Saturday, February 10, 2024

Mùa Xuân Đến Muộn - Thiên Lý


Chuyện bắt đầu vào những năm tháng khó khăn nhất trong gia đình tôi. Những ngày mẹ tôi bị ốm, mọi việc hầu như rối tung cả lên khi thiếu vắng sự lo toan và bàn tay điều khiển của mẹ trong nhà.


Năm ấy, tôi hai mươi mốt tuổi, lần đầu tiên tôi được mẹ giao phó nhiệm vụ đi thăm cha tôi một mình ở trại “cải tạo” Suối Máu, Biên Hòa. Thường thì những lần thăm nuôi trước thỉnh thoảng tôi đi với mẹ, có khi mẹ tôi cho các em tôi theo mỗi đứa thay phiên nhau theo mẹ đi thăm cha một lần. Nhưng lần này, mẹ tôi đang bị bệnh, tiền vé tàu xe lại càng ngày càng lên giá nên việc hạn chế số người đi thăm cha tôi là điều tôi phải hiểu… Mẹ căn dặn tôi đủ điều và quan trọng hơn là hỏi ý kiến cha tôi về chuyện mẹ sẽ …gả chồng cho tôi. Nghĩ đến đó, lòng tôi lại hoang mang, bối rối. Hai hôm trước, mẹ sốt mê man, tôi biết chắc là mẹ đau trong người lắm, mẹ không ăn gì cả chỉ nằm rên khe khẽ.Tôi đến gần mẹ, lúng túng, lo sợ, hết sờ trán rồi nắm tay gọi mẹ cuống cuồng. .. Mẹ ơi, mẹ đừng làm con sợ, mẹ ráng khoẻ lên nhé. Tôi nghe tiếng mẹ thều thào bên tai một dự định như lời trăn trối:

– Trân này, mẹ yếu lắm rồi… không biết sẽ còn sống được bao lâu… trước khi mẹ nhắm mắt, mẹ muốn con …lấy chồng, mẹ muốn …thấy được đám cưới của con.


Tôi run rẩy, lo lắng lẫn xúc động làm tôi không nói được lời nào. Lấy chồng, đám cưới, những chữ ấy nghe thật bình thường mà sao nó lại xa lạ với tôi quá chừng. Xa lạ là vì tôi chưa hề gặp mặt người đàn ông mà mẹ chọn cho tôi tuy biết ông là người châm cứu hằng ngày cho mẹ. Tôi chỉ nghe nói ông ta trước kia đi lính, lại lớn hơn tôi tới mười tuổi và nghe Châu, em gái tôi thường nhắc tên ông ta là chú Định. Châu biết ông Định nhiều hơn tôi vì nó có nhiệm vụ chở mẹ tôi đi châm cứu mỗi ngày. Mẹ ông và mẹ tôi quen nhau trong một chuyến đi thăm chồng rồi trở thành bạn bè. Do đồng cảnh ngộ hai bà mẹ đã thân thiết nhau hơn và chuyện làm sui đã được trao đổi qua lại. Một ngày, trước lúc mẹ tôi bị bệnh, câu chuyện dự tính hôn nhân với ông Định đã làm tôi giật mình, e ngại. Tôi giẫy nảy lên rằng, con không biết người ta là ai, sao mà chịu được rồi vùng vằng bỏ đi. Mẹ đã níu tôi lại ôn tồn bảo:

– Ngồi xuống nghe mẹ bảo đây. Ngày xưa mẹ với bố mày cũng không có biết nhau mà đã ăn ở với nhau thuận hòa đẻ ra một lũ tám đứa chúng mày đấy thôi.

Thấy tôi sụ mặt không nói mẹ lại dỗ dành:

– Mẹ xem ra anh ta là người tốt đấy, thời buổi khó khăn thế này mà đi làm châm cứu từ thiện. Con có thấy ai làm được như thế không? Bác Khánh người bắc mà lại hiền lành, phúc hậu, vụng về như mày về làm dâu nhà bác cũng không phải lo bị quở mắng nặng nhẹ.

Tôi vẫn lắc đầu nguầy nguậy, lần này mẹ tôi bực bội gắt:

– Mày cứ tự do yêu đương vớ vẩn rồi lại bỏ nhau sớm thôi. Mà có đứa nào thương mày chịu đến hỏi cưới mày chưa? Con gái có một thời thôi, vài năm nữa già đi còn ai hỏi nữa.

Tôi im lặng ngồi nghe mẹ thuyết giảng. Lấy chồng, dù không yêu thương nhưng rồi sinh con làm mẹ, bổn phận với con cái gia đình cũng làm mình vui ra biết chưa?

Tôi nhìn mẹ nằm thiêm thiếp trên giường, nghĩ đến cảnh nghèo của gia đình tôi, những ngày thiếu ăn, thiếu mặc. Lấy chồng rồi có khá hơn không? Hay vẫn rơi vào cảnh nghèo muôn thuở. Tôi thở dài buồn bã…


Buổi sáng tôi dậy thật sớm, chuẩn bị hai giỏ đồ ăn và một chai nước đi thăm cha tôi. Mỗi lần đi thăm cha là giỏ đồ ăn nhẹ đi một chút. Có lẽ cha tôi cũng biết được sự khổ cực của vợ con ở nhà nên cha chẳng xin gì nhiều. Chỉ có ba thứ cần thiết là một ký đậu phọng rang, một ký đường tán, vài bánh thuốc rê vớí một hũ mắm ruốc. Tôi cũng mua thêm mấy thứ bánh kẹo lặt vặt và nắm hai nắm cơm cho cha tôi. Để tiết kiệm tiền, thay vì đi xích lô, tôi đi bộ từ nhà ra ga Sài gòn, rồi mua vé xe lửa đi Biên Hoà. Ngồi trên tàu lòng tôi nóng như lửa đốt, mong sao cho tàu chạy nhanh để tôi gặp cha, tôi sẽ nói với cha nhiều chuyện lắm. Tàu ngừng ở nhiều ga nhỏ để đón khách càng lúc tàu càng thêm đông người.


Ga Biên Hoà cũng tấp nập người không kém gì ga Sài gòn. Hành khách tranh nhau xuống ga, những bà buôn bán lỉnh kỉnh rổ, thúng, quang gánh to tiếng nạt nộ người chen lấn. Tôi chán ngán nhìn cảnh tượng ấy rồi để mặc sự chen lấn, tôi cũng bị đẩy theo dòng người chen chúc đó ra khỏi tàu…Sau đó, tôi lại lẽo đẽo theo mấy người đàn bà đón xe lam đi Suối Máu, ngồi trên xe lam với tôi cũng có vài người đi thăm thân nhân làm tôi cảm thấy yên tâm hơn…


Đến nơi phải ngồi chờ một lúc lâu, ai cũng sốt ruột. Khi cánh cổng rào xiêu vẹo được kéo ra một người cán bộ xuất hiện với bộ mặt quan trọng vẫy tay ra lệnh cho mọi người vào trình giấy thăm nuôi. Tôi đợi tới phiên mình mà lòng hồi hộp vô cùng, khi thủ tục giấy tờ đã kiểm xong, những người thăm nuôi được chuyển vào ngồi trên những chiếc ghế băng dài …lại …chờ. Tôi nhìn cảnh vật chung quanh toàn những cây lá khô héo, mặt đất thì bụi mù. Không biết cha tôi sẽ đi từ đâu ra. Chợt tôi nghe tiếng một người đàn bà nói: “Kìa, mấy ổng ra kìa”, không ai bảo ai, mọi người đều tự động đứng lên, nhớn nháo nhìn. Tôi cũng đứng lên theo cố chen lên phía trước để tìm bóng dáng cha. Tôi chợt ứa nước mắt khi thấy cha tôi đi sau cùng, dáng cha vốn đã thấp và gầy người, giờ cha ốm yếu trông càng nhỏ hơn. Cha tôi chưa nhìn thấy tôi ngay, tôi phải đưa tay lên vẫy vẫy gọi to: “Bố ơi, bố ơi, con đây nè!”

Cha tôi bước đi xiêu vẹo đến gần bên tôi, hỏi ngay:

– Mẹ đâu?

– Mẹ ốm không đi thăm bố được, có một mình con thôi. Tôi nghẹn ngào nói.

Hai cha con tôi ngồi xuống một chiếc ghế băng sát tường, tôi run giọng hỏi:

– Bố có khỏe không? Lần này con thấy bố ốm đi nhiều quá.


Tôi vừa nói vừa nắm lấy tay cha, nhìn khuôn mặt khắc khổ, mái tóc bạc trắng và chòm râu dài gần tới ngực của cha. Tôi cảm thấy xót xa, nước mắt lại rơi tiếp… Cha hỏi tôi chuyện ở nhà, chuyện mẹ tôi đau ốm…Rồi cha thở dài, mắt nhìn mông lung xa vắng, tôi nói:

– Tụi con mong bố về từng giờ từng phút, mấy đứa ở nhà đi học, hôm nào gặp bài toán khó không ai giảng lại nhắc đến bố…

Cha ngắt lời tôi, giọng buồn đau:

– Thôi mày đừng khóc nữa, cán bộ nó thấy là mệt lắm. Hôm nọ bố bị nó tịch thu mấy bài thơ “Nhớ Nhà” còn bị đưa ra “kiểm điểm trước tập thể” nữa đấy.

Tôi nhìn cha sửng sốt:

– Trời ơi, nhớ nhà là cảm xúc tự nhiên của con người mà sao họ lại cấm.

– Chúng nó là những người không có trái tim… thôi, không nhắc nữa, ở nhà chị em cố đùm bọc, thương yêu nhau, đừng làm gì cho mẹ mày buồn đấy.Trong này ai cũng khao khát được về mà biết đến bao giờ mới về.

Cha tôi nói trong tiếng thở dài nẫu ruột.

Tôi đưa giỏ đồ tiếp tế về phía cha:

– Mẹ mua những thứ bố dặn trong giỏ này…

Cha tôi gật đầu bảo để đấy. Tôi kể sơ cho cha tôi nghe về chuyện đi làm của tôi, chuyện học hành của các em ở nhà. Tôi dự định sẽ nói bao nhiêu điều mà bấy giờ ngồi gần cha, tôi lại ấp úng cứ nói chuyện nọ xọ chuyện kia, chẳng có đầu đuôi gì hết. Cha tôi chỉ ngồi im lặng nghe…Tôi hỏi cha:

– Bố có đói không? Con cắt cơm nắm cho bố ăn nha, có gói muối mè lục vị con làm nữa.

Cha tôi xua tay giọng buồn cay đắng:

– Thôi, thôi, có thì giờ đâu mà ăn, nó đánh kẻng đi vào bây giờ. Ở trong này thiếu thốn đủ mọi thứ, nhưng mà cứ luyện mãi chữ “khắc phục” của chúng nó thì cũng xong.


Tôi nhìn cha, lòng dâng lên một sự thương cảm dạt dào. Tôi biết cha tôi là người sống mẫu mực, giỏi chịu đựng. Ngày trước khi còn ở nhà, cơm dù ngon hay dở lúc nào cha cũng chỉ ăn có hai chén đều đặn. Cha rất ít uống rượu, chỉ thích hút thuốc lá Ruby Queen, cha còn dặn mẹ tôi thời buổi chiến tranh, một tuần phải cho các con ăn cực vài bữa để thích ứng với thời cuộc, lỡ có chạy giặc, thiếu ăn, thiếu uống thì cơ thể sẽ quen đi. Tôi còn nhớ những bữa ăn đạm bạc của gia đình tôi có khi chỉ là cháo đậu xanh với đường, hoặc cơm đậu đen với dưa giá, hay bí đỏ xào với khoai lang. Những ngày tháng gần tàn chiến cuộc, món ăn thường xuyên chúng tôi ăn mỗi ngày là su su xào với mì gói. Cha tôi cũng ăn như thế mà không hề phàn nàn gì trong khi tôi và các em thì cứ than ngán ứ lên. Thời đó, tuy còn nhỏ tuổi, tôi đã thầm mơ ước cho mình một người bạn đời sau này sẽ phải có tính liêm khiết, cương trực và dễ chịu như cha tôi… Tiếng người cán bộ nhắc nhở còn khoảng mười lăm phút nữa là hết giờ thăm làm tôi giật mình. Tôi nhớ đến chuyện lấy chồng mà mẹ dặn phải nói với cha tôi. Tần ngần một lúc tôi mới ngập ngừng:

– Bố ơi.. Mẹ dặn con… báo với bố là …mẹ sẽ …gả chồng cho con, ý bố thấy sao?

– Lấy chồng? Cha tôi trợn mắt hỏi lại.

Tôi ứa nước mắt tức tưởi nói:

– Bố ơi, con chưa muốn lấy chồng đâu, bố nói với mẹ giùm con đi.

– Thằng đó làm gì?

Tôi lắc đầu:

– Con không biết, con chưa bao giờ gặp.

– Ôi giời, thế thì lấy làm sao được?

– Bố viết mấy chữ cho mẹ bây giờ đi, để con cầm về…

Cha tôi im lặng, đôi mắt cha như trũng sâu xuống. Tôi sụt sịt một lúc, rồi nắm tay cha lắc nhẹ:

– Bố, bố thương con, bố giúp con đi, con không muốn làm cho mẹ buồn, nhưng nếu bố nói không thì mẹ phải chịu.

– Tại sao?

Tôi nói trong nước mắt:

– Ở nhà khổ lắm bố biết không, bữa đói bữa no, con không yên tâm để đi lấy chồng, sợ đói khổ cứ tiếp nối hoài. Con thấy mình kiệt sức nếu lấy phải một ông chồng không có việc làm, phải nai lưng ra đi làm nuôi chồng, khổ lắm. ..con … con sợ khổ quá rồi…

Cha tôi thở dài không nói, tôi nức nở tiếp:

– Con cũng không biết ông ta là ai, tính tình ra sao. Nếu không có tình cảm thì không thể chịu đựng hay đối xử tốt với nhau được…

Cha tôi ôm vai tôi vỗ về:

– Đừng nói thế, hồi xưa bố với mẹ mày cũng không biết nhau nhiều…

Tôi nhìn cha ngắt lời giận dỗi:

– Sao bố nói giống như mẹ quá. Bố không có ý kiến gì sao?

Cha tôi lắc đầu:

– Bố chịu thôi, bây giờ bố không quyết định được điều gì bằng mẹ mày ở nhà. Nói với mẹ mày cứ sắp xếp sao cho thuận tiện thì làm..

Nghe cha nói, tôi nấc lên nghẹn ngào. Cha tôi vuốt tóc tôi tiếp:

– Bố trông con mới ở tuổi đôi mươi mà tiều tụy quá, cứ điệu này thì tuổi xuân biến đi nhanh lắm, thôi thì cố gắng vậy, bố chẳng muốn nhìn con gái mình chết già đâu.

Tiếng kẻng bỗng vang lên báo hiệu giờ thăm nuôi đã hết. Cha con tôi còn chần chừ, tôi cảm nhận sự run rẩy từ bàn tay cha đang nắm lấy bàn tay tôi như không muốn rời. Giờ thăm sao qua nhanh quá, giây phút chia tay nặng trĩu nỗi buồn lưu luyến. Không chỉ riêng gì cha con tôi, nhiều người đi thăm nuôi khác ai cũng chần chừ. Sự dùng dằng của cha con tôi rồi cũng phải chấm dứt. Cha tôi xách lấy giỏ đồ buồn rầu dặn tôi:

– Thôi bố vào đây, chị em ở nhà cố đùm bọc nhau mà sống, đừng làm gì để mẹ mày buồn đấy. Con đi đường về cẩn thận nhé!

Tôi nghẹn ngào:

– Bố giữ sức khoẻ nha bố. Tụi con lúc nào cũng mong bố được về sớm.


Cha tôi gật gù rồi lững thững bước theo đoàn người vào phía trong hàng rào. Tôi nhìn theo dáng người nhỏ bé của cha khuất dần mà nước mắt cứ rơi rơi… Không biết rồi sau hàng rào kia, cuộc sống của cha tôi và còn bao nhiêu người cha khác sẽ tiếp diễn ra sao trong cảnh khổ đọa đầy. Nỗi nhớ thương gia đình, nỗi khao khát tự do cứ thiêu rụi tâm hồn con người cháy đen mòn mỏi, đầy ám khói tối thui … Tôi không nhớ mình đã đứng bất động bao lâu thì bị xua đuổi. Tôi quệt nước mắt bỏ đi lê từng bước chân nặng như đeo đá trên con đường đầy bụi cát. Hình dáng cha tôi với giỏ đồ trong tay vẫn chập chờn quanh tôi dưới ánh nắng chiếu lấp loé từ phía mặt trời xa đang sắp ngả dần về hướng tây.


Dự tính về chuyện hôn nhân cho con giữa hai bà mẹ đã không thành vì bệnh tình của mẹ tôi ngày càng trầm trọng thêm. Ngày cuối cùng mẹ tôi hấp hối trên giường bệnh cũng là ngày đầu tiên tôi gặp Định. Đó là một người đàn ông khoảng ngoài ba mươi tuổi, gầy, dong dỏng cao, ông có tật ở chân hay sao mà dáng đi trông khập khiễng. Định ghé qua thăm hỏi mẹ tôi về việc lâu không thấy Châu chở mẹ đi châm cứu. Tôi thấy được sự ngạc nhiên trên khuôn mặt ông toát ra từ cái nhìn lạ lẫm về phía tôi, và một sự xót xa trong ánh mắt không ngờ mẹ tôi bị trở bịnh nặng đột ngột như thế. Hôm đó ông cũng lấy kim và điếu ngải ra châm cứu thêm cho mẹ. Chúng tôi luôn có những cái nhìn tò mò len lén qua lại. Định có khuôn mặt hơi dài với hàm râu quai nón bao quanh, đôi mắt sâu sâu dưới cặp chân mày hơi rậm, cái miệng rộng kiêu kỳ ít cười làm cho gương mặt ông nhìn có vẻ khó. Tôi thất vọng ngẫm nghĩ, người có tật này sẽ là chồng mình sao? so với ông ta mình còn quá nhỏ bé. Không biết mẹ tôi đã chấm ông ở điểm nào cho tôi? Nhớ đến những trận đánh nhau của vài cặp vợ chồng trong xóm, tôi liên tưởng đến khuôn mặt khó khăn của Định trước mắt. Khuôn mặt khó và hơi dữ này mà nổi giận thì thế nào tôi cũng bị ăn tát tai như chơi… tôi chợt rùng mình! Tôi cầu mong ông cũng chê tôi, một đứa con gái ốm nhom, xơ xác, tiều tụy… Mỗi khi ông bảo tôi giúp ông cầm cây ngải đưa qua đưa lại trên người mẹ để ông đốt kim thì tôi lại cụp mắt xuống để tránh cái nhìn kỳ quặc từ đôi mắt sâu của ông. Bởi tôi có mặc cảm về đôi mắt lãng mạn của mình như mẹ tôi vẫn hay cảnh cáo. Theo mẹ, lãng mạn là một tính xấu của người con gái mà nó lại hiện trong đôi mắt tôi. Hồi ấy, tôi chẳng biết đôi mắt lãng mạn có cái nhìn ra sao nên tôi không dám nhìn ai lâu. Có người khen mắt tôi đẹp, có người thì chê mắt buồn quá.


Mọi sự cố gắng của Định hôm ấy đều thất bại, mẹ tôi yếu dần trong từng hơi thở. Mẹ nhướng mắt lên, nắm lấy tay Định rồi nhẹ nhàng đặt tay ông lên bàn tay tôi. Môi mẹ mấp máy khó nhọc:

– Mẹ mong…mẹ mong … hai đứa …sẽ …

Mẹ tôi chưa nói hết câu thì đã nấc lên một tiếng rồi nghẹo đầu sang bên trái…Tôi rút nhanh tay mình ra khỏi tay Định, nắm hai vai mẹ lay mạnh, tôi banh mắt mẹ tôi lên, tôi lắc khuôn mặt mẹ. Tôi vẫn còn chút hy vọng mong manh rằng, mẹ tôi sẽ mở mắt ra, mẹ sẽ mỉm cười với tôi, sẽ nói với tôi một lời nào đó. Nhưng, mẹ đã chìm vào giấc ngủ thiên thu thật rồi! Thật rồi! Tôi nghe tiếng gào thét của chính tôi như một người điên, tôi khóc la trong sự tuyệt vọng hãi hùng… Có bàn tay ai đã kéo tôi ra xa mẹ mặc cho tôi cố vùng vẫy, chống trả để lại gần mẹ tôi, tôi gọi mẹ đến khản cổ …và tôi lịm đi vài phút…

oooo0oooo


Nếu không có sự giúp đỡ tận tình của bác Khánh và Định thì tôi không thể hoàn tất được nhiều việc cho ngày mai táng mẹ, còn bao nhiêu phong tục cúng tế mà tôi chưa hề biết đến. Định giúp tôi đi đánh điện tín cho cha tôi, nhưng những con người cộng sản sắt đá, tàn ác kia đã không cho cha tôi về với chúng tôi để tiễn mẹ đi. Một bầy con nhỏ đi theo chiếc xe tang ra nghĩa trang, trời hôm ấy chuyển mưa mỗi lúc một lớn. Phần huyệt của mẹ tôi bị nước ngập một nửa, những người đào huyệt phải tát nước bớt đi để hạ áo quan xuống…Ngày tang lễ của mẹ ngập nước mắt các con và đầy nước mưa đến nhũn cả đất…


Mọi việc tạm ổn sau ngày cúng mở cửa mả cho mẹ. Định vẫn thường xuyên ghé qua thăm chúng tôi mỗi chiều, dần dần ông như người thân quen trong nhà. Tuy gần gũi như thế, giữa tôi và Định vẫn chẳng nảy nở được chút tình cảm đặc biệt nào. Tôi xem Định như một ân nhân với món nợ ơn nghĩa canh cánh bên lòng. Còn ông, vẫn cái nhìn xa lạ, thái độ lạnh lùng, cách xưng hô “tôi với Trân” khô khan. Các em tôi gọi Định bằng chú, tôi gượng gạo gọi ông bằng anh.Tôi không tin rằng tôi có thể yêu được một người đàn ông như Định cho dù ông là một người tốt.


Cuộc sống cơm áo vất vả làm cho tuổi xuân của tôi ngày càng tàn tạ nhanh hơn giữa cuộc đời khô khốc như buổi tàn thu. Lúc đó, tôi đang làm việc ở một lò bánh in đậu xanh, lương lãnh công nhật chẳng có là bao nhiêu. Tôi phải xin ông chủ cho tôi đi bỏ mối bánh dạo để có thêm tiền. Đồng thời, tôi cũng lấy bánh về cho hai đứa em gái đang học trung học đem vào trường bán trong giờ ra chơi. Mấy đứa em tôi xúm xít nhau mỗi đứa một tay tự đi kiếm tiền bằng đủ mọi cách sau giờ học. Thằng Tú, em út tôi mới lên 10 tuổi đã lang thang theo nhóm trẻ bụi đời đi bán quạt ở rạp hát. Tôi lo lắng sợ em hư đốn vậy mà nó không bỏ học một ngày nào, lại được cô giáo khen. Có lẽ tất cả chúng tôi đều thừa hưởng cái “ gene” hiền hậu của cha mẹ dẫu ra đời sớm, đứa nào cũng ý thức được chỉ học điều tốt và phải tránh điều xấu. Mẹ con Định hay khen các em tôi ngoan…Vài tháng sau, Định bỏ nghề châm cứu từ thiện để làm thư ký cho một tổ hợp làm dầu thoa, như là dầu Cù là, dầu Khuynh Diệp, dầu Nhị Thiên Đường… Chủ tổ hợp là một người bạn cũ của cha Định. Nhờ Định xin giúp, ông cũng cho Báu, đứa em trai lớn của tôi vào làm chung tổ hợp với Định và nó được ưu tiên chỉ làm buổi chiều ở khâu đóng nút chai… Càng ngày tôi càng mang nợ Định, món nợ tình nghĩa không biết bao giờ mới trả hết được.


Đúng một năm sau ngày mẹ tôi mất, cha tôi trở về. Sự vui mừng không sao tả xiết. Bác Khánh ghé đến thăm cha tôi cùng với Định, biết chuyện hai mẹ con bác đã giúp đỡ chúng tôi tận tình trong thời gian mất mẹ, vắng cha. Cha tôi cảm động lắm, những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo, đau khổ. Chắc bác Khánh hiểu được nỗi buồn của cha tôi và bấy giờ cũng không phải là lúc để nói chuyện đính ước giữa tôi với Định. Hơn nữa, cha Định cũng chưa được thả về, vì thế chuyện ấy đã được xếp vào lãng quên. Bác Khánh đến thăm cha tôi thêm vài lần, sau đó những cuộc thăm viếng thưa dần rồi mất hút…Cha con tôi lăn lộn làm đủ mọi nghề để cầm cự với cuộc sống rách nát. Bận rộn vì sinh nhai, chúng tôi chẳng còn thì giờ để nhớ đến bác nữa, đành chịu thôi! Tuy vậy, tôi vẫn cầu nguyện vong linh mẹ phù hộ cho chúng tôi có được một dịp nào đó để đền ơn, đáp nghĩa mẹ con bác Khánh… Mười mấy năm sau, cũng như bao gia đình quân nhân khác, chúng tôi được định cư ở Mỹ theo diện H.O.

oooo0oooo

Thấm thoát đã hai mươi mấy năm lặng lẽ trôi qua kể từ ngày mẹ tôi mất… Một sự tình cờ kỳ diệu đẩy đưa cơ hội cho tôi chuyển từ công ty “Institute on Aging – Older Adult Care” ở Morgan Hill vào làm công ty “Home Health Agencies” ở Santa Clara vào những ngày cận tết. Đây là một công ty cung cấp những y tá phụ đến săn sóc cho bệnh nhân tại nhà. Chính công việc này đã cho tôi gặp lại bác Khánh, một bệnh nhân mà tôi được công ty cử đến chăm sóc. Tôi đã ngờ ngợ nhận ra bác khi thấy tên Bùi thị Khánh trên hồ sơ. Quả là trái đất tròn, gia đình tôi và bác cùng định cư ở một tiểu bang Cali này bao lâu rồi mà lại không biết để liên lạc. Tôi thật mừng rỡ cho dịp may gặp gỡ này để tôi có thể trả món nợ ơn nghĩa ngày trước, nhưng phải đền đáp bằng cách nào thì tôi chưa biết được. Bác Khánh bị yếu hai chân khi di chuyển phải có walker chống đỡ. Nhiệm vụ của tôi đến thăm bác mỗi ngày là đo áp huyết, giúp bác uống thuốc và phụ công việc vệ sinh cá nhân cho bác.


Sau một ngày đầu làm việc, tôi mới gợi chuyện để bác nhận ra tôi. Tuy bác đã ở tuổi ngoài tám mươi bác nói chuyện hãy còn minh mẫn. Trong sự mừng vui với nhiều cảm xúc đầy nước mắt, bác cho tôi biết chồng bác đã bị chết trong tù, thời gian đó bác rất buồn và có nhiều chuyện phải lo trong gia đình nên đã mất liên lạc với chúng tôi. Sau đó, Định đi vượt biên, rồi ông đã bảo lãnh bác và các em qua Mỹ. Nhắc đến Định, bác vẫn không quên chuyện đính ước ngày xưa, liền nói:

– Này, cháu biết không, tội nghiệp Định lắm, cứ mải lo cho mẹ với các em đến giờ đầu bạc rồi mà hãy còn độc thân đấy! Giá như hồi ấy mẹ cháu khoẻ mạnh thì chuyện hai đứa cũng xong rồi. Còn gia đình cháu thì sao? Bố vẫn khoẻ chứ?

– Dạ bố cháu mất đã bốn năm rồi ạ…

Bác Khánh hỏi giọng hốt hoảng:

– Ô, ông mất rồi à, tội chưa! Ở VN hay ở bên Mỹ này?

– Dạ ở bên Mỹ này ạ. Hồi sang đây, bố cháu mới phát giác ra nhiều bịnh, cao máu, rồi tim…

Bác Khánh ngắt giọng:

– Rõ khổ. Ông nào đi tù về cũng sinh ra hàng tá bịnh trong người đấy cháu ạ, thế còn cháu với mấy đứa em?

– Dạ các em cháu thì cũng đi học rồi đi làm, mỗi đứa một nghề. Em Châu lập gia đình có hai đứa con, còn cháu thì…vẫn độc thân.

Giọng bác Khánh chợt vui vui:

– Ồ, thế hả, cháu còn độc thân, thế thì hai đứa vẫn có cơ hội để làm bạn với nhau đấy. Có người vợ như cháu Định đỡ vất vả hơn.


Tôi ngượng ngùng không nói, thấp thoáng trong trí nhớ tôi hình ảnh ngày nào trên giường bịnh, mẹ tôi tay run run nắm lấy tay Định đặt vào tay tôi…. Ngày ấy đã lâu quá rồi, sự mơ ước của mẹ đã tàn phai. Có thể nào bây giờ…lắc đầu, tôi tò mò hỏi:

– Bao nhiêu năm nay anh Định vẫn không quen ai hả bác?

Bác Khánh buồn buồn nói:

– Cháu xem, bao nhiêu năm cứ đi làm hai “gióp”, dành dụm tiền để lo cho bác và các em nó sang đây. Chuyện lập gia đình, bác giục mãi mà nó cứ chần chừ.

Bác ngừng một chút rồi thở dài tiếp:

– Mà cũng tội cho Định, nó mặc cảm mang tật cái chân cháu ạ, hồi bác sinh nó ra khỏe mạnh, lành lặn đó chứ. Tại đi lính rồi bị thương. Hồi đó Định bị thương nặng lắm, bao nhiêu mảnh đạn ghim nát cái đùi trái, tưởng phải cưa đấy cháu, may mắn sao lại chữa được nhưng đi khập khiễng một chút. Bây giờ trời mà lạnh thì vết thương cũ vẫn bị nhức nhức đấy.

Tôi xót xa hỏi:

– Ủa, anh Định bị thương vậy rồi có phải đi tù không bác?

– Làm gì không, cũng tù hết 5 năm đấy, trước kia Định là trung úy Biệt Động Quân mà. Nó được thả về cuối năm 80, bác phải chạy chọt cho Định học nghề châm cứu đông y để được ở lại Sài gòn không thì bị tống đi kinh tế mới phát rẫy rồi. À này, bác thật lòng nói nhé thỉnh thoảng Định cũng nhắc cháu đấy, nó cứ bảo kiếm ai mà nhẫn nại được như cháu. Giờ mà nghe cháu còn độc thân Định mừng lắm.


Tôi cười nhẹ, nghĩ rằng bác chỉ nói xã giao theo tấm lòng của người mẹ muốn tìm hạnh phúc cho con trai. Tôi nói nhỏ:

– Cháu tin vợ chồng là duyên nợ hết bác à, nếu anh Định với cháu có nợ thì chắc thế nào trời cũng cho gặp.

– Bác cũng mong thế, cháu biết không, bác có 3 cô con dâu mà chẳng ở được với cô nào, phải ở với Định thôi. Nói nào ngay, Định cũng lo cho bác lắm, từ ngày bác bị yếu cái chân, Định bớt làm một “gióp”rồi, nó lo tìm người đến chăm sóc cho bác lúc nó đi làm đấy.


Tôi ngồi im lặng nghe bác kể say sưa về Định, niềm tự hào của bà mẹ về người con trai trưởng trong nhà. Theo lời bác Khánh kể, tôi cảm nhận Định là một người con trai hiếu thảo. Bác còn nói thêm, Định rất muốn gặp tôi để xem “dung nhan ấy bây giờ ra sao” nhưng thời giờ làm việc của tôi cứ bị trùng lắp vào cuối tuần do đó không thể nào gặp nhau được. Tôi đến chăm sóc mẹ của Định mỗi ngày 4 tiếng, sau đó tôi phải đi đến nhà bệnh nhân khác. Đôi khi có thì giờ rỗi rảnh, tôi ghé qua nhà bác để phụ giúp thêm những việc vặt trong nhà. Suốt một tuần lễ chăm sóc bác tôi vẫn chưa gặp lại Định lần nào. Nghe nói ông làm 12 tiếng một ngày, cuối tuần thì Định hay đi tham gia sinh hoạt cộng đồng ở San Jose. Ông cũng hay chở mẹ vào chơi trong hội người già hoặc đi chùa vào ngày lễ lớn. Bác Khánh dặn tôi phải sắp xếp một ngày nghỉ cuối tuần để đến chơi ăn cơm với bác và Định.


Một ngày cuối tuần tôi được nghỉ, chưa kịp sắp xếp thời giờ để đến thăm bác Khánh thì bất ngờ Định đã tìm đến nhà tôi mang theo một túi trái cây to cùng kẹo mứt trước sự ngạc nhiên của cả nhà. Không đứa nào trong các em tôi nhận ra Định và Định cũng không thể nhận rõ ai với ai. Trước hết là Báu, lúc đó nó ra mở cửa cho Định, từ khi ông hết liên lạc với gia đình tôi thì Báu chỉ vừa 15 tuổi mà nay Báu đã gần bốn mươi. Dù đã quên mặt Định, Báu vẫn còn nhớ công việc Định giúp nó làm trong tổ hợp dầu thoa cho đến khi Báu học xong trung học. Các em khác của tôi như Giang, Sơn, Cẩm và Tú thuở đó hãy còn nhỏ lắm nên chỉ nhớ Định qua câu chuyện. Tuy thế, đứa nào cũng vui vẻ, mừng rỡ khi gặp Định. Ông hỏi thăm từng đứa và dĩ nhiên Định không quên được Châu là người vẫn thường chở mẹ tôi đến cho Định châm cứu. Riêng tôi thì đã nhận ra Định ngay từ phút đầu ông bước chân vào nhà. Vẫn bộ râu quai nón bao quanh khuôn mặt hơi dài với cái nhìn khó đăm đăm. Mái tóc muối tiêu trên vầng trán cao đã có nhiều nếp nhăn và cả hai bên khoé mắt, bây giờ lại thêm cặp kính trắng .Vóc dáng Định hơi mập ra chút xíu, Định không nhìn ra tôi, ông lầm lẫn tôi với Ngọc, đứa em gái thứ ba kế Châu làm Châu cười châm chọc:

– Trời ơi, chú Định phải đi thay mắt kính đi, nhìn chị thành em hà.

Rồi Châu kéo tay tôi ra trước mặt Định tiếp:

– Chị Trân đây nè chú.

Tôi giằng tay lại gắt nhẹ:

– Làm gì kỳ vậy, từ từ chú cũng biết chị mà!

Định tròn mắt nhìn tôi vài giây rồi mỉm cười nói:

– Ồ, Trân đây à, Trân trẻ quá, nhìn Trân đâu có ai biết là chị lớn. Mấy chục năm rồi mà Trân không khác gì hồi xưa là mấy. Châu nói đúng đấy, mắt tôi kém rồi phải đi đổi mắt kính để nhìn cho rõ thôi.

Định đưa túi trái cây cho tôi nói thêm:

– Gửi các em ít trái cây thắp hương bố mẹ với ít kẹo mứt để mai cúng ông Táo nhé.

Tôi đón lấy túi trái cây nói nhỏ: – Dạ, cám ơn …chú Định.

Châu đon đả xã giao theo giọng người lớn:

– Trời ơi, mấy chục năm nay được chú đến thăm là quý lắm rồi, chú còn mua nhiều thứ lỉnh kỉnh làm chi xách cho nặng tay.

Định lại cười:

– Này, Châu học câu khách sáo đó ở đâu ra thế? Cứ coi tôi như người nhà đi.

Báu chen vào:

– Chị Châu phải nói vầy nè, chú Định mấy chục năm gặp lại mà đem lễ vật ít quá, mai mốt đem nhiều hơn một chút mới quí đó nghe. hahaha

Châu gõ đầu Báu:

– Thằng khỉ, mày nói thế không sợ chú ngại sao, mai mốt chú hết dám tới thăm mình đó.

Định cười vui:

– Không sao, lần sau đến chơi với mấy em tôi sẽ mang nhiều thứ hơn. À mà này, đừng gọi tôi bằng chú nữa, gọi là anh đi cho vui. Mình cũng như người nhà với nhau rồi còn gì.

Châu đùa:

– Ý chà, chú muốn thành người nhà là tụi Châu phải hỏi chị Trân cái đã.


Định kín đáo nhìn tôi mỉm cười lần đầu tiên tôi thấy nụ cười trên môi ông tràn đầy thân thiện. Không khí trò chuyện thật vui nhộn, Báu và Châu cứ thi nhau góp những câu tếu đùa giỡn với Định. Tôi tưởng như ông đã đem một luồng gió xuân mới đến với chúng tôi, sau cả mấy tiếng đồng hồ hàn huyên bao nhiêu chuyện cũ mới. Định mời tất cả chúng tôi đến nhà ông dùng cơm ngày mai, Định nhấn mạnh:

– Ngày mai cúng ông Táo tôi đặt nhiều thức ăn lắm. Các em đến chơi nhé, đưa ông Táo xong là mình nhập tiệc, nhớ nhé. Phải đến hết đó Mẹ tôi gặp lại các em là bà mừng lắm.

Châu hỏi:

– Nhà anh ở đâu lận?

– Ở Santa Clara chứ đâu.

Châu lắc đầu:

– Xa quá vậy, từ đây lên đó phải tới hai mươi mấy gần ba chục miles.

– Đâu có tới, mà đừng lo, ngày mai tôi lái xe Van 12 chỗ đến đón mấy em đi đàng hoàng.

Tú cười thích thú:

– Wow, chú Định điệu ghê, mời đi ăn còn đến đón đưa mình nữa, thích quá, vậy là phải đi chứ.

Cẩm hỏi tôi:

– Vậy ngày mai mình cúng ông Táo sớm hả chị Trân?

Châu nhanh nhẹn trả lời:

– Ừ cúng buổi sáng để trưa tụi mình còn đi ăn cơm khách. Mấy giờ hả anh Định?

– Khoảng chừng trưa trưa đó. Mấy chị em đi hết nhé.

Cả mấy cái miệng cùng đồng thanh: – Đi chứ, đi chứ.

Định kiếu từ ra về rồi mà dư âm của những kỷ niệm xưa hãy còn vương vấn. Những kỷ niệm của một thời cơ cực, gian khổ có sự bảo bọc giúp đỡ của mẹ con ông. Các em tôi cũng nao nức gặp lại mẹ Định ngày đưa ông Táo.

oooo0oooo

Bữa cơm sum họp chiều ba mươi trong gia đình tôi năm nay vui hơn vì có thêm bác Khánh và Định. Niềm vui làm cho bác khoẻ ra, bác nói chuyện huyên thuyên, bác thắp nhang trên bàn thờ ông bà nhà tôi và cầu nguyện như là bác đang nói chuyện với cha mẹ tôi vậy. Bác nói, điều bác mong muốn nhất là xin cha mẹ tôi hãy chứng giám cho chuyện đính ước giữa tôi và Định năm xưa để hai đứa được nên duyên. Bác nói to cho cả nhà đều nghe khiến tôi mắc cỡ vô cùng, còn các em tôi thì che miệng cười khúc khích…Hên cho tôi lúc đó, Định lại vừa ra ngoài hút thuốc với Báu chứ nếu có mặt Định ở đây thì tôi càng bối rối đến độ nào. Tôi thấy lòng mình có chút gì lo lắng, hồi hộp lẫn bâng khuâng mỗi khi nghĩ đến Định. Tôi không hiểu rõ được tình cảm của mình và cũng không biết được lòng Định đối với tôi ra sao? Chúng tôi không còn trẻ để có những ước mơ lãng mạn cho tình yêu nữa, mà phải là tình thương mến trong bổn phận và trách nhiệm để nương tựa, san sẻ cùng nhau cho phần đời còn lại.


Bước đến gần bên cửa sổ, tôi nhìn ra ngoài trời đã buông màn tối. Tôi lại nhớ đến hình ảnh mẹ tôi trên giường bịnh… tay Định trên tay tôi…môi mẹ mấp máy yếu ớt… mẹ mong…mẹ mong…hai đứa sẽ…Tôi lắc mạnh đầu chợt nghe chút xót cay trong mắt. Dựa đầu vào khung cửa, tôi nghe như có tiếng cười vui của mẹ. Tôi thấy mẹ nhẹ nhàng đưa bàn tay lên vuốt tóc tôi, con đã sống hơn nửa đời người rồi đấy, hãy tìm cho mình một hạnh phúc cuối đời đi con ạ! Tiếp lời mẹ là tiếng của cha tôi, bố không muốn con gái mình chết già trong cô độc đâu nhé! và rồi một tiếng nói trầm ấm quen thuộc bên tai tôi:

– Trân có nghe lời cầu mong của mẹ tôi không? Mẹ tôi rất muốn chuyện chúng mình kết thúc tốt đẹp đấy.Tôi đang chờ đợi câu trả lời của Trân đây… Trân biết không? Khi tôi gặp lại em, lòng tôi chợt xao xuyến khó tả, một tình cảm quí mến dạt dào mà trước đây khi còn trẻ, nhìn em tôi chỉ có đầy những mặc cảm, lo âu. Lúc đó, tôi rất buồn cho phận mình, một thằng lính thất trận, một tên tù tàn tạ, một thương binh khốn khổ. Cảnh ngộ em cũng thật đáng thương, tôi thấy mình quá kém cỏi nếu lấy em mà không bảo bọc được đời em. .. Trân ạ, hoàn cảnh bây giờ khác rồi, tôi đang trên đường đến tuổi già không muốn nấn ná chờ đợi, tôi thương em và khao khát có em bên cạnh… Trân, Trân có nghe không?


Bàn tay ai đã ve vuốt mãi trên mái tóc tôi, và lay nhẹ vai tôi. Ngước lên, tôi bỗng giật mình trước đôi mắt sâu thăm thẳm của Định. Ông cúi gần lại khuôn mặt tôi hỏi:

– Trân làm sao thế, có nghe tôi nói không?

Tôi gật đầu lí nhí:

– Dạ … em nghe.

– Thế em nghĩ gì về những điều tôi nói?

Tôi cảm giác mắt mình sao càng thêm xót cay, những giọt nước mắt từ từ lăn chậm trên má. Tôi ấp úng như mơ:

– Em … cảm động quá… em nghĩ anh … đã mang đến cho em …một…mùa xuân đẹp… dù có muộn màng …

Tôi vừa dứt câu thì Định đã kéo tôi sát vào bên ông. Tôi gục đầu lên ngực Định để cho nước mắt mình cứ tiếp tục rơi trong hạnh phúc. Xa xa tôi nghe có tiếng pháo đón mừng năm mới, mừng một mùa xuân thật sự đang đến cho đời tôi.


Thiên Lý

1 comment:

  1. Truyện có kết đẹp, nhưng hơi buồn . Nhưng như thế là truyện . Dồng ý không ?

    ReplyDelete