Truyện 1 người Việt
sống ở 1 nơi hẻo lánh trên đất Mỹ bỗng thấy 1 rạch hoa súng....
Trần Hoài Thư
Mùa hạ, thường thường
vào giờ ăn trưa, ông Nguyễn vẫn quen lái xe ra bờ kênh, cách hãng khoảng một
dặm đường. Trưa nay, ông cũng có thói quen như thế. Ông khóa cửa phòng làm
việc. Rồi xuống thang máy. Ngoài kia nắng tháng bảy nhìn đến loá mắt. Những bụi
hoa huệ trắng, hoa hồng đỏ khoe sắc. Hàng cây trên bãi đậu xe đứng im bất động.
Ông rồ máy. Và mở lại một bản nhạc yêu thích. Xe lăn bánh trên đường. Tiếng hát
cũng lăn theo chở ông về một cõi nào của dĩ vãng. Nơi đó là quê nhà. Nơi đó là
tình tự. Nơi đó là tuổi trẻ của ông.
Ông tìm lại chỗ ngồi
cũ bên giòng kênh đào. Ông tự dành cho mình một niềm vui thầm kín. Trên đầu là
chim chóc hót vui. Dưới kia, là một mặt nước êm đềm. Và bóng mát toả xuống cùng
với một vài mảng nắng đậu trên bàn. Và gió mát cũng hây hây thổi. Những đoá hoa
hôm qua còn nụ bây giờ đã hé nở. Búp hoa vàng dại bên cạnh những đoá dâm bụt
vươn lên trên mặt nước. Ông chậm rãi sửa soạn buổi ăn. Vẫn là những món ăn
quen, quá quen. Nhưng hôm nay, đặc biệt vợ ông còn dúi thêm một bịch nho tươi.
Tự nhiên ông nói thầm: Cám ơn má nó.
Buổi trưa chói chan
trên con đường nhựa chạy dọc theo kênh đào. Người ta chỉ thấy bóng một chàng
thanh niên Á Châu đang thả bộ cùng với giòng xe cộ dập dìu. Lối dành cho bộ
hành quá hẹp nên mỗi khi xe chạy qua là cậu phải ép sát vào trong gần những lùm
bụi rậm ven kênh. Ông đoán cậu là người rất xa lạ với vùng này. Cứ nhìn cách
cậu lê bước chân mệt nhọc thì biết. Nếu quen thuộc, không ai lại khờ dại phải
lội bộ cả một con đường dài đến hai dặm không có một trạm xe bus dừng như thế.
Nhưng ông không cần
bận tâm. Mặc thiên hạ làm gì thì làm. Ông đang cố tận hưởng những giây phút êm
đềm của một buổi trưa hè. Hãy bỏ qua một buổi sáng liên hồi chuông điện thoại.
Hãy bỏ qua những tiếng đồng hồ như thể phát sốt hay những ưu tư về một tương
lai không chắc chắn khi thấy giá cổ phần của công ty mỗi ngày mỗi sụt xuống đến
mức thê thảm. Đời là của riêng mình. Niềm vui này đâu phải tìm ở đâu xa. Ông
muốn nằm ngay trên băng ghế để nhắm mắt một lát. Thiên nhiên cây cối vây phủ,
những đám mây trắng thấy thấp thoáng qua kẽ lá, và nghe đâu đây tiếng dội ầm ầm
của thác nước khi chảy xuống đập. Ông thích thú nhìn đám vịt con lông vàng mượt
đang bơi theo mẹ ở giữa giòng. Ông lắng nghe tiếng chim nào đó đang hót như
khuyến dụ cô bạn mái.
Ông bỗng chú ý đến một
chùm bông súng đang nở e ấp giữa mặt nước. Kỳ lạ. Ở xứ Mỹ này, lại có bông súng
sao. Bông dâm bụt chưa hết ngẩn ngơ bây giờ lại bông súng dại. Thì ra thiên
nhiên ở bất cứ nơi nào cũng giống nhau. Quê hương xa cách ngàn trùng bỗng nhiên
thu hẹp vào trong một đám bông lạc loài giữa con kênh xứ người. Những búp bông
màu hồng nhạt nở trên cọng thon thon vươn lên từ đám lá phủ một khoảnh nhỏ giữa
mặt nước đầy bèo. Có bông nở rộ. Có bông vẫn còn e ấp búp. Những cánh mềm mại
nằm hứng lấy mây trời giữa màu xanh trong của nước và màu xanh đậm của bèo lục
bình. Ông ngạc nhiên không biết chúng có mặt từ lúc nào. Chúng có lẽ cũng như
ông, tự nhiên trôi dạt đến một phương trời lạ lẩm. Nào ai biết đôi khi chỉ cần
một bụi chuối con, hay nghe lại tiếng gà gáy vào sáng sớm, hay thấy lại nụ bông
súng lạc loài, là cả một tiếng gọi kỳ bí nhưng oà vỡ cả con tim mình. Ông nhớ
lại một lần trong năm đầu tiên ở Mỹ, hai vợ chồng ông đang chạy xe trong một
khu lạ. Khi qua một ngôi nhà bên đường thấy bụi chuối bên hè. Chuối con nép bên
chuối mẹ. Không hiểu sao, ông phải dừng xe lại. Vợ ông mở cửa xe, bước về phía
bụi chuối và khóc đến nổi người đàn bà Mỹ phải ra hỏi và ngỏ ý tặng bụi chuối
con.
Giờ đây, lại thêm một
lần quê hương trở lại. Có phải là buổi sáng nước rút và buổi chiều nước dâng mà
một vùng bông súng đã trang điểm cõi đầm lầy. Loài bông hoa đồng nội. Loài bông
ít ai nhắc đến. Nhưng là loài bông tỏa ra lòng từ tâm bốn cõi. Mùi hăng hắc của
phèn chua lẫn mùi ngây ngây của cọng súng hay chất ngọt dịu thanh thanh của
cánh bông mềm. Khi ông đói khát, ông đã ngắt cọng súng để lót lòng. Khi ông bắt
được con cá rô cá sặt trong vũng bom đào, ông lội ra đầm tìm bông, tìm cọng
súng mang về nấu canh, kho mặn. Có khi bè cả bè tràm trở về trại từ rừng, ông
lội giữa vùng bông súng. Bông không tỏa hương thơm như bông sen, nhưng bông mềm
như môi người đàn bà, mịn như da thịt của người thiếu phụ trẻ, để ông phải áp
bông vào môi vào miệng mình. Có khi ông lội vào sâu trong rừng, ông thấy cả một
vùng mênh mông súng và súng. Lá súng phủ ngập đầm không thấy đâu là mặt nước.
Và trên vùng lá xanh che mặt là những búp bông vươn cao, vươn cao như cả một
vườn tiên cảnh không ai biết đến. Ôi, những thân súng thon dài, mềm mại, giữ
gìn những chiếc lá xanh kỳ lạ không gai sắc, không nham nhở, mà ngược lại như
lụa là, thỉnh thoảng là chỗ tựa của con ếch, con nhái, để từ đó bông hoa nở rộ
hồng cả một vùng. Có khi trong buổi hoàng hôn, màu lá đã trở nên thẩm tối, còn
lại là một rừng bông màu hồng nhạt, hay màu trắng bạch, không lay động. Trong
khi ven đầm là vùng cỏ tranh vàng như kim loại. Lúc ấy, trên bầu trời quá đổi
hiu quạnh, những cánh chim chiều chậm rãi bay qua, và thỉnh thoảng nghe vọng
lại từ đâu đó tiếng bìm bịp kêu rời rạc.
Cám ơn đời đã cho ông
còn có con tim mà rung động trước cảnh đẹp, để ông nương tựa mà sống. Và cám ơn
một loài hoa đầm lầy hoang dã. Chúng cho ông suy nghĩ về triết lý nhân sinh.
Rằng càng trong tăm tối, càng thấy nở lên mầu nhiệm những bông hoa quí. Như
trong cõi đói rách lầm than, miếng đường chia nhau. Vị ngọt sẽ phải lịm hoài
đầu lưỡi. Hay ống điếu thuốc lào chuyền nhau. Khói thuốc sẽ phải ngây ngất cả
đời. Hay như người học trò đưa lưng gánh dùm bó tràm cho vị thầy cũ của mình
trong trại cải tạo. Tình nghĩa thầy trò đến đó là cùng, làm sao có thể tìm được
ở chợ đời. Hay như viên thuốc hiếm qúi mà người bạn tù biếu tặng. Và cả một
người con gái áo vá vai, khăn sọc vằn che cả mặt vì sợ nắng, nhưng ông cũng có
thể nhận ra đôi mắt đẹp và hiền khi nàng chống chiếc xuồng cũi trên giòng Kênh
Một. Đôi mắt ấy phản ánh nỗi xót xa khi thấy ông khốn khổ bè cả bè tràm to lớn
ngược giòng. Tại sao em lại xót thương tôi, dúi cho tôi vắt cơm và miếng thịt
quí giá vô cùng. Tôi thấy lòng em qua đôi mắt ấy rồi. Ràn rụa. Đỏ hoe. Em nói
nhanh: Ông nhận dùm em đi. Mau lên. Xem chừng họ thấy.
Rồi nàng chống xuồng
đi giữa vùng hoa súng đỏ và trắng. Hai vai áo vá lớp. Ông nhìn theo tự dưng
nước mắt như chảy. Bóng ấy càng lúc càng mất dần. Nhưng rõ ràng cái bóng ấy sẽ
không bao giờ mất trong tâm trí ông.
Và giờ đây ở xứ Mỹ này
ông nhớ đến một bóng hình xưa. Ông ngắt một búp bông chưa nở trọn vẹn bên bờ và
dịu dàng áp vào miệng như hôn lên một hình bóng yêu dấu cũ.
*
Giữa lúc ông chìm đắm
trong hoài niệm thì bỗng nhiên có tiếng nói ở đàng sau làm ông phải giật mình
quay lại. Người bộ hành Á Châu hỏi thăm đường bằng tiếng Anh:
" Thưa ông, lối
nào đến đại học X?"
Ông Nguyễn nhíu vầng
trán, cố suy nghĩ. Nhưng ông biết rất khó để mà chỉ dẫn đường đi:
" Xa lắm. ít nhất
là ba bốn dặm nữa. Phải tìm exit 10 vào xa lộ, qua cầu rồi tìm exit 11… Cậu
không có xe à ?" Ông trả lời, dĩ nhiên bằng tiếng Anh.
" Tôi không có
xe. Tôi mới đến đây hôm qua"
" Cậu đến từ đâu
?"
" Từ Việt
Nam."
Bây giờ ông Nguyễn mới
buột miệng reo, bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ.
"Thế à ? Tôi cũng
là người Việt Nam."
Rõ ràng ông không thể
tự chế được nỗi vui mừng đến độ phải bật lên thành tiếng. Thì ra tình đồng
hương đồng bào là một thứ tình đã trử sẵn trong tim trong máu huyết của loài
người. Hình như cái lưỡi của con người chỉ quen mỗi một thứ tiếng. Dù là giọng
Bắc của cậu và giọng Nam của ông.
Ông sốt sắng:
"Nếu cậu thích,
tôi sẵn sàng chở cậu đến đấy. Xa lắm, đi bộ không nổi đâu".
"Cám ơn bác. Cháu
nghĩ cháu thật may mắn được gặp bác".
"Cậu không có ai
quen ở đây sao ?".
"Dạ không".
Sau đó chàng thanh
niên giải thích thêm:
"Cháu mới từ
Buffalo đến ngày hôm qua."
"Cậu là sinh viên
du học ?"
"Dạ phải".
Qua những lời trao
đổi, ông biết một phần nào về người bạn trẻ mà ông gặp giữa đường. Cậu được một
đại học địa phương tại đây cấp cho một học bổng. Như mọi sinh viên VN du học
khác, cậu phải trải qua một khóa huấn luyện ngắn hạn để làm quen hơn về đời sống
xứ Mỹ tại trung tâm ở Buffalo New York trước khi thật sự vào trường tại tiểu
bang này. Giấy tờ ghi rõ đường đi nước bước, nhưng khi đến phi trường thì chẳng
có một ai đón dùm. Cậu đành phải trả một số tiền lớn để thuê chiếc tắc xi về
khu đại học. Tới nơi, đại học đóng cửa nghỉ hè. Cậu bơ vơ không còn biết ai để
cầu cứu đành thuê tắc xi đi tìm khách sạn. Tên tắc xi bỏ cậu xuống một khách
sạn cách trường khoảng ba dặm. Hắn nói, nơi này gần trường lắm. Quả thật hắn
cũng nói đúng. Tuy nhiên gần campus của trường chứ không phải gần khu hành
chánh hay sinh viên vụ. Cậu mới hiểu về những cái máy chém tiền không thương
xót. "Cả đêm cháu ngủ không được… Cháu không dám gọi tắc xi. Tắc xi chém
tiền hết chỗ nói."
Hoàn cảnh của người
sinh viên du học đã làm ông xúc động. Ông không cần thắc mắc về nguồn gốc lai
lịch của người mà ông gặp gỡ giữa đường. Ông nhớ lại sáng nay một người quen
vừa từ VN trở lại Mỹ, nói về những chuyện bực mình trong đó có chuyện anh chàng
hướng dẫn trẻ tuổi thay vì hướng dẫn du lịch lại hướng dẫn chính trị. Không
biết cậu này thuộc thành phần này không. Hay là con của một cựu binh đánh Mỹ
cút Ngụy nhào. Đối với ông bây giờ là một người Việt Nam đang gặp hoạn nạn.
Đang gặp bơ vơ. Tình người và tình đồng bào đã khiến ông không thể làm ngơ. Ông
mang cậu về nhà. Vợ ông gọi điện thoại đến người quen để tìm giúp chỗ cư ngụ.
Một người bạn gốc Xì làm việc chung giới thiệu một chỗ gần trường. Và ngay
chiều hôm ấy, vợ chồng ông tự dưng trở thành kẻ bảo trợ. Cậu không có gì hết,
nên ông bà phải giúp đỡ mọi thứ. Từ bàn ghế đến giường gối. Tặng cậu một thùng
mì Đại Hàn. Thêm cái tủ lạnh nhỏ. Rồi chất tất cả lên xe, mở đèn emergency mà
chạy.. Thấy hai bên nhà treo đầy cờ Mỹ, cậu hỏi:
- Thưa bác, hôm nay lễ
hay sao mà có treo cờ?
- Lễ Độc Lập đó cháu.
Vợ ông mau mắn trả lời.
- Bộ chính quyền bắt
dân phải treo cờ hay sao?
- Không. Ai muốn treo
thì treo. Chẳng ai bắt ai hết.
*
Lâu lắm, dễ chừng gần
một năm, ông không nhận được tin tức gì của cậu sinh viên ấy. Có lẽ vì việc học
hành quá bận rộn, hay cũng có lẽ vì cậu đã làm mất số điện thoại của ông. Ông
cũng vậy. Chẳng hề thắc mắc hay bận tâm. Đời sống xứ Mỹ quá bận rộn. Càng ngày
công việc càng đè đầu ngập cổ. Nhóm của ông 6 người giờ chỉ còn hai. Nhưng đến
một hôm ông trở về nhà, thấy một bình bông súng ai để trước cửa. Có phong bì lá
thư kèm theo. Lá thư viết như sau:
"Thưa hai bác.
Hôm nay có một người bạn có xe nên cháu nhờ anh bạn chở dùm đến thăm hai bác.
Rất tiếc hai bác không
có ở nhà. Cháu xin gởi về bác trai chậu hoa súng. Cháu biết là bác thích hoa
này nên cháu nhờ người thân mang dùm từ VN qua. Mong bác trai nhận..."
Vợ ông hỏi ông:
"Sao mà thằng Bình lại biết ông thích bông súng?"
Ông trả lời: "
Thì bà hỏi nó đi".
Ông dấu chuyện ông hôn
lên cánh hoa. Cánh hoa của một người yêu dấu cũ.
Trần Hoài Thư
No comments:
Post a Comment