, một
vài tấm hình trên các tạp chí..Tôi rối rít đón nhận chúng như đón nhận những người
thân quen.
Dần dà tôi đã biết
Việt Nam nằm ở chỗ nào trên quả địa cầu và tôi đã rung động với phong cảnh, con
người trong hình, đã hiểu tại sao có những người bị cầm tù, tại sao người ta đổ
ra biển ào ạt trên những con tàu mong manh bất an, tại sao người ta bỏ mạng
sống trên biển như ba tôi... Tôi xót xa như chính tôi bị ném vào những bất hạnh
khốn cùng đó. Tôi thấy những người da đen cũng
xót xa cho phần số lưu lạc của họ. Họ sờ soạng dắt díu nhau tìm về nguồn. Những
chiếc áo thun có chữ Roots trên lưng trên ngực như một nhắc nhở ngày đêm về cái
nguồn gốc dào dạt thương yêu của họ. Tôi cũng như họ nhưng tôi cô đơn hơn họ.
Tôi lẻ loi trên đường tìm về nguồn của mình. Tôi cũng mặc chiếc áo thun có chữ
Roots trên ngực, chữ Roots đỏ chói chang như tấm lòng tôi nhiệt thành trở về
với máu mủ của ba tôi. Tôi nghĩ rằng những người chết tức tưởi như ba tôi
thường lẩn khuất trở về bên cạnh người thân yêu. Tôi tin tôi là giọt máu vất
vưởng mà ba tôi muốn vỗ về âu yếm. Tôi xin mẹ tấm hình ba tôi và đặt trên mặt
tủ cao trong phòng tôi. Tôi hỏi mẹ và biết rằng ba tôi rất thích hoa hồng, thứ
hồng nhung đỏ sậm đặc quánh nồng nhiệt. Tôi chăm sóc chẳng bao giờ để cho bông
hồng kịp héo bên tấm hình ba tôi.
Những gì xảy ra trong
đời tôi sau này hình như có bàn tay dẫn dắt của người cha mà tôi cảm thấy như
thể đã từng thực sự sống bên tôi.
2.
Cả một cái gym lớn như
một chiếc tàu biển được dùng làm nơi ghi danh. Chỉ nguyên nhìn thấy người đi
qua kẻ đi lại cũng đủ mệt con mắt, chóng cả mặt. Người nào người nấy cố nói
thật nhỏ cho khỏi ồn ào mà căn phòng quá khổ này lúc nào cũng có tiếng rầm rì như
cả một bầy ong vò vẽ tụ họp về làm tổ. Đồng hồ đã chỉ 3 giờ mà hàng người xếp
hàng trước bàn tôi vẫn còn dài ngoẵng. Tôi liếc nhìn qua các bàn khác. Cũng
chẳng kém. Mỗi chiếc bàn giống như đầu một con trăn kéo theo cái thân mình uốn
khúc rồng rắn là hàng người nối đuôi nhau đứng chờ. Tụi bạn tôi ở các bàn khác
giơ tay vẫy chào. Tôi vẫy trở lại miệng cố nở ra một nụ cười héo hon. Chúng tôi
đang học năm chót và được nhà trường mướn với giá rẻ mạt ngồi ghi danh cho các
cô các cậu mới bước chân vào Đại Học. Lương tiền không được bao nhiêu nhưng
được cái vui nhìn ngắm, trò chuyện với các em bé tươi rói tấp nập tới ngồi
trước bàn. Ông anh tôi du học bên này từ năm nảo năm nào là người cẩn thận số
một. Tối qua ngồi ăn cơm với cả nhà ông cứ dặn đi dặn lại tôi là đầm chỉ để
nhìn thôi chứ đừng có lạng quạng mà thân bại danh liệt đấy. Tụi bây phải nhớ
nằm lòng “danh ngôn” của cô nàng Yvette làm trong phòng tao như thế này: chuyện
vợ chồng cũng giống như coi ti vi, chán đài này thì đổi qua đài khác giản dị
như bấm nhẹ vào cái télécommande là xong.
Tôi sắp xếp tập hồ sơ
vừa làm xong, gọi người kế tiếp mà chẳng thèm ngẩng mặt lên. Cái bóng người
trước mặt tôi khoan thai khép nép ngồi xuống ghế như một cơn gió thoảng. Tôi
nhìn lên và bắt gặp một nụ cười hiền dịu cùng đôi bàn tay trịnh trọng đưa tập
hồ sơ cho tôi. Em đầm này lễ nghĩa gớm! Tôi kiểm soát các giòng chữ điền trong
hồ sơ, xét các giấy tờ đính kèm thấy đâu đấy đều gọn gàng ngăn nắp chẳng sai
trật một ly nào cả. Đầm mà “công dung ngôn hạnh” dữ à! Tôi vừa định phán chữ
parfait để kêu người khác thì cô bé lên tiếng hỏi:
- Anh là người Việt
Nam phải không?
Tôi gật đầu cười cười.
Con rồng cháu tiên ở cái trường này học hành thường ăn trên ngồi trốc thiên hạ
nên cái gật đầu của tôi hơi dũng mãnh kéo theo cái mặt hơi vênh lên một chút.
Cô bé cúi mặt nói nhỏ nhẹ:
- Em cũng là người
Việt Nam!
Tôi ngạc nhiên nhìn kỹ
con người trước mặt tôi. Phải tinh ý lắm mới nhận thấy nét Việt Nam ẩn hiện
trên khuôn mặt nặng vẻ tây phương. Anh tây nào “sản xuất” ra em chắc phải có
cái gène mạnh lắm mới vẽ ra được cái mặt đậm nét đầm như vậy. Tôi nói bằng tiếng
Việt:
- Vậy hả? Cô có nói
rành tiếng Việt không?
Cô bé ngồi ngớ ra một
giây rồi vội vàng nói:
- Em không hiểu!
Cái miệng cười thật
xinh. Đôi môi nằm dài ra thoải mái phơi bày hai hàm răng thẳng tắp đều đặn như
những hạt bắp thơm tho. Không nói được tiếng Việt cũng chẳng là chuyện lạ.
Nhiều đứa em của bạn tôi cả cha lẫn mẹ giòng giống Lạc Hồng trăm phần trăm hẳn
hoi mà cũng có nói được câu tiếng Việt nào đâu. Huống chi cô em lại chỉ Việt
Nam có 50 phần trăm. Không, mặt mũi nặng phần đầm hơn, phải tính còn lại có 30
phần trăm thôi. Tôi vội cho điểm nhan sắc trong đầu. 8 trên 10. Thuộc loại khá.
Tôi nở một nụ cười tiễn đưa kẻo cái em đầm to như một con voi đang đứng đợi tới
lượt mà nổi giận lên thì phiền phức lắm. Cô bé đứng dậy, với tay ra sau vuốt
thẳng nếp áo quần rồi cười tít mắt lại nói: “Chao!” Tôi ngẩn ngơ tự hỏi tiếng
Việt hay tiếng Ý đây. Thôi, cứ cho là tiếng Việt cho cuộc đời có một tí hạnh
phúc vậy!
Tôi vừa huýt sáo vừa
nhảy tâng tâng xuống cầu thang ra về thì bắt gặp cô bé ôm tập bìa trước ngực,
đứng dựa lưng vào tường, một chân co lên thoải mái. Mái tóc đen bao quanh nụ
cười tinh nghịch như thầm bảo bắt được quả tang cái phần con nít trong ông rồi
đó nghe! Tôi hơi ngượng ngượng, mặt mũi tai miệng như cái lò sưởi vừa được đốt
lên. Lấy hết chí nam nhi coi nụ cười chế riễu như pha, tôi lớn tiếng hỏi:
- Cô bé chưa về sao?
Cái miệng mím lại, hàm
răng trên cắn chặt môi dưới làm hồng lên cái màu mộc mạc không son. Cái đầu lắc
lắc, mấy lọn tóc trước trán đong đưa nhí nhảnh:
- Dạ chưa. Em muốn chờ
anh hỏi chút chuyện.
Tôi khẽ nhếch miệng
gật đầu như khuyến khích. Cô bé nói một hơi như một học sinh tiểu học vội vàng
trả bài sợ quên mất nửa chừng:
- Tên em là Sylvie,
chắc hồi nãy coi hồ sơ anh đã biết rồi. Xin lỗi anh, hồi nãy em có nhìn bảng
tên trên ngực anh thấy chữ Phan. Tên họ ba em cùng là Phan!
Tôi sững sờ thấy mình
đoán sai bét. Hóa ra em có bố Việt mẹ đầm. Tôi nhận họ hàng cho vui vẻ:
- Thế thì mình có
chung một ông tổ rồi! Nhưng...
Tôi ngần ngừ không
muốn nói tiếp, linh cảm thấy có điều gì không ổn nơi “lý lịch” của Sylvie. Mặc
kệ, cứ thấy sao nói vậy cho được tiếng là thành thật:
- Hồi nãy tôi có liếc
qua tên họ của Sylvie mà không thấy chữ Phan đâu cả.
Mặt cô bé xịu xuống
như một chiếc cửa sổ vừa buông màn. Đôi mắt mau lẹ thấm ướt chắt chiu nhả ra
từng giọt nước long lanh tròn trĩnh:
- Em chưa bao giờ gặp
ba em!
Tôi muốn giơ tay đập
vào miệng mình mấy cái để trị cái tội vô duyên ăn nói không giữ gìn ý tứ. Tay
chân tôi luống cuống thừa thãi chẳng biết chúng được sinh ra để làm cái gì.
Miệng tôi ấp úng:
- Xin lỗi Sylvie tôi
vô ý quá.
Cô bé mở cái sắc đeo
toòng teng bên người, lấy ra một tờ giấy phẳng phiu thơm ngát khẽ chậm chậm lên
mắt. Cử chỉ dịu dàng dễ thương. Tôi rủa thầm trong bụng. Chắc bố em cao chạy xa
bay cho mẹ em một mình ôm cái bụng dở dang oan nghiệt. Tôi điên khùng vớ vẩn
nhận họ nhận hàng cho cái mặt bây giờ khó nói chuyện. Tôi còn đang tiếp tục tự
xỉ vả thì Sylvie như một bà tiên hiền dịu cứu vớt tôi ra khỏi bể trầm luân:
- Em không được mang
tên họ của ba em nhưng em luôn luôn quí trọng và thương mến ông. Ông đã chết
ngoài biển trên đường vượt biên đi tìm gặp em. Chuyện nhiều rắc rối lắm, có dịp
em sẽ kể cho anh nghe sau.
Lúc đó mà có một chiếc
máy chụp hình trước mặt tôi thì chắc là tôi đã có một tấm ảnh để đời. Tôi nhớ
là cặp mắt tôi quả có trợn trừng lên, miệng tôi quả có há hốc ra và mũi tôi quả
có thun lại như một cái vòi voi nho nhỏ. Tôi ngạc nhiên và mắc cở quá sức. Cứ
như vừa mới chửi bới một người vắng mặt bỗng dưng thấy ông ta đường bệ đứng
sừng sững trước mặt nhìn mình bằng con mắt nửa tha thứ nửa thương hại làm mình
muốn độn thổ cho rồi. Sylvie như chẳng thấy cái mặt sượng của tôi, cô bé tiếp
tục nói bằng cái giọng nghẹn ngào cố làm ra vẻ bình tĩnh:
- Em không biết phải
nói thế nào cho anh hiểu. Hồi nãy nhìn thấy cái bảng tên của anh em mừng quá,
giống như bắt được một cái gì thân thuộc lắm. Nó gợi em nhớ tới ba em, cái chết
của ông, tình thương của ông, cuộc đời của ông. Em thấy như gần gũi lắm cái gốc
Việt Nam của em. Câu tiếng Việt anh hỏi em mà em không hiểu làm em thấy khó
chịu bứt rứt trong người, cái cảm giác kỳ cục của người biết mình có điều gì
thiếu sót. Thành ra em muốn anh dạy tiếng Việt cho em có được không?
Đề nghị của cô bé làm
tôi bất ngờ nhưng sao thấy nó thuận lý và dễ thương chi lạ. Có là người thép
chắc cũng phải mềm nhũn ra chứ kể chi cái thứ người rạt rào tình cảm động một
chút là rớm máu trong lòng như cái thằng tôi. Thôi cũng coi như có một cơ hội
thú vị để củng cố lòng yêu nước vốn vẫn âm ỉ trong tôi từ ngày bỏ nước ra đi.
Nói cho to chuyện vậy chứ nguyên cái việc có một cô học trò cỡ này cũng đủ ham
rồi. Tôi oai dũng gật đầu giơ nắm tay có thò ngón tay trỏ làm thành một cái
ngoéo ra trước mặt. Cô bé mặt rạng rỡ giơ ra một cái ngoéo trắng hồng móc vào
tay tôi. Hai đứa cười phá dẫn nhau xuống cantine làm lễ... khai giảng!
Một thầy một trò xấp xỉ tuổi nhau làm nên một lớp học lưu động không
giống ai. Giờ giấc không nhất định, cứ hai đứa rảnh lúc nào là mở lớp lúc nấy.
Lớp học giống như một con chuồn chuồn thích đâu đậu đó chẳng cần qui củ phiền
phức. Lúc thì cà phê cà pháo ở Dunkin' Donuts, hamburger với khoai chiên ở
McDonald, cơm canh Việt Nam ở ông Cả Cần, phở phiếc ở Hòa, khi thì ngay tại thư
viện, ngoài hành lang của trường hoặc những bữa đẹp trời thì tại ghế đá công
viên có lá vàng bay lả tả. Ông Rousseau mà biết được trên đời này có một lớp
học như vậy chắc là sẽ sống lại ngồi dậy cười một cái rồi nằm
xuống chết tiếp. Không biết vì lớp học thoải mái hay vì lòng ham học của trò và
thú ham dạy của thầy mà chữ nghĩa của thầy kéo ào ào qua trò như một cây hoa thiếu nước lâu ngày bỗng
được dịp hút vội vàng từng vạt nước mát rượi.
Chỉ trong vài tuần lễ
cô bé đã nói được những câu tiếng Việt thông thường, đặt được những câu hỏi
giản dị và... thưởng thức được những món ăn Việt Nam. Cái mục ẩm thực này là
kết quả...bên lề của lớp học nhưng lại là kết quả thú vị nhất. Bàn tay cầm đũa vụng
về lúc đầu đã trở nên nhuần nhuyễn cùng lúc với sự mê say hương vị của một tô
phở tái sách có thêm ớt, thêm tiêu, thêm nước mắm và đủ thứ rau giá bày trên
bàn. Ông thầy đã phải vất vả trăm đường mới có thể làm cô
học trò hiểu tại sao lại có thứ sách đầy chữ nghĩa nằm ở trên
bàn và thứ sách dòn tan ngon lành nằm trong tô phở. Nghĩa của một chữ nằm ở chỗ
này loạng quạng sang nằm ở một tiếng khác như vậy làm ông thầy mệt phờ... lông măng. Cái miệng xinh xinh bắt được hương vị
của một tô phở cũng là cái miệng uốn éo cố gắng đến tội nghiệp để phát âm cho
đúng những chữ lên bổng xuống trầm uốn lượn qua 5 dấu như 5 nốt nhạc khó tính
bắt cái đầu cô bé ngẩng lên hạ xuống khi sắc khi nặng. Lối nói tiếng Việt nặng
nề lên xuống như một chiếc cần cẩu siêng năng biến đi lúc nào mà cả hai thầy trò đều không hay biết. Một buổi sáng đẹp trời giữa một công
viên hoa lá rực rỡ muôn màu, tôi tự nhiên nhận ra vẻ ung dung tự tại của thứ
tiếng Việt nói với một nụ cười thoải mái trên khuôn mặt được thắp sáng bởi từng
vạt nắng dịu dàng thanh thoát. Tôi ngây dại ngắm nhìn hạnh phúc trong tầm tay.
Lòng tôi chơi vơi như một cụm mây hồng dịu. Con bướm trên môi tôi khẽ đậu xuống
đài hoa trên môi cô bé. Hai bờ môi quấn quít nhau nồng nhiệt như ngọn lửa trại
một ngày se lạnh. Cô bé nép vào ngực tôi tìm một chở che vững chắc êm đềm. Tôi
ôm chặt cô bé, vòng tay như biết nói lời yêu đương. Tình yêu đã biến lớp học
thành những cuộc hẹn hò rong chơi, biến ông thầy thành một kẻ hạnh
phúc và biến cô học trò thành một con bướm vàng có đôi mắt biết cười. Nó đã
nâng Sylvie đứng dậy như một đứa trẻ tự mình đứng dậy tập đi. Chỉ vài ba bước
dò dẫm đã đủ cho một cuộc làm người chạy nhảy tung tăng thỏa thích. Sylvie nói
và đọc tiếng Việt trơn tru dễ dàng, ném mình vào các buổi họp mặt ca hát chơi
đùa của bạn bè Việt như một người vừa tìm lại được con người đích thực của
mình. Cô bé Sylvie đã trở thành Xuân Vi, cái tên do tôi phiên âm tặng nàng.
Xuân Vi của tôi đã mang lại cho tôi cả một mùa xuân dịu dàng ấm cúng. Tôi ôm
mùa xuân vào cuộc đời tôi để biến nó thành một mùa xuân miên viễn. Khi chúng
tôi quyết định sống với nhau trọn đời thì Xuân Vi muốn có họ Phan trong tên
nàng. Tôi tham lam xiết kín vòng tay kéo sát thân hình bé bỏng vào người khẽ
nói:
- Anh bằng lòng cho em
mượn họ của anh đó.
Xuân Vi háy mắt, quệt
ngón tay vào đầu mũi tôi:
- Xí ai thèm mượn họ
của anh, họ của ba em chứ bộ!
Tôi châm chọc:
- Của anh!
Nàng giả bộ cong cớn,
hai tay chống nạnh, mặt ngẩng lên thách thức:
- Của em!
Hai đứa tranh nhau nói
của anh, của em như hai đứa trẻ háo thắng muốn chiếm phần hơn. Nhịp điệu “cãi
nhau” tăng dần làm hai cái miệng uốn éo tròn vo như hai cái bánh cam biến hình.
Tôi chụp hôn lên miệng nàng khẽ ậm ừ:
- Ờ thì của em!
- Nụ hôn kéo theo nụ
cười thỏa mãn trên bờ môi ngon như một chiếc kẹo mút. Xuân Vi ôm chặt tôi vào
lòng hỏi bằng một giọng xa vắng thẫn thờ:
- Anh có tin là người
chết có thể trở về đưa đường dắt lối cho người ruột thịt của mình được không?
Tôi gật đầu không nói,
cằm tôi xiết mạnh trên mái tóc thương yêu. Mùi hương quen thuộc đưa tôi trôi
nổi bồng bềnh. Cuộc đời sao lại có lúc dành cho người ta những giây phút tuyệt
vời như vậy!
Song Thao
No comments:
Post a Comment