Saturday, February 10, 2024

Giao Thừa Gõ Cửa - Sỏi Ngọc

Hình minh họa 


Từ trong cánh gà trên sân khấu của ngôi chùa lớn ở Montreal, hai con lân vàng và đỏ đang vươn mình dài, lấy đà nhẩy lên thật cao để với chiếc gói đỏ, món tiền thưởng lên đến cả ngàn dollars canadiens, do những nhà hảo tâm cúng dường cho nhà chùa, được treo trên một cây tre cao như một thách thức, xem đội lân nào sẽ cuỗm được món tiền ấy; rốt cuộc thì bất kể đội nào thắng, số tiền thưởng ấy cũng sẽ được trao cho nhà chùa, đây chỉ là một trong  những màn đột phá ngoạn mục thu hút sự tham gia đông đảo của những người đi chùa, ngoài ra cũng là màn văn nghệ đặc sắc cho những kẻ thích cá độ hơn thua thử vận vào ngày đầu năm. 

Những người cổ vũ bên dưới hò hét:

- Ráng lên! Ráng lên đoàn đỏ!

- Nhảy cao thêm chút nữa, thêm chút nữa là được rồi Lân vàng!

- Trời ơi, uổng ghê sắp ngoạm được rồi lại té xuống…

Tiếng la vang dội làm thu hút đoàn người ngày càng đông chen chật ở chân cầu thang dẫn lên chánh điện.


Mồng 1 Tết âm lịch 2024, Giáp Thìn rơi vào tối thứ sáu năm nay, đoàn văn nghệ chúng tôi đến chùa trong những chiếc áo dài mới toanh còn thơm mùi của vải, tôi và một người bạn được chọn làm người dẫn chương trình, từng tiết mục được soạn sẵn chỉn chu vì ngày đầu năm không ai muốn bị lộn tiết mục hay ăn nói bị vấp váp.

Mở đầu chương trình là mục múa lân thật vui nhộn, hồi hộp, tất cả năng lượng của những người tham dự hình như đặt cả vào mục này. Vì là năm Rồng nên trên khắp những bức tường đều được dán hình rồng uốn lượn thật đẹp với nhiều màu sắc.


Tôi đang ngồi sửa soạn cho tiết mục tiếp theo bỗng nghe tiếng la hét của khán giả và tiếng vỗ tay vang dội, ngước mặt lên nhìn, ngay lúc ấy người cuối cùng làm cái đuôi của con lân vàng đã đội cả một chuỗi người trên vai thật tài tình, nhất quyết phải chiếm cho bằng được gói tiền đỏ, hắn nhảy lên thật cao làm tung cả chiếc áo vàng, hai tay nâng người chính giữa lên vai như một nghệ nhân làm xiếc, hại chân bành ra làm trụ đỡ cho hai người trên cao, người chính giữa cũng kết hợp nhịp nhàng nâng người đầu tiên, nhấc bổng lên và chưa đến  một phút, người đầu tiên trên cao nhất, làm đầu con lân nhón người, đưa cánh tay dài ra ngoạm ngay gói đỏ gọn lỏn vào miệng, trong lúc bàn tay của đoàn lân đỏ chỉ chậm hơn một gang tay mà thôi! Khán giả vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng, có người đứng cả lên ghế hét la cổ võ.


Ngoạm được gói tiền thưởng ấy, cả đoàn vàng sung sướng, thở phào, lăn xuống đất lăn qua lại ba vòng như thể hiện sự mừng rỡ, rồi vội vã ngồi ngay dậy cúi chào bà con tứ phía; ông địa xuất hiện tức thời với khuôn mặt tròn bầu bĩnh, nụ cười ngoác đến tận mang tai, chiếc quạt mo phe phẩy tung tăng nhảy múa xung quanh chú lân vàng với niềm hãnh diện. 

Hai con lân vàng đỏ lại quấn quít nhau, thè chiếc lưỡi liếm vào mặt nhau như chia sẻ niềm hạnh phúc, đi xen kẽ vào hàng khán giả với chiếc túi nhỏ để xin them lộc đầu năm cho nhà chùa.

Ai nấy cũng bỏ vào một ít tiền cho hai con lân để khuyến khích cũng như thể hiện sự khen thưởng về công sức đã nhào lộn và sự thông minh nhanh trí đã giựt được miếng mồi quý, đem lại niềm vui tiếng cười sảng khoái cho mọi người vào đêm giao thừa.


Chính giữa điện, một cây quýt to cao với cả ngàn trái quýt được treo trĩu cành, bên trong mỗi quả có một miếng giấy nhỏ, hay còn gọi là lá sâm như một lời chúc tết từ các sư, thầy ở chùa đến các Phật tử và người tham dự, mỗi tờ sâm đó đã được các Phật tử và những người làm công quả như chúng tôi đã đến chùa từ tối hôm trước dán gắn vào từng quả quýt một cách trang trọng, móc lên trên cành cây, đây cũng là món quà ý nghĩa đầu năm như hái lộc mang về nhà vậy.

Ngoài ra vào đúng 12 giờ khuya giao thừa, sau tiếng pháo đì đùng nổ, thầy trụ trì còn lì xì cho tất cả các quan khách một số tiền nhỏ 2 đồng lấy hên trong một phong bì đỏ viết chữ Lộc vàng chói lọi, đồng tiền này mỗi năm tôi đều cất vào bóp để dành như một lá bùa mang niềm may mắn, mỗi lần tôi đi xin việc mới đều xoa vào hai mặt của đồng tiền trong lòng bàn tay với lời cầu nguyện chân thành từ trái tim, nhiều lần được toại nguyện nên tôi rất tin và quý đồng tiền lộc này lắm.


Những màn văn nghệ cứ như thế mà tuần tự tiếp diễn, vai trò làm mc của tôi chấm dứt và tôi trả lại micro cho người bạn kế tiếp. 

Tôi thay quần áo ngắn ra thong thả đi chung quanh chùa ngắm cảnh. 

Tượng Đức Phật Quan Thế Âm trắng ngà sừng sững ở bên trái khu vườn, dưới chân ngài là hồ cá khá rộng với đàn cá Koi màu vàng đỏ bơi quẫy dưới nước thật tự tại. Tất cả được đặt trong sân chùa có mái che và sưởi ấm để tránh tuyết lạnh. 

Ngôi chùa này đã có từ khi chúng tôi mới đến Canada, thuở ấy tôi còn là Phật tử của chùa, đã từng ca múa, học kinh pháp ở chùa này mỗi chủ nhật…

Thời gian như vó câu, số năm tôi sống nơi đất khách quê người gấp đôi lần những tháng ngày tôi sống trên quê hương mình.


Từ một góc vườn, sau bụi cây, thấp thoáng khoảng 4 người thanh niên cao lớn người ngoại quốc với mái tóc vàng, nâu, họ thầm thì với nhau có vẻ lén lút rồi vội vàng tách nhau ra như không quen biết, họ đi vào bên trong chùa bằng đường chính mà không hề thấy tôi đang để ý đến họ. Tôi thầm nghĩ “chắc họ đến để ăn bánh mứt đêm giao thừa và được nhận tiền lì xì của thầy lấy hên”. 

Những người ngoại quốc bây giờ theo đạo Phật nhiều lắm, họ tin cuộc đời có nhân quả, mặc dù không hiểu nhiều tiếng Việt, nhưng họ cũng đến tham dự những buổi lễ, ngồi với đôi chân khoanh bằng lại, yên lặng nhắm mắt thiền, tai thì nghe tiếng chuông, tiếng mõ và cả tiếng ngân nga tụng kinh của các thầy. 

Những người muốn nghe lễ hay thiền thường đến vào buổi trưa chứ đâu bao giờ đến vào giờ này đã hơn 12 giờ khuya rồi! Chỉ có người Việt và những người Á Châu mới đến chùa vào giờ này để hái lộc đón Giao Thừa mà thôi.


Tôi tò mò theo họ vào bên trong định để giải thích tập tục văn hóa của mình cho họ hiểu vì những người này hình như chỉ mới là lần đầu tôi gặp họ đến chùa. 

Thay vì tham dự ở bên dưới phòng văn nghệ, ẩm thực, thì họ lại lên thẳng chánh điện. Trên chánh điện lúc ấy chả có ai vì tất cả mọi người đều tập trung ở phòng dưới để thưởng thức văn nghệ. 

Hai người ngoại quốc da màu, đội nón lưỡi trai bỗng nhiên quay lại nhìn nhau với ánh mắt rất sắc bén như ra hiệu điều gì đó. Họ quay ngang quay dọc như đang tìm kiếm một vật gì. Còn hai người đứng bên ngoài cũng dáo dác như để canh động tĩnh vậy!

Giác quan thứ 6 mách bảo cho tôi biết họ không phải là người tốt, họ là người mới đến chứ không phải khách thường của chùa, xa hơn nữa họ có thể là quân trộm cướp mà tôi thường hay đọc trên những trang báo là rất nhiều chùa bây giờ bị cướp lộng hành. Có những chùa đã bị những người xấu đập tượng Phật Quan Âm ở trước cửa chùa sau một buổi sáng thức dậy; cũng có những chùa bị họ đổ nước sơn đủ các màu lên những tượng để bên ngoài chùa vì mục đích khác như tẩy chay người gốc Á, thù ghét đạo Phật v…v…Lại còn có trường hợp nặng nề hơn nữa là họ vào thẳng chùa ngay bàn thu ngân chĩa dao dọa giết con tin và ép phải đưa hết tiền đã thu của ngày hôm đó. Có những nơi thì bị những tên cướp vào khiêng luôn thùng phước sương ra giữa ban ngày mà không ai dám chống cự vì toàn người cao niên và phụ nữ, chúng để ngay trước sân chùa, bổ đôi cái thùng ra xem trong đó có bao nhiêu, lượm hết những đồng tiền ấy và bỏ chạy mà chả ai gọi cảnh sát cho phiền phức. Rồi có chùa thì bị chúng vào bẻ khóa thùng phước sương, cậy mãi cái khóa vẫn không mở được, thấy có nhiểu người bước vào chúng sợ quá nên bỏ chạy sợ bị bắt!


Trong lòng bấn loạn nhưng tôi tự trấn tĩnh, nhẹ nhàng xuống nói nhỏ vào tai thầy trụ trì, những màn văn nghệ vẫn tiếp diễn để đừng làm kinh động đến mọi người. 

Thầy nén cơn bàng hoàng, âm thầm ra dấu cho các sư sãi và ban hậu cần của chùa, nhất là những tay đàn ông mạnh khỏe để còn tiếp sức cho chùa khi cần đến, bên cạnh đó một thầy khác lẻn ra sau chùa gọi cảnh sát.

Chúng tôi theo dõi bốn người họ rất sát, làm như mình không biết gì, để đừng ai bị tổn thương vào ngày mồng 1 tết âm lịch!

Một sư thầy được đề cử ra nói chuyện với bọn chúng:

- Các anh làm gì trên chánh điện vậy? trên đó không có gì cả đâu, hãy xuống dưới này để xem văn nghệ và cùng nhau đón mừng Tết Việt Nam theo văn hóa cổ truyền của chúng tôi.

Một tên trong bọn hất hàm lên tiếng:

- Chúng tôi muốn cho tiền… Thùng Phước Sương ở đâu… sao tôi không thấy trên chánh điện?

Chúng tôi nhìn nhau ngầm ra hiệu “ chúng nó muốn tìm thùng Phước Sương”, thầy lên tiếng, giọng đùa giỡn:

- Vậy thì các ông hãy lên thẳng tượng Phật Tổ nhé, cái thùng ấy đặt ngay cái camera nối liền với bót cảnh sát đó, các ông nếu có ủng hộ chùa thì cho nhiều nhiều một tí để cảnh sát thấy luôn nhe…

Thầy nửa đùa nửa thật vừa để dọa chúng, cũng vừa xem thái độ chúng ra sao.

- Tôi… muốn bỏ vào thùng ấy bao nhiêu cũng được à?

- Vâng! Bỏ nhiều thì tốt nhé, và khuôn mặt của ông sẽ được camera chụp lại để chùa chúng tôi nhớ ơn, và mỗi người đến cho tiền đều có một tấm hình đẹp ở sở cảnh sát.

- Còn nếu tôi muốn cho tiền và có giấy khai thuế thì sao?

- Nếu vậy xin ông cho tên họ, địa chỉ, số phone luôn, chúng tôi sẽ ghi vào sổ làm kế toán cho dễ, xin mời các ông ra bàn thu ngân nơi đây.

Thầy mời họ ra chỗ tôi đang ngồi để làm giấy tờ, tôi vội nói luôn:

- Tất cả những ai đến bàn thu ngân này đều được camera chụp hình lại và gởi đến phòng cảnh sát ngay tức thì, các ông hãy nhìn lên máy và cười đi nào. Chúc các ông một năm mới tốt lành nhé.

- Ở đây… có camera nhiều như vậy sao?

- Vâng! Chỗ nào có tiền nong ra vô thì phải có camera nối với bót cảnh sát chứ bây giờ không đặt niềm tin vào ai được cả, xin ông cảm phiền ạ… Ông thấy không, góc phải này, góc trái kia, đàng sau chỗ treo áo lạnh ngoài và gần phòng toilet nữa đều có camera cả đấy!

Tôi thấy chúng háy mắt nhau, tần ngần vài phút rồi tên đứng bên ngoài vẫy tên bên trong, chúng ra hiệu bỏ đi vì nhìn thấy chùa này đầy những camera trong ngoài và quá đông người vào giờ Giao Thừa, không thuận tiện cho họ làm ăn lúc này.

Chúng vừa bỏ đi thì hai xe cảnh sát đến chùa. Họ lập biên bản và nhắc nhở tất cả mọi người phải đề cao cảnh giác, bây giờ trộm cướp trà trộn vào dân thường, họ có thể ra tay trong đám đông làm hại đến người dân, và khuyên chúng tôi không nên tụ tập chỗ đông người, nhất là những ngày tết cổ truyền Việt Nam đang diễn ra.


Trên đường về nhà lúc 1:30 sáng, khí trời mát mẻ mặc dù đường đầy tuyết trắng,-3 độ C, tôi thỉnh lộc từ chùa mấy đòn bánh tét, vài hộp đồ ăn chay và một cành mai đầy những nụ.

Mồng 1 Tết Giáp Thìn đã đến với những người con gốc Á, con Rồng tượng trưng cho sức mạnh, sự thành công và hạnh phúc, nơi đâu có con rồng lướt qua là nơi ấy có sự huy hoàng uy nghiêm và thanh bình. 

Thấy tôi im lặng vì chuyện xảy ra vừa rồi ở chùa, chồng tôi nắm lấy bàn tay tôi:

- Hôm nay em đã khấn gì cho ngày đầu năm mới?

- Em chỉ xin được sức khỏe và sự an lành…

- Ngày mồng 1 mà gặp cướp thì…cả năm …

- … sẽ rất may mắn đó! Anh biết tại sao không?... Cướp đã chịu thua kế sách của mình, đã bỏ chạy, thì có phải mình đã thành công rồi không? 

- Nhưng sự lo lắng vẫn còn đó! Những buổi parties, đám cưới, họp mặt ở những nhà hàng, bây giờ chả ai dám đeo đồ thật nữa vì sợ cướp. Hồi xưa các bà đeo tỉnh bơ nhưng từ ngày chiến tranh của những nước Ukraine và Nga, rồi đại dịch covid-19, thế giới ngày càng nghèo đi, nạn dân di tản lậu vào Mỹ, qua Canada làm cuộc sống mình càng khó khăn, gây ra nhiều tệ nạn xã hội… Anh rất mong năm mới, hoàn cảnh mới, việc làm nhiều hơn thì mới bớt được thất nghiệp, bớt đói khổ thì sẽ bớt cướp bóc.

- Em tin nếu có điều gì không may xảy ra thì năm con Rồng cũng hoán chuyển cho cái rủi sẽ thành cái may như mình vừa đuổi những tên cướp ra khỏi chùa vậy đó…

- Ừm anh cũng hy vọng có kiêng có lành và có tin ắt có thành công!

- Anh nhớ không, hồi xưa khi mình mới bước chân đến Canada, nơi đây rất ít dân di trú (immigrant), mình đi chơi về rất khuya chả sợ gì hết, để quên đồ bất kỳ nơi đâu cũng không sợ mất mát, nhưng bây giờ vì đói khổ ở khắp nơi trên thế giới, chiến tranh, tai ương, cả thế giới như đang bị trừng phạt vậy chứ không phải riêng một đất nước nào; em thật lo sợ cho đời con cháu mình sau này quá, công nghệ kỹ thuật càng tiến bộ chừng nào thì càng mất an ninh chừng nấy vì có những người xấu lợi dụng những công nghệ ấy để lừa đảo chiếm đoạt lẫn nhau…

- Cũng đáng sợ thật, công nghệ càng phát triển bao nhiêu, con người càng bị lừa bịp dễ dàng hơn nữa… Nhưng mình chỉ nên nhìn phía tích cực của nó thôi, em nghĩ xa quá sẽ làm mình sống tiêu cực và cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa!

Em thấy đó, có những chàng trai trẻ ngoại quốc rất tốt cũng vào chùa lạy Phật, ăn chay, học thiền, phát tâm giúp chùa quét dọn, rửa bát, làm bếp vào những ngày cuối tuần… Bất cứ nơi đâu, quốc tịch nào cũng có cái xấu và tốt hiện hữu; bất kỳ việc làm nào cũng có cái tích cực và tiêu cực, thôi thì mình hãy nên nhìn những điều tốt đẹp để có niềm tin cho tương lai!

Chúng tôi vội xua đi khỏi đầu những lo lắng, chút phiền muộn vừa qua để tiếp tục đón những ngày xuân còn đang tiếp nối…


Xe về đến khu phố chúng tôi ở, nơi đây những gia đình Việt khá đông, tay ai cũng cầm theo những nhánh mai đầy nụ và lộc quýt, gặp nhau ở ngã tư đèn đỏ để quẹo vào con đường nhà chúng tôi, một người quen kéo cửa kiếng xuống, nói thật to giữa con đường trống vắng vào 2 giờ sáng:

- Quý vị ơi, năm con Rồng 2024: 

Thành công liên miên

Hạnh phúc triền miên

Túi luôn đầy tiền

Sung sướng như tiên…nhe!


Montreal, 

Sỏi Ngọc, 9 Fev 2024


No comments:

Post a Comment