Tuesday, February 27, 2024

Nợ Còn Vương - Phương Hoa

 

Tôi bấm chuông và đứng đợi. Mùi hương thoảng nhẹ trong không khí khiến tôi chú ý đến mấy khóm hồng dọc hai bên lối vào. Những cụm hồng nhung đủ màu mới vài ngày trước còn đẹp rực rỡ, vậy mà giờ đây đã xuống sắc, cánh hoa rơi tan tác vương vãi khắp nơi. Tôi nhìn lên tấm bảng nhà dưỡng lão (Residential Care Home) và bỗng thấy lòng chùng xuống. Bên trong cánh cửa này, có bao cuộc đời từng một thời tung hoành ngang dọc, nhưng nay họ đều đang thập thò bước thấp bước cao đi vào đoạn cuối đời, cho dù có an phận sẵn sàng hay vẫn còn luyến tiếc.

Cửa mở, tôi bước vào và nghiêng mình làm một điệu bộ vui với các cụ già đã được nhân viên đưa ra ngồi sẵn quanh phòng thể dục chờ tôi:

– Chào mọi người. Chúng ta bắt đầu nhé!

“Lính” của tôi có mười lăm người tất cả, họ đều tuổi cao và không ai thực sự khỏe mạnh. Ông Don vừa thay van tim; bà Shara được ráp đầu gối; cụ Bob bắt đầu giai đoạn một của bệnh lẫn; ông Thomas ngồi xe lăn, ngoẹo cổ chảy nước dãi ướt đẫm chiếc khăn quàng, và nhiều người khác nữa. Chỉ có một người Việt độc nhất trong viện dưỡng lão này, là ông Tam Nguyen. Ông Tam khoảng chừng bảy mươi, tướng dữ dằn với hàm râu quai nón giống nhà độc tài Fidel Castro. Ông cũng từng bị tai biến, đi đứng hơi khập khiễng phải dùng chiếc ghế đẩy (walker).

Mỗi tuần tôi đến đây ba lần, vào buổi chiều sau khi đi làm về. Trong giờ đầu, tôi tập các cụ thực hành những bài thể dục đặc biệt dành cho người cao niên để giúp máu huyết lưu thông. Một tiếng đồng hồ còn lại, tôi đọc sách báo, kể chuyện phim, ra những câu đố, hoặc hỏi chuyện xưa, nghề nghiệp cũ, giúp họ vận dụng trí óc. Tất cả thành viên trong viện dưỡng lão đều trò chuyện thân thiện với tôi, trừ ông Tam. Ông có vẻ rất cô đơn, tâm trạng xem ra bất thường. Lúc nào trên mặt cũng hiện vẻ khó chịu kiểu “hận đời,” dù ông không làm phiền ai. Nghe nói người con trai độc nhất đưa ông vào đây cả năm nhưng đến thăm có vài lần, mỗi lần vài chục phút. Điều kỳ lạ là, ông nói tiếng Anh cả với tôi chứ không thèm dùng tiếng Việt.

 

Thấy ông Tam sống lẻ loi trong cái cộng đồng toàn Mỹ nên thỉnh thoảng tôi đem đến cho ông và cụ Bob cùng phòng vài món ăn do tôi làm. Khi thì ít cuốn chả giò, lúc đĩa bánh ướt cuộn tôm thịt. Lần nào ông cũng chỉ nói “Thank you,” ăn mà chẳng hề có một lời khen chê, trong khi ông Bob trầm trồ liền miệng. Tôi thường tìm cách trò chuyện dù ông ít khi trả lời, và sự kiên nhẫn của tôi rồi cũng kết quả. Có lần ông đã mở lòng thố lộ với tôi, vẫn bằng tiếng Anh, về ông.

Ông Tam vượt biển và đến Mỹ định cư năm 1979. Đi học rồi ra làm việc cho Bưu Điện Mỹ mấy chục năm, mới về hưu vài năm nay. Khi tôi hỏi sao chẳng thấy con trai ông đến thăm, ông trả lời lơ đãng, không biểu lộ chút cảm xúc nào, như đang nói chuyện của người khác:

– Thằng Trí thường đi làm xa. Vợ nó vẫn ở trong nhà tôi, nhưng không muốn gặp tôi.

Sau đó già Tam lại thu mình vào vỏ như con ốc, những gì tôi biết về ông chỉ có vậy. Mọi người đang tập bỗng có tiếng bấm chuông. Nhân viên bận nên tôi ra mở cửa, và thật bất ngờ thấy một người Việt Nam đến tìm ông Tam. Đây là lần đầu tiên có người đến thăm Già Tam “Con bà Phước” nên tôi rất mừng, vội đưa ông ta vào. Ông Tam ngạc nhiên nhìn người khách đến sững sờ, bàn tay ông run run giữ chặt thành ghế.

– Ông thầy! Sao mà lại ra nông nỗi? Người khách nói như muốn khóc, liếc nhìn cái ghế có bánh xe, rồi ngồi xuống ôm chầm lấy ông Tam. – Kỵ đây nè! Anh không nhận ra em sao?

Ông Tam cũng kêu lên giọng nghẹn ngào, lần đầu tiên tôi thấy ông để lộ cảm xúc:

– Trời ơi! Kỵ! Chú mày làm thế nào mà tìm ra anh ở đây?

Tôi kêu ông Tam đưa bạn vào phòng chuyện trò cho thoải mái. Hơn một giờ sau ông khách ra về. Đến cửa ông ta dừng lại vẫy chào tôi, miệng mỉm cười nhưng đôi mắt ông trông buồn vô kể. Xong việc, tôi giúp đưa cụ Bob trở về phòng với ông Tam để họ nghỉ ngơi một chút trước khi dùng cơm chiều. Tôi đang loay hoay đỡ cụ lên giường, cụ bỗng nhìn qua bên cạnh hỏi:

– “What’s wrong, Tam?” Có việc gì thế Tam?

Tôi quay sang giường ông Tam, và bỗng giật mình. Già Tam đang nằm xụi lơ như không còn sức sống. Hai tay ông ôm đầu, đôi mắt đỏ ngầu nhìn trừng trừng lên trần nhà long lanh ngấn lệ. Miệng ông mím chặt làm bộ râu quai nón lởm chởm lên như đám rễ tre.

– Bác Tam! Tôi kêu lên và bước lại. – Bác làm sao vậy? Có phải bị đau đầu không? Bác có cần lấy thuốc hay kêu y tá đến giúp? Thấy hỏi một hơi ông Tam chỉ lắc đầu không đáp cũng chẳng nhìn, tôi bèn ngồi lên mép giường, gỡ tay ông ra rồi giữ lấy đôi tay đang run bần bật trong tay tôi, và dùng tay kia xoa xoa lên trán ông: – Để cháu massage cho bác, bác sẽ cảm thấy dễ chịu ngay. Hình như người quen của bác đã mang đến tin tức gì chẳng lành, đúng hôn? Tôi hỏi.

–Cháu thấy ông ấy đi ra với vẻ mặt buồn ghê lắm!

Ông cụ trước giờ luôn tỏ ra lạnh lùng kiêu ngạo bỗng nấc lên, nước mắt chảy dài, rơi lấm tấm trên đám râu xồm muối tiêu trông như những giọt sương mai trên cỏ. Tôi vỗ vỗ vào tay ông:

– “It’s okay”! Bác khóc được là tốt, chuyện buồn gì rồi cũng sẽ…

– Không phải chuyện buồn! Già Tam bất ngờ lên tiếng cắt ngang lời tôi, và vẫn nhìn lên trần nhà. Tôi tròn mắt. Đó là lần đầu tiên từ khi tôi vô làm ở đây ông nói tiếng Việt. Không phải chuyện buồn, chẳng lẽ chuyện vui, sao ông lại đau lòng đến thế. Bỗng ông rụt tay về ôm lấy đầu, lẩm bẩm như nói với chính mình: – Tôi thật đáng chết! Bà ấy… Bà ấy… Luyến của tôi! Trời ơi!

– “Bà ấy” là ai vậy? Tôi dỗ dành ông, cũng bằng tiếng Việt: – Bác có thể chia sẻ với cháu được không? Để trong lòng và tự dằn vặt mình sẽ hại cho tim của bác lắm. Bác từng bị bệnh mà!

Già Tam mím chặt môi, có vẻ như cố dằn lòng không muốn nói. Nhưng sau một lúc ông chẳng cầm cự được trước ánh mắt lo lắng chân tình của tôi. Chống tay ngồi dậy, ông đưa tay áo quệt nhanh qua khuôn mặt đầy nước mắt. Và rồi bằng một giọng nghẹn ngào ông bắt đầu kể tôi nghe về chuyện của ông, của người vợ mà ông từng hết lòng yêu thương và cũng đã hận thù trong mấy chục năm qua, giữa tiếng ngáy rào rào vô tư của cụ Bob ở giường bên cạnh.

Trước kia Tâm là một sĩ quan, binh chủng Biệt Động Quân oai hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Chàng Trung úy mũ nâu yêu và cưới Vi Luyến một nữ sinh xinh đẹp, người thôn Thành học ở Nha Trang. Năm 75 khi Trí đứa con trai của họ được gần hai tuổi thì tai họa ập đến. Nước mất nhà tan, Tâm bị bắt đi tù. Luyến và thằng Trí cùng mẹ anh bị đuổi đi kinh tế mới trên miền núi. Cuộc sống rẫy rừng bữa rau bữa cháo không đủ nuôi ba miệng ăn. Luyến bán dần từ nữ trang đến nhẫn cưới, và bất cứ thứ gì trong nhà để mua thực phẩm thuốc men đi thăm chồng. Nhưng sau một thời gian, Tâm chẳng còn ai thăm nuôi mà tin tức của vợ cũng bặt luôn.

Lâu ngày, từ những thân nhân của bạn tù Tâm nghe được, Luyến đã qua lại với một gã cán bộ phường, có thai với hắn, nên mẹ Tâm bắt lại thằng cháu và đuổi cô đi. Lòng Tâm tràn ngập hận thù và đau đớn. Mấy lần anh định trốn trại vượt ngục về tẩn cho đôi gian phu dâm phụ một trận rồi ra sao thì ra. Mẹ anh phần lớn tuổi lại bị đau khớp, phần phải vật vã nuôi thằng cháu nhỏ, bà không có khả năng thăm nuôi con trai. Anh bơ vơ, đói khát, còn bị hành hạ trong tù, lâu thật lâu mới có người bà con xa nào đó gửi cho mấy viên ký ninh, vài tán đường, hay gói muối sả. Dù vậy cũng tạm để Tâm tồn tại, cố gắng sống chờ ngày gặp lại mẹ và con trai.

Ba năm sau Tâm được thả. Anh lê tấm thân còm cõi về nhà. Mối hận càng tăng khi nghe mẹ già kể chuyện.  Bà đuổi Luyến đi được vài tháng thì ngôi nhà của bà nửa đêm bốc cháy. Bà và hàng xóm nghi ngờ tay người tình của Luyến phóng hỏa, vì bà đã sỉ vả Luyến và cả hắn ta, một cách quá lộ liễu.

Thật may đêm đó có một người đi đường liều mình nhảy vào ngọn lửa cứu bé Trí và bà. Trí chỉ bị phỏng nhẹ, còn bà ngất xỉu vì ngộp khói phải đưa vào trạm xá. Hàng xóm chạy đến tận tình chữa cháy, nhưng nhà bà ở rẫy cách nhau xa nên chữa không kịp, bị cháy hết một phần.

Mấy tháng sau khi nhà cháy, có người tên Kỵ tìm đến. Anh từng là Hạ Sĩ dưới quyền của Tâm trước đây, đem giúp bà tiền mua mấy tấm phên sửa lại nhà. Lâu lâu Kỵ còn đem cho bà chút đỉnh tiền, dăm gói mì tôm, ký đường, để cho thằng Trí còi cọc có thêm chút chất bổ. Tâm nghe nói cảm động lắm. Anh nhớ nhà Kỵ làm biển, ở gần cầu Xóm Bóng Nha Trang, nên muốn xuống tìm để cám ơn. Nhưng mới ở tù về, anh sợ Kỵ bị liên lụy nên chưa dám. Tâm bắt đầu cuộc sống “tự do” bằng cách sáng sáng mang gói sắn mì luộc lên rừng phát rẫy, chiều về trên gánh củi là những bó lá lang, cải làn, rau đắng. Mồ hôi đổ xuống từng ngày, anh vẫn chẳng bao giờ đủ tiền mua cho thằng Trí cái áo cho lành. Ở chốn rừng núi muỗi mòng, mà thằng bé chỉ có độc cái quần đùi và chiếc áo lá vá đụp vá chùm được bà nội cắt may từ hai ống quần rách của Tâm. Mỗi khi đêm về, anh nằm cạnh nhìn đứa con mất mẹ ốm trơ xương mà lòng đau như cắt. Càng nghĩ anh càng giận người vợ bạc tình.

– Tôi sống vật vã với lòng thù hận như thế, cho đến một ngày tôi có điều kiện vượt biên.

Già Tâm nói tới đây bỗng dừng lại. Dưới ánh đèn phòng, mắt ông hiện lên vẻ đau khổ tột cùng.

– Bác ở tận miền núi, lại không tiền, làm cách nào bác kiếm được mối? Tôi nôn nóng hỏi.

– Là Kỵ, thằng đàn em hồi nãy. Ông nói, giọng sụt sịt nước mắt nước mũi. – Một buổi tối Kỵ chạy Honda lên vùng kinh tế mới nói với tôi, có người quen tổ chức vượt biên chừa cho nó hai chỗ, nhưng nó nhường, để tôi và thằng con đi miễn phí. Nhà nó có ghe sẽ đi sau.

– Wow! Ông Kỵ tốt quá! Tôi trầm trồ. – Người lính cũ của bác thật là giàu tình nghĩa!

Già Tam lắc đầu, đạp mạnh hai bàn chân xuống nệm: – Không phải! Nói xong ông tự tát vào mặt mình bôm bốp: – Tôi mới là thằng khốn kiếp!

Tôi hết hồn chụp tay ông lại, dù lòng hoang mang nhưng không dám hỏi nữa. Ông cụ bỗng úp mặt xuống đầu gối, và cất lên giọng nói nghe thê thiết như vọng về từ cõi âm ty:

– Tôi thật đáng chết! Mấy chục năm nay tôi không ngừng oán giận Luyến và nhớ ơn Kỵ. Không biết làm sao tìm gặp nó để đền đáp. Nhưng lúc nãy Kỵ cho biết một sự thật, mà dù tôi có chết trăm lần cũng không đủ đền tội lỗi của mình! Ngày đó dù bị mẹ tôi tàn nhẫn bắt con và đuổi đi, Luyến vẫn chạy vạy kiếm tiền lâu lâu gửi ít đồ ăn cho tôi bằng tên người khác. Cô còn đi tìm Kỵ, nhờ thay mặt đưa dùm tiền bạc, thức ăn để mẹ tôi sửa nhà và nuôi thằng Trí. Sau này Luyến còn bán căn nhà nhỏ mẹ cô ấy qua đời để lại, đưa vàng nhờ Kỵ lo cho hai cha con tôi ra đi.

Luyến bắt Kỵ phải thề không cho tôi biết, vì cô nghĩ mình không còn xứng đáng với chồng con.

– Trời ơi! Tôi kêu lên. – Không thể nào tin được thế giới này còn có người như bác gái!

Già Tam nghe thế thì ngẩng đầu lên vật vã thở, như là sắp ngất. Nhưng rồi ông nói tiếp, phát ra từng lời khó khăn như đang bị ai chẹn họng: – Đau đớn lắm! Cô ấy phải lăn lóc bám theo bọn tài xế đường dài đi buôn ra Bắc. Mỗi lần bị lũ thuế vụ hốt hết hàng, mất vốn, cô lại trở về lảng vảng gần bên, để dòm chừng thằng Trí. Nên trong cái đêm cháy nhà, cô ấy đã kịp thời cứu thằng con và mẹ tôi, rồi bỏ đi trước khi người ta tới. Việc đó làm cổ bị sẩy thai, cái kết quả một lần bị thằng khốn bức hiếp khi nhờ nó ký giấy thăm nuôi tôi. Ông lại nấc lên: – Luyến bị phỏng một bên mặt và một bàn tay, nhưng không tiền chữa trị kỹ càng nên đã để lại sẹo đến giờ.

Thấy ông mệt lã, tôi đi rót ly nước, cũng để cầm lòng cho khỏi khóc theo ông. Ông bưng ly lên uống một hơi, nuốt xuống sự nghẹn ngào rồi kể tiếp. Lúc biết tin chồng con ra đi trót lọt, bà về quê buôn bán kiếm sống. Sau bà trở lại thì mẹ chồng đã bán cái nhà ấy và dọn đi. Dò hỏi mãi cũng không ra, bà mất luôn tin tức hai cha con, nên theo người ta vô Sài Gòn tìm việc làm. Bà đã làm đủ thứ nghề, sau cùng là bán vé số, và với hy vọng mỏng manh, bà rảo tìm hỏi thăm những Việt Kiều về nước. Mãi đến năm ngoái tình cờ bà gặp lại Kỵ ở Sài Gòn. Nhờ bàn tay với cái mặt sẹo mà ông Kỵ nhận ra bà, và được nghe kể lại thêm nhiều chi tiết nữa. Về Mỹ Kỵ đi tìm ông Tam suốt cả năm qua. Kể đến đây ông già rên rỉ:

– Phải chi mẹ tôi còn sống để biết được chuyện này! Ngày đó bà vô cùng ghét Luyến.

– Tội nghiệp bác gái quá! Tôi nói. – Nhưng giờ biết được tin tức bác ấy là mừng rồi, trễ còn hơn không bác ạ! Tôi chồm tới ôm ông cụ: – Chúc mừng bác! Tuy an ủi già Tam, nhưng tiếng nức nở của ông bên tai làm cho tôi cũng phải rơi nước mắt.

Sau lần đó, ông Kỵ trở lại nhiều lần nữa giúp làm thủ tục bảo lãnh cho vợ già Tam, vì ông giận cô dâu nên không nhờ đến con trai. Ông Tam lúc này không còn cau có như xưa mà trở nên thật cởi mở. Ông gọi Việt Nam liên tục, cho tôi xem tấm hình bà vợ có cái sẹo bên má mà ông nâng niu bên mình. Khi có tin bà Luyến đậu phỏng vấn, ông Tam hớn hở khoe với bạn trong nhà dưỡng lão. Mọi việc đâu đó sẵn sàng, một tuần nữa thôi, ông sẽ đi phi trường đón vợ.

Chiều thứ Sáu trước ngày đón bà Luyến, tôi đi làm ra lái xe đến viện dưỡng lão như thường lệ. Lòng thầm nghĩ hôm nay tôi sẽ chọc già Tam, chắc mấy đêm rồi ông mất ngủ.

– Ông Tam đang được cấp cứu trong bệnh viện vì bị “Heart attack”! Người quản lý nói khi vừa thấy tôi. – Hôm qua con dâu ông ấy đến và họ nói chuyện gì không biết. Chúng tôi nghe có tiếng cãi vã trong phòng, và khi cô ta về thì ông ấy ngã lăn ra. Chúng tôi phải gọi 911.

Tôi lật đật gọi cho ông Kỵ. Thì ra khi nghe mẹ chồng sắp qua Mỹ, cô dâu của già Tam đến ép ông ký giấy để cô làm thủ tục bán ngôi nhà hiện tại trị giá bạc triệu, do ông mua khi còn đi làm Bưu Điện. Giờ tôi mới biết rõ hơn lý do ông Tam và cô con dâu không hạp. Cô ta là con một cán bộ gộc bên Việt Nam qua du học Mỹ, nên lúc đầu ông đã chống đối cuộc hôn nhân này.

Hôm đó cãi nhau với cô ta, già Tam giận quá nên bị ngất xỉu. Ông Kỵ còn cho tôi biết, dù ông Tam đã được mổ và thay van tim thành công, bác sĩ nói chuyện tỉnh lại hay không phải nhờ vào ý chí của ông ấy, vì đây là bệnh cũ tái phát sau cú sốc quá nặng.

Ngày Chúa Nhật, tôi đến bệnh viện thăm già Tam. Ông tái xanh nằm bất động trong phòng chăm sóc đặc biệt. Máy móc, dây nhợ được gắn chằng chịt khắp người. Ông Kỵ và Trí con trai ông Tam cũng có mặt. Trí có vẻ rất lo lắng, đi tới đi lui mắt không rời khỏi cha già. Tôi đứng lặng nhìn người đàn bà chân quê, nhưng gọn ghẽ trong áo bà ba tím quần đen, tóc búi cao, khom người quỳ bên giường bệnh. Bàn tay đầy sẹo của bà ôm lấy bàn tay thâm tím đầy dây nhợ của già Tam, áp lên trên gò má có cái sẹo to đầy nước mắt của bà. Tôi thấy mắt mình cay cay.

Cúi người xuống, tôi nói vào tai già Tam:

– Bác Tâm ơi cố lên! Bác không được bỏ đi, mà phải sống để còn lo cho bác gái. Từ nay bác ấy chỉ có mỗi mình bác ở trên đất Mỹ này, bác nhất định phải trở về với bác ấy!

Bà Luyến nghe tôi nói thì khóc nức lên, làm y tá chạy lại đuổi hết mọi người ra ngoài.

Một tuần sau ngày mổ tim, như có phép màu làm cả nhóm bác sĩ Mỹ đều kinh ngạc, ông Tam đã tỉnh lại khỏe khoắn như người bình thường. Theo các bác sĩ, trường hợp của ông việc tỉnh lại đã là kỳ tích, tỉnh lại mà còn mạnh mẽ như thế là điều “không tin nổi.” Ai cũng nói, chắc có lẽ ông biết mình còn món nợ quá lớn đối với người vợ đáng thương, nên không thể ra đi.

Già Tam xuất viện ba tuần sau đó, trở về viện dưỡng lão để y tá theo dõi một thời gian. Trí con ông giận cô vợ quá quắt và cảm thấy có lỗi nên kiếm chỗ dọn đi giao nhà lại cho cha mẹ.

Trong lần cuối già Tam tập thể dục trước khi dọn về nhà, tôi làm một khay chả giò đem đãi hết mọi người trong viện dưỡng lão để chia tay ông. Bà Luyến và cựu Hạ sĩ Kỵ cũng có mặt.

“Cụ Biệt Động Quân” Tâm bữa nay không còn làm “mặt ngầu” nữa. Ông nói tiếng Việt, xong dịch sang tiếng Anh cho những người bạn Mỹ nghe, thỉnh thoảng còn đùa vài câu duyên dáng.  Điều kỳ diệu là, ông bước đi tỉnh bơ chẳng cần đến walker khi có bà vợ đi kề bên.

Sau đó bà Luyến kể tôi nghe thật nhiều về những gì bà trải qua trong mấy chục năm sống lăn lóc ở đất Sài Gòn. Đi lượm rác, ve chai, gánh nước mướn, và nghề sau cùng, lâu nhất, là bán vé số.  Nhờ nghề này bà mới tìm được tin tức của ông Tâm. Dù trăm bề vất vả, đói khát, hiểm nguy…, bà luôn cầu nguyện để đủ can đảm sống tiếp, và vẫn hy vọng có ngày sẽ biết được tin tức ông Tâm và thằng Trí.

– Cuối cùng Bề Trên cũng đã nghe thấy lời cầu xin của tôi, gặp lại được thằng con và ông ấy là mãn nguyện lắm rồi, sự cơ cực mấy chục năm qua đối với tôi không là gì cả!

Bà Luyến nói. Nước mắt hạnh phúc ngân ngấn trong đôi mắt vẫn còn long lanh của người đàn bà đã quá lục tuần. Tôi bỗng thấy bà đẹp vô cùng, cho dù với vết sẹo dài trên gò má.


Phương Hoa

No comments:

Post a Comment